Văn học
“Từ khúc ca Huế” hay là âm thanh đồng vọng
09:55 | 20/12/2021

(Đọc “Từ khúc ca Huế” của Nguyễn Phước Hải Trung, NXB Thuận Hóa, 2021)

“Từ khúc ca Huế” hay là âm thanh đồng vọng
Nguyễn Phước Hải Trung muốn bảo tồn và phát huy ca Huế bằng chính ca Huế, tức là anh muốn hiện hữu nó bằng ngôn từ, hình tượng và âm thanh, trước hết là âm thanh/tiếng lòng mình qua sự mách bảo của các làn điệu ca Huế để sáng tác nên “Từ khúc ca Huế” (Nxb Thuận Hóa, 2021).
 
Tác phẩm “Từ khúc ca Huế” của Nguyễn Phước Hải Trung đã mang lại hiệu quả qua 29 bài ca Huế với thi pháp mới mẻ: kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tự sự và trữ tình, kế thừa và cách tân, hiện thực và lãng mạn... Đó chính là ý hướng sáng tạo có chủ đích của anh, vẫy gọi sự tiếp nhận đồng sáng tạo của người ca và người đọc để làm dày thêm sắc thái tình cảm và làm phong phú thêm cho từng làn điệu.
 
Khảo sát toàn bộ “Từ khúc ca Huế”, chúng tôi nhận thấy tác giả đã kiến trúc các tác phẩm/ca phẩm một cách hệ thống từ sự vận dụng khá nhuần nhuyễn 3 điệu thức chính của ca Huế là điệu Bắc, Nam và điệu Nam xuân như vừa nêu trên. Các làn điệu chính của ca Huế như: Phú lục, cổ bản, cổ bản dựng, phú lục, hành vân, lưu thủy, tứ đại cảnh, tương tư khúc, thập thủ liên hoàn... đều được Hải Trung tái hiện một cách khá nhuần nhị với những sáng tạo về nội dung đề tài qua nghệ thuật ngôn từ.
 
Từ nhận định trên, tôi muốn chứng minh “Từ khúc ca Huế” từ góc nhìn địa - văn hóa để chỉ ra giá trị chỉnh thể của tác phẩm. Cảnh sắc thiên thiên, con người và những sự kiện lịch sử - xã hội có liên quan đến tinh thần Huế, cảnh sắc và tâm hồn Huế được Hải Trung tái hiện và đồng hiện một cách cụ thể và nghệ thuật qua ngôn từ - hình tượng - âm thanh - triết mỹ.
 
Nhớ hùng binh Hoàng Sa (tứ đại cảnh) là bài ca hào hùng, bi tráng về những nghĩa binh xưa căng buồm, vượt sóng to gió cả đầy bất trắc hiểm nguy để đến Trường Sa, Hoàng Sa bảo vệ, thực thi chủ quyền lãnh hải. Sự hy sinh của những hùng binh thuộc Hải đội Hoàng Sa đã trở thành bất tử. Máu xương họ muôn đời tô thắm cho đảo thiêng của Tổ quốc.
 
Ấn tượng âm thanh và thị giác trong “Từ khúc ca Huế” tác động mạnh đến người đọc bởi sự quyện luyến trong nhau giữa hình ảnh, hình tượng với sự sử dụng từ ngữ mang tính nhạc cao. Luật hài âm, tương giao được tác giả tuân thủ tối đa tùy theo từng điệu ca. Vì vậy, việc chọn lựa ca từ, phụ âm, nguyên âm cho từng âm tiết
 
(syllabe) là rất quan trọng. Tác giả phải huy động vốn hiểu biết về ngữ học của mình để phát huy tối đa cho việc đặt lời ca một cách nghệ thuật cho từng làn điệu/điệu thức. Tất cả các lời ca trong “Từ khúc ca Huế” đều tuân thủ theo cách khai thác nhạc tính nói trên. Vì vậy nên đến lượt mình, ca nương (người hát) dễ dàng trong việc “lấy hơi”, “nhả âm”, “ngân rung” một cách vang vọng, nội cảm sang người nghe một cách trọn vẹn. Linh khí sơn hà (chầu văn) là điển hình cho nghệ thuật âm thanh - thị giác nói trên. Liên tục chuyển vần và liên tục gieo vần kế tiếp/liên tiếp (rime suivie) đã tạo nên sự ngân vang, tươi sáng, pha âm hưởng tín ngưỡng, tâm linh cho làn điệu chầu văn, quyến rũ lòng người.
 
Đặc trưng của ca Huế là lấy thiên nhiên để tả tình, đặt tình cảm của con người trong cái nhìn “thiên nhân tương cảm”. Cái nhìn sinh thái thiên nhiên và sinh thái văn hóa - nhân văn thể hiện rất rõ trong từng bài ca Huế của Hải Trung là hệ quả ảnh hưởng từ triết mỹ đó.
 
Bài ca Bạch Mã (lưu thủy) là một ví dụ. Không gian vời vợi xa, lồng lộng cao trong áng mây chiều như sà xuống thấp. Nhìn ngang núi biếc, biển xanh, sóng xô bờ cát xôn xao, tưởng còn đây hình tượng con ngựa trắng tung bờm cùng tiếng nhạc phi lên đỉnh núi chạm trời thành Bạch Mã - cổ mẫu biểu tượng cho hình ảnh của cái đẹp toàn bích, ở tột đỉnh của mọi sự thăng thượng, sự uy nghi và sự thăng hoa của con người và cảnh vật.
 
Nói đến ca Huế, không thể không nói đến tình yêu và nỗi nhớ sâu nặng trong cảm quan nhân sinh và vũ trụ của con người nơi đất Thần kinh một thời với biết bao huyền tích. Tác phẩm “Câu ly biệt” (tương tư khúc) theo tôi là khá hay - hay vì tính cổ điển, bài bản của làn điệu, nhưng cũng rất hiện đại - hiện đại vì nghệ thuật sử dụng ngôn từ, vần điệu và hình tượng để diễn đạt nỗi nhớ mong mòn mỏi cùng năm tháng của người ở lại mong nhớ người ra đi. Hải Trung đã làm chủ làn điệu tương tư khúc nên đã soạn lời rất thành công, phù hợp với tâm cảnh và ngoại cảnh...
 
Trong ca từ của Hải Trung, nếu chú ý, ta sẽ thấy anh vận dụng kiến thức ngôn ngữ học rất đa dạng để kiến trúc ca phẩm. Những thuộc tính âm thanh (ở đây là làn điệu): cao độ, cường độ và trường độ cùng đơn vị âm thanh (ở đây là ca từ): nguyên âm và phụ âm luôn được anh vận dụng có chủ đích. Bên cạnh đó, anh thường nương theo làn điệu mà thể hiện điệp ngữ, điệp cú (trong thi ca người ta gọi là điệp khúc - refrain) để nhấn mạnh ý nghĩa và tạo âm vang cho người ca có dịp thể hiện vẻ đẹp âm thanh của mình để truyền cảm xúc sang người nghe.
 
Có thể nói, qua “Từ khúc ca Huế”, Hải Trung đã thực sự yêu  quý và thao thức cùng âm thanh, hình tượng để kiến trúc nên lời ca cho từng làn điệu, làm mới nội dung trên cơ sở “thượng tôn” hình thức làn điệu; từ đó triển khai cảm xúc qua hệ thống chủ đề có lẽ là nhất quán và tích hợp thêm để làm giàu thêm nội dung theo tinh thần hiện đại mà vẫn giữ được truyền thống. Đó là điều đáng quý trước thực tế có nguy cơ mai một thể loại và khuyết thiếu người say mê viết lời mới cho ca Huế như hiện nay.
 
 
Bài: HỒ THẾ HÀ - Ảnh: HẢI TRUNG
 
Theo Báo Thừa Thiên Huế Online

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Đồi nhớ (15/12/2021)
Tiếng dạ (07/12/2021)