Văn nghệ dân gian
Đọc sách "Tổng tập văn học dân gian xứ Huế" của Triều Nguyên
15:34 | 05/03/2020

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Đọc sách "Tổng tập văn học dân gian xứ Huế" của Triều Nguyên

Thực ra mà nói, cho đến nay sau 2 năm, tôi mới nghiền ngẫm xong bộ sách “Tổng tập văn học dân gian xứ Huế” do nhà nghiên cứu Triều Nguyên biên soạn. Sở dĩ có một thời gian dài như vậy là do bộ sách quá đồ sộ, dày dặn về số trang, nhiều về số tập và phong phú về nội dung.

Tổng tập Văn học dân gian xứ Huế gồm 6 tập được chia ra thành nhiều nội dung cụ thể:

Tập I: Thần thoại, Truyền thuyết, Truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, khổ 16x24cm, 295 trang.

Tập II: Truyện cười, Truyện trạng, Giai thoại. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, khổ 16x24cm, 295 trang.

Tập III: Vè, Truyện thơ. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, khổ 16x24cm, 475 trang.

Tập IV: Tục ngữ. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, khổ 16x24cm, 396 trang.

Tập V: Ca dao. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, khổ 16x24cm, 635 trang.

Tập VI: Đồng dao, Câu đố. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, khổ 16x24cm, 298 trang.

Trong giới nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, chắc chắn ai cũng biết nhà nghiên cứu Triều Nguyên (Lư Viên), một cây bút sắc sảo, cần mẫn trong lĩnh vực sưu tầm, biên soạn và nghiên cứu văn học dân gian Thừa Thiên Huế nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung dưới hai dạng nghiên cứu văn bản trên góc độ lý thuyết ngôn ngữ và sưu tầm, biên soạn văn học dân gian địa phương. Giờ đây sau những tháng ngày cần mẫn, tích cóp được vốn tài sản văn hóa văn nghệ dân gian khổng lồ của Thừa Thiên Huế thì nhà nghiên cứu Triều Nguyên mới có dịp trình làng công trình Tổng tập nói trên.

Nhìn bộ Tổng tập văn học dân gian xứ Huế của Triều Nguyên mà người đọc càng thán phục sức làm việc của tác giả. Sau thời gian rời bục giảng về hưu, đó cũng chính là sự thuận lợi cho tác giả làm việc. Tổng số văn bản tác phẩm được giới thiệu ở bộ sách này là 7084; chia ra: Tập 1 có 124 văn bản; Tập 2 có 266 văn bản; Tập 3 có 94 văn bản; Tập 4 có 2254 văn bản; Tập 5 có 3630 văn bản; Tập 6 có 716 văn bản.

Theo như tác giả tâm sự thì công việc sưu tầm, làm phiếu và xử lí văn bản để dùng cho bộ sách được tiến hành ngót 20 năm, từ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX, cho đến những năm đầu của thế kỉ XXI, với khoảng 7200 phiếu, nhưng việc biên soạn các thành phần của tổng tập thì mới hoàn tất trong thời gian gần đây. Tập 1 tháng 6.2007; Tập 2 tháng 3.2008; Tập 3 tháng 8.2006; Tập 4 tháng 10.2004; Tập 5 tháng 9.2001; Tập 6 tháng 11.2006.

Tổng tập Văn học dân gian Thừa Thiên Huế (người Kinh) là loại sách sưu tầm, chú giải có thể phục vụ đông đảo bạn đọc yêu thích văn học dân gian của vùng đất núi Ngự sông Hương. Đồng thời đây là sách cơ sở, nơi cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu, học tập. Sự ra đời của bộ sách góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian của dân tộc, của đất nước.

Theo như sự tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ năm 1991, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế mới thành lập thì việc sưu tầm, biên soạn bộ sách Văn học dân gian Thừa Thiên Huế được đặt lên hàng đầu. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan như thiếu kinh phí, nhân sự thay đổi cho nên công việc chỉ mới được hình thành 2 công trình đó là Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế và Vè Thừa Thiên Huế. Không thể bỏ cuộc, cũng không thể kế tục cái không nên nối tiếp, nhà nghiên cứu Triều Nguyên đã vạch ra hướng tiếp cận văn bản để sưu tầm, biên soạn riêng, và cũng trong điều kiện rất khó khăn, cả thời gian lẫn tiền của, đành phải tự làm lấy một mình. Nói điều này, nhằm để thưa trước rằng, chừng ấy văn bản sưu tầm, tập hợp được không thể cho là đầy đủ so với kho tàng văn học dân gian đồ sộ của vùng đất, và bấy nhiêu quy cách, thủ pháp biên soạn cũng chỉ mới đáp ứng việc nắm bắt văn bản bước đầu, chưa phải đã hoàn chỉnh và đồng bộ để có thể nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, thấu đáo. Bởi sức vóc có hạn. Nhưng việc ra đời của bộ sách, đến thời điểm 2012 có lẽ đã quá muộn so với các địa phương khác, không thể lần lữa thêm nữa, nên tác giả đành chấp nhận những hạn chế ấy, và sẽ bổ sung, hoàn thiện dần.

Văn học dân gian xứ Huế được hiểu là các văn bản tác phẩm văn học dân gian đã, đang và sẽ được sáng tác, lưu truyền, diễn xướng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, thuộc 13 thể loại: Thần thoại, Truyền thuyết, Truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn, Truyện cười, Truyện trạng, Giai thoại, Vè, Truyện thơ, Tục ngữ, Ca dao, Đồng dao, Câu đố, được chia thành 4 nhóm:

- Tự sự: gồm Thần thoại, Truyền thuyết, Truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn, Truyện cười, Truyện trạng, Giai thoại, Vè và Truyện thơ.

- Luận lí: Tục ngữ.

- Trữ tình: Ca dao.

- Nhận biết: Đồng dao, Câu đố.

Qua Tổng tập văn học dân gian xứ Huế, chúng ta sẽ hiểu được nội dung của từng thể loại văn học. Khảo sát toàn bộ Tổng tập này chúng ta sẽ thấy:

1. Thần thoại xứ Huế có 6 mẫu chuyện sưu tầm được, có 2 mẫu là giải thích nguồn gốc núi non, sông, phá (Sự tích núi Túy Vân và núi Linh Thái; Sự tích Hòn Lăn và núi Trôốc Xôi), 4 mẫu còn lại ít nhiều liên quan đến tín ngưỡng dân gian (Hai người cháu của thần Gió; Thần Thai Dương phu nhân; Thần Kì Thạch phu nhân; Chính mẫu Thiên Y A Na).

2. Truyền thuyết xứ Huế có 65 văn bản, đề tài có 4 loại:

- Truyền thuyết về các bậc vua chúa, anh hùng, khanh tướng, loại này có 21 văn bản (Ông Nguyễn Phục; Việc họ Nguyễn của Nguyễn Hoàng đổi thành Nguyễn Phúc; Hắc hổ Nguyễn Hữu Tiến; Chuỗi hoa tình ái của Tống Thị; Nguyễn Hữu Hào và ngôi chùa Phổ Quang; Nguyễn Khoa Đăng dẹp cướp ở truông nhà Hồ và chế ngự phá Tam Giang; Nguyễn Khoa Đăng tra khảo Thần Đá; Diệu kế của Nguyễn Huệ khi đánh chiếm Phú Xuân; Những ngôi mộ của tướng Trần Văn Kỷ; Ông tướng chết dưới tay một người thợ rèn; Nguyễn Ánh vời Lê Văn Duyệt; Những lần thoát hiểm kì lạ của Nguyễn Ánh; Thần nhân báo mộng sinh vua (I); Thần nhân báo mộng sinh vua (II); Vua Gia Long với bà Nguyên phi họ Tống; Vua Gia Long giết công thần Nguyễn Văn Thành; Thái tử Nguyễn Phúc Đảm mộng thấy Nguyễn Công Trứ; Nấm mồ chung của ông vua và gã ăn mày; Vua Đồng Khánh luôn bị ám ảnh bởi những điều huyền bí; Các cuộc vi hành khác thường của vua Thành Thái; Hoàng tử Vĩnh San được đưa lên ngôi vua, bởi Pháp tưởng ông ta nhút nhát).

- Truyền thuyết về sự hiển linh của thần thánh, vật thiêng, loại này có 11 văn bản (Sự linh thiêng của bà chúa Tháp; Cao Sơn đại vương hiển linh; Hai chuyện lạ về lễ cúng tạ lồng châu ở làng Công Thành; Những con vật chầu ở miếu ông Nguyễn Lượng, bên dòng sông Cùng; Hai pho tượng Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt bất bình; Sự hiển linh của hai pho tượng Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt; Súng thần công biết thua, nhưng sợ oai vua nên cũng phải lên đường đánh giặc; Sự “trở về” của bộ lư đồng đình làng La Chữ; Huyệt mộ thân phụ Nguyễn Ánh và sự linh ứng của Lăng Sọ; Hai huyệt mộ cùng phát chức Thượng thư; Ba Ông Vò).

- Truyền thuyết về các vị Thành hoàng, khai canh, khai khẩn và tổ họ ở các làng, loại này gồm có 13 văn bản (Thành hoàng làng Phò Trạch; Thành hoàng làng Kế Môn; Thành hoàng làng Phù Bài; Người khai canh làng Thai Dương; Người khai canh làng Phước Tích; Người khai canh làng An Nông; Hai ông khai canh làng Cao Xá thượng và làng Cao Xá hạ cùng nằm chung một ngôi mộ; Người khai khẩn làng Bồ Điền; Người khai khẩn làng Phù Bài; Người khai khẩn làng Hương Lâm; Ông tổ họ Lê ở làng Lai; Ông tổ họ Hồ ở làng Mỹ Xuyên; Ông tổ họ Mai ở làng Mỹ Xuyên).

- Truyền thuyết về sự tích của một số mảnh đất, núi sông, đền miếu, loại này gồm có 20 văn bản (Sự tích thôn Mộc Trụ; Sự tích Thành Lồi; Sự tích bãi Lại Bái; Sự tích ruộng Bà ở làng Điền Lộc; Sự tích ruộng Lôi Đôi ở làng Cao Xá; Sự tích trằm Mụ Ngò ở làng Phong Lai; Sự tích sông Hương; Sự tích sông An Cựu nắng đục mưa trong; Sự tích độn Mụ Ca; Sự tích chùa Thiên Mụ; Sự tích đình làng Hiền Sĩ; Sự tích đền Ngọc Trản; Sự tích đền Long Thần; Sự tích miếu Linh Quang; Sự tích miếu bà chúa Ngọc; Sự tích miếu Bà Tơ; Sự tích miếu Đốc; Sự tích miếu ông Thần Nướng; Sự tích miếu ông Nghè Thuật; Sự tích miếu Voi Ré).

3. Truyện cổ tích trong văn học dân gian xứ Huế được tác giả sưu tầm được 44 mẫu, gồm 3 loại chính là truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích sinh hoạt.

- Truyện cổ tích loài vật gồm 2 mẫu (Vì sao lông quạ lại đen?; Vì sao vịt trống kêu khàn khàn).

- Truyện cổ tích thần kì gồm có 13 truyện (Cây gậy và bầu nước vàng; Cải số trời; Thần ong bị rứt nọc; Thành hoàng mắc bẫy; Người anh tham lam; Người chị keo kiệt; Những đứa con gái tệ bạc; Sự tích chim cơm còn cho cục; Sự tích con muỗi; Sự tích con thiêu thân; Sự tích con ễnh ương; Sự tích con đĩa, con sên và con đẻn; Sự tích cây thuốc lá).

- Truyện cổ tích sinh hoạt gồm 29 mẫu tập trung vào 6 nhóm truyện: về tình yêu đôi lứa (Cây đa bến cộ; Trò Siêu, o Hiên; Con chim đậu nóc nhà quan), Về sự khôn ngoan, mưu trí (Mua râu của phú ông; Bảy mươi học bảy mốt; Đói no thiếp chịu; Nói trạng có sách; Đứa bé lừa phú ông; Rắn làm chứng; Mưa học trò), Về sự ngay thật (Tác dụng của một câu châm ngôn; Chuyện nghề của một ông thầy thuốc; Hai người bạn đốn củi), Về quan lại (Dân dốt gặp quan dặc; Quan huyện ăn bùn), Về vợ khôn, chồng dại (Anh chàng khờ và cô vợ khôn ngoan (I); Anh chàng khờ và cô vợ khôn ngoan (II); Anh chàng khờ và cô vợ khôn ngoan (III)), Về kén chồng, kén rể và chàng rể (Đài các dởm kén phải loại ôn đồn dịch núm; Lão hà tiện kén rể; Văn viết không đầy lá mít, võ bắn không khít đống rơm; Làm thơ đuổi chim; Làm thơ tả ngựa phi; Làm văn tế cha vợ tương lai; Nói kiêng tên chín; Chọn rể hay chữ; Chọn rể có tài kể chuyện; Chọn rể không tật bệnh; Ba chàng rể quý).

4. Truyện ngụ ngôn có 9 truyện với 2 loại: truyện có cấu trúc đơn tuyến (Chim sâu mái mắc nạn; Con trâu; Trong và ngoài; Buôn vịt trời), Truyện có cấu trúc song tuyến (Cóc và cọp; Con đười ươi với người đi đường và những người sơn tràng; Hai cha con người làm ruộng; Hai vợ chồng đếm đòn tay; Hai chàng rể).

5. Truyện cười dân gian xứ Huế được chia làm 2 loại: Truyện khôi hài có 25 truyện (Tung cái mền bể cái quần; Giá mà nói thật; Đêm động phòng; Lộn thuốc; Vì sao ông vua tiếu lâm bị chết?; Có râu ngồi mầm trên; Vì nóng nó rụt cổ vào; Chữ nhất như một cái cột đại dài; Tìm chỗ trống mà ngồi; Cách ấy con xin chịu; Chàng ngốc nói chữ; Nhờ hiểu nhầm một tiếng mà được vợ; Chàng rể chân không bén đất; Hai dâu: ba hàng lệ, một rể: chân không bén đất; Vồ trán và rậm râu; Mệ ồn lắm!; Hiểu nhầm; Khách ra khỏi nhà, hai ta vui vẻ!; Ngôn ngữ bợm nhậu; Tờ đơn xin li dị lạ kì; Nơi có đầu có đuôi; Nổi cơn ghen; Bới cơm trưa; Tú tí tù ti; Họa thơ khi qua đò). Truyện trào phúng có 29 truyện với 8 nội dung gồm: Chế giễu thói tham ăn (Cái gàu; Mưa ướt bụi tre; Nấu chè không ngọt; Ai xấu hổ?; Cha đẻ ra trứng; Múi lúi xơ lơ; Trẻ lo chi ăn; Mượn “ác” khạc xương). Chế giễu thói ham mê tình dục (Khỏi nhọc công mò; Có những hai đám ma; Bò tới bò lui; Đo đất; Bán gà ba lần; Biết xoay đằng nào?; Xiêu cột buồm). Chế giễu thói sợ vợ (Sĩ diện; Bắt vợ phải quỳ; Cả vương quốc đều sợ vợ). Chế giễu thói khoe khoang (Giáo đa thành oán và gáo tra dài cán; Đôi giày mới; Nhà này chết có trăm người). Chế giễu thói xu nịnh (Dạ, chính em đây!; So sánh; Khi cứng khi mềm). Chế giễu thói hà tiện (Hà tiện gặp hà tiện; Mua hòm thêm tiểu). Chế giễu thói mơ mộng hão huyền (Ba điều ước). Chế giễu thói hám danh lộng hành (Dùng quan để thử gì? Khỉ hiểu tiếng người; Ăn no to bãi).

6. Truyện trạng. Nếu truyện trạng ở các địa phương khác với các nhân vật trạng như Trạng Quỳnh, Tú Xuất, Xiển Bột, Phủ Tuấn, Thủ Thiệm, Ông Ó…thì truyện trạng ở Thừa Thiên Huế có 2 nhân vật trạng được nêu danh là Hồ Cháu và Nguyễn Kinh. Cả hai đều sinh trưởng ở huyện Phú Vang, thuộc tầng lớp người nông dân nghèo. Các truyện về họ đều hình thành trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỉ XX, và có cùng đặc điểm cơ bản: chống tầng lớp hương lí, hủ tục mê tín dị đoan. Có 21 mẩu truyện trạng được đề cập đến trong văn học dân gian xứ Huế gồm:

- Truyện Hồ Cháu (Nọc ông táo mà khảo; Thương ông Cửu; Heo ngũ hương).

- Truyện Nguyễn Kinh (Cái bị lác của kẻ ăn mày; Lí trưởng mất phần; Những người khách không mời; Chỉ thua có một điều; Chạy đi thề; Ăn uống vui say chung cả đám; Nó giàu mặc cha nó; Phú ông đổi tên; Bà con rất gần; Bài chỉ cộ; Chỉ nằm sấp thôi; Lúa má có đủ; Ăn cỗ mời khách xa, cháy nhà la làng xóm; Thần miếu cũng tham; Đem cho nải chuối; Cháo lứt; Các người không biết ta ư?; Bạo thiên, nghịch địa).

7. Giai thoại xứ Huế nằm trong hệ thống kho tàng các giai thoại của Việt Nam. Nhưng nét đặc trưng của giai thoại xứ Huế gồm giai thoại lịch sử và giai thoại văn học nghệ thuật với 191 mẩu giai thoại xứ Huế, tác giả Triều Nguyên đã cần mẫn phân chia ra thành nhiều đề tài nhỏ để cho người đọc hệ thống các mẫu chuyện sao cho dễ hiểu, dễ nhớ:

- Giai thoại lịch sử gồm có 94 mẩu được chia làm các nội dung:

+ Giai thoại về vua quan nhà Tây Sơn (Vua Quang Trung xin âm dương; Vua Quang Trung và Phan Huy Ích; Một lời nói đúng lúc làm sụp đổ cả một đám quần thần; Khí phách Bùi Thị Xuân).

+ Giai thoại về vua chúa, quan lại và các mệ thời Nguyễn (Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và chiếc mâm hai đáy; Không kềm chế được lòng ham mê sắc dục, chúa Nguyễn Phúc Tần đã giết hại người yêu; Ngọc Bình: con vua, lấy hai đời chồng vua; Quả dừa đặc biệt; Vì hôn trộm vua, một cung nữ mất mạng; “Con mắt thần” của vua Minh Mạng; Vua Minh Mạng và quan phát chẩn Võ Xuân Cẩn; Hoàng Thái hậu Từ Dũ và vở tuồng “Đường chinh Tây”; Thiệu Trị trả thù Ngọc Hân và hai đứa con của bà; Vua Tự Đức thách các quan làm thơ; Vua Tự Đức và Tuy Lí Vương làm câu đối mừng Thái giám cưới vợ; Vua Tự Đức ứng thí; Tính lười biếng của vua Tự Đức và lời khuyên của Phạm Phú Thứ; Vua Tự Đức ngự lãm một cuộc bắn thử đại bác; “Vạn niên cơ” đổi thành “Khiêm cung” vẫn không tránh khỏi “nghìn năm bia miệng”; Vua Hiệp Hòa không chịu xử tử; Vua Kiến Phúc chết vì một lời không nên nói; Vua Hàm Nghi và viên khâm sứ; Vua Đồng Khánh đi Bắc tuần; Vua Thành Thái với họa sĩ Lê Văn Miến và ông bố vợ Nguyễn Thân; Vua Thành Thái và một nghệ nhân đánh trống giỏi; Vua Thành Thái và cậu Hai Hót; Câu đối có lời “Chặt đầu Tây” của vua Duy Tân; Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch?; Ngồi trên nước mà không ngăn được nước; Vua Duy Tân với nhà điêu khắc Tôn Thất Sa; Đãi cát tìm vàng; Thà chịu đày ải hơn phải làm một ông vua bù nhìn; Hoàng Quý phi Mai Thị Vàng “Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh”; Vua Khải Định nịnh Tây; Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ, trăm gia ba chục khổ nhà nông; Vợ vua Khải Định lăng nhăng với viên khâm sứ; Hành động “cách mạng” nhất của vua Bảo Đại; Đào Duy Từ trong phút đầu gặp chúa Sãi; Bây giờ em đã có chồng; Túm võng bà chị cả của chúa, để đòi nợ cho quốc khố; Câu thơ hoàng bào; Chê khéo; Nguyễn Công Trứ và Hà Tôn Quyền; Nguyễn Công Trứ dùng lối văn chương dân gian để trả lời chất vấn của vua Tự Đức về tội làm phản; Thi tài Cao Bá Quát trước tứ thơ lạ của Tự Đức; Lê Ngô Cát được thưởng lụa tiền, nhưng lại phải lên Cao Bằng; Phan Thanh Giản giải thích về sự xuất hiện của một ngôi sao lạ; Nguyễn Tri Phương khởi nghiệp bằng một bài văn nhỏ; Con bị hại vì một lời thất thố của cha; Kì thi Hội năm Mậu Thìn (1868), hơn thua vì một chữ hòa; Khí tiết của Ông Ích Khiêm; Ngự y Nguyễn Duy, nhìn sắc diện biết vua sắp chết; Bị buộc phải kí hàng ước, Nguyễn Trọng Hợp cũng tìm cách vớt vát; Nguyễn Văn Tường với khâm sứ Reyna; Lối dịch lợi hại của ông Diệp Văn Cương; Lời qua tiếng lại giữa Nam triều và khâm sứ vì cái ngạch cửa; Đào Tấn chém đầu thằng bồi ba; Họa sĩ Lê Văn Miến và khâm sứ Xétchiê; Năm cụ khi không rớt cái ình; Bài thơ của một công chúa xuất gia; Hải quốc công một ông hoàng phóng đãng; Hồng Bảo với vua cha; Hường Hàng ra giá cho cái đầu của ông bác Tuy Lí Vương; Công chúa Phú Lệ xướng họa với Phạm Như Xương; Que lửa của mệ Vĩnh San; Một cách trả thù ngộ nghĩnh; Mệ Bửu Đình từ chối phẩm hàm, ruộng đất do vua Khải Định ban cho; Mệ phạt tội cái chân đè lên lưng người ta; Mệ dẫu đói rách vẫn phong lưu; Mệ đánh me; Mệ đi mượn tiền; Mệ đi kéo xe tay; Mệ trèo cau để…ngó cột cờ; Mệ hái đào; Mệ hái mít; Mệ bồng gà lên kẻo tội hắn; Mệ đi nhầm giày; Cái kính tự chui vô túi mệ; Món quà cưới bằng câu đối của mệ; Mệ thả đèn om; Mệ chém vài đứa cho biết mặt; Mệ dạy cho biết: ăn khoai bỏ vỏ là đứa tiểu nhân, vô ơn; Mệ không dám chống lệnh trời; Các mệ xướng họa thơ ca (I); Các mệ xướng họa thơ ca (II); Vai bột trên sân khấu).

+ Giai thoại về các nhà hoạt động yêu nước trước năm 1945 gồm có 8 mẩu chuyện (Trần Cao Vân dao kề cổ vẫn mong vua được cứu; Nguyễn Thượng Hiền và Nguyễn Lộ Trạch; Nguyễn Thượng Hiền hỏi sư Viên Giác; Phan Bội Châu dựng bia cho chó; Những câu hỏi không lời đáp; Bà Ấu Triệu; Giữ khí tiết cho gà; Người được chôn đầu tiên ở nghĩa trang Phan Bội Châu).

- Giai thoại về văn học nghệ thuật gồm:

+ Giai thoại về một số loại hình văn học nghệ thuật như:

++ Giai thoại về thơ, câu đối (Ông vinh hoa, tôi thám hoa; “Ngon” đối với “rột”; Ọt bất ọt, ẹt bất ẹt; Lòng xơ vỏ đậu; Ông tú Đại; Đá gà; Con chi to nậy tằng hai thừng?; Chú rể tám chục, cô dâu hai mươi; Và bài thơ “vì tình, vì tiền”).

++ Giai thoại về hát bội (Diễn vai chuột hay, ông Thẻ được tặng hàng cửu phẩm; Từ thắng tướng trở thành bại tướng; Bạt Hổ bị bạt tai; Tạ Ôn Đình mất râu; Tạ Ôn Đình say; Trương Phì; Châu Thương không chịu đỡ chân quan ngài; Nhị kiệt tranh hùng; Lính lệ choảng tri huyện; Vua tuồng và vua Tự Đức; Cáp Tô Văn ngồi tù; Nhập vai xuất thần; Tài bông lơn của hề Sỏi; Lời giáo đầu của Đội Vị; Phạt tội sát hại lời tuồng; Bàn thờ kì lạ; Khai diễn tuồng Lộ Địch; Con chi vừa đực vừa cái?; Thùng không; Bông bí đỏ; Thương tiếc đàm văn; Tiêu tán sáng tạo ăn gan; Lớp Quan Công đánh Uất Trì; Sạt nghiệp vì cạnh tranh nghệ thuật).

++ Giai thoại về hò đối đáp (Em thương răng đặng; Cha tiền mẹ gạo; Kiếm trắc bá diệp mà trồng; Tại cái khăn chéo hạnh; Bạn cu li nghèo viếng thăm; Đó có đôi, đây cũng ngồi hai đứa; Hai chạc dây giằng; Gương lồng thủy, thủy lồng gương; Con anh khôn lớn bằng anh!; Cái ve vàng; Bốn mươi ba đời chồng mới thành gia thất; Nhúm trên, nhúm xuống, chui ngoài chui vô; Cái du du ta tát nước mà ngờ lọng che; Số ở nhà lều; Thằng ớt tơ; Cự tuyệt; Nôốc sứt mui gặp tay cán vá; Vật để treo nghi; Trở chứng nhỏ nhen; Con lươn, con lệch trơn lù lu; Đền nợ uống đắng ăn cay; Em an tâm về bẻ lá mua than; Em đà ăn miếng trầu người; Trèo lên cây chanh; Chẳng biết vì ai?; Ai ở bạc?; Cái chi để lâu cũng hết; Chữa tật ăn hàng vặt của vợ; Lỡ thua tay bạc; Lấy chồng làng xa; Góa chồng không dễ ghẹo; Có vợ rồi, vợ nữa càng hay; Tờ phân li dị cách; Em can mà anh chẳng hề nghe; Ngả bàn tay ra cho anh điểm chỉ vi bằng; Đòn chữ nghĩa của trường hò; Cặn kẽ; Lương giáo đạo đồng; Trai con Hồng cháu Lạc, gái cũng con Hồng cháu Lạc; Đua tài chính sự; Thầy gà cũng bí; Phạm điều cấm; Nhất sợ hiệu kí, gặp trung tam hiệu kí; Không biết thiếp ngồi chầu chỗ mô?; Một rổ một tiền cũng được một quan; Xin quy ở lại, hạc đi chầu trời; Hò tiệm làm hò tạm; Quan phụ mẫu hiệu chính lời hò).

++ Giai thoại chung quanh một số nhà thơ:

Về sư Viên Thành (Tiên cuốc, Phật cào; Đùa Hòa thượng Tâm Tĩnh; Dứt đi không hết huống thò lò; Bồ tát thu Ngạc nghiêm kinh; Công đâu ngồi quyệt mũi).

Về nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (Hai câu hò về bánh canh Nam Phổ; Câu hò tặng Tì bà viện; Cổ động học chữ quốc ngữ; Ai là ai trong hai lời hò?; Cơm độc lập, nước tự do; Gà sẵn những lời “hò mồi”).

Về nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (Chữ công có cái quéo; Sắn khoai và hường thị; Cấm và cứ; Thiếu tình yêu, thiếu tiền tiêu; Văn tế sống Ưng Bình; Hai nhà thơ, một lời hò).

Qua các mẩu giai thoại, tác giả cho biết “Tính chất dân gian của tiểu loại giai thoại ở đây rõ ràng hơn cả, từ các vấn đề về nội dung (nhân vật, hoàn cảnh, sự việc đề cập) đến hình thức kết cấu của thể loại (tính tự sự, yêu cầu của “giai” và “thoại”)”.

8. Vè Thừa Thiên Huế được tác giả được vào công trình tổng tập có 90 bài trong đó chia ra:

- Vè sinh hoạt chiếm 40 bài với các nội dung:

+ Vè về các thói xấu (Vè mụ nhác; Vè ăn hàng; Vè đánh bạc (I); Vè đánh bạc (II); Vè bài tới; Vè thầy pháp; Vè dân ngu dại vì không chịu học; Vè con gái xóm ta; Vè o Thúy nổi tiếng ba phao; Vè con gái ham trai; Vè con gái hoang dâm; Vè con gái hoang thai (I); Vè con gái hoang thai (II); Vè ông bộ Đông Xuyên cưới vợ hầu).

+ Vè về những việc làm cực nhọc, hay phải đi ở đợ, đi lao dịch, đi quân dịch (Vè làm than; Vè đi ở; Vè đi phu đồn điền; Vè đi làm đường núi; Vè áo xanh; Vè ở lính; Vè đi lính mộ (I); Vè đi lính mộ (II)).

+ Vè kể duyên phận không may (Vè con gái muộn chồng; Vè lỡ thì (I); Vè lỡ thì (II); Vè than trách duyên phận long đong; Vè mần mọn; Vè chồng một vợ hai).

+ Vè về lụt bão, mất mùa, đói kém (Vè trận lụt năm Quý Tỵ (I); Vè trận lụt năm Quý Tỵ (II); Vè lụt bão, đói kém; Vè mất mùa; Vè nạn đói năm Thân, Dậu; Vè xin gạo).

+ Vè răn dạy, bảo ban (Vè dạy con, Vè dạy con gái; Vè nhắc nhở học trò; Vè công ơn cha mẹ; Vè trách con bất hiếu).

- Vè lịch sử, tác giả đã dày công phân loại, chia ra nhiều nội dung:

+ Vè về những sự kiện, biến cố, nhân vật triều Nguyễn và chính quyền Sài Gòn (Vè Tự Đức lên ngôi; Vè tàu ô cướp thuyền ở cửa Thuận; Vè thất thủ Thuận An; Vè thất thủ kinh đô; Vè thuế thân; Vè Bảo Đại bảo hoàng; Vè chính sự miền Nam (1954 - 1963)).

+ Vè chống ngoại xâm gồm 2 thời kì gồm:

++ Vè chống Pháp (Vè Quảng Giang; Vè chiến thắng Thanh Hương; Vè trận càn năm Nhâm Thìn; Vè Tây phá cửa Thuận khiến nước mặn hại dân; Vè diệt ác trừ gian; Vè quyết tâm xây dựng nền dân chủ cộng hòa; Vè kêu gọi đoàn kết chống Pháp; Vè kêu gọi dân cày; Vè kêu gọi phụ lão; Vè kêu gọi phụ nữ; Vè kêu gọi ủng hộ chiến sĩ; Vè con đi bảo vệ; Vè khuyên con bỏ lính (I); Vè khuyên con bỏ lính (II); Vè khuyên con bỏ lính (III); Vè khuyên chồng đi học; Vè thương cán bộ; Vè thương người vệ quốc; Vè thương Giải phóng quân; Vè người đi đưa đò trên phá Tam Giang; Vè dặn dò; Vè nhớ cả quê hương; Vè năm Ất Dậu 1945; Vè tám mươi năm khói lửa hung tàn; Vè tám mươi năm đô hộ, dân tình xân vân; Vè mừng độc lập, động viên phong trào bình dân học vụ).

++ Vè chống Mĩ (Vè Lợi Nông; Vè Phú Thạnh; Vè đồn địch Quảng Xuyên; Vè thương mẹ; Vè Côn Sơn; Vè lục lăng; Vè tiếng mìn Đặng Lế; Vè kêu gọi đồng bào đứng lên chống Mỹ ngụy; Vè hàng viện trợ Mĩ quốc; Vè kêu gọi lính trung đoàn 54 quay súng về với nhân dân (I); Vè kêu gọi lính trung đoàn 54 quay súng về với nhân dân (II); Vè tháng 3.1975; Vè giải phóng miền Nam (I); Vè giải phóng miền Nam (II); Vè hoan hô chủ trương thủy lợi, nhớ lại chương trình bạch hóa; Vè sổ vàng Phú Lộc).

9. Truyện thơ ở Thừa Thiên Huế với số lượng sưu tầm không nhiều, tác giả Triều Nguyên cho biết dựa vào đặc trưng về thể loại và thực tiễn sưu tầm trên địa bàn, có 4 truyện thơ gồm Truyện du lịch thiên đàng có 143 dòng thơ, Truyện trò Siêu, o Hiên gồm 214 dòng thơ, Truyện Thoại Hương, Quý Ngọc gồm 185 dòng thơ, Truyện Mã Phụng - Xuân Hương gồm 4267 dòng thơ.

10. Tục ngữ xứ Huế được Triều Nguyên tập hợp, sưu tầm được 2254 đơn vị, tục ngữ xứ Huế có nội dung phong phú, nó phản ánh mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên. Từ những kinh nghiệm về thời tiết đến những kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực lao động, sản xuất. Mối quan hệ giữa con người với gia đình, xã hội, đạo lí làm người, tinh thần lạc quan, rộng lượng. Xin đơn cử vài câu tục ngữ xứ Huế mà công trình đã nêu ra:

Nem xứ Huế, quế xứ Thanh.

Con dại, có cháu ngoại mà bồng.

Chấm trán, lọ đuôi, không nuôi cũng nậy.

Tránh ác, mắc ó/Chê vò vọ, mắc cua vành.

11. Ca dao xứ Huế với số lượng sưu tầm được là 3630 đơn vị, dựa theo chủ đề phản ánh thì ca dao Thừa Thiên Huế có 6 phần:

- Ca dao về quê hương đất nước có 192 đơn vị.

- Ca dao về quan hệ gia đình có 562 đơn vị.

- Ca dao đối đáp trêu ghẹo có 574 đơn vị.

- Ca dao về tình yêu đôi lứa có 1538 đơn vị.

- Ca dao cổ động các phong trào trong kháng chiến chống Pháp, Mĩ có 163 đơn vị.

- Ca dao về các vấn đề khác của cuộc sống có 601 đơn vị.

Người Huế vốn rất quen thuộc một số câu ca dao:

- Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch

Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng

Tháp bảy tầng, Thánh Miếu, Chùa Ông

Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa

Cầu Trường Tiền mười hai nhịp bắc qua

Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, đợi khách âu ca thái bình.

Hoặc:

- Than rằng Hà Đá trồng khoai

Hà Thanh trống cói, Cầu Hai trồng chè.

- Bạn cười ba tháng ta lo

Bạn cười ba bữa, ta cho bạn cười.

- Một mình lo bảy lo ba

Lo cau lỗ mượn, lo già hết duyên.

12. Đồng dao là bài hát của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng ở Thừa Thiên Huế có được 116 bài đồng dao sưu tầm, số những bài đồng dao này được chia làm 2 loại: dựa theo sự phù hợp với độ tuổi của người sáng tạo và diễn xướng: đó là những bài hát của lứa tuổi nhi đồng, và những bài hát của lứa tuổi thiếu niên. Ở lứa tuổi nhi đồng, có 2 loại: loại hát vui chơi và loại hát nhận biết. Loại hát vui chơi mỗi bài độ chục dòng thơ, mỗi dòng chỉ ba bốn tiếng như 2 bài đơn cử dưới đây:

 

ĐÚC CÂY DỪA

 

Đúc cây dừa

Trừa cây nọ

Cây mô cao

Chém bớt

Cây cà rớt

Cây cà rê

Cây mãng cầu

Mau chín

Bông bín

Mau nở.

 


CHỒNG NỤ CHỒNG CÀ

 

Chồng nụ chồng cà

Xu xoa cây khế

Khế ngọt, khế chua

Cột đình cột chùa

Nhà vua mới làm

Cây cam cây quýt

Cây mít cây hồng

Ai có chân có tay thì rụt.

Loại hát nhận biết có thể có độ dài gấp đôi loại hát vui chơi, thường là nắm sự hiểu sự vật chung quanh qua việc gọi tên và nêu một đặc tính dễ thấy của chúng:

CON RÙA

Rì rì rà rà

Đội nhà đi chơi

Gặp khi tối trời

Úp nhà lên ngủ

Khi mặt trời lú

Lại thò đầu ra

Rì rà rì rà.

CON CÓC

Con cóc

Nó ngồi trong hóc

Nó xây cái lưng ra ngoài

Ấy là cóc con.

Ở lứa tuổi thiếu niên, có các loại hát: hát vui chơi, hát trêu đùa, hát ru em, hát lao động, và một số bài hát dùng trong hoàn cảnh đặc biệt:

- Ru em em théc cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.

- Chập chộ

Mạ chết

Con sống

Chập chộ

Con sống

Mạ chết.

 

 

 

Sau khi giới thiệu các bài đồng dao về nội dung thì tác giả cho chúng ta biết về hình thức, phần lớn các bài đồng dao có cấu trúc ngữ nghĩa không chặt. Cấu trúc không chặt gồm 2 loại: Loại có nhiều nội dung, giữa các nội dung này ít ăn nhập với nhau, và loại chỉ một nội dung, nhưng các yếu tố của nội dung này là vô hạn. “Sự lưu truyền của đồng dao có chỗ khác với sự lưu truyền của các thể loại văn học dân gian khác. Đó là đồng dao như ngọn đuốc luân lưu, được chuyển trực tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi một người vừa bước sang tuổi thanh niên, những bài hát, những trò chơi của thời thơ ấu trở thành quá khứ, và có thể quên bẵng đi. Nhưng những bài hát, những trò chơi kia thì vẫn tiếp tục hát, tiếp tục chơi ở lớp đàn em của anh/chị ta”.

Điều đặc biệt là trong phần phụ lục đồng dao, tác giả có bổ sung thêm một số bài đồng dao mới xuất hiện trong khoảng thời gian 1955 - 2005 tại Thừa Thiên Huế gồm các bài Bốn thầy trò; Em yêu ai?; Maria là nhà tạo mốt; Năm mười; Rồng rắn; Quả địa cầu; Tè núp, tụp bắn; Vè lá lốt.

13. Câu đố sưu tầm được ở Thừa Thiên Huế có số lượng khá lớn là 600 đơn vị. Dựa vào vật đố, tác giả đã chia câu đố thành 2 bộ phận:

- Câu đố về lĩnh vực tự nhiên gồm: Câu đố về sự vật, hiện tượng tự nhiên, thực vật, động vật; Về người và bộ phận người.

Ví dụ:

- Bằng cái đĩa

Giả xuống ao

Ba mai, chín cuốc mà đào không lên. (Bóng trăng ở ao, hồ).

- Đứng chân chéo

Đội nón méo

Ngó vô nhà. (Cây môn).

- Câu đố về lĩnh vực văn hóa gồm: Câu đố về việc người làm, về nhà cửa, mồ mả, phương tiện đi lại, về đồ mặc, đồ trang sức, về công cụ sản xuất, đánh giặc, về dụng cụ sinh hoạt, học tập, về thức ăn, đồ dùng phục vụ việc ăn uống.

Ví dụ:

- Cu ki cút kít cù kì

Vừa ăn vừa ỉa, vừa đi bằng đầu (Cái cày).

- Sinh ra từ xứ Huế

Trải ra khắp ba kì

Mềm lòng trong đám nữ nhi

Trăm năm biết có duyên gì với ai (Chiếc nón bài thơ).

Văn học dân gian xứ Huế là một phần máu thịt trong đời sống của người dân xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung. Văn học dân gian xứ Huế, với sự đa dạng phong phú về thể loại, sự mới mẻ, riêng biệt về phong cách đã có những đóng góp đáng kể vào kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Xin được nhắc lại rằng, ngay từ khi mới xuất bản, bộ sách này đã được giới thiệu nhiều trên các phương tiện thông tin báo, đài ở địa phương nhưng chỉ mang tính sơ lược. Vậy nên, lần giới thiệu cặn kẽ, tỉ mỉ lần này của chúng tôi phần nào tôn vinh giá trị của bộ Tổng tập văn học dân gian xứ Huế cũng như đáng khâm phục sức làm việc bền bỉ, cần mẫn, cẩn trọng và khoa học của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Triều Nguyên.

T.N.K.P

 

CHÚ THÍCH:

1. Triều Nguyên, bút danh Lư Viên, sinh ngày 20.01.1952, quê ở Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Nguyên Giáo viên trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế. Điền dã, sưu tầm văn học, văn hóa dân gian ở Thừa Thiên Huế bắt đầu từ năm 1985, sáng lập viên Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế năm 1990, là Ủy viên Ban Thư kí và Tổng thư kí Hội, Chủ tịch Hội đến 7.2015. Với hàng chục đầu sách về văn hóa, văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế được xuất bản từ năm 1988 đến nay. Cùng hàng trăm bài nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa dân gian đăng trên các báo, tạp chí Văn hóa dân gian, Huế xưa và nay, Sông Hương, Nghiên cứu và Phát triển, Nguồn sáng dân gian, Dân tộc học, Tập Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và đời sống…

2. Tôn Thất Bình, Triều Nguyên, Trần Hoàng: Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.

Tôn Thất Bình, Triều Nguyên, Trần Hoàng: Vè Thừa Thiên Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Huế, 2001.

3. Phan Hứa Thụy, Tôn Thất Bình (Chủ biên): Văn học dân gian Quảng Trị. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị xuất bản,1992.

Phạm Đức Duật: Văn học dân gian Thái Bình. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981.

Trần Hùng (Chủ biên): Văn học dân gian Quảng Bình (1996).

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng