Văn học
Nguyễn Khắc Phê - Số phận không định trước
08:48 | 16/12/2016

Cho ra đời tự truyện “Số phận không định trước” (NXB Hội Nhà văn, 2016), nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã thừa nhận con người có Số, có Phận (Số Phận) - một vấn đề mà lâu nay đông tây, kim cổ đã, đang và sẽ còn tốn nhiều công sức, giấy mực để nghiên cứu, bàn luận…

Nguyễn Khắc Phê - Số phận không định trước
Qua “Số phận không định trước” của Nguyễn Khắc Phê, người đọc sẽ còn được chiêm nghiệm số phận éo le của nhiều người khác trong đại gia đình ruột thịt có đến 17 người của anh (14 anh chị em, bố, mẹ và... mự) từ làng Gôi Vị, Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh đến kinh đô Huế, nơi thân phụ anh - Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, hai lần được bổ giữ chức Phủ doãn (Tỉnh trưởng - 1936, 1938) và nhiều số phận khác bên nội, bên ngoại và xã hội. Mỗi số phận là một con người cụ thể, có thể tìm gặp để trò chuyện, “kiểm chứng”... chứ không phải là những nhân vật văn học trong những trang sách.
 
Nói là “Số phận không định trước”, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù bất ngờ, buồn đau, bi đát đến mấy, anh và gia đình cũng “cắn răng” chấp nhận, đối diện, sống với nó để vượt qua, để có được như hôm nay… và theo anh nói là “vui nhiều hơn buồn”. Thế cũng là mừng với anh Phê - một người siêng năng “cày cấy” trên cánh đồng chữ nghĩa, văn chương, nên đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào như vậy.
 
Trong “Số phận không định trước”, người đọc còn được biết thêm nhiều điều thú vị lần đầu được tác giả công bố: Chuyện về ông bố Nguyễn Khắc Niêm, từ nho sĩ “thần đồng” ở làng Gôi Vị trở thành đại quan triều Nguyễn, nổi tiếng với “Tứ tôn châm”, rồi là nạn nhân của “cải cách”… Chuyện về người mẹ, người mự không biết chữ mà thuộc gần hết “Truyện Kiều”, chuyện về anh chị em, chuyện anh Phê thuở nhỏ từ Hương Sơn, Hà Tĩnh trốn ra Hà Nội “Kiếm sống và kiếm chữ”, chuyện “Những trang viết đầu tay”, “Tiểu thuyết đầu tay”, “Người tình đầu… tay”… Cả những chuyện “đánh đấm” trong văn đàn, chuyện bị ngành chức năng “tuýt còi” khi ra tiểu thuyết “Mười ngày và cả mười năm” (NXB Thanh niên, 1997), chuyện “đóng cửa” tạp chí Sông Hương (Huế) vì in bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi…” của Trần Vàng Sao, và vì in bức vẽ… của họa sĩ Bửu Chỉ với “trò chơi” trí tuệ “Đặt tên cho tranh”, khi Nguyễn Khắc Phê là Phó Tổng biên tập, rồi Tổng biên tập (1990 - 1991)…
 
Càng đọc, càng thú vị với “Số phận” của Nguyễn Khắc Phê từ cậu ấm con quan triều Nguyễn thời vua Thành Thái, khi thất thế từng phải cùng các anh chị đi mót khoai, mò cua, có lần đã đổ trộm lờ cá của người cùng làng, thậm chí bắt cả... chuột, châu chấu, để sống qua thời “cải cách”. Rồi trốn làng quê ra Hà Nội, trở thành “thằng” bán dạo sách báo dọc hè phố Hà Nội để kiếm tiền ăn học, trở thành anh kỹ thuật viên ngành cầu đường, rồi trở thành nhà văn trưởng thành từ thực tế đời sống nhiều hơn từ ghế nhà trường, với nhiều tác phẩm được bạn đọc trân trọng.
 
Đọc “Số phận” của Nguyễn Khắc Phê để biết thêm nhiều số phận khác, hiểu thêm “con người xã hội”, chia sẻ để thêm chút thương yêu người, thương yêu mình, gia đình, đất nước, thêm động lực sống, làm việc. Đọc “Số phận” mới biết thêm Nguyễn Khắc Phê tuổi Kỷ Mão (1939), nay đã 78 tuổi, lại bị hỏng mắt bên phải do bị chấn thương trong một vụ tai nạn khi cùng đội cầu I Bộ GTVT thi công cầu Tế Tiêu qua sông Đáy nên có người đùa anh chỉ “nhìn đời bằng một con mắt”.
 
* Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
 
Theo Bùi Ngọc Quỳnh - Lao Động Online
Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)