Văn nghệ dân gian
Nét đẹp văn hóa dân gian trong Thơ mới 1932 - 1945
09:41 | 13/03/2020

TRẦN MINH THƯƠNG

Nét đẹp văn hóa dân gian trong Thơ mới 1932 - 1945

1. Phong trào Thơ mới

Đầu thập niên 1930, nền văn học Việt Nam diễn ra một cuộc vận động đổi mới thơ ca mạnh mẽ với sự xuất hiện một làn sóng thơ mang cá tính sáng tạo độc đáo của các nhà thơ. Cuộc cách tân này đi vào lịch sử văn học với tên gọi Phong trào Thơ mới.

Việc chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX, cùng với việc người Pháp đẩy mạnh phong trào khai phá thuộc địa vào đầu thế kỉ XX, đã vô tình đẩy nhanh làn gió của văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Giới trí thức trẻ nhanh chóng tiếp thu văn hóa Pháp và nhận ra vần luật, niêm luật của Nho gia đã quá gò bó trong việc thể hiện tiếng thơ của con người. Năm 1917 trên báo Nam Phong (số 5), Phạm Quỳnh, nổi tiếng là người bảo thủ, cũng phải thú nhận sự gò bó của các luật thơ cũ: Người ta nói tiếng thơ là tiếng kêu của con tim. Người Tàu định luật nghiêm cho người làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy cho nó hay hơn nhưng cũng nhân đó mà làm mất đi cái giọng tự nhiên vậy.

Tiếp theo đó, năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã phá vỡ vần điệu niêm luật, số câu, số chữ của "thơ cũ" khi dịch bài La cigale et la fourmi (Con ve và con kiến) của La Fontaine sang tiếng Việt. Năm 1929, Trịnh Đình Rư tiếp tục viết trên báo Phụ nữ tân văn (số 26): Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái quy cũ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy(1).

Ngày 10 tháng 3 năm 1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122 cùng với bài giới thiệu mang tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ mới. Ngay sau đó, cuộc tranh luận giữa lối thơ mới và thơ cũ diễn ra vô cùng gay gắt. Trong buổi diễn thuyết ở nhà hội Quy Nhơn tháng 6-1934, Lưu Trọng Lư đã nói:…Các cụ ta ưa những màu đỏ chót, ta lại ưa màu xanh nhạt,… Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya; ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi,…, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu,…(2). Có thể xem đây là sự khác biệt rõ nhất về quan niệm nghệ thuật giữa Thơ cổ điển và Thơ mới.

Mãi đến năm 1941, cuộc tranh chấp mới chấm dứt do sự thắng thế của lối thơ mới, khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của thơ Đường. Một thời kỳ vàng son mới của văn học Việt Nam đã diễn ra với tên gọi quen thuộc là phong trào Thơ mới.

Về Thơ mới đã có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá, trong bài viết này, chúng tôi nhìn Thơ mới dưới góc nhìn văn hóa dân gian.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, thì thuật ngữ quốc tế folklore - văn hóa dân gian, được W J.Thom sử dụng đầu tiên vào năm 1846 để chỉ phong tục, tập quán, nghi thức, mê tín, ca dao, tục ngữ… của người thời trước. Ở Việt Nam, thuật ngữ folklore đã được sử dụng từ lâu và tùy theo mỗi thời kỳ được dịch ra tiếng Việt là văn học dân gian, văn nghệ dân gian và nay là văn hóa dân gian(3). Việc quan niệm rộng hẹp và chuyển ngữ sang tiếng Việt khác nhau như vậy là do sự thay đổi nhận thức của chúng ta về văn hóa dân gian và cũng do sự tiếp thu ảnh hưởng của các quan niệm folklore từ các trường phái khác nhau trên thế giới.

Trong bài viết này chúng tôi tiếp cận khái niệm văn hóa dân gian ở hai cấp độ: một là, văn hóa nhận thức, gồm: cách cư trú ở làng quê, trang phục, ăn uống, sinh hoạt, lao động, sinh hoạt của con người diễn ra trong đời sống dân gian. Hai là, văn hóa tâm linh gồm: những nghi thức lễ tết, những phong tục liên quan đến vòng đời con người và những kinh nghiệm dân gian như điềm lành, điềm gỡ,…, được người bình dân gìn giữ từ đời này sang đời khác.

2. Văn hóa dân gian của người Việt trong Thơ mới

2.1. Văn hóa nhận thức

2.2.1. Con người và xã hội của một thời vang bóng

Trong Thơ mới, bên cạnh những vần thơ nồng nàn, mãnh liệt cổ súy cho tình yêu, chúng ta thấy thấp thoáng cuộc sống sinh hoạt đậm đà tình nghĩa:

Sáng giăng chia nửa vườn chè

Một gian nhà cỏ đi về có nhau.

Ở đó, những hình ảnh quen thuộc được tái hiện: Bên anh đọc sách bên nàng ngâm thơ. Người vợ lấy vinh dự của chồng là niềm hãnh diện cho mình:

Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa

Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng (Thời trước - Nguyễn Bính)

Tảo tần buôn bán, hy sinh tất cả vì giang san nhà chồng:

Một quan là sáu trăm đồng

Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi (Nguyễn Bính)

Để rồi thấp thoáng bóng dáng người gặp hội long vân được vua ban áo mão, lụa điều vinh quy bái tổ:

Tưng bừng vua mở khoa thi

Anh đỗ quan Trạng vinh quy về làng

Võng anh đi trước võng nàng

Cả hai chiếc võng cùng sang một đò

(Giấc mơ anh lái đò - Nguyễn Bính)

Hình ảnh những cung nữ trong triều đình phong kiến cũng dần đi vào dĩ vãng. Trong Thơ mới, hình ảnh này hiện lên với những nét đượm buồm:

Có người cung nữ họ Vương

Lên lầu nhìn dải sông Hương nhớ nhà (Nguyễn Bính)

Nhưng thế thời đã khác, khi mà mọi sự việc từ vật chất đến tinh thần đã đổi khác. Hình ảnh những con người một thời vang bóng ấy đần dần lùi xa. Tế Hanh thốt lên:

Chiếc khung cửi nằm im chờ nhện đóng

Phận con tằm lỡ dở nghĩ mà thương (Một làng thương nhớ).

Xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ vẫn mang đậm dấu ấn thi cử của chế độ phong kiến, đặc biệt triều Nguyễn không lấy trạng nguyên:

Vua không lấy trạng, vua thề thế

Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa (Chuyện cổ tích - Nguyễn Bính)

Ngay cả việc búi tóc của những nho sinh ngày trước cũng đã lỗi thời, khi trường thi không còn được tổ chức nữa. Sự việc này diễn ra vào những năm cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ XX.

Lỡ duyên tóc búi củ hành

Trường thi Nam Định biến thành trường bay (Nguyễn Bính)

2.2.2. Hình bóng làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám

Nói đến làng quê Việt Nam thì hình ảnh đầu tiên là lũy tre xanh bao quanh làng đã khảm sâu trong tâm thức biết bao người:

Làng tôi thắt đáy lưng tre

Sông dài cỏ mượt đường đê tư mùa (Lũy tre xanh - Hồ Dzếnh)

Bàng Bá Lân miêu tả chi tiết cái cổng làng, mà ai qua lại đều thấy:

Lớp gạch già lõm mặt

Cánh cổng lăn kẽo kẹt đời người

Thế giới vào làng luồn mái tam quan (Cổng làng - Bàng Bá Lân)

Phía trong là làng xóm thân tình, cảnh thanh bình nhàn tản:

Trong thôn vắng tiếng gà xao xác gáy

Các cụ già đưa võng hát thiu thiu … (Trưa hè - Anh Thơ)

Xa xa là những ngôi chùa với tiếng chuông ngân, Bích Khê miêu tả một ngôi chùa cụ thể: Chùa ông Thu Xà

Mây trắng bay về núi Thạch chưa?

Chùa Ông chim hót ở ngoài mưa

Làng quê cũng không thể vắng được hình ảnh cây đa, bến nước. Ngay Xuân Diệu, một người được coi là nhà thơ Tây nhất những vẫn có những câu thơ man mác về phong vị xóm thôn:

Thờ thẫn cây đa trên bến cũ

Đêm đêm như nhớ chị đò xưa (Buổi chiều - Xuân Diệu)

Huy Cận cũng ngây ngất với hương thơm mộc mạc của hoa dại, rơm khô, lòng xao xuyến tưởng như cảnh quê của bao đời:

Một buổi trưa không biết ở thời nào

Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao

Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ (Đi giữa đường thơm)

Hàn Mặc Tử gợi vẻ đẹp vừa thực vừa ảo của làng quê vào lúc đúng mùa xuân đẹp đẽ nhất, rực rỡ nhất: Trong làn nắng ửng: khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng (Mùa xuân chín)

Cùng miêu tả mái nhà tranh, Đoàn Văn Cừ viết:

Nhà tre, mái rạ, vách bùn rơm

Cửa chắn con song mở gió vườn

Chum nước mưa vần bên cạnh chái

Dưới dàn thiên lý tỏa hương thơm (Nhà tranh)

Nguyễn Bính cũng vẽ lại nét văn hóa truyền thống của ngôi nhà ba gian ngày trước:

- Giếng thưa mây ngập nước tràn

Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều (Qua nhà)

- Nhà tôi có một vườn dâu,

Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần. (Nhà tôi)

Qua những lời thơ in dậm dấu ấn dân gian ấy mà ta nhận ra, giữa hai nhà là hàng rào mồng tơi đậm đà tình nghĩa:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn (Chờ nhau - Nguyễn Bính)

Những sớm bình minh làng quê trong Thơ mới cũng thơm hương đồng đất Việt Nam:

Sáng hôm nay sương biếc tỏa mờ mờ

Như hương khói đượm đầu cau mái rạ (Thế Lữ).

Trong làng còn chợ, nơi trao đổi mua bán, mang đậm dấu ấn của nền kinh tế tự cung, tự cấp:

Đây, góc quán bà già ngồi rũ nóng

Kìa cửa lều ông lão quạt khăn tay

Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng

Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây (Chợ mùa hè - Anh Thơ)

Nếu như Ngô Tất Tố dùng lời văn miêu tả cái ngột ngạt của làng Đông Xá khi vào vụ sưu thuế trong Tắt đèn, thì Đoàn Văn Cừ cũng khắc họa lại hình ảnh của một thời đã vắng xa ấy bằng những vần thơ chân chất:

Đêm thuế đèn dây thắp sáng choang

Đình ra tiếng vọt, tiếng kêu oan

Trát về truyền lan hai ngày nữa

Trống mõ canh khuya rợn xóm làng.

2.2.3. Đời sống của người Việt trước Cách mạng tháng Tám

2.2.3.1. Trang phục

Có lẽ chỉ cần qua ý thơ của Nguyễn Bính trong Chân quê, chúng ta những người hậu thế đã phần nào nhận ra trang phục của người Việt ở đầu thế kỷ XX, cách ăn mặc truyền thống đã dần nhạt phai bởi sự cách tân Âu phục, giữa:

Nào đâu cái yếm lụa sồi

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Và:

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Cách ăn mặc truyền thống còn xuất hiện đầy ấn tượng trong Người làng của Đoàn Văn Cừ. Đàn bà thì Khuyên vàng, yếm thắm nhởn nhơ khoe, trẻ chăn trâu được cặp áo quần nâu chủ trả công, Đàn ông đầu đội nón nồi rang/ Đứng đón bừa thuê ở cổng làng. Thêm nữa là hình ảnh Cô chủ khuyên vàng đeo lấp lánh/ Miệng cười đen nhánh áo nâu non (Ngày mùa).

Chùa Hương, Nguyễn Nhược Pháp miêu tả trang phục của cô gái khi đi lễ hội:

Khăn nhỏ đuôi gà cao

Em đeo dải yếm đào

Quần lĩnh áo the mới

Tay cầm nón quai thao

Đi những phiên chợ ngày đông, Anh Thơ ghi nhận: Các cô gái khăn vuông trùm to hó/ Miệng nhai trầu thỉnh thoảng nói ra hơi.

2.2.3.2. Trò chơi, ăn uống, sinh hoạt, lao động

Sống trong cổng làng. Di chuyển dưới sông thì đi bằng thuyền, bằng đò. Hàn Mặc Tử viết: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó (Đây thôn Vĩ Dạ), với Huy Cận thì: Thuyền về nước lại, Xuân Diệu cảm nhận thu qua đông tới bằng biểu hiện: Đã vắng người sang những chuyến đò! Tiếng gọi đò trong thơ Yến Lan còn vang vọng hơn, nó làm run rẩy cả không gian:

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách

Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng (Bến My Lăng)

Trên bộ, nghèo đi bộ, giàu đi ngựa:

Ngoài đê vắng một ông già xuống huyện

Dắt ngựa chờ rong tiếng nhạc đồng, mong (Bến đò trưa hè - Anh Thơ)

Tiểu thư, công tử con nhà quan thường có cáng thuê phu khiêng:

Những anh phu cáng đo từng bước

Tỉ tê cùng kể chuyện hoang đàng

Vén diềm, thiếu nữ tưng bừng ngắm

Truông núi: muông chim gọi rộn ràng (Chiếc cáng điều - Lưu Trọng Lư)

Nông thôn Việt Nam gắn liền với đồng ruộng, công việc lao động sản xuất cũng gắn liền với con trâu, cái gàu tát nước:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi (Trăng quê - Bàng Bá Lân)

Hay:

Trong đồng lúa đã bắt đầu khát nước

Lũ gái tơ uể oải kéo dây gàu (Vào hè - Anh Thơ)

Nhiều cô gái trong thơ Nguyễn Bính xem việc hong tơ ướt ngoài mái hiên, vì tằm nên phải chạy dâu là công việc thường nhật để có thêm cái ăn, cái mặc lo cho chồng, cho con.

Nhưng không phải lúc nào cũng vất vả một nắng hai sương. Nhiều lúc thong thả dân gian nghỉ việc đồng/ Lúa thì con gái mượt như nhung (Nguyễn Bính), người già nhàn tản nghỉ ngơi khi đêm về: Ông lão nằm chơi ở giữa sân/ Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân (Trăng hè - Đoàn Văn Cừ), trẻ con mặc sức đùa chơi: Có hai em bé học trò/ Xem con kiến gió đi đò lá tre (Bên sông - Nguyễn Bính). Cũng chính thi sĩ chân quê này dựng lại không gian sinh hoạt ở làng xưa:

Em tôi là gái mười lăm,

Quét sân, chạy chợ, chăn tằm sớm trưa.

Thầy tôi dạy học chữ nho,

Dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh. (Nhà tôi)

Ngày hè, cô gái ra cầu ao giặt lụa, bóng nàng soi bóng nước thật hữu tình, hữu duyên:

Chị tôi giặt lụa cầu ao

Trời trong, nắng ửng, má đào ghẹo duyên (Quê hương - Hồ Dzếnh)

Khi lúa về, người người hối hả, vụ mùa bội thu đồng nghĩa với ấm no, thanh bình:

Bóng người đập lúa dưới trăng thanh

Tay đập đều như máy rất nhanh

Thóc rụng vun đầy bên cối đá

Tiếng gà cuối xóm gáy tàn canh (Lúa về - Đoàn Văn Cừ)

Văn hóa ẩm thực của người bình dân cũng được tái hiện chi tiết:

Cơm ngày hai bữa dọn bên hè

Mâm gỗ, muôi dừa, đũa mộc tre

Gạo đỏ, cà thâm vừng giã mặn

Chè tươi nấu đặc nước vàng hoe (Bữa cơm quê - Đoàn Văn Cừ)

Có chè tươi không thể thiếu thuốc lào: Mưa rào rào gió rào rào/ Trùm chăn say khói thuốc lào đê mê (Gió mưa - Nguyễn Bính).

Ăn, hút thảnh thơi, văn hóa vui chơi, giải trí ở đình làng là những buổi hát chèo, trống chầu vang dội thôn xóm vắng:

- Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay (Mưa xuân - Nguyễn Bính)

- Bờ tre rung động trống chầu

Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan (Chiều xưa - Huy Cận)

Nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng toàn một màu hồng, nhiều gia cảnh nghèo đói phải tất bật vì chén cơm manh áo:

Mái bên tiếng võng bồi hồi

Chừng ai thiếu sữa mớm lời ru con

Bên sông quanh gốc bồ hòn

Mớ tôm, mớ tép người còn xác đây (Xuống đò - Trần Huyền Trân)

Thật xúc động khi Thơ mới tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh đám hát xẩm, kẻ đàn người hát, sống nhờ đồng tiền bố thí của bá tánh:

Từ sa mạc, trống quân rồi hát lý

Cô gái lòa gõ nhịp mắt lơ mơ

Ông già lặng điềm nhiên ngồi kéo nhị

Thằng cu con ngong ngóng ngửa thau chờ (Đám xẩm - Anh Thơ)

Ở chợ, cảnh sinh hoạt cũng náo nhiệt, mỗi người một việc:

Mấy ông lão khiêng vào lồng lợn giống

Một bà già quảy đến gánh bèo non

Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng

Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton. (Họp chợ - Anh Thơ)

Rồi:

Một bà lão xót xa tiền hết…mãi!

Mấy thằng cu hớn hở được tò te (Tàn chợ - Anh Thơ)

2.2. Văn hóa tâm linh

2.2.1. Lễ tết

Ở Việt Nam, ngày tết là những quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Đây là dịp người người thể hiện tấm lòng thành kính đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ, bày tỏ tình thân ái với họ hàng, bè bạn. Tết xưa hiển hiện rất chi tiết trong Thơ mới. Các nhà thơ giữ nguyên hồn Việt để khắc họa nó bằng những chi tiết cụ thể, sống động. Qua đó, người đọc thấy được nét văn hóa dân gian trong việc tiến hành các nghi thức đón tết, mừng xuân. Đầu tiên là công việc chuẩn bị nhà cửa Sân gạch tường hoa người quét lại đến Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu. Sau đó, công việc cũng bề bộn không kém:

Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó,

Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ. (Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính)

Rồi chiều ba mươi tết mâm cúng tất niên, rước ông bà khuất mặt về ăn tết cùng con cháu: Và rất nhiều ông già ngồi lau quét/ trước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang (Anh Thơ). Lệ tết, đêm ba mươi tết người dân nấu bánh chưng để đón giao thừa. Trẻ con hơn hở trong bộ quần áo mới, nghe bà kể tích Lang Liêu dâng Hùng Vương bánh quý:

Quanh bếp ấm, nồi bánh chưng sùng sục

Thằng cu con rụi mắt cố chờ ăn (Anh Thơ)

Giao thừa đến, thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, thường rộn ràng bởi tiếng pháo nổ vang làng quê, thôn xóm:

Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ, báo

Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa (Đêm ba mươi tết - Anh Thơ)

Ba ngày Tết, bàn thờ rực hương, các mâm cỗ được chuẩn bị để anh em, cha con cùng quây quần bàn chuyện làm ăn, chuyện đạo lý ở đời: Trong nhà đỏ bàn thờ nghi ngút khói/ Những đàn bà tít tít chạy bưng mâm (Ngày tết - Anh Thơ).

Cùng mạch thơ ấy, ý thơ vui xuân của Đoàn Văn Cừ viết:

Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng

Cả đêm cuối chạp nướng thanh hồng

Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn

Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông (Tết quê bà)

Tết Nguyên đán là tết Cả, tết lớn nhất của người Việt. Ăn tết không thể thiếu quần áo mới và tiền lì xì mừng tuổi:

Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà

Các cô gái đội vàng hương ôm váy

Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua (Ngày Tết - Anh Thơ)

Ở phiên chợ tết hình ảnh những người muôn năm cũ với hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay (Vũ Đình Liên) vẫn còn ẩn hiện đâu đó:

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ

Cho đến:

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau (Chợ tết - Đoàn Văn Cừ)

Phiên chợ ngày xuân xưa cũng không thể thiếu những thầy bói đoán quẻ cho khách qua đường:

Nhưng đông nhất quán hàng người đoán thẻ

Một lão bà kính trắng bịt khăn đen

Các cô gái chen nhau vào vui vẻ

Nghe Thánh truyền sắp đặt mối lương duyên (Anh Thơ)

Dấu ấn lễ hội mừng xuân cũng được tổ chức khắp nơi. Nam thanh nữ tú, thử sức qua trò đánh đu:

Trên đường cát mịn một đôi cô

Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát

Một chị đương đu ngửa tít trên không (Đám hội - Đoàn Văn Cừ)

Đến Rằm tháng giêng, đón mừng trăng tròn đầu tiên của năm mới. Các chùa thường mở hội để khách thập phương vọng bái. Ở đó, còn ghi nhận nét văn hóa xưa như xin xăm, đón thẻ để biết chuyện may rủi trong năm mới.

Họ hớn hở người thì quỳ xuống lễ

Sau lưng sư, trước mặt Phật từ bi

Người lẳng lặng cúi đầu ngồi xóc thẻ

Cạnh chuông đồng luôn đổ tiếng bi li (Đêm rằm tháng giêng - Anh Thơ)

Lễ hội Chùa Hương đã đưa tên tuổi của thi sĩ bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp sống mãi với người đọc. Cùng mạch thơ ghi nhận dấu ấn văn hóa ấy, Nguyễn Bính viết trong Cuối tháng ba:

Khóa hội chùa Hương đã đông rồi,

Hội đền Hùng nữa, đám thôn tôi.

Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn,

Chỉ có chèo không, nhưng cũng vui. (Cuối tháng ba - Nguyễn Bính)

Đến mồng năm tháng năm là Tết Đoan Ngọ, dân gian coi đây tết sâu bọ, nhiều người còn đi hái thuốc nam để phòng bệnh:

Chợt thức giấc gọi nhau trừ sâu bọ / (…)

Đây bà lão ra vườn tìm lá thuốc

Kìa thằng cu đứng cửa gặm đào xanh (Tết mồng năm - Anh Thơ)

Tết Trung Nguyên diễn ra vào rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân theo sách nhà Phật. Dân gian thường bố thí cho những người hành khất, cúng cháo lá đa, cháo ghế cho những oan hồn vất vưởng, không nơi nương tựa. Dấu ấn văn hóa ấy được Anh Thơ diễn tả trong bài thơ Rằm tháng bảy

Ngoài đê rộng bồ đài nghiêng đổ cháo

Lễ chúng sinh từng bọn một ăn mày

Cùng lẳng lặng như bóng ma buồn não

Dắt nhau tìm nơi cúng để xin may.

Trung thu trăng tròn, dân gian tổ chức cái tết cho trẻ con phá cỗ, có múa lân, múa sư tử rộn ràng cả xóm:

Trong đường xóm trống chiêng chung nhịp nổi

Trẻ con theo sư tử rước vang ầm

Ngoài đình sáng tiếng cười chen tiếng nói

Gái trai làng ra họp hát trống quân  (Rằm tháng Tám - Anh Thơ)

2.2.2. Tín ngưỡng, phong tục

Trong đời sống tâm linh của người bình dân thì vị trí của ngôi chùa, mái đình chiếm một vị trí quan trọng. Ở đó người ta gửi gắm bao ước nguyện qua khói hương trầm. Van vái Phật, Trời, Thần, Thánh để quốc thái dân an, mùa vụ bội thu, … Ngôi chùa trong thơ Anh Thơ, Nguyễn Bính khơi gợi lại nét văn hóa xưa mà theo thời gian nó vẫn tồn tại:

- Chùa mở hội người làng nô nức tới

Trong khói trầm trong ánh nến xôn xao

Các bà lão yếm hồng tươi khoe mới

Các cô nàng khuyến bạc sáng như sao

(Đêm rằm tháng giêng - Anh Thơ)

- Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô… (Xuân về - Nguyễn Bính)

Nhà sư cũng còn đó, in sâu trong tâm trí của chúng ta: Sư già quét lá sau chùa/ Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông (Chùa vắng - Nguyễn Bính)

Cảnh hội đình, đi vào trang thơ của Đoàn Văn Cừ qua Tế thánh:

Sân đền một cảnh rất uy nghi

Tàn quạt hai bên cắm chỉnh tề

Cụ chỉ áo lam quấn nhiễu đỏ

Tay cầm hốt bạc gót đi hia (…)

Người dự hội không phải chờ lâu lắm, khi ngoài kia tràng pháo vang trời nổ thì không khí như vỡ òa náo nức: Tiếng trẻ hò reo: lễ “tất” rồi.

Phép vua, thua lệ làng. Nhiều tập tục ngày trước còn được tái hiện lại như một bức tranh sinh động:

Chùa xóm làm ngay ở mé ngòi

Trong ba ngày tết cúng gà xôi

Cúng xong các cụ chia gà biếu

Bốn cụ ngồi trên biếu bốn đùi (Tục làng - Đoàn Văn Cừ)

Khi trời làm đại hạn, dân làng cùng các cụ tiên chỉ cầu đảo mong trời đổ mưa cứu dân, cứu cỏ cây: Bầu nước tung lên, người đứng dưới/ Tay giơ hứng đỡ, miệng reo hò (Cầu mưa ngày đại hạn - Đoàn Văn Cừ)

Con người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi gắn liền với nhiều nghi lễ trong vòng đời mình. Từ lúc em bỏ trái đào/ Tới chừng cặp má đỏ au au (Gái quê - Hàn Mặc Tử), đến khi khôn lớn thì cha mẹ lo cho con cái nên chồng, nên vợ. Nghi thức đầu tiên là lễ vấn danh, để hai bên tận tường gia cảnh, tuổi, tên:

Nhà có con trai mới vấn danh

Sang chơi nhà gái kết thân tình (Tục làng - Đoàn Văn Cừ)

Lẽ tất nhiên phải lo lễ vật cheo cưới, miếng trầu, quả cau không thể thiếu trong tình yêu đôi lứa:

Nhà gái ăn chín nghìn cau

Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn

(Giấc mơ anh lái đò - Nguyễn Bính)

Để rồi, một ngày kia, mẹ ân cần dặn con gái mình: Gái lớn ai không phải lấy chồng/ Can gì mà khóc nín đi không! (Người mẹ - Nguyễn Bính). Ngày xưa, người có theo học chữ Nho thường truyền miệng khấp như nữ tử vu quy nhật. Giọt mắt của quá nhiều cảm xúc, hạnh phúc vì duyên nợ, mừng vì đã thành gia thất; xót xa, chua chát bởi phải xa mẹ, lìa cha,…Những cung bậc tình cảm ấy làm người đọc thật sự đồng cảm, bởi người phụ nữ ngày xưa làm gì có tự do yêu đương bởi họ luôn bị ràng buộc nhiều điều giáo lý. Cảnh chia tay đầm đìa lệ biệt ly:

Chị đi em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn mẹ già em thương (Nguyễn Bính)

Lễ cưới tổ chức ngày đầu năm mới đáng gọi là song hỉ. Mùa xuân của đất trời khơi nguồn hạnh phúc cho con người. Hôm nay khói pháo đầy đường/ Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng (Nguyễn Bính) càng làm tăng thêm không khí hớn hở, tươi vui. Những chi tiết thú vị trong nghi lễ cưới hỏi được Đoàn Văn Cừ thể hiện qua Đám cưới ngày xuân:

Một cụ già râu tóc trắng như bông

Mặc áo đỏ cầm hương đi rước đám

Dăm sáu cụ áo mền đỏ sẫm

Quần nâu hồng chống gậy bước theo nhau

Hàng ô đen thong thả tiến lên sau

Kế những chiếc mâm đồng che lụa đỏ.

Bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở

Quần lụa chùng, nón dứa, áo sa huê

(Đám cưới ngày xuân - Đoàn Văn Cừ)

Nhân vật chính là cô dâu - chú rể tay trong tay mà vừa mừng, vừa thẹn, thật hữu tình duyên dáng:

Chú rể thẹn, ngập ngừng đưa bước chậm

Quần chúc bâu sột soạt chưa phai hồ

Áo nâu thắm cô dâu nghiêng nón thắm

Đôi má đào trào lệ nhớ nhà cô (Đám cưới - Anh Thơ)

Cuộc sống có sinh tất có tử. Đâu ai thoát luật tạo hóa. Đám ma tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng:

Theo liền cửu vài ba ông chống gậy

Dăm bảy bà rủ tóc khóc sầu bi

Một hai người rắc các thoi vàng giấy

Và đưa trầu mời những khách theo đi (Anh Thơ)

Cứ ngỡ rằng trước cái chết mọi người đều bình đẳng. Nhưng cái gọi là bình đẳng ấy nếu có chỉ đúng đối với người chết, chứ đối với người sống thì không việc tổ chức các nghi thức đưa đám có sự phân biệt hèn - sang:

Người chết giàu sang, cả xã chôn

Thanh la, não bạt đáng vang dồn

Cỗ đòn sơn đỏ người theo kín

Tiếng khóc như ri, ảo não hồn. (Tục làng - Đoàn Văn Cừ)

Và một cảnh tượng đối lập khác: Chiều tối đôi khi đám chết nghèo/ Tiếng hờ thê thảm não nùng theo/ Bọn người khiêng gánh trên đường cái/ Ngọn nến quan tài gió lắt leo (Đám chết nghèo - Đoàn Văn Cừ).

Đối với khách má đào yểu mệnh, phận bạc, Nguyễn Bính ngưỡng mộ dành cho nàng một tình yêu trinh trắng. Dưới góc độ văn hóa, chúng ta cũng phát hiện được nhiều điều thú vị.

Đem đi một chiếc quan tài trắng

Và những vòng hoa trắng lạnh người

Theo bước những người khăn áo trắng

Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi

(Viếng hồn trinh nữ - Nguyễn Bính)

Đối với Đinh Hùng, cảnh tượng còn ảo não hơn: Chiếc hòm con êm đi trong sương lạnh/ Người mẹ già nức nở lên đôi hồi (Đám ma)

2.2.3. Điềm lành, điểm gở

Trong dân gian có nhiều điềm báo điều lành nhưng cũng có nhiều chuyện quái gỡ mà dân gian cho rằng chuyện không may sẽ xảy đến. Và cả chuyện dân gian “dự báo thời tiết” qua con cua, con kiến,…Theo ý chủ quan của người viết có lẽ do những hiện tượng này lặp đi lặp lại, dân gian ghi nhận và truyền lưu. Đúng sai thật khó thẩm định. Nhưng dù thế nào thì nó cũng tồn tại trong dân gian. Đoàn Văn Cừ chuyển những “kinh nghiệm” ấy thành lời thơ, Điềm ứng: lành dữ, thời tiết:

Dân tình đói kém: gấu ăn trăng

Gà mái đưa tin gở: gáy quàng

Mống mọc đằng đông: trời sắp bão

Cua bò đường cái: lụt mênh mang

Trai nước chiều hôm: sắp gió mưa

Trăng quầng: đại hạn, ruộng đồng khô

Kiến bò lên giậu: mưa lầm lội

Trăng sáng trung thu: ứng được mùa

Đêm tối ma trơi hiện lững lờ

Xanh le: trời nắng, đỏ: trời mưa

Quạ kêu: người chết, hồn sa đất

Quạt réo: đưa tin khách đến nhà.

3. Kết luận

Phong trào Thơ mới chỉ xuất hiện và tồn tại không đến 15 năm nhưng nó đánh một dấu son tươi thắm trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam.

Phong trào Thơ mới là đề tài của biết bao công trình nghiên cứu, nhận xét, bình luận,… hơ mới khẳng định chân giá trị của con người bằng việc thức tỉnh ý thức cá nhân. Thơ mới cũng khẳng định hồn thiêng dân tộc bằng những dấu ấn văn hóa dân gian độc đáo.

Đến đây, người viết xin được mượn lời thơ của Hằng Phương - một nữ sĩ của Thơ mới - thay cho lời kết của bài viết:

Lá rụng bay về dưới gốc cây

Buồn về lá rụng chạnh niềm tây

Lá ơi ta lại không bằng lá

Chôn chặt hồn quê ở chốn này.

(Tư cố hương)

T.M.T

 

CHÚ THÍCH:

1. Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 - Chim Việt Cành Nam nói là trích từ Phụ Nữ Tân Văn số 42 ra ngày 20.02.1930.

2. Dẫn theo Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.

3.http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=2441&print=true.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lại Nguyên Ân (sưu tầm, tập hợp), Thơ mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004.

2. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996.

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng