NGUYỄN TẤN TÔN NỮ Ý NHI
Theo dòng chảy của lịch sử, Ca Huế giờ đây không còn là sản phẩm phục vụ riêng cho một tầng lớp nhất định trong xã hội: giới quý tộc. Cùng với xu hướng xã hội hóa, hiện nay loại hình nghệ thuật này nghiễm nhiên gần gũi hơn với công chúng Huế nói riêng và du khách thập phương nói chung.
Đây là một tín hiệu vui cho Ca Huế, nhưng lại đặt ra nhiều mối suy ngẫm cho giới nghiên cứu và bảo tồn các giá trị di sản phi vật thể cố đô. Thực tế cho thấy, hiện nay sức lan tỏa của Ca Huế tại địa phương là rất đáng kể, nhưng không ít những con người mang trọng trách quảng bá nó đến giới thưởng thức vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm thế nào là Ca Huế và dân ca Huế. Điều đó đã gây nhiều hiểu nhầm về giá trị thực của loại hình nghệ thuật bác học mang hồn đế đô này. Với bài viết này, người viết mạn phép góp lời để phân biệt về hai khái niệm: Ca Huế và dân ca Huế; đồng thời cũng để truy nguyên xuất xứ của bài Tương Tư Khúc-một bài bản trong hệ thống âm nhạc thính phòng Huế (Ca Huế) đã vô tình bị liệt vào dân ca Huế do những lời quảng bá thiếu tính xác thực.
Khái niệm Ca Huế và Dân ca Huế
Ca Huế là một loại hình âm nhạc nhân thanh(1) bác học phục vụ cho thú tiêu giao của giới quyền quý xưa. Đây là một trong ba thể loại ca nhạc thính phòng của Việt Nam (Ca Trù, Ca Huế, Tài Tử Nam Bộ) có nguồn gốc hình thành và phát triển lâu đời với giá trị nghệ thuật và nhân văn cao. Bàn về xuất xứ của Ca Huế, trong bài viết “tính đặc sắc của âm nhạc truyền thống Huế”, Nguyễn Trọng Tạo và Việt Đức cho rằng: “Thật khó mà khẳng định được tác giả đầu tiên và thời điểm khởi đầu của ca nhạc Huế. Có người phỏng đoán rằng, ca nhạc Huế có thể hình thành từ những năm đầu thời Lý sau khi ta tiếp xúc với Chiêm Thành, một vương quốc bại vong vì âm nhạc quá hay của họ (!), các nghệ nhân Việt Nam đã tiếp thu một số làn điệu Chiêm Thành và Từ khúc Trung Quốc mà phát triển nên ca nhạc của mình.”(2) Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Ca Huế bắt đầu từ hát cửa quyền trong cung vua phủ chúa. Đó là “thời kỳ có những bước chuyển mình từ lối hát cung đình dần dần được dân gian hóa trở lại để thành ca nhạc Huế”.
Như thế, cho đến nay Ca Huế ra đời từ thời gian nào vẫn còn là một câu hỏi chưa được xác minh cụ thể. Thế nhưng, dựa trên một số ghi chép hiếm hoi cũng như trí nhớ của một vài nghệ nhân giữ hồn cho âm nhạc truyền thống ở Huế, chúng ta vẫn có thể nắm bắt đôi điều chung quanh loại hình nghệ thuật này. Diễm phúc là kẻ được thừa hưởng vài ngón nghề cũng như “kiến thức ít nói ra” của nghệ nhân lão thành trong lĩnh vực này, hiện nay chúng tôi vẫn còn lưu giữ và trình diễn được 27 bài bản gồm 3 điệu thức (hơi) là Bắc (Khách), Nam và Dựng.
Hơi Khách mang tính chất vui tươi, trong sáng, trang trọng, linh hoạt gồm những bài như: Cổ bản, Lộng điệp, Long ngâm, Lưu thủy, Phú lục và Phú Lục nhịp một, 10 bản Tàu (thường gọi là thập thủ liên hoàn hay 10 bản Ngự), Đăng đàn cung và Ngũ đối thượng.
Hơi Nam phản ánh chất nhạc buồn, trầm lắng và man mác như các bản: Cung Nam, Nam bình, Nam ai, Quả phụ, Nam xuân, Tương tư khúc, và Hành vân.
Hơi Dựng là hơi nhạc trung dung giữa điệu thức Bắc và Nam, gồm các bài: Cổ Bản Dựng và Tứ Đại Cảnh. Cũng có ý kiến cho rằng Hành Vân thuộc hơi Dựng chứ không phải hơi Nam.(3)
Trong số 27 bài bản nêu trên thì Ngũ Đối Thượng (hơi khách) và Cung Nam (hơi nam) gần như thất truyền trong giới biểu diễn thị trường hiện nay.
Khác với Ca Huế - loại hình nghệ thuật với một hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt do những tác giả am hiểu về âm luật sáng tác để phục vụ cho một giai cấp thượng tầng trong xã hội (tương truyền rằng bài Tứ Đại Cảnh do vua Tự Đức, một vị vua nổi tiếng với tài thi phú của triều Nguyễn, sáng tác; và nhiều lời ca thâm thúy được dựa trên các bài bản có sẵn cũng do giới trí thức, quyền quý xưa viết, tiêu biểu là Bửu Lộc, Gia Tuân, Kiều Khê, Thanh Tùng, Dạ Sĩ Thiện Trí, Á Nam Trần Tuấn Khải, v.v…) - Dân ca Huế có cấu trúc giai điệu, tiết tấu tự do, giản đơn, dễ hát, dễ thuộc, gắn bó trực tiếp với đời sống sinh hoạt của đại đa số quần chúng và không rõ người sáng tác.
Về cấu trúc nhạc hay khúc thức, một bài thuộc dân ca Huế chỉ gói gọn trong vài ô nhịp (ví dụ bài lý Hoài Xuân gồm 8 ô nhịp, lý Tình Tang gồm 12 ô nhịp, lý Đoản Xuân gồm 10 ô nhịp, lý Giang Nam 20 ô nhịp, v.v…); và trong một lần biểu diễn, mỗi khúc nhạc như thế được lặp vài lần tùy theo ý nghĩa của lời hát mà người ca muốn diễn đạt. Giữa hai khổ nhạc luôn luôn có một câu lưu không (câu nhạc liên kết hai đoạn nhạc khác nhau giúp ca nương có thời gian để lấy hơi). Ví dụ, chỉ với 12 ô nhịp nhưng với bài lý tình tang với nhan đề “Mười thương”, người hát có thể lập lại năm lần khúc nhạc đó với những ca từ khác nhau để diễn tả hết mười nét đặc trưng của thiếu nữ Huế. Đặc tính này có thể thấy trong hầu hết các bài dân ca Huế (lý tử vi, lý tiểu khúc, lý năm canh, lý tình như…).
Về điểm này thì “các điệu ca Huế thường có quy mô lớn hơn và phức tạp hơn các điệu dân ca trong hình thức điển hình như bài “Hành vân”, “Lưu thủy”, hay “Tứ đại cảnh”, nó thường gồm một số “sáp”(4) (tức là những đoạn hoàn chỉnh) gắn bó nhau chặt chẽ, rất gần với cấu trúc “khai, thừa, chuyển, hợp” trong luật thơ cổ truyền.”(5) Các làn điệu Ca Huế đa phần không dưới 20 ô nhịp. Ngoài ra, không như dân ca Huế, các đoạn nhạc (sáp hay lớp) trong cùng một bài Ca Huế thường hiếm khi rập khuôn mà biến đổi, pha trộn và đan xen đưa người nghe qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ví dụ, bài Nam Ai có 5 lớp tách biệt, trong đó lớp thứ nhất và thứ 3 hoàn toàn giống nhau, lớp thứ nhì và thứ năm có nhiều tương đồng nhưng không tuyệt đối, và lớp thứ tư mang một sắc thái khác biệt với các lớp khác; hay bài Nam Bình cũng có 5 lớp nhưng mỗi lớp diễn tả một màu cảm xúc riêng chứ không trùng lặp; v.v…
Một điểm khác biệt nữa giữa hai loại hình âm nhạc này là lời Ca Huế không dựa trên cơ sở thơ lục - bát như các bài lý, hò, vè mà phổ lời lên các điệu nhạc đã có sẵn và cuối mỗi câu nhạc thường có gieo vần để đảm bảo độ thẩm mỹ của ca từ. Ví dụ:
+ Với câu thơ lục bát như sau, ca nương có thể hát theo các điệu lý khác nhau:
Nếu hát theo lý tình tang thì câu thơ trên sẽ là:
Còn nếu hát theo điệu lý hoài xuân thì câu thơ sẽ được chuyển thể như sau:
“Ai đem con sáo sang sông/Để cho, để cho con sáo ơi người ơi, sổ lồng ơi người ơi bay xa, sổ lồng ơi người ơi bay xa”.
Trong Ca Huế, trường hợp này dường như là không thể vì mỗi khúc thức của loại hình này có những quy định về phách nhịp nghiêm ngặt và đặc trưng.
Tóm lại, để phân biệt được Ca Huế và dân ca Huế, chúng ta có thể dựa vào hai đặc điểm chính như: thông tin về tác giả (người soạn nhạc và người soạn lời) và cấu trúc nhạc. Ngoài ra, điệu thức cũng có thể được xem là một tiêu chí để nhận biết một bản nhạc thuộc dân ca hay Ca Huế vì đại đa số các bài dân ca đều mang hơi Nam. (Tuy nhiên, đây chỉ là tiêu chí phụ. Nhận định của chúng ta có thể sẽ thiếu chính xác nếu chỉ dựa trên đặc điểm này để phân biệt.)
Truy nguyên xuất xứ của bài Tương Tư Khúc
Như đã phân tích, dân ca theo nghĩa rộng và lý theo nghĩa hẹp là tác phẩm nảy sinh trong quá trình lao động của giai cấp bình dân trong xã hội. Vì lý do đó nên nó bình dị từ trong ca từ cho đến cấu trúc âm nhạc. Mỗi câu ca điệu lý đều gắn bó chặt chẽ với thơ lục bát, một loại thơ truyền thống thuần Việt. Khúc thức của các điệu lý cũng giản đơn và không dài như các bài bản của âm nhạc thính phòng (Ca Huế). Vì thế, để diễn tả tâm tư cho thật phong phú và súc tích trong cùng một giai điệu thì ca nương có thể lập lại từ đầu khổ nhạc đó với những ca từ khác sau khi nhạc công dứt hẳn câu nhạc lưu không. Ngoài ra, khi phân biệt Ca Huế với dân ca Huế, điều quan trọng nhất chúng ta cần nắm bắt là hầu hết các bài lý không có thông tin về tác giả; trong khi đó với Ca Huế một bài bản dù chưa xác minh được ai là người đầu tiên gieo những nốt nhạc này vào cuộc sống thì chí ít cũng biết được danh tính của người soạn lời. (Dĩ nhiên vẫn có những lời ca khuyết danh nhưng đó chỉ là những trường hợp thiểu số.)
Với những lý do nêu trên, Tương Tư Khúc nghiễm nhiên không phải là bài lý nói lên “thân phận của các cung nữ thời xưa được nhập cung từ lúc còn nhỏ nhưng suốt cuộc đời chỉ ôm cây đàn than thân trách phận vì không một lần được ân ái với vua” như dư luận vẫn nghĩ. Trong một tài liệu chép tay có tên “Dân tộc ca Bình Trị Thiên” của cố nghệ nhân dân gian - NSƯT Trần Kích có đoạn nói rằng bài Tương Tư Khúc do Bửu Bác, một người xuất thân từ hoàng tộc, sáng tác lúc bị vợ bỏ với lời “quạnh quẽ màn loan” vào năm 1935. Nhưng trong một cuộc trao đổi với nghệ nhân Trần Thảo, con trai của cố nghệ nhân Trần Kích, thì cũng có một giả thuyết khác cho rằng bài Tương Tư Khúc do ông Vũ người làng Triều Thủy sáng tác. Nghệ nhân còn nói thêm, có thể “Quạnh quẽ màn loan” hay “đẹp đẽ giang san” là lời ca gốc của bản nhạc Tương Tư Khúc. Quả nhiên những chia sẻ của nghệ nhân vẫn chưa có một câu chốt nhất định nhưng dẫu sao cũng là những gợi ý thú vị để chúng ta tiếp tục truy nguyên bài bản âm nhạc thính phòng này.
Khi đem hai lời ca này ra đối sánh, chúng tôi vẫn chưa thể có một câu trả lời rõ ràng xem thử đâu là bài gốc. Trong lập luận của nghệ nhân Trần Thảo thì lời “đẹp đẽ giang san” có thể xưa hơn vì lời “quạnh quẽ màn loan” theo ông là thiếu một đoạn. Về việc này, chúng tôi có trao đổi với nghệ nhân dân gian Minh Mẫn - một trong hai đại thụ còn lại của loại hình nghệ thuật truyền thống này - và được biết lời “quạnh quẽ màn loan” không hề thiếu đoạn nào như hầu hết các nghệ sĩ đương thời vẫn hát. Hầu như tất cả ca nương tại các đoàn nghệ thuật hiện nay đều hát rằng:
“Quạnh quẽ màn loan, tay ôm đàn tình tang tích tịch, cung réo rắc đau lòng riêng càng thêm chạnh, ngồi trông bạn, nào đâu bạn, mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi. Tình đau thương tình ôi! Ba sinh kìa nợ chi tôi, đầy vơi lệ, vì ai tệ, đã nặng cùng nhau lời thệ hải còn ghi. Cao xanh kìa trớ trêu chi, ngán cho tình si, hiệp ly nào có ra gì!”
Theo lối hát của nghệ nhân Minh Mẫn thì lời này có thêm câu “vì ai then bận” (“vì ai then bận, ngồi trông bạn, nào đâu bạn”). Dĩ nhiên, khi hát như vậy thì phách nhịp sẽ có một số thay đổi.
Trở lại với lời tương truyền trong “Dân tộc ca Bình Trị Thiên” của cố nghệ nhân Trần Kích rằng “Tương Tư Khúc do Bửu Bác, một người xuất thân từ hoàng tộc, sáng tác lúc bị vợ bỏ với lời “quạnh quẽ màn loan” vào năm 1935”, chúng ta khả dĩ chấp nhận ý kiến rằng đây là lời ca gốc vì tâm sự trong đó là của một tâm hồn đau đớn do bị tình phụ; trong lúc đó “đẹp đẽ giang san, anh lên đàng bình anh du lịch, đừng thắc mắc chi là ai là anh kiệt, ngồi chung tiệc rồi ly biệt… anh em là nghĩa xưa sau, quý tấm lòng nhau, cuộc vui cụng chén tiêu sầu” là sự bịn rịn của những kẻ tâm giao trong giờ khắc chia ly.
Như vậy, với những gì đã phân tích, chúng ta có đủ lý do để khẳng định rằng Tương Tư Khúc là một bài bản thuộc dòng âm nhạc thính phòng của Huế; và “quạnh quẽ màn loan” có khả năng là lời ca gốc của làn điệu này.
Trên đây chỉ là những lập luận căn cứ vào trí nhớ của nghệ nhân đã quá xa với tuổi “cổ lai hy” cùng một ít tư liệu cũ mà tính chân xác vẫn chưa thật sự thuyết phục. Vì vậy, những kết luận trên chỉ mang tính tham khảo tạm thời. Hy vọng giới chuyên môn sẽ cùng chung tay khẳng định lại một lần nữa về xuất xứ của bài bản này trên một góc nhìn thuyết phục hơn.
N.T.T.N.Y.N
(SDB8/3-13)
Tài liệu tham khảo:
Ca Huế
http://www1.thuathienhue.gov.vn
Tính đặc sắc của âm nhạc truyền thống Huế
http://nguyentrongtao.info
Dân tộc ca Bình Trị Thiên, tài liệu chép tay của cố nghệ nhân dân gian - NSƯT Trần Kích
............................
(1) Âm nhạc nhân thanh là loại nhạc hát. Âm nhạc truyền thống Huế nói chung và Việt Nam nói riêng chia ra làm hai loại là nhạc hát và nhạc đàn. Nhạc hát gồm Ca Huế, dân ca, hò, vè; và nhạc đàn gồm Đại Nhạc và Tiểu Nhạc (hệ thống âm nhạc cung đình Huế). Chúng ta có thể hiểu âm nhạc nhân thanh là thanh nhạc, nhưng nếu bài viết này dùng từ thanh nhạc thay cho âm nhạc nhân thanh thì người đọc có thể sẽ hiểu lầm đây là loại nhạc hát hiện đại với những kỹ thuật diễn tấu du nhập từ phương tây.
(2) http://nguyentrongtao.info
(3) Trên đây là ý kiến của cố nghệ nhân dân gian, NSƯT Trần Kích mà chúng tôi đã ghi chép trong quá trình được người truyền ngón.
(4) Sáp nhạc còn được gọi là “lớp nhạc” theo ngôn ngữ của giới chuyên môn ở Huế.
(5) http://www1.thuathienhue.gov.vn