Văn nghệ dân gian
Hôn nhân Việt - Chiêm sau sự kiện Vua Chiêm cưới Huyền Trân Công Chúa nước Đại Việt
09:27 | 27/03/2020

NGUYỄN THẾ

Hôn nhân Việt - Chiêm sau sự kiện Vua Chiêm cưới Huyền Trân Công Chúa nước Đại Việt
Ảnh minh họa (Internet)

Sau khi vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng phần đất hai châu Ô và Lý để làm sính lễ dẫn cưới công chúa Huyền Trân công chúa nước Đại Việt, nhà Trần đã cử Đoàn Nhữ Hài cùng quan binh vào tiếp quản và đổi tên thành Châu Thuận, Châu Hóa. Thời điểm đó, người dân Chiêm Thành vẫn đang sinh sống ổn định ở hai châu Ô và Lý. Vua Chiêm cắt đất đất dâng cho Đại Việt đồng nghĩa với việc bàn giao cho Đại Việt tiếp tục quản lý dân cư trên vùng đất đó. Song ở một số địa phương như thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng người dân không chịu theo(1). Nhà Trần lúc đó phải áp dụng những chính sách mềm dẻo như: chọn và phong quan chức cho những người cầm đầu để giúp chính quyền Đại Việt cai quản, vỗ về dân chúng ở các địa phương; cấp ruộng đất, miễn 3 năm tô thuế để ổn định đời sống của nhân dân ở đây. Lịch sử không ghi chép về sự biến động dân cư của người Chiêm sau khi Chế Mân cắt đất cho Đại Việt, song chắc chắn rằng, có một bộ phận dân chúng đã di cư vào Nam để tiếp tục làm dân của đất nước Chiêm Thành. Vì vậy, nhiều vùng đất đã từng được người Chiêm canh tác, nhưng sau đó bị bỏ hoang và người dân Đại Việt tiếp tục đến khai phá.

Theo chân Đoàn Nhữ Hài vào tiếp quản hai châu Ô và Lý là những quan binh nhà Trần rồi mới đến dân chúng. Lớp cư dân ban đầu chủ yếu là gia đình, người thân của các quan binh đang trấn nhậm tại Thuận Hoá. Tiếp đó là các tập đoàn người ra đi theo chính sách vận động của triều đình nhà Trần. Nhưng đến thời Lê sơ trở về sau mới có những đợt di dân lớn hơn.

Bước đầu, quan quân Đại Việt cai quản trên vùng đất hai châu Ô và Lý kéo dài hàng chục năm. Chính sách chăm lo đời sống của của triều đình Đại Việt đối với cư dân bản địa đã tạo được sự đoàn kết giữa hai tộc Chăm - Việt. Sự gần gũi cùng với tình cảm của đôi bên ngày càng gắn bó. Sự kiện Huyền Trân công chúa Đại Việt lấy vua Chiêm là Chế Mân đã tạo sự tiếp nối cho quan hệ hôn nhân giữa quan binh Đại Việt và phụ nữ  Chiêm Thành, họ xem đó là điều tự nhiên giữa con người và con người. Những đợt di dân kế tiếp vào Thuận Hóa, với nhu cầu khai phá đất đai, tỉ lệ nam giới trong các tập đoàn người di cư vẫn chiếm đa số. Vì vậy, quan hệ hôn nhân giữa hai tộc Chăm - Việt ngày càng có điều kiện phát triển. Vấn đề này đã được thủ lĩnh của các tập đoàn người di cư quan tâm. Tập “hồi ký” Thỉ thiên tự viết bằng chữ Hán nói về thời gian đầu thiên di vào Thuận Hóa, hiện lưu tại làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ghi nhận: “Ở đây người Chiêm Thành đông, người mình ít, sợ sau này sinh hạ con cháu, người Sở kẻ Tề nhuốm phong tục họ…”(2). Triều đình Đại Việt cũng lo lắng nếu trong tương lai khi sự lai tạp huyết thống giữa hai tộc người tiếp tục phát triển, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân Đại Việt tại Thuận Hóa cũng như một số vùng có người Việt đang xen canh, xen cư với người Chiêm Thành. Chính lẽ đó mà triều đình Đại Việt đã có chủ trương cấm việc quan hệ hôn phối giữa người Việt và người Chiêm. Vấn đề này đã được ghi trong sách: Đại Việt sử ký toàn thư: Ngày 9 tháng 8 (năm Kỷ Mùi - 1499, vua Lê Hiến Tông) có chiếu rằng: “Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu”(3). Qua nội dung của chiếu chỉ này, ta thấy việc kết hôn với phụ nữ Chiêm không chỉ có quan binh và thường dân mà còn có cả hoàng thân quốc thích.

Ngày xưa, người Chiêm Thành chủ yếu theo chế độ mẫu hệ. Trong phạm vi gia đình, người Chiêm rất coi trọng vai trò phụ nữ. Song chế độ mẫu hệ ở đây nặng về mẫu tính chứ không nặng về mẫu quyền. Mặc dù có người từng cho rằng chế độ mẫu hệ của người Chăm đi đôi với mẫu quyền. Thậm chí khi vợ chồng ly dị nhau, người chồng chỉ được cầm cái rựa và ra đi. Thế nhưng trong lịch sử ta thấy các vị vua Chiêm Thành chủ yếu là nam giới chứ chưa hề thấy xuất hiện vai trò nữ vương. Vấn đề mà triều đình Đại Việt quan tâm là do phong tục truyền đời của người Chiêm: Con cái phải theo họ mẹ. Nếu đàn ông Đại Việt kết hôn cùng phụ nữ Chiêm, thì những người con do họ sinh ra đều phải mang họ của mẹ (họ người Chiêm Thành). Đây là vấn đề mấu chốt buộc triều đình  Đại Việt phải ra chiếu cấm việc hôn phối giữa đàn ông Việt và phụ nữ Chiêm.

Chiếu chỉ triều đình ban xuống, bắt buộc từ quan chức cho đến thường dân Đại Việt đều phải triệt để chấp hành. Kể từ đó quan hệ hôn nhân chỉ diễn ra trong cộng đồng người dân Đại Việt. Vào thời điểm đó có lẽ cộng đồng người dân Đại Việt đang có sự mất cân đối về giới tính (nữ ít nam nhiều). Song đặc điểm tụ cư lập làng ban đầu của người dân Đại Việt phần lớn đều có quan hệ họ hàng thân tộc. Nếu không thực hiện quan hệ hôn nhân “cận tộc” với quan niệm “đồng tôn bất đồng tính”, thì thanh niên trai tráng trong làng khó có thể lập gia đình để tiếp tục duy trì nòi giống. Đây là một vấn đề lớn, liên quan đến tương lai phát triển của đất nước. Việc triều đình nhà Lê ban chiếu chỉ (năm 1499) cấm từ thân vương cho đến dân chúng (bá tánh) Đại Việt không được lấy người Chiêm đã cho chúng ta biết rằng: Thời gian trước đó, người Chiêm Thành và Đại Việt ở Thuận Hóa đã từng có cuộc sống hòa hiếu. Hôn nhân giữa hai tộc Chiêm - Việt diễn ra một cách tự nhiên. Không chỉ dân thường lấy người Chiêm mà trong đó có cả những vị hoàng thân quốc thích (thân vương) của Đại Việt cũng kết hôn cùng người Chiêm. Việc xây dựng gia đình của những thế hệ kế tiếp đối với các tập đoàn người di dân đã đáp ứng được sự phát triển tự nhiên về dân số, lao động, cơ cấu tổ chức gia đình, làng xã…

Ở đây có một đặc điểm cần chú ý là việc chia tách họ ở họ diễn ra khá sớm trong thời kỳ này. Phải chăng đây là một đối sách giúp cho việc thực hiện lệnh cấm của triều đình trong vấn đề hôn phối giữa người Việt và người Chiêm. Bởi vì, khi chia tách họ một thời gian, con cháu các họ có thể thực hiện việc quan hệ hôn phối với nhau. Cho đến bây giờ, một số họ ở Thừa Thiên Huế đều truyền tụng câu: Đồng tôn bất đồng tính. Có nghĩa rằng, chung nguồn gốc (tổ tiên) nhưng lại khác họ. Theo phong tục Việt, đây là quan hệ hôn nhân có liên quan đến huyết thống. Song sự việc diễn ra ở đây lại mang đậm tính nhân văn, họ sẵn sàng chịu tiếng mang lời trong quan hệ hôn phối cận tộc, vì mục đích để bảo tồn nòi giống đồng thời với việc giữ gìn phong tục Việt. Khi nghiên cứu một số gia phả cổ, tôi không thấy ghi thông tin về hôn phối của các vị tổ hoặc một số trai đinh (trưởng) trong tộc phả. Có thể  có hai lý do để lý giải thích trường hợp này: Một là, người vợ của vị đó là người Chiêm Thành; hai là, vợ người đó trùng họ với người chồng, thậm chí cả hai vợ chồng đều có chung nguồn gốc, đều xuất phát từ một vị tổ.

Thời gian đầu của cuộc Nam tiến, vấn đề thiết lập lập làng xã của một số tập đoàn người di dân Đại Việt không phụ thuộc vào số đinh, số điền, cơ cấu các tộc họ. Nhưng về sau, triều đình phong kiến (có thể vào triều Lê) qui định về việc tổ chức thiết chế “thập nhị tôn phái” trong làng xã; tức là tổ chức làng phải có đủ 12 họ. Đương nhiên, đối với những làng xã thành lập từ lâu đời, nhưng ít họ thì phải phân chia, thành lập thêm cho đủ 12 họ để lập nhà thờ “thập nhị tôn phái”. Phải chăng đây cũng là chủ trương giúp cho việc hôn nhân trong các làng xã được thuận tiện hơn, tránh được việc quan hệ hôn nhân với người Chiêm.

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải tìm hiểu kỷ hơn về lịch sử di dân mở cỏi của tổ tiên trong những trăm về trước, để có thể hiểu thêm về cuộc sống gian lao vất vả cùng với những nét đẹp văn hóa hình thành trong quá trình xen canh xen cư giữa người Việt và cư dân bản địa. Vì tương lai đất nước, vì sự hòa hiếu của hai dân tộc Việt - Chiêm, cha ông ta đã ra sức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn trong việc chọn lọc và kế thừa văn hóa bản địa. Xem văn hóa bản địa là một bộ phận của văn hóa Đại Việt. Hàng trăm năm nay, di sản văn hóa của đất nước Chiêm Thành (văn hóa Chăm Pa) đã được chính quyền, người dân Việt và cộng đồng dân tộc Chăm bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều vị thần Chiêm quốc đã được người Việt tôn thờ và xem đó cũng là những vị thần bảo hộ của người Việt. Ở miền Trung, tục thờ Mẫu của người Chiêm đã trở thành tục thờ Bà, một tín ngưỡng dân gian của những làng quê Việt. Nhiều đền tháp, miếu thờ của người Chiêm đã được nâng lên thành đền thờ, chùa để tiếp tục thờ cúng một cách thành kính. Đâu đó trong làn khói hương nghi ngút của những ngôi đền, miếu xưa có biểu tượng hình con chim phượng ở phía ngoài bình phong hay bên trong nội điện, đang phảng phất hương linh của những vị “tổ mẫu” người Chiêm. Trong số đó có những vị từng là “Tổ bà” của dòng họ Việt.

Trại sáng tác Nha Trang, mùa Đông 2016

N.T

 

CHÚ THÍCH:

1. Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, Bản kỷ Quyển VI, trang 219.

2. Thỉ thiên tự, đoạn nói về ông Phạm Duyến, dẫn lại sách: Nguyễn Hữu Thông: Huế - nghề và làng nghề truyền thống, NXB Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 15.

3. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, trang 17.

 

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thế
Các bài mới
Các bài đã đăng