Âm nhạc
Ca Huế: Giải mã tồn nghi và những việc làm cấp thiết
15:12 | 12/10/2016

Cần một định nghĩa thống nhất khả dĩ được chấp nhận đồng thời cũng cần đi đến, thống nhất cách viết, cách gọi một số bài bản. Đặc biệt việc tìm lại những gì ca Huế đã thất truyền và giải mã tồn nghi đối với ca Huế là những việc làm thiết thực và cấp thiết.

Ca Huế: Giải mã tồn nghi và những việc làm cấp thiết
Thử định nghĩa ca Huế
 
Ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống duy nhất của dân tộc mang tên kinh đô đất nước của hai triều đại phong kiến: Tây Sơn và nhà Nguyễn. Trước đó hàng trăm năm, các chúa Nguyễn đã từng đặt thủ phủ ở vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên. Nền văn hóa Phú Xuân đã sản sinh ra ca Huế, một loại hình âm nhạc truyền thống quý báu. 
 
Ca Huế là thuật ngữ chỉ  loại hình âm nhạc thính phòng gồm những  bản nhạc xuất phát từ chốn cung phủ thời chúa Nguyễn, cách điệu từ các loại hình âm nhạc cung đình, nhạc tôn giáo, tinh hoa của các làn điệu dân ca chủ yếu ở vùng Thuận Hóa xưa. Loại hình âm nhạc này ra đời từ thế kỷ XVII định hình  và phát triển trong thế kỷ XIX;  biểu diễn ở cung đình, phủ đệ sau lan tỏa ra ngoài dân gian; ban đầu bằng khí nhạc sau đó có lời ca; là loại hình ca nhạc có tính bác học, chuyên nghiệp trong âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.
 
Ca Huế là di sản văn hóa đặc sắc của xứ Huế; chất núi Ngự sông Hương thể hiện đậm đà trong ca Huế và chính ca Huế đã trở thành một nét đặc trưng tình cảm, tâm lý của con người xứ Huế.
 
Năm 2015, ca Huế được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia.
 
Thống nhất cách viết, cách gọi
 
Hiện nay tồn tại hai cách viết thuật ngữ “ca Huế” gồm chữ “ca” viết hoa và không viết hoa: Ca Huế, ca Huế. Vậy nên thống nhất viết ca Huế hay Ca Huế? Theo chúng tôi, chữ “ca” là danh từ chung, do đó nên viết là ca Huế. Về làn điệu ca Huế cũng có ba cách viết: Viết hoa từ đầu (Nam bình), viết hoa tất cả các từ của điệu đó (Nam Bình) và không viết hoa (nam bình). Chúng tôi đề nghị cách viết thứ hai, tức là viết hoa tất cả các từ của của bài bản đó. Ví dụ điệu Nam Bình. Lý đó đơn giản là đã tên riêng thì viết hoa tất cả các từ của tên riêng đó. Cũng xin đề nghị cách viết thống nhất như vậy đối với các làn điệu dân ca hò Mái Nhì, lý Hoài Xuân…Trong ca Huế có liên khúc là 10 bản tấu. Trường hợp này chỉ viết hoa từ đầu Mười bản tấu (hoăc bằng số: 10 bản tấu), Thập thủ liên hoàn, Mười bản ngự (Ngự), Liên bộ thập chương. Lý do là nó không phải là một làn điệu. Trong bài “Có nên gọi là 10 bản Tàu” (Báo Thừa Thiên Huế số 817 ra ngày 17 đến 20.9.2015) chúng tôi đã phân tích và đề nghị thống nhất gọi liên khúc này bằng bốn cái tên như trên mà không gọi là “Mười bản Tàu”. Cũng như vậy chúng tôi đề nghị không gọi các điệu Bắc của ca Huế là các điệu Khách, bởi cho đến nay không có một chứng cứ thỏa đáng nào liên quan đến nhạc Trung Hoa để gọi Thập thủ liên hoàn là “Mười bản Tàu”, điệu Bắc thành “điệu Khách”. Những cách gọi như vậy dễ hiểu nhầm những bài bản ấy xuất phát hoặc ảnh hưởng nhạc Trung Hoa. Về điệu Phẩm Tuyết, có người gọi là “Phẩm Tiết”, chúng tôi đề nghị thống nhất gọi là Phẩm Tuyết.
 
Đi tìm những gì đã mất
 
Một số vấn đề rất quan trọng là đi tìm  những gì đã mất của ca Huế. Sách “Ca Huế và Dân ca Bình Trị Thiên” của Nguyễn Đình Sáng và Nguyễn Thị Kim Liên (NXB Thuận Hóa, Huế, 2012) dẫn lại ông Hoàng  Yến trong bài “Âm nhạc Huế đàn nguyệt và đàn tranh” trong Những người bạn Cố đô Huế- A.B.V.H, năm 1919 (NXB Thuận Hóa, Huế, 1998) cho biết có 6 bài bản ca Huế vẫn còn nhạc phổ bằng chữ Hán nhưng không thấy lưu truyền và 7 bản ca Huế đã thất truyền. Các bản  có nhạc phổ bằng chữ Hán là: 1. Chấn Trập,  2. Quan Thư(Thơ),  3. Cát Đàm , 4. Quyền Nhĩ ( có nơi viết là Quyển) 5. Củ Mộc, 6. Chung Tư. Bảy bản đã thất truyền là: 1. Đảo Ngũ Cung,  2. Tiên Nữ tống Lưu Nguyễn,  3. Bá Nha Khấp Tử Kỳ,  4. Tự Trào, 5. Tự Thán, 6. Trường Thán, 7. Xuân Tình Điểu Ngữ. Về những bài bản thất truyền xin tham khảo thêm “Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam” của Phạm Duy (NXB Hiện Đại, Sài Gòn, 1972) và Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Ca Huế- Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy” ( Huế, 9.2015).
 
Các nhà nghiên cứu còn cho biết có một sự mất mát nữa đối với ca Huế, đó là cây đàn nam cầm đã thất truyền. Tương  truyền người  chế tác ra đàn nam cầm là ông Tôn Thất Dục, cháu nội chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông Tôn Thất Dục đã dạy cho người thiếp của mình chơi nhạc cụ này. Nhạc cụ này  cũng gắn liền với nàng Đẩu  Nương một tài sắc âm nhạc lừng lẫy một thời, quê ở An Cựu, Huế. Cũng theo nhạc sỹ Hoàng Yến thì chỉ đến những thập niên đầu thế kỷ XX mới không còn thấy bóng dáng của cây nam cầm. Cũng về cây đàn này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài “văn phong tứ bảo của tôi” in ở sách “700 năm Huế”, (NXB Trẻ, 2006) trang 48 đã viết: “... nhìn chung hệ thống đàn Huế không có gì đặc biệt so với mọi nơi, nhưng cũng có một cây đàn Huế đặc trưng là đàn nam cầm ( có người nhìn thấy đàn lưu lạc ở một viện bảo tàng nước ngoài- (MK nhấn mạnh) và còn lại một bài hát (chắc có nhạc kèm theo) gọi là nam cầm khúc đã in thành sách”.  Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương tìm lại những di sản của ca Huế đang bị lãng quên hoặc thất truyền. Đối với những những bản ca Huế nếu còn phổ âm bằng những chữ Hán thì chuyển sang ký âm theo phương pháp truyền thống hoặc hiện đại để phục dựng và phổ biến (như đối với các bài bản Nhã nhạc cung đình). Đối với những bài bản đã thất truyền cần cố gắng để tìm lại; có nghệ nhân, nhà nghiên cứu naò(kể cả ở nước ngoài) còn lưu giữ không. Đối với cây đàn nam cầm có thực là còn ở một viện bảo tàng nước ngoài không, tìm hiểu ai là người đã thấy nó để có thể biết thêm thông tin. Và rồi có thể phục chế lại nó không (theo mô tả của tài liệu còn giữ được). Và bản nhạc Nam cầm khúc có còn không, bài hát đó “đã in thành sách” vậy ở ở sách nào, có nhầm với bài thơ dài Nam cầm khúc của Tuy Lý Vương không ? v.v..
 
Giải mã tồn nghi
 
Cùng với việc tìm lại những gì của ca Huế bị lãng quên hoặc thất truyền, là giải mã tồn nghi lớn đối với ca Huế. Đó là có hay không sự ảnh hưởng của âm nhạc Chiêm Thành trong các điệu Nam và nhạc Trung Hoa trong các điệu Bắc của ca Huế; nếu có thì mức độ như thế nào? Các từ “Nam”, “Bắc” trong các điệu Nam, điệu Bắc của ca Huế có ý nghĩa như thế nào, có phải là cách gọi ước lệ của hai điệu thức chính của ca Huế; đứng vị trí không gian nào để xác định Nam, Bắc trong “điệu Nam”, “điệu Bắc”? Có nên gọi điệu Bắc trong ca Huế là “điệu khách”? Có nên gọi Mười bản liên hoàn trong ca Huế là “Mười bản Tàu”?.... Một số nội dung liên quan đến những vấn đề trên cũng đã có người nêu ý kiến. Tuy nhiên giải mã những tồn nghi trong ca Huế cần được các nhà nghiên cứu tiếp tục tập trung giải mã,  để đi đến thống nhất.
 
Xin nêu hai nhận định ngược nhau về ảnh hưởng của nhạc Chiêm Thành đối với các điệu Nam của ca Huế. Sách “Cố đô Huế (ca và hò)”, Sài Gòn, 1971) dẫn lại lời ông Ưng Quả: “Lúc bấy giờ dân tộc ấy đã hầu tàn, (...). Chung quanh lâu đài đã đổ nát của nước Chiêm Thành ngày trước, ta vẳng nghe những điệu buồn não ruột...Những điệu lý như lý Vọng Phu, những bài Quả Phụ, Nam Bình, Nam Ai.... tất cả những điệu Nam trong ca Huế là sản xuất trong thời kỳ này (...). Ở Chiêm Thành sang ta trong những đêm đẫm lệ, ca Nam có vẻ linh lạc và bi hài...”. Còn theo Phạm Duy trong sách “Đặc khảo dân nhạc Việt Nam” (Hiện đại, Sài Gòn, 1972) thì:” Nhạc Chàm không thể có hơi Nam giọng ai của nhạc Huế được, vì ngũ cung Chàm trong loại nhạc buồn là hệ thống do mi fa sol la, trong khi loại nhạc Nam ở hai miền Quảng Trị, Thừa Thiên lại được xây dựng trên hệ thống:do,renon, fa già, sol, la non. Nhạc Chàm thật ra rất gần gũi với loại nhạc oán của miền Nam”.
 
Nhiều việc cần tập trung làm cho ca Huế. Có việc đã trở nên cấp bách. Ngoài những “bàn tròn” để chỉ ra thứ tự ưu tiên của công việc, cần lập những nhóm công tác chuyên sâu; có kinh phí, phương tiện, nghiên cứu... mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
 
Theo M.Khiêm - TRT.vn
Các bài mới
Biển nhớ (23/08/2023)
Tìm em (28/03/2023)
Về thăm quê (20/02/2023)
Các bài đã đăng