Văn nghệ dân gian
Lăng mộ tổ nghề kim hoàn Việt Nam lịch sử, kiến trúc và lễ tế tổ nghề
08:41 | 02/04/2020

TRẦN VĂN DŨNG

Lăng mộ tổ nghề kim hoàn Việt Nam lịch sử, kiến trúc và lễ tế tổ nghề
Ảnh minh họa (Internet)

Qua bao nhiêu biến động thăng trầm của lịch sử, hàng trăm bảo vật của triều Nguyễn như: ấn vàng, kiếm vàng, sách vàng, đồ ngự dụng bằng vàng...vẫn còn được bảo quản, gìn giữ khá nguyên vẹn tại các bảo tàng, di tích. Đây là những bảo vật vô giá của dân tộc Việt Nam, không những chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc mà còn phản ánh tài nghệ khéo léo, tinh tế của các bậc thầy nghệ nhân kim hoàn cung đình xưa. Nhưng ít ai biết đến khu lăng mộ tổ nghề kim hoàn đã được triều Nguyễn công nhận, ban sắc phong danh vị tọa lạc uy nghi trên đất phường Trường An, thành phố Huế.

1. Nghề Kim hoàn truyền thống

Theo cuốn từ điển Hán - Việt của học giả Đào Duy Anh viết: Kim hoàn có nghĩa là vòng xuyến vàng. Các nghệ nhân lão thành nghề kim hoàn cho biết: Khởi đầu nghề kim hoàn vốn xuất phát từ những nghệ nhân chuyên đúc vàng bạc và làm trang sức cho tầng lớp vua chúa và quý tộc phong kiến. Vì vàng là một loại quý kim, chỉ có trong cung đình vua chúa, hoặc quan lớn, còn ngoài dân gian thì có đồng các loại đến bạc đã là quý nên người thợ làm đồ trang sức hồi ấy gọi là thợ bạc. Đến thời thực dân Pháp đô hộ, do ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, người thợ giàu mở tiệm bán đồ trang sức (nữ trang) để hiệu là Bijouterie và Bijoutier, nghĩa là người thợ làm đồ trang sức. Sau này, dân chúng dùng vàng nhiều hơn bạc nên được gọi là thợ vàng. Về sau nghe danh từ kim hoàn có vẻ thanh nhã cho nên từ kim hoàn được dùng phổ biến. Đây là ngành nghề đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, sự tỉ mỉ cẩn trọng đặc biệt trong công việc bởi vật liệu mà họ chế tác vô cùng quý hiếm.

Về lịch sử xuất hiện thì nghề kim hoàn đã có từ lâu đời, khi con người có nhu cầu làm đẹp và vàng bạc trở thành một thứ đồ trang sức quý giá. Ở Việt Nam, trong các di chỉ khảo cổ xa xưa đã ít nhiều xuất hiện một số trang sức bằng vàng bạc. Từ đầu Công nguyên, lịch sử cổ Trung Quốc đã từng ca tụng Giao Châu (tên nước ta hồi đó) là nơi có nhiều vàng bạc châu báu và việc khai thác những kim loại quý này đã khá phát triển. Trong nhiều cuộc khai quật mộ cổ vào thế kỷ II, III đã phát hiện nhiều đồ trang sức bằng vàng, bằng ngọc như vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai, hạt chuỗi... được chế tác rất tinh tế.

Đặc biệt, vùng Đại La - Thăng Long xưa có làng Định Công nằm bên bờ sông Tô Lịch (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn từ thế kỉ VI. Tương truyền tổ nghề chạm vàng bạc có liên quan đến ba anh em họ Trần (sinh thời khoảng năm 571 - 603) đã tạo nên cái nôi ban đầu của nghề chạm kim hoàn.

Điều đó chứng tỏ trước khi xuất hiện hai vị tổ nghề họ Cao ở đất Huế (mà chúng tôi đề cập trong bài viết này) thì nước ta đã có nghề chạm khắc vàng bạc làm đồ trang sức, tuy nhiên dấu ấn để lại hiện nay ít nhiều đã phai nhạt, chỉ còn truyền tụng bằng các giai thoại trong chốn dân gian.

Theo sử sách ghi lại, khoảng hơn 200 năm về trước, người có công định hình và khai sáng nghề kim hoàn Việt Nam đã được triều đình nhà Nguyễn sắc phong vào các thời vua Khải Định năm thứ 9 (1924) và vua Bảo Đại năm thứ 13 (1939). Đó là hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Tất cả các họ, các lò của ngành kim hoàn ba miền đã chính thức chọn ngày 7 tháng 2 (ngày mất của ông Cao Đình Hương) làm ngày giỗ tổ nghề. Hai ông được xem là tổ nghề Kim hoàn Việt Nam hiện nay.

2. Cuộc đời và hành trạng tổ nghề kim hoàn

Vị Đệ nhất tổ sư Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục Nho giáo. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng (tức là hàn khay gãy, bịt chén bể...). Vào thời đó, các chúa Nguyễn nắm trong tay được nhiều mỏ vàng, đặc biệt là mỏ Bồng Miêu ở tỉnh Quảng Nam. Nhờ thế mà đồ trang sức trong phủ chúa đều làm bằng vàng. Nhưng nghề kim hoàn ở nước ta chỉ mới phôi thai, dân ta chưa có ai thành thạo nghề này. Các vật dụng quý, đồ trang sức của vua chúa hay quan lại đều phải thuê thợ kim hoàn người Trung Quốc chế tác. Những người thợ này, hoặc theo thuyền buôn sang thông thương, hoặc xin trú ngụ để hành nghề. Họ giấu nghề rất kỹ, không cho người địa phương biết để giữ độc quyền hành nghề. Chúa Nguyễn Phúc Khoát nhận ra sự thiệt thòi của nền thủ công mỹ nghệ nước nhà, thường rất băn khoăn nên đã ra lệnh cho quan lại tìm cách hợp tác sản xuất, kinh doanh nhưng đều không có kết quả.

Trong hoàn cảnh đó, với niềm đam mê lớn trong người thợ trẻ Cao Đình Độ là muốn trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, buộc ông lên đường “tầm sư học đạo”. Để học được nghề kim hoàn, ông phải dành nhiều thời gian học tiếng Hoa, theo dõi lối sinh hoạt, giao thiệp của họ, cải trang thành người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Bởi thời kỳ này chỉ có người Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc trong cả nước.

Với vốn Nho học phong phú cộng thêm tính hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm kim hoàn người Hoa cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông. Mặc dù, người Hoa có tiếng là giữ nghề, không truyền cho người ngoài, nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi sẵn có, cộng với đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù, sáng tạo nên ông quan sát tìm hiểu và nắm bắt được bí quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Với ý chí phải học cho thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc và không từ chối bất cứ việc gì chủ sai bảo. Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo, đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.

Năm Quý Mão (1783), quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, đường vào Thuận Hóa thông thương nên ông đã cùng vợ con men theo bờ biển vào Nam và dừng chân lập nghiệp tại làng Kế Môn (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tại đây, ông đã truyền nghề cho con trai mình là Cao Đình Hương. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một người thợ thành thục trong nghề kim hoàn tại Thuận Hóa. Và ông Cao Đình Độ còn truyền nghề cho một số học trò thuộc hai họ Huỳnh Công và Trần Mạnh. Về sau, hai họ Huỳnh, Trần tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu. Hoạt động truyền nghề đó đã biến làng Kế Môn thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong.

Dưới thời nhà Tây Sơn, vua Quang Trung cũng là người quan tâm đến nền thủ công nghiệp nước nhà, đã lập ra ngành Ngân Tượng và danh tiếng ông Cao Đình Độ được lan truyền đến triều đình. Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập đội Cơ vệ Ngân tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung đình. Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông được triều đình phong chức Lãnh binh, phó Lãnh binh là Cao Đình Hương. Thời gian này, gia đình ông sống tại làng Cao Hậu (thường gọi là Côi Hậu), huyện Hương Trà (nay là phường Hương Sơ, thành phố Huế).

Đến khi chúa Nguyễn Ánh chiếm lại đất Thuận Hóa - Phú Xuân, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong Kinh thành. Hai ông vẫn được tiến cử giữ chức vụ này chứng tỏ là người có tài và đức hạnh nên được nhà vua và triều đình rất tin dùng. Các sản phẩm từ vàng bạc như trâm cài, hoa tai, vòng xuyến, nhẫn... được sử dụng ở Kinh thành Phú Xuân chủ yếu được tạo tác bởi những người thợ kim hoàn làng Kế Môn.

Vào ngày 27 tháng 2 năm Canh Ngọ (28/2/1810), ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Nhà vua và triều đình thương tiếc, truy phong tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư”, được ban đất xây lăng mộ như các quan đại thần và cử hành tang lễ chu tất, an táng tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An, thành phố Huế). Mặc dù còn được kế tục sự nghiệp quản lý của cha trong triều với chức quan Lãnh binh, nhưng bằng cách nhìn nhạy bén của người trong nghề, Cao Đình Hương nhìn thấy hoài bão của cha mình sẽ bị mai một theo thời gian, không những thế, nghề kim hoàn sẽ bị thất truyền nếu ông chỉ tập trung phục vụ trong cung vua. Vì thế, ông Cao Đình Hương quyết định từ quan về quê để tìm người nối nghiệp gia đình. Quan Thượng thư bộ lại ở Thuận Hóa lúc bấy giờ là Trần Minh cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc đã mời ông về phủ dạy nghề cho 3 người con là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và 3 người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.

Ngày 7 tháng 2 Âm lịch (8/2/1821), ông Cao Đình Hương qua đời, hưởng thọ 48 tuổi, được vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị tổ sư”, phần mộ được an táng bên cạnh mộ phần tổ phụ tại ấp Trường Cởi. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng khắp trong dân gian.

Theo lời thầy dặn, 6 đệ tử của ông Cao Đình Hương đã chia nhau làm hai hướng để truyền nghề kim hoàn trong thiên hạ. Ba anh em họ Trần ngược ra Bắc Hà, đến Thăng Long mở lò thợ bạc, thu nhận đệ tử. Ba anh em họ Huỳnh lại xuôi vào Nam. Đến Phan Thiết, do một người bị qua đời, hai người còn lại dừng chân luôn tại đây để mở lò dạy nghề. Do đó, thợ kim hoàn ở Phan Thiết xem ba anh em họ Huỳnh là tổ sư nghề kim hoàn. Được tin ba anh em họ Huỳnh dừng chân ở Phan Thiết, ba anh em họ Trần sau khi truyền nghề ở phía Bắc, lại tiếp tục hành trình xuôi vào Nam và điểm dừng chân của họ là Chợ Lớn. Anh em họ Trần đã mở lò thợ bạc, truyền nghề cho đệ tử khắp miền lục tỉnh. Tại Chợ Lớn, vì quá thương nhớ thầy và bạn đồng nghiệp nên anh em họ Trần đã lập một đền thờ lấy tên là “Lệ Châu Hội Quán” (có nghĩa, thương nhớ mà lã chã lệ châu rơi) vào năm 1892. Đền thờ Lệ Châu được đặt tên như vậy là do xuất phát từ câu: “Kim trầm lệ thủy, ngân xuất châu đê” (có nghĩa vàng chìm sông lệ, bạc xuất bờ châu).

Gần 100 năm sau khi hai ngài qua đời, đến triều Khải Định thứ 9 (năm 1924), nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh Tiết, xét hai ngài có nhiều công lao trong việc truyền bá nghề kim hoàn nên vua Khải Định hạ chiếu sắc phong: “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” vào ngày 25 tháng 7 năm 1924. Đến đời vua Bảo Đại thứ 13 (năm 1938), hai ông tiếp tục được sắc phong cho người có công khai sáng ngành kim hoàn Việt Nam và khu lăng mộ được kiến tạo, trùng tu đạt giá trị nghệ thuật cao. Hiện nay, tại từ đường họ Kim Hoàn tọa lạc số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế còn lưu giữ một số bản sắc phong của các vua triều Nguyễn cho hai vị tổ nghề.

Chúng tôi xin giới thiệu sắc phong vua Khải Định phong tặng:

Nguyên văn:

敕承天府香茶縣弟六坊金環局奉事金環開藝高廷度高廷香大 郎稔著靈應肆金正值朕四旬大慶節經寳詔覃恩禮隆登秩著封 為翊保中興靈扶之神準其奉事用誌國慶而申祀典欽哉

啟定玖年柒月貳拾五日

Phiên âm:

Sắc Thừa Thiên phủ, Hương Trà huyện, Đệ Lục phường, Kim hoàn cục. Phụng sự Kim hoàn khai nghệ, Cao Đình Độ, Cao Đình Hương đại lang. Nẫm trứ linh ứng tứ kim chính trực Trẫm Tứ Tuần Đại Khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho Cục Kim hoàn, phường Đệ Lục, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên phụng thờ hai vị khai sáng nghề Kim hoàn là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Linh ứng đã lâu, nay gặp dịp Tứ Tuần Đại Khánh của Trẫm đã bảo chiếu ra ân huệ rộng rãi, lễ lớn nên phong tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần. Chuẩn cho phụng thờ và dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự. Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (Ngày 25 tháng 8 năm 1924)

Từ lúc hai vị tổ nghề qua đời đến nay, học trò của hai ông đã truyền nghề được hơn 9 đời và nghề kim hoàn phát triển mạnh khắp miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam nước ta và lan sang các nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Hoa Kỳ…Những người thợ kim hoàn đều xem hai ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương là tổ sư của nghề. Có một điều thú vị và khó có lời giải thích một cách thấu đáo đó là vì sao các môn đệ nghề kim hoàn lại chọn ngày mất của ông Cao Đình Hương mà không lấy ngày mất ông Cao Đình Độ làm ngày giỗ tổ nghề? Các vị nghệ nhân kim hoàn lão thành cho chúng tôi biết: không phải do tài năng đức độ của ông Cao Đình Độ còn kém so với con trai mình mà là do lúc sinh thời, ông Cao Đình Độ do đảm nhận chức vụ của người thợ chính chuyên chế tác những đồ ngự dụng cho hoàng gia triều Nguyễn nên không có nhiều thời gian để truyền nghề cho hậu thế. Còn ông Cao Đình Hương sau này, bên cạnh việc chuyên lo chế tác đồ ngự dụng trong cung đình, ông còn dành nhiều thời gian truyền dạy nghề kim hoàn ra ngoài dân gian. Có lẽ, do nguyên nhân này nên các lớp đệ tử về sau chỉ biết đến người thầy dạy trực tiếp của mình nên đã lấy ngày giỗ của ông làm ngày giỗ tổ nghề kim hoàn.

3. Kiến trúc nghệ thuật lăng mộ tổ nghề kim hoàn

Khu lăng mộ tổ nghề kim hoàn Việt Nam tọa lạc ở phường Trường An, thành phố Huế. Đến đường Phan Bội Châu, du khách đi một đoạn, rẽ vào một kiệt số 75 sẽ đến cổng lăng mộ tổ nghề kim hoàn.

Lăng Đệ Nhất tổ sư (Cao Đình Độ) xây dựng năm Canh Tuất (1810). Lăng Đệ Nhị tổ sư (Cao Đình Hương) xây dựng năm Tân Tỵ (1821). Hai lăng mộ tổ nghề kim hoàn được trùng tu lần thứ nhất vào năm Khải Định thứ 4 (1919) do cụ Huỳnh Côn chủ trì với công đức đóng góp của toàn thể môn đệ Cục Kim hoàn. Do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt xứ Huế và chiến tranh tàn phá nên kiến trúc lăng mộ tổ nghề kim hoàn bị hư hỏng trầm trọng nên vào năm 1970, lăng mộ tổ nghề kim hoàn tiếp tục được đại trùng tu sửa chữa với quy mô kiến trúc khang trang, độc đáo do cụ Triệu Mân, Chủ tịch Nghiệp đoàn ngành Kim hoàn Trung - Cao Nguyên và Nam Phần chủ trì. Đây là sự hội tụ tinh hoa về nghệ thuật và đóng góp tài chính của toàn thể môn sinh ngành kim hoàn trong cả nước.

Điểm nhấn của kiến trúc lăng mộ tổ nghề kim hoàn là cổng lăng gồm bốn trụ biểu cao. Bờ giải mặt trước của hai trụ biểu chính giữa có đắp nổi hai vế đối bằng chữ Hán. Khu lăng mộ có bình đồ hình trái xoài dài 17.5m, rộng 11m, với chu vi khoảng 2.200m2. Phía bên trái (nhìn vào) là lăng mộ của Đệ Nhất tổ sư Cao Đình Độ, phía bên phải là Đệ Nhị tổ sư Cao Đình Hương. Hai ngôi mộ cách nhau 100m và được định hướng Đông, Tây, Nam, Bắc theo la bàn cổ. Kiến trúc nghệ thuật hai lăng mộ tổ xây dựng tương đối giống nhau theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, đây là kiến trúc văn hóa đặc trưng của triều Nguyễn. Về nghệ thuật trang trí, các nghệ nhân đã thổi vào những mảnh sành sứ, thủy tinh một sự sống động để họa tiết trang trí lăng mộ trở nên có hồn và tinh tế vô cùng. Lăng mộ của hai vị tổ nghề chia thành hai tầng. Tầng thứ nhất có cửa tam quan bằng bốn trụ biểu. Bốn trụ biểu trang trí các câu đối, đôi trụ giữa có cặp rồng chầu vào lăng mộ, còn lại là trang trí các ô hộc hình cây lá được khảm sành sứ. Hai trụ biểu ngoài gắn liền với vòng thành lăng. Tiếp theo, ở giữa tầng thứ hai có một bức bình phong cuốn thư. Trên bức bình phong có trang trí một con Kỳ Lân chở trên lưng các bức cổ đồ được tạo hình bằng phương pháp khảm sành sứ. Kỳ Lân là một trong 4 linh vật: long, lân, quy, phụng theo tín ngưỡng dân gian Á Đông. Xét về phong thủy, bức bình phong này che chắn cho ngôi mộ, chống lại tà khí, tai ương.

Bước qua năm bậc cấp ở hai bên bức bình phong, du khách sẽ lên tầng hai của lăng. Cửa được thiết kế bằng sáu cột trụ nhỏ. Bờ giải của sáu cột trụ nhỏ này đều có viết những câu đối thơ bằng chữ Hán ca ngợi công đức của hai ông và địa thế phong cảnh đẹp của ngôi mộ tọa lạc. Đối diện bức bình phong là bi đình khảm sành sứ tinh xảo. Hai tầng mái lợp bằng ngói ống trang trí hoa văn chữ Thọ, theo lối triện, gọi là “câu đầu trích thủy”, trụ tròn đối hoa sen, long vân nổi lượn quanh theo kiểu “long vân đồng trụ”. Tại bờ nóc có biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt” như các di tích kiến trúc triều Nguyễn khác tại Huế. Giới hạn tại phần đầu của lăng được xây cao vút lên làm nền cho hậu điện, gối đầu cho phần mộ. Phần mộ hình tròn có đường kính 4m, cao 1m, chu vi có 3 lớp cánh hoa sen cách điệu.

Trước điện có hương án xây kiểu chân quỳ, mặt bàn nổi và trong lòng sóng chỉ nổi và ống trấy. Mặt trước có chữ thọ đắp nổi, dơi chầu 4 góc tượng trưng cho Ngũ phúc (Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh). Sau cùng là hậu điện: cao 4.5m, rộng 1.5m x 2.6m tám mái hai tầng lợp bằng ngói ống chữ thọ, cuối mái “câu đầu trích thủy” trụ tròn đối hoa sen có chức năng diềm mái và dùng để định hướng giọt nước mưa. Ngoài ra, hình ảnh long vân nổi lượn quanh, tại bờ nóc có lưỡng long chầu nguyệt, cuối các bờ giải có hai cặp long giao. Phía dưới có miếu lưu bia, bia gốc nguyên sơ dày sâu liền lõm vào tường thành mái cong lượn vòng thấp dần xuống làm nền cho hậu điện.

Lăng mộ hai vị tổ nghề kim hoàn được những người thợ kim hoàn lập nên để tôn vinh và nhớ ơn công lao của hai ông trong việc truyền bá nghề kim hoàn ở vùng đất Huế và lan tỏa khắp ba miền đất nước. Với giá trị văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, khu lăng mộ tổ nghề kim hoàn cùng với di tích từ đường Tộc Kim hoàn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 168 - QĐ/VH ngày 2/3/1990.

4. Lễ tế tổ nghề kim hoàn

Hằng năm, lễ tế tổ nghề kim hoàn Việt Nam vào ngày 7/2 Âm lịch được xem là ngày hội của những người sản xuất, kinh doanh vàng bạc trong khắp cả nước. Lễ giỗ tổ nghề kim hoàn được tổ chức rất qui mô, quy tụ hàng trăm người trong ngành thợ kim hoàn, không chỉ riêng ở Huế mà từ các tỉnh thành trong cả nước cũng về dự, cúng bái các vị tổ sư có công khai sáng , truyền dạy nghề kim hoàn. Đồng thời, đây còn là dịp để các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, chia sẽ những chuyện buồn vui trong cuộc sống đời thường.

Sáng sớm ngày 7/2 Âm lịch, các vị nghệ nhân kim hoàn lão thành mang y phục cổ truyền lên viếng, làm lễ cáo tại lăng Cao tổ Kim hoàn và tổ chức cúng lễ tại từ đường Tộc Kim hoàn. Những ngày này, từ đường Tộc Kim hoàn được trang hoàng rực rỡ, nến và hương được thắp từ ngoài vào trong nội điện, tạo không gian cho ngày giỗ hết sức trang nghiêm. Mặc dù ngày 7/2 Âm lịch mới là chánh lễ, nhưng việc cúng tế đã được chuẩn bị chu đáo trước đó vài ngày.

Trong không khí nghi ngút khói hương tràn đầy sự giao cảm giữa con người với thế giới thần linh; lễ tế tổ nghề bắt đầu diễn ra với nghi lễ trống chiêng được gióng lên ba hồi dài, nhạc lễ được tấu lên, vị chánh tế sau khi làm nghi thức kiểm tra lễ vật; rửa, lau tay thì đến đứng trước hương án, đèn hương được thắp lên, trà rượu đầy ly, chánh tế dâng hương cáo lễ và quỳ lạy. Tiếp đến trà rượu được rót tiếp, các vị chánh tế lại quỳ trước hương án tổ nghề, văn tế được xướng lên tế cáo về sự tri ân đối với các vị tổ sơ, tiền hiền nghề kim hoàn đã nâng đỡ cho ngành kim hoàn được phát triển, các thợ kim hoàn vững tay nghề, an toàn trong sản xuất, chế tác. Đồng thời, vị chánh tế tuyên đọc sắc phong tổ sư nghề kim hoàn Việt Nam của các vị vua triều Nguyễn cho người tham dự nghe, đặc biệt là người trong nghề hiểu biết về cuộc đời và hành trạng của các vị tổ nghề. Sau khi đọc xong, người xướng hô lễ tất, chuông trống gióng ba hồi dài và nhạc tấu hồi kết, vị chánh tế lạy 3 lạy. Sau đó, các vị trong ban tế lễ, nhạc lễ, phụ trách chiêng trống lần lượt lạy trước hương án tổ nghề. Kết thúc lễ tế, những người thợ kim hoàn tham dự lễ tế lần lượt thắp hương và dâng mâm hoa quả với tấm lòng thành kính, biết ơn các vị tổ nghề, tiền hiền đã có công truyền dạy nghề cho con cháu, giúp ích cho xã hội và mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình họ.

Lễ tế tổ nghề kim hoàn là một hoạt động tín ngưỡng đặc trưng, khá qui mô, thu hút nhiều người thợ kim hoàn và cả du khách thập phương tham gia thể hiện sự phát triển của nghề kim hoàn không chỉ ở qui mô sản xuất mà còn ở những hoạt động sinh hoạt văn hoá tinh thần nghề nghiệp. Lễ hội này cũng phản ánh đặc trưng sự kết hợp giữa cầu quốc thái dân an và tế tổ nghề. Qua lễ hội này, minh chứng tinh thần tri ân, tôn vinh lịch đại tổ nghề, các vị tiền hiền góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung. Thiết nghĩ, các đơn vị doanh nghiệp lữ hành du lịch nên đầu tư thiết kế các tour tuyến du lịch tổ chức cho du khách tham quan nghề kim hoàn đến tham dự lễ hội khi lễ tế tổ nghề Kim hoàn đang diễn ra, nhằm giới thiệu cho du khách hiểu biết đầy đủ hơn về sinh hoạt văn hóa tâm linh của người thợ kim hoàn ở Huế.

Có thể nói, qua những biến chuyển của thời đại, nghề kim hoàn không bị mai một mà còn được lưu giữ, truyền nghề và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù ngày nay và cả mai sau, vàng bạc, nữ trang được sản xuất trên dây chuyền hiện đại đi chăng nữa, các vị tổ nghề kim hoàn vẫn luôn được coi trọng, tôn thờ và những ngày giỗ tổ như thế này vẫn luôn được tiếp nối tổ chức trang trọng qua từng thế hệ con cháu ngành kim hoàn Việt Nam.

Từ hai cụ tổ họ Cao, nghề Kim hoàn đã được lưu truyền, phát triển khắp ba miền đất Việt và một số nước trên thế giới từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, nghề kim hoàn trở thành một ngành nghề thủ công truyền thống được ưa chuộng, không chỉ vì giá trị kinh tế mà còn cả trình độ thẩm mỹ của những mặt hàng kim hoàn chứa đựng nhiều sắc thái Việt. Và khu lăng mộ của tổ nghề kim hoàn Việt Nam trên đất Huế luôn được các đệ tử, con cháu gìn giữ hương khói và là nơi hành hương linh thiêng của những ai theo nghề kim hoàn để tri ân những bậc tiền nhân đã có công khai mở một nghề để lại danh thơm và hồn thiêng dân tộc.

T.V.D

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đào Duy Anh (2003), Từ điển Hán Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế (2002), Di tích lịch sử văn hóa Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.

3. Tôn Thất Bình (Chủ biên) (1998), Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

4. Lê Minh Quốc (2009), Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Nxb Trẻ, Hà Nội.

5. Nguyễn Đắc Xuân (1986), Hương Giang cố sự, Tạp chí Sông Hương xuất bản, Huế.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng