NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Dì Mến gánh đôi triêng gióng nhẹ tênh rẽ vào xóm. Mặt trời sắp chìm hẳn sau những lùm bụi xanh đen phía xóm núi gần nghĩa trang, hắt lên màu ráng chiều cháy rực âm u ma quái. Con đường đất lô nhô nhiều chỗ trũng vì mấy chiếc xe công nông chở đất đá và vật liệu xây dựng cứ chạy qua mãi. Mấy năm nay, nhiều gia đình vạn đò đã đồng loạt lên bờ, nhà xây càng ngày càng lắm. Bước thấp bước cao vào đến ngõ, dì đã thấy con bé Trà ngồi khóc trên đống gạch đổ. Mái tóc xơ rối, mặt mày nhem nhuốc, nó đứng dậy quệt nước mắt đi theo mẹ. Phía sau cái quần hoa đã dày cứng lên vì đất bụi bết cùng một thứ dịch chảy ra, trông nhớp nháp. Dì thở dài:
- Tội nghiệp quá con ơi!
Nó đã vào tuổi lớn mà tới ngày trong tháng cũng không biết gì. Bị tụi nhỏ vô tâm đầu xóm xua đuổi ném đá nên chỉ biết chạy về ngồi khóc chờ mẹ. Con bé bị ngớ ngẩn từ nhỏ. Nhưng một mẹ một con lại nghèo quá, chị phải để nó ở nhà, chạy vạy kiếm ăn, như lâu nay đã từng. Nghe xóm giềng bày vẽ, chị đem con Trà gửi vào lớp dạy trẻ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Được chừng mấy tuần thì sinh chuyện. Nguyên do bởi con Trà rất sợ trời dông, mỗi khi nghe sấm chớp mưa gió thì nó phải chạy tới núp vào mẹ. Chiều hôm đó gặp lúc tan trường nhưng dì Mến còn dở gánh hàng phía đầu phố chưa đến đón. Cơn dông đổ xuống khiến con bé luống cuống níu áo một đứa bị khiếm thính, dúi mặt vào ngực nó. Thằng này vốn cộc, xô mạnh Trà ra, lăn xuống mấy bậc thềm, thế là một cánh tay nó phải bó bột. Lành tay rồi, Trà sợ không vào lớp. Dì Mến cũng không ép con, lại để nó ở nhà. Nhà là bốn bức vách bờ lô gác lên chưa tô vữa, không có tài sản gì nên cánh cửa gỗ tạp chẳng cần sắm ổ khoá. Con Trà chỉ đẩy cái móc sắt là ra ngoài, tha thẩn nghêu ngao cho đến trưa mẹ nó về nấu cơm ăn. Chỉ tội cái việc thích ra đường lang thang chứ không phá phách gì, nhưng càng ngày nó càng lơ ngơ hơn. Dì Mến đã tính chuyện cho con vào một trung tâm bảo trợ xã hội nhưng xin vào cũng không dễ, mà chị cũng không đành. Đến bây giờ nó đã lớn chừng ấy thì lại càng không...
Được tắm gội và chải đầu, trông con bé Trà cũng khá xinh. Năm nay nó lớn hẳn, da thịt mướt mát phổng phao dù cơm nhà nghèo chỉ có rau dưa cà mắm. Dì Mến tính sẽ mua cho nó bộ quần áo đẹp và đôi dép mới để tuần sau mẹ con cùng về quê làm mâm cơm bỏ đũa nhớ ngày cho ba nó. Tiện tặn gì cũng phải trả góp đến nửa tháng. Cũng phải vậy thôi, dì không muốn xóm làng thấy hai mẹ con lôi thôi rách rưới mỗi khi trở về. Ngày ba con Trà chết, nhà chồng cũng túng quẫn sau khi tiêu hết những món tiền chắc bóp và vay mượn vào mấy tháng chạy chữa ở bệnh viện huyện. Dì cố hết sức cũng không làm ra được gì để kếm ăn trên đất làng cát trắng huếch hoác trơ ra cùng mưa nắng bao đời. Dì bồng con đi, ước mong làm ăn cho khấm khá mới trở về. Nhưng đến tận bây giờ, ngày về mới chỉ có trong mỗi kỳ giỗ hằng năm. Nơi dì Mến đến “lập nghiệp” là vùng đất hoang nằm cạnh xóm định cư của dân vạn đò. Lúc đầu chỉ là những bãi đất trống trong đám mồ mả do người dân tứ xứ trôi dạt đến khai hoang. Từ khi lối đi đất đỏ ngang qua ngôi cổ tự mở rộng và chạy dài ra để gặp con đường lớn dưới chân núi thì nhà mọc lên nhiều thêm, rồi nghe chuyện quy hoạch gì gì đó. Chẳng bao lâu con đường đất đã đổ nhựa to lớn nở nang hơn. Có cả một cái chung cư năm sáu tầng vượt lên cao, đổ bóng im to lớn xuống mặt đường vào buổi chiều. Để có con đường và cái chung cư này, nhiều ngôi nhà phải đập ra san bằng, người bỏ đi cũng có, người mới đến xây lại nhà tầng cũng nhiều. Túp lều của mẹ con dì ở lọt dưới hõm đất thấp gần khe nước, xa mặt đường nên không bị hề hấn chi. Nên vẫn chơ vơ tội nghiệp và vẫn “nghèo bền vững”, như chú Chương tổ dân phố hay nói. Về chuyện cái chung cư, một hôm chú Chương tỏ ý giúp dì có việc để kiếm thêm ít ngày công. Ấy là trước khi chung cư được xây, tổ chú nhận việc đào đất bốc hài cốt vô chủ dời lên khu đất đã chọn trên nghĩa trang phía tây nam. Phần đưa đi chôn đã có bộ phận khác lo. Tốp chú chỉ đảm nhận khoáng bốc mỗi hài cốt là năm trăm nghìn. Tốp toàn đàn ông, dì chỉ lo việc nước uống, cơm trưa và bữa phụ xế chiều. Không ngờ dưới mỗi ngôi mộ lại có đến mấy bộ cốt chồng lên nhau, có lẽ đã lâu đời, vậy là kinh phí dự trù bị bội chi. Sáng ngày thứ ba, trai bạn đến nơi đã nghe chú Chương rầu rĩ nói:
- Mấy ông ngoài phường tính trật, bị lỗ nặng nên đình lại rồi. Đợi họ tính cách khác!
Không biết họ tính kiểu gì mà sau đó không ai kêu dì Mến đi làm. Miếng ăn của con bé Trà cần thêm chút cá thịt, dì lại đặt gánh lên vai, không bỏ lỡ buổi chợ nào, có khi phải cố rảo quanh những con hẽm để bán hết mớ rau củ, mong sao mỗi ngày chỉ còn cái cân đồng hồ be bé là được dì gánh về cùng niềm vui có bữa ngon dưới mái lều chơ vơ.
Một dạo bà Loan, chủ tiệm tạp hoá trước chợ nơi vẫn cho chị ngồi bán mé hiên, to nhỏ gợi ý:
- Mến à, con em họ của chị có cái quán nhậu đắt khách lắm, dì có muốn đến phụ nó không? Lương gấp mấy gánh rau này ấy chứ!
Dì Mến nghĩ ngợi đến mất ngủ mấy đêm. Dì đi qua nhiều quán nhậu, nhìn mấy khuôn mặt đỏ gay, nghe tiếng cười nói suồng sã, ngửi hơi người phả trong mùi thức ăn và bia rượu, dì rùng mình. Nhưng rồi nghĩ lại, rằng là cái phận mình quê mùa, chỉ rửa chén bát quét dọn trong bếp. Thế là dì Mến đi làm, lại có thì giờ lo sẵn bữa sáng và trưa cho con gái. Chiều thì có khi mua cho nó hộp cơm. Chỉ tối khuya dì mới về tắm táp và thay áo cho nó rồi cùng qua giấc ngủ sâu sau một ngày làm thuê tất bật. Mọi việc như thế cũng ổn...Nhưng chỉ ổn cho dì Mến. Một buổi tối, cơn dông đến bất ngờ. Chớp rạch chằng chịt trên trời và sấm nổ từng cơn dữ dội. Trà nhìn quanh không thấy mẹ bèn mở cửa chạy ra, cứ dúi vào những bụi cây rồi hoảng loạng chạy mãi. Mưa xuống, đường vắng hẳn. Ánh chớp thi thoảng loé lên, soi rõ lớp áo quần ướt nhẹp dính sát trên hình hài con gái, đang run rẩy nép trong góc hiên của trạm dân phòng...
Cơn mưa không dài, nhưng cũng đủ đẩy xô nhiều biến cố trong một đời người. Trà về gần đến nhà thì gặp dì Mến đang tất tả đi tìm. Dì thấy con gái mình bỗng khác lạ. Trà đã thay đổi, không nói cười. Nó đã tỉnh táo sau cái đêm dông quay cuồng trong góc hiên tối. Chỉ là nó không nhớ rõ khuôn mặt và dáng dấp ai đó trong cơn thống trị ào ạt của bản năng... Càng ngày nó càng tỉnh táo để hốt hoảng nhận ra một sự sống đang hình thành trong cơ thể mình. Dì Mến ôm con, khóc cười vì buồn vui lẫn lộn. Trà bỗng khôn lớn hẳn khi biết nghe dì Mến dặn dò đi lại nhẹ nhàng, làm việc vặt trong nhà đâu vào đấy gọn gàng ngăn nắp. Hai mẹ con đã biết làm thêm một số dưa mắm để cung cấp cho vài ba quán ăn, nhưng đều do dì Mến đưa đi, Trà không ra khỏi nhà. Dù vậy, chẳng bao lâu, chuyện động trời của đêm dông định mệnh đó lại được loan đi nhanh chóng, làm đề tài bàn tán rôm rả trong chợ, ngoài những quán cóc vỉa hè, trên những bàn nhậu lai rai của mấy tay anh chị phất phơ...
- Mấy thằng bây làm mất mặt cánh giang hồ! Đốn được thì vác được chứ! Đứa nào?
- Sợ gì chứ! Nhưng lạ quá, đêm đó cả bọn mình đang dính cá độ, có đứa nào rời bàn đi đâu một phút mà tra hỏi chứ!
Những cái chạm cốc vô tư, những tiếng cười sảng khoái vang lên:
- Thôi cho qua đi tụi bây! Dzô! Ha ha...
Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều ánh mắt nghi hoặc của cánh đàn bà khi thấy Trà ra khe giặt áo hay múc nước tưới rau. Họ lén ném cho Trà những cái nguýt dài hậm hực trước vẻ mặt thật thà vô tư của con bé mà mới ngày qua ngày kia còn lê lết vất vưởng, còn được họ thương hại chép miệng thở dài. Đành rằng nó không có lỗi gì, nhưng họ làm sao thương được cái hình hài có thể biết đâu đã được chồng mình ôm ấp cuồng nhiệt đến thế kia. Cả dì Mến, đi về vẫn phải gặp mặt chạm vai những người đàn bà thân thiện phút chốc trở thành đanh đá ấy. “Nó đẻ ra thì biết ngay là của thằng nào thôi. Lạy trời không phải là oan gia nhà mình!” Nghe vậy, dì Mến chỉ biết kéo nón, cun cút đi nhanh về phía căn lều có con bé, đúng ra là hai mẹ con, đang chờ mong để được cho nhau cái ôm ấm áp đỡ nâng, để mặc sức mà khóc cười lẫn lộn, không biết ngày mai sẽ ra sao.
Rồi cái ngày mẹ con dì Mến vừa mong vừa lo cũng đã đến. Gần như cả làng trong xóm ngoài đều hào hứng hóng chuyện. Nhưng đứa nhỏ lại là một bé gái xinh xắn, càng ngày càng giống con Trà, khó để nhận ra cái mặt thằng cha quỷ sứ nào đã gây chuyện. Mấy chị vợ cố lân la đến ẵm bồng, săm soi cố nhìn đứa bé cho rõ nhưng cái khuôn mặt bụ bẫm xinh gái kia không trả lời được gì cho họ. Họ tạm hài lòng, dĩ nhiên, tuy vẫn để ý xem có tay đàn ông nào thậm thụt đến vo ve quanh căn lều có ba thế hệ đều là nữ giới đó không. Mỗi ngày qua nhanh, đứa nhỏ đã biết đi rồi biết nói. Trà thì đẹp mặn mà đúng nghĩa của gái một con. Người đàn bà chưa biết qua thời thiếu nữ đó không thể nuôi con chỉ bằng những câu hát ru. Vay một chút vốn nhỏ, dì Mến sắm sửa được chiếc xe đẩy có tủ kính sạch sẽ bày bán gân kiệu, món khoái khẩu này không chỉ dành cho dân nhậu. Từ sau chuyện con Trà, dì trở lại với gánh rau thường ngày. Nay lại về sớm ở nhà với đứa nhỏ để Trà đẩy xe ra bán chỗ ngã tư ngoài xóm định cư vào lúc chiều muộn. Chỉ gói vào túi ni lông hay hộp nhựa bán cho người ta đem về. Dì Mến đúng là có tay làm dưa mắm. Ngon và sạch, lại rẻ nên đông khách, tầm chín giờ tối là hết sạch. Bà Kim Diệp là một trong những người thỉnh thoảng đạp xe ra mua. Chồng bà không phải là dân nhậu, sống khuôn khổ và ít giao tiếp. Đi làm về chỉ biết đọc sách và thi thoảng có ra tưới cây cho mảnh vườn nhỏ nhiều hoa. Ngôi nhà đẹp và yên tĩnh có lối vào sâu, tách biệt hẳn với xóm chợ ồn ào bên ngoài. Con cái họ đều thành đạt và ở xa. Đó là một gia đình lý tưởng mà nhiều người ngưỡng mộ và ao ước... Bà Kim Diệp vừa đẹp người lại giỏi việc. Ngoài tiệm may khá lớn ở gần ủy ban phường có đến ba bốn cô thợ, bà còn sở hữu một dãy phòng trọ cho sinh viên thuê phía gần khu đại học. Thỉnh thoảng hai vợ chồng ngồi nhâm nhi vài món ăn vặt bên hiên nhà, dưới ánh đèn chiều hôm và tận hưởng hạnh phúc của tuổi chớm già. Ông Sâm vốn là học trò giỏi từ một làng biển lên phố trọ học và được gia đình bà Kim Diệp cưu mang, gả luôn cho đứa con gái đầu bởi quý anh trò nghèo ham học. Đồng lương nhà nước ít ỏi được giao cho vợ và mọi chuyện cửa nhà con cái ông Sâm không phải lo. Ông không gặp gỡ thù tạc với những mối quan hệ bạn bè phần lớn cũng do vậy. Mấy lúc gần đây bà Kim Diệp thấy chồng có vẻ khác lạ. Một chút thôi. Bà nghĩ chắc là do mấy cái phiếu xét nghiệm về phổi và về khoản phải bỏ hút thuốc. Xưa nay bà chỉ biết nói chứ không biết nghe, bởi mọi sự sắp xếp vun vén của bà đều tốt cho chồng con. Nhiều khi cụ Cửu Hạp có ý nhắc nhở con gái đừng quá khắc khe rạch ròi mà vợ chồng con cái đâm ra nhạt nhẽo. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Tạo được thói quen đã khó, bỏ đi thói quen đó lại còn khó hơn. Bà cụ Cửu nghĩ vậy nên rồi cũng không nói nữa. Bà đã già nhưng chưa yếu, còn rất minh mẫn. Hơn mười năm nay bà không ở với con trai hoặc con gái. Bà tự kêu thợ sửa sang lại ngôi nhà cổ, sớm hôm hương khói mấy gian điện thờ và đọc kinh sách, tự phục vụ các sinh hoạt thường ngày...
Chiều nay bà Kim Diệp dắt xe vào đến cổng nhưng không thấy ông Sâm ngồi đọc sách ở cái bàn con bên hiên. Bát đĩa trên bàn đã sẵn, bà sớt món thức ăn vặt ra rồi gọi vói vào trong. Không nghe trả lời, bà đi vào vừa đến cửa bếp đã thấy ông Sâm nằm úp mặt, một cánh tay còn vướng trong cái chân ghế ngã đè bên vai. Ông Sâm được đưa đi cấp cứu. Nhưng sau mấy ngày hôn mê sâu, ông không bao giờ tỉnh lại. Không ai nghe được những lời trăn trối. Thôi thì cũng ra đi nhẹ nhàng thanh thản. Nhiều người đến chia buồn nói thế. Các con và dâu rể ở xa về cũng khuyên bà thế.
Sau đám tang mấy hôm, con cháu đi hết, bỏ bà lại trong ngôi nhà vắng thoảng mùi nhang trầm và tiếng kinh nho nhỏ từ chiếc máy đĩa cạnh bàn thờ. Bà thỉnh thoảng còn gọi ông Sâm làm cái này cái kia, sực nhớ là ông đã mất, bà mới thở dài nhìn lên tấm di ảnh. Bà không tin được rằng ông dám bỏ bà đi mà không nói năng chi. Bà có nguyên tắc riêng của mình, rằng không một thành viên nào trong gia đình dám đặt bà trước một sự đã rồi. Người phụ nữ chưa qua hết bậc trung học ấy đã biết cách vượt qua mọi cánh cổng tuyển dụng để cho chồng con được thăng tiến, và những cuộc hôn nhân của các con được diễn ra đúng như bài bản đã sắp đặt. Lần đầu tiên bà phải chấp nhận tình huống ngoài vòng kiểm soát của mình.
Nhưng đó không phải là lần duy nhất. Một người bạn của ông Sâm sáng nay đem đến cho bà một sự thật còn khủng khiếp hơn nhiều. Người bạn này vốn chơi thân với ông Sâm từ thời đi học, không phải bạn cơ quan mà chỉ là một giáo viên nghèo. Bà Kim Diệp vốn không thích người này nên hai ông ít gặp nhau ở nhà. Sáng nay ông ta đến, chóng vánh chỉ năm phút. Thắp nhang cho bạn xong, ông ta đặt phong thư lên bàn thờ và quay sang nói với bà Kim Diệp:
- Anh Sâm dặn tôi sau khi anh mất và đám tang xong thì đưa thư này cho chị.
Vậy là ông ấy đã biết bệnh mình trước đó, biết trước cái chết sẽ đến sớm. Không cho bà và các con lo lắng chạy chữa là sao chứ. Mấy giòng vắn tắt trong thư là lời trăn trối sớm với ý khẩn cầu. “Thay vì chạy chữa cho tôi trong vô vọng, hãy trả giúp tôi món nợ lớn: đứa con của Trà. Tôi vô cùng biết ơn và xin lỗi bà, xin lỗi các con...”
Bà run rẩy chực khuỵu xuống. Mấy sợi khói nhang vật vờ bay lên rồi loang mờ trước tấm di ảnh và khuôn mặt người chồng như méo mó thảm hại. Bà chợt muốn lấy nó xuống nện cho tan tành. Bà muốn đập phá, muốn gào thét lên cho vỡ cái lồng ngực đang căng đầy uất hận. Nhưng rồi bà lẳng lặng châm lá thư vào cây đèn dầu. Ngọn lửa nhỏ leo lét làm sao đủ xoá đi hình ảnh cơn mưa dông, những lằn chớp loé soi rõ hình hài con Trà nóng bỏng dưới lớp áo mỏng ướt dính. Và ông Sâm...Nhưng rồi tàn tro đã bay đi, các con bà sẽ không biết, không còn ai biết. Cửa ngõ đều khoá kín. Bà lăn lóc vạ vật không biết ngày đêm, không cầm điện thoại. Cho đến khi bà cụ Cửu và đứa cháu họ đến thì cả hai mới sững sờ: ra mở cổng là một bà lão gầy rộc với đầu tóc bạc phơ. Xem ra con đã già hơn mẹ. Ấy là bởi các cháu ngoại không liên lạc được với mẹ nên đã gọi cho bà Cửu. Bà cụ ôm con xót xa. Nhưng bà biết rất rõ con gái mình. Đã có điều gì nữa ngoài vành khăn tang làm tóc nó bạc trắng. Một điều gì đó bất thường...Trong khi đứa cháu họ dọn dẹp nhà cửa và sân vườn, nơi nhiều cây hoa đã vàng lá và chết khô, thì bà Cửu đã dỗ dành con gái ăn được chút ít và ngủ cho lại sức. Mãi rồi bà Kim Diệp cũng kể cho mẹ nghe. Không oán trách lu loa như con gái, bà cụ chỉ ngồi trầm ngâm, tuy trước đó có giật mình hơi ngạc nhiên. Bà thắp nhang trên bàn thờ con rể xong lại đi nằm. Nhưng bà không ngủ, những tiếng thở dài trong đêm khiến căn nhà thêm âm u, tiếng thở dài vẳng qua trước bàn thờ, hoà vào tiếng kinh trầm trầm đều đều từ chiếc máy nhỏ...
Hôm sau bà cụ Cửu dậy sớm chuẩn bị về. Đứa cháu họ ra đến cổng, bà còn đứng lại bên hiên nói với con gái:
- Chính con mới là đứa mắc nợ. Nợ thì sớm muộn cũng phải trả mới yên con à! Nghĩ cho thấu đáo rồi làm nghe con!
Một chút năng lượng len vào, bừng lên và cái xác vật vờ của bà Kim Diệp như sống lại. Bà quay vào nhấm nháp phần ăn sáng mà đứa cháu họ đã làm và đậy đằng tử tế trên bàn. Nguyên buổi sáng bà ở trong phòng, trước cái giá sách và những cuốn album. Từng tấm ảnh được lật qua và những quãng đời sống lại. Bà thảng thốt nhận ra không một tấm ảnh nào lưu được nụ cười của ông Sâm. Chỉ là trang nghiêm, khắc khổ và gắng gượng. Bao nhiêu năm qua không có những kỷ niệm gì đáng nhớ ngoài việc ông đã sống tốt và làm vừa lòng bà. Đến nỗi, khi mẹ ông Sâm bệnh nặng, bà theo ông về quê và bất ngờ gặp cô bạn cũ của ông đến thăm. Đó là người mà ông phải chia tay để đến với cuộc hôn nhân do gia đình bà chủ động sắp đặt. Bà đã viện một lý do rất cần thiết để ông gấp rút trở lại thành phố. Giờ phút cuối đời mẹ ông đã không được thấy mặt con trai... Những người bạn cũ của ông dù nam hay nữ, có liên quan đến thời trai trẻ của ông đều bị bà ngăn cản gặp ông bằng đủ lý do. Mấy đứa thợ may ở cửa hàng có việc vào nhà, bà đều giám sát kỹ lưỡng, cứ như sợ đưa mỡ tới miệng mèo. Ông Sâm dường như biết vậy và có vẻ như cảm thấy bị xúc phạm, nhưng vốn quen nhịn nên cũng thôi. Bạn cơ quan ông có đến nhà chơi cũng không phải vì quý ông mà chỉ là những người quen thân với bà, hoặc vợ con họ là khách hàng và có ơn nghĩa với bà. Khi bà không còn mặn mà chuyện phòng the, bà càng giám sát chồng kỹ lưỡng hơn... Bà đi ra phía bàn thờ, thắp thêm nhang trầm rồi nhìn ông tức tối: “Phụ nữ học thức và xinh đẹp hơn tôi, quanh ông đâu có thiếu. Hà cớ gì lại đi lợi dụng một con bé điên còn nhỏ tuổi hơn con mình? Đốn mạt đến thế là cùng!” Bà lại nhắm mắt, uất nghẹn. Mấy hôm sau bà về thăm mẹ. Đúng ra là về để nói cho cụ Cửu Hạp nghe những băn khoăn cứ đè nặng trong lòng.
Bà Cửu nhìn hồi lâu vào mắt con gái, giờ đã trũng sâu và thâm quầng:
- Có gì mà không hiểu? Đó là lần duy nhất nó được làm người đàn ông thực sự. Ít ra cũng có một đứa yếu đuối cần nó che chở.
Mặc cho con gái ngồi đờ ra bất động, bà cụ đưa tách nước gần sát mắt, xông chút hương trà đang phả lên rồi mới nhấp một ngụm:
- Con về nhà nghỉ ngơi đi! Chưa bình tâm thì đừng đi đâu cả. Xe cộ chúng nó lúc này chạy ẩu lắm đó!
Bà dắt xe ra khỏi cổng, ngồi lên không biết bao lâu và bằng cách nào mà đã về đến nhà mình. Vừa dựng xe trước hiên, bà đã quay người bước ra. Đi bộ một lúc, bà thấy mình đứng ở chỗ đường rẽ xuống mái lều hiu quạnh của dì Mến. Cơn mưa đêm qua làm lối đi ngập nước và bùn lầy lép nhép níu chặt đôi dép xuống đất. Nghe tiếng động trước cửa lều, đứa bé chạy ra nhìn rồi quay vào ngay. Trà bước ra, ngạc nhiên nhìn bà Kim Diệp. Một phần vì bộ dạng lấm lem của bà, nhưng nhiều hơn cả, có lẽ cô không biết lý do đến đây của vị khách hàng quen thuộc này. Tuy vậy cô cũng vui vẻ bước đến bên khách, cúi xuống thả đôi dép đang mang trong chân mình đẩy tới phía bà:
- Cô mang tạm đôi dép! Cô không quen đi đường này nên bị bẩn hết rồi!
Nhanh nhẹn đi về phía khe nước, cô cúi xuống chao đôi dép bết đầy bùn của bà khách, thoắt cái đã trở lại móc chúng lên mấy cành củi khô bên hàng rào. Bà Kim Diệp đứng ở ngạch cửa nhìn vào trong. Những tấm bạt che sát vào vách, vá víu thêm nhiều tấm bìa vỏ hộp tạo thành một góc đủ kê cái giường duy nhất cho ba người. Con bé nãy giờ núp vào tấm màn vải hoa xoắn lại phía trên đầu, đứng yên cho đến khi nghe tiếng chân mẹ vào đến gần mới vén mép màn, hé nhìn ra. Những ngón tay mũm mĩm và đôi mắt trong veo ngơ ngác. Khoảng im lặng kéo dài từ cả hai phía khiến con bé sợ hãi. Trà kéo đứa nhỏ lại gần, lúng túng không biết nên mời khách ngồi vào đâu. Nhưng khách còn lúng túng hơn. Bà Kim Diệp nhìn người mẹ trẻ, thấy đau nhói một thoáng. Cứ nghĩ đến cảnh nó thế nào với chồng mình, bà phải vịn vào cánh cửa mới đứng vững.
- Cô ơi, cô không khoẻ à? Mặt cô tái xanh rồi, để cháu xoa dầu cho cô!
Bà khoác tay tỏ ý không sao, bước đến ngồi cạnh mép giường. Vẻ chất phác hồn nhiên của Trà phút chốc khiến bà thấy lòng mình ấm áp trở lại. Bà nắm bàn tay đứa bé, ấm và cảm nhận có chút hơi hám gần gũi:
- Dì Mến đi bán chưa về à?-Bà nhìn lên phía đường cái tỏ ý chờ.
- Mẹ cháu về quê, chiều mới lên cô ơi!
Bà Kim Diệp lúc này mới thấy chỗ triêng gióng xếp gọn trong góc bếp. Đến cả những vật dụng thô sơ trong mái lều này cũng mang vẻ yên phận thảnh thơi, không đèo bòng, không kêu than. Chỉ có bà là đứng ngồi không yên...
Ra khỏi con đường dốc, bà Kim Diệp lên đường cái, không trở về nhà mà cứ đi bộ tha thẩn. Mãi rồi bà dừng lại thấy mình đứng trước hồ sen, cách nhà không biết đến mấy khu phố. Đã sang tháng bảy âm lịch mà vẫn còn lác đác mấy chục bông của lứa sen nở muộn, sau mấy ngày có những trận mưa đầu mùa. Giữa đám lá khô già nâu xám ủ rủ, mấy ngọn lá sen tơ mướt xanh ôm chân những bông sen hồng đang vươn cao, thơm cho đến hết chút hương tàn mùa. Người đàn ông ngồi trong lòng thuyền con cặp sát mép hồ, vấn thuốc châm lửa ngẩng đầu thả lên khoảng không những vòng khói bạc như màu tóc râu lưa thưa của mình. Bà Kim Diệp bước lại gần:
- Ông ơi, sen này có ai bán không ông?
Ông lão cười hiền:
- Là sen của nhà tôi. Bán nhiều bữa mùa rồi. Trời cho thêm chút này, để mọi người thưởng chung chứ bán chác gì đâu cô!
- Vong hồn ông nhà cháu thích sen lắm! Giờ xin ông hái bán cho cháu một chục nhé!
Ông lão rít một hơi thuốc dài, vứt tàn xuống đất ẩm và dí bẹp hẳn rồi lẳng lặng bơi thuyền ra, thoáng một lát đã ngắt xong chục sen. Nhẹ và nhanh chóng, bó hoa được bọc trong một ngọn lá sen tươi xoè ra để lộ những chóp bông nhọn phía trên đầu:
- Tôi gửi biếu cô về cúng ông nhà.
Nắng đã gay gắt, nhưng bà Kim Diệp thấy lòng mát dịu. Bó sen thơm suốt dọc đường về. Ông Sâm vẫn nhìn bà chờ đợi sau những vòng khói nhang phơ phất vờn quanh. Nói gì qua ánh mắt đăm đăm ấy? Ánh mắt đi về đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn của một người mới hôm nào còn mạnh mẽ và đầy quyền uy trong gia đình...
Cho đến hôm chuẩn bị bốn chín ngày ông Sâm. Con cháu sẽ về, bà cần phải làm nhiều việc. Vừa mở cổng trước ra, bà đã nghe vẳng lại những tiếng kêu réo hoảng hốt, mỗi lúc một rõ dần. Là Trà. Cô đang vác thốc một đứa bé trên vai chạy te tái. Vài người chạy theo. Bà Kim Diệp vội vã bước ra, đánh rơi cả chùm chìa khoá lúc nào không hay. Vừa lúc con bé cũng chạy lúp xúp gọi mẹ cách đó một quãng khá dài. Một nỗi mừng bỗng đến bất chợt. Không kịp hiểu vì sao mình vui như vậy, bà đón con bé trong vòng tay:
- Nào, chúng ta đi theo mẹ Trà nhé!
Đã có mấy thanh niên chạy xe ra từ các ngõ. Phải một đoạn đường dài nữa mới đến trạm xá. Trà giao đứa nhỏ cho họ, nhờ chở luôn bà lão đang khóc la hoảng loạng rồi quay lại với con bé. Cô cám ơn bà Diệp và giải thích ngắn gọn:
- Thằng cháu mệ Đỏ không biết trèo lên đống gạch làm chi mà té xuống.
Đưa tay áo quệt mồ hôi trên trán, Trà chào mấy người còn túm tụm quanh đó rồi dắt con về. Bà Kim Diệp cũng trở vào nhà với những bận bịu cho ngày chung thất của ông Sâm đang đến gần...
Con cháu về đầy đủ. Mấy mâm cỗ chay bày biện đẹp mắt đã sẵn sàng. Nhưng không thấy bà Kim Diệp đâu. Cô dâu cả ra tận cổng ngóng mẹ chồng thì thấy bà về, dẫn theo hai người lạ, có vẻ như là hai mẹ con.
Bà dẫn họ đến trước bàn thờ ông Sâm, chỉ cho đứa bé:
- Lạy ba đi con!
Bà Kim Diệp không muốn nói thêm cho chúng biết đêm qua bà mơ thấy ông Sâm về nắm chặt tay bà nói cười vui vẻ thế nào. Lần đầu tiên bà hiểu được cảm giác thảnh thơi của những người vừa trả xong món nợ lớn. Bà nhìn ra hiên nhà đang bừng sáng sau cơn mưa dông chợt đến chợt đi, ngạc nhiên thấy lòng dửng dưng khi sẽ rời bỏ nơi chốn ngày nào đã từng gắn bó máu thịt. Những giọt nước lấp lánh trên lá cành đã chóng khô, hân hoan bay lên hoá thân vào mây trời, chờ tái sinh cho những cơn mưa ngày mới...