Văn nghệ dân gian
Tín ngưỡng dân gian các làng biển Bình Trị Thiên
09:16 | 25/03/2020

TRẦN HOÀNG

Tín ngưỡng dân gian các làng biển Bình Trị Thiên
Ảnh minh họa (Internet)

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là 3 tỉnh vùng duyên hải nằm liền kề nhau nơi khúc ruột miền Trung. Dải đất này kéo dài từ vĩ độ 180,05’30”B xuống vĩ độ 150,39’30”B, ngăn cách với xứ Nghệ bởi đèo Ngang và với xứ Quảng bằng đèo Hải Vân. Dọc bờ biển, trên các triền cát trắng, cát vàng, từ hàng trăm năm trước đã hình thành nên nhiều làng quê thuần ngư hoặc ngư nông. Văn hóa dân gian các làng biển bao gồm nhiều thành tố làm nên sắc thái của văn hóa các làng quê là tín ngưỡng dân gian.

Khác với cư dân sống lâu đời ở vùng đất xứ Nghệ, xứ Thanh, xứ Bắc, cư dân Bình Trị Thiên nói chung và cư dân các làng biển của 3 tỉnh này nói riêng, tuyệt đại bộ phận là cư dân mới băng đèo, vượt biển từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong sinh cơ, lập nghiệp. Những ngày đầu sống ở dải đất ven biển này, ngư dân cũng như nông dân chắc chắc sẽ không khỏi bỡ ngỡ, ngại ngùng trước bao điều mới lạ từ sông biển, núi non đến nắng mưa, gió bão và cả phong tục, tập quán của người bản địa nữa…

Tới đây đất nước lạ lùng

Con chim to vỗ cánh, con cá nhỏ vẫy vùng cũng kinh.

Công việc làm ăn nơi biển rộng, sông sâu của người làng biển chắc chắn gặp không ít trở ngại, khó khăn và nhiều bất trắc, hiểm nguy khó mà lường trước được. Bởi vậy, dân các làng nghề không mấy ai là không tìm đến một chỗ dựa tinh thần mà họ cho là rất cao cả, rất thiêng liêng. Chỗ dựa ấy chính là thế giới thần linh.

Người bình dân thuở xưa tin rằng: Nếu được Trời  Phật, Thánh thần “phù hộ, độ trì” thì họ sẽ có cuộc sống an vui, công việc lưới chài, chế biến, buôn bán mắm ruốc, ghe thuyền vào Nam, ra Bắc…mọi điều đều thuận lợi, đều có kết quả tốt đẹp. Hơn nữa, người xưa quan niệm rằng: mọi vật từ sông biển, núi non đến cây cối, cá tôm…đều có linh hồn (Vạn vật hữu linh). Tín ngưỡng dân gian, do vậy, trở thành thành tố văn hóa có vai trò quan trọng vào bậc nhất trong đời sống văn hóa - tinh thần của cư dân các làng xã từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng đồng bằng nội địa đến vùng biển và hải đảo. Trừ một số gia đình theo Đạo Thiên Chúa, nhà nào cũng lập bàn thờ để thờ cúng Tổ tiên và các thần như: Thần Thổ công, thần Cửa ngõ, thần bảo mệnh (Trang bà)..v.v…Các làng thuần ngư, ngư - nông, nông - ngư làng nào cũng có đình miếu, am thờ…làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tín ngưỡng đa thần là một nét nổi bật trong tín ngưỡng dân gian các làng biển. Chỉ một làng Phương Diên ở Thừa Thiên Huế đã có 8 miếu thờ các vị thần sau đây:

- Miếu Đại càn thờ Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị thành nương.

- Miếu Cao các thờ Cao các Đại vương tôn thần.

- Miếu Long thần thờ Thiên giáng vu địa Long thần.

- Miếu Thành hoàng thờ bổn thổ Thành hoàng Long thần.

- Miếu Phi vân tướng quân thờ Kỷ vị Khoa Tiến sỹ Phi vân tướng Tùng giang văn trung chính nghị tôn thần.

- Miếu ông ngư thờ Đông hải Ngư ông Cự tộc ngọc lân tôn thần (Thần Cá Ông Voi).

- Miếu bổn thờ Nguyễn Quý Công.

- Miếu bổn thờ Trần Quý Công.

Các làng khác cũng lập nhiều đình miếu như vậy. Nhưng giữa các loại hình tín ngưỡng không hề có sự đối lập, sự mâu thuẫn, sự xung đột gay gắt với nhau. Người trong làng, nếu có lòng thành kính thì ai nấy đều có quyền tới các am miếu để thắp hương, dâng hoa quả, trầm trà khấn vái thần linh.

Dưới đây là một số loại hình tín ngưỡng dân gian nổi bật ở vùng Duyên hải Bình Trị Thiên.

1. Thờ cúng Tổ tiên

Thờ cúng Tổ tiên là phong tục, là nét đẹp chung của văn hóa Việt Nam xưa nay. Ông bà, cha mẹ mất, con cháu lập bàn thờ để phụng thờ, tế cúng. Ngay cả các em bé mất khi mới chào đời cũng được gia đình đặt bát hương riêng trên bàn thờ chung và thắp hương cho các em mỗi kỳ kỵ giỗ. Những dòng họ lớn, đông con, nhiều cháu thì xây nhà thờ họ để phụng thờ Tổ tiên. Những gia tộc chưa có nhà thờ họ thì lấy nhà người con trưởng làm nhà thờ chung. Nhiều họ tộc, hàng năm con cháu tìm về quê hương bản quán ở các tỉnh ngoài như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa…để lễ cúng, để tri ân những người đã có công khai sinh ra dòng họ.

Nhớ thuở xưa cồn hoang, bãi vắng

Tổ tiên mình từ Thanh Hóa, Nghệ An

Vào đây mở đất, lập làng

Qua bao năm tháng gian nan mà thành.

Ở cấp độ làng xã, các làng đều lập đình, hoặc miếu để thờ phụng các bậc tiền nhân trong công cuộc đi mở đất, lập làng ở miền Trung. Đình miếu này được gọi là Đình Tổ, Miếu Tổ. Ví dụ:

- Đình Tổ làng Cảnh Dương (Quảng Bình) là một ngôi đình lớn gồm 5 gian, thờ 7 vị Tiền hiền và 12 vị đồng khai khẩn thuộc nhiều dòng họ khác nhau.

- Ở Thuận An (Thừa Thiên Huế), dân lập đình thờ Trương Quý Công (tục gọi là ông Trương Thiều), người có công lập ra làng và dạy cho dân làng nghề đánh cá, nghề buôn bán ở vùng biển từ hồi thế kỷ XIV.

- Ở Phương Diên có miếu thờ ngài khai canh họ Nguyễn và ngai khai khẩn họ Trần.

Các ông Tổ của nghề, khi mất cũng được người trong nghề hương khói phụng thờ. Chẳng hạn: Thợ đóng thuyền ở làng Bồ Khê (xã Thanh Trạch) đã tôn cụ Nguyễn Ký làm ông Tổ của nghề và lập bàn thờ cúng tế ông từ hàng trăm năm nay.

2. Thờ cúng Bổn thổ Thành hoàng

Thành hoàng làng, theo quan niệm dân gian là vị thần bảo hộ cho làng. Vị thần này có thể là một vị thần của thế giới tự nhiên, nhưng cũng có vị thần có nguồn gốc từ cộng đồng con người. Ở Bình Trị Thiên rất ít thần Thành hoàng làng có danh tính cụ thể mà được gọi chung là “Bổn thổ Thành hoàng” hoặc “Bổn cảnh Thành hoàng”, “Bổn xứ Thành hoàng”. Làng Vĩnh Sơn - dưới chân Đèo Ngang (xã Quảng Đông) lập miếu thờ Bổn thổ Thành hoàng thế kỷ XVIII nhưng đến nay dân làng cũng không rõ danh tính cụ thể của vị thần này. Một số làng lại tôn “Đại hàn Nam hải quận chúa” làm vị phúc thần của làng, vị thần bảo hộ cho cuộc sống, cho công việc lưới chài của ngư dân. Hàng năm hoặc hai, ba năm một lần dân các làng đều làm lễ tế cúng Thành hoàng làng.

Ba năm một lễ tế Thành hoàng

Đi đâu cũng phải về làng mà ăn

(Ca dao làng Lý Hòa)

3. Thờ cúng “Đại càn quốc gia Nam hải tứ vị Thánh nương”

Một số làng ven biển Bình Trị Thiên như các làng ở lạch Ròn, ở cửa Gianh, cửa Tùng, cửa Thuận An từ xưa đã lập đình, miếu thờ cúng “Đại càn quốc gia Nam hải tứ vị Thánh nương”. Vị nữ thần này có đền thờ chính ở làng Cờn (Nghệ An). Ngư dân Bình Trị Thiên đã rước vong linh của Bà vào quê mình để thờ cúng. Cuộc đời của Bà, từ lâu đã trở thành huyền thoại và được ghi chép trong một số tập sách cách đây bốn, năm thế kỷ(1). Gần đây, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, trong cuốn “Tín ngưỡng dân gian Huế” đã kể về Bà Dương Thái hậu, người sau này được phong tặng là “Đại càn Nam hải tứ vị Thánh nương” như sau:

“…Năm 1279, quân Nguyên Mông tấn công quân Nam Tống ở Nhai Sơn, phía Nam huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông. Quân Nam Tống đại bại. Tả Thừa tướng Lục Tú Phu cõng Vua Nam Tống Đế Bính nhảy xuống biển tự trầm. Hậu cung và quan binh chết rất nhiều…Tương truyền, Dương Thái hậu cùng 3 phi tần và công chúa vớ được một tấm ván trôi dạt vào một ngôi chùa ở bờ biển, được cứu vớt, nuôi dưỡng, dần dà hồi phục. Một ông sư trong chùa thấy dung nhan bà xinh đẹp manh tâm ép liễu, nài hoa. Bà kiên quyết chống cự. Sư ân hận hành vi của mình gieo mình xuống biển chết. Cái chết đó làm cho bốn bà ân hận nên cũng tự trầm xuống biển. Bốn thi thể này lênh đênh trên mặt nước, trôi dạt vào Cửa Cờn, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An…

Người địa phương thấy thi thể nguyên vẹn, dung nhan uy nghi bèn chôn cất và lập đền thờ cúng, gọi là Càn hải tứ. Khách buôn đường biển thường cầu đảo, cũng ứng nghiệm. Vua Trần Nhân Tông đã phong tặng là: Đại càn Nam hải tứ vị Thánh nương. Vua Trần Anh Tông cũng cho trùng tu miếu mạo vào năm 1312. Các làng ven biển thờ cúng Bà như một phúc thần…” (Sđd trang 109)

Huyền thoại này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian các làng biển xứ Nghệ, xứ Thanh và cả xứ Huế. Làng quê nào lập đình miếu thờ Tứ vị Thánh nương thì hàng năm đều tổ chức tế lễ rất trang nghiêm, rất thành kính.

4. Thờ cúng những người hy sinh vì nước, vì dân

“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” là một đạo lý, một truyền thống văn hóa cao cả, tốt đẹp của người Việt Nam. Xưa cũng như nay, những người có công với nước, với dân - đặc biệt là những anh hùng, những nghĩa sỹ hy sinh trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bao giờ cũng được nhân dân tôn vinh, được các làng xã lập đền miếu phụng thờ. Chẳng hạn, người làng Cảnh Dương (Quảng Bình) thuở trước rất biết ơn ông cử nhân Đỗ Đức Huy (tục gọi là ông Cống Huy). Nhờ ông mà dân làng hàng năm thoát khỏi cái lệ dâng cống mắm Hàm hương cho vua Lê - chúa Trịnh. Đến nay, dân làng còn truyền tụng câu: “Ăn mắm Hàm hương nhớ thương ông Cống” là vì vậy.

Làng Bồ Khê (xã Thanh Trach) có đến 9 vị danh tướng được nhà nước sắc phong. Hẳn là vì vậy mà bên cạnh việc lập Văn Thánh để thờ Đức Khổng tử, dân làng còn xây dựng Võ Miếu để phụng thờ, để tôn vinh các vị võ tướng, những người đã có một binh nghiệp rất vẻ vang.

Cũng ý nghĩa ấy, ở cửa Thuận An (và rất nhiều làng xã, phố phường khác trong tỉnh Thừa Thiên Huế) đã lập Miếu Âm binh để tưởng nhớ, để thờ cúng các tướng sỹ đã hy sinh trong sự biến thất thủ Thuận An năm 1883 và thất thủ Kinh đô năm 1885.

Một số làng biển thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) như các làng ở 2 bên cửa Tư Hiền rất sùng kính Phi vân tướng quân, một vị tướng mất cách đây đã hơn năm trăm năm. Theo sách “Ô châu cận lục”, ông tên là Nguyễn Phục, năm 1453 đỗ tiến sỹ và đã từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Trong chuyến vận tải quân lương theo đường biển vào Đồ Bàn, qua cửa Tư Dung (nay là cửa Tư Hiền), gặp bão to, ông cho thuyền neo lại bên trong cửa mấy ngày. Do đó, việc giao lương bị chậm trễ. Vua Lê Thái Tông ban lệnh xử trảm tướng Nguyễn Phục. Về sau, chợt nghĩ lại, nhà vua tức tốc ban lệnh tha tội cho ông, nhưng lệnh đến nơi thì Phi vân tướng quân đã bị xử tử. Nhà vua ân hận, cho lập đền thờ ở cửa Tư Dung, ở Đà Nẵng và phong ông là phúc thần(2). Đến đời Nguyễn cũng có mấy đức vua tiếp tục ban sắc cho Phi vân tướng quân. Những nơi có đền miếu thờ ngài, hàng năm dân các làng xã đều tổ chức tế cúng rất thành kính, rất trang trọng.

Ngày nay, ngư dân xã Quảng Công (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), theo truyền thống cha ông đã lập miếu thờ ông Phan Thế Phương, nguyên giám đốc Sở Thủy sản, người có công lớn trong việc đưa các giống tôm quý về và chỉ bày cho dân các làng ven biển, ven đầm phá cách nuôi các loại tôm này thành công. Nhờ đó, rất nhiều gia đình đã thoát đói, giảm nghèo. Nhớ ơn ông, ông mất, dân lập miếu thờ và xin đổi tên trường THCS của xã thành “Trường Trung học cơ sở Phan Thế Phương”.

5. Thờ cúng cá Ông

Cá Ông Voi từ lâu đã rất quen thuộc với ngư dân vùng ven biển miền Trung và được họ gọi bằng nhiều cái tên rất trang trọng, ví như: Đức Ông, Đức Bà, Ông Nam Hải v.v… Sử sách triều Nguyễn cũng đã có nhiều dòng ghi chép về cá Ông. Sách Đại Nam nhất thống chí (tập hạ) viết:

“Cá voi có tục danh là cá Ông Voi, đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chĩa như đuôi tôm, có tánh từ thiện, hay giải cứu cho người khi qua biển mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên là Nhân Ngư, đầu niên hiệu Tự Đức đổi lại là Đức Ngư…” (Quốc sử quán triều Nguyễn- Bản dịch của Tu trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia giáo dục xb, 1962, trang 111).

Người miền biển kính trọng cá Ông vì dù ông là một loại sinh vật biển cực kỳ to lớn nhưng không bao giờ làm hại ai. Không những vậy, nhiều tàu thuyền, nhiều ngư dân còn được ông cứu giúp khi tàu thuyền gặp bão to, gió lớn, khi người đánh cá chẳng may trôi dạt trên biển vào những ngày, những đêm thuyền đắm, lưới trôi. Theo bà con ngư dân, những ai biết kính trọng ông, yêu quý ông thì khi đi biển, nếu có gặp nạn thì được ông cứu trợ. Khi ông “dạt” vào bờ, làng nào biết hỗ trợ ông, giúp ông trở lại biển khơi, hoặc nếu ông có mất mà mai táng ông tử tế…thì thế nào, mùa đó, năm đó làng cũng làm ăn thuận lợi, được mùa cá, khá mùa tôm, mùa mực…Trái lại, người nào bất kính với cá Ông trong nói năng, trong hành vi ứng xử thì sẽ làm ăn khó khăn, thất bát, thậm chí có thể bị tai nạn nơi sông sâu, biển cả…


Miếu thờ cá Ông Voi ở làng Cảnh Dương (Quảng Bình)

Chính vì vậy mà cư dân các làng biển miền Trung và Nam Bộ, từ lâu đời đã tôn vinh Đức Ông, kính trọng Đức Ông như một vị phúc thần. Nếu cá Ông theo sóng dạt vào bờ, bị mắc cạn thì dân làng tìm mọi cách cứu sống ông và đưa ông trở lại biển khơi. Chẳng may ông bị “lụy” (mất) thì họ kéo rước ông lên bờ để tổ chức mai táng. Người ta dùng chăn, chiếu, vải vóc quấn quanh mình ông, hoặc đặt ông vào hòm gỗ lớn (tùy xác Đức Ông to hay nhỏ) rồi làm lễ hạ huyệt. Lễ tang cá Ông được tổ chức rất nghiêm trang, thành kính với nhiều công đoạn khác nhau, chẳng khác gì tang lễ đối với con người. Lễ tang này dân các làng tới dự rất đông. Theo tục lệ xưa, người đàn ông nào trông thấy Đức Ông “lụy”  vào bờ đầu tiên thì có vinh hạnh đóng vai người con trai của Đức Ông trong tang lễ. Người đó mặc áo tang, chíp khăn tang trắng lạy vái trước mộ ông và để tang ông 3 năm như để tang cha mẹ đẻ của mình khi cha mẹ về nơi chín suối vậy.

Sau vài ba năm, da thịt cá Ông bị phân hủy thành cát bụi, dân làng làm lễ cải táng, đưa hài cốt của Đức Ông vào đình miếu phụng thờ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là loại hình tín ngưỡng phổ biến ở nhiều làng biển miền Trung từ Thanh Hóa trở vào đến cực Nam Trung Bộ. Cả dân tộc Kinh và dân tộc Chăm đều có loại hình tín ngưỡng này(3). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng: Từ Nam Đèo Ngang trở vào, tín ngưỡng thờ cúng cá Ông mới có mức độ đậm đặc hơn và mới thực sự trở thành một loại hình tín ngưỡng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân. Qua công tác điền dã và qua nhiều tài liệu sách báo chúng tôi thấy, đến nay, ở Bình Trị Thiên, không ít làng xã vẫn còn lưu giữ hài cốt và đền miếu thờ cá Ông cùng việc cúng tế ông hàng năm. Xin được nêu một số làng xã làm ví dụ:

* Ở Quảng Bình:

- Làng Cảnh Dương: Từ đầu thế kỷ XX, hai lần làng biển bên bờ sông Ròn này được đón hai cá Ông lớn “lụy” vào bờ biển. Dân làng tổ chức mai táng chu đáo và lập 2 ngôi miếu trên động cát lớn ở cuối làng để phụng thờ Đức Ông. Hai miếu này được gọi là Miếu Ông và Miếu Bà. Hiện thời một bộ phận hài cốt của Đức Ông, Đức Bà vẫn còn được lưu giữ ở đình làng. Bài vè “Diễn ca lịch sử làng ta” do cụ tú tài Nho học Nguyễn Ngọc Sách sáng tác trước năm 1945 có mấy câu nói về việc cá Ông “lụy” vào bờ như sau:

…Đến năm Canh Tý thái hằng

Đức Bà tuổi thọ gặp dân rước về

Hiển linh hộ kẻ làm nghề

Cá dày, ruốc được, mọi bề ấm no

Năm Mậu Thân Đức Ông vô

Thành tâm phụng sự ngài cho dân tình…

Từ sau ngày lập miếu thờ Đức Ông, Đức Bà, hàng năm dân làng đã cùng nhau tổ chức lễ hội Cầu ngư, hát chèo cạn để cúng tế thần linh.

- Vùng biển Nhật Lệ - Đồng Hới: Thời trước, cá Ông cũng đã từng dạt vào cửa Nhật Lệ. Dân các làng Đông Hải, Hà Thôn, Phú Hội…cùng chung lo công việc mai táng ông, bà. Trước đây, xương cốt của Đức Ông được thờ ở miếu làng Sa Động (xã Bảo Ninh) - nhưng nay thì đã không còn. Hiện thời, người hai xã Quang Phú và Bảo Ninh vẫn còn lưu giữ được hai bài: Văn tế Đức Bà, Văn tế Đức Ông (mỗi bài dài hàng chục câu)(4). Sau đây là mấy câu trong bài “Văn tế Đức Ông” ở làng Trung Bính xã Bảo Ninh:

…Nay, nhớ nghĩa làng gần kính dâng lễ bạc

Chẳng chi một tấm lòng thành, chút gọi ba tuần rượu nhạt

Linh thần chung, lo lắng đều chung

Thôn phường khác, thảo ngang phường khác!

Chèo cạn xin hầu mấy nhịp, lời quê theo hai mái nhặt khoan

Múa bông kính cẩn vái chầu, lòng ngưỡng mộ, một lòng sau trước

Xét soi xin thấu dạ dân bần

Nhiều ít ắt có ngày ban phước…

Ngoài các làng vừa nêu ở phần trên, trên địa phận tỉnh Quảng Bình, một số làng xã khác cũng tổ chức lễ cúng Thần Cá Voi hàng năm, ví như các làng xã: Lý Hòa, Thanh Trạch, Nhân Trạch…Việc thờ cúng và tổ chức lễ đều rất thành kính, trang nghiêm.

…Cúi đầu trăm lạy Đức Ông

Cầu cho nhất ứng, nhất thông nhiều bề

Anh linh, hiển hách vọng về

Lý Nhân Nam vui vẻ, hảo hề

Đức Bà đẹp ý ghé vô lạch nhà…

(Hò đưa linh - Nhân Trạch)

* Ở Quảng Trị:

Có lẽ do bờ biển không quá dài, làng thuần ngư không thật nhiều và cá Ông Voi không mấy dịp “lụy” vào vùng bờ biển này, cho nên so với 2 tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, việc thờ cúng Đức Ông ở các làng biển không nhiều bằng và quy mô cũng nhỏ hơn. Dù vậy, tín ngưỡng thờ cúng cá Ông vẫn đang hiện hữu ở Diêm Hà Hạ (Gio Linh), Triệu Lăng, Vĩnh Quang (Vĩnh Linh).

* Thừa Thiên Huế:

Xây dựng lăng miếu thờ cúng và tổ chức tế lễ cá Ông hàng năm là một công việc được nhiều làng biển Thừa Thiên Huế rất coi trọng. Tuy nhiên, tục thờ cúng Đức Ông ở một vài làng xã thuộc vùng đất này lại có một số nét rất đặc biệt. Ấy là việc không chỉ có dân các làng thuần ngư thờ cúng cá Ông Voi, mà dân làng làm nghề nông ở sâu trong đất liền cũng rất tôn sùng, rất kính trọng ông.

- Dân làng Dạ Lê Thượng lập miếu phụng thờ một bào thai cá voi theo dòng nước mạnh từ biển trôi vào đồng làng.

- Dân làng Mỹ Lợi (Phú Lộc) lập Dinh thờ Đức Ông cách đây hơn 100 năm (Dinh có tên là: Nam Hải ngọc lân từ), tại khu vực Khe Long, trên một trảng cát rộng, mặt chính của Dinh ông hướng ra biển. Dinh có quy mô không lớn nhưng kiến trúc đẹp, chia thành 3 phần. Tiền đường là nơi để tế lễ; hậu chẩm đặt 4 hòm xi măng đặt ngọc cốt của 4 ngài. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định đều có sắc phong cho Đức Ông. Người làng Mỹ Lợi đã dành 2 sào ruộng “tự điền” để cấy lúa nếp phục vụ cho lễ tế cúng Đức Ông. Ngày nay, một bộ phận dân làng biển đã chuyển qua làm nông. Dù vậy, hàng năm ngư dân, nông dân các xóm vẫn tới Dinh Ông để làm lễ tế cúng.

Để thấy rõ hơn sự kính trọng của ngư dân đối với cá Ông Voi, chúng tôi xin thuật lại một đám tang Đức Ông ở làng Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây.

Cá Ông Voi “lụy” vào bờ, dân làng làm một nhà chòi lớn bên cạnh nhà của người trông thấy ông “lụy” vào bờ đầu tiên (Ngư dân này được xem như con trưởng của ngài). Trong khi ngư dân làm nhiều việc để chuẩn bị mai táng ông thì viên chức của làng viết giấy báo tang để các làng lân cận biết ngày giờ đưa tang ông mà đến dự.

Thi thể cá Ông Voi được đặt trên chiếu hoa và được bọc bằng một tấm vải lớn. Hương khói nghi ngút, đèn đuốc sáng trưng trên bàn thờ. Tiếng phèng la, tiếng trống lớn vang lên suốt mấy ngày lễ. Dân làng hội họp cùng nhau bàn bạc ngày giờ và nghi thức tổ chức lễ tang ông. Lễ tế cúng ông được tiến hành như lễ tế cúng người ở trần thế khi mất. Người con trai trưởng chíp khăn tang, mặc áo tang và lạy bái trước bàn thờ cá Ông Voi theo đúng nghi thức lễ bái cha mẹ đẻ của mình khi họ khuất núi.

Trong mấy ngày lễ, dân làng có tổ chức đua trải. Ngày thứ 4, dân làng tiến hành lễ tang Đức Ông. Vị trí được chọn để mai táng ông là một hòn đảo nhỏ, một cái cồn trên phá Tam Giang. Cồn này được người địa phương gọi là Cồn Tê.

Dân làng kết 3 chiếc thuyền lớn lại thành một chiếc “bằng” rồi đặt thi hài của cá Ông lên. Trên “bằng” có che một cái dù lớn để tránh nắng cho ngài. “Bằng” được kết dây với các thuyền đi trước để thuyền kéo “bằng” đi. Từ làng đến nơi chôn cất, thuyền và “bằng” đi một vòng đến cửa biển Thuận An. Tại đây, người ta dừng lại làm lễ tế cúng Đức Ông. Khi tới nơi chôn cất, dân làng hạ thi thể Đức Ông xuống một cái huyệt lớn được đào sẵn từ mấy ngày trước. Ba ngày sau, Lễ mở cửa mả được tiến hành chu đáo (Xin xem: “Huế, lễ hội dân gian”- Tôn Thất Bình- Sđd trang 175 đến trang 181).

6. Thờ cúng Thai Dương phu nhân

Văn hóa Việt - Chăm từ bao đời nay đã có sự đan xen, hòa quyện lẫn nhau. Bởi vậy, ở vùng duyên hải Thừa Thiên Huế, người Việt cũng đã thờ cúng một số vị thần của người Chăm như Thai Dương phu nhân, Kỳ Thạch phu nhân, Thánh mẫu Thiên Y A Na…

Thai Dương phu nhân được dân làng biển Thai Dương (thị trấn Thuận An) tổ chức lễ tế cúng từ ngày 20 đến 23 tháng 12 hàng năm. Tiến sỹ Dương Văn An trong sách “Ô châu cận lục” đã ghi lại sự tích về cuộc đời bà như sau:

…“Tục truyền Thần là người Chiêm. Vốn có 2 người là anh và em gái, thuở trẻ côi cút, linh đinh, khốn khổ, sống lang thang. Vì một chuyện, anh em giận nhau, người anh lấy dao chém vào đầu em gái, gây thương tích. Sau đó, anh em mỗi người một phương. Người anh đi sang nước khác, sau trở thành một nhà buôn bán lớn, đi thuyền biển trở về. Nữ thần đã tình cờ gặp người anh, kết làm vợ chồng, tình rất sâu đậm, ít lâu có thai. Thần vốn không biết là anh em. Một hôm, người anh nhìn đầu vợ có vết sẹo rành rành, liền hỏi duyên cớ. Thần bèn nói rõ việc trước. Người anh mới biết chính là em ruột, trong lòng vô cùng sợ hãi, chẳng nói với thần, chỉ lấy một nửa vàng ngọc, của cải tặng cho vợ. Đến đêm âm thầm cưỡi thuyền ra đi. Thần ngày đêm nhớ chồng, ra ngóng đợi bên bờ cát, buồn rầu mà chết. Cái thai hóa thành một khối đá.

Có người dân làng đánh cá biển ở đây, gối đầu vào đá này ngủ say, mộng thấy một người có thai lấy tay chỉ vào đầu anh ta mà nói rằng: Chớ phạm vào thai nhi của ta. Người đánh cá tỉnh dậy, cho là linh dị, khấn rằng: “Nếu thiêng cho đêm nay bắt được nhiều cá”. Quả thực như lời, bèn lập miếu thờ. Ai tới cầu đảo đều rất linh ứng… Vào kỳ tế đông, thần giáng xuống. Dân gian gọi là Bà Dàng (Sđd trang 95).

Thai Dương phu nhân rất được dân làng và vua chúa coi trọng. Miếu thờ Bà lúc mới dựng được lợp bằng tranh. Đến thời Gia Long, mái tranh đã được thay bằng mái ngói. Vua Minh Mạng cho dựng bia ghi công đức của Bà, cắt một viên cửu phẩm và 5 người lo việc cúng tế hàng năm. Nhiều ngư dân trước khi ra khơi, vào lộng đã tới miếu Bà thắp hương khấn vái, cầu xin Bà phù hộ cho họ đánh bắt được nhiều tôm cá.

Tóm lại:

Trong các phần trên đây chúng tôi đã trình bày 6 loại hình tín ngưỡng dân gian nổi bật nhất đã và đang hiện hữu trong đời sống văn hóa tâm linh của cư dân các làng biển Bình Trị Thiên. Bên cạnh các loại hình tín ngưỡng đó, nhiều gia đình và một số làng xóm còn thờ cúng nhiều vị thần khác.

- Thần bếp, thần cửa ngõ, thần bảo mệnh…được thờ ở từng gia đình.

- Thần cửa lạch được thờ ở các cửa sông, cửa biển.

- Thần Thổ địa (Miếu thờ thần được gọi là Miếu ông Thổ), Bà Hỏa, thần cây đa, cây đề, Long thần v.v…được thờ theo từng làng hoặc từng xóm.

Ngoài ra, ở các làng ngư - nông hoặc nông - ngư, những người làm ruộng còn tế cúng thần Nông, Pháp Vân, Pháp Vũ v.v…

Cũng xin được nói thêm rằng, trong đời sống tâm linh của cư dân vùng biển, dân một số làng đã dựng chùa, xây nhà thờ để thờ Đức Phật, Đức Chúa bởi họ là tín đồ của các tôn giáo này. Song giữa các tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo hiện diện ở các làng xã xưa nay, không bao giờ có sự mâu thuẫn, sự kỳ thị và xung đột với nhau.

T.H

 

CHÚ THÍCH:

1. Xem Ô châu cận lục của TS Dương Văn An

2. Xem Ô châu cận lục, Sđd trang 93.

3. Xin xem các bài viết của Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Thăng Long trong tập “Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ” , bài viết của Nguyễn Thanh Lợi trong sách “Một góc nhìn về văn hóa biển” và cuốn “Phong tục thờ cá ông” của Lê Thế Vịnh.

4. Nguyễn Tú: Địa chí Đồng Hới, Trung tâm VHTT thị xã Đồng Hới xuất bản, 2000.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Viện Đông Nam Á: Biển với người Việt cổ. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.

2. Dương Văn An: Ô châu cận lục. Hiệu đính và chú dịch Trần Đại Vinh. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2015.

3. Trần Hoàng: Tìm về văn hóa- văn học dân gian một miền quê Trung Bộ. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000.

4. Trần Đại Vinh: Tín ngưỡng dân gian Huế. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

5. Các tạp chí: Văn hóa dân gian, Nguồn sáng dân gian, Văn hóa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng