Văn học
Hà Văn Thịnh - Những giá trị để lại
14:50 | 02/11/2021
Thầy Hà Văn Thịnh (1955-2019) giảng viên khoa Sử - Trường Đại học Khoa học Huế (1978-2015) rời “cõi tạm” thế là tròn 2 năm. Thầy còn là nhà văn với bút danh Tô Vĩnh Hà từ hồi còn là cộng tác viên tạp chí Sông Hương.
 
Hà Văn Thịnh - Những giá trị để lại
Cuốn Luận bàn thế sự gồm 125 bài viết từng đăng trên các báo, tạp chí và trên Facebook tác giả
Tiểu thuyết Tro và lửa lạnh (NXB Tổng hợp TPHCM, tái bản 2019) của Hà Văn Thịnh, theo tôi, là một tiểu thuyết xuất sắc về đề tài chiến tranh. Thời buổi này, cuốn sách dày 600 trang khổ lớn, in 1400 bản, bán hết trong thời gian ngắn đã phần nào khẳng định giá trị tác phẩm, nhất là tác giả không phải là “nhà văn tên tuổi”, đề tài cũng không thuộc loại “ăn khách”.
 
Hà Văn Thịnh - Những giá trị để lại - ảnh 1
Tiểu thuyết Tro và lửa lạnh (NXB Tổng hợp TPHCM, tái bản 2019) của Hà Văn Thịnh
 
Trong những giá trị Hà Văn Thịnh để lại, có hàng ngàn bài văn chính luận sắc sảo, gai góc; một phần di cảo này, với sự trợ giúp của TS Trần Đức Anh Sơn, vừa được tuyển chọn thành tập Luận bàn thế sự dày gần 500 trang khổ lớn (NXB Đà Nẵng & Công ty Tao Đàn Thư quán - 2021).
 
Luận bàn thế sự gồm 125 bài được viết vào nhiều thời điểm khác nhau, từng đăng trên các báo, tạp chí và trên Facebook của tác giả. Với nội dung rất phong phú, không dễ phân loại, nhưng để bạn đọc dễ theo dõi, TS Trần Đức Anh Sơn (người biên soạn và tổ chức in) đã tạm phân thành 5 chủ đề: Theo dòng thời sự, Góc nhìn sử học, Bàn về giáo dục, Minh triết Đông-Tây, Nhân vật thời đại.
 
Mỗi bài viết có nội dung riêng, nhưng trong Lời bạt cuốn sách của TS sử học Nguyễn Khắc Thái - bạn đồng môn khóa 18 khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội, học trò của những tên tuổi như Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm…, cho rằng, chính phẩm chất, phong cách nhà khoa học lịch sử Hà Văn Thịnh đã đem đến giá trị cho hàng loạt bài viết của anh. Phẩm chất đó là “Hà Văn Thịnh đi tìm cái mâu thuẫn, cái nghịch lý, cái trớ trêu mà lịch sử đã trải qua như là một thử thách sức chịu đựng của con người […], tìm cách lật mặt trái của lịch sử để chỉ trích, để phê phán, góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh của lịch sử […] dấn thân đi tìm sự khác biệt khoa học bằng cách xác lập tư duy hệ thống để thoát ra khỏi những ám ảnh của lối tư duy sự kiện…”
 
TS Nguyễn Khắc Thái cũng chỉ rõ khía cạnh khác “của sự khác biệt mà Hà Văn Thịnh đạt được trong sự nghiệp khoa học của mình là cái cách Hà Văn Thịnh định vị các giá trị lịch sử bằng phương pháp so sánh […] Thay vì so sánh các biến cố và các sự kiện theo phương pháp “so sánh tự thân” như nhiều nhà sử học vẫn thường làm thì Hà Văn Thịnh lại chọn sự so sánh lịch sử cả trên hai chiều đồng đại và lịch đại. Phương pháp này giải phóng nhà sử học ra khỏi sự lệ thuộc máy móc vào sự kiện mà quan tâm nhiều hơn đến các dữ kiện làm nên sự kiện và biến cố lịch sử, đặt nó trong sự so sánh với môi trường và điều kiện làm bùng phát các biến cố lịch sử…”
 
Với một cuốn sách có nội dung đa dạng như Luận bàn thế sự, thiết nghĩ trích dẫn các nhận định có tính “tổng quát” như trên có thể giúp bạn đọc hiểu đúng giá trị của tác phẩm hơn là phân tích các bài viết cụ thể. Chỉ xin nêu vài ví dụ để bạn đọc thấy phong cách văn chính luận Hà Văn Thịnh. Ngay sau thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản 11.3.2011, Hà Văn Thịnh có bài với nhan đề tưởng là “lạc điệu" Nhật Bản – cây bonsai của cuộc đời, nhưng chính từ cách “chơi” bonsai, tác giả đã nêu bật phẩm chất tạo nên nhiều điều kỳ diệu ở Nhật Bản. Và từ những thành tựu của Nhật Bản, với phương pháp “so sánh lịch sử cả trên hai chiều đồng đại và lịch đại”, tác giả viết: " …Xét về mật độ dân số, Nhật chật chội hơn Việt Nam. Xét về tài nguyên, đất đai, Nhật chỉ bằng 1/10 Việt Nam. Xét về thời điểm bị phương Tây “hỏi thăm” (Việt Nam là tháng 8.1858) hai nước là tương đương […] Nhiều và rất nhiều những điều khác là chứng minh rằng Việt Nam thuận lợi hơn nước Nhật nhiều lần. Thế nhưng kết quả thì ai cũng biết…”
 
Chỉ dẫn từng đó, đủ để bạn đọc nghĩ tiếp để có ứng xử thích hợp. Một đề tài có tính trừu tượng Nghĩ về minh triết Việt Nam, sau khi cung cấp cho bạn đọc nhiều định nghĩa về từ “minh triết” của nhiều tên tuổi như Hoàng Ngọc Hiến, Trần Quốc Vượng, Nguyên Ngọc…, Hà Văn Thịnh cho biết “tôi đã nghĩ từ rất lâu về điều mà cha ông mình đã minh triết: Tại sao trong cuộc đời chỉ cần học có 4 điều thôi? Đó là "học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tác giả đã diễn giải 4 từ ăn, nói, gói, mở mà ai cũng biết một cách thú vị và…đầy minh triết. Chỉ một từ “ăn”, Hà Văn Thịnh viết: “Thế nào là ăn đúng, ăn không phải xấu hổ, để “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”? Tại sao cha ông ta lại bàn nhiều đến thế cái chuyện ăn? “Miếng giữa làng bằng sàng trong bếp”, “Rèo tru đực không bằng chực bữa ăn”, “làm ăn”, ‘ăn nói”, “ăn chắc mặc bền”, “ăn nên làm ra”, “ăn ở”, “ăn nằm”, “ăn chơi”, thậm chí là …”ăn tiền”, “ăn dày”, “ăn mỏng”, “ăn sương”, “ăn trộm”, “ăn cướp”…”
 
Hà Văn Thịnh và người bạn đời của anh đều là nhà giáo, nên có lẽ nên dẫn thêm những vấn đề tác giả đã viết trong phần Bàn về giáo dục gồm 19 bài: Khi khoa học cơ bản “bị teo” và…”ăn theo”, Chữ Tâm, Nhìn lại một mùa thi, Chất lượng đại học, Câu hỏi sai không thể trả lời đúng, Bao giờ sinh viên phản biện thầy, Đạo học thuật: Chuyện rất nhỏ!, Giáo dục đi về đâu, Giáo dục hãy là chúa sơn lâm!, Điểm 0 môn lịch sử: Tại sao và phải làm sao?.... Chỉ đọc nhan đề, bạn đọc đã có thể hiểu đây đều là những vấn đề rất được xã hội quan tâm. Trong bài Giáo dục đi về đâu viết tháng 4.2010, tác giả nêu 5 kiến nghị, trong đó, mở đầu kiến nghị thứ 3 là mấy từ “Hãy nói thật và dạy thật, ứng xử thật” - gần đúng lời Thủ tướng vừa nêu ra trong chỉ đạo các cấp ngày 3.6.2021…
 
Đọc Luận bàn thế sự của Hà Văn Thịnh, tôi hình dung sẽ có độc giả đang sốt sắng viết phản biện. Tác giả đã ở một thế giới khác, nhưng hẳn sẽ rất vui vì người làm khoa học chân chính luôn mong đợi được phản biện. Chỉ có như thế, chân lý mới thật sự sáng tỏ.
 
 
 
Nguyễn Khắc Phê - Báo Thanh Niên Online
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Đêm cố hương (26/10/2021)
Ở trọ (28/09/2021)
Tình mưa (07/09/2021)
Mưa Tân Mỹ (04/08/2021)
Dã quỳ (02/08/2021)