Văn nghệ dân gian
Cấu trúc ngôn từ và phong cách dân tộc, địa phương trong tục ngữ dân tộc Ta Ôi
14:59 | 18/03/2020

NGUYỄN THỊ SỬU

Cấu trúc ngôn từ và phong cách dân tộc, địa phương trong tục ngữ dân tộc Ta Ôi

1.  Một thể loại văn học dân gian, một bộ phận của ngữ văn dân gian đúc kết “tri thức, kinh nghiệm”(1) sống, đạo đức thực tiễn của nhân dân bằng những câu ngắn gọn, thường có vần điệu, chính là tục ngữ.

Tục ngữ dân tộc Ta Ôi là sự phản ánh những tri thức, kinh nghiệm và quan niệm dân gian ở mọi lĩnh vực đời sống và cuộc đấu tranh sinh tồn của người Ta Ôi. Sinh sống lâu đời và miền núi phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam là địa bàn cư trú chủ yếu, cộng đồng dân tộc thiểu số Ta Ôi(2) đã cùng nhau truyền tải những điều mắt thấy, tai nghe, chân tay làm trong cuộc sống bằng những lời ăn, tiếng nói hàng ngày rất đỗi gần gũi, quen thuộc, ngắn gọn, dễ nhớ từ đời nọ sang đời kia; vô hình dung, lời ăn tiếng nói ấy trở thành những kết cấu bền vững.

Cũng như các thể loại văn học dân gian khác, tục ngữ hòa nhịp với nếp nghĩ, nếp cảm của dân gian bản xứ nhưng thiên về nhận xét, phán đoán, kết luận lý trí, khách quan.

Nội dung phản ánh trong tục ngữ Ta Ôi khá phong phú: Phản ánh mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên; Kinh nghiệm lao động sản xuất của con người; Mối quan hệ giữa con người với đời sống vật chất; Mối quan hệ giữa con người với đời sống gia đình, xã hội; Mối quan hệ giữa con người với đời sống tinh thần.

2. Trong tục ngữ Ta Ôi, cấu trúc ngôn từ và phong cách dân tộc, địa phương khá độc đáo và đậm nét.

Cấu trúc ngôn từ trong tục ngữ Ta Ôi đa dạng, vừa được làm theo hình thức những câu ngắn, vừa được làm theo hình thức câu sánh đôi, sánh tư (thường nhiều vế)... và thường có vần (vần chân, vần lưng hoặc cả vần chân và vần lưng ở mỗi câu). Chẳng hạn, những câu ngắn có từ 4 - 10 âm tiết, có vần:

- A-úh iveang, aleang ilôi.

(Mục thì lấn, ròng thì lùi). Ở câu này, có vần lưng (iveang và aleang);

- Kaheek tôm aye,

Kahee tôm alanh.

(Sắc như cây lau/Mỏng như cây lách). Ở câu này, có vần chân (aye và Kahee)...

Hoặc những câu sánh đôi, sánh tư cũng có các vần đã nêu:

- Kăh lauq dok ôi,

Kăh hôi dok kleeu,

Kăh yang tilê chua pachooch,

Kăh ajooch rboq chua parchúng.

(Đối không tốt/Đáp không xong/Không được thần sóc về phù hộ/Không được thần vượn về chở che). Ở đây, vế 1 đi với vế 2, vế 3 đi với vế 4 từng đôi một;

- Ahooq, Talo atơơch atéh, júk jéh achop avính,

Ango, Adơơs klính klanh nhchak, jăk tanh nnai.

(A Hố, Ta Lo đan gùi rìa, rèn giũa rìu rựa/A Ngo, A Đớt kết chiếu, dệt thổ cẩm). Ở đây, Ahooq đi với Talo, Ango đi với Adơơs trong cùng vế câu và tạo thành sự đối sánh.

Trong kho tàng tục ngữ Ta Ôi có những câu không vần. Chúng đối nhau  về ý hoặc không đối, chỉ cốt đúng ý gọn. Ví dụ, về câu chỉ đối ý:

- Piloor môt phuaq,

Akut kơp môt titar

(Cá chạch quen bùn/Ếch ộp quen đá rêu);

- Chốh alưu nno atoóq,

Chốh alông nno pir

(Hoa mẫu đơn mùa hè/Hoa đỗ quyên mùa xuân)...

Hay về câu cốt đúng ý gọn:

- Pêq Lao, atao Yoan.

(Chuối Lào, mía Kinh);

- Sooch sidés, leng mpui.

(Nhọn gãy, cứng nát)...

Với tục ngữ hóa tri thức, kinh nghiệm, đạo đức thực tiễn của dân gian nên tục ngữ vừa mang phong cách toàn dân nhưng vừa mang phong cách dân tộc, địa phương. Không thể loại nào bằng tục ngữ, phong cách dân tộc Ta Ôi và phong cách địa phương (vùng, làng, xã) được biểu hiện rõ nét. Dưới đây là một số khía cạnh đặc trưng:

Đó là kinh nghiệm về thời tiết, khí hậu; về lao động, sản xuất có tính chất miền núi. Về thời tiết, khí hậu: Ajang nhcheeng kứq priu (Cá cơm bơi liệng thì lụt); Alut buq pachua avơal kooh, pooh panh dak i tu (Mây kéo về gốc núi, nước ban phát về ngọn); Chốh alưu nno atoóq/Chốh alông nno pir (Hoa mẫu đơn mùa hè/Hoa đỗ quyên mùa xuân); Kiring su parrăn ploot măt, nno atoóq/Kiring boóq kareéq  lóh măt, nno priu (Cá xanh kiếm ăn khi mặt trời lặn, mùa hè/Cá xanh dấu mình khi mặt trời mọc, mùa đông)...Về thời gian: Karư, takkoi lóh ingăi ntôp mbar/Karlooi, trakoal, trabrang ingăi mpâng kise/Kammooch păt, kalang păt la ingăi barchât bar, barchât pe, barchât poan, barchât sông (Hườm, sừng là ngày mồng 1, mồng 2/Lận, kê, neo là những ngày rằm/Mắt tổ, diều hâu lặn là những ngày hai hai, hai ba, hai bốn, hai lăm/Mịt trời là ngày cuối của tháng trăng)...Về kinh nghiệm khai thác, lao động hiệu quả: Atooq têr êr peaiq i-ar aro/Bo ti bri peaiq i-ar hưt (Nắng chang chang thì phơi lúa/Mưa lâm thâm thì phơi thuốc lá); Kop asiu asuôm ingăi/Kop tirăi karrot idău (Bắt cá tôm ban ngày/Bắt ong mật, vò vẽ ban đêm); Ivơâch ikooh iyoók dông kos talleau/Ivơâch itoóm idak dông kateau katúng (Đi rừng rú thì mang giáo, mác/Đi suối sông thì mang lưới, đơm); Are ităk room/Déng sâu ităk tapoom tapóq (Rẫy thì làm chung công chung sức/Nhà cửa thì làm nối làm liền)...

Đó là sự có mặt của các sản vật, sản phẩm gắn với địa danh tự nhiên và xã hội thuộc vùng sinh sống của người Ta Ôi. Gắn với địa danh tự nhiên: Abur aka pila pităi (Trắm gáy trê lóc); Kapbưq aténg, achéng akúp (Dúi đót, dơi hang); Lahai sasear kât achúh achear/Abur aka kât kichear kloóng (Cá lăng, cá đuối ở thác ghềnh/Cá trắm, cá gáy ở vực thẳm); Achúh tatâng, achear tatoók (Thác ghềnh, vực thẳm); Amo karơau tăk parchúh kuso/Klo tarơớm tăk parchúh moóng ngoot (Đá đỏ làm thuốc nhuộm màu đỏ/Ốc xoăn, cây tarơớm làm thuốc nhuộm màu xanh đen)...Gắn với địa danh xã hội: A-âm Tarut, hưt Chai, akai adíu Ltreang (Ngô Tarut, thuốc lá Chai, kiệu riềng Ltreang); Adoók Hoóng Quang, poang Ango (Khoai Hồng Quảng, môn A Ngo); Asiu kât Salpilúng/Pahúng kât Langa (Cá ở sông Salpilúng/Đu đủ ở thôn Langa); Kachăh Kubooi, a-ooiq ngoot Nhsao (Nếp than Kubooi, gà ác Nhsao); Akưr tarle Adên, khên tireel Ajial/Karsial karlơâiq Parngi, chichơớp biboch Chilén (Trống chiêng A Đên, khèn sáo A Diên/Đối đáp Pơ Nghi, hò ví Chi Lành); Tăk mbeen ape Pling/Tăk sing ape Parngi (Làm lưới người Pling/Làm bẫy người Parngi)...

Đó là sự tham gia của các tục lệ, truyền thống văn hóa tộc người. Khi làm nhà cửa: Nnoóng tapưng déng/Bâl séng krâm ntés/Bâl ngai pallés pallốq/A-ian bôn cha parnha súk (Khi lợp nhà/Bỏ ngoài tai sấm sét/Bỏ ngoài tai lời dèm pha/Để giàu sang, yên ấm)...Khi ốm đau: A-ăi plô kứq ikassúng/A-ăi pallúng kứq ingoch (Đau đầu thì thổi/Đau bụng thì uống)...; Khi lễ hội: Tùng tùng cheng cheng/Trai Rayok chưa hả hê/Cô gái làng chưa được về nhà/Người lớn chưa được nhận lời đặt cọc dâu rể)...

Đó là dấu tích lịch sử giao tiếp, giao thương của người Ta Ôi. Thường thấy là với người Lào, người Kinh và những tộc người lân cận vùng Trường Sơn. Thể hiện: Muíh aro Yoan, poan aro he (Một lúa Kinh, bốn lúa thượng); Pêq Lao, atao Yoan (Chuối Lào, mía Kinh); Achiang Lao, kabao Yoan (Voi Lào, bào Kinh); Chêng boi chua pian kât Yoan/Chêng apoan apoóq rôp pian kât Talo Ahooq (Hết muối về đổi ở xuôi/Hết nồi niêu đến đổi ở Talo Ahooq); Pian achiang kât Lao/Pian boi talleau kât Yoan (Đổi voi ở Lào/Đổi muối, dao ở xuôi)...

Đó còn là sự giao lưu văn hóa với người Kinh. Ala prúng i singâl (Lá rụng về cội); Vê ipơơn vê sit, vê ideang vê chăh/rna (Có thờ có thiêng, có kiêng có lành); Aluq cheet dok lôi ngkăr/Ngai cheet dok lôi nnăl kang (Hổ chết để lại da/Người ta chết để lại tiếng thơm); Băr karpéh idok a-o takkui karpéh (Vật quý dành cho người cao quý); Vơâch toi mpâiq ichom tangnai kallâng/Ăt dưnh mpâiq ichom takkui thâng ngê (Đi lâu mới biết đường dài/Ở lâu mới biết lòng người trước sau)...

Với tổng 828 đơn vị (câu) tục ngữ Ta Ôi được sưu tầm và bình giải (dịch nghĩa, giải nghĩa) tuy chưa đầy đủ nhưng đã phản ánh nhiều mặt đời sống vật chất, tinh thần của người Ta Ôi.

 

N.T.S

 

CHÚ THÍCH:

1. Xem thêm khái niệm Tục ngữ trong: Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam: Từ Điển Bách khoa Việt Nam, Tập 4, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, trang 676; Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên): Từ điển Thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992, trang 258, 259; Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường: Từ điển Văn học Việt Nam, quyển 1, NXB Giáo dục, Hà Nội,1995, trang 502, 504.

2. Theo số liệu thống kê chung qua kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2010, dân số toàn vùng dân tộc, miền núi có 29.114 hộ/105.577 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 11.827 hộ/57.438 khẩu gồm các dân tộc Ta ôi, Pa kô, Cơ tu, Bru - Vân kiều, Pa hy và 1 số bộ phận nhỏ các dân tộc khác. Con số khoảng trên 4 vạn người đã ước trừ các dân tộc Cơ tu, Bru - Vân kiều và một số bộ phận nhỏ các dân tộc khác và cộng số dân ở các huyện thuộc tỉnh Quảng Trị.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng