Văn nghệ dân gian
Bánh gói chợ Cầu chiếc bánh tiến vua
08:28 | 15/04/2020

HOÀNG THỊ NHƯ HUY

Bánh gói chợ Cầu chiếc bánh tiến vua
Bánh Gói chợ Cầu: Ảnh Như Huy

Nằm soi bóng bên dòng sông Bồ, làng quê chợ Cầu (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) bình dị như muôn làng quê Việt. Cũng lũy tre xanh, con đường đất nhỏ, nhịp cầu tre... Nhưng Chợ Cầu được vang danh bởi mảnh đất đậm nét văn hóa.

Trong làng, có miếu thờ ghi công Văn Thánh, Võ Thánh. Đặc biệt, phụ nữ chợ Cầu qua bao đời, để lại dấu ấn khó phai bởi món ăn họ nấu: Nem chả Chợ Cầu, bánh tét Chợ Cầu, bánh in Chợ Cầu, đậu hũ Chợ Cầu... trong đó bánh Gói Chợ Cầu đã là đặc sản được ghi vào danh mục những đặc sản lừng danh Việt Nam.

Ở đất cố đô Huế, chẳng phải chỉ:

"Kim Luông có gái mỹ miều

Trầm thương, trẫm nhớ, trầm liều, trẫm đi"

Mà thôn nữ chợ Cầu cũng từng làm thổn thức trái tim của bao bậc Đế vương, công hầu khanh tước:

- Thôn nữ Phan Thị Diệm đã kết duyên cùng vua Dục Đức, trở thành Từ Minh Huệ, sinh hạ Đức Thành Thái.

- Thôn nữ Phan Đình Thị Vỹ, đã trở thành phu nhân Bửu Thạch, Thượng thư bộ Lễ, phủ Thoại Thái Vương.

- Cô gái mỹ miều chợ Cầu Phan Thị Hảo, cũng từ lọn nem, đòn chả...mà nên duyên cùng công tử Ưng Trình - cháu nội ông Hoàng giỏi thơ Tùng Thiện Vương.

Và biết bao thôn nữ khác đã để lại tiếng thơm cho muôn đời sau bởi bàn tay vàng của nghệ nhân ẩm thực:

- Mợ Sạn, mợ Tôn làm nem chả tré bán ở cửa Đông Ba (chính Đông).

- Bà Lê Thị Thỉ nổi tiếng làm nem chả ngon ở chợ Cầu.

- Bà Phan Thị Chiu nổi tiếng nấu xôi, thổi cơm ngon nhất làng.

- Bà Yêm Hử nổi tiếng về các loại bánh.

- Bà Phan Thị Ít nổi tiếng làm mắm, ruốc và các loại bánh.

- Bà Lê Thị Chớ nổi tiếng nấu đậu hủ.

- Trần Thị Dung (lớp dạy gia chánh Tỉnh Hội Phụ nữ Thừa Thiên Huế) nổi tiếng vì nấu khéo rất nhiều món ăn.

Phải chăng vì chợ Cầu có gạo trắng, nước trong nên có lắm món ngon? Hay vì người phụ nữ đã được mẹ truyền con, bà truyền cháu nỗi đam mê, sự khéo léo,  tinh tế trong chế biến món ăn?

Tôi về làm dâu trong ngôi làng ấy, được học những người mẹ Huế tài hoa, để hôm nay cầm bút lưu lại những kiến thức ẩm thực của quê chồng.

Để làm 10 bánh ta cần: Gạo tẻ 200gr, tôm tươi 150gr, thịt thăn heo: 100gr, mỡ phần: 20gr. Gia vị: dầu, muối, tiêu, bột ngọt, hành, nước mắm, đường, ớt trái.  10 lá dong non tươi.

- Ngâm nở rồi xay gạo thành nước bột, thêm ít muối + bột nêm cho có vị. Đặt lên bếp, dùng đũa cả (đũa tre lớn bản) dáo đều tay. Khi nào thấy bột sền, nhắc xuống tiếp tục quậy đều rồi thêm muỗng canh dầu đã phi hành cho bột dậy hương thơm, mướt và không dính lá.

- Nhân bánh gồm tôm tươi luộc chín, lột nõn quết tơi trộn cùng thịt thăn, mỡ băm mịn.

- Ướp nhẹ vào tôm thịt hành, mắm muối một lúc cho thấm.

- Dùng chảo cho ít dầu, phi hành thơm rồi trút tôm thịt vào đảo chín tới và thấm vị. Nhắc rời bếp, rắc nhẹ tiêu xay vào, trộn đều.

- Pha nước luộc tôm, nước mắm ngon + đường, điều chỉnh để đủ các vị mặn ngọt vừa ăn làm chén nước mắm ăn kèm.

- Múc muỗng bột đặt chính tâm lá, ấn tiếp 1 muỗng nhân tôm thịt, rồi vun bột cao phủ kín nhân. Gói lá tạo bánh có hình Vài cầu hoặc Mái đình. Hấp bánh từ 10 - 15phút.

Bánh chín có hương thơm của lá dong, bột gạo và tôm thịt.

Bánh gói Chợ Cầu thường được dọn kèm chả trái quýt làm từ nạc quết vo tròn, phết đều lòng đỏ trứng trên mặt hấp chín trước khi ăn, hoặc kèm miếng chả lụa làm từ thịt thăn heo gói trong lá chuối hấp chín.

Bánh gói chợ Cầu xưa kia là món quà đã được cung tiến dọn bày trong mâm tiệc hoàng cung. Trên mâm cỗ ở các gia đình quyền quý ở Huế xưa, nay cũng không thiếu chiếc bánh gói chợ Cầu.

Khi quay về thăm quê, cô chiêu cậu ấm dù đã nếm bao thức cao lương mỹ vị, vẫn nhóm bảy nhóm ba rủ vào xóm chợ ven sông để được thưởng thức chiếc bánh mộc mạc quê mình với niềm hạnh phúc dâng trào từ đầu lưỡi đến trái tim.

Ngày nay đặc sản chợ Cầu: xâu nem, đòn chả, cái bánh theo bước chân người Việt du hành vượt nghìn trùng xa cách, đến Paris, London...khiến mâm tiệc của người Việt tha hương từng làm bao người ăn ứa lệ!

H.T.N.H

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng