Âm nhạc
Bảo tồn Hò Bả trạo trong môi trường nghi lễ ở Nam Trung Bộ
09:45 | 06/11/2024
TS. Phan Thuận Thảo
Học viện Âm nhạc Huế
 
Bảo tồn Hò Bả trạo trong môi trường nghi lễ ở Nam Trung Bộ

 

1. Thực trạng Hò Bả trạo trong môi trường nghi lễ

Ở Nam Trung bộ, Hò Bả trạo được diễn xướng trong các lễ Cầu ngư. Đây là cuộc lễ do ngư dân các làng chài tổ chức hàng năm để dâng cúng cá Ông (cá voi – vị phúc thần của biển cả), cầu mong được mùa biển bình yên và thịnh vượng. Lễ Cầu ngư được tổ chức vào những thời điểm khác nhau theo từng địa phương. Đối với ngư dân, Cầu ngư là lễ hội bắt buộc phải được tổ chức hàng năm, nếu không thì “thất lễ” với thần thánh, sẽ không được thần thánh phò trợ. Tùy theo tình hình thực tế ở một số địa phương, người dân có thể “xin” thần cứ 2, 3 hoặc 5 năm một lần tổ chức cuộc lễ một cách quy củ, đầy đủ, trong đó có trình diễn Hò Bả trạo. Còn vào những năm khác, các bô lão vẫn phải đến lăng/miếu/đình làm lễ một cách đơn giản. Đây là cuộc lễ không thể thiếu của ngư dân vùng biển, nhất là vùng duyên hải Nam Trung bộ.

1.1. Hò Bả trạo trong quy trình nghi lễ Cầu ngư

Trong các đợt điền dã ở các làng chài ven biển Nam Trung bộ, chúng tôi nhận thấy các lễ Cầu ngư thường được tổ chức theo một mô thức gần như nhau, trong đó, đội Bả trạo tham gia hầu như suốt tiến trình nghi lễ. Cuộc lễ bắt đầu vào lúc sáng sớm, khi ngư dân dong những chiếc thuyền lớn có chuẩn bị sẵn đồ lễ, có cả đội Bả trạo, ra biển để làm lễ rước thần Nam Hải. Đến vị trí quan trọng như cửa sông, cửa biển, đoàn thuyền dừng lại để tiến hành nghi lễ rước thần với sự tham gia của đội Bả trạo. Nghi lễ kéo dài chừng 20 – 30 phút thì xong, cả đoàn thuyền nô nức rước thần Nam Hải về đình/lăng Ông của làng mình trong tiếng hò điệu múa Bả trạo hòa cùng tiếng sóng, âm vang cả một vùng trời biển bao la. Khi thuyền cập bến, đội Bả trạo cùng đám rước thành kính đưa bài vị thần Nam Hải từ biển khơi về đến lăng Ông trong sự tôn kính của ngư dân trong làng. Đến nơi, người ta làm lễ tế thần và ngay sau đó, đội Bả trạo trình diễn trước hương án để cúng thần Nam Hải. Cuộc trình diễn kéo dài khoảng 1 – 3 giờ tùy theo từng địa phương và bao giờ cũng kết thúc bằng việc cầu mong Ông phù hộ cho những chuyến đi biển bình yên, mùa cá bội thu và phước lành cho dân làng. Ở một số địa phương còn có thêm phần lễ cúng tế dành cho đối tượng thờ cúng khác sau phần cúng tế cá Ông (sẽ được làm rõ trong mục tiếp theo). Sau phần Hò Bả trạo thường có diễn Tuồng để cúng Ông và để nhân dân trong làng cùng thưởng thức. Riêng ở Khánh Hòa có thêm lễ Tôn vương và lễ Tống Na.

Từ quy trình nghi lễ như trên, chúng tôi tạm chia diễn xướng Hò Bả trạo thành 2 phần:

- phần diễn xướng trong lễ rước thần

- phần diễn xướng trong lễ tế thần

Cả hai phần diễn xướng trên đều có ý nghĩa quan trọng trong nghi lễ Cầu ngư, song nội dung và nghệ thuật Hò Bả trạo thể hiện rõ nhất trong phần thứ hai.

1.2. Diễn xướng Hò Bả trạo trong lễ rước thần

Để thực hiện nghi thức cúng tế cá Ông, người dân trước hết phải làm lễ rước Ông về lăng/đình của làng mình. Trong lễ rước này, đội Bả trạo theo thuyền ra cửa biển để tham gia vào tiến trình nghi lễ. Cả đội phải thành kính đứng hầu ở hai bên án khi nghi lễ này diễn ra. Chúng tôi quan sát thấy trong lễ rước thần ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, chính các ông tổng trong đội Bả trạo đảm nhiệm luôn vai trò chủ lễ trong bước lễ này. Sau khi làm lễ và đã rước được thần, đoàn thuyền quay đầu về bến. Lúc này, đội Bả trạo múa hát trên thuyền rước Ông về bến và trên suốt quãng đường từ bến thuyền về đến lăng Ông.


Đội Bả trạo đi thuyền ra biển rước thần Nam Hải. Ảnh: Khánh Hào.

Trong lễ rước thần, đội Bả trạo cùng đám rước đi qua một không gian rộng lớn ngoài trời. Đó là con đường dẫn ra bến thuyền, cảng cá, là vùng cửa biển nơi ngư dân thường xuyên ra vào trong những chuyến ra khơi. Cái không gian sống bình thường ấy, cái môi trường hoạt động thường xuyên ấy của dân làng bỗng chốc trở thành không gian thiêng khi có lễ hội diễn ra. Người dân trong làng tụ tập đến xem, thành kính đứng nép vào vệ đường cho đám rước đi qua, cùng lắng nghe tiếng hát điệu múa của đội Bả trạo và hòa mình vào không gian lễ hội. Cái không gian ấy trở nên thiêng liêng và tưng bừng khi có thần Nam Hải được rước về từ biển khơi. Chúng tôi đã từng chứng kiến đội Bả trạo của đình Trường Đông, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang múa hát một cách đầy hào hứng nhưng không kém phần thành kính khi rước Ông từ biển về đến đình của làng mình (lễ Cầu ngư ngày 11 tháng 2 Âm lịch). Có thể cảm nhận được trong phần diễn xướng này sự hứng khởi, tâm trạng vui mừng, lòng nhiệt thành khi người ta tin rằng thần Nam Hải đã được rước về làng mình và dân làng sẽ được thần phù hộ kể từ đây.

Theo quan sát thực tế của chúng tôi, các cuộc lễ Cầu ngư có đối tượng thờ cúng chính là cá Ông, song bên cạnh đó còn có sự phối tự nhiều vị thần linh khác. Ngay trong đình hoặc lăng, nơi diễn ra lễ hội Cầu ngư bao giờ cũng có sự phối thờ của nhiều vị thần linh. Chẳng hạn ở lăng Nam Hải thuộc xã Vĩnh Lương, tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh án thờ chính ghi 3 chữ Hán “Thần Nam Hải” còn có hai án thờ Tả ban và Hữu ban ở hai bên, ngoài ra còn có miếu Thủy thần ở bên trái và miếu Tiền hiền ở bên phải ngôi miếu chính. Thờ đa thần là một đặc điểm trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam đã được nghiên cứu và nhận diện. Chúng tôi cũng ghi nhận điều đó trong quá trình điền dã đi qua nhiều ngôi đình, lăng, miếu ở Nam Trung bộ.

Vì đặc điểm đó, bên cạnh việc rước cá Ông về lăng, một số nơi như ở vạn Tứ Chánh, phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam còn có việc rước các vị thần linh từ các am, miếu trong vùng về lăng. Lúc này, đội Bả trạo chia thành hai nhóm, cùng đám rước đi bằng hai tuyến đường bộ và đường thủy. Đến từng am hay miếu, cả đám rước vào làm lễ rước thần, trong đó có sự tham gia diễn xướng của đội Bả trạo như một phần của nghi lễ.

Như thế, có thể thấy Hò Bả trạo là một phần diễn xướng không thể thiếu trong quy trình nghi lễ Cầu ngư. Phần diễn xướng này mang đầy tính chất nghi lễ. Hò Bả trạo như một con thuyền đưa thần về đình/lăng để nhân dân thực hiện nghi lễ cúng tế cầu mong thần phù hộ cho dân làng.

1.3. Diễn xướng Hò Bả trạo trong lễ tế thần

Lễ tế thần diễn ra trong ngôi miếu chính của đình/lăng sau khi đã rước thần về đến nơi. Trong lễ chánh tế này, chúng tôi quan sát thấy một số nơi có cử một số con trạo đứng chầu hầu ở hai bên thềm ngoài của hương án chính. Mặc dù lúc này các con trạo chỉ đứng chầu hầu mà không tham gia diễn xướng, song điều đó cho thấy có sự tham gia của đội Bả trạo trong tiến trình nghi lễ.

Ngay sau lễ chánh tế là lúc diễn ra Hò Bả trạo như một nghi thức cúng dâng thần Nam Hải. Đây là phần trình diễn chính của Hò Bả trạo trong lễ Cầu ngư.


Diễn xướng Hò Bả trạo trong lễ Cầu ngư ở thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phan Thuận Thảo.

Không gian diễn ra Hò Bả trạo lúc này là ngay trước sân đình. Đó là một khoảng sân nhỏ hẹp có mái che, có nơi, nền được đắp cao lên so với mặt đất như một sân khấu nhỏ. Theo quan sát của chúng tôi, cái “sân khấu” ấy thường là khá chật hẹp so với không gian diễn xướng cần thiết của đội Bả trạo cho nên đội Bả trạo có lúc phải khá chật vật khi triển khai đội hình, nhất là vào giai đoạn đầu khi mới tiến vào “sân khấu”. Trong khi diễn xướng, đội Bả trạo luôn hướng mặt vào án thờ thần ở trong đình/lăng, bởi phần diễn xướng của họ là để dâng cúng thần Nam Hải được thờ ở đây.

Phần diễn xướng này kéo dài từ 1 – 2 giờ, tùy từng địa phương, thể hiện nội dung ca ngợi thần Nam Hải. Đặc biệt, ở Quảng Nam và Khánh Hòa, sau phần diễn xướng này còn có một phần diễn xướng tiếp theo dành cho các đối tượng thờ cúng khác.  

Ở Khánh Hòa, trong đình làng thường có sự phối tự của tín ngưỡng thờ nữ thần. Đó có thể là Thánh mẫu Thiên Y A Na hay Ngũ hành nương nương được trang trọng thờ trong một ngôi miếu riêng, ngay trong khuôn viên của đình làng. Đặc điểm này cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm ở vùng đất Khánh Hòa. Vì thế, sau phần diễn xướng dâng cúng cá Ông trong ngôi miếu chính, đội Bả trạo còn tiếp tục phần trình diễn ở miếu thờ nữ thần (người dân gọi là miếu Bà). Phần diễn xướng này cũng có nội dung và thời lượng tương tự như trong lễ cúng cá Ông, chỉ khác là dành để dâng cúng Bà.

Còn ở Quảng Nam, nhất là thành phố Hội An, đối diện với ngôi lăng/miếu thờ cá Ông thường có một cái am hoặc miếu nhỏ, có khi chỉ là một án thờ đơn sơ, là nơi thờ các vong linh. Theo quan niệm dân gian, có những vong hồn người chết chưa siêu thoát vẫn đang còn lang thang dâu đó quanh đây, vì thế người dân trong làng đã lập những am/miếu này để thờ những vong hồn đó. Ở vạn Tứ Chánh, phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam có lăng Tiêu Diện được lập ngay phía trước, đối diện với miếu thờ cá Ông (ảnh 3). Trong quan niệm của Phật giáo, Tiêu Diện vốn là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ tát chuyên cứu vớt những vong hồn bị đày nơi địa ngục. Cho nên, sự hiện diện của lăng Tiêu Diện ở đây mang ý nghĩa cứu vớt những vong hồn người chết, một hành động mang đầy ý nghĩa nhân văn thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Có thể thấy ở đây sự hỗn dung tín ngưỡng thờ cá Ông và Phật giáo trong dân gian.


Án thờ Tiêu Diện Đại Sĩ đối diện lăng Ông ở vạn Tứ Chánh, phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Phan Thuận Thảo.

Vì vậy, ở Quảng Nam hiện có ít nhất hai loại kịch bản Bả trạo khác nhau: (1) Long thần Bả trạo ca (Bài chèo Ông) dùng để dâng cúng cá Ông, và (2) Âm linh Bả trạo ca (Bài âm linh) dành cho các vong hồn người chết. Cho nên, sau phần diễn xướng dâng cúng cá Ông ở trong miếu chính, đội Bả trạo quay mặt ra phía ngoài, hướng về miếu âm linh để tiếp tục phần diễn xướng thứ hai dành cho các vong hồn. Trong phần diễn xướng này, đội Bả trạo là một chiếc thuyền đưa linh hồn người chết siêu thoát về miền cực lạc.   

Như vậy, phần diễn xướng chính của Hò Bả trạo là trong lễ tế cá Ông, song do một số nơi có sự phối tự, sự hỗn dung tín ngưỡng nên sau phần diễn xướng cúng cá Ông còn có thêm phần diễn xướng khác dành cho các thần linh phối tự. Đây là một điểm cần lưu ý trong nghệ thuật diễn xướng Hò Bả trạo ở Nam Trung bộ.

1.4. Tổ chức nhân sự của các đội Bả trạo

Các đội Bả trạo ở Nam Trung bộ được tổ chức theo một số hình thức khác nhau. Mỗi đội có khoảng hơn 20 người, trong đó quan trọng nhất là vai trò của các ông tổng. Đây là những người đóng vai chính trong suốt cuộc trình diễn, cho nên, họ phải là những người có trình độ biểu diễn nghệ thuật nhất định. Tần suất diễn ra Hò Bả trạo là rất thấp, mỗi năm chỉ trình diễn vài lần trong các lễ Cầu ngư. Trước ngày lễ, các ông tổng quy tụ các con trạo lại thành một đội, cùng tập luyện trong vài ngày rồi trình diễn. Lễ xong, mọi người lại quay về với công việc của mình. Kết quả phiếu điều tra mà chúng tôi thu thập dược trong quá trình điền dã cho thấy trong số 57 người diễn xướng có 38,6 % số người làm nghề biển, số còn lại là công nhân, học sinh, thợ may, buôn bán, hay những nghề lao động phổ thông khác. Điều đó cho thấy những người diễn xướng phần lớn là không chuyên. Các ông tổng, dù là những người chuyên nghề biểu diễn, cũng kiêm thêm việc biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác (như hò khoan, Bài chòi…) thì mới có thể kiếm sống bằng nghệ thuật, bởi họ chỉ diễn Hò Bả trạo vài lần trong một năm.

Cho dù những người diễn xướng Bả trạo đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, đáng lưu ý là vẫn có một số đội Bả trạo có nhiều người chuyên làm nghề biển. Chẳng hạn đội Bả trạo ở Vĩnh Trường, Nha Trang có nhiều người là ngư dân chuyên nghề đánh bắt cá ngoài biển khơi. Cuộc sống gắn liền với biển khiến niềm tin tâm linh của họ với thần Nam Hải trở nên sâu sắc. Chính vì vậy, phần diễn xướng của họ rất lôi cuốn, rất có hồn, nó chứa đựng niềm tin thực sự đối với vị thần mà họ đang dùng tiếng ca điệu múa để dâng cúng. Họ diễn xướng với thái độ thành kính, ngưỡng vọng đối với thần Nam Hải trong niềm tin thôi thúc rằng thần Nam Hải sẽ mang lại bình yên cho những chuyến đi biển sắp tới của mình.

Dù vậy, ở vùng Nam Trung bộ nơi chúng tôi khảo sát vẫn có một số địa phương không có đội Bả trạo nên phải mời ở những nơi khác đến. Chẳng hạn ở xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa hay xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đều không có đội Bả trạo riêng nên đã mời đội Bả trạo đến từ Phú Yên. Điều đó cho thấy ở Nam Trung bộ đã hình thành nên một số câu lạc bộ đi biểu diễn cho các địa phương không có đội Bả trạo của riêng làng mình.

2. Bảo tồn Hò Bả trạo trong môi trường nghi lễ

Quá trình khảo sát tại một số tỉnh Nam Trung bộ cho thấy hiện nay, Hò Bả trạo đang tồn tại trong môi trường nghi lễ Cầu ngư với một tình trạng khá tốt. Nội dung và hình thức diễn xướng Hò Bả trạo vừa mang tính thống nhất trong toàn vùng, vừa thể hiện tính đa dạng, nét đặc thù của các địa phương. Chúng ta cần chú ý duy trì tính chất này để bảo tồn được sự thống nhất và đa dạng của Hò Bả trạo ở Nam Trung bộ.   

Chúng tôi cho rằng ở những làng biển có truyền thống về Hò Bả trạo thì nên duy trì truyền thống đó trong đội Bả trạo của làng mình. Các địa phương cần tránh tình trạng nhìn thấy làng bên cạnh có đội Bả trạo đẹp hơn, hay hơn thì dẹp bỏ đội của làng mình rồi đi mời đội của làng khác đến trình diễn. Nếu người dân vừa là chủ thể của lễ hội, lại vừa tham gia diễn xướng thì phần diễn xướng của họ sẽ chuyển tải được niềm tin tâm linh của lễ hội, thể hiện tốt phần hồn – phần quan trọng nhất của một loại hình nghệ thuật diễn xướng. Khi người ta diễn xướng để dâng cúng lên thần của làng mình, thái độ, động tác của họ sẽ thành kính hơn, bởi họ tin rằng vị thần trên kia sẽ phù hộ cho bản thân họ, cho gia đình và cộng đồng nơi họ đang gắn bó. Hơn nữa, việc duy trì bản sắc riêng của mỗi địa phương là việc làm cần thiết để bảo tồn tính đặc thù địa phương và sự đa dạng về phong cách cho Hò Bả trạo của cả vùng Nam Trung bộ.

Hiện nay, một số địa phương không tiếp tục duy trì đội Bả trạo của làng mình và mời đội Bả trạo ở các nơi khác đến trình diễn trong lễ hội Cầu ngư. Với tần suất trình diễn thấp như hiện nay thì, vì sự tiện lợi, chúng tôi dự báo rằng khuynh hướng này có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Vì thế, những người có trách nhiệm như các ông tổng, chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca, cán bộ văn hóa địa phương cần khuyến khích người dân duy trì truyền thống Hò Bả trạo của làng mình, tránh nguy cơ đánh mất bản sắc riêng, bởi đó chính là niềm tự hào của mỗi địa phương và là sự đa dạng văn hóa của toàn khu vực.

Như thế, tốt nhất là trong đội hình những người diễn xướng (chẳng hạn các con trạo) có những người làm nghề biển tại địa phương để họ có niềm tin khi thực hành diễn xướng. Các ông tổng cũng không cần phải là diễn viên chuyên nghiệp mà chỉ là bán chuyên nghiệp, tốt nhất là họ có mối liên hệ với nghề biển. Khi những người diễn xướng là người trong cuộc, phần diễn xướng của họ trở nên đậm tính thiêng, vì thế, nó thực hiện tốt chức năng của mình trong nghi lễ và cũng thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của chính những người diễn xướng và của cộng đồng dân cư đến tham dự lễ. Ở một số nơi, người ta quy tụ các con trạo làm những ngành nghề khác và từ những địa phương khác đến, nhiều người trong số đó diễn xướng như cái máy, có khi còn mất tập trung và tỏ ra thiếu nghiêm túc trong khi diễn xướng. Trong số các lễ Cầu ngư ở Nam Trung bộ mà chúng tôi được tham dự, một trong những phần diễn xướng gây ấn tượng nhất với chúng tôi là phần diễn xướng ở đình làng Trường Đông, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lý do là vì đa số những người diễn xướng làm nghề biển hoặc xuất thân trong những gia đình làm nghề biển. Vì thế, họ tham gia diễn xướng với một niềm tin tâm linh sâu sắc, nên phần trình diễn của họ đạt hiệu quả cao.

Trong trường hợp đó, khi mà những người diễn xướng không phải là chuyên nghiệp, khả năng trình diễn của họ chắc chắn sẽ không điêu luyện như các diễn viên chuyên nghiệp. Vì vậy, họ cần phải luyện tập trước khi trình diễn. Tất cả các đội Bả trạo đều phải trải qua bước luyện tập này, nhưng tùy theo điều kiện của từng đội mà họ luyện tập nhiều hay ít. Riêng với các ông tổng, có lẽ sự chuẩn bị, sự luyện tập không đủ để họ thuộc lòng nội dung kịch bản, cho nên trong tất cả các phần diễn xướng Hò bả trạo mà chúng tôi được dự đều phải có người nhắc tuồng. Người nhắc tuồng thường mặc trang phục màu đen để dễ bị chìm lấp trong đội hình diễn xướng, nhưng sự hiện diện của nhân vật này không khỏi gây nên một “vết gợn” trong đội hình diễn xướng vốn toàn những người ăn mặc và trình diễn trong phong cách truyền thống. Người nhắc tuồng phải là một người có hiểu biết về nội dung và nghệ thuật diễn xướng Hò bả trạo, có uy tín trong cộng đồng. Tay cầm quyển kịch bản, người này di chuyển lui tới trong “con thuyền Bả trạo”, đến gần bên các ông tổng để nhắc tuồng. Nhờ có người nhắc tuồng mà phần diễn xướng diễn ra đúng theo kịch bản trong khi những người diễn xướng không thuộc lòng được các bổn tuồng dài. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh vì không thuộc kịch bản nên một số ông tổng phải ngừng hát khá lâu để chờ được nhắc tuồng, hoặc có khi họ vừa hát, vừa quay ra sau, hướng về phía người nhắc tuồng để nghe cho rõ lời thì thầm của ông này, khiến cho phần trình diễn không được song suốt và không đạt hiệu quả tốt.

Quan sát tham dự các phần trình diễn Hò Bả trạo trong nghi lễ, chúng tôi mong muốn rằng nếu các ông tổng có thời gian luyện tập lâu hơn để có thể thẩm thấu tốt hơn và thuộc lòng được nội dung kịch bản thì họ sẽ không cần đến người nhắc tuồng. Lúc này, dội hình diễn xướng sẽ không còn “vết gợn” nào, và khi người diễn xướng thuộc lòng nội dung kịch bản, thẩm thấu được từng lời ca và ý nghĩa của chúng thì phần trình diễn của họ chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều. Vì thế, dội Bả trạo cần có thêm kinh phí dành cho luyện tập. Đặc biệt, các ông tổng nên luyện tập nhiều hơn trước khi trình diễn, để thuộc nội dung, chủ động trình diễn mà không cần phải được nhắc tuồng.

Trình diễn Hò bả trạo tại các địa phương đều có sử dụng loa phóng thanh. Đây là dấu ấn của các phương tiện hiện đại giúp phục vụ số lượng khán giả lớn hơn. Nhưng hệ thống loa ở các địa phương đa phần có chất lượng kém nên âm thanh phát ra không hay. Mặt khác, các ông tổng phải vừa hát múa, vừa cầm micro nên động tác múa tay của họ có phần bị hạn chế. Trước thực trạng này, đội Bả trạo cần được hỗ trợ hệ thống âm thanh có chất lượng tốt hơn, những người diễn xướng chính như các ông tổng cần được trang bị hệ thống micro không dây gắn vào áo để có thể thoải mái thực hiện các động tác múa trong khi diễn xướng.

Kinh phí tổ chức lễ Cầu ngư và Hò Bả trạo ở các địa phương chủ yếu do người dân trong làng đóng góp. Do chủ động về kinh phí nên người dân có thể tổ chức lễ theo cách của mình mà không chịu sự chi phối hay áp lực từ bên ngoài. Tuy vậy, vì kinh phí đóng góp là hạn chế nên không phải tất cả mọi chuyện diễn ra như mong muốn. Kinh phí luyện tập cho đội Bả trạo rất ít ỏi, trang phục, đạo cụ cũng ít được đầu tư thay thế, cho nên ở một số nơi, chúng đã cũ và bị rách, cần có sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước để trang phục, đạo cụ trở nên chỉn chu.

Như chúng ta đã biết, trong đội hình diễn xướng Hò bả trạo, các ông tổng có vai trò quan trọng nhất. Họ là những “hạt nhân”, từ đó quy tụ thêm các con trạo để làm thành đội hình diễn xướng. Chúng tôi quan sát thấy các ông tổng đều đã trên 50, 60 tuổi, có người đã qua tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng lớp người kế cận thì rất hiếm hoi. Tình hình chung hiện nay là giới trẻ bị hấp dẫn bởi các loại hình diễn xướng mới nên ít hướng sự quan tâm đến diễn xướng truyền thống như Hò Bả trạo. Mặt khác, tần suất diễn xướng Hò Bả trạo là rất thấp nên người ta không thể sống chuyên về nghề diễn xướng này. Cho nên, hiếm có người trẻ dấn thân vào luyện tập để trở thành những ông tổng tương lai. Nguy cơ thiếu hụt lớp ông tổng kế cận là có thể thấy rõ.

Trong tình hình đó, chúng ta cần có ngay những hành động tức thời và kế hoạch lâu dài để đào tạo thế hệ nghệ nhân kế tục, bởi nghệ nhân là nhân tố chính để truyền thừa một loại hình văn hóa phi vật thể như Hò Bả trạo. Đây là việc làm không hề đơn giản, cần có thời gian và sự phối hợp của nhiều cơ quan trung ương và địa phương.   

Để hướng giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, chúng ta cần giới thiệu cho họ về giá trị văn hóa độc đáo, khơi gợi lòng tự hào và ý thức giữ gìn các loại hình nghệ thuật truyền thống đó. Khi những người trẻ có cái nhìn thiện cảm với nghệ thuật diễn xướng truyền thống như là Hò Bả trạo, các nhà quản lý tại địa phương cần có sự khuyến khích bằng cách này hay cách khác để họ tập luyện và trình diễn trong các nghi lễ tại cộng đồng. Nhờ thế, truyền thống mới được tiếp nối và gìn giữ cho đời sau.

Hiện nay, người dân vẫn là chủ thể của lễ hội Cầu ngư và Hò Bả trạo, và thực tế cho thấy người dân đang đảm nhiệm tốt vai trò đó của mình. Tất nhiên, chủ thể đặt dấu ấn của mình lên các thực thể văn hóa chung quanh nó, và trường hợp Hò Bả trạo cũng không phải là ngoại lệ. Theo dõi diễn biến của cuộc lễ này, chúng tôi nhận thấy rất rõ dấu ấn của chủ thể lễ hội: dân làng. Hò Bả trạo ở đây không chỉ là để dâng cúng thần Nam Hải mà còn để giáo dục truyền thống cho giới trẻ và còn để dân chúng thưởng thức. Chúng tôi rất vui mừng thấy ở một số nơi, Ban Tổ chức cho mời các cháu thiếu nhi mẫu giáo đến lăng Ông dự lễ và xem diễn xướng Hò Bả trạo cùng với dân làng. Đây là một cách làm rất hay để giới thiệu với những mầm non của đất nước về một loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, gieo vào đầu óc của các cháu một ấn tượng khó quên. Và đêm đến, đội Bả trạo còn biểu diễn một lần nữa để phục vụ bà con (thay vì diễn Tuồng Thứ lễ như những nơi khác). Chúng tôi còn nhận thấy rằng nghệ thuật Hò Bả trạo ở đây có nhiều yếu tố của sân khấu Bài Chòi. Những người diễn xướng cho biết dân ở đây yêu thích Bài Chòi nên họ đưa thêm phong cách Bài Chòi lồng vào trong nghệ thuật diễn xướng Hò Bả trạo. Như thế, dấu ấn của chủ thể là người dân góp phần khiến cho Hò Bả trạo có những nét riêng của từng địa phương. Chúng tôi cho rằng cần tiếp tục phát huy vai trò của người dân đối với lễ Cầu ngư và Hò Bả trạo. Chính quyền địa phương không nên can thiệp sâu vào công tác tổ chức mà đóng vai trò hỗ trợ để người dân thực hiện tốt vai trò của mình.

Vấn đề đặt ra hiện nay là xu hướng đô thị hóa các làng quê Việt Nam, trong đó có các làng ven biển Nam Trung bộ. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nghề biển sang các nghề khác như du lịch, dịch vụ đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin tâm linh tín ngưỡng của người dân địa phương. Khi người làm biển ngày một ít đi, nghề biển bị thu hẹp thì sẽ ảnh hưởng đến sự cố kết cộng đồng ngư dân, niềm tin vào sự phò trợ của thần Nam Hải cũng vì thế e rằng sẽ trở nên phai nhạt trong đời sống cộng đồng tại địa phương. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của Hò Bả trạo trong tương lai.

Trong khi còn chưa muộn, chúng ta cần đẩy mạnh giới thiệu về giá trị của Hò Bả trạo để thế hệ trẻ biết trân trọng và gìn giữ nó trong đời sống cộng đồng. Cũng cần duy trì môi trường diễn xướng của nó để Hò Bả trạo tiếp tục được nuôi dưỡng trong niềm ước vọng về những mùa biển bình yên và no ấm.

 

P.T.T.

 

 

 

 

 

Các bài đã đăng
Biển nhớ (23/08/2023)
Tìm em (28/03/2023)
Về thăm quê (20/02/2023)