Văn học
Cung đường của gió
14:54 | 28/03/2023

ĐẶNG VĂN SỬ

Cung đường của gió
Ảnh minh họa (Internet)

Cuộc xê dịch chưa quá 70km đường, tôi đã lạc vào một vùng đất lạ. Trong những bước “bộ hành” tôi từng lang thang nhiều nơi. Với “Trời tây” của giang sơn thì tôi đã đến nhiều lần nhưng cái mới, cái bất ngờ và kì bí cứ mãi “thức dậy”. Mỗi thời điểm, mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần khác đi. Xứ sở của nhiều huyền thoại, nhiều biến đổi, nhiều đau thương mất mát trong lịch sử chiến tranh của tổ quốc. Nơi có ngọn đồi A Bia mệnh danh là đồi Thịt Băm. Nơi có sân bay dã chiến của chế độ cũ, nơi chịu nhiều bom rơi đạn nổ. Vùng đất: “Thung lũng da cam của dãy Trường Sơn”. Mười năm khai hoang của bọn “ác ôn” bằng chất hóa học hủy diệt mà không biết bao nhiêu năm sau mới thôi hậu quả. Những gương mặt người “ngớ ngẩn”, những bước chân ngắn dài, những bào thai non dị tật... Có người mẹ chín lần mang thai nhưng chỉ có ba lần nên hình hài trẻ sơ sinh.

Vầng trăng khuyết kia cứ nhóm lên những tầng sóng quay quắt. Quay quắt như từng có một cuộc chia ly. Chia ly với tất cả người thân, chia ly với cả non sông đất nước, chia tay của một tộc người, chia ly là một sự buồn nhưng khi cánh cửa này đóng thì lại cánh cửa khác mở ra. Cuộc ra đi tìm miền đất hứa trong tiềm thức, trong giấc mơ “đất lành chim đậu”, bản thể linh hồn tôi “đáp xuống” chốn đại ngàn. Nơi có con suối tuôn trào ngày đêm; con suối như một sự duy trì đi tìm chân lí mãi mãi, đi tìm bến bờ rộng cho tương lai. Nơi có con dốc hụt hơi gọi “Mạ ơi”. Gốc cây ôm ba người mới xuể. Chốn linh thiêng chim kêu, vượn hú, beo hùm. Miền đất từ thuở hồng hoang của người con gái đạp vỡ chiếc Acưr trôi theo dòng nước lũ bước ra.

Lạy Yang, từ bao giờ chồng con đã không còn là con người của làng, của bản nữa. Chàng đã ra đi với bạn, với bè. Chàng về xuôi bỏ rẫy nương, bỏ con một mình. Bao đêm nước mắt con rơi, rơi như những giọt sương trên lá. Mùa lá rụng năm ấy, tiếng Ta Lư ai đã trao thề. “Ta hãy thức theo vầng trăng sáng/ Ta cùng vui cho năm tháng trọn đầy…”, “Như trăm năm được gặp một lần/ Như mười năm được gặp một dịp/ Hãy chung vui cho tròn, cho trọn”. Nay đã mấy lần trăng khuyết - đầy - khuyết - khuất. Chàng cứ về một, hai hôm trong trạng thái say mèm, say khướt. Chàng không uống rượu cần, rượu Đoác mà đi uống “men thị thành”. Nếp thị thành “hoa lệ”, văn minh nhưng chàng là con của rừng, của núi cơ mà!?. Tổ tiên mình là con người thật thà nên đã thua thiệt trong cuộc xây thành dựng lũy đó, chàng thừa biết.

Hai năm mình chưa có con cùng nhau từ ngày hai đứa ăn chung chén xôi nếp. Em sẽ khấn lạy trời đất, tổ tiên, núi rừng để cho mình có con, một đứa, hai đứa... và rồi cả đàn. Con chúng ta sẽ gieo ước mơ, tỉa lên những mầm xanh cho rừng, cho núi hòa vào thế giới màu xanh, màu hi vọng. Bao hi vọng của em, chàng quẳng xuống vực sâu rồi sao!?

Đành rằng em làm người con gái li dị chồng, li dị với người em yêu. Em đã cạn tình. Bao đau khổ trong tim em đã chai lì. Em thà làm người cô đơn, cô độc chứ không thể chấp nhận người chồng như anh. Mọi tội lỗi em có thể bỏ qua song với một người quay lưng với tổ tiên, với truyền thống cha ông thì em không chấp nhận. Em hỏi anh, sao anh không về trong ngày lễ Agia!? Sao anh bước qua lời nguyền bên đá linh thiêng!? Sao anh giết chết và dùng cả linh vật tổ tiên mình!? Cá thể Người và Con trong anh quá nghiêng ngả và méo mó. Anh hãy theo bạn bè, hãy theo bọn người trộm và ăn thịt chó ấy đi. Chúng ta hãy xa nhau nhé anh. Hi vọng một trang mới bắt đầu. Trang nhật kí em ghi vào một chiều khi mặt trời sắp hôn núi. Thà làm người cô đơn như cây cô đơn đứng một mình bên vực thẳm trên dốc của cung đường gió ấy, mặc “tự vấn” của người đời ngang qua.

Tôi gặp nàng trên đỉnh dốc của con đường A Co, hơn mười dặm ngược lên, cái “anh chàng” trọng lực cứ “ràm” chiếc xe “cà tàng” của tôi, xe đã quá nóng máy. Qua được dốc này xem như đã đến nơi cần đến. Dừng xe định nghỉ thì bỗng thấy một sơn nữ đang loay hoay với cái gùi của mình đang ở dưới vực thẳm.

Nụ cười người nhận được vật “đánh rơi” làm tôi choáng ngợp. Gương mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm đen nhưng nụ cười răng trắng tinh, kèm theo chiếc khểnh “chết người”. Cái lúm đồng tiền “dí” tim tôi thêm một phát nữa, nhói đau. Em cảm ơn và chỉ nhà em ở dười con dốc.

Nàng rút cây trâm xõa mái tóc để búi lại. Hương rừng đâu đó thơm dịu, tiếng chim cúc cù như gọi nhau về tổ vang lên bên tê ngọn đồi. Màu hoa tím ven đường ám mị “thủy chung” hay ảm ảnh sắc màu nghệ sĩ!? Tôi bâng quơ với tứ thơ đang hình thành. Không gian đẹp đến nao lòng. Em như tia sáng, nhánh lan rừng “mới bước ra”. Váy diễm viền sắc màu thổ cẩm, em nàng tiên từ đâu đến, em lạ lẫm trong ta. Em là phép di dời linh hồn trong vạn kiếp mà ta từng gặp xa xưa. Em thắp cho tôi một niềm mơ ước, mơ mộng đôi khi chỉ là... cái không không.

Quê em đang “thay da đổi thịt” hằng ngày. Không còn lên thác xuống ghềnh như ngày xưa mỗi lần “lên non xuống phố”, nay thay vào là con đường quốc lộ khang trang mở rộng. Sự di dời dân về nơi “đất lành” để lập làng. Vùng hóa học cũng đã được xử lí đem lại đất đai “sạch” cho bà con làm ăn. Người dân đã lên đường, vượt ra khỏi làng để đi làm ăn xa. Có người xuất khẩu lao động nước ngoài đã đêm lại thành công cho quê nhà. Không những thế, thế hệ trẻ có trình độ được trọng dụng để xây quê hương. Chuyện những bạn trẻ mới xong đại học về làm phó chủ tịch xã nhà rất thú vị. Các tua du lịch đại ngàn, du lịch tâm linh được đưa vào khai thác, giới thiệu cùng du khách...

Trong phép biện chứng, giấc mơ bổ khuyết vào đời thực. Một lần nắm tay nàng bay, bay theo chiếc lá thu. Chúng ta về đâu đó, nơi cung trăng đêm đầu tháng, nơi bìa rừng có con “nai vàng ngơ ngác”, bên con suối đang reo, trong vườn nhà ai đang thao thức...

Lời kết bạn trên face được chấp nhận. Bao tin nhắn được mong chờ từng đêm. Có sự đợi chờ và sẻ chia. Vui chia hai được hai, buồn chia hai được nửa; tình cảm đôi khi không thể nào tính bằng toán học và bạn cũng đừng lí giải nó ra làm sao.

Bất giác, lần theo trang cá nhân của em, tôi gặp lại gương mặt chàng trai cách ba năm trước, quen trong lần đi thực tế sáng tác. Chính chàng trai này năm đó đã giới thiệu cho tôi biết con suối Pârle. Con suối đẹp, nhiều thác đổ, có vịnh Catoon, có nhiều viên cuội sắp xếp nên những hình hài kì lạ, đẹp mắt. Chàng trai rừng núi khỏe mạnh, vui tính và nhiệt tình.

Chàng trai ấy sau ba năm thành ra kẻ vũ phu, tệ bạc như lời nàng (thực sao!?).

Với đôi mắt đỏ, không biết do men hay do cảm động, người trai rừng tâm sự với tôi nỗi lòng. Y phải giả làm kẻ “tệ nhất” để chia tay với vợ. Nén bao nỗi đau chỉ mong người yêu hạnh phúc. “Từ ngày em biết em không thể có con, em buồn lắm và rồi... Nàng ấy sẽ quên thôi, sẽ đi lấy chồng, nàng sẽ có những đứa con như nàng hằng ước”.

Dừng lại nơi đỉnh dốc, một khúc đường phẳng nhưng cua ngoặt, nó là nửa vành trăng mười sáu. Cung đường này luôn là điểm gió được cộng hưởng và thổi mạnh nhất. Gió mang hương, gió đưa mây, gió làm cuộc hành trình cho lá. Gió mơn man qua tà áo, gió lùa mái tóc... Gió vọng lại. Gió nói gì với người sắp xa. Có cuộc tình buồn vương vương. Có sự cao cả truyệt vời trong tình yêu. Có sự thật đằng sau cả sự thật. Đâu đó trong không thời gian, tiếng khèng, tiếng trống, tiếng hát hay tiếng chim chiều kêu vọng rất mơ hồ, rất xa xôi nhưng cũng rất gần, rất thực... Cung đường bỗng trở nên dìu dặt, níu bước người xuôi.

 

 

 

 

 

Tác giả: Đặng Văn Sử
Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Gọi hoài Po E (07/03/2023)
Đi ngược sóng (08/02/2023)
Tìm... (07/12/2022)
Vỹ Thanh (30/11/2022)
Kim đồng hồ (29/11/2022)
Với còong gió (18/11/2022)
Khấn nguyện (15/11/2022)
Đời hoa (09/11/2022)
24 giờ (08/11/2022)