TRIỀU NGUYÊN
(Tập san Văn nghệ Dân gian 2016)
1. Đặt vấn đề
1.1. Truyện cổ tích là một thể loại tự sự bằng văn xuôi của văn học dân gian, được xây dựng dựa trên những cốt kể (type), có chức năng chủ yếu là phản ánh và lí giải những số phận khác nhau của con người, qua muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Truyện cổ tích gồm ba tiểu thể loại (viết tắt là tiểu loại): truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích thế tục(1), và truyện cổ tích loài vật.
Truyện cười nhằm gây cười (để qua tiếng cười ấy mà nhận thức về những vấn đề được đặt ra); ở đây, là truyện cười truyền thống. Bởi truyện cười truyền thống tương ứng với truyện cổ tích về thời gian, hoàn cảnh ra đời, đối tượng được đề cập, quan niệm thẩm mĩ,... Mô hình của truyện cười truyền thống gồm ba phần nối kết nhau, như sau: a) Nhân vật mang thói tật, điều không bình thường; b) Nhân vật mang thói tật, điều không bình thường đứng trước tình huống phải ứng xử; c) Nhân vật mang thói tật, điều không bình thường đứng trước tình huống phải ứng xử: a) Đã biểu hiện (bằng lời nói, việc làm) đúng với thói tật, điều không bình thường vốn có, theo lối thái quá hay bất ngờ, khiến nảy sinh tiếng cười; b) Đã biểu hiện (bằng lời nói, việc làm) đúng với thói tật, điều không bình thường vốn có, cùng sự tác động tương ứng theo lối thái quá hay bất ngờ của nhân vật phụ, khiến nảy sinh tiếng cười (mô hình gồm hai dạng: a + b + ca; và a + b + cb) - mô hình này chiếm khoảng 87% số truyện cười truyền thống.
Xét mô hình này trong quan hệ với truyện cổ tích, thì hai tiểu loại của truyện cổ tích, là truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích loài vật khó thể nhầm lẫn với truyện cười. Chỉ mỗi truyện cổ tích thế tục là khả năng này có thể xảy ra nhiều hơn. Cho nên, phân định giữa truyện cổ tích với truyện cười, chủ yếu là phân định giữa truyện cổ tích thế tục với truyện cười.
1.2. Việc sưu tầm, nghiên cứu về truyện cổ tích thế tục hiện rất mỏng. Chưa tìm thấy một sưu tập dành riêng cho vấn đề. Người viết bài này có thực hiện “Bộ sưu tập truyện cổ tích thế tục Việt Nam”, gồm 360 truyện (người Kinh: 216 truyện, người dân tộc thiểu số: 144 truyện). Bộ sưu tập này phản ánh ba nội dung lớn về con người, là các đức tính và thói tật, quan hệ gia đình, và quan hệ ngoài phạm vi gia đình. Trong đó, có một số nhóm truyện thường có yếu tố gây cười, nên có thể nhầm lẫn với truyện cười. Đó là các nhóm truyện về khôn dại, nhóm truyện liên quan đến chàng rể (việc chọn rể, ở rể, làm rể), nhóm truyện về quan hệ chủ tớ,... Như vậy, cần nói cho rõ hơn: việc phân định giữa truyện cười với truyện cổ tích thế tục chủ yếu là sự phân định giữa truyện cười với các nhóm truyện vừa nêu (tức nhóm truyện cổ tích thế tục có gây cười). Vì các truyện còn lại của truyện cổ tích thế tục thường có dung lượng lời lớn hơn hẳn, và không có yếu tố gây cười.
Phía truyện cười, bài viết sử dụng: a) Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng (1992), Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội; b) Mục “Truyện cười”, trong: Trương Chính, Phong Châu (1986), Tiếng cười dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 45-200; làm đối tượng và phạm vi nghiên cứu, để đối sánh với “Bộ sưu tập truyện cổ tích thế tục Việt Nam”, đã nêu.
2. Phân định giữa truyện cổ tích thế tục với truyện cười
Về nguyên tắc, việc phân định phải được tiến hành theo từng mẩu một, nhưng nếu thế vấn đề sẽ rất rườm rà. Vì vậy, ở đây chỉ trình bày một vài trường hợp tiêu biểu, để nếu có những truyện tương tự, sẽ dựa vào đó mà xem xét.
2.1. Đọc hai truyện sau, mỗi truyện được chép vào một bộ sưu tập truyện cười vừa ghi:
(1) MUỐN CHÓ BIẾT NÓI
Lão chánh tổng làng kia có con chó khôn lắm. Hễ mỗi lần mắng nhiếc người nhà, lão chánh thường lấy con chó ấy ra để sỉ nhục bọn họ. Có một anh đi ở đợ dài ngày cho lão chánh, bị lăng mạ như thế nhiều lần, lấy làm tức lắm, tìm cách để báo thù.
Một hôm, anh ta lại gần chủ và nói rằng:
- Thưa cụ, con cũng biết tính con ngông nghênh mà dại dột lắm. Cụ bảo con chó ở nhà khôn hơn con, thật đúng.
Rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh ta nói tiếp luôn:
- Ấy thế mà giá con chó nhà ta lại biết nói nữa thì tật hoàn toàn quý ạ.
Lão chánh tổng ngạc nhiên:
- Chó nói? Chó gì mà lại chó biết nói?
- Ấy thế mà có đấy ạ. Hôm nọ, có mấy quan ở kinh thành về săn ở đầu làng, con đi theo xem, thì rõ ràng có hai con chó biết nói tiếng người. Con lại gần hỏi các quan, mới biết rằng, hiện giờ ở kinh thành, người ta tài lắm, người ta mở trường để dạy chó nói tiếng người.
- Ừ, nghĩ ra thì cũng phải. Vẹt, yểng còn nói được, huống hồ là chó. Nếu không bận việc nhà, tao cũng lên kinh thành một chuyến để xem. Nhưng không làm sao đi được. Mùa gặt hái...
- Cái đó không ngại. Cụ cứ phó thác cho con.
Sáng hôm sau, anh ta dẫn chó lên kinh thành, với số tiền là hai trăm bạc để thuốc men chi phí. Tới nơi, anh lấy đá buộc vào cổ con chó và quăng xuống sông Nhị Hà.
Bảy hôm sau, đánh bạc hết tiền, anh quay về. Lão chánh hỏi chó đâu, anh nói:
- Thưa cụ, người Tây giỏi thật ạ. Vừa mới mang chó đến, họ đã nhìn con chó nhà ta mà nói: “Con chó này khôn lắm”. Con đưa trước hai chục, để con chó lại, rồi sáng nào con cũng đến thăm một bận. Hôm qua, lúc con đến, nó đã bập bẹ được một câu: “Nhà có khách! Nhà có khách!”. Quan Tây bảo về thưa với cụ cho năm trăm. Cụ đã đưa hai trăm, con xin nốt.
Lão chánh tổng nghe con chó đã biết nói ít nhiều thích lắm, đưa ngay tiền cho anh ta mà chẳng chút ngại ngần. Trong ba hôm, số tiền đó lại chui vào sòng bạc và cô em hàng mành. Anh chàng lại trở về, bẩm cụ:
- Giỏi thật! Giỏi thật! Lúc con vừa đến, con chó nhà ta chạy ra kêu lên: “Kìa! Bác đã đến chơi đấy à?”. Rồi chuyện trò với con hồi lâu. Tuy nó nói được, song hãy còn ngọng lắm. Quan Tây bảo phải ở lại dăm bữa nữa để tiêm thuốc, và ngài đòi thêm năm trăm nữa.
- Năm trăm nữa? Sao lắm thế? Nhưng nó nói được chứ?
- Vâng, cụ cứ tin con!
Anh chàng lại được một phen thả cửa. Ở đến nửa tháng, anh mới chịu về. Lần này, ngay từ cổng làng, anh ta đã ra vẻ bực tức, càu nhàu không ngớt. Lão chánh tổng không thấy chó, hỏi dồn, anh ta giẫm chân mà nói rằng:
- Thưa cụ. Thế thì tệ thật! Tệ thật! Con chó nhà ta nó... chó lắm, lại liến như phường chèo! Con vừa đến, nó hỏi thăm cụ có mạnh khoẻ không. Rồi nó nhe răng ra cười mà hỏi con: “Này đằng ấy, tớ độ này không ở nhà nên không biết lão chánh chủ chúng mình, dạo này có gạ con bé thợ cấy ở làng bên cạnh nữa không? Cũng không biết hiện nay lão còn chòng ghẹo cái Ánh, để cho chồng nó cầm dao sang chửi tận nhà, như dạo trước không?”. Thưa cụ, con nghe lộn ruột lắm ạ. Con tức quá, đánh chết nó ngay tức thì...
Lão chánh, mặt đỏ như gấc, nói:
- Đồ phản chủ! Quân bất lương! Chó! Chó! Mày giết nó đi là phải.
Anh chàng lặng lẽ rút lui, vẻ mặt hằm hằm, nhằm chia sẻ nỗi bất bình với chủ.
(Nguồn: Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng (1992), Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, sđd., tr. 67-69)
(2) NAM MÔ BOONG
Xưa có người đàn bà trẻ, mới lấy chồng, chưa có con, lại có nhan sắc. Trong làng, nhiều người để ý gạ gẫm, nhất là nhà sư, lí trưởng, và thầy đồ. Người đàn bà bị quấy rầy lấy làm khó chịu, một hôm mới nói rõ cho chồng nghe. Anh chồng tức lắm, chưa nghĩ ra mưu gì thì chị vợ đã nói nhỏ vào tai chồng. Anh chồng gật gù khen phải, rồi y kế thi hành.
Hôm sau, chị vợ vừa bước chân ra khỏi ngõ thì gặp ngay nhà sư đang giả vờ đi khuyến giáo, lảng vảng ở đó. Sư buông lời trêu ghẹo: chị vợ giả vờ thuận và hẹn canh hai vào nhà. Sư mừng quá, nhận lời ngay. Đoạn chị vợ lại gặp thầy lí và thầy đồ, cũng hẹn canh hai đến nhà.
Tối, sư đến trước, chị ta tiếp đón niềm nở. Nhưng sư chưa kịp giở trò thì nghe tiếng gọi cửa. Sư sợ cuống lên. Chị ta liền bảo:
- Thôi, sẵn có cái rọ đây, nhà chùa vào nằm trong ấy, rồi tôi rút dây treo lên xà nhà, hễ có ai vào hỏi, tôi bảo là cái chuông.
Sư đành phải theo. Xong, chị ta lại ra mở cửa cho thầy lí vào. Cũng mới nói được vài câu mào đầu thì lại có tiếng gõ cửa. Thầy lí sợ quá. Người đàn bà liền bảo:
- Hay thầy chui tạm xuống gầm giường, giả làm chó vậy. Nhỡ có ai nghi ngờ gì thì thầy cứ gâu gâu lên đôi ba tiếng là không việc gì đâu!
Thầy lí hết kế, đành nghe theo. Đến lượt thầy đồ. Chưa kịp chuyện trò gì thì chồng về gõ cửa ầm ầm. Thầy đồ sợ quá, run như cầy sấy. Người đàn bà vội ấn thầy vào cái hòm khoá chuông(2).
Anh chồng vào, thấy vợ nháy mắt, biết mưu đã thành, liền nhìn xuống gầm giường. Thầy lí vội sủa: “Gâu! Gâu! Gâu!”. Anh chồng hỏi:
- Chó đâu thế?
Chị vợ bảo:
- Chó mới mua đấy!
Anh chồng:
- Con chó này hỏng, dám cắn cả người nhà!
Liền lấy gậy phang cho thầy lí một trận. Lúc đầu, thầy còn “gâu gâu”, sau đau quá phải thò mặt ra van xin rối rít.
Anh chồng đem trói nghiến vào cột nhà. Rồi nhìn lên xà nhà, hỏi:
- Cái gì lủng lẳng thế kia?
Chị vợ vội nói:
- Cái chuông nhà chùa mới gửi.
Anh ta bảo:
- Có kêu không? Đánh thử xem nào?
Bèn cầm cái tay thước đánh mấy cái thật mạnh. Nhà sư vội “Boong! Boong!”, nhưng anh chồng đánh liền tay, sư đau quá, kêu tướng lên “Nam mô boong! Nam mô boong!”, líu cả lưỡi.
Sau bị đánh đau quá, đành van xin tha. Anh chồng cũng lấy thừng trói luôn, rồi bảo vợ:
- Mai có người mời đi ăn cỗ, ta thử xem lại quần áo ra sao.
Liền mở hòm. Thấy lùng nhùng trong đống áo, liền thét:
- Mèo hay chuột chui vào mà làm rối tung cả thế này? Đưa con dao đây, đâm cho nó chết đi!
Thầy đồ run rẩy, đội cả đống áo đứng dậy van lạy.
(Nguồn: Mục “Truyện cười”, trong: Trương Chính, Phong Châu (1986), Tiếng cười dân gian Việt Nam, sđd., tr. 136-138)
2.2. Dưới đây, là việc phân tích theo hướng đối sánh hai truyện vừa nêu với truyện cười, truyện cổ tích thế tục, hòng xem chúng thuộc loại nào.
2.2.1. Phân tích truyện (1)
A. So Truyện (1) với truyện cười, truyện cổ tích thế tục:
- Về dung lượng lời, truyện này dài hơn, do có nhiều tình tiết hơn so với truyện cười nói chung;
- Ghép mô hình cấu trúc truyện cười (cũng gọi là cơ chế gây cười) đã nêu vào, thì truyện này không theo mô hình ấy;
- Truyện có thể gây cười ở phần kết. Nhưng tiếng cười nếu có ấy sẽ vội tắt ngay, bởi để lĩnh hội truyện, cần nhận ra: đây không chỉ là sự đánh lừa của anh đầy tớ với ông chủ, mà còn là việc vạch trần tội lỗi của ông ta. Riêng mỗi lời mắng chó của ông chủ cũng cho thấy bản chất bất lương của gã. Lại không chỉ điều ấy. Phía nhân vật anh đầy tớ: vừa khôn ranh, lém lỉnh, vừa cố ý trả thù lão chánh tổng, vừa...
Theo đó, thì truyện đang đặt ra không phải là truyện cười. Dựa vào các đặc điểm của truyện, có thể xếp nó thuộc tiểu loại truyện cổ tích thế tục.
B. Để kết luận này được củng cố hơn, có thể đọc thêm một truyện cùng tên, dưới đây:
(1’) MUỐN CHÓ BIẾT NÓI
Ngày xưa, có một ông nhà giàu nhất làng. Tiền bạc của ông kiếm được phần nhiều là do những món nợ ăn lời quá vốn, hoặc những âm mưu cướp giựt ruộng đất, nhà cửa của dân lành. Càng có nhiều tiền, lão càng cay nghiệt, không bao giờ chịu bố thí, cứu giúp chòm xóm, mà chỉ muốn có nhiều tiền hơn để trở thành phú hộ, ăn trên ngồi trước thiên hạ.
Lão có nuôi một con chó Mực, và thương con chó còn hơn con ruột. Lão cho chó ăn ngon như lão, cho ngủ trên giường và chăm sóc chu đáo. Lão thường nói ra điều ao ước:
- Giá như con Mực này biết nói tiếng người thì ta sẽ trở thành người nổi tiếng nhất làng. Ta sẽ làm tiền thiên hạ mỗi khi ai muốn nghe chó nói. Nhờ vậy ta sẽ có nhiều tiền, sẽ được tôn trọng.
Một anh đầy tớ biết ý muốn của chủ, nghĩ kế làm tiền ông ta cho bõ ghét. Anh lựa lúc chủ vui mà nói rằng:
- Thưa ông chủ, tôi quen biết một vị tu sĩ ở trong núi có phép dạy chó nói tiếng người. Nếu ông cho tôi dắt chú Mực đi học, chắc chắn trong ba tháng chó sẽ nói được như tôi.
Lão già khoái quá, hỏi giá bao nhiêu. Anh đầy tớ tính phỏng lối năm nén bạc. Lão liền đưa cho anh năm nén, và thêm một nén làm lộ phí.
Anh đầy tớ dắt chó ra đi. Anh không đưa vào núi mà lại đưa nó về nhà cha mẹ mình ở cách đấy khá xa. Anh giao chó cho cha mẹ nuôi và trao năm nén bạc nhờ cha mua ruộng cho anh. Ở chơi vài ngày, anh trở lại nhà chủ, thưa rằng:
- Ông tu sĩ nhận tiền và hứa sẽ dạy chú Mực biết nói trong hai tháng. Ông đòi thêm ba nén bạc nữa về lớp dạy gấp rút này.
Lão già bằng lòng lắm, hi vọng sẽ có con vật đặc biệt nhất làng. Lão đi khoe khắp nơi và hăm rằng kẻ nào khinh lão sẽ bị chó chửi thay lão.
Thời gian trôi qua, đến ngày hẹn, lão trao ba nén bạc cho anh đầy tớ, lại còn cho thêm hai nén nữa để đi đường.
Anh chàng khôn ranh ôm bạc về nhà nhờ cha mẹ cất, chờ anh về cưới vợ. Anh gọi con chó lại vuốt ve, tỏ vẻ cám ơn nó. Vài hôm sau, anh trở lại nhà chủ một mình.
Lão chủ ngạc nhiên không thấy có con chó, vội hỏi dồn:
- Con Mực đâu? Con Mực đâu? Sao mày lại về một thân một mình?
Anh đầy tớ làm bộ âu sầu, kể lại rằng:
- Thưa ông chủ, tôi không ngờ con chó Mực lại vô ơn bạc nghĩa đến thế. Ông tu sĩ đã dạy nó nói được tiếng người đàng hoàng như tôi, vừa thấy tôi là chú ta kêu tên tôi ngay. Tôi hỏi thăm sức khoẻ chú để thử tài ông thầy, thì chú trả lời ron rót y như tôi nói chuyện với ông chủ vậy. Chú nói rằng: “Tôi về nhà rồi chủ tôi sẽ biết. Tôi sẽ kể hết tội ông chủ làm lâu nay, như cho vay lấy lời cắt cổ, gạt người ta lấy của, kiện cáo đoạt nhà, cướp ruộng thiên hạ, lo lót quan trên hãm hại dân lành. Tôi sẽ tố cáo ông chủ trước mặt quan phủ để ngài bắt bỏ tù, tịch thu tài sản mới được...”. Thưa ông chủ, chú Mực còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không dám thuật hết cho ông chủ nghe. Tóm lại, chú ta biết hết các chuyện ám muội của ông chủ và nhất định cho ông chủ vào tù. Tức quá, tôi lấy búa chém đứt đầu nó rồi.
Lão già toát mồ hôi hột. Lão đâm ra lo vì tội ác rành rành như thế, nếu con chó nói ra hết thì lão không tránh khỏi tai hoạ. Lão cám ơn anh đầy tớ đã giúp lão giết nghiệt súc “chó chết”, cứu lão thoát nạn. Lão cho anh ta ba nén bạc, gọi là thưởng công.
Từ đó về sau, lão bớt dần tính ác độc và bủn xỉn. Lão sợ những con vật gần gũi rồi đây sẽ biết nói, và sẽ không bỏ qua những việc làm có tội của lão. Còn anh đầy tớ, anh xin nghỉ làm ở nhà chủ, trở về với cha mẹ lo làm ruộng, rồi anh cưới vợ, cất nhà riêng. Anh nuôi con Mực như các con chó khác, và tất nhiên, nó cũng chỉ biết gâu gâu mà thôi.
(Nguồn: Nguyễn Hữu Hiếu (1987), Truyện kể dân gian Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 288-290)
Truyện này tương tự với truyện trước, nhưng khó nhầm lẫn nó với truyện cười hơn. Bởi phần kết không nhằm gây cười, mà quan tâm đến cuộc đời và số phận các nhân vật, qua tác động của sự việc được kể (lão chủ trở nên tốt hơn, anh đầy tớ thì có tiền để cưới vợ, làm nhà). Đây là một truyện cổ tích thế tục.
Sở dĩ được dẫn ra đây, vì nó sẽ níu truyện trước, như từ sự phân thân kia, về phía mình.
2.2.2. Phân tích truyện (2)
A. So Truyện (2) với truyện cười, truyện cổ tích thế tục:
- Về dung lượng lời, truyện này dài hơn, do có nhiều tình tiết hơn so với truyện cười nói chung;
- Ghép mô hình cấu trúc truyện cười đã nêu vào, thì truyện này không theo mô hình ấy;
- Truyện bắt đầu gây cười từ việc ba ông có uy danh trong làng phải trốn chui nhủi trong phòng một người đàn bà; và tiếng cười chấm dứt cho đến khi hết truyện. Nó không nêu hệ quả sau đó, hay số phận, hoàn cảnh của các nhân vật liên quan.
Các yếu tố này chưa thể kết luận được truyện đang đặt ra thuộc vào truyện cười hay truyện cổ tích thế tục. Bởi yếu tố cuối thiên về truyện cười, trong lúc hai yếu tố đầu chỉ có giá trị tham khảo, bởi: a) Dung lượng tuy dài nhưng các tình tiết truyện đều kết hợp theo hướng gây cười; b) Mô hình truyện cười truyền thống đã nêu, chỉ tập hợp 87% số truyện, nên không triệt để, tuyệt đối (như mô hình truyện trạng, truyện ngụ ngôn)(3). Cho nên, cần xem xét vấn đề theo hướng khác.
B. Có một cốt kể tương tự với cốt kể của truyện vừa nêu, được kể ở truyện cổ tích thế tục, và kịch bản tuồng dân gian, như sau:
(2’) CÔ GÁI LỪA THẦY SÃI, XÃ TRƯỞNG VÀ ÔNG QUAN HUYỆN (truyện cổ tích thế tục)
Ở huyện nọ có một chị goá chồng mặt mày sáng sủa, lại khôn ngoan lanh lợi. Thấy có đoá hoa xinh dễ vin dễ hái, nhiều anh chàng ngấp nghé. Trong những người lui tới, có một thầy sãi, một xã trưởng và một quan huyện. Cả ba đều dày công thả lời ong bướm, ai cũng tưởng mình đã lọt vào mắt xanh của cô nàng.
Thật ra, cô nàng chưa chút tơ vương, và nghĩ: “Cả ba người đều có vai vế, nhà ta từng đôi ba phen nhờ vả, nên khó ngang nhiên cự tuyệt”. Nghĩ vậy, chị ta vẫn tiếp đãi cả ba rất ngọt ngào; tuy chị không vồ vập nhưng cũng không tỏ ra thờ ơ. Ba người đàn ông thấy thế tưởng là cá đã cắn câu, lại càng cố công theo đuổi. Nhất là ông xã trưởng, tay quyền thế trong làng, lại gần đường lui tới, cứ săn đón luôn canh. Thấy phiền quá, buộc phải tỏ thái độ, chị ta bụng bảo dạ: “Thật đáng ghét! Chúng nó bám lấy ta như đỉa đói. Phải tìm cách cho cả ba một mẻ, không thể để kéo dài được”.
Một hôm, chị ta đang ngồi ở nhà thì thầy sãi ở đâu bước vào. Sau khi trầu nước, thầy sãi tỉ tê đòi được một buổi hẹn hò. Chị ta đồng ý, hẹn thầy ngay tối hôm ấy, vào canh một. Sau khi thầy sãi về, chị ta cũng lật đật chạy đi báo cho xã trưởng, làm cho xã trưởng sướng run lên vì cái tin đột ngột. Tiếp đó, đến lượt quan huyện cũng tràn ngập niềm vui vì nhận ở cô nàng một lời hứa đã chờ đợi từ lâu.
Đêm hôm ấy, sau khi đỏ đèn một chặp, thầy sãi đến gõ cửa. Chị ta mở cửa cho vào. “Trong nhà có ai không?”, thầy sãi hỏi. Đáp: “Không. Cả nhà thiếp đều đi vắng”. Sãi ta chỉ đợi có câu ấy, bắt đầu lả lơi. Thấy chị nàng không ra bộ cự tuyệt, sãi càng làm già. Nhưng đúng lúc thầy sắp lên giường, thì bỗng có tiếng gõ cửa khiến sãi run lập cập. Người đàn bà làm bộ ngạc nhiên:
- Tiếng ai như tiếng xã trưởng! Chẳng biết đêm hôm đến đây làm gì?
Nghe nói thế, thầy sãi lại càng cuống quýt, nhờ chị nọ chỉ cho chỗ nấp. Cuối cùng, thầy đành theo lời chỉ, chui đại xuống gầm giường, vì nhà không có cửa sau.
Xong đâu đấy, chị ta ra mở cửa cho xã trưởng vào. Sau những câu chào hỏi mời mọc, người đàn bà nói: “Nhân thể thiếp có chút việc muốn hỏi thầy xã”. “Việc gì đó, cứ nói đi!”, thầy bảo. “Phận đàn bà con gái không biết phép vua lệ làng, xin hỏi: như thầy sãi bỏ chùa mà đi ve gái, thì làng xử ra làm sao ạ?”. Xã trưởng cười hề hề, đáp ngay: “Ồ! Quân đó là đồ trốn xâu lậu thuế, bắt được thì đem chém quách cho rồi, để làm chi!”.
Cũng như thầy sãi, khi biết nhà vắng vẻ, xã trưởng ta bắt đầu giở chuyện bài bây. Cô nàng cũng không ra vẻ cự tuyệt. Câu chuyện đang đi vào mặn nồng thì thình lình lại có tiếng gõ cửa. Xã trưởng thất kinh vì gã nhận ra tiếng quan huyện: “Chết nỗi! Đêm hôm khuya khoắt, chẳng biết quan đến đây làm gì? Làm sao bây giờ đây?”. “Thầy xã đừng lo. Để thiếp tìm cho thầy một chỗ nấp”. Xã trưởng ta được dắt vào buồng, ngồi ẩn vào một xó.
Xong đâu đấy, chị ta lại mở cửa cho quan huyện vào. Sau khi dọn trầu nước mời quan, chị ta nói: “Thiếp có chút việc muốn hỏi quan...”. “À, việc gì đó cứ nói đi!”, quan đáp. “Bẩm quan, như thầy sãi ban đêm bỏ chùa mà đi chơi gái, thì nên xử vào tội gì?”. Quan cười đáp: “Ồ! Bắt được thì đánh cho năm roi, mười roi, rồi bắt phạt xâu, cũng như dân sự vậy!”.
Quan vừa đáp xong thì thầy sãi từ gầm giường lóp ngóp bò ra, lạy lấy lạy để, vừa lạy vừa nói:
- Bẩm quan lớn, ngài minh lắm! Chứ không như ông xã nấp ở trong kia thật là quá tay. Tội có như vậy mà đòi xử chém.
(Nguồn: Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 1545-1546)
(2’’) NGHÊU, SÒ, ỐC, HẾN (kịch bản tuồng dân gian; tóm tắt)
Trần Ốc đến nhà trùm Sò ăn trộm, rồi đem những thứ trộm được bán cho thị Hến. Làng lục soát nhà thị Hến phát hiện ra. Trùm Sò tố sự việc lên quan. Lẽ ra tội oa trữ đồ gian bị phạt nặng, nhưng quan huyện Trìa thấy thị Hến có nhan sắc, bèn ngỏ lời tán tỉnh, bắt tình. Đề Hàu cũng thích thị Hến, gã làm tờ khai buộc trùm Sò tội vu oan. Huyện Trìa xử cho thị Hến vô tội.
Ngoài huyện Trìa và đề Hàu mê thị Hến, còn có thêm sư Nghêu. Thị Hến hẹn gặp sư Nghêu vào một đêm, đồng thời, cũng cho mời đề Hàu và huyện Trìa đến nhà mình đêm ấy.
Đúng hẹn, sư Nghêu đến trước, sau một hồi trà thuốc, trò chuyện, đến lúc lả lơi thì đề Hàu gõ cửa. Sư bối rối bèn chui xuống gầm giường. Ngồi với đề Hàu, thị Hến hỏi: “Sư phá giới vì mê gái phải xử ra sao?”. Đề Hàu nói: “Xử trảm!”. Đề Hàu định giở trò bài bây thì bỗng có tiếng oang oang của huyện Trìa ở bên ngoài. Gã hoảng sợ tìm chỗ trốn.
Huyện Trìa vào nhà, muốn ân ái ngay, nhưng thị Hến giả cách dài lời, rồi hỏi huyện Trìa câu đã hỏi với đề Hàu. Huyện Trìa đáp: “Phàm tu hành mà đã xuất gia/ Có phá giới đánh đòn, phát phối!”. Nghe huyện Trìa nói thế, sư Nghêu mừng quá bò ra khỏi chỗ nấp, lạy quan, nói: “Thiện xử phân! Thiện xử phân! Lời quan dạy vậy là minh lắm! Đúng là bậc cha mẹ của dân. Chứ như thầy đề đang trốn ở kia, là loại dâm ô, gian trá”. Đề Hàu bị sư gọi mặt chỉ tên, lồm cồm đứng lên chịu tội. Huyện Trìa không ngờ mọi việc lại tệ đến thế. Ông đuổi sư Nghêu đi, rồi bắt đề Hàu cõng mình về nhà.
(Nguồn: Tôn Thất Bình (2011), Tuồng dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 43-76)
Có thể thấy, trọng tâm của ba truyện vừa nêu (truyện 2, 2’, và 2’’) là cái đêm mà nhân vật cô gái (hay chị vợ, thị Hến) hẹn gặp ba con người có địa vị trong xã hội đến nhà mình (và để họ tự lột mặt nạ, bị làm nhục đến ê chề, để chừa thói “ăn vụng” đi). Phần trọng tâm ấy ở hai mẩu truyện và kịch bản tuồng cơ bản giống nhau. Chẳng hạn, ba nhân vật thầy sãi, xã trưởng và quan huyện (2’) với ba nhân vật ông sư Nghêu, thầy đề Hàu, và quan huyện Trìa (2’’), là tương ứng nhau. Cả sự xuất hiện trước sau của họ vào cái “đêm định mệnh” ở nhà cô gái (hay thị Hến), theo thứ bậc xã hội từ thấp đến cao, cũng vậy (giả sử, không phải ông sãi/sư xuất hiện trước mà quan huyện chẳng hạn, thì với sự hách dịch vốn có và quyền uy hàng đầu trong địa hạt của mình, chưa chắc quan đã chịu trốn, bấy giờ, câu chuyện sẽ diễn ra theo hướng khác).
Ở (2), thời điểm trước sau của việc xuất hiện ấy với ba nhân vật nhà sư, lí trưởng và thầy đồ, có vẻ không được chú ý. Ba người đàn ông được xem như ngang hàng về vai vế. Truyện này có thêm nhân vật người chồng, và người này đã trừng trị những kẻ đã ve vãn vợ mình. Các kiểu ẩn nấp (của ba nhân vật danh giá trong làng) cách trừng phạt (của người chồng), và việc giả làm vật kèm theo tiếng kêu của họ (giả tiếng chó để sủa “Gâu! Gâu!” của ông lí, giả tiếng chuông để kêu “Boong! Boong!”, “Nam mô boong!” của ông sư), đã gây cười(4).
Bên cạnh đó, cũng thấy rằng, so hai mẩu truyện và kịch bản tuồng ở bước thắt nút (của cốt truyện), thì một bên từ dục vọng của mỗi cá nhân, một bên từ vụ kiện, bị quan lại đổi trắng thay đen, để lấy lòng người đẹp. Tức truyện (ở đây là truyện cổ tích thế tục, truyện cười) thì có thể được dẫn dắt theo tâm lí nhân vật, còn kịch bản tuồng thì chủ yếu theo sự việc cụ thể, ở đó, hình thành các lớp lang, trình tự một cách rõ ràng.
Những phân tích trên cho thấy: “Nam mô boong” là một truyện cười, có sự tương ứng, ràng buộc nhất định với “Cô gái lừa thầy sãi, xã trưởng và ông quan huyện” (một truyện cổ tích thế tục), và “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” (một kịch bản tuồng dân gian). Bởi chúng cùng sử dụng một cốt kể tương tự nhau, nhưng do sự chi phối hay đặc điểm của thể loại, mà nội dung liên quan có những cải biến cho phù hợp (5).
3. Nhận xét, kết luận
Có hai mẩu truyện được chép ở truyện cười, mà một dị bản và một cốt kể tương ứng của chúng lại được chép ở các sưu tập truyện cổ tích thế tục, đó là: “Muốn chó biết nói” và “Nam mô boong”. Với truyện đầu, do mang các đặc điểm của truyện cổ tích thế tục, lại có dị bản thuộc vào tiểu loại này một cách sát hợp, nên nó được xếp vào đó. Với truyện sau, tuy có cốt kể tương ứng với một truyện thuộc cổ tích thế tục và một kịch bản tuồng dân gian, nhưng nó thiên về truyện cười, nên được xếp vào truyện cười (việc một cốt kể được sử dụng ở nhiều thể loại khác nhau, là chuyện bình thường).
Việc phân định giữa truyện cổ tích thế tục với truyện cười là cần thiết, để tránh sự nhập nhằng, hòng giúp nhận ra đặc điểm của mỗi bên một cách cụ thể, rõ ràng. Khi gặp một truyện mà việc xếp nó vào thể loại này hay thể loại kia đều có chỗ không ổn lắm, thì cần vận dụng phương pháp hệ thống. Phương pháp này đặt mẩu truyện đang còn phân vân vào hệ thống các thể loại văn học dân gian, văn hoá dân tộc để xem xét, hòng xếp nó vào đúng vị trí tương ứng.
Trong tình hình các nghiên cứu về vấn đề liên quan còn mỏng như hiện nay, việc làm đang đặt ra tuy không thuận lắm, nhưng không thể nói là không cần thiết. Bởi nếu cứ tồn tại điều lấn cấn giữa các thể loại, thì việc nắm bắt chúng khó tránh khỏi nhầm lẫn, bất cập.
T.N
CHÚ THÍCH:
(1). Khái niệm “Truyện cổ tích thế tục” ở đây, tương ứng với “truyện cổ tích sinh hoạt”, “truyện cổ tích sinh hoạt xã hội”, “truyện cổ tích thế sự”,... Đồng thời, nó là một dạng viết tắt của “Truyện cổ tích thế tục Việt Nam”, bao gồm truyện cổ tích thế tục của người Kinh, và truyện cổ tích thế tục của người thiểu số.
(2). Hòm khoá chuông: loại hòm (rương) to, thường dùng đựng quần áo, đồ đạc.
(3). Vấn đề được trình bày cụ thể hơn ở ba chuyên luận của người viết: a) Tìm hiểu truyện cười Việt Nam (2011), Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 162-257; b) Tìm hiểu về truyện trạng Việt Nam (2014), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 54-62; và c) Góc nhìn cấu trúc về truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam (2004), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 38-52.
(4). Việc giả tiếng vật kêu có hai ý: a) Hàm chỉ việc ba ông được xã hội trọng vọng này là những kẻ giả danh, giả trang; b) Vật hoá ba ông ấy, xem ba ông như vật dụng, như chó mèo.
(5). Cả ba, truyện và kịch bản (2, 2’ và 2’’), đều thú vị. Bình thường, thì các ông sãi (sư), ông đồ, ông xã, ông quan là những người khôn ngoan, khó ai lừa nổi. Vậy mà một cô gái chân yếu tay mềm, chẳng có vai vế, địa vị gì trong xã hội, lại dễ dàng lừa phỉnh, khiến các ông phải xấu hổ. Do đâu? Ai cũng trả lời được câu hỏi này, là do các ông luỵ tình cô ta. Những kẻ luỵ tình thì bị lừa là nhẹ, ngay cả trường hợp bị giày xéo, hành hạ cũng lấy làm hạnh phúc nữa là!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1991), Văn học dân gian, tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
[2]. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[3]. Lê Chí Quế (chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (2001), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
[4]. Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, 5 tập, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội
[5]. Nguyễn Thị Huế (Chủ biên), Trần Thị An (2014), Truyện cổ tích người Việt, 6 quyển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Xuân Đức (1996), Thi pháp truyện cổ tích thần kì người Việt, Trường Đại học Sư phạm Vinh xuất bản.