Mỹ thuật
Cuộc sống trong sắc màu của Nguyễn Đăng Sơn
09:32 | 24/09/2018
Những hiệu ứng bất ngờ đầy cuốn hút thậm chí là ngoài chủ ý của tác giả - điều ấy lôi cuốn họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn theo nghiệp vẽ tranh sơn mài.
 
Cuộc sống trong sắc màu của Nguyễn Đăng Sơn
Họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn
Trong xưởng vẽ ở con xóm nhỏ của phường Hương Hồ (Hương Trà), tranh của Nguyễn Đăng Sơn (sinh năm 1978) chất đầy những bức tranh đã hoàn thành và đang dang dở. Sơn trải lòng: “Sơn mài là nghệ thuật vẽ truyền thống mang đậm tính dân tộc và khá nổi tiếng trên thế giới của Việt Nam. Khi học hội họa, tôi đã mê sơn mài và bị nó lôi cuốn. Sức hấp dẫn của kỹ thuật sơn mài phải kể đến màu nước, cách tạo màu, khi mài tạo ra những hiệu ứng bất ngờ đầy cuốn hút ngoài chủ ý của tác giả”. Tranh sơn mài rất kỳ công, mỗi khi vẽ sơn ta, tay của Sơn luôn phồng rộp. Nhưng anh vẫn mê nó.
 
Không rắc rối, cầu kỳ, tranh của Sơn là những nét vẽ rõ ràng, đầy hoài niệm về mẹ, về ký ức tuổi thơ. tác phẩm của anh là chuỗi dài ký ức tuổi thơ của những ngày gian khó ở vùng quê nghèo, trong trẻo, ngọt ngào với những ngày lội sông, bắt cá. “Dù qua nhiều năm tháng, trải qua những thăng trầm của cuộc đời, tôi vẫn lưu giữ và sống mãi với ký ức tuổi thơ - thời gian đẹp nhất của đời người. Tuổi thơ gian khó mà đẹp đẽ của thuở ấy không còn trong thời hiện đại”, họa sĩ trải lòng. Vì thế, có thể bắt gặp trong nhiều tác phẩm của Sơn hình ảnh của những trò chơi dân gian, của những chiếc nơm, con cá, những ngôi nhà ven phá, ven sông…
 
Mẹ là đề tài được anh thể hiện đầy khắc khoải. Mẹ mất khi Sơn chuẩn bị ra trường, nỗi nhớ mẹ khôn nguôi khiến thời gian mới bắt đầu sự nghiệp, Sơn đa phần vẽ ký ức về mẹ, tuổi thơ và những ngày tháng bên mẹ, về tình yêu thiêng liêng và cao quý của bà dành cho anh. Nhớ mãi cảm giác ngọt ngào của những ngày tháng sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, hình ảnh người mẹ trong tranh Nguyễn Đăng Sơn luôn hiện lên với vẻ tần tảo, đầy hy sinh, ôm ấp và che chở cho con. Bức tranh đứa trẻ lớn lên trên đôi quang gánh của mẹ anh vẽ khi chưa ra trường đến giờ vẫn làm anh xúc động mỗi khi xem nó. Hay hình ảnh người mẹ ôm ấp hai con vào lòng trong “Tình mẹ” được anh vẽ theo phong cách lập thể cũng thể hiện điều này.
 


Tác phẩm “Tình mẹ”

Sơn vẽ theo cảm xúc. Tranh của Sơn thường về cuộc sống thường nhật của Huế với hình ảnh của phiên chợ sớm, của những xóm chài và ánh đèn từ những ô cửa ven sông khi đêm xuống, cùng những con đò chở đầy kỷ niệm nên  lúc nào cũng nhẹ nhàng, giản đơn nhưng đầy thanh âm và sắc màu cuộc sống. Dường như trong ấy, anh bộc lộ niềm yêu thương, nhớ nhung và day dứt trong những gam màu trầm giàu tính hoài niệm. “Với tôi, nghệ thuật gần gũi với đời thường. Tôi ít khi vẽ những gì quá xa vời, trừu tượng mà mộc mạc, chân thật từ thực tế cuộc sống để lôi cuốn cảm xúc người xem” - Nguyễn Đăng Sơn chia sẻ:
 
Nguyễn Đăng Sơn đã tham gia nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật và được tặng nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật, Liên hiệp các Hội VHNT. Năm 2013, tác phẩm “Bến đò”, hoài niệm về hình ảnh xóm vạn đò trên sông Hương một thuở của anh đạt giải C giải thưởng VHNT Cố đô. Mới đây, tác phẩm “Hoài cổ” khắc họa vẻ đẹp của Nhã nhạc cung đình Huế đạt giải khuyến khích triển lãm Bắc miền Trung.
 


Một tác phẩm hoài niệm về tuổi thơ của Nguyễn Đăng Sơn

Với nghệ thuật, anh dành niềm yêu thích, say mê đặc biệt và anh đã sống được với nghề bằng những bức tranh lưu niệm dễ thương về hoa, thiếu nữ, tuổi thơ… Tranh của Sơn được bán nhiều cho khách du lịch ở Hội An, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...
 
 
Theo Trang Hiền - Báo Thừa Thiên Huế Online
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng