Mỹ thuật
KỶ NIỆM 1 NĂM NGÀY MẤT HỌA SĨ KIM LONG
09:28 | 19/03/2015

Những cuộc “về lại”

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

KỶ NIỆM 1 NĂM NGÀY MẤT HỌA SĨ KIM LONG
Họa sĩ Kim Long phát biểu khai mạc phòng tranh “Về với Sông Hương”

Ngày 29/12/2014 là tròn một năm họa sĩ Kim Long rời cõi tạm. Mới hôm nào đó, từ khuya 29/12/2013, một tin buồn lan nhanh trong bạn bè văn nghệ: Họa sĩ Kim Long vừa ra đi lúc 23 giờ 10 ở Sài Gòn. Việc họa sĩ Kim Long sẽ không qua khỏi vì căn bệnh ung thư quái ác là điều chính anh, gia đình, bạn bè đã tiên liệu; song tin anh qua đời vẫn bất ngờ.

Trước đó chừng một tháng, họa sĩ Kim Long có những ngày cùng các bác sĩ Khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế chống chọi với bệnh tật trong vòng tay ấm áp của chị Thanh - vợ anh và mối quan tâm lo lắng của bạn bè ở Huế. Đặc biệt vợ anh - chị Thanh, đằng đẵng một thời gian dài, đã hết lòng săn sóc, theo anh từng mỗi bước chân, vuốt ngực anh từng hơi thở khó nhọc…

Nhưng hình như tri nhận được lẽ vô thường của kiếp phận, anh lặng lẽ giấu cơn đau, vẫn giữ nụ cười trên môi trước mọi người. Còn nhớ trước đó không lâu, trong những ngày “xạ trị” ung thư ở Huế, dù mệt anh vẫn ghé lên tham dự sự kiện văn hóa được tổ chức ở Gác Trịnh, nơi anh là thành viên sáng lập.

Đó cũng như là cách sống của anh, cách anh thể hiện lẽ yêu đời trong đời thực cũng như trên tranh vẽ.

Họa sĩ Kim Long, tên thật là Nguyễn Quốc Hoàng, sinh năm 1946 tại Huế, từng học Cao đẳng Mỹ Thuật Huế. Năm 1970, anh theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Xa quê, anh luôn thường trực nỗi nhớ Huế và niềm đam mê hội họa trong anh hàng bao nhiêu năm vẫn luôn cháy bỏng. Anh nghĩ về nghệ thuật hết sức giản dị mà sâu sắc vô cùng: “Mỗi một con người, đều là một nhà thơ, một nghệ sĩ, bởi vì, trước một bài thơ hay, một bức tranh đẹp, mỗi người đều rung động và chính sự rung động đó, sẽ giúp con người thăng hoa hơn. Trong thẳm sâu, mỗi con người đều có những thôi thúc vươn lên trên những lo toan hằng ngày về cơm ăn áo mặc. Thực vậy, “cái đẹp cứu rỗi nhân loại”, đưa con người vào nếp sống văn hóa, vượt thoát đời sống động vật để bay lên cõi bao la của Tâm và Linh”.

Họa sĩ Kim Long và bức “Thiếu nữ và sen” đầy chất Huế


Tiếng nói âm thầm của tâm linh ấy ngày đêm không ngơi thôi thúc anh cầm cọ. Lặng lẽ, âm thầm, không vội vã, từng khoảnh khắc nào đó trong ngày, anh sống với màu sắc và những hoài niệm tuổi thơ dưới bóng kinh thành Huế. Bức “Thiếu nữ và sen” là sự giải tỏa nỗi nhớ Huế trên tấm toan của anh. Vầng trăng khuyết, cửa Thượng Tứ phía sau làm nền cho những đóa sen tinh khôi và thiếu nữ Huế mặc áo dài tím học trò Hai Bà Trưng. Tất cả đó, hiện lên trên không gian mịt mờ sương khói ảo huyền, như muốn làm đông đặc Huế lên khung toan để ngắm cho thỏa thích.

Những năm sau này, họa sĩ Kim Long không chỉ hướng về trong tâm tưởng mà còn thực hiện nhiều chuyến “Về Lại” quê hương xứ Huế đầy ý nghĩa, thông qua Chương trình Phát triển Không gian Văn hóa của Tạp chí Sông Hương.

Bắt đầu từ Festival 2008, anh và những người bạn Huế xa quê ở TP. HCM đã “về lại” quê nhà tại “Tuyệt tình cốc” (2/100 Lê Thánh Tôn, Thành nội Huế). Hai năm sau, tại Tòa soạn của Tạp chí Sông Hương, anh và nhóm bạn đã tổ chức phòng tranh Lại về với 7 tác giả (Ái Lan, Kim Long, Lê Văn Ba, Trương Hoa Đôn, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ và điêu khắc gia Trương Đình Quế). Lại về góp một phòng tranh cùng chia vui với Festival Huế 2010 ngày đó. Riêng anh, thầm lặng với những bức tranh sơn dầu đen trắng, đã gợi cho người xem một cảm giác sâu nặng tình quê, ắp đầy tâm thức Huế, lay động kỳ lạ.

Họa sĩ Kim Long và bạn bè cùng triển lãm “Lại về lại” tại Festival Huế 2012


Festival năm 2012, tại phòng trưng bày của Tạp chí Sông Hương, họa sĩ Kim Long “Lại về lại” với nhóm bạn của mình. Riêng anh mang về Phố ven sông (sơn mài) là ký ức, hoài niệm của tuổi thơ và Nhan sắc(sơn dầu) như một nỗi nhớ mong khắc khoải quê nhà và một thời gian rộn rã với bạn bè ở Huế thập niên 60 - như anh thổ lộ.

Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, anh và bạn bè cùng về tổ chức triển lãm “Về với Sông Hương”, ấm áp tình văn nghệ sĩ.

Những cuộc triển lãm ở Huế, anh đứng ra lo liệu mọi việc, từ rủ rê bạn bè, gói ghém tranh chuyển lên tàu, đến việc in catologe, giấy mời…

Họa sĩ Kim Long (trái) và nhóm bạn họa sĩ trao học bổng cho sinh viên Mỹ thuật Huế


Không chỉ vậy, trong một số triển lãm ở Huế, anh còn quyên góp trao học bổng cho sinh viên nghèo. Cũng như hàng năm, anh theo vợ đi làm từ thiện ở Huế và nhiều nơi khác nữa.

Anh còn tham gia nhiều cuộc triển lãm khác. Ngày 9/9/2009 tại Trung tâm Văn hóa Công giáo Việt Nam, số 6 Tôn Đức Thắng Q.1 TP. HCM, anh cùng triển lãm chủ đề “Dấu ấn Đức Tin lần II”, chung với 61 họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng trong và ngoài nước, với các tác phẩm Cõi Thực, Phố Núi. Tranh của Kim Long ở đó đầy chất thơ, thấm đẫm chất thiền trong trẻo, hồn nhiên, bàng bạc sự mơ hồ cõi sống.

Tác phẩm “Phố ven sông”
Tác phẩm “Nhật nguyệt”


Ngày 21/12/2009 tại Trung Tâm Mục Vụ Đa Minh Ba Chuông, 190 Lê Văn Sỹ, TP. HCM, anh cũng triển lãm tranh chủ đề “Đêm Đông Không Nhà” chung với 59 họa sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia, nhằm mục đích gây quỹ cho người lang thang không nhà vào đêm giao thừa Canh Dần. Lần đó, họa sĩ Kim Long có những bức tranh Nẻo về, như là một tri ngộ về Vô thường. Đó là lần tham gia triển lãm cuối cùng của anh khi còn trên cõi tạm.

Sống một cuộc đời phóng khoáng, chân tình và quan tâm rất mực đến bạn bè, sự ra đi của anh để lại nỗi trống vắng không chỉ với người thân, mà còn đông đảo bạn bè anh. Với Tạp chí Sông Hương, anh ra đi là sự mất mát một người bạn đồng hành.

Festival Huế 2014, thực hiện di nguyện của anh, dẫu anh đã rời cõi phù du, bạn bè anh vẫn tổ chức phòng tranh “Về về lại”, tiếp tục dòng lưu thủy của những người con Huế xa quê. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hải chủ trì cuộc trở về, đã mang theo tranh của anh đến trưng bày, như vẫn có anh trên cõi đời.

Biết cõi sương mù như “Nẻo về” của anh rồi ai cũng sẽ đến, nhưng sao không khỏi rưng rưng khi nhớ về anh.

H.Đ.T.N








 

Các bài mới
Các bài đã đăng