Văn nghệ dân gian
Kết cấu của truyện cổ tích loài vật
08:35 | 17/03/2020

LƯ VIÊN

Kết cấu của truyện cổ tích loài vật
Ảnh minh họa (Internet)

1. Khái quát

Truyện cổ tích loài vật là một trong hai bộ phận lớn của truyện cổ tích (truyện cổ tích về loài vật và truyện cổ tích về người(1)), có nhân vật chính là con vật, con vật và con người, ở đó, các con vật có thể nói năng, hành động như người, nhằm phản ánh đặc điểm của chúng và tập quán liên quan của người, hoặc đồ chiếu các sinh hoạt, tập tính con vật vào xã hội con người, để góp phần nhận biết về cuộc sống.

Kết cấu là một yếu tố thuộc bình diện hình thức của tác phẩm văn học. Một số kết cấu thường gặp như kết cấu theo trình tự thời gian, kết cấu đi thẳng vào giữa câu chuyện, kết cấu theo hai tuyến đối lập nhau, kết cấu theo tâm lí,...

Theo Hoàng Tiến Tựu, thì “Mỗi truyện cổ tích loài vật thường được kết cấu theo hai phần “dẫn truyện” và “thuật truyện” xen kẽ nhau. Phần dẫn truyện là lời trực tiếp của người kể chuyện. Còn phần thuật truyện thường là thuật lại lời đối thoại của các nhân vật trong truyện” [2, 54].

Trên cơ sở việc nhìn nhận của nhà nghiên cứu đi trước vừa nêu, người viết đã xem xét, rà soát trên tổng thể truyện cổ tích loài vật Việt Nam(2). Kết quả của việc xem xét ấy cho thấy: không phải toàn bộ truyện cổ tích loài vật có kết cấu gồm hai phần như đã nêu, mà chỉ một bộ phận.

2. Trình bày kết cấu của truyện cổ tích loài vật

2.1. Kết cấu gồm hai phần, phần “dẫn truyện” và phần “thuật truyện”

Đọc hai truyện cổ tích loài vật sau:

(1) CÓC, CỌP VÀ KHỈ (Truyện người Kinh)

Hôm nọ, cọp đi ngang qua góc rừng, chỗ có hang cóc, thì dừng chân nhìn ngắm. Cóc thấy cọp đến dòm ngó, sợ gây hại đến mình, bèn lo việc ngăn cản, mới lên tiếng hỏi:

- Ai vậy? Đừng có qua đây nữa mà chết oan đó!

Cọp nghe tiếng nhưng chưa thấy mặt kẻ hỏi mình, bèn hỏi lại:

- Ai hỏi đó?

Cóc nói:

- Tao đây! Tao là cóc tía. Mày không biết danh tao sao?

Cọp đã thấy cóc, nói:

- Chà! Mày hình vóc bằng cổ tay, lại dám mày tao mi tớ với tao nữa! Tài nghệ gì mày mà dám xấc láo thế?

Cóc tỏ ra không vừa:

- Tao thì đủ miếng. Còn mày bất quá chỉ có tài nhảy mà thôi.

Cọp mới thách cóc nhảy thi, coi ai nhảy xa cho biết. Cóc đồng ý. Cả hai ra tới con rạch lớn, vạch mốc để đứng ngang nhau mà nhảy. Cóc bảo:

- Tao chấp mày đứng trước, tao đứng sau cũng được!

Biết trước khi nhảy, cọp thường hất mạnh đuôi nên cóc ngậm lấy chót đuôi cọp. Khi cọp nhảy sang bên kia thì cóc đã văng ra đằng trước rồi. Nó lên tiếng:

- Tôi đây! Tôi đã nhảy xa hơn anh rồi!

Cọp chịu thua, nói:

- Anh thật có tài nhảy phi thường!

Cóc thừa thắng, nói:

- Tôi đã nói rồi mà! Không chỉ tài mọn ấy, tôi còn bắt sống cọp để ăn hàng ngày. Hãy coi đây thì biết!

Cóc há miệng ra, trong đó, đầy những lông cọp. Cọp thấy vậy hoảng hồn, cong đuôi chạy mất. Nó chạy mãi vẫn chưa hết kinh hoàng.

Con khỉ trên cây thấy cọp chạy như vậy, bèn kêu giựt lại, hỏi:

- Có việc gì mà anh chạy dữ vậy?

Cọp thở hổn hển, đáp:

- Thôi thôi, đừng hỏi để cho tôi chạy, kẻo nó theo kịp bây giờ!

- Anh phải nói ra: cái giống gì đã khiến anh sợ đến vậy, mới được chứ?

Cọp đang sảng hồn, nói:

- Cái con chi..., quên tên rồi! Nó nhỏ nhỏ, da nhám...

- Ờ, biết rồi! Con cóc, phải không?

- Ừ, phải đó.

Khỉ lớn lối:

- Sao anh dở vậy? Bẻ cổ nó như chơi kia mà! Anh sợ mà chạy chỉ khiến nó dể ngươi thôi. Không tin, anh đem tôi tới, tôi vật nó như vật nhái cho mà coi.

Cọp run giọng:

- Anh đừng làm phách! Không chừng lại báo hại tôi nữa!

Khỉ chắc nịch:

- Nếu sợ tôi gạt, thì để tôi buộc thân mình đấu cật với lưng anh. Anh đem tôi đến đó, tôi sẽ xé xác nó cho anh coi.

Cọp đồng ý để khỉ lấy dây buộc nó với mình, lại để cho khỉ cưỡi lên lưng, từ từ trở lại chỗ cũ. Con cóc vẫn còn ngồi đó, nó lên tiếng:

- Ai vậy? Anh khỉ đó phải không?

Khỉ ừ. Cóc nói tiếp:

- Anh đem nó đến nộp đó à? Nợ mười hùm chưa đủ, một đã thấm chi!

Cọp nghe nói vậy tưởng bị khỉ gạt, đem mình nộp cho cóc thật, nó lại hoảng hồn, đâm đầu chạy. Cọp phóng ào ào, không kể cây cối, gai gốc, bờ bụi gì hết.

Khỉ bị cây va vào đầu, đập vào lưng, khiến bị vỡ sọ, gãy xương, chết nhăn răng. Khi mệt quá, cọp dừng lại, thấy khỉ như vậy, nó nghĩ khỉ cười mình, nên mắng rằng:

- Hết phách lối chưa? Đã báo hại người ta, lại còn cười nữa hả?

(Nguồn: Trương Vĩnh Kí (1974), Chuyện đời xưa, Nhà sách Hoa Tiên xuất bản, Sài Gòn, tr. 12-14)

(2) THỎ LỪA BÀ DUÔN RÍT (Truyện người Ê Đê)

Ngày xửa ngày xưa, có một bà tên là Duôn Rít, hôm nọ, làm cỏ lúa một mình trên rẫy, thì gặp thỏ. Con thỏ đi kiếm ăn, thấy bà Duôn Rít làm lụng vất vả, trời đã trưa, nắng gắt mà vẫn chưa nghỉ. Nó tiến lại, nói:

- Tội nghiệp bà quá! Trời nắng chang chang thế này mà bà vẫn cúi đầu làm miết. Bà đưa cuốc đây, cháu làm cỏ giùm cho!

Bà Duôn Rít tưởng thỏ thật lòng, nói:

- Cảm ơn thỏ có lòng tốt.

Thỏ nói:

- Cháu làm nhanh thôi, nhưng cũng đói lắm rồi! Bà về nhà làm cơm cho cháu ăn với. Nhớ làm thịt con gà to nhé!

Bà Duôn Rít về nhà nấu cơm, bắt gà to làm thịt để thỏ về ăn trưa. Còn thỏ, khi bà Duôn Rít đi khỏi, nó cắn phá hết cả đám lúa, không sót một gốc. Xong, thỏ chạy về nhà, nói với bà Duôn Rít:

- Bà ơi, cháu đã cuốc sạch hết cỏ lúa rồi!

Bà Duôn Rít vội dọn cơm canh ra cho thỏ ăn, bắc ché rượu cần cho thỏ uống. Có điều, thấy thỏ làm cỏ nhanh quá, lòng bà đầy nghi ngại, vội chạy lên rẫy xem, thì ôi thôi, lúa đã bị cắn phá vung vãi. Bà khóc lóc kêu la, rồi chạy thật nhanh về nhà. Thỏ ở nhà, vừa ăn cơm với thịt gà, vừa thúc giục Y Rít, đứa cháu của bà Duôn Rít, lấy cần rượu mà uống. Khi bà chạy đến nhà, Y Rít mới nghe rõ tiếng bà la ó:

- Y Rít, mau đánh chết thỏ đi! Nó cắn phá lúa nhà ta hết rồi.

Y Rít vội vàng lấy gậy đánh thỏ. Thỏ sợ bỏ chạy, rồi chui vào ché. Y Rít đập bể ché. Thỏ vào bếp. Y Rít đánh nát bếp. Thỏ chui vào trốn ở đâu, Y Rít đều đánh chỗ đó tan tành. Thỏ chui vào cái cối đá giã gạo đã thủng lỗ ở dưới đáy. Y Rít cũng chui theo. Ngờ đâu, thỏ chui vào thì lọt, còn Y Rít chui vào thì bị kẹt cứng trong đó, không sao ra được.

Bà Duôn Rít chạy tới, thấy cái cối rục rịch, tưởng thỏ trong đó, nên bà đánh mạnh vào. Y Rít kêu đau, van bà tha. Nhưng bà Duôn Rít lại tưởng thỏ lừa mình, nên cứ phang thật mạnh, cho hết đụng đậy mới thôi.

Khi lôi trong cối ra, bà mới biết đã đánh nhầm cháu mình. Chôn cất cháu xong, ngày nào bà Duôn Rít cũng rầu rĩ khóc lóc, than vãn:

- Cháu thì chết, lúa thì thỏ cắn phá! Khổ quá! Giàng ơi là Giàng!

Lâu lắm, thỏ lại lần mò đến sau lưng bà, hỏi:

- Sao bà cứ than khóc miết vậy, hở bà?

Bà Duôn Rít giật mình, quài tay ra sau túm được hai cái tai dài của thỏ. Thỏ giãy giụa kịch liệt vẫn không thoát khỏi hai bàn tay cứng như gọng kìm sắt của bà. Bà Duôn Rít nghiến răng:

- Lần này tao sẽ đốt mày, ăn thịt mày!

Thỏ lại năn nỉ:

- Nè bà ơi! Bà ăn thịt tôi đâu có lợi gì? Tôi nghe nói Mtao muốn mua thỏ về quay làm món thịt ngon đãi khách. Bà đem tôi bán cho Mtao được nhiều tiền. Lấy tiền đó bà mua lúa ăn vài năm, chẳng có lợi hơn sao?

Bà Duôn Rít nghĩ thỏ đã nói phải, cũng nên đem thỏ đi bán cho Mtao. Thỏ biết, vào giờ này Mtao đang nghỉ ăn cơm, mới nói:

- Bà nên vào cửa chính, sẽ gặp Mtao ở đó. Còn tôi sẽ vào cửa phụ và ở luôn trong chuồng nuôi súc vật của ông ta.

Bà Duôn Rít đồng ý. Thỏ vào cửa sau, gặp Mtao và vợ đang ăn cơm. Thỏ nói:

- Thưa ông Mtao, hôm nay, tôi bán bà Duôn Rít, để làm nô lệ cho ông.

Mtao hỏi:

- Thế ông bán bao nhiêu tiền?

- Thưa Mtao, tôi không lấy tiền, chỉ cần một cái chiêng đồng là đủ.

Mtao thấy rẻ, liền đưa cái chiêng đồng cho thỏ, rồi nói:

- Thế bà Duôn Rít đâu?

Thỏ đáp:

- Bà ấy đang vào lối cửa chính kia kìa! Bà ấy tới rồi đấy.

Bà Duôn Rít xuống tới chỗ Mtao, ngồi dưới đất, định mở miệng nói, nhưng Mtao đã nói trước:

- Ông thỏ đã bán bà cho tôi rồi. Bà phải ở đây làm nô lệ cho gia đình tôi.

Thế là cuối cùng bà Duôn Rít vẫn cứ mắc lừa thỏ.

(Nguồn: Nguyễn Thị Thu Trang (Chủ biên) (2011), Văn học dân gian các dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr. 192-195)

Có thể thấy, tuy giữa hai truyện có chỗ khác, là truyện (1) không có nhân vật con người, truyện (2) có nhân vật con người, nhưng chúng đều giống nhau ở chỗ: cả hai đều không có phần phản ánh đặc điểm của con vật được kể và tập quán liên quan của con người. Về mặt kết cấu, chúng đều có kết cấu gồm hai phần, phần “dẫn truyện” và phần “thuật truyện” xen kẽ nhau. Điều này, đúng như [2, 54] đã nhận xét.

2.2. Kết cấu gồm ba phần, phần “dẫn truyện”, phần “thuật truyện” và phần “kết truyện”

Đọc tiếp hai truyện cổ tích loài vật khác:

(3) NGỰA VÀ HỔ (Truyện người Nùng)

Ngày xưa, hổ không có móng vuốt sắc, ngựa cũng không có bộ móng guốc để phóng nhanh như bây giờ. Lúc ấy, ngựa được loài người thuần hoá làm con vật để cưỡi và chuyên chở hàng hoá, nhưng chân của nó có móng sắc nên đi hơi chậm.

Ngựa được con người nuôi dưỡng, chăm sóc khá cẩn thận nên không đói bữa nào, nhưng thỉnh thoảng nó lại bị người chê đi không được nhanh. Nó lo lắng, có một ngày nào đó, người tìm được con vật khác đi nhanh hơn, thì nó không được nuôi nữa. Hổ vốn là một loài vật hung dữ, chuyên ăn thịt các con vật khác. Chân nó chạy nhanh nhưng không có vuốt sắc, nên nhiều khi đuổi được con vật nào đó, chưa kịp ngoạm thịt, thì con vật ấy đã tuột ra khỏi chân rồi. Chính vì vậy nên nhiều khi hổ bị đói.

Vốn là một con vật thông minh, ngựa nhận ra rằng, hổ có đôi móng chạy nhanh mà lại không phát huy tác dụng, còn nó thì có đôi móng sắc để vồ được các con vật, trong lúc chỉ ăn cỏ, thóc. Ngựa tìm gặp hổ, gạ gẫm rằng:

- Anh hãy đổi móng cho tôi! Anh kiếm ăn cần có đôi móng vuốt nhọn sắc của tôi để vồ và bắt giữ con mồi, còn tôi đã được người nuôi rồi, nên chỉ cần một đôi móng bình thường như anh thôi.

Hổ thấy ngựa nói có lí, đồng ý. Thế là ngựa và hổ đổi móng cho nhau.

Từ đấy trở đi, ngựa có đôi móng chân chắc, khoẻ, chạy nhanh như gió, và được người nuôi yêu thương, gần gũi; hổ thì ngoài hàm răng chắc, khoẻ, đã có thêm đôi vuốt sắc, nhọn để vồ và bắt giữ con mồi. Người ta thường kể rằng, mỗi khi vào rừng, ngửi thấy mùi hổ, ngựa lại sợ hổ đòi lại móng, nên nó cứ quỳ chân xuống đất để giấu móng đi; bấy giờ, nó không bước được nữa. Người nào biết có hổ tới gần, muốn ngựa chạy đưa mình đến chỗ khác để không bị hổ vồ, phải cho ngựa ngửi mùi tỏi để át mùi hổ đi, thì ngựa mới đứng lên chạy tiếp.

(Nguồn: Ngô Văn Trụ, Bùi Văn Thành (Đồng chủ biên) (2011), Di sản văn học dân gian Bắc Giang, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr. 381-382)

(4) GỐC TÍCH CÁI NỐT DƯỚI CỔ TRÂU (Truyện người Kinh)

Ngày xưa, con trâu cũng nói một thứ tiếng với người. Nhờ thế, người dùng lời nói để sai khiến con vật theo ý muốn của mình, thật là tiện. Cũng nhờ thế mà những người chăn trâu không dám đánh đập tàn tệ hoặc bỏ đói trâu, vì sợ trâu mách với chủ.

Có một người nông dân nuôi một con trâu và mướn một cậu bé để chăn.

Người và thú lúc đầu rất tương đắc, nhưng về sau lại sinh bất hoà. Cậu bé tính ham chơi, nhiều khi quên mất phận sự của mình, làm cho trâu không có thức gì ăn vào bụng. Có bữa mải mê đánh đáo nhưng lại sợ trâu ăn lúa, cậu ta cột chặt trâu một nơi không cho ăn. Những hôm đó, để che mắt chủ, cậu dùng mẹo: lấy mo cau áp vào hông trâu, rồi trét đất sét bên ngoài. Cứ như thế, cậu dẫn trâu về chuồng.

Chủ nhà nhìn thấy bụng trâu no căng tròn, tỏ ý hài lòng, không căn vặn gì cả.

Nhờ mẹo ấy, cậu ta qua mặt chủ nhiều lần, nhưng cũng nhiều lần làm trâu tức giận.

Một hôm, cậu quá mê chơi, bỏ trâu nhịn đói từ sáng đến chiều. Trâu gọi mãi nhưng cậu ta nào có nghe thấy gì đâu. Buổi chiều hôm ấy, trâu định mách với chủ, nhưng cậu ta đã khôn ngoan dùng lời lấp liếm, không cho trâu nói.

Sáng hôm sau, chủ dắt trâu ra đồng cày ruộng. Trâu tỏ cho thấy nó bước đi không nổi. Chủ gắt:

- Nào có chịu đi mau lên không? Đồ làm biếng!

Trâu trả lời:

- Tôi không làm biếng, mà tại đói quá!

Chủ ngạc nhiên:

- Mày nói sao? Ngày nào thằng nhỏ cũng cho mày ăn no căng bụng lên như cái trống chầu mà!

Bấy giờ trâu mới đủng đỉnh nói:

- Cưỡi trâu ra, đánh khăng đánh đáo,

Cưỡi trâu về, nói láo trâu no.

No gì mà no: trong mo ngoài đất sét!

Mo rớt cái phạch, hết no!

Sự giả dối của cậu bé thế là bị bại lộ. Ngay buổi trưa hôm đó, người chủ vừa gỡ hai miếng mo cau ở hai bên hông trâu, vừa đánh cậu bé một trận nên thân. Riêng trâu thì rất hả hê, vì từ hôm đó ngày nào cũng được ăn no, lại được tắm rửa sạch sẽ.

Mấy ngày sau, những chỗ bị đòn hãy còn sưng húp, cậu bé ngồi trên bờ giọt ngắn giọt dài, trong khi trâu ung dung ăn cỏ. Bỗng có một ông lão hiện ra ở sau lưng, hỏi cậu ta vì cớ gì mà khóc. Cậu chỉ vào trâu mà nói:

- Tại nó cả, vì nó mách với chủ...

Rồi cậu kể hết cho ông lão nghe. Nghe xong, ông lão dỗ dành cậu bé, và nói:

- Ta rất thương con gặp phải chuyện không may. Bây giờ con muốn gì ta sẽ làm con vui lòng.

Cậu bé đáp:

- Vì nó biết nói, làm con phải bị đòn. Lúc này con chỉ muốn làm thế nào cho nó không thể nói được nữa.

Ông lão bảo:

- Khó gì việc đó. Ta sẽ có phép làm cho con vừa lòng.

Ông bèn rút trong người ra một cây nhang, đốt lên, rồi bất thình lình dí vào dưới cổ con vật. Trâu cố giãy giụa nhưng không kịp. Trâu kêu la khản cổ.

Sau đó, tiếng nói của trâu dần dần mất đi. Cuối cùng, lúc nào muốn nói, trâu chỉ phát ra được hai tiếng “nghé ngọ” mà thôi. Chỗ bị thương lâu ngày thành sẹo, chai cứng như nốt ruồi. Cả dòng họ nhà trâu từ đó sinh ra đều không biết nói, và đều có một cái nốt ở dưới cổ.

(Nguồn: [4, 198-199])

Chúng ta thấy, tuy giữa hai truyện có chỗ khác, là truyện (3) không có nhân vật con người, truyện (4) có nhân vật con người, nhưng chúng đều giống nhau ở chỗ: cả hai đều có phần phản ánh đặc điểm của con vật được kể và tập quán liên quan của con người. Đó là:

- Truyện (3): “Từ đấy trở đi, ngựa có đôi móng chân chắc, khoẻ, chạy nhanh như gió, và được người nuôi yêu thương, gần gũi; hổ thì ngoài hàm răng chắc, khoẻ, đã có thêm đôi vuốt sắc, nhọn để vồ và bắt giữ con mồi. Người ta thường kể rằng, mỗi khi vào rừng, ngửi thấy mùi hổ, ngựa lại sợ hổ đòi lại móng, nên nó cứ quỳ chân xuống đất để giấu móng đi; bấy giờ, nó không bước được nữa. Người nào biết có hổ tới gần, muốn ngựa chạy đưa mình đến chỗ khác để không bị hổ vồ, phải cho ngựa ngửi mùi tỏi để át mùi hổ đi, thì ngựa mới đứng lên chạy tiếp”.

- Truyện (4): “Sau đó, tiếng nói của trâu dần dần mất đi. Cuối cùng, lúc nào muốn nói, trâu chỉ phát ra được hai tiếng “nghé ngọ” mà thôi. Chỗ bị thương lâu ngày thành sẹo, chai cứng như nốt ruồi. Cả dòng họ nhà trâu từ đó sinh ra đều không biết nói, và đều có một cái nốt ở dưới cổ”.

Phần phản ánh đặc điểm của con vật được kể và tập quán liên quan của con người này do việc kể chuyện mà hình thành, nhưng không thuộc phần thuật truyện, lại cũng là lời trực tiếp của người kể chuyện, mà không thuộc phần dẫn truyện. Nó lập nên một phần riêng. Phần ấy thuộc đặc trưng của tiểu loại truyện cổ tích loài vật, đó là phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người; thuộc hệ quả hay vấn đề được rút ra từ truyện. Cho nên, nếu đã có phần “dẫn truyện”, phần “thuật truyện”, thì phần thứ ba này có thể tạm đặt tên là “kết truyện”. Tuy phần này thường đặt ở vị trí kết thúc truyện, nhưng kết truyện còn hàm ý về kết quả, hệ quả được rút ra từ truyện.

Thật ra, đoạn văn vừa dẫn ở [2, 54] có thể đã bỏ qua hoặc nhập phần “kết truyện” này với phần dẫn truyện. Mặt khác, việc rút ra đặc điểm của con vật được kể và tập quán liên quan của con người, tuỳ thuộc vào mục đích của người dựng truyện, chứ không tuân thủ một cơ chế chung (như trường hợp mô hình cấu trúc, đồng thời là cơ chế tạo lời ngụ, lời quy châm của truyện ngụ ngôn(3)). Cho nên, cùng một sự việc được đưa ra giải thích, thường có điểm xuất phát từ các nội dung khác biệt(4).

3. Nhận xét, kết luận

Theo như đã trình bày, thì truyện cổ tích loài vật có hai kiểu kết cấu: kết cấu gồm hai phần, phần “dẫn truyện” và phần “thuật truyện”; kết cấu gồm ba phần, phần “dẫn truyện”, phần “thuật truyện”, và phần “kết truyện”.

Kết cấu gồm hai phần của truyện cổ tích loài vật tương ứng với bộ phận truyện không phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người. Ở Bộ sưu tập truyện cổ tích loài vật Việt Nam đã nêu, bộ phận truyện này gồm 97 truyện, chiếm 35,8%.

Kết cấu gồm ba phần của truyện cổ tích loài vật tương ứng với bộ phận truyện phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người. Cũng ở Bộ sưu tập vừa nói, bộ phận truyện này gồm 174 truyện, chiếm 64,2%.

Với truyện cổ tích loài vật, thì việc phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người, là đặc trưng cơ bản của tiểu loại này. Số truyện làm việc phản ánh ấy lại chiếm một số lượng lớn trong tổng thể. Cho nên, kết quả vừa nêu tỏ ra phù hợp.

Theo đó, thì việc ghi nhận hai kiểu kết cấu của truyện cổ tích loài vật như đã trình bày, chẳng những cho thấy một đặc điểm quan trọng về hình thức nghệ thuật của truyện cổ tích loài vật, mà còn, ở lĩnh vực nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề, là một sự bổ sung cần thiết (của người sau đối với người đi trước).

L.V

CHÚ THÍCH:

(1) Riêng truyện cổ tích về người, có hai bộ phận hay tiểu thể loại (gọi tắt là tiểu loại) truyện cổ tích, là truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích thế tục. Để tiện trong việc gọi tên, các nhà nghiên cứu cũng xem bộ phận truyện cổ tích loài vật là một tiểu loại, cùng với hai tiểu loại vừa nêu, của truyện cổ tích

(2) Đối tượng của việc xem xét ấy là Bộ sưu tập truyện cổ tích loài vật Việt Nam, gồm 271 truyện, do người viết tập hợp. Bộ sưu tập này có hai đặc điểm: a) Chủ nhân của số truyện ấy gồm bảy nhóm dân tộc, 33 tộc người, chiếm 61,1% tổng số các dân tộc trên toàn quốc; b) Dựa vào nhân vật, số truyện trên được chia làm hai nhóm: nhóm truyện có nhân vật là con vật, không có nhân vật con người, gồm 143 truyện, chiếm 52,8%; nhóm truyện có nhân vật là con vật và con người, gồm 128 truyện, chiếm 47,2%.

(3) Truyện ngụ ngôn, ở cấp độ thể loại, chỉ có một mô hình (cũng gọi là cơ chế tạo lời ngụ, lời quy châm), gồm bốn phần nối kết nhau, như sau: a) Nhân vật kèm tính cách; b) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó; c) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó, đã có hành động đáp trả phù hợp với tính cách của mình; d) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó, đã có hành động đáp trả phù hợp với tính cách của mình, để giành được thắng lợi hay phải chịu thua thiệt (xem thêm: Góc nhìn cấu trúc về truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, trang 38-52).

(4) Như cùng giải thích cái nốt dưới cổ con trâu, dấu tích của việc làm cho nó bị câm, ngoài truyện “Gốc tích cái nốt dưới cổ trâu” (truyện người Kinh), được dẫn ở bài viết này, còn có truyện “Trâu, chuột và người (I)” (truyện người Tày). Ở truyện sau, người đốt vào cái huyệt để trâu phải câm (và thành nốt sau này), là ông nông dân, còn kẻ bày vẽ cho ông ta làm, là con chuột.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO, TRÍCH DẪN CHÍNH

 

1. Đinh Gia Khánh (Chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

2. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

3. Lê Chí Quế (Chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (2001), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.

4. Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, 2 quyển, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Huế (Chủ biên), Trần Thị An (2014), Truyện cổ tích người Việt, 6 quyển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội (phần truyện cổ tích loài vật thuộc quyển 4).

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng