LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Vinh Thanh gần mà xa, gần vì chỉ cách chưa tới hai chục km, đầy nửa tiếng từ nhà tôi đã về tới, xa vì thời gian, công việc không cho phép, mỗi năm chỉ về Vinh Thanh đúng dịp mùa hè, những ngày nắng nhuộm vàng khắp bờ bãi. Mỗi lần về, Vinh Thanh dường càng đổi khác, vùng đất chừng thay áo mới, đường sá rộng rãi, nhộn nhịp xe cộ, nhà cửa khang trang, bề thế, chợ búa rộn rịp suốt ngày đêm. Ẩn sau vẻ hiện đại, những mái đình, từ đường, miếu mạo im ắng dưới những tán cây xanh nhắc nhớ về một vùng đất văn vật đã tồn tại qua 5 thế kỷ. Đây là vùng đất cát “nơi đầu sóng ngọn gió”, được các bậc tiên tổ của các dòng họ bao đời “ngăn sông, lấn biển”, chống chọi với thiên tai, chiến tranh, vượt qua thách thức, khó khăn, bằng ý chí, nghị lực kiên cường đã từng bước lập làng, tạo dựng cuộc sống ấm no trên quê hương nắng gió.
Khác với nhiều làng xã khác trong vùng, xã Vinh Thanh hiện nay từ một làng gốc duy nhất là làng Hà Thanh. Đây là một làng lớn, “nhất làng nhất xã”, tương đối ít trên đất Thừa Thiên Huế. Khi mới thành lập gọi là phường Hà Thanh. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Vinh Thanh mà chúng tôi được cung cấp, sở dĩ có tên là Hà Thanh vì khi chiết nghĩa theo chữ Hán, Hà là sông, Thanh là xanh, có nghĩa là làng bên dòng sông xanh, cũng nhắc về nguồn gốc bản quán xứ Thanh, để chỉ nguồn gốc Thanh Hóa của nhiều dòng họ trong làng. Lại quay về nguồn gốc, các cư dân ra đi có xuất xứ từ “Thanh Đồng, tổng Ngọc Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa”. Thanh Đồng có nghĩa là cánh đồng xanh trong. Đặc biệt, có 2 họ là họ Nguyễn và họ Phan từ Thanh Đồng đến khai phá đầu tiên và góp phần quyết định cho việc lập làng Hà Thanh. Tổ tiên hai họ Nguyễn, Phan đã từ làng Thanh Đồng ra đi trong đội quân của Nguyễn Hoàng, tham gia chinh chiến lập được chiến công và được chúa truy tặng là ngài Nguyễn Công Chánh (họ Nguyễn) và ngài Phan Bá Tùng (họ Phan). Hai vị được dân làng và triều đình sắc phong là tiền khai canh của làng. Sau chiến tranh, họ đã cùng với gia đình, thân quyến của mình dừng chân ở vùng đất Hà Thanh để khai phá đất hoang, lập nên xóm làng. Tổ tiên người làng khi tới định cư ở đây đã đặt tên Hà Thanh như thế là để vọng niệm về làng Thanh Đồng, xứ Thanh Hóa. Với tôi, tên gọi Hà Thanh đã là một mỹ từ, đậm chất thơ lẫn chất mộc mạc của cư dân từ thuở xa xưa cho tới hôm nay. Ngoài ra, cũng phải nhắc thêm rằng làng Hà Thanh có 4 họ đến sớm nhất được thừa nhận là 4 họ khai canh, ngoài hai họ Nguyễn và Phan, còn có họ Trần và họ Đỗ. Khoảng 50, 60 năm sau, tiên tổ họ Trần (ngài thủy tổ Trần Văn Ngày) đã tới đây lập nghiệp. Đầu thế kỷ XVII, khoảng năm Chánh Hòa 26 (1705), tiên tổ họ Đỗ (ngài thủy tổ Đỗ Văn Lực). Nay có miếu thờ Tứ tộc thờ 4 vị khai canh ở gần mốc giới với xã Vinh Xuân để tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân và thờ vọng trong chùa Hà Thanh. Dân làng Hà Thanh khi nói về các họ đầu tiên đều cho rằng: “Nhất Nguyễn, nhì Phan, tam Trần, tứ Đỗ”. Họ là những người dân theo chúa Nguyễn vào Nam tìm vùng đất mới, khai phá lập nghiệp để tạo ra vùng đất giàu đẹp như hôm nay. Hiện các họ khai canh đã có 16 - 18 đời con cháu sinh sống tại làng.
Sau đó một thời gian ngắn, tiếp tục có các dòng họ khác nhập làng. Tiên tổ họ Nguyễn Viết, họ Dương, họ Lê cũng qui tụ về đây cùng nhau khai phá đất hoang. Hiện nay, theo số liệu của Hội đồng chư tộc do cụ Phan Bá Do, thủ từ đình làng Hà Thanh cung cấp thì làng Hà Thanh có tất cả 63 dòng họ sinh sống. Đặc biệt, làng còn lưu giữ được 24 sắc phong cho các vị họ khai canh và khai khẩn, một con số rất ấn tượng. Một vấn đề khác, các hộ ngư dân trên phá cũng có từ lâu đời và sau 1945, được tập hợp thành vạn Hà Mỹ phụ thuộc vào làng Hà Thanh trên cạn, hình thành trên cơ sở cố kết của nhiều gia đình có chung nghề nghiệp và cùng sinh sống làm ăn trên mặt nước. Kết quả của việc khai phá đất hoang xây dựng xóm làng là kết tinh sức lao động tập thể của nhiều thế hệ. Từ đất đai khai phá được, tổ chức làng xã đến những hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa, tập tục ngày càng đi vào quỹ đạo điều phối của Nhà nước và trở thành những truyền thống qúi báu trong tổ chức quản lý, kinh tế và văn hóa hiện nay.
Đứng trước ngôi đình Hà Thanh gần kề đầm phá, nghe cụ Phan Bá Do kể những tích xưa. Ngôi đình lặng lẽ giữa một góc trời với 4 trụ biểu phía trước, bức bình phong được khảm sành sứ rất đẹp và ấn tượng nhất là đôi long mã ở tả hữu đình. Lớp ngói liệt đã rêu phong, cây cỏ mọc một vài chỗ trên mái. Cụ Do cho biết, đình đã xuống cấp nhưng nhiều năm liền chưa tu sửa được. Rằng đây giếng nước cổ có từ ngày lập làng, rồi làm đường đã lấp đi, cỏ mọc xanh um. Ngôi đình hào sảng một thời, cổ kính dưới nắng mưa và chờ những bước đi mới để đình Hà Thanh được trùng tu, là điểm tâm linh nối kết 63 dòng họ.
Đình làng còn là nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nhiều chiến sĩ cách mạng, tiêu biểu nhất là Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Miễn – nguyên Đội trưởng Công an Danh dự huyện Phú Vang, quê làng Hà Úc, Vinh An. Tháng 2, năm 1947, trong một lần đi công tác, đồng chí Miễn bị địch bắt ở đồn Hà Thanh – Hà Úc. Sau nhiều lần dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn nhưng không lay chuyển ý chí sắt đá, một lòng chống Pháp, đội trưởng Trần Xuân Miễn vẫn một mực không khai báo. Giặc Pháp đã đưa Trần Xuân Miễn ra đình làng Hà Thanh để xử bắn. Hiên ngang trước mũi súng của kẻ thù, Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Miễn vẫn dõng dạc hô vang: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!”. Đó là khúc bi tráng trong lịch sử vùng đất này.
*
Những ngày căng gió, chiều về Vinh Thanh đắm chìm trong làn sương mờ ảo của bụi nước. Đây đầm Hà Thanh mênh mông nò sáo. Đây biển xanh thăm thẳm phía ngoài, ôm lấy bờ cát trắng phau, mượt mà vời gọi. Ngày đó, khi mộng mơ trăng sao, chúng tôi đã viết tên mình trên cát, trái tim và những ước mơ chân thật. Tình yêu cùng ngắm sóng cuốn xô như đàn ngựa từ biển vào đất liền, ngắm mây kỳ ảo bay lên từ khói sóng, thấy núi xanh mơ hồ.
Nhớ buổi bình minh, tôi dậy thật sớm, lặng ngắm những đợt sóng êm ả vỗ về bờ cát, xa kia dăm ba cánh chim biển bay đi trong ánh sáng mờ ảo như đâm vào những cuộn mây hồng lơ lửng. Một khối cầu khổng lồ màu đỏ từ từ nhô lên trên mặt nước tối. Bắt đầu là một viền hồng rồi cả quầng nước hồng nằm dưới mặt trời rực rỡ. Gương mặt những người trên bãi cát sáng màu hồng, ai cũng vui tươi lạ kỳ. Khi mọi thứ đã bừng sáng, tôi lao mình vào dòng nước trong xanh.
Sóng vẫn vỗ vào cát Vinh Thanh, nhắc nhở ta về điều muốn nói. Tôi về đây, ngồi dưới những hàng dương râm bóng trong ánh nắng mùa hè cảm nhận mùi hương thầm kín cố hữu biển lan xa đến tận những giấc mơ nhỏ. Mùi biển mặn nồng, tươi mát theo cơn gió thoảng, gợi lên màu xanh hùng vĩ, mênh mông. Mùi cát khô rạo rực dưới chân, nhắc ta nhớ về những dấu chân lầm lũi bao đời bên biển vắng. Và vô vàn mùi cây cỏ trên đồi cát, hắt ra những tiếng thở tinh khôi thơm ngát của loài sâm sát, muống biển, tràm dầu, phi lao. Nhớ ngày đầu tháng Bảy về Vinh Thanh, từ trên cầu Trường Hà, một cột khói bốc cao ngùn ngụt phía dãy rừng phòng hộ. Đám cháy trong đợt nắng nóng dữ dội đã làm đen xạm cả mấy héc-ta thảm thực bì sau thu hoạch đã làm đau biển, đau cát, đau cả vào chúng tôi, những người yêu mến Vinh Thanh.
Chiều ngồi với người bạn thơ, anh Nguyễn Văn Quang ngắm bầy sóng trắng bạc lao xao chạy vào bờ. Những hàng quán lụp xụp đang chuẩn bị di dời để bãi biển quy hoạch lại. Trận bão số 13 năm ngoái đã đánh sạt nhiều bờ cát, những công trình xây dựng lở lói vì sóng vì gió. Những thay đổi sẽ làm Vinh Thanh mới mẻ hơn, tiện nghi hơn, đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch. Khu resort sẽ mọc lên, bãi tắm được đầu tư xây dựng sẽ mọc lên, sẽ làm thay da đổi thịt vùng đất này. Tương lai xanh thắm đang chờ phía trước, cũng như tôi và anh Quang say đắm trong cơn mộng của mỗi người, để bước đi, bước những bước dài về phía trước.
Khi nắng nhạt đi, bức tranh buổi chiều tà mới đi những nét phác thảo với những bóng thuyền khơi xa, dải đất dài lúp xúp cây bụi gợi lên thứ cảm giác êm ả của cô đơn. Ở một góc nghiêng, biển Vinh Thanh ôm trọn vào lòng nó sự yêu thương của tự nhiên không bến bờ, cũng như ta ôm trọn vào lòng một tình yêu bao la biển cả.
Trải qua gần năm thế kỷ hình thành và phát triển, để có một xã Vinh Thanh như hôm nay là một quá trình lâu dài. Đó là kết quả của quá trình lao động cần cù, sáng tạo, của hàng chục thế hệ con cháu của các họ từ nhiều vùng quê khác nhau đã quy tụ về đây. Với địa thế thuận lợi trước có đầm phá, sau lưng biển, chợ kề một bên nếu được khai thác, đầu tư đúng mức, có chiến lược thì chắc chắn Vinh Thanh trong tương lai sẽ trở thành một vùng có kinh tế phát triển, dân cư sầm uất ven biển của tỉnh nhà. Nắng đã lên, gió về xanh, chúng tôi đi trong ngày mới Vinh Thanh với bao ước mơ, trìu mến.
Vinh Thanh, tháng 7/2021