Văn nghệ dân gian
Cảm nhận về Phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh
14:29 | 02/03/2020

PHẠM BÁ THỊNH

Cảm nhận về Phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh
Phố cổ Gia Hội (Ảnh: LVT - Tạp chí Sông Hương)

Cách đây khá lâu, có lần tôi nghe chuyện tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chi khoảng tiền lớn để đầu tư khôi phục lại một số điểm ở khu vực phường Phú Cát và phường Phú Hiệp, làm sao phục hồi lại diện mạo phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh xưa để phục vụ đắc lực cho các kỳ Festival Huế. Nghe đâu lát gạch lề đường Chi Lăng, về sau đã có lát gạch nung một đoạn từ cầu Gia Hội về đến đoạn giao với đường Nguyễn Du; mở phố ẩm thực bên bờ sông Đông Ba - có làm như không hiệu quả bởi phố hẹp và làm không tốt nên gây mất vẻ mỹ quan con đường Bạch Đằng; sửa sang một số nhà cổ làm điểm tham quan - thật ra không được các chủ nhà đồng tình vì kinh phí sửa chữa quá lớn;…Bây giờ thì mọi cái có vẻ như khép lại để nhân dân tự quyết định có cần giữ lại phố cổ hay không. Ngay từ lúc đó nhiều người tự hỏi có còn cái gọi là “phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh”? Dự án có khả thi? Khi mà các ngôi nhà cổ đang dần bị phá bỏ, phố xưa bị biến dạng khá trầm trọng. Quan trọng là người dân có thấy lợi từ việc bảo vệ, trùng tu các giá trị cổ ở đây như ở Hội An hay không?

Riêng tôi, từ bấy đến nay, hằng ngày đi về trên những con phố nhỏ Chi Lăng, Bạch Đằng, Nguyễn Du, Tô Hiến Thành,…trong lòng cứ dậy lên cảm giác bình yên, thân quen khi còn thoáng nhìn thấy một mái ngói rêu phong, một góc phố các mảng tường dấu gạch sẫm nâu, một nếp cửa bảng khoa song tiện khép hờ còn sót lại đâu đó. Tôi cảm nhận mơ hồ về sự hiện hữu của không gian phố cổ trầm mặc thấp thoáng nơi đây từ trên trục đường chính lẫn các ngõ xóm sâu hút bên trong, dù chưa bao giờ tự tìm hiểu thấu đáo về nó. Thật tệ, tôi quên mình đang sống trong lòng phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh một thời vàng son của xứ kinh sư tụ hội.

Có dịp lật lại sử sách xưa mới thấy Gia Hội - Chợ Dinh đã có một thời phát triển sầm uất, phố phường nhà nối nhà san sát bán buôn, trên phố dưới thuyền giao thương với nhiều vùng sông nước. Nét chung, nơi đây vẫn là khu dân cư phát triển từ đất các làng khi kinh thành Phú Xuân được tạo dựng mà địa danh và dấu tích các đình làng, nhà vườn, những rào giậu bằng cây xanh chen giữa phố thị còn đến cả bây giờ. Tính chất phố thị chỉ nổi rõ ở hai trục đường chính dọc theo con sông đào Đông Ba và sông Hương đoạn từ Gia Hội về Chợ Dinh.

Phố Gia Hội còn gọi là phố Hàng Đường thuộc phường Ngũ đệ (nay là đường Bạch Đằng) đầu thế kỷ XIX ở đây “phố xá bằng tranh san sát, dễ hỏa hoạn. Năm 1837 vua Minh Mạng sai Thống chế Lê Văn Thảo đốc sức binh lính xây dựng 89 gian, mái lợp ngói liệt, sát nhau, cứ ba gian lại xây một tường gạch ngăn…” buôn bán trên bộ dưới thuyền một thời đông đúc.

Phố Chợ Dinh kéo từ chợ Được (còn gọi chợ Mụ Đằng, năm 1899 dời chợ Đông Ba ở gần cửa Chính Đông ra vị trí như bây giờ và phát triển thì chợ Được bắt đầu tàn lụi) phía đông cầu Gia Hội về đến Dinh Thị Hạ ấp, làng Xuân Dương, “chia đặt làm 8 hàng: Hàng Gia Thái, hàng Hòa Mỹ, hàng Phong Lạc, hàng Dinh Ninh, hàng Hội Hòa, hàng Mỹ Hưng, hàng Thụy Lạc và hàng Tam Đăng… kéo dài hơn 3 dặm lẻ, giữa có đường lớn, hai bên tả hữu phố ngói đối diện nhau, người Hán - Thanh (cả người Ấn Độ) buôn bán tấp nập”. Thảo nào phố Chi Lăng về sau nhiều người Hoa sinh sống đến thế, họ xây dựng nhiều hội quán, chùa điện ghi nhớ gốc gác cố hương như Quan Hoa, Triều Châu, Phúc Kiến…Dấu tích xưa cũ này chưa dễ phôi pha dẫu bao thăng trầm thế sự.

Giống như đất Kim Long, Xuân Hòa, Vỹ Dạ, Thế Lại,…đất Gia Hội và bãi bồi Chợ Dinh được các Vương tôn Công tử chọn xây dựng các phủ phòng với những ngôi nhà rường bề thế - một kiểu nhà truyền thống tiêu biểu của Huế. Nhà rường với một số kiểu thức khác nhau đã xuất hiện phù hợp với chức năng sử dụng cũng như điều kiện kinh tế, gia cảnh của mỗi chủ nhân. Do vậy, không chỉ ở các phủ đệ, quý tộc mà lan sang cả đình chùa, từ đường, nhà ở phố thị Gia Hội - Chợ Dinh cũng đều xây dựng theo kiểu nhà rường của Huế.

Nơi có vườn rộng thì phổ biến kiểu nhà rường 3 gian, 5 gian 2 chái hoặc thêm nhà phụ ngang dùng làm bếp và sinh hoạt thường nhật của phụ nữ. Ở mặt phố buôn bán hoặc không buôn bán, các nhà rường 3 gian nối nhau san sát như co mình lại nương tựa vào nhau thân thiện, láng giềng. Những gia đình đông người thường xây 2 hoặc 3 nhà rường kết nối và kéo dài lùi vào phía sau để tăng diện tích sử dụng (khác kiểu nhà ống thời hiện đại ở các tuyến phố có chiều mặt tiền ngắn). Kết cấu khung nhà toàn bằng gỗ, phần trang trí từ hoa văn đến các vị trí trang trí tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình: nhà giàu sang thì chạm, trổ, cẩn, khảm,…từ đòn tay, vì kèo, đầu cột, cửa, ván thưng…như hiện còn ở nhà số 98 đường Bạch Đằng, nhà số 24 đường Tô Hiến Thành, nhà số 23 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thanh Bình Thự, Từ đường Ngọc Sơn công chúa hoặc trong các phủ đệ như phủ Thoại Thái, phủ Vĩnh Tường Quận vương, phủ Nghiêm Quốc Công, phủ Gia Hưng, phủ Hòa Thạnh (số nhà rường này còn lại cũng khá nhiều và có nhà tuổi thọ trên dưới 100 năm, thậm chí gần 200 năm); nhà bình dân, thương nhân thì điểm một vài hình chạm, tiện ở những bộ phận cơ bản như đuôi vì kèo, đầu cột, diềm cửa,…hoặc cùng nữa thì bào nhẵn, đánh bóng; kích thước cũng khiêm tốn vừa đủ chịu lực cho mái nhà. Do địa thế thấp, lũ lụt liên miên mà vách tường dần dần được thay thế bằng gạch và vôi vữa hoặc nâng nhà rường lên thành tầng lầu để phía dưới xây đúc phục vụ việc buôn bán. Nếu có dịp đứng ở một độ cao nào đó quan sát ta sẽ thấy đa phần các ngôi nhà khu phố cổ này đều lợp ngói liệt, một kiểu ngói rất phổ biến trong kiến trúc xưa nơi đây. Cùng với thời gian và độ ẩm cao các mái ngói ngả sang màu nâu sẫm, rêu phong điểm xuyết làm tăng thêm vẻ cổ kính, đầm ấm và hiền hòa cho ngôi nhà. Phải chăng không gian nhà rường kín đáo, ấm cúng và không gian “mái ngói nâu đen” này có ảnh hưởng đến tính cách đằm địa, kín đáo của con người xứ Huế nói chung và khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh nói riêng?

Hiện khu vực này có khoảng 9 ngôi chùa, 3 ngôi đình làng và nhiều am miếu (có am miếu đã bị xóa sổ để lấy đất làm nhà, có am miếu hoang phế, đổ nát). Các ngôi đình tuy có vài lần trùng tu vẫn giữ được nét kiến trúc tín ngưỡng của vài thế kỷ trước và lưu dấu tích của các làng quê ven kinh thành Phú Xuân xa xưa như đình làng Thế Lại, đình làng Xuân Dương (phường Phú Hiệp), đình Phú Cát. Ngôi chùa cổ và nổi tiếng ở khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh là chùa Diệu Đế, nó được truyền mãi trong bài ca dao: “Đông Ba - Gia Hội hai cầu/Ngó về Diệu Đế bốn lầu, hai chuông” như một niềm tự hào của con người nơi đây về một vẻ đẹp của văn hóa - kiến trúc và có lẽ cả về tinh thần đấu tranh chống bạo quyền một thời.

Năm ngôi chùa của người Hoa nằm rải dọc theo đường phố Chi Lăng bây giờ gồm chùa Chiêu Ứng, Quảng Đông, Chùa Bà, Triều Châu, Phúc Kiến. Chúng có nét chung đó là lối kiến trúc quần thể khép kín, xung quanh tường cao, giữa bao giờ cũng là sân thông thoáng, tường, mái, cột, đầu hồi, nóc,…trang trí những mô thức, họa tiết truyền thống phương Đông: Long, Lân, Quy, Phụng, Ngư, hoa lá, đại tự,…cầu kỳ với sắc màu rực rỡ quen thuộc trong mỹ cảm người Hoa. Nó đã góp phần làm đa dạng kiến trúc khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh.

Đáng tiếc không gian phố thị sầm uất, cổ kính, không kém phần tráng lệ ngày ấy giờ đây bị phá vỡ trầm trọng cùng với tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa và thương mại hóa. Một không gian khác hẳn, vút cao, khoe sắc, nổi khối, bêtông hóa,…cứ từng ngày lấn chiếm, áp đảo không gian phố cổ hiền hòa.

Mật độ công trình kiến trúc cổ còn lại của khu Gia Hội - Chợ Dinh không nhiều so với nguyên dạng ban đầu, có chỗ trong tình trạng hư hỏng, hoang phế (như ngôi chùa cổ bên chân cầu Đông Ba - đường Bạch Đằng). Tuy vậy những gì còn lại vẫn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đáng kể. Do chúng tập trung ở những vị trí trọng yếu nổi bật trong toàn khu vực; còn đầy đủ các dạng kiến trúc và trong tình trạng ít bị biến thái qua những lần trùng tu. Ai một lần về Gia Hội - Chợ Dinh hẳn không thể không ngước nhìn đến ngỡ ngàng những dấu cũ tích xưa. Tôi đã nhiều lần gặp các du khách nước ngoài lang thang trong những ngõ phố không sạch lắm để nhìn ngắm đầy tò mò, thích thú như khám phá được một điều gì đó bí ẩn, lạ lẫm nơi đây. Trái lại, buồn thay, nhiều chủ nhân như mặc cảm đời sống vật chất thua kém đã lặng lẽ khép kín ngôi nhà và chính mình.

Mong sao khu phố Gia Hội - Chợ Dinh còn giữ được nét cổ kính, đẹp đẽ của nó. Tôi cứ biện minh cho ý tưởng phục hồi và bảo vệ phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh, bởi như thế không phải để nơi đây sống mãi với quá khứ, với cái xưa cũ mà là để vươn tới tương lai tươi sáng, để hội nhập và tự giới thiệu mình một cách kiêu hãnh với bạn bè khắp nơi về những gì mà cha ông đã tạo dựng làm nên nét đẹp văn hóa riêng của vùng đất cố kinh này.

Tôi vẫn đi về mỗi ngày, vẫn chứng kiến từng căn nhà cổ bị tháo bỏ, kèo cột ngổn ngang mà xốn xang tâm cảm; bất lực ngước nhìn bóng ngôi nhà cao tầng làm sẫm thêm mái ngói rêu phong; và lặng đi bên những tấm cửa ván bảng khoa của nhà ai xiêu vẹo, khép hờ. Lòng thầm mong không còn ai thờ ơ với di sản quý giá của cha ông - một di sản đang cần được bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo trở thành một “Bảo tàng mở, sống động, đặc trưng” như nhiều nơi trên thế giới đã có.

 

-------------------------

* Th.S., Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Huế.

 

P.B.T

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Phạm Bá Thịnh
Các bài mới
Các bài đã đăng