TRỌNG BÌNH
Nghệ thuật Múa Cung đình Huế mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu: lục cúng hoa đăng, trình tường tập khánh, phụng vũ, tứ linh, vũ phiến, Lục triệt hoa mã đăng...
Trải qua thời gian, chính hơi thở của đời sống văn hóa nghệ thuật đã từng ngày thổi vào loại hình này những sắc thái mới của cuộc sống để đưa nó trở thành một loại hình nghệ thuật hoàn thiện nơi chốn cung vua, phủ chúa.
Nghệ thuật cung đình nói chung và các vũ khúc cung đình Huế nói riêng là những sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và kết tinh dưới thời nhà Nguyễn. Theo Những đại lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt Nam của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, ngày xưa những dịp quốc lễ, quốc khánh trong cung của vua chúa có trình diễn ca và vũ. Tuy nhiên, những vũ khúc cổ này đã thất truyền rất nhiều, đến đời nhà Nguyễn chỉ còn lại 11 vũ khúc đó là: bát dật, lục cúng hoa đăng, tam tinh chúc thọ, bát tiên hiến thọ, trình tường tập khánh, đấu chiến thắng Phật, tứ linh, nữ tướng xuất quân, vũ phiến (múa quạt), tam quốc - tây du và lục triệt hoa mã đăng. Như vậy, vũ khúc Lục triệt hoa mã đăng được Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề sắp xếp đứng cuối cùng theo thứ tự so với các vũ khúc còn lại.
Dưới thời nhà Nguyễn, vua Khải Định (1916 - 1925) ban dụ lấy ngày mồng 2 tháng 5 âm lịch làm tiết Hưng quốc khánh niệm để ghi nhớ công đức dựng nước của vua Gia Long (1802 - 1820). Lễ Hưng quốc khánh niệm bắt đầu từ mồng 1 đến mồng 3 tháng 5 âm lịch. Trong 3 ngày ấy các công sở được nghỉ. Trên kỳ đài treo quốc kỳ vàng, các cổng thành treo môn kỳ. Công sở và tư gia ban ngày ngoài cửa treo cờ, ban đêm thắp đèn. Thuyền bè qua lại trên sông Hương cũng treo cờ và thắp đèn. Trong lễ Hưng quốc khánh niệm, buổi tối trước Phu Văn Lâu, Thự Thanh Bình cho trình diễn các vũ khúc như: tứ linh, tam tinh chúc thọ, Lục triệt hoa mã đăng… trong các vũ khúc nói trên, Lục triệt hoa mã đăng luôn thu hút được sự chú ý của vua quan cũng như sự tò mò của dân chúng, bởi âm nhạc, lời ca, sự nhịp nhàng của người và ngựa cùng trình diễn với nhau rộn ràng cả một khoản sân rộng.
Lục triệt hoa mã đăng là một trong những vũ khúc cung đình thuộc thể loại múa chúc tụng, ngoài việc biểu diễn trong lễ Hưng quốc khánh niệm của triều đình nhà Nguyễn, vũ khúc này còn được biểu diễn vào đầu năm mới, số lượng diễn viên tham gia thể hiện luôn là số chẵn được qui chuẩn bằng các con số: 12, 24, 48 hoặc 64… tùy thuộc theo điều kiện cụ thể. Sau khi vũ khúc Lục triệt hoa mã đăng không còn dùng ngựa nữa, các diễn viên thể hiện điệu múa bằng cách, trước bụng mang một cái đầu ngựa, sau lưng mang đuôi ngựa, tay cầm roi ngựa, đầu đội mũ ngạch quan, trên vai mang hai chậu đèn hoa sen có thắp nến, họ vừa múa, vừa hát giống như điệu múa cung đình Tam quốc - Tây du. Do không còn dùng ngựa thật, nên để chuyển tải nội dung điệu múa đến với người xem các diễn viên đã dùng các động tác thuộc hệ thống vũ đạo tuồng Huế để mô phỏng cách bắt ngựa, cách lên ngựa, cách phi ngựa, cách xuống ngựa, cách đá ngựa… và dù chỉ dùng ngựa giả, nhưng nhờ ca từ của lời hát được cất lên kèm theo động tác được lồng cùng với âm nhạc nên người xem hiểu được nội dung của điệu múa.
Dù trình diễn trong ngày lễ Hưng quốc khánh niệm của triều đình hay biểu diễn trong dịp tết Nguyên đán để chào đón năm mới, thì vũ khúc cung đình Lục triệt hoa mã đăng đều mang nội dung chúc tụng những lời tốt đẹp dành cho nhà vua - thiên tử đang trị vì triều đại của mình, ví dụ trong ca từ của khúc hát Nhất triệt viết:
“Thể càn nhân, siển khôn trân
Vạn bang triều cống thế như xuân
Ngã hoàng cương kỷ pháp Chu-vương, hóa cập tứ phương
Gia gia hưu hưu tập chí đức, thọ vô cương”.
Dịch nghĩa:
“Thể lòng nhân của trời, mở quí báu của đất
Muôn nước về triều cống, đời vui vẻ như xuân
Mối dường vua ta bắt chước như pháp lệnh Chu-vương, đức hóa khắp bốn phương
Tươi tươi tốt tốt nhiều đức lớn, sống lâu không biết ngần nào”.
Hay trong khúc hát tam triệt cũng viết:
“Khôn-cung nhật noãn ái từ vân
Hiếu dưỡng thân tình khế Thuấn Văn
Gia cập bang thức thị nghi hình, chí đức bình minh
Thần thần dân dân ca phúc khánh, ngã hoàng vạn tư linh”.
Dịch nghĩa:
“Khôn-cung ấm áp mây từ sáng tỏ
Hiếu dưỡng tình thân như vua Thuấn và vua Văn-Vương
Nhà với nước đều theo khuôn phép ấy, đức lớn sáng suốt
Thần thần dân dân ca chúc phúc khánh, vua ta thọ muôn tuổi”.
Múa Cung đình Huế là kết tinh những giá trị nghệ thuật sân khấu của thời đại, là sản phẩm nghệ thuật được các nghệ sĩ cung đình sáng tạo nên để ca ngợi cuộc sống trong chốn cung đình. Chính điều này đã tạo cho văn hóa Huế vô cùng phong phú và độc đáo. Từ khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật đó đã bị mai một dần với thời gian, không nằm ngoài quy luật đó, vũ khúc cung đình Lục triệt hoa mã đăng cũng đã thất truyền và chỉ còn được miêu tả trên các văn bản. Do đó, trước đây, khi Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dàn dựng lại điệu múa này để trình diễn trong Festival Huế 2002, do âm nhạc dành cho điệu múa này đã bị thất truyền nên khi khôi phục lại âm nhạc của vũ khúc này, chúng tôi đã dựa trên chất liệu âm nhạc của cung đình để khai thác. Tuy nhiên, sau khi được khôi phục vũ khúc Lục triệt hoa mã đăng (chúng tôi còn gọi là múa ngựa) cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi đi vào quên lãng cho đến nay.
Các vũ khúc cung đình nói chung, Lục triệt hoa mã đăng nói riêng ngoài vẻ đẹp nghệ thuật, thì bố cục của điệu múa luôn được sắp xếp một cách tinh tế hòa quyện với không gian và môi trường diễn xướng. Chính những yếu tố này đã làm nên một nét riêng biệt trong chốn hoàng cung xưa.
Hiện nay, vũ khúc cung đình Lục triệt hoa mã đăng đã không còn nguyên vẹn, do đó việc đi tìm cứ liệu từ các nghệ nhân, nhằm mục đích lập hồ sơ khoa học làm chứng cứ cho việc khôi phục lại vũ khúc này cũng là một cách để chúng ta gìn giữ và bảo tồn những giá trị di sản mà người xưa đã để lại cho chúng ta.
T.B
Nguồn: SH300/02-14