Văn nghệ dân gian
Miếu Bà, Miếu Cậu ở Côn Đảo, huyền thoại và hiện thực tâm linh
09:51 | 20/03/2020

TRẦN ĐẠI VINH

Miếu Bà, Miếu Cậu ở Côn Đảo, huyền thoại và hiện thực tâm linh
Miếu Bà ở Côn Đảo (nguồn: toptravels.vn)

Trong tác phẩm “Quần đảo Côn Sơn - Máu hòa nước mắt”, hồi ký của nhà văn, người tù thế kỷ Sơn Vương Trương Văn Thoại, do Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, nghiên cứu, NXB Văn học, Hà Nội, 2007 có bài viết: “Sự tích Bà và Cậu Côn Nôn” giải thích về Bà và Cậu lai lịch thế nào, mà được thờ ở đây.

Tác giả cũng cho biết là đã sử dụng tài liệu sưu tầm tại đảo và lời truyền khẩu của các bô lão thuộc hàng hậu duệ hay cựu thần còn sống sót mà ông có dịp tiếp xúc từ lúc mới ra Côn Đảo (1933 - 1934) (Bài “Bài Núi Chúa” là gì?).

Tác giả cho rằng: “Từ ngày bị thực dân đày ra đảo cuối năm 1933, ai cũng coi Bà, cậu như những vị thần linh có quyền tác tai tác phúc”.

Tác giả viết: “Bà là đức Phi Yến, không rõ là vợ thứ mấy của Nguyễn Ánh, chỉ biết tục kêu bà là bà thứ Răm. Cậu là hoàng tử Hội An, con của đức bà Phi Yến, tục kêu là hoàng tử Cải.

Tục truyền rằng: vào khoảng cuối thu năm 1785, lần thứ nhất Nguyễn Ánh đem cung quyến lên tàu ra đảo để tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn. Vì thất bại liên miên, nên ông ta có ý định sẽ đưa hoàng tử Hội An (tức hoàng tử Cải con của bà thứ Răm) sang Pháp làm con tin, để cầu viện binh với điều kiện sẽ nhường cho Pháp một vài phần đất nào đó, trong đó có chòm đảo Côn Nôn!

Nhưng đức bà Phi Yến không đồng ý về điều này (….) chỉ có mấy lời khuyên can cương trực, mà nhà vua nổi trận lôi đình (….). Nếu không nhờ các quan cận thần can gián, ắt hai mẹ con đức bà Phi Yến sẽ bị chém đầu! Tuy nhiên nhà vua vẫn còn ác ý làm khổ người vợ trẻ bằng cách sanh cầm (giam giữ) là nhốt vào động đá trong một trái núi bên kia núi Đầm.

Địa danh Hòn Bà sở dĩ mà có bắt đầu từ đó!

Sau đó có tin cấp báo: quân Tây Sơn sắp tràn ra bao vây hải đảo. Chúa Nguyễn Ánh bèn tạm chôn một số vàng và ngọc ngà châu báu để lại trên đỉnh núi Chúa rồi tức tốc cùng đám tùy tùng đem cung quyến xuống mấy chiếc thuyền chạy ra Phú Quốc (…).

Khi thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử thấy sao không có mẹ mình? Bèn hỏi thăm người kia người nọ, ai cũng thương tình hoàng tử mới lén bỏ nhỏ cho nghe, sự tình như thế...như thế!

Khi đó cậu bé này mới khóc rống lên kêu gào thảm thiết với vua cha, một là: cho hoàng mẫu cùng theo, hai là: được cùng số phận chết chung với mẹ…!

Nhà vua chẳng bằng lòng, bảo với các quan:

- Thằng nhãi con này đã tỏ ra đồng tâm hiệp ý với người mẹ phản trắc của nó. Nếu bây giờ ta không lo trừ trước biết đâu nó chẳng là một tên loạn thần tặc tử sau này?

Nói đoạn, chính tay Nguyễn Ánh nắm giò đứa con 7 tuổi ném ngay xuống biển tại Bãi Đầm Trầu (thuộc địa phận sở Cỏ Ống), còn nói thòng thêm một câu độc địa:

- Đó! Mi đã muốn thế ta cho phép mi được ở lại để được trọn niềm hiếu thảo với mẹ mi!”(1).

Riêng bà Phi Yến, theo tác giả, nhân một hôm làng An Hải mời bà sang chủ tọa cuộc làm chay, bà ngủ lại trong một phòng riêng, bị tên Biện Thi mò vào chạm đến tay bà, bà tri hô lên, sau đó bà tự chặt cánh tay, rồi nội trong đêm ấy đã liều mình tự tận để vẹn toàn danh tiết. Từ đó đền miếu thờ Bà, thờ Cậu hương lửa không ngớt.

Xét Nguyễn Phúc tộc thế phả do hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, ta thấy thế phả đã ghi được tên 21 bà phi tần và 18 hoàng tử và 18 hoàng nữ của vua Gia Long. Tất nhiên không thể có tên bà Phi Yến tức Răm và hoàng tử Cải. Vì câu chuyện này chỉ là hoang đường do dân gian truyền tụng và Sơn Vương Trương Văn Thoại thêm thắt.

Xét Đại Nam Thực lục thì thấy có ghi: Năm Nhâm Dần (1782) tháng 3, Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ vào đánh phá, vào cửa Cần Giờ. Vua sai Tống Phước Thiêm chỉ huy trận thủy binh ở Ngã Bảy thất bại. Vua đem binh thuyền tiếp ứng, đến Ngã Ba thì gặp giặc. Quân ta đánh không lại. Vua dời đi Ba Giồng. Rồi đi Rạch Giá. Lại đi Hà Tiên. Rồi đi Phú Quốc. Được tin Chu Văn Tiếp thu lại Sài Gòn, sai người đến đón xa giá trở về.

Năm Quý Mão (1783) tháng 2, Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ lại vào cướp. Quân phòng ngự thua trận. Tôn Thất Mân chết, Dương Công Trừng bị bắt, Chu Văn Tiếp thua chạy. Vua dời đi Ba Giồng, số quân không đầy 100. Mùa hạ. tháng 4 quân các đạo lại nhóm họp, chuẩn bị phản công. Nguyễn Văn Huệ được tin đem hết bộ binh đánh bừa. Quân ta thua. Vua đi Lật giang (sông Bến Lứt), cưỡi trâu để vượt sông Chanh (Đăng giang), vào đến bờ, vua đi Mỹ Tho, lấy thuyền đem quốc mẫu và cung quyến trú ở đảo Phú Quốc.

Tháng 6, vua đóng ở hòn Đá Chồng thuộc Phú Quốc. Thống suất giặc là Phan Tấn Thận thình lình đem quân đến. Cai cơ Lê Phúc Điển xin mặc áo ngự đứng ở đầu thuyền. Giặc tranh nhau đến bắt, vua bèn đi thuyền ra đảo Côn Lôn.

Mùa thu, tháng 7, Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh vây 3 vòng, tình thế nguy cấp. Bỗng mưa gió nổi lớn, bốn bề mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc.

Vua nghe tin Bá Đa Lộc ở Chan Bôn (đất Xiêm) sai người đến mời, nhờ Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh (4 tuổi) đi sứ sang Pháp, nhờ đem quân giúp đỡ.

Nguyễn Phúc tộc thế phả, dẫn tác giả Maybon trong Histoire moderne du pays d’Annam nhận định: Thế tổ bị Tây Sơn đuổi đánh thế cùng không thể nào chạy xa xuôi nhiều vòng từ Phú Quốc đến Côn Lôn, và quân Tây Sơn cũng không đủ thực lực để vây đảo đến ba vòng. Côn Lôn ở đây có lẽ chỉ đảo Kohrong trong vịnh Xiêm La, là hòn đảo nhỏ ở gần Phú Quốc.

Qua những dẫn chứng trên chưa hẳn đã có việc Nguyễn Ánh ở Côn Lôn, lại càng không có việc hoàng tử Cải và bà Phi Yến.

Vậy thực chất hòn Bà, Bà và Cậu mà cư dân Côn Đảo xưa thờ phụng là gì?

Theo Nguyễn Hữu Hiếu, trong tác phẩm “Tục thờ thần qua am miếu Nam Bộ” NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2015, thì: “…Đến thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức ghi nhận trong tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ có 4 nữ thần (Chúa Ngọc, Chúa Động, Hỏa Tinh,Thủy Tinh và hai cô (Hồng, Hạnh) được người Việt tôn thờ và nhấn mạnh rằng các vị này được gọi với tính cách tôn trọng là Bà. Đến năm 1895, Huỳnh Tịnh Của kiểm tra thấy tăng lên đến bảy Bà (Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Chúa Xứ, Chúa Động, Cố Hỷ, Thủy, Hỏa) và hai cậu (Cậu Trài, Tài, Chài, Cậu Quý) đều là con của bà chúa Ngọc.

Hiện nay dù đối tượng tín ngưỡng thờ Nữ thần trong tục thờ Nam Bộ có tăng lên hay thay đổi danh xưng, nhưng nội dung tín ngưỡng không có gì biến động lớn và tổng ảnh hưởng bao quát vẫn là Bà Chúa Xứ”.

Xét trong danh sách trên, có thể thấy 5 bà: Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Chúa Xứ, Chúa Động, Cố Hỷ thực chất là 5 danh xưng Việt của một thực thể Nữ thần mà người Chăm đã tôn thờ là Po Yang Ynư Nagar và đã được Hán Việt hóa là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi tôn thần, hay gọi tắt là Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Động hay Bà Cố Hỷ.

Theo truyền thuyết, bà có hai người con là Cậu Tài, Cậu Quý. Vậy thì Hòn Bà chính là hòn núi, hòn đảo có đền, miễu, hay di tích liên quan đến Bà. Bà chính là Bà Chúa Xứ với các danh xưng trên. Và Cậu chính là: hai Cậu, Cậu Tài và Cậu Quý.

Hiện tượng thờ Bà và Cậu của cư dân xưa ở Côn Đảo, tức cư dân hai làng Cỏ Ống và An Hải trước năm 1862 chính là việc tôn thờ này. Đó là hai thần hiệu nổi tiếng của cả dải đất Đàng Trong từ Nam sông Gianh cho đến các hải đảo của Nam Bộ.

Sau năm 1862, Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù Côn Đảo. Dân bản địa Côn Đảo là cư dân hai làng Cỏ Ống và An Hải đã được dời về sống ở Vũng Tàu. Dân mới đến Côn Đảo chỉ là lính và viên chức thuộc nhà tù Côn Đảo. Câu chuyện hoang đường lưu truyền trong viên chức và cai tù người Việt ở Côn Đảo. Dần dà về sau, lăng Cậu, miếu Cậu, miếu Bà được xây dựng, miếu An Sơn được trùng tu qui mô. Ngày nay không còn căn cứ để biết các miếu này được xây dựng khi nào, nhưng năm 1964 là đợt xây dựng qui mô, với sự phát tâm của của vợ chồng thiếu tá Tăng Tư, viên chủ tỉnh ở Côn Đảo dưới chế độ đệ nhị Cộng hòa.

Rõ ràng, trong tâm thức của người tôn tạo, miếu Bà và miếu Cậu là để thờ bà Phi Yến và hoàng tử Cải theo huyền thoại. Miếu Cậu còn được ghi tên chữ Hán là Thiếu Gia miếu.

Riêng miếu An Sơn ở phía Tây của đảo là một ngôi miếu lớn, mỗi gian thiết trí một án thờ. Án giữa đặt một tượng Mẫu, không có bài vị, lại đặt thêm phía trước một tượng gốm Thiên Hậu Thánh Mẫu (chữ viết bằng men nung). Án tả có đặt một tượng nam, phía trước lại có một bài vị gỗ màu đen chạm nổi các chữ Hán “Nam Hải cự tộc ngọc lân đại đô đốc quân tôn thần chi vị”. Bài vị này là thờ Cá Ông, từ tôn xưng cá voi của triều Nguyễn, chỉ khác bốn chữ đại đô đốc quân. Triều Nguyễn thường gọi là “đại tướng quân”. Án hữu thờ tượng một ông hoàng trẻ, khoác áo bào màu đỏ, ở lai áo có hình hoa văn sóng nước màu xanh. Miếu có hoành phi khắc bốn chữ quốc ngữ là “Oai linh nương nương”.

Với thiết trí như thế, cho phép nhận định rằng đây là một miếu Bà và hai Cậu, tức là thờ Bà Chúa Ngọc và Cậu Tài, Cậu Quí. Nhưng lại được phủ thêm một lớp tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh mẫu của cư dân người Hoa, hay chịu ảnh hưởng người Hoa. Tín ngưỡng này thờ Thiên Hậu, một nữ thần hộ trì cho cư dân lưu thông trên đường biển. Đồng thời còn có tín ngưỡng thờ Cá Ông của cư dân ven biển và hải đảo của Việt Nam, thịnh hành từ triều Nguyễn, vốn ảnh hưởng từ tục thờ cá voi của cư dân Chăm.

Bên cạnh miếu An Sơn, còn có cây thị cổ thụ, được Ban quản lí di tích chú thích là cây thị rừng. Thân cây thị này tương đương với cây thị 500 năm trong đất liền (ví dụ cây thị ở Miếu Bà làng Phước Tích, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Điều này chứng tỏ xa xưa trước thời điểm 1862, đã có một am Bà thờ Bà Chúa xứ, và cây thị là loài cây thiêng được trồng bên Miếu Bà.

Như vậy, có thể nói tập tục thờ Bà Chúa xứ đã lan đến Côn Đảo, và đã là căn cơ để hình thành nên huyền thoại về bà Phi Yến và Cậu hoàng tử.

Câu ca dao mang nhiều ẩn ngữ:

Gió đưa cây cải về trời,

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

vốn có trước trong kho tàng ca dao Việt Nam, mà năm 1914, Nguyễn Văn Mại với tác phẩm Việt Nam phong sử đã suy diễn là chỉ chuyện Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc để lại Hoàng phi Nguyễn Thị Kim chịu lắm nỗi niềm(2), lần này được suy diễn thành bà Răm và Hoàng tử Cải. Cả hai đều là cách suy diễn của người đời sau mà thôi.

Giữa chốn đảo xa là địa ngục giam cầm, giết hại biết bao người, trên vài vạn sinh linh đã bỏ mạng, nhưng chỉ còn có bảy ngàn nấm mồ, như vậy một vạn ba ngàn người tử nạn không còn có mộ. Câu chuyện hoang đường về nỗi oan khuất của hoàng tử Cải và hoàng  phi Răm hay là hồn thiêng của Bà và Cậu đã an ủi bao người. Đặc biệt là với những chúa ngục người Việt, hành vi tàn bạo mà họ phải làm, và cái chết bất khuất, bi thương của người tù cách mạng đã dần dà nhen lên trong lòng họ nỗi sợ hãi và ánh sáng của thiên lương, họ chỉ còn biết cầu cúng ơn trên, cầu cúng Bà và Cậu để cầu xin tha thứ, cầu xin phò hộ, như chính họ đã cầu xin linh hồn chị Sáu, đã nỗ lực tôn tạo, khắc bia đá vinh danh người liệt nữ.

Huyền thoại hoang đường vẫn bền vững nơi đây cũng chính là hiện thực tâm linh của con người trần thế.

 

T.Đ.V

 

 

CHÚ THÍCH:

1. Nguyễn Q. Thắng: Sơn Vương, nhà văn, người tù thế kỷ, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 2007, trang 274.

2. Nguyễn Văn Mại: Việt Nam phong sử, NXB Lao Động, Hà Nội, tái bản, 2004, trang 210.

 

 

 

 

 

Tác giả: Trần Đại Vinh
Các bài mới
Các bài đã đăng