Văn học
Bình minh phía núi
16:23 | 10/12/2021

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

Bình minh phía núi

Núi rừng Trường Sơn đang độ cuối Thu. Là mùa của đìu hiu thôn bản trong những đằm sâu nhớ nhung và chờ đợi. Lần này, chúng tôi trở lại A Lưới đúng lúc cơn bão số 8 Kompasu đang vào sát đất liền các tỉnh gần kề, may mắn có đôi khi tạnh ráo xen giữa những ngày mưa núi trắng trời. A Lưới là một huyện vùng cao, nơi sinh sống của các tộc người Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hi và một số người Kinh lên đây lập nghiệp. Trong đó người Pa Cô là nhiều nhất.

 Ruộng nương tháng này ở vào thời điểm nghỉ ngơi. Bắp đã thu hoạch, lúa cũng đợi hơn tháng nữa mới xuống vụ. Hai bên đường vào xã Nhâm chỉ có mấy cánh đồng chuối lúp xúp dưới mưa chiều, là giống chuối tiêu hồng đặc biệt và cũng là đặc sản của A Lưới. Còn lại là những ô ruộng lưa thưa ít nhiều gốc rạ còn sót lại. Mưa chiều khiến trời mau tối và xám đục, không nhìn rõ được những sườn núi bao quanh, nơi có rải rác mấy đám rẫy còn trồng được giống lúa Ra dư, giống lúa nương cho một loại gạo ngon và quý của tộc người Pa Cô ở vùng cao A Lưới được gieo từ tháng Năm. Tuy Nhâm không trồng được nhiều nhưng giờ đây diện tích trồng lúa này ngay cả ở Hồng Thủy cũng bị thu hẹp dần do tập quán đốt rừng làm nương của thời du canh du cư đã không còn như trước, vụ lúa phải kéo dài đến nửa năm, và dù giống lúa này phát triển tốt trong điều kiện thiên nhiên mà không phải dùng đến các loại phân bón và thuốc trừ sâu, thì năng suất lại thấp và giá thành quá cao. Chưa kể đến điều kiện thích hợp nhất là phải mấy mùa sau mới gieo lại trên nương cũ. Vì vậy loại gạo hiếm này chỉ còn được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống, là quà quý của những chàng rể Pa Cô dành tặng nhà vợ và ngược lại, hoặc phân phối đi chào hàng các nơi dưới hình thức quảng bá giới thiệu đặc sản địa phương. Vậy nhưng nhiều gia đình người Pa Cô vẫn muốn duy trì việc sản xuất giống lúa này, kế cả mày mò thử nghiệm trồng trên ruộng, hai vụ mỗi năm như lúa nước.

Nhà văn hóa cộng đồng ở làng Hươr là nơi các thành viên của hợp tác xã dệt miệt mài làm việc để tạo ra những tấm thổ cẩm Zèng độc đáo, tinh tế từ kỹ năng phối hợp những sợi màu đến cách đính cườm trang trí hoa văn, và nhất là từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Tà Ôi. Sản phẩm Zèng là niềm tự hào về nghề truyền thống đã lâu đời của tộc người này. Những năm gần đây dệt Zèng được phục dựng và phát triển, mở rộng thị trường và đi vào lĩnh vực thời trang của cả người miền xuôi. Hai năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, tầng suất giao lưu hàng hóa giảm sút như chợ chiều vắng khách, sinh hoạt của các cụm dệt Zèng cũng không còn rộn ràng như những mùa đầu.

Hoạt động văn nghệ cồng chiêng của người Cơ Tu cũng đang ở những ngày tháng khá ảm đạm. Những thế hệ đam mê và bén duyên với nhạc cụ này đều đã cao tuổi, việc tìm được truyền nhân quả là khó khăn khi thanh niên Cơ Tu trong các thôn bản ngày nay chỉ thích các trào lưu âm nhạc hiện đại, chẳng còn mấy ai mặn mà với loại nhạc cụ này. Ngành chức năng ở địa phương đang thể hiện sự quan tâm về phát triển các hoạt động văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Thế nhưng, việc vực dậy để duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng nói riêng và văn nghệ dân gian nói chung khỏi nguy cơ bị mai một thì cũng chỉ đang cầm chừng ở các hoạt động phục vụ du lịch cộng đồng. Dịch dã kéo dài và mưa bão tàn phá nặng nề đã là sức ép không nhỏ đối với bộn bề lo toan cho đời sống của người dân mà chính quyền phải gánh vác. Thu ngắn khoảng cách từ đề án đến thực hiện không phải là việc làm trong một sớm một chiều. Âm thanh cồng chiêng và sắc màu thổ cẩm đang đi đâu về đâu, khiến vùng cao biên giới này như đang chìm vào giấc ngủ đại ngàn. "Mùa này ruộng nương A Lưới mình ngủ thật mà!" - Già làng Hồ Văn Hạnh đã nói như vậy trong tiếng cười hồn hậu khi tôi đến gặp ông ở ngôi nhà cũ kỹ, thấp và tối ở xã Trung Sơn. "Dân mình còn nhiều vất vả lắm, cũng phải chịu khó thôi! Quanh làng này cũng như chỗ cô và tôi đang đứng, ngày trước đều là những hố bom. Giờ như thế này là đã khá lắm rồi".

Tôi đưa mắt nhìn phía triền thấp của dãy núi Đông Trường Sơn, nơi những cụm rừng thưa đang ửng lên một màu nắng vàng cuối thu ấm áp. Từ lao xao núi rừng vẳng lại tiếng gió và tiếng róc rách những khe nước gần xa đang chảy xiết giữa mùa mưa. Vùng cao này không nhiều thơ mộng như Đà Lạt của Tây Nguyên hay lắm dịu dàng như SaPa của Tây Bắc. Mộc mạc chân thành mà rắn rỏi can trường, người A Lưới luôn trầm tĩnh và mang trong mình sức chịu đựng bền sâu trải qua nhiều biến động khắc nghiệt của lịch sử, của thiên tai để tồn tại và vươn lên. Mong sao những năm tháng khó khăn này chỉ là một giấc ngủ nướng muộn màng sẽ sớm được đánh thức, sẽ như trời xanh sau cơn bão gần đang chóng tan. Mong sao những nỗ lực được cộng hưởng từ các phía sẽ sớm bắt đầu và đạt nhiều hiệu quả. Những nét đẹp văn hóa truyền thống của các sắc dân sẽ sớm được hồi sinh và lấp lánh.

A miêng ơi! Khi em lên rẫy em nhớ bếp lửa nhà sàn

A miêng ơi! Khi em xuống suối lòng em lại nhớ ánh trăng

Anh là lửa nhà sàn, anh là trăng trên rẫy

Dù cây lá đổi ngàn, răng mà quên anh được

Lời dân ca theo mây gió đại ngàn vẫn âm vang suốt miền biên cương, như nhịp đập trái tim những chàng trai cô gái Pa Cô đang hướng ước mơ đến một quê hương A Lưới luôn bừng lên sức sống mới và chan chứa yêu thương...

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Tiếng dạ (07/12/2021)
Bên sông (30/11/2021)