Kiến trúc
Lại nói chuyện cầu Tràng Tiền
10:50 | 06/10/2014

QUÁCH TẤN

Trên tờ Tạp chí Sông Hương (Phụ trương Đặc biệt 2) ra tháng 12-1985 có đăng bài của ông Phan Thuận An nói về Cầu Trường Tiền.

Lại nói chuyện cầu Tràng Tiền
Thi sĩ Quách Tấn - Ảnh: wiki

Tài liệu rất chính xác.

Song có một điểm còn nghi ngờ, tưởng cần nên xét kỹ lại.

Đó là điểm Cầu Trường Tiền mới có đời Thành Thái (1898 - 1907), hay đã có từ trước xa, trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (1558).

Ông Phan Thuận An viết:

- "Trong suốt các thế kỷ trước, trên Sông Hương không có chiếc cầu nào. Muốn qua lại đôi bờ, người ta phải dùng một trong cả chục chuyến đò ngang, như bến đò Kim Long, đò Thừa Phủ, bến đò Cồn... vân vân...

… Vào cuối thế kỷ thứ 19, để đáp ứng nhu cầu nối đường Quốc Lộ Nam Bắc và xích gần cuộc sống giữa hai bờ Sông Hương của nhân dân thành phố Huế, cầu Trường Tiền đã bắt đầu kiến trúc, thay thế cho 1 chuyến đò ngang tại chỗ trên sông.

...Theo nhiều sử sách cho biết, cầu được xây dựng từ năm 1897, đến năm 1899 thì hoàn tất. Công cuộc kiến trúc do hãng EIFFEL thi công với kinh phí 400 triệu đồng đương thời. Ngay từ bấy giờ, cầu đã được xây thành 6 vài 12 nhịp như hiện nay... Mặt cầu lúc đó mới lát bằng ván gỗ lim... Cầu bị trận bão năm Thìn (1904) làm hư hỏng nặng nề. Hai năm sau (1906) cầu được tu sửa lại. Lần này cầu không lát bằng ván nữa, mà được đúc bằng bê tông cốt thép... vân vân..."

Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển nói về Thừa Thiên, soạn năm Duy Tân thứ 3 (1910), cũng nói rằng "Cầu khởi công năm Thành Thái thứ 9 (1897)".
 

Minh họa: Nhím


Nhưng tôi lại nghe các bậc trưởng thượng, trong đó có cụ Vân Bình Tôn Thất Lương, một danh sỹ đất Cựu Thần Kinh Huế ở Đập Đá, bảo rằng :

- "Cầu Trường Tiền thuở xưa gọi là Cầu Mống hoặc Cầu Mây, vì cầu hình cái mống úp lên sông, hai đầu dính nơi hai bờ sông, trông như chiếc Cầu Vồng bắc giữa trời. Cầu làm bằng Mây Song bó chặt lại với nhau và nối liền nhau dài đến 4,5 trăm thước. Do đó cầu mới có tên là Cầu Mống hay Cầu Mây.

"Cầu cũng có 6 vài 12 nhịp như hiện nay, 4 vài ở hai bên bờ thì có cột chống, còn 2 vài chính giữa sông thì treo lơ lửng "giữa không" để thuyền bè qua lại được dễ dàng".

Cầu Trường Tiền có từ thời nào, các cụ không ai dám quả quyết. Năm 1930, làm phán sự tại Toà Khâm Sứ Huế, tôi được nghe cụ Ưng Bình, cụ Hồ Đắc Hàm nói chuyện cùng cụ Tôn Thất Lương về cầu Trường Tiền, nhân đọc bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của cụ Cao Xuân Dục.

Cụ Hồ Đắc Hàm nói:

- Nếu không có Tây e không có cầu Trường Tiền, 6 vài 12 nhịp.

Cụ Tôn Thất Lương phản đối:

- Cầu Trường Tiền đâu phải mới có từ đời Thành Thái (1889 - 1907), mà có từ trước xa, biết đâu lại chẳng có khi Thuận Hóa còn là Châu Ô Châu Lý của Chiêm Thành. Có cụ bảo rằng cầu bắc từ khi Chúa Nguyễn dựng nghiệp ở Đường Trong.

Cụ Ưng Bình nói:

- Biết đích xác niên đại thật khó, vì không có sách vở nào chép, hoặc có chép mà bọn mình chưa được đọc, song tôi dám quả quyết rằng cầu Trường Tiền có trước triều Thành Thái. Vì tôi sanh năm Đinh Sửu (1877), cuối triều Tự Đức (1847 - 1883). Mà từ lúc nhỏ tôi đã từng đi qua đi lại nhiều lần trên cầu Trường Tiền rồi, nếu đợi đến đời Thành Thái cầu mới bắc thì lấy gì tôi qua lại?

Nghe cụ nói ai nấy đều bật cười. Cụ tiếp:

- Tôi không hình dung được hình dáng cây cầu lúc bấy giờ, tôi chỉ nhớ rằng nó không đẹp bằng cầu hiện nay. Cây cầu cũ hoặc vì hư hoặc vì không được đẹp, nên bị phá đi làm lại cầu mới năm Thành Thái thứ 9(1897), đến năm Thành Thái thứ 11(1899) mới xong. Trận bão năm Giáp Thìn (1904) làm sập hết 2/3 cầu. Mãi đến năm Thành Thái thứ 16(1906) mới xây lại cầu mới bằng bê-tông cốt thép, là cây cầu hiện nay đây.

Cụ nói thêm:

- Mình không não quan sát. "Nghe nói Cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp". Nghe nói vậy thì tin vậy chớ thú thật tôi chưa hề đếm xem có đúng chăng.

Đoạn cụ đọc tiếp câu ca dao :

Cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông trời nên xa.

Và nói:

- Câu ca dao này có từ thời Hàm Nghi, Đồng Khánh, tả tâm sự của kẻ bề tôi chạy theo không kịp nhà vua xuất bôn khi Kinh Thành thất thủ (1885). Câu ca dao này cũng đủ chứng rằng "Cầu Trường Tiền" có trước đời Thành Thái.

Lúc ấy tôi là một học sinh 22 tuổi, mới đậu bằng cao đẳng tiểu học, được sơ bổ làm phán sự tòa Khâm Sứ Huế. Nghe các cụ nói chuyện, chỉ lo tròn bổn phận "dựa cột lắng tai".

Cụ Tôn Thất Lương bảo riêng tôi:

- Tôi không được mắt thấy cây cầu Mống bằng mây bắc trên sông Hương. Tôi chỉ nghe ông thân tôi nói lại. Ông thân tôi cũng chỉ nghe thôi. Cây cầu Mống nghe đâu bị hư, tìm cho đủ số mây để sửa cầu đã khó, mà thợ rành nghề lại cũng khó tìm, nên cầu đã thay bằng ván, và mặt cầu bằng phẳng như cầu thường chớ không còn là cầu vồng nữa. Nhưng không biết cầu mây sửa thành cầu ván thời nào. Tôi đã tìm nhiều sách dư địa chí để đọc, mà không thấy sách nào nói đến cầu đó được cặn kẽ.

Thời kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), tình cờ đọc Lữ Đường Thi Tập của Thái Thuận đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), tôi gặp được bài:

THUẬN HÓA THÀNH TỨC SỰ

Châu trấp đông tây vãng phục hồi
Hồng kiều hoành xứ thủy môn khai
Vân liên sơn sắc thiên biên khứ
Phong quyện đào thanh hải thượng lai
Vãn thị ỷ la nhân hội hợp
Dạ thuyền ty trúc nguyệt bồi hồi
Ca nhi bất quản Giang Nam oán
Thời hữu hoành xuy xương lạc mai.

Tạm dịch:

Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa
Cầu Mống giăng sông cửa nước chừa
Mây lẫn bóng non trời rộng mở
Gió dồn tiếng sóng biển xa đưa
Chợ chiều tấp nập thân là lụa
Nốt nguyệt bồi hồi nhịp trúc tơ
Ca nữ quản bao dòng huyết hận
Địch dài trổi khúc lạc mai xưa.

Thuận Hóa Thành tức là Huế rồi. Mà ở Huế còn con sông nào lớn và vừa đẹp vừa có thú chơi thuyền ban đêm, như sông Hương. Như vậy cây cầu mống bắc trên sông chắc chắn là Cầu Trường Tiền mà cụ Tôn Thất Lương nói. Tôi hết sức mừng. Song lúc bấy giờ tôi ở Bình Định còn cụ Tôn ở Huế, sự giao thông bị cắt đứt, không làm sao liên lạc được. Sau ngày Hiệp Định Giơ-ne-vơ ký kết, năm 1947, tôi có việc ra Huế, thì cụ Tôn đã qua đời! Tôi có gặp cụ Ưng Bình, cụ Nguyễn Khoa Vy, cụ Hồ Đắc Định... nhưng các cụ thích nghe và bàn chuyện thời cuộc hơn là việc Cầu Trường Tiền.

Từ năm 1958 đến 1975, tôi sưu tầm được nhiều tài liệu về thắng cảnh cổ tích Việt Nam, từ Huế đến Nha Trang, nhưng không tìm thấy được gì thêm về Cầu Trường Tiền.

Trong khoảng 1965 - 1974, tôi gặp cụ Vân Am Nguyễn Bá Nhiệm. Cụ Vân Am người Thừa Thiên, biết nhiều về Huế. Hỏi về ngày sanh tháng đẻ của Cầu Trường Tiền, cụ cười:

- Khi tôi sanh ra thì cầu Trường Tiền đã có. Lớn lên lại "không ai cổi áo cho nhau", cũng không gặp hoàn cảnh "cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu", nên tôi không lưu tâm nhiều đến "tiểu sử" của cây cầu 6 vài 12 nhịp mà mình thường để chân. Kể cũng bạc !

Nhân cụ nhắc đến "6 vài 12 nhịp", tôi hỏi:

- Câu ca dao "Cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp... Em theo không kịp..." có phải là câu ca dao lịch sử ám chỉ việc Hàm Nghi xuất bôn chăng?

Cụ đáp:

- Tôi nghe truyền là "lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Tường".

Tôi thưa :

- Theo Việt sử thì chính ông Tường đã hộ giá vua Hàm Nghi lên Khiêm Cung, nhưng nửa đường trở lại. Chớ đâu phải "chạy theo không kịp" ? có người chê trách, ông viết bài Giải Trào:

Sơn sắc kỷ trùng minh túy liễn
Thần tâm bất nhị luyến đơn đình
Thị phi phú giữ thiên thu hậu
Xã tắc quân vương thục trọng khinh.

Nghĩa là :

- Sắc núi mấy trùng chói rọi xa giá nhà vua,
- Lòng luyến tiếc đền son của kẻ bề tôi vẫn không hai.
- Rằng phải rằng quấy phó cho nghìn sau định luận,
- Bây giờ thử đem ra cân nhắc cho kỹ xem bên xã tắc và bên quân vương, bên nào nặng bên nào khinh.

Ý tác giả muốn nói rằng mình trở về là vì xã tắc, bởi xã tắc đáng trọng hơn nghĩa vua tôi. Như thế việc không tòng vong của ông Tường đâu có phải "tại ông Trời"?

- Nếu không phải của ông Tường thì là của ai ?

- Có thể là của Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu.

Đỗ Huy Liêu, người làng La Ngạn, tỉnh Nam Định, đậu Hoàng giáp khoa Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32 (1879). Đời Hàm Nghi, ông làm phụ đạo, thường ngày vào đọc sách và giảng nghĩa cho vua nghe. Kinh thành thất thủ, ông theo ngự giá chạy lên Tân Sở, nhưng nửa đường vì sức yếu, không chạy theo kịp, đành phải dừng lại nghỉ... rồi tìm đường trốn về quê hương ẩn náu...

Trong câu ca dao, cái ý "Em theo không kịp" thật rõ ràng. Còn bấy lâu mang tiếng chịu lời là ám chỉ việc phụ đạo cùng vua chung lo sao cho trọn đạo làm vua làm tôi... Lý cũng như sự đã rõ lắm vậy.

Cụ Vân Am cười :

- Ông nói nghe có lý, song không có sách.

Tôi đáp:

- Tận tín thơ bất như vô thơ. Huống nữa sách còn rách, sao bằng bia đá, song bia đá còn mòn, sao bằng bia miệng.

Trong lúc nói chuyện có ông Trần Trúc Lâm, một nho sỹ ở Quảng Ngãi vào định cư ở Nha Trang. Ông Lâm thuộc nhiều văn cổ, nhiều giai thoại và truyền thuyết Việt Nam. Ông Lâm nói:

- Trước kia tôi cũng tin rằng câu "Cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp" là của ông Tường. Sau khi nghe ông Quách giảng giải, tôi tin chắc rằng câu đó là tâm sự của Hoàng giáp Liệu, một sỹ phu yêu nước và giỏi Nôm. Nếu không phải chính ông Hoàng giáp sáng tác, thì là người hiểu rõ tâm hồn ông, cảm phục ông, thay ông mà nói lên cảnh huống.

Trần Trúc Lâm nói tiếp :

- Truyền rằng Cầu Trường Tiền trước kia làm bằng gỗ, thường bị lụt phá hư. Đến triều Thành Thái mới bắc cầu sắt. Nhưng cầu sắt cũng bị lụt phá nên phải đúc bằng xi mon. Thời bấy giờ có câu :

Chợ Đông Ba đưa ra ngoài dại,
Cầu Trường Tiền đúc lại xi mon
Hỡi người chưa vợ chưa con
Về đây chung gánh nước non với mình.

Cụ Nguyễn Bá Nhiệm nói:

- Câu này cũng như câu trước, không phải câu thơ tình như nhiều người đã lầm tưởng mà là câu ca dao lịch sử. Nguyên vua Thành Thái lên ngôi lúc mới mười tuổi. Tuy được Pháp đưa lên làm vua, nhưng khi lớn khôn lại nuôi chí đánh Pháp giành lại độc lập cho Tổ Quốc. Nhà vua đã chuẩn bị việc khởi nghĩa, song đại sự không thành, bị Pháp bắt đày ra hải ngoại, năm 1907, một năm sau khi "Cầu Trường Tiền đúc lại xi mon". Vua Duy Tân nối ngôi và nối luôn chí cha. Vua Duy Tân đã cùng Trần Cao Vân và các chí sỹ nổi dậy chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhiều chiến sĩ bị giết, nhà vua bị đày đến đảo Réunion. Đó là vào năm 1916. Câu ca dao trên là lời "hiệu triệu đồng chí" trong cuộc vận động khởi nghĩa của Thành Thái hay Duy Tân thì đúng hơn. Vì vua Thành Thái mới âm thầm tổ chức ở trong phạm vi cung cấm, chớ phong trào Duy Tân đã lan ra ngoài dân gian.

Tôi nói:

- Biết câu đó là một câu ca dao lịch sử đã tạm đủ. Còn nó thuộc về Thành Thái hay Duy Tân xin tạm gác, để nghiên cứu sau. Bây giờ xin nói qua về câu thứ 3 của bài ca. Câu đó chính là "Hỡi Người Lỡ Hội Chồng Con", chớ không phải là "Hỡi Người Chưa Vợ Chưa Con".

Cụ Nguyễn cười:

- Động viên đàn bà sao?

Tôi đáp :

- Đàn bà mà là con bà Trưng, bà Triệu, bà Bùi Thị Xuân... thì đàn ông như bọn mình đây phải cúi đầu. Huống nữa cụ không nhớ bài "Quân tri thiếp hữu phu, tặng thiếp song minh châu... " của Trương Tịch gởi cho Lý Sư Cổ sao? Đây là lối "thác từ" mà!

Ông Trần Trúc Lâm vội cắt ngang câu chuyện, và nói:

- Hai câu chỉ khác lời chớ không khác ý.

Tôi đáp :

- Đọc thơ xưa phải thận trọng. Nhiều khi chỉ đọc sai một chữ là khác ý cả bài. Còn đối với bài này thì mỗi câu có ngậm một ý riêng biệt, và mỗi câu ở trong mỗi bài cũng riêng biệt. Câu "Hỡi người chưa vợ chưa con" ở trong bài của Khánh Hòa:

Nguyên năm 1944 nhân thực dân Pháp bị Phát xít Nhật kềm chế, các sĩ phu Khánh Hòa kết nạp đồng chí mưu việc đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi nước, giành độc lập lại cho Việt Nam. Nhiều bài vè, nhiều bài ca làm ra để tuyên truyền cổ động câu "Hỡi người chưa vợ chưa con" nằm trong bài vận động sau đây :

Thơm Vạn Giã ngọt đà quá ngọt
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon
Hỡi người chưa vợ chưa con
Vào đây chung gánh nước non với mình
Quản bao lên thác xuống gành
Mía ngon thơm ngọt đượm tình nước non.

Vì kẻ thù lúc bấy giờ không phải chỉ riêng thực dân Pháp mà còn Đế quốc Nhật, cho nên đồng chí phải là những người đừng có liên hệ gì đến hai Chánh phủ Pháp Nhật, những "người chưa vợ chưa con", thì mới mong tránh khỏi lộ bí mật.

Còn câu "Hỡi người lỡ hội chồng con" là ám chỉ những chiến sĩ còn sống sót của cuộc khởi nghĩa Hàm Nghi. Đại sự không thành, "chồng con lỡ hội" là vì tổ chức chưa được chặt chẽ vững vàng, "Cầu Trường Tiền bằng ván, không được chắc chắn". Chớ bây giờ Cầu Trường Tiền đã đúc lại xi mon rồi, thì hãy về đây kết nghĩa vợ chồng để cùng nhau tát bể đông vậy.

Hai câu ở trong bài, mỗi câu có mỗi dụng ý. Nếu biết rõ bối cảnh lịch sử, thì thấy ngay sự lầm lộn làm sai ý nghĩa của toàn bài.

Từ Cầu Trường Tiền ở Huế mà đi lạc vào đến Khánh Hòa để nói chuyện thi ca tưởng đã ra ngoài đề xa quá. Vậy nên trở lại với cây cầu 6 vài 12 nhịp.

"Cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp" được đúc lại xi mon năm 1906. Đến năm 1937, cầu lại được mở rộng hai bên thành hai hành lang để cho người đi bộ. Cầu vừa kiên cố vừa đẹp. Từ khi cầu "đúc lại xi mon" thì lụt không phá nổi. Song trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu bị dựt mìn sụp đổ 2 lần bên tả ngạn, một lần năm 1946, một lần nữa năm 1968. Lần đầu cầu đã được sửa chữa lại như cũ, lần sau mãi cho đến nay 1986, mới sửa tạm bằng ván để qua lại mà thôi.

Thời kháng chiến chống Pháp, nhìn cảnh Cầu Trường Tiền bị sập, có người làm câu hò mái đẩy :

Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niêqua lại? 
Kể từ đời Thành Thái đến nay. 
Chạnh lòng biết hỏi ai đây,
Việc chi nên nỗi đang tay dứt cầu

Liền có người đáp :

Chí quyết thắng Tây 
Nên cầu này phải phá.
Qua sông còn nhiều ngả 
Đừng buồn bã em ơi.
Nước non khôi phục được rồi 
Cầu này bắc lại không mấy hồi đó em...

Nguồn TCSH
 

Các bài mới