LÊ HUỲNH LÂM
Ký ức là khoảng không gian của quá khứ, là phạm trù thuộc về cái đã qua. Nhưng chính ký ức sẽ báo hiệu một điều gì sắp đến, có thể là cơn bão tương lai, một trận đại hồng thủy hay một sự tan biến vào hư không. Cũng như những giấc mơ trong cuộc đời, dù đã thuộc vào quá khứ, nhưng nó lại hàm ngụ dự báo cho một tương lai vui buồn. Tất cả không nằm ngoài những mắt xích nhân quả.
>> Tác phẩm của họa sĩ Đặng Mậu Tựu
Có thể nhận ra trong “những mảnh rời ký ức” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhiều vệt màu dậy lên trong vô thức, ở đó đọng lại các vì sao như đốm sáng hy vọng của cuộc đời mà người nghệ sĩ phải ném những ánh lửa trần gian vào khoảng tối miên viễn, cho dù biết rằng hành động đó như dã tràng se cát, nhưng trong thể cách của kẻ đi tìm cái đẹp, người nghệ sĩ luôn khao khát khám phá một chân trời của riêng mình. Và một ngày nào đó, anh chàng nghệ sĩ chợt nhận ra rằng, cái đẹp không ở bên ngoài mình, không ở xa tận chân trời kia,... mà chính trong nội tâm của kẻ sáng tạo. Từ đó, họa sĩ Đặng Mậu Tự đã chép lại ký ức của mình bằng nghệ thuật trừu tượng, trong chuỗi thời gian sao chép đó, anh đã đánh mất tự ngã chính mình để cho bàn tay của một năng lượng bên ngoài điều động, có thể là một ánh chớp, hay cơn phân liệt thần kinh hoặc một khoảng mờ của lý trí do tác động của rượu mạnh,... và cuối cùng là những cử động khi thì run rẩy, lúc thì phóng khoáng và những phút xuất thần để tạo ra “âm vọng nguyệt cầm” giữa chạng vạng trời đất, xa xa là những ánh lửa của thiên thần đang thắp sáng khoảng đêm trần thế. “Bên trời phiêu lãng” là cuộc rong chơi của trí tưởng nơi miền đất nâu, mà những nét cọ nguyên sơ cứ kéo dài vào bất tận. Hay nơi “khúc quành dòng sông” người xem sẽ cảm nhận vòng xoáy của dòng chảy cuốn theo những gì cùng trong chuyến hành trình về cội nguồn.
Người chơi đàn Mando |
Trong serial tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, phần nhiều tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng phi hình thể (informel), một số bức như “Người chơi đàn Mando”, “Cây mùa rụng lá”, “Phố chiều” thuộc bán trừu tượng (Semi abstract), một vài bức có hơi hướng của biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism) như tác phẩm “Ngẫm đời”, “Bên trời phiêu lãng”...
Như quy luật vô thường trong cuộc sống, mọi vật dù đã thành hình hay chưa thành hình, luôn luôn trên hành trình trở thành (becoming). Trong suy tưởng đó, thì nghệ thuật trừu tượng rất gần với thực tại tiền sự vật, người nghệ sĩ vẽ trừu tượng đang muốn diễn đạt cái chưa thành hình, hoặc cái đang phân rã, tức là cái đang trở thành, chưa được định danh. Và khi tác phẩm trừu tượng hoàn thành cũng chính là thời khắc tác phẩm đã bị hoặc được đóng vào “thập giá”, vì sự vật được diễn đạt đã trở thành một mô thức vật chất khác.
Sự khởi đầu |
Trở lại với loạt tranh trừu tượng của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, tôi nhận ra một số ít centimet trên vài tấm tranh của anh có bóng dáng của họa sĩ trừu tượng tài danh Jackson Pollock. Nhưng xem ra trên mảnh đất Thần kinh này, ngoài hai họa sĩ Vĩnh Phối, Trương Bé đi trọn đời với nghệ thuật trừu tượng, thì đến nay có thể khẳng định họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã dấn thân vào con đường này một cách bản lĩnh, khiến cho những người đi trước và các thế hệ sau ngỡ ngàng.
Ngẫm đời |
Có thể nói rằng, Đặng Mậu Tựu đã khiêu vũ trên những ô vuông bằng những ngón tay của trường liên tưởng mạnh, tâm thức anh chuyển động theo âm vang của dòng sông, ngọn núi, đôi khi là tiếng chuông chiều hay lời thì thầm của một chiếc lá lìa cành hoặc những âm ba của người hàng xóm... Tất cả những âm thanh cuộc sống đã đọng lại thành bản hòa sắc, khi nóng khi lạnh, lúc thì rực sáng của “ngày nắng lên”, lúc sẫm tối như “sự khởi đầu”, những vệt rêu xanh ngọc của cổng thành cổ, màu lam của cơn mưa, màu vàng của góc phố chiều và màu đỏ đang phủ dụ trong khu vườn ký ức nhiệt đới.
Xem 27 bức tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu triển lãm ở Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (từ ngày 7/4/2014 đến 14/4/2014, hưởng ứng Festival Huế 2014), mà lòng tôi trỗi dậy những cảm xúc của kẻ trở về sau chuyến lang thang xa quê nhà. Rồi chợt nhận ra một điều, để thưởng ngoạn những tác phẩm trừu tượng hoặc phải thật say hoặc phải bỏ quên bộ óc duy lý bên ngoài tác phẩm để mặc trái tim tự do cảm thụ.
Với trường phái trừu tường, có thể xem là xu hướng tự do nhất của người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm của họa sĩ Đặng Mậu Tựu ẩn chứa một vệt tâm, ở đó không chỉ là ký ức của tác giả mà bao hàm ký ức của một vùng đất, của dòng lịch sử nhân loại tiếp nối và một khoảng trống trước sự sáng thế.
Nguồn TCSH