THÀNH PHIÊN
Tảo hôn là trường hợp kết hôn trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người là trẻ em hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn (thông thường là chưa đến tuổi dậy thì). Tập tục tảo hôn trước đây có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả châu Âu, nay còn tồn tại ở một số vùng thuộc châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và Nam Mỹ. Nó thường đi kèm với một hủ tục khác là hôn nhân được sắp đặt. Trong nhiều trường hợp, chỉ một trong hai bên là trẻ em, thường là phụ nữ, vì lý do trinh tiết hoặc vì lý do người phụ nữ ở một cộng đồng xã hội nhất định không được coi có khả năng kiếm tiền và vì khả năng sinh sản của phụ nữ mau kết thúc hơn so với nam giới. Trước tình hình nữ quyền và quyền trẻ em ngày càng được coi trọng, tập tục tảo hôn đang dần dần biến mất ở nhiều khu vực trên thế giới.
Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân nội tộc, chỉ những cặp hôn nhân trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng bởi luật tục hoặc tập quán quy định có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Hay nói cách khác, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ(1).
Theo quan niệm của một số học giả Việt Nam thì hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số ở nước ta bao gồm các trường hợp sau: Hôn nhân anh chị em họ chéo (tức hôn nhân con cô con cậu): Con cô con cậu lấy nhau, có thể là con gái cô lấy con trai cậu, hoặc con gái cậu lấy con trai cô; Hôn nhân anh chị em họ song song tức hôn nhân con dì - con già và (hôn nhân con chú - con bác)(2).
I. Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện A Lưới
Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và hết sức quan tâm công tác DS - KHHGĐ.
Ngày 14.11.2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định số 2013/QĐ - TTg phê duyệt chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược đã đề cập những nội dung của công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong giai đoạn những năm tới với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lí, giải quyết tốt những vấn đề cơ cấu dân số, phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay(3).
Để thực hiện được chiến lược nói trên thì cần phải có những biện pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong đó có huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một điển hình.
A Lưới là huyện miền núi, vùng cao với tổng dân số hơn 46.000 người với 11.178 hộ(4), gồm nhiều dân tộc Tà ôi, Pacô, Cơtu cùng sinh sống. Các dân tộc có phong tục tập quán khác nhau, hiện nay các tập quán cổ hũ, lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng kết hôn trước tuổi quy định (tảo hôn) và cận huyết thống có chiều hướng gia tăng đã tác động không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi và tình hình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Theo số liệu báo cáo của 21 xã, thị trấn và kiểm tra hàng năm của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đồng thời đối chiếu với Phòng Tư pháp trong 5 năm trở lại đây (2008 - 2012) tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn dao động từ 7,2 đến 12,8% và hôn nhân cận huyết thống dao động từ 0,22 đến 1,0% (hôn nhân trực hệ trong phạm vi 3 đời theo Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình), đặc biệt là năm 2011 có 4 trường hợp kết hôn cận huyết thống chiếm 1% (trên tổng số cặp kết hôn trong năm). Tổng số các cặp tảo hôn trong vòng 5 năm qua là 211, số cặp hôn nhân cận huyết thống là 10 cặp, tuy nhiên đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ. Những năm gần đây, việc kết hôn cận huyết thống đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại, vấn đề tảo hôn vẫn còn xảy ra nhiều và ở mức cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh(5).
Năm |
Tổng số cặp kết hôn |
Tảo hôn |
Tỷ lệ % |
Kết hôn Cận huyết thống |
Tỷ lệ % |
2008 |
360 |
26 |
7,2 |
1 |
0,28 |
2009 |
458 |
39 |
8,5 |
1 |
0,22 |
2010 |
405 |
52 |
12,8 |
2 |
0,49 |
2011 |
404 |
43 |
10,6 |
4 |
1,0 |
2012 |
503 |
51 |
10,1 |
2 |
0,4 |
Tổng cộng |
2130 |
211 |
9,9 |
10 |
0,46 |
Công tác lãnh, chỉ đạo của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chưa sâu sát, chưa toàn diện về thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, cũng như các chính sách, pháp luật liên quan như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới...vẫn còn tình trạng khoán trắng cho ngành Y tế, Tư pháp đặc biệt ở cơ sở.
Năng lực tổ chức thực hiện các giải pháp về chính sách DS - KHHGĐ còn có những điểm bất cập: Một số Ban chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ cấp xã, thị trấn chưa phân định rõ ràng chức năng quản lý điều phối và tổ chức thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ đặc biệt là cộng tác viên thôn, bản không đồng đều về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có chính sách động viên để họ nhiệt tình hơn trong công tác. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông chưa đáp ứng trong tình hình mới hiện nay.
Chưa kết hợp với việc giáo dục truyền thông, chuyển đổi hành vi với các chế tài hành chính kinh tế phù hợp với các quy định của Nhà nước và đặc điểm tình hình của địa phương để hạn chế tối đa số người vi phạm chính sách DS - KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới...Đầu tư cho công tác tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn hạn chế.
II. Nguyên nhân và hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
1. Nguyên nhân
a. Về tảo hôn
Do trình độ dân trí còn thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, nên kết hôn sớm là để có thêm nhân lực lao động trong gia đình. Bên cạnh đó tình trạng kết hôn sớm còn do quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân đang có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh (internet, phim ảnh, băng đĩa…) được giới trẻ cập nhật dễ dàng, dẫn đến việc tiếp cận với các phim ảnh đồi trụy và gây nên những ham muốn về tình dục của các bạn trẻ, đó là con đường dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên - thanh niên.
Quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới.
Điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con học hành, thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dạy con cái nên tình trạng trẻ em bỏ học, thất học vẫn còn xảy ra dẫn đến kết hôn sớm.
Việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên.
Việc thiếu kiên quyết trong quản lý đăng ký kết hôn của chính quyền địa phương, hơn nữa người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình. Tình hình xử lý các trường hợp vi phạm tảo hôn của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh, còn thiếu kiên quyết(6).
b. Về hôn nhân cận huyết thống
Do tập quán cổ hũ, lạc hậu và quan niệm của một số gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số là những người có quan hệ cận huyết kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn và đặc biệt là không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của.
Trình độ của người dân còn hạn chế, chưa am hiểu về pháp luật và hậu quả nặng nề từ việc hôn nhân cận huyết thống(7).
2. Hậu quả
a. Về tảo hôn
Hậu quả của tình trạng tảo hôn là rất nặng nề, bản thân những bà mẹ trẻ cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe do cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tương lai của những bà mẹ và những đứa trẻ được sinh ra.
Mặt khác khi mang thai ở tuổi vị thành niên cơ thể người mẹ chưa phát triển toàn diện, chưa đủ điều kiện về sức khoẻ để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi và khi sinh con ở tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gây tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Có nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường phải bỏ học để lấy vợ lấy chồng, mất cơ hội học tập, kinh nghiệm cuộc sống còn non trẻ, nhưng phải lo toan cuộc sống gia đình mà chủ yếu là làm nông nghiệp, lao động phổ thông nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo.
Những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống rất khó khăn: Vì kém hiểu biết về cách ứng xử, chưa hiểu biết nhiều về kiến thức nuôi dạy con cái, cũng như trách nhiệm, bổn phận của những người làm cha, làm mẹ, nên các cặp vợ chồng trẻ thường xảy ra mâu thuẫn có thể dẫn đến ly hôn.
b. Về hôn nhân cận huyết thống
Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng rất lớp đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, kết quả của một số công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng có mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng dân số với mang thai, sinh đẻ đối với các trường hợp kết hôn cận huyết thống. Tác hại của những cặp kết hôn cận huyết thống dù khoẻ mạnh nhưng khi kết hôn cận huyết họ có thể sinh ra những đứa con bị dị dạng hoặc bệnh tật mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời mà nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo.
III. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện giai đoạn 2013 - 2017 và định hướng đến năm 2020
Trước thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng gia tăng. Hiện nay các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng và tầng lớp nhân dân đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013 - 2017, định hướng đến năm 2020”(8) trên phạm vi toàn huyện. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống.
1. Các mục tiêu cụ thể cần đạt
Mục tiêu 1: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự cam kết của chính quyền các cấp trong việc thực hiện Đề án. Tuyên truyền đến các tổ chức chính trị, xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng tham gia thực hiện các hoạt động của Đề án.
Mục tiêu 2: Tăng cường sự hiểu biết và nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng: Những người có uy tín trong cộng đồng, các bậc cha mẹ, những người trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, học sinh tại các trường THCS, THPT, về các nội dung như: Luật Hôn nhân và gia đình, chính sách DS-KHHGĐ, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Mục tiêu 3: Hàng năm xây dựng kế hoạch và tăng cường các hoạt động can thiệp làm giảm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
2. Nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện
a. Nhiệm vụ
- Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng năm, ưu tiên tập trung cho các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Hàng năm tổ chức sơ kết Đề án lồng ghép vào tổng kết năm công tác DS - KHHGĐ. Tổng kết giai đoạn 1 của Đề án để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện vào năm 2017, tổng kết Đề án vào năm 2020.
- Tập trung chỉ đạo, hạ thấp tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên toàn huyện đặc biệt là các xã có tỷ lệ tảo hôn cao như: Hồng Bắc, Hồng Thuỷ, Hồng Hạ, Hương Nguyên, Hồng Kim, Hồng Thái, Hồng Thượng, Đông Sơn, A Đớt, Hồng Trung, Hồng Vân.
- Xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống làm công tác DS - KHHGĐ các xã, thị trấn nhằm đảm nhiệm chức năng quản lý công tác DS - KHHGĐ và triển khai thực hiện Đề án.
- Kiện toàn bộ máy làm công tác DS - KHHGĐ ở cơ sở đặc biệt là một số cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số để phù hợp với sự chuyển hướng trong giai đoạn mới của chương trình DS - KHHGĐ.
- Nâng cao chất lượng cán bộ, đào tạo đội ngũ cán bộ từ huyện đến các xã, thị trấn, đặc biệt cán bộ chuyên trách và cộng tác viên, y tế thôn bản theo hướng chuyên môn hóa, có kiến thức kỹ năng để quản lý, điều hành chương trình.
- Đưa các nội dung của Đề án vào các Nghị quyết của Đảng, HĐND, Kế hoạch công tác hàng năm của UBND, Ủy ban Mặt trận, các đoàn thể các xã, thị trấn, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Đề án khi UBND huyện quyết định phê duyệt.
- Tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa Trung tâm DS - KHHGĐ huyện với các xã, thị trấn, các ban ngành thuộc khối Mặt trận, Dân vận, Y tế, Giáo dục, Văn hoá Thông tin về cam kết của các bên trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án. Lồng ghép với các chương trình khác đặc biệt là xây dựng gia đình văn hoá, làng bản văn hóa, xây dựng nông thôn mới...
- Kiểm tra, giám sát: Lồng ghép với kiểm tra công tác DS - KHHGĐ cuối năm, có thể kiểm tra đột xuất để đôn đốc việc thực hiện Đề án, kịp thời bổ sung uốn nắn những nhược điểm, thiếu sót…
b. Giải pháp thực hiện
b1. Giải pháp quản lý chỉ đạo
Tăng cường hơn nữa sự lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện thông qua việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị và cách làm cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng xã, thị trấn. Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện và phân công cán bộ trực tiếp lãnh, chỉ đạo thực hiện Đề án.
Ban chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ huyện, các xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo quy định; Nâng cao hiệu quả hoạt động; Các thành viên Ban chỉ đạo tăng cường về tận cơ sở để kiểm tra, giám sát và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Phát huy vai trò gia đình và cá nhân trong việc thực hiện Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới và các chính sách pháp luật khác của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Lồng ghép xây dựng câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với câu lạc bộ Tiền hôn nhân, câu lạc bộ phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc...
b2. Giải pháp về truyền thông, thông tin
- Xây dựng các phóng sự, tin bài nói về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phát trên hệ thống truyền thanh - truyền hình hàng quý. Cung cấp các phẩm, tờ rơi, tạp chí, sách báo, tài liệu tuyên truyền, tổ chức các buổi Hội nghị, Hội thảo tìm giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức nói chuyện chuyên đề đến các đối tượng, lồng ghép tuyên truyền tại các lễ hội, họp thôn, hội nghị, hội thi...
- Trung tâm DS - KHHGĐ phối hợp với Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Tư pháp huyện, Ban Giám hiệu các trường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho các em học sinh tại các trường THPT, THCS và các bậc cha mẹ tại các thôn có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
- Hàng năm tổ chức tập huấn cho cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các xã, thị trấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, chuyển đổi hành vi.
- Hàng tháng, đưa các tin bài trên hệ thống truyền thanh về các vấn đề liên quan đến vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản liên quan.
- Cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, chuyên trách dân số thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình DS - KHHGĐ hàng năm, ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dân số, từng bước xoá bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là từng bước nâng cao chất lượng giống nòi.
b3. Giải pháp về nguồn nhân lực
Kiện toàn và thường xuyên tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông tư vấn cho đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các tuyên truyền viên tại các xã, thị trấn, Đoàn Thanh niên các trường THCS, THPT.
b4. Giải pháp thi đua
Khen thưởng kịp thời những người có công phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra các cuộc tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.
b5. Xử lý vi phạm
Người nào vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hoặc có các hành vi khác vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
b6. Giải pháp về vốn
Huy động vốn từ ngân sách Nhà nước, địa phương, thu hút vốn đầu tư từ các chương trình, Dự án; đảm bảo hậu cần các dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng giống nòi, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khoẻ Tiền hôn nhân.
b7. Giải pháp thông tin quản lý
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý, thiết lập biểu mẫu theo dõi báo cáo về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đảm bảo phương tiện thông tin tuyên truyền, theo dõi tiến độ thực hiện Đề án.
IV. Kết luận
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế diễn biến phức tạp một mặt do nhận thức lạc hậu của đại đa số đồng bào dân tộc, mặt khác do sự tiếp cận thông tin kém hiệu quả về công tác DS - KHHGĐ. Đứng trước tình trạng đó, lãnh đạo huyện A Lưới đã ra sức phấn đấu theo dấu mốc năm 2017 và năm 2020.
Đến năm 2017 phấn đấu 100% lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, nhân dân, già làng, trưởng cấp thôn, những người có uy tín trong cộng đồng được cung cấp thông tin nội dung của Đề án và các văn bản pháp luật liên quan. Phấn đấu 100% lãnh đạo chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, già làng, trưởng cấp thôn, những người có uy tín trong cộng đồng ký cam kết thực hiện nội dung của Đề án. Phấn đấu 85% các bậc cha mẹ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin Đề án và các văn bản pháp luật liên quan. Phấn đấu 80% vị thành niên, thanh niên, các em học sinh tại các trường THCS và THPT hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Giảm số cặp tảo hôn bình quân 5 cặp/năm; đến năm 2017 còn: dưới 20 cặp, và không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống nào xảy ra.
Đến năm 2020 phấn đấu 100% các bậc cha mẹ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin Đề án và các văn bản pháp luật liên quan. Phấn đấu 100% vị thành niên, thanh niên, các em học sinh tại các trường THCS và THPT hiểu biết về Luật hôn nhân và gia đình, hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Giảm số cặp tảo hôn bình quân 5 cặp/năm, đến năm 2020 còn: dưới 10 cặp.
T.P
CHÚ THÍCH:
1. Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A3o_h%C3%B4n.
2. Nguồn:http://suckhoedoisong.vn/20100324094953814p0c61/hon-nhan-can-huyet-thong-nguyen-nhan-lam-suy-giam-suc-khoe.htm.
3. Bộ Y tế, Tổng Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2011, trang 3.
4. Phòng Thống kê huyện A Lưới: Niên giám Thống kê 6 tháng đầu năm 2013. A Lưới, 7.2013, trang 2.
5. Theo Bà Phạm Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện A Lưới cho biết: Do tập tục xưa và quan niệm lạc hậu còn ăn sâu trong đồng bào các dân tộc, rất nhiều trẻ vị thành niên ở độ tuổi 15 - 16 tuổi, thậm chí 11 - 13 tuổi đã lập gia đình. Thực trạng nạn tảo hôn vừa là nguyên nhân của sự nghèo đói, gia tăng trẻ em bị suy dinh dưỡng và đặc biệt hơn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, thế hệ tương lai sau này. Một thực tế là các cặp vợ chồng nhí lấy nhau về (được cưới theo thủ tục truyền thống của đồng bào dân tộc) nhưng lại không nghề nghiệp, không nương rẫy, không kiến thức, vì vậy mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống gia đình là khó tránh khỏi. Có con, các cặp vợ chồng này không có kiến thức để chăm sóc, nuôi dạy con cái, cách quán xuyến gia đình, con bị suy dinh dưỡng và rồi tương lai những đứa trẻ này có thể không được đến trường học. Những cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi này còn làm cho khả năng sinh con sớm, sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em không an toàn và nghiêm trọng hơn chính nạn tảo hôn đã đẩy nhiều cặp vợ chồng trẻ tan đàn xẻ nghé do mâu thuẫn hằng ngày.
6. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là quan niệm hôn nhân “tự nhiên” - tự nhiên thích, tự nhiên yêu, tự nhiên lấy mà không kể cái tuổi, cái sức người gì cả; cộng thêm cái tập tục lạc hậu chọn vợ cho con khi cái tuổi còn non đã ăn sâu vào nếp nghĩ; quan niệm việc kết hôn sớm là để có thêm nhân lực lao động trong gia đình đã trở thành một lề thói xấu chưa thể ngăn chặn được khiến tảo hôn tiếp tục tồn tại. Bên cạnh đó, phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh (internet, phim ảnh, băng đĩa…) có nội dung không lành mạnh, đồi trụy được giới trẻ cập nhật dễ dàng, đó là con đường dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên - thanh niên; quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới; điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con cái học hành, việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ nên tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng dẫn đến kết hôn sớm.
7. Cũng do tập quán cổ hủ, lạc hậu và quan niệm của một số gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số là những người có quan hệ cận huyết kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn, đặc biệt là không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của; người dân còn chưa am hiểu về pháp luật và chưa nhận thức được hậu quả nặng nề từ hôn nhân cận huyết thống. Trong những năm qua, huyện đã có nhiều biện pháp để hạn chế, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như vừa tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ và áp dụng biện pháp hành chính, song chưa giảm đáng kể. Cái khó ở đây là bên cạnh các hủ tục lạc hậu ăn sâu trong đời sống đồng bào các dân tộc thì cái nghèo, cái khó khăn luôn đeo bám trong cuộc sống và sự nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.
8. Kinh phí hoạt động của Đề án giai đoạn 2013 - 2017
TT |
Nội dung hoạt động |
Số tiền |
Tổng cộng |
|
Huyện |
Xã |
|||
1 |
Hội nghị triển khai Đề án tại huyện |
3.000.000 |
|
3.000.000 |
2 |
Hội nghị triển khai Đề án tại xã: (21 xã x 500.000 đồng/xã) |
|
10.500.000 |
10.500.000 |
3 |
Tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho 183 cộng tác viên dân số. (5 lớp x 3.000.000 đồng/lớp x 5 năm) |
75.000.000 |
|
75.000.000 |
4 |
Tuyên truyền trên hệ thống Truyền thanh - Truyền hình huyện (24 lần/năm x 100.000/lần x 5 năm) |
12.000.000 |
|
12.000.000 |
5 |
Tuyên truyền trên hệ truyền thanh xã, thị trấn (21 xã x 100.000/lần x 12 lần/năm x 5 năm) |
|
126.000.000 |
126.000.000 |
6 |
Phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Huyện Đoàn...nói chuyện chuyên đề tại các xã, thị trấn (21 xã x 2 lần/xã x 500.000đ/lần x 5 năm) |
|
105.000.000 |
105.000.000 |
7 |
Nói chuyện chuyên đề tại các trường THCS, THPT (12 trường x 2 lần/trường x 500.000đ/lần x 5 năm) |
|
60.000.000 |
60.000.000 |
8 |
Sơ kết Đề án (Năm 2017) |
3.000.000 |
|
3.000.000 |
9 |
Kiểm tra, giám sát (21 xã x 100.000đ/ xã x 5 năm) |
10.500.000 |
|
10.500.000 |
10 |
Tổng cộng |
108.500.000 |
301.500.000 |
405.000.000 |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế, Tổng Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2011, trang 3.
2: Phòng Thống kê huyện A Lưới: Niên giám Thống kê 6 tháng đầu năm 2013. A Lưới, 7.2013, trang 2.
3. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Quyết định số 641/QĐ - TTg, ngày 28.04.2011.
4. Hoàng Công Dân: Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, tầm nhìn và giải pháp tăng cường giáo dục thể chất. Bản tin Đề án 641, số 1.2012.
5. Ủy ban nhân dân huyện A Lưới: Đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013 - 2017, định hướng đến năm 2020”. A Lưới 20.06.2013.