Văn nghệ dân gian
Dấu ấn văn hóa miền Trung trong tín ngưỡng biển ở Nam Bộ
10:23 | 23/03/2020

NGUYỄN THANH LỢI

Dấu ấn văn hóa miền Trung trong tín ngưỡng biển ở Nam Bộ

Với lịch sử hình thành khoảng 300 năm, Nam Bộ là nơi hội tụ và giao lưu của nhiều dòng văn hóa khác nhau: văn hóa Hoa, văn hóa Chăm - Việt ở Trung Bộ, văn hóa Khmer, cho đến những dòng văn hóa mới sau này trong những giai đoạn khác nhau. Trong đó tín ngưỡng dân gian là những biểu hiện cụ thể nhất, còn lưu giữ cho đến tận ngày nay. Việc bóc tách những lớp văn hóa tín ngưỡng đó ở Nam Bộ thật không dễ dàng, song không phải không làm được thông qua các dấu chỉ của nó. Bài viết này góp phần chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng từ tín ngưỡng ở miền Trung lên một số dạng thức tín ngưỡng biển ở Nam Bộ.

Các ngôi đình, miếu ở Nam Bộ đều có thờ một vị thần phù hộ người đi biển. Đó là những vị thần đầu tiên của ngôi đình/miếu đó, nên còn mang sắc thái miền Trung hay ít hơn là dấu ấn miền Bắc hoặc pha tạp với văn hóa các dân tộc anh em(1). Nên ta thấy trong các cơ sở tín ngưỡng này có thờ Thiên Y Ana, Bạch Mã Thái Giám, Đại Càn, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thủy Long thần nữ, Cô hồn biển, Quan Âm Nam Hải...

Thờ cá Ông

Về nguồn gốc tục thờ cá Ông, nhiều nghiên cứu cho thấy nó xuất phát từ trong tín ngưỡng Chăm [P. Mus, Cabaton, Thái Văn Kiểm, Báo Thị Hoa]. Trong các văn bản chữ Chăm và những tục lễ dâng cúng của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Pô Riyak là một vị thần Chăm và còn là hóa thân của cá Ông được người Chăm thờ phổ biến.

Truyện cổ Chăm kể lại câu chuyện về Pô Riyak (thần Sóng biển): Ngày xưa, có chàng Eh Wa xuất thân từ nông dân nghèo, bị bọn cường hào ác bá áp bức, quyết tâm ra đi tìm thầy học đạo. Sau bao năm tháng học tập dù chưa xong, nhưng do nỗi nhớ quê nhà, chàng xin thầy cho về để giúp đỡ mọi người. Thầy không cho song chàng vẫn kết bè vượt sóng về cố hương. Bị lời nguyền rủa của thầy, đến gần đất liền Eh Wa bị phong ba bão tố, vỡ bè, chàng bị cá mập nuốt sống. Vong hồn Eh Wa nhập vào cá voi để cứu độ ngư dân khi bị nạn. Eh Wa chết vì sóng nên được người Chăm truyền tụng là Pô Riyak (thần Sóng)(2).

Các bài phúng điếu Pô Riyak trong các lễ Katê, Puis, Payak, Rija thì cho rằng thuyền ngài bị đắm, Ngài ngồi trên lưng cá “Ông” trở vào đất liền, từ chối ghé vào Pajai (Phan Rí) ngay cả bờ Cà Ná, nơi người Chăm tìm cách đâm chém và liệng đá vào cá Ông chở Ngài lên bờ. Chính vì thế Ngài phải dừng chân ở Craok Dil, tức Sơn Hải ở phía bắc Cà Ná, nơi người Chăm và người Việt lập đền thờ Ngài và phúng điếu hàng năm.”(3).

Bài tụng ca của thần Pô Riyak trong lễ cúng, cũng có đoạn nói về Pô Riyak gắn với cá Ông: “Khen cho thần Pô Rijak thật tài, lập làng người Việt trấn giữ tại vịnh/ Ngài đến đàn cá dưới biển hộ tống ngài/ Ngài đến từ đầu hôm, rủ nhau chém tưởng đàn cá/ Ngài đến lúc nửa đêm, rủ nhau chém tưởng đàn cá/ Hạ buồm cho ghe đi, vọng tiếng cười trong sóng biển (…)(4).

Dữ liệu này cho thấy thần Pô Riyak gắn liền với cá Ông và từ đó sinh ra việc thờ cúng thần Sóng Biển và cá Ông trong một số làng ven biển của người Chăm và Việt ở Ninh Thuận.

Cho đến nay, nhiều kết quả nghiên cứu khác đều cho thần Pô Riyak chính là thần Nam Hải (cá voi)(5). Phan Lạc Tuyên đã khẳng định điều này(6). Hải Liên còn cho biết rõ thêm, làng Mỹ Nghiệp thuộc huyện Ninh Phước từ lâu đã có đền thờ Pô Riyak, hàng năm đều có cúng lễ tại đền. Năm 1997, làng lập tượng Pô Riyak và làm lễ nhập linh, đưa vào đền thờ một ngày trước khi diễn ra lễ hội Richà Nưcành (9/4/1997)(7). Tại mũi Dinh (Ninh Thuận) cũng có đền thờ cá voi hay đền thờ thần Po Riyak(8).

Pô Riyak còn là địa danh Bà Rịa được phiên âm tên một nữ thần của người Chăm Po Riyak (thần sóng biển)(9).

Toan Ánh khi ghi chép về lễ hội ở Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đã ghi lại truyền thuyết nơi đây: “Tục truyền rằng cá voi là tiền thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sinh. Ngài đã hóa thân thành Ông Nam Hải đi tuần du biển Nam Hải” và “những người dân sống về biển cả đều cầu nguyện đến cá voi mỗi lần gặp nạn. Theo ngư dân ven bờ biển Bình Thuận, họ có 12 câu nguyện gọi là Thập Nhị đại nguyên. Tương truyền là của Đức Quan Thế Âm truyền cho họ để cầu lên kêu cứu với Nam Hải Đại Vương trước mọi tai nạn”(10). Lăng ông Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu) vẫn còn lưu giữ bức tranh mô tả Phật Quan Âm tuần du đại hải, ban phép “thâu đường” để cá Ông cứu người bị nạn trên biển trong truyền thuyết dân gian ở ven biển miền Trung về nguồn gốc cá voi. Như vậy, cách giải thích về nguồn gốc cá Ông theo quan niệm của Phật giáo ở Bình Thuận (miền Trung) và Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang (Nam Bộ) là tương đồng nhau.

Sơn Nam đã chỉ ra nguồn gốc của nhiều tập tục ở miền Trung được du nhập vào Nam Bộ: “Tục thờ cá Ông, tục thờ Bà Cậu phổ biến ở nghề chài lưới ở Bình Định, Phú Yên cũng được đưa vào đất Đồng Nai” (được hiểu là chỉ vùng đất Nam Bộ)(11).

Sắc phong cá Ông ở đình Lý Nhơn (đình Nam Tiến, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) là bằng chứng vật chất rõ nét cho thấy mối quan hệ trong việc dịch chuyển tín ngưỡng này từ miền Trung vào Nam Bộ. Đình vốn trước đây là miếu Thủy thần của đội Trường Đà, đội thủy quân giang cảnh của nhà Nguyễn. Đội Trường Đà được lập từ thời chúa Nguyễn để chở hàng hóa, lương thực cho quân đội. Đến năm 1865, dưới triều Tự Đức, đoàn thuyền này vận chuyển cả hai miền Nam Bắc. Làng Lý Hòa và làng Cảnh Dương (Quảng Bình) được tuyển chọn thành lập một đoàn lấy tên là Dương Hòa với 50 chiếc(12). Hiện đình còn sắc phong Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, mỹ tự Từ Tế chi thần cấp năm 1825, một trong những đạo sắc thần sớm nhất ở thành phố Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ và có lẽ là sắc duy nhất phong cho cá voi trên địa bàn thành phố còn bảo quản được(13).

Các lễ thức cúng cá Ông ở Nam Bộ về đại thể cũng không khác ở Nam Trung Bộ.

Bản văn tế cá Ông ở Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn dĩ do những ngư dân ở vạn Phú Long (xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) mang vào, do dân cư ở đây có nguồn gốc từ Quảng Ngãi. Trong bài văn tế đó có cả vị thần trong tín ngưỡng Chăm ở miền Trung là Thiên Y Chúa Ngọc(14).

Lăng Ông Long Hải sử dụng bản chèo gốc của vạn Thủy Tú (Phan Thiết). Cúng lăng ở Phước Hải, Phước Tỉnh thường thỉnh đội chèo ở Dinh Cô và sử dụng bản chèo mới sau này.

Một số địa phương ở Nam Bộ trong lễ cúng cá Ông vẫn có loại hình hát bả trạo(15).

Từ nam đèo Hải Vân vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu, các bản chèo này đều giống nhau, dùng để diễn xướng trong các lễ đưa đám cá voi, mở đầu mùa cá theo một hình thức trình bày mang tính chất hát bội rõ rệt(16). Từ Bà Rịa - Vũng Tàu trở về đến Kiên Giang chỉ có một số địa phương còn bảo lưu loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc này: Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu), Long Hải [sử dụng bản chèo gốc của vạn Thủy Tú (Phan Thiết, Bình Thuận)], Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) cách đây hơn 30 năm còn có lệ hát bả trạo(17); xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), xã Trung Bình (huyện Long Phú, Sóc Trăng). Trong đó, hai địa điểm sau là do ngư dân miền Trung mang vào. Ở xã Tân Ân, trong dịp cúng cá Ông còn có sự hiện diện của một số ngư dân đến từ các tỉnh miền Trung, từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đang đánh bắt trên ngư trường Cà Mau. Lễ hội cá Ông ở xóm Cồn (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) trước đây thường có hát bả trạo, nhưng khoảng 30 - 40 năm trở lại đây đã thất truyền. Tuy nhiên, tại đây có hát bài chòi trong dịp cúng cá Ông lại do những ngư dân gốc Bình Định mang vào(18).

Từ nguồn gốc tục thờ cá Ông qua quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm, đến các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng (bả trạo, bài chòi), nguồn gốc dân cư, sự tham gia của cộng đồng ngư nghiệp đã cho thấy dòng chảy của tín ngưỡng này từ miền Trung vào đến Nam Bộ.

Thờ Đại Càn

Đình Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) có 12 sắc phong cho các thần Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, Thiên Y Ana, Thủy Long thần nữ, Đại Càn quốc gia Nam Hải(19), chứng tỏ đây là một cơ sở tín ngưỡng chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa biển với các vị thần có gốc từ miền Trung. Các đình trên huyện đảo Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá (Vĩnh Thanh Vân, Kiên Giang) đều có thờ Đại Càn và có sắc phong riêng mà nguồn gốc dân cư trên đảo cũng từ Trung Bộ.

Tứ vị thánh nương từ một vị phúc thần biển ở Nghệ An vào đến Nam Bộ đã trở thành vị thần bảo hộ dân chài lưới nơi đồng bằng, thể hiện rõ nét nhất ở khu vực Đồng Tháp Mười hoặc của vạn chài ở nơi nay đã đô thị hóa (TP. Hồ Chí Minh). Nó ngược với quá trình tiến ra biển của cư dân đánh cá sông ở Bình Định, để tiếp nhận thần Po Riyak đã được Việt hóa thành Tứ vị thánh nương.

Đình Nam Chơn (gốc làng Chơn Sảng(20), huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam), đình Sơn Trà, đình Phú Hòa Vạn (xóm Vạn Chài, Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), vốn là cư dân gốc từ một làng chài ven biển Đà Nẵng di cư vào Sài Gòn sau năm 1859. Vào đến đây, họ chỉ là một bộ phận nhỏ làm nghề đánh cá sông thuộc xóm Vạn Chài, sát mé sông Cầu Bông. Họ đã đem toàn bộ tín ngưỡng từ miền Trung vào với 5 sắc thần vào năm Tự Đức thứ V (1852). Năm vị thần đó là Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (công thần thời Nguyễn, gắn bó với vùng Thuận Quảng), Cao Các Quảng độ Đại vương (thần núi, tên gọi phổ biến là Cao Sơn Đại vương, tức thần Tản Viên), Diễn Ngọc phi Thiên Y Ana (thần Po Nagar của Chăm), Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương, Quan Thánh đế quân (Quan Vân Trường). Vì có cùng nguồn gốc Quảng Nam, nên văn tế thần trong dịp cúng kỳ yên ở khu vực này (Tân An, Hòa Mỹ, Phú Hòa, Sơn Trà) đều giống nhau, hương án thờ thần ở các đình này đều có bài vị Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương hay Đại Càn quốc gia Nam Hải tướng quân(21).

Binh Đại Càn là một loại cô hồn biển, khá phổ biến ở Nam Bộ, liên quan đến truyền thuyết về Tứ vị Thánh nương ở cửa Cờn (Nghệ An)(22). Còn thủy đạo trường sa cũng là một loại âm binh trên mặt biển. Trong ký ức của những người dân Nam Bộ về những ngày đầu khẩn hoang từ miền Bắc, miền Trung vượt biển vào đây. Trên hành trình di cư bằng đường thủy, họ đã gặp không biết bao nhiêu phong ba bão tố, có người thiệt mạng giữa biển khơi. Hồn xác không còn và thân nhân lấy ngày ra đi làm giỗ và họ gọi những người ấy đã gia nhập vào đội thủy đạo trường sa. Nghi lễ rước vong hồn đường biển, đường sông là một dấu ấn khá đặc trưng trong tín ngưỡng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sợi dây buộc theo mảnh giẻ được Nguyễn Chí Bền giải thích là một dạng “hèm”, có liên quan đến truyền thuyết cá Ông, được sinh ra từ tấm lòng của Phật Bà Quan Âm trong lễ hội Nghinh Ông ở Bình Thắng (huyện Bình Đại, Bến Tre), thực ra đó là nghi thức vớt vong cô hồn đường thủy trong khoa nghi của nhà Phật (thủy đạo trường sa). Chiếc giẻ đó chính là hình ảnh “rút gọn” của 12 gút dây tượng trưng cho 12 chi, được kéo trên biển để các vong hồn theo đó mà về(23).

Thờ Thiên Y A Na và Bà Cậu

Cư dân vùng sông nước ở Tây Nam Bộ rất tin thờ Bà Cậu, nhất là những người làm nghề chài lưới (họ gọi là nghề Bà Cậu), dịch vụ nghề cá, buôn bán đường sông.

Trong cuốn sách Nghề Bà Cậu văn hóa đánh bắt ở An Giang, Nguyễn Hữu Hiệp viết: “Mà Bà Cậu là ai? Thần tích như thế nào? Theo Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Bà Cậu (trong mục từ “Bảy bà ba cậu”) (NTL nhấn mạnh) là: “Bà chúaTiên, bà chúa Ngọc, bà chúa Xứ, bà chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa; cậu Trày, cậu Quí đều là con bà chúa Ngọc, làm bạn với một vị thái tử Trung Quốc mà đẻ ra tất cả đều là thần quỷ hay họa phước; còn có cậu Lý, cậu Thông, nói theo vần kể có ba cậu. Về hai người sau không rõ sự tích”. (Có nơi thờ năm bà hai cậu - tuy có khác về số lượng nhưng chủ thể vẫn là Bà và Cậu”(24). Thực ra, Huỳnh Tịnh Của không hề nhắc đến Bà Cậu trong cuốn sách trên, mà ông chỉ giải thích thành ngữ “Bảy bà ba cậu” theo nội dung Nguyễn Hữu Hiệp đã trình bày!(25).

Theo truyền thuyết ở miếu Tắc Cậu: vào thế kỷ X, đời nhà Tống (Trung Quốc), một công tử vượt biển sang An Nam buôn bán lâm sản. Có hai vợ chồng lão nông làm nghề trồng dưa đã lớn tuổi nhưng chưa có con. Rẫy dưa của hai vợ chồng hay bị hái trộm, sau bắt được cô gái trùm trong lốt da cừu hái dưa và nhận làm con nuôi. Ông lão đặt tên cho cô gái là Y-A-Na (nghĩa là Ngọc). Nghe tiếng dồn về cô gái hiếu thảo, xinh đẹp, chàng công tử tìm đến cầu hôn. Ở đất người, họ có với nhau 3 đứa con trai. Nhớ nhà, nhân lúc chàng đi vắng, nàng dắt các con trở về quê cũ.

Bốn mẹ con bị bão dữ đắm thuyền đều chết trên biển. Xác Y - A - Na trôi vào vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Bà hiển linh được phong thần, dân lập miếu thờ, giỗ ngày 23/3 âm lịch. Cậu Cả trôi vào mũi Né (Phan Thiết), hiển linh được dân cất miếu thờ Cậu, phù trợ cho người đi biển. Xác cậu Hai và cậu Út trôi về biển phương Nam, người anh trôi đến đảo Phú Quốc, người em Út trôi vào vàm sông Cái Lớn. Người dân Phú Quốc lập dinh thờ Cậu. Cậu Ba réo gọi em về với mình. Cậu Út đi tìm anh nhưng mắc kẹt mảnh ván ở sông không đi được. Cậu Út đạp đồng lên bảo dân chúng phải đào tắt một con kinh từ sông Cái Lớn qua sông Cái Bé. Dân chúng đào kinh và lập miếu thờ Cậu tại đây, tôn làm thủy thần sông Cái Lớn.

Giữa tháng 3 âm lịch, biển từ Nha Trang đến tận mũi chính Nam có sóng to gió lớn, đó là ngày ba anh em Cậu kéo về giỗ mẹ. Vào giữa cuối tháng 7 âm lịch, biển phía Tây dậy sóng, là lúc cậu Út đi thăm anh. Vị thần này tuy tuổi còn nhỏ nhưng hay nghịch ngợm, nên tạo ra sóng xoáy, sóng ngầm ở khu vực này(26).

Có thể xem đây là một dị bản của truyền thuyết về Thiên Y Ana ở Am Chúa (Diên Khánh, Khánh Hòa) với những biến thể của nó, để giải thích sự hiện diện các miếu Cậu ở Nam Bộ như dinh Cậu (huyện Hàm Tân), dinh Cậu gần núi Ông (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng có miếu Cậu gắn với truyền thuyết Bà Phi Yến, chính là “sự đứt gãy của mạch tín ngưỡng dân gian, mà nguồn gốc vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana, thờ cá Ông được thể hiện rõ nhất qua tín ngưỡng thờ Bà Cậu trong 2 ngôi miếu và mộ do những xáo trộn của những lớp cư dân bởi những lần chuyển cư cưỡng bức trong lịch sử của hòn đảo này(27).

Về truyền thuyết bà Phi Yến, một nhân chứng vào thời điểm năm 1968, đã xác thực lại câu chuyện đó, do sự đồng nhất bà Phi Yến với tín ngưỡng thờ Bà Cậu vốn quen thuộc ở cư dân sông nước: “Phạm nhân trên đảo ngày xưa bảo nhau rằng: Cánh tay bà chỉ con đường vượt đảo “Thuyền hay bè dạt ra được khỏi bãi phía tây của đảo, cứ nhắm theo hướng cánh tay bà chỉ, cố ra khỏi tầm hỏa lực của đạn đạo đại bác, thì sẽ thấy phương hướng về nội địa”. Dân ở trên đảo dầu không rõ lai lịch của bà như thế nào vẫn tin thưởng sùng kính bà. Lời thề độc nhất ở trên đảo là thề với “Bà Cậu”, và gặp cảnh khổ người ta thường van vái xin “Bà Cậu che chở(28).

Truyền thuyết Dinh Cậu (Phú Quốc, Kiên Giang) cho thấy ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thiên Y A na ở miền Trung cũng như mối quan hệ với các nữ thần ở Nam Bộ. Đền thờ ở mũi Ông Cọp gọi là Dinh Cậu nổi tiếng linh thiêng. Dân chúng trên đảo chịu sự cai quản của Thủy Long Thần Nữ, thường gọi là Bà Chúa Đảo hoặc Bà. Chồng Bà là Đông Hải tướng quân. Hai người có một người con, dân hạ bạc gọi là Ông Cậu, hay nổi giận bất tử.

Tuy gọi là Dinh Cậu nhưng bài vị ở chánh điện lại ghi là Chúa Tiên Nương Nương, biểu hiện sự xâm nhập mạnh mẽ của tín ngưỡng Thiên Y Ana vào vùng đất phía Nam qua hình thức mới là tín ngưỡng Bà Cậu. Bà Thủy Long vùng U Minh là một dị bản của bà Chúa Ngọc (Thiên Y Ana) dù trong miếu thờ bài vị ghi “Chúa Ngọc Nương Nương” nhưng người dân vẫn gọi đó là bà Thủy(29).

Sự tích về Bà Chúa Hòn ở xã Lại Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) cho biết: một phụ nữ lên núi Hòn Ngang đốn củi, để hai con trai mình dưới chân núi. Thần núi không đồng ý cho bà đốn củi nên nổi giông bão. Bà nguyện hiến thân mình sau khi đốn củi xong. Đến chiều, hai người con chờ mãi không thấy mẹ, bèn lên núi tìm, thấy mẹ bị cây ngả đè chết, liền khóc thét và chết theo mẹ(30). Có thể đây là dị bản về truyền thuyết của Thiên Y Ana đã được “địa phương hóa” cho phù hợp với điều kiện sinh thái nơi đây.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu có miếu Bà Chúa Xứ ở Phước Tỉnh, miếu Bà Chúa Ngọc ở Hồ Tràm (đã bị chiến tranh tàn phá) của cộng đồng ngư dân ở các vùng biển này, cho thấy tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana cũng đã có mặt nơi đây(31).

Thờ Bà Cố Hỷ

Chúa Động Nương Nương (Bô Bô đại vương), một nữ thần Chăm, gốc ở Trung Bộ, bảo hộ cho nghề làm rừng, từ Bình Thuận theo đường biển đến Bà Rịa - Vũng Tàu, cho nên các vùng ven biển như xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), Bà Rịa, Cần Giờ…đều có miếu thờ, ngày vía là 15/3 âm lịch. Chúa Động Nương Nương được thỉnh nhắc trong văn tế ở Dinh Cô (Long Hải)(32).

Về Bà Cố Hỷ, Vương Hồng Sển viết: “tên một vị nữ thần vùng Bà Rịa, trước đây dân rất kiêng sợ, không dám gọi đến tên, nhưng từ ngày khoa học tiến bộ, đã lùi vào dĩ vãng(33). Miếu thờ Cố Hỷ Phu Nhân nằm ở núi Cố (Bà Rịa), thường gọi là dinh Cố.

Ở Trà Vinh, bà thường được biết với tên gọi bà Cố Hỷ, Cố Hỷ Tiên Phi, trong văn tế ghi là Thượng Động Cố Hỷ Thánh Nương Nương. Trong miễu bà Cố Hỷ ở Ba Động cốt tượng Thượng Động Cố Hỷ đặt bên trái gian thờ Chúa Xứ Nguyên Nhung, linh vị ghi “Thượng Động Cố Hỷ”, bao lam khắc chữ Thọ, dưới tiền bàn có câu tán “Hiển hách uy linh”.

Theo Sơn Nam thì tục thờ này đã ghi trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Bình Thuận), vùng biển Trà Vinh nay có địa danh Ba Động, chứng tỏ dân đi khẩn hoang đợt đầu đến vùng biển này là từ Bình Thuận vào và mang theo tập tục này.

Ở Trà Vinh, Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương phù hộ cho ngư dân đi chài lưới và đánh bắt ở vùng biển khơi. Ngôi miếu ở vùng biển ấp Ba Động (xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) được gọi là Lầu Bà Cố Hỷ, xây dựng từ rất lâu đời.

Lầu Bà Cố Hỷ thờ bà Triệu Thị Trinh. Truyền thuyết kể rằng: xưa kia có 2 sắc phong cho hai anh em bà Triệu (Triệu Thị Trinh và Triệu Quốc Đạt) bị trận bão lớn từ Bắc trôi dạt vào nơi đây, nhân dân đưa 2 lá sắc ra biển nhưng vẫn lại trôi tấp trở vào, nên người dân ở đây cử người ra Thanh Hóa và lấy kiểu đền thờ bà Triệu Thị Trinh về đây xây cất và thờ cúng.

Trong lầu Bà Cố Hỷ có các tượng cốt bà Cố Hỷ, bà Chúa Xứ, bà Thủy, bà Hỏa. Miếu Bà Chúa Xứ ở thị trấn Cầu Ngang cũng phối thờ bà Cố Hỷ(34). Ở Trà Vinh có 10 vị trí miễu hoặc từng có miễu thờ bà Chúa Động, bà Cố Hỷ…chủ yếu là ở các xã ven biển(35).

Trên vùng biển huyện Kiên Hải (Kiên Giang), bà Chúa Thượng/bà Chúa Thượng Động được thờ trong hang động trên xã đảo Lại Sơn (hòn Sơn Rái)(36), xã Hòn Tre có miếu bà Chúa Thượng Động. Miếu bà Chúa Thượng còn được người dân nơi đây gọi là bà Chúa Hòn(37).

Thờ cô Lê Thị Hồng Thủy

Dinh Cô (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) thờ cô Lê Thị Hồng Thủy, theo cha từ Phan Rang vào Gia Định buôn bán(38). Khi thuyền đi ngang vùng biển này thì gặp bão, cô bị rớt xuống biển và xác trôi dạt vào vũng Mù U. Sách Đại Nam nhất thống chí khi nói về núi Thùy Vân chép: “Ngoài đỉnh có ngọn thần Nữ Phong, tục gọi là mỏm Dinh Cô có gò đá đụn cát. Xưa có người con gái 17, 18 gặp nạn gió táp vào chết dạt ở đấy. Thổ nhân đem chôn và đêm sau người ta mộng thấy nữ nhân ấy từ đó bay đến giúp đỡ cho mọi người. Người ta cho là thần nên lập đền thờ nơi núi, nay vẫn còn”(39) Khu vực này vốn thủy văn không thuận tiện trên con đường mậu dịch của các lái buôn ghe bầu đã được ghi nhận là Đi qua Giáp Nước Vũng Tàu phải ghê trong bài Vè các lái (hát ra)(40).

Trong lễ hội Nghinh Cô cũng có hát bả trạo, với nguồn gốc dân cư ở đây đến từ các tỉnh Nam, Ngãi. Điều này cho thấy gốc tích của nhân vật này từ miền Trung và xa hơn là phảng phất tín ngưỡng thờ những nhân vật chết trôi vốn rất phổ biến ở miền Trung hay là tín ngưỡng thờ cô hồn biển(41). Ngày nay, trong lễ hội Nghinh Cô không chỉ có ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự mà còn có cả ngư dân đến từ Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí, Phan Thiết (Bình Thuận) cho đến Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh, Cà Mau, Rạch Giá...tham dự(42).

Trong lễ hội Dinh Cô ở Long Hải, ngoài đối tượng thờ tự chính là Long Hải Thần Nữ Bảo An Chính Trực Nương Nương (Lê Thị Hồng Thủy) còn có Chúa Động, Long Cung Thủy Mẫu Nương Nương, năm bà Ngũ Hành, cô Hồng, cô Các và hai vị công tử của nữ thần Chăm (Pô Inư Nagar) là Hiển Châu và Hiển Bửu (tức cậu Tài/Chài và cậu Quý)(43). Bà Chúa Động (Bà Cố Hỷ), Pô Inư Nagar đều là những vị thần có gốc ở miền Trung.

Lễ Tống ôn

Một tập tục liên quan đến tín ngưỡng của cư dân vùng biển Nam Bộ có nguồn gốc từ tín ngưỡng miền Trung đó là lễ Tống ôn. Lễ Tống ôn (Tống phong) diễn ra tại miếu Bà, miếu Thần Hoàng ở xã Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) vào ngày 9 - 10 tháng giêng. Lễ tống ôn đầu năm của người Chăm và cư dân Vàm Láng đều có nghi lễ thả thuyền giấy, trên đó có hình nhân và biểu hiện của 12 con giáp trong năm. Họ đều có chung quan niệm là tống tán xui xẻo của năm cũ, cầu mong an bình trong năm mới(44).

Trong lễ hội biển truyền thống hàng năm ở thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) diễn ra vào các ngày 10 - 12/5 âm lịch có thực hiện nghi thức “tống ôn, tống phong” với mục đích tống trừ tà ma, dịch bịch trên ra biển bằng những vật tế để trên con tàu để mong các âm hồn không quấy phá người dân. Nghi thức Quan Thánh Đế Quân tiểu trừ tà ma trong lễ hội này kế thừa từ lễ Cầu ngư ở miền Trung(45). Rõ nét nhất là lễ hội Làm chay ở thị trấn Tầm Vu (huyện Tân Trụ, Long An). Ngay trong cúng việc lề ở Nam Bộ cũng có nghi thức tống ôn, tống phong thông qua việc thả thuyền trên bè chuối.

Các làng biển ở miền Trung đều có nghi thức tống ôn, tống phong, nhưng qui mô nhất vẫn là lễ hội Long chu ở Hội An (Quảng Nam) với hình thức rước linh đình trên đường phố. Ngay ở lăng Bà Thiên Y Ana (phường Nam Thọ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng diễn ra lễ tống ôn(46).

Làng biển Nhượng Bạn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), hội Đám chay tổ chức 3 năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ; với mục đích “cầu siêu, cứu vớt cho những vong linh lang thang trôi giạt trên biển do bị đắm thuyền lúc sóng to gió lớn”(47).

Ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), trường hợp đối với một số tộc họ có người đi lính Hoàng Sa thì gọi là “cúng thế lính”, nhưng đối với một số tộc họ khác thì là hình thức “cúng tống ôn”, gắn liền với nghi thức cúng cầu an cho dòng họ(48).

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn có nghi thức làm “hình nhân thế mạng” bằng bột gạo hay đất sét; làm thuyền bè bằng thân cây chuối để tiễn đưa các vong hồn ra biển, tương tự như lễ Rija Nagar và lễ Paralao Rija Basah ở cửa biển của người Chăm hàng năm, nhằm tống khứ những điều xấu xa, xui rủi của năm cũ, cầu năm mới được bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá(49).

Lời kết

Do điều kiện lịch sử và văn hóa, Nam Bộ đã kế thừa và tiếp thu những “hạt giống” văn hóa từ Trung Bộ, mà biểu hiện rõ nét ở tín ngưỡng biển. Vào đến vùng đất mới, quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa đó diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến các lớp tín ngưỡng chồng xếp lên nhau, tạo ra những biến thiên khác nhau. Việc xác định yếu tố “gốc” hay những ảnh hưởng của nó đến các tín ngưỡng nơi đây thật không dễ dàng, nhưng có thể nhận diện ra qua những dấu chỉ về nguồn gốc dân cư, thực hành tín ngưỡng, truyền thuyết, thần hiệu, cơ sở thờ tự...Việc lần theo các “dấu vết” đó để dựng lên bức tranh đầy đủ, chân xác của tín ngưỡng ở Nam Bộ là rất cần thiết để hiểu diện mạo của văn hóa Nam Bộ, và có ý nghĩa về mặt lý luận đối với sự giao lưu văn hóa giữa Nam và Trung Bộ. Qua đây cũng thấy được sự thích ứng sáng tạo của những lớp cư dân Nam Bộ trong việc tiếp nhận các giá trị văn hóa tín ngưỡng từ miền ngoài, cộng sinh với văn hóa bản địa để tạo nên các thần linh mới nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình trên cơ sở “mạch nguồn” từ Trung Bộ.

 

N.T.L

 

CHÚ THÍCH:

1. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường (1993), Đình Nam Bộ tín ngưỡng và nghi lễ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, trang 36.

2. Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Sử Văn Ngọc, Trượng Tốn (2000) (dịch, biên soạn, tuyển chọn), Truyện cổ dân gian Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, trang 59 - 62.

3. Báo Thị Hoa (2005), Giới thiệu tác phẩm Ariya Pô Riyak, Tạp san Vijaya, Hội Bảo tồn văn hóa Champa, USA, số 5, tháng 10, trang 131 - 132.

4. Sakaya (2004), Lễ hội của người Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, trang 324 - 327.

5. Phan Lạc Tuyên (1978), Nông nghiệp cổ truyền của đồng bào Chăm Thuận Hải trong Những vấn đề dân tộc học miền Nam Việt Nam, Ban Dân tộc học, Viện Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh, trang 21; Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, trang 209.

6. Phan Lạc Tuyên (2006), Sđd, trang 21; Tạ Chí Đại Trường (2006), Sđd, trang 209.

7. Hải Liên (1999), Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm ở Ninh Thuận, Viện Âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, trang 26.

8. Nguyễn Đình Tư (1974), Non nước Ninh Thuận, Sống Mới xb, Sài Gòn, trang 52.

9. Phan Đăng Nhật (2006), Bàn về yếu tố sông nước trong nghi lễ Chăm trong Văn hóa sông nước miền Trung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 413 - 414.

10. Toan Ánh (1993), Nếp cũ Hội hè đình đám, Quyển hạ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, trang 131 - 133. Về sau, Lê Quang Nghiêm trong Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa (Sài Gòn, 1970) cũng ghi lại một truyền thuyết tương tự như vậy. Bộ sách trên của Toan Ánh được in lần đầu ở Sài Gòn vào năm 1969, do Nam Chi tùng thư xuất bản.

11. Sơn Nam (1985), Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, trang 22.

12. Văn Lợi, Nguyễn Tú (2001), Địa chí văn hóa miền biển, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, trang 108.

13. Nguyễn Thanh Lợi (2003), Thờ cá voi ở thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, trang 53 - 54.

14. Trần Hồng Liên (chủ biên) (2004), Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 105, 107.

15. Hát bả trạo còn có những tên gọi là hò bả trạo, hò bá trạo, hò chèo cạn,hò rước Ông, hò tiễn Ngãi, hò đưa linh, chèo Cầu ngư, chèo bả trạo, hát bạn chèo đưa Ông, múa bả trạo, hát múa bả trạo...là hình thức diễn xướng dân gian khá phổ biến của cư dân miền biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận, bắt nguồn từ tục thờ cá voi (cá Ông). (Nguyễn Thanh Lợi (2014), Hát bả trạo của cư dân ven biển miền Trung trong Nhiều tác giả (2014), Nghệ thuật âm nhạc phương Đông: bản sắc và giá trị, Kỷ yếu hội thảo, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trang 279).

16. Tạ Chí Đại Trường (1989), Thần, người và đất Việt, Văn nghệ xuất bản, California, USA, trang 265.

17. Phan An, Nguyễn Thị Nhung (2002), Một số tập tục kiêng kỵ và thờ cúng cá voi của ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Dân tộc học, số 5, trang 39.

18. Nguyễn Bình Phương Thảo (2014), Tín ngưỡng của cư dân các làng chài huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, Luận văn thạc sĩ Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, trang 47 - 48.

19. Phạm Chí Thân, Nguyễn Cẩm Thúy (chủ nhiệm) (2000), Di sản Hán Nôm trong các di tích lịch sử - văn hóa Bà Rịa - Vũng Tàu, Đề tài khoa học của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trang 122 - 135.

20. Sắc thần thôn Chơn Sảng (Quảng Nam) hiện được thờ ở đình Nam Chơn.

21. Huỳnh Ngọc Trảng (1998), Tín ngưỡng dân gian Gia Định - Sài Gòn trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Tập IV, Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng (chủ biên), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, trang 72, 91.

22. Xem Nguyễn Thanh Lợi (2010), Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 trang 31 - 41.

23. Nguyễn Chí Bền (1997), Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 93.

24. Nguyễn Hữu Hiệp (2015), Nghề Bà Cậu văn hóa đánh bắt ở An Giang, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 17.

25. Nguyễn Thanh Lợi (2015), Theo dòng văn hóa dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 27.

26. Nguyễn Thị Diệp Mai (2011), Sắc thái văn hóa sông nước vùng U Minh, Nxb Dân trí, Hà Nội, trang 193 - 196.

27. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Lễ hội Bà Phi Yến-từ truyền thuyết đến hiện thực trong Nhiều tác giả, Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

28. Nguyễn Văn Vệ (1968), Quần đảo Côn Lôn, Đặc khu Côn Sơn, trang 23.

29. Nguyễn Diệp Mai (2011), Sđd, trang 172, 177-178.

30. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trang 389.

31. Đinh Văn Hạnh, Phan An (2004), Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang 179 - 180.

32. Xem thêm Nguyễn Thanh Lợi (2015), Tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 69, trang 48-54.

33. Vương Hồng Sển (1993), Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, trang 325.

34. Hoàng Tuấn, Lầu Bà Cố Hỷ, Báo Văn hóa Trà Vinh,

http://www.dulichtravinh.com.vn/index.php/du-lich/cac-diem-tham-quan/577-lau-ba-co-hy.

35.Trần Dũng, Tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ hội miễu ở Trà Vinh, http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=2072.

36. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Sđd, trang 400.

37.  Đảng bộ huyện Kiên Hải (2010), Lịch sử huyện Kiên Hải, trang 36.

38. Có sách nói Cô tên Lê Thị Hồng, tục là Thị Cách, quê ở Tam Quan (Bình Định) (Phan Thị Yến Tuyết (2014), Sđd, trang 401).

39. Quốc sử quán triều Nguyễn (1973), Đại Nam nhất thống chí, Tập thượng, Nguyễn tạo dịch, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, Sài Gòn, trang 16.

40. Thạch Phương, Ngô Quang Hiển (1994) (sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu), Ca dao Nam Trung Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 444.

41. Trong tín ngưỡng của Nhật Bản, ngư dân rất tôn thờ Phật trôi. Đó là những tử thi chết đuối trôi dạt từ nơi khác đến, nếu gặp được xem là may mắn lớn trong đánh bắt, nên ngư dân thường đối xử rất hậu với Phật trôi. (Chu Xuân Giao (2008), Mấy vấn đề về làng chài và nghiên cứu làng chài ởNhật Bản từ góc nhìn văn hóa dân gian trong Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, trang 411). Xem thêm phần viết về những ngư dân chết mất xác giữa biển trong Phan Thị Yến Tuyết (2014), Sđd, trang 359 - 340; Nguyễn Thanh Lợi (2014), Tục thờ cô hồn biển ở Nam Trung Bộ trong Một góc nhìn về văn hóa biển, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, trang 283 - 312.

42. Đinh Văn Hạnh, Phan An (2004), Sđd, trang 158 - 159.

43. Huỳnh Ngọc Trảng, Biển thiêng ơi...Tuổi trẻ chủ nhật, số 12, ngày 26/3/2000, trang 10-11.

44. Trần Hồng Liên (chủ biên) (2004), Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 240, 243 - 244.

45. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Sđd, trang 379.

46. Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam Đà Nẵng, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, trang 169, 423.

47. Nguyễn Trí Sơn (2008), Hò chèo cạn và hội Đám chay, nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc ở làng biển Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh trong Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, Sđd, trang 163.

48. Phan Đình Độ (2008), Tín ngưỡng cúng việc lề của cư dân ở đảo Lý Sơn trong Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, Sđd, trang 255.

49. Sakaya, Amasaty (2015), Champa - Việt Nam trên con đường tơ lụa ở biển Đông, Nghiên cứu văn hóa Chăm, số 4, trang 59.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Chí Bền (1997), Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa & nay, Nxb Đồng Nai.

3. Tạ Chí Đại Trường (2000), Thần, người và đất Việt (bản mới, có sửa chữa), Tạp chí Văn học xb, Califonia, USA.

4. Nguyễn Duy Thiệu (2002), Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Nguyễn Đăng Vũ (2003), Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.

6. Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ (khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc), Viện Văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

7. Trần Hồng Liên (chủ biên) (2004), Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Đinh Văn Hạnh, Phan An (2004), Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

9. Nhiều tác giả (2008), Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

10. Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

11. Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam Đà Nẵng, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

12. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội - kinh tế - văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

13. Nguyễn Thanh Lợi (2007), Nói thêm về nguồn gốc tục thờ cá Ông, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5.

14. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn về văn hóa biển, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

15. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Tín ngưỡng thờ cá voi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Bảo tàng & Nhân học, số 2.

16. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Thần linh biển ở Nam Bộ trong Nhận diện và phát huy các giá trị tài nguyên biển đảo phục vụ phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

17. Nguyễn Thanh Lợi (2015), Tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 69.

18. Nguyễn Thanh Lợi (2015), Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

19. Nguyễn Hữu Hiệp (2015), Nghề Bà Cậu văn hóa đánh bắt ở An Giang, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

20. Nhiều tác giả (2015), Văn hóa biển đảo nguồn lực phát triển bền vững, Kỷ yếu hội thảo quốc gia, Nxb Lao động, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng