Văn học
Mùi khói
16:37 | 10/05/2022

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

Mùi khói
Ảnh minh họa (Internet)

1.

Chị đặt túi xách và áo khoác lên chiếc bàn con, đưa mắt nhìn qua khung cửa kính. Bên kia con đường hẹp, những dãy nhà cao tầng nhiều màu sặc sỡ ken sát nhau vươn lên trông như ai đó đang dựng đứng hộp bút chì màu khổng lồ. Đằng xa kia thấp thoáng những ngôi biệt thự, hay đúng hơn là những tòa lâu đài, nổi bật trên màu nền xanh ngắt của núi rừng, cứ như tranh vẽ trong truyện cổ tích. Cả cái khu phố chỉ toàn khách sạn nhà hàng này cũng xuất hiện bất ngờ, như thể vừa mọc lên từ cõi mộng. Và chị, cũng bước ra từ những giấc mơ, dù đó chỉ là nhiều mảnh ghép có cả ngọt ngào và đắng đót.

Hắn sẽ không về sớm bởi cuộc rượu chiều nay cho công việc của những ngày sắp tới. Chị còn nguyên cả buổi tối một mình để lan man với nhiều rối rắm. Càng loay hoay lại càng sa lầy. Chị cố hình dung lại một nơi nào đó trên mảnh đất mình đã trải qua những ngày hồn nhiên tưới tắm mồ hôi, và cả nước mắt, trên luống đất cày cho những vụ mùa rau củ mọc lên ngời ngời. Vậy mà cũng khó. Tất cả đã lùi nhanh vào một thứ ký ức chập chờn dưới những lớp bụi thời gian. Khi nông dân lần lượt bán đất cho các nhà giàu mở rộng đầu tư vào dịch vụ khách sạn cũng có nghĩa là chị phải mất việc. Chị chần chừ không muốn về lại quê nhà, nơi những người thân họ hàng ít nhiều đã không tha thiết bám vào đất ruộng. Lớp có chút học hành chữ nghĩa thì ra thị xã đi dạy học hoặc làm công sở, chí ít cũng vào công nhân các nhà máy xí nghiệp. Lớp còn lại làm nông, vất vả lắm may sao cũng chỉ mong đừng lỡ bữa những ngày giáp hạt. Việc chị lên đây làm công xem ra tạm ổn bởi mức thu nhập ở một thị trấn du lịch nghỉ dưỡng vùng cao dù sao cũng khá hơn, tùng tiệm thì có thể đắp đổi cho gia đình nhỏ của mình. Hắn xuất hiện đúng vào những ngày chị đang lao đao chưa biết nghĩ ra cách nào tiến thoái. Lúc đó hắn chỉ mới tập tành theo một tay đại gia bất động sản, công việc gọi nôm na là cò đất. Nhưng người phụ nữ trung du đã bị say nắng ngay từ đầu bởi vẻ linh hoạt và sành điệu của hắn. Và rồi chị ngã vào hắn, ráo riết, mụ mẫm. Những hứa hẹn về một công việc ổn định và ít vất vả ở thành phố đã đưa chị bay vào những ước vọng lấp lánh sắc màu. Chị đã chạm vào giấc mơ được làm người thành phố, đã cởi bỏ lớp áo bụi đất để nhanh chóng thoát xác làm cánh bướm rực rỡ phù du. Cái gọi là ổn định và ít vất vả như hắn vẽ ra cho chị là có thật. Chỉ cần đẹp và biết vâng lời, chị đã trở thành một thứ hàng quý và sạch sau vài cuộc gặp với các đại gia. Món lợi đem về cho hắn ngày càng nhiều. Quê nhà với chị cũng ngày càng xa xôi. Khoảng cách địa lý không là bao, nhưng những khuôn mặt yêu thương đó chỉ trở về đánh thức chị sau những cuộc rượu tàn, rã rời và nhàu nhĩ...

2.

Chú chó lai to lớn chồm dậy sủa váng lên khi tiếng trẻ líu lo vọng từ đầu ngõ. Bị xích vào gốc cây, chú càng thể hiện sứ mạng to lớn của mình bằng lối phản kháng dữ tợn hơn. Anh vẫn không ngẩng lên nhìn. Những nhát búa khô gọn bổ xuống đều đặn và đống gạch vụn càng cao dần. Lại phải di chuyển ra vườn sau, san đều và nhanh để còn kịp trả chiếc xe rùa cho nhà người ta ở xóm trên. Ước mong của mẹ già là ngôi nhà cũ được xây lại khang trang hơn. "Cả thôn chỉ còn mỗi nhà ta là nhà cũ." Bà cũng đã có tuổi, một vài chứng bệnh của người già thì cũng không có gì lạ. Kể cả những buồn vui trái tính mà con cháu phải cố chìu theo. Nhưng vài tháng trở lại đây bà bỗng yếu hẳn. Anh đã phải gấp rút thực hiện dù khả năng xoay sở nguồn tiền vẫn còn nhiều lúng túng. Nhà chỉ có mỗi anh là con độc đinh nên khi cưới vợ không phải ra riêng. Nhà chưa kịp sửa sang thì anh vướng vào món nợ lớn vì rủi tông người bị thương, phải bồi thường nhiều. May là chưa đến nỗi vào tù. Để vợ đi làm thuê trên ấy là điều anh không muốn. Nhưng biết làm sao hơn. Cô ấy là người Kinh, lúc đầu mẹ anh và nhiều người trong họ hàng đều phản đối. Nhưng thấy anh nhất quyết lắm nên rồi cũng phải ưng. Vả lại cái nết chăm làm đã khiến cô nhanh chóng gần gũi với họ hàng bên chồng. Cũng biết mặc nữ phục trong những dịp lễ hội, biết hát Soọng Cô để cùng anh và đám trai gái trong thôn hát đối đáp có khi đến thâu đêm... Cô đi xa đã nhiều năm, nhưng những tối muộn liêu xiêu trở về trong men rượu, anh vẫn cơ hồ như thấy lại vẻ tươi giòn ấy dưới nếp khăn đen đội đầu, cái ánh bạc lấp lánh của vòng cổ cùng chiếc xà tích buông thõng đung đưa theo bước chân gợi tình dưới ánh đèn sân khấu đêm lễ hội năm nào. Tất cả cứ chờn vờn suốt đêm sâu với những giấc ngủ đứt rời... Vậy mà, cứ như một vệt khói loãng dần vào hư không, cô ấy mãi biến mất không một lời giải thích. Cũng không nhắn gọi cho anh được lấy một câu. Chỉ thỉnh thoảng gửi tiền qua bưu điện. Dĩ nhiên là con bé Viền cũng cần có tiền để đến nhà trẻ, nhưng không chỉ là tiền. Cả anh và con đều cần cô ấy. Chờ đến da diết mà chẳng thấy đâu, chẳng nói được gì. Bà mẹ không nén được tức giận: "Còn làm được tiền tức là còn sống, vậy thì là theo trai rồi đấy. Phải đuổi ra khỏi nhà ta!"  Nhưng bà không phải đuổi. Cơn giận lâu rồi cũng nguôi. Cơm gạo cho người khỏe, thuốc thang cho người ốm đều trông cả vào cô, hay đúng hơn là vào những khoảng tiền từ cô. Lại phải nói khéo với mọi người về sự vắng mặt lạ thường đó...

Anh đốt thuốc ngồi bệt xuống đất, rít một hơi khói dài nhìn thật lâu ngôi nhà cũ đã bao năm. Những viên gạch đóng bằng đất sét đỏ nhào sỏi có công sức của cha anh từ những ngày chuẩn bị cưới mẹ. Mấy mươi năm nay đã tróc lở một phần nhưng anh vẫn không muốn phá bỏ. Buồn vui từ thuở bé thơ cho đến thời trai trẻ của anh đã thấm vào từng thớ đất, những cột gỗ, và những mặn nồng xưa cũ vẫn còn vương vấn đâu đó trên mấy nếp chăn màn, khăn áo. Anh vẫn tự hỏi nhiều lần, rất nhiều lần, tại sao cô ấy lại bỏ đi... Không gắn bó với bên vợ, nhưng anh cũng cố tìm sang hỏi mẹ đẻ cô ấy, và chỉ nhận được những im lặng thoái thác.

Con bé Viền đạp xe thẳng vào hiên bếp, giọng cười trong và vang, át cả câu chào bố. Đuôi mắt dài và cặp môi ướt rượt giống mẹ. Nó rót nước uống rồi đem ra cho anh một cốc đầy. Con chó được cởi xích vẫy đuôi ngoe nguẩy chạy theo Viền, phấn khích ôm chân chủ và đi nhấp nhổm bằng hai chân sau. Viền đứng lại, cúi xuống nâng hai chân trước con vật khôn ngoan cho cái mặt chú chó sát lại gần, bắt chước giọng chú gừ gừ mấy tiếng. Có vẻ như bằng lòng vì được quan tâm, chú ngoắc cái đuôi dày lông cong lên thành một chữ O ngộ nghĩnh, xoắn xuýt theo chủ vào bếp. Anh nhìn theo con gái, chẳng biết lòng buồn hay vui. Nó đang tuổi lớn, đã thôi không hỏi mẹ đâu sau những lần bị mấy đứa bạn trêu chọc. "Mày được bà nhặt ngoài suối mang về. Mày đâu có mẹ!"  Mấy tháng nay bà nội ốm, đứa cháu hơn mười tuổi đã biết về nhà ngay sau buổi học để kịp nấu cơm, nhất là chăm nồi cháo loãng của mỗi bữa ăn ba người để bà có cái mà lót vào dạ dày xép lẹp của người già, hơn nữa, là một người ốm dặt dẹo nhiều ngày.

Mấy hôm nay con bé có vẻ tất bật hơn. Nó theo cô Bằng đi tập múa hát để tổ chức văn nghệ cho dịp lễ sắp tới. Cô Bằng là bà cô họ xa của Viền, ngày ấy thỉnh thoảng vẫn đến trông nom và dỗ dành ru cháu mỗi khi bà nội bận nhiều việc. Sau này, khi xã thành lập câu lạc bộ hát Soọng Cô thì cô Bằng là một thành viên tích cực. Cô đã phụ trách luyện tập cho các cháu trong thôn, và Viền rất thích thú được theo người bà xởi lởi tốt bụng đến các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ. "Được chừng nào hay chừng đấy! Chứ không rồi sẽ quên mất hết dân ca của ta đấy!"

 

3.

- Chiều nay về thôi!

Hắn nói trống không, cũng chẳng cần nghe chị trả lời. Thằng con trai của hắn lại gây thêm một chút phiền hà. Vợ hắn gọi phải về nội trong hôm nay để thu xếp. Chuyến đi này xem ra công việc không thuận lợi. Điều đó một phần cũng do chị. Đã lâu rồi hắn và chị có nhiều bất đồng, và hắn nhận ra con cừu non ngày nào đã không còn ngoan nữa. Chị cũng nhận ra, đau đớn hơn, rằng không có nơi quay về. Cả hai đều rơi vào khoảng lặng không biết đã đóng băng từ bao giờ...

Chị bảo taxi dừng lại từ ngã ba ngoài đường cái. Nhìn mình trong gương với kính đen và khẩu trang kín mặt, chị hít một hơi thở sâu rồi mở cửa xe bước xuống. Lóng ngóng mãi chị cũng tới được bên ngoài cổng ngõ. Gọi là cổng nhưng thật ra cánh cửa và một trụ gạch đã biến mất, trụ bên kia vừa đập bỏ một phần. Con dốc lên nhà thoai thoải và dài vẫn còn nguyên đất đỏ như ngày nào. Mấy cây vải thiều đang mùa hoa, trắng ngời trên đầu cành những đám lá xanh bóng. Chị nghe rõ tiếng cô Bằng bắt nhịp, giai điệu vỗ về của bài hát ru con. Rồi tiếng hát trong và ngân của đám trẻ vọng ra đến chỗ chị: "...Mẹ đi làm ruộng kiếm cơm. Sau này ông ngoại bà ngoại có vốn thì cho một con trâu cày. Cho trâu đực thì cày khỏe. Cho trâu cái thì đẻ ra sinh sôi nảy nở."  Mọi thứ bỗng nhòe ra. Những thanh âm trong trẻo cũng loãng ra. Đâu là giọng hát của con bé, làm sao chị có thể nhận ra được sau ngần ấy năm cố trì hoãn bước về. Chị gỡ kính xuống, quệt vội những giọt nước mắt. Tiếng chó sủa đã sát bên chân cùng với giọng quát của cô chủ nhỏ...

Bà mẹ ốm đã ngồi dậy, muốn chì chiết đứa con dâu cho bỏ những giận hờn tức tối bấy lâu. Nhưng biết nói gì cho đủ. Cơn mê thiếp khi nước mắt còn ướt trên đôi má của chị đã khiến bà mềm lòng:

- Mày về thật rồi! Mày sống thật rồi! Mày cũng vất vả nhiều rồi!

Chị đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm. Con bé thập thò sau bà nội và bà cô, kiễng chân nhìn người đàn bà đẹp và sang trọng mà người ta bảo là mẹ nó. Cố mãi, nó vẫn không thể nhớ được gì về mẹ. Chỉ thấy đuôi mắt dài, lảng đi khi gặp ánh mắt chị...

Nắng đã chiếu xiên khoai qua khu vườn cây. Đám lá xanh trên đầu lấp lánh những tia sáng nhảy nhót đến chỗ hai người. Người đàn ông của chị vẫn lặng lẽ, không thay đổi gì sau nhiều năm. Đúng ra là lặng lẽ hơn. Cái vẻ lặng lẽ cam chịu, kín tiếng mà ngày ấy chị từng cho là tốt tính và hiền lành đến mức nhạt nhẽo. Chị đứng dậy un đám lá khô trong vườn để khỏi phải nhìn vào người ấy. Một que lửa mồi và đám lá lắt lay bắt lửa. Rồi lửa bùng cao, từng ngọn lửa đỏ lửa vàng xoắn xuýt nhau, ôm ấp nhau, lộng lẫy và ấm áp.

- Mình về luôn với bố con anh nhé!

Anh nói rất khẽ, chỉ vừa như tiếng lá mơ hồ nghiêng trở trước khi chuồi mình vào ngọn lửa tham lam.

- Hôm nay là...

Anh định sẽ nói về con bé. Hôm nay là ngày nó tròn mười một tuổi. Nhưng từ lâu lắm rồi, chẳng phải nó đã nói với anh rằng ngày sinh của nó không có ý nghĩa gì hay sao.

Chị nhìn thẳng vào mắt anh:

- Những năm qua chưa bao giờ em quên. Mỗi dịp như thế, em đều nghĩ đến con và mình. Nhưng nếu được tha thứ, em sẽ càng căm ghét bản thân hơn...

Tiếng chuông điện thoại. Là của hắn, có vẻ như gay gắt hơn sau nhiều cuộc gọi nhỡ từ khi chị ngất đi ban nãy. Anh vào nhà, lát sau dẫn con bé ra. Nó vẫn giữ một khoảng cách với chị, như từ trưa đến giờ. Trù trừ mãi, chị mới nói với anh, như một thỉnh cầu của phạm nhân:

- Nếu mình cho phép, em sẽ đưa con về dưới ngoại. Mình có thể bắt đầu lại. Em giờ cũng chẳng ra gì...

Chị nhìn con bé Viền. Giá mà được ôm nó vào lòng. Chị chờ đợi một cái nhìn ấm áp đồng tình, nhưng nó đã đến ngồi bên đống lá khô, giờ chỉ còn âm ỉ cháy. Khều nhẹ đám tro nóng cho lửa bén lên, nó nhìn những sợi khói vòng vèo uốn lượn rồi trườn lên cao, phả vào mấy chòm cây. Chụp bắt đám khói trong hai bàn tay, nó quay lại nhìn chị:

- Nếu mẹ ở lại đây, với bà nội, với bố, thì nhà ta mới gọi là nhà! Con mới cùng mẹ về thăm bà ngoại!

Nói xong nó đưa hai tay ra trước đung đưa như cách người mẹ ru con, cất giọng hát:

- Nay mai con lớn con đi làm đồng...Sau này ông ngoại bà ngoại có vốn thì cho một con trâu cày. Cho trâu đực thì cày khỏe...

Chị nhìn con bé, nước mắt lại ầng ậng trên mi. Bóng nó tan ra thành hai, thành ba, rồi rơi xuống trên lòng bàn tay chị đang ngả ra chờ đợi. Có bàn tay ấm nóng đặt lên. Chị nhắm mắt lại nhận ra mùi hương thơ bé của ngày xưa. Lẩn trong đó là mùi khói vườn nồng thơm, như chưa bao giờ cũ.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Chiều Loan Lý (27/04/2022)
Xanh (09/03/2022)
Phố nhớ (02/03/2022)