Văn nghệ dân gian
Đọc sách "Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016)"
14:10 | 23/04/2020

THÀNH PHIÊN

Đọc sách "Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016)"
Bìa tập sách

Như chúng ta đã biết, Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Thừa Thiên Huế đã qua 25 năm thành lập và phát triển (1991 - 2016), trong chừng ấy thời gian, Hội VNDG Thừa Thiên Huế cũng đã có những thành tựu đáng kể, đó là: Không ngừng phát triển số lượng Hội viên(1); Các hội viên hoạt động hầu như rộng khắp ở những chuyên ngành như văn học dân gian, văn hóa dân gian, nghệ thuật, diễn xướng, trình diễn sân khấu, ẩm thực, với các công việc như sưu tầm, biên soạn, trình diễn, ca Huế, nghiên cứu, giảng dạy…đã đem lại những thành công được thể hiện qua các công trình nghiên cứu dạng sách, tạp chí, kỷ yếu hoặc qua những giải thưởng hằng năm của các Hội chuyên ngành Trung ương và địa phương trao tặng(2).

Cơ quan ngôn luận của Hội VNDG Thừa Thiên Huế là Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, ra đời từ năm 1993, mỗi năm ra được 1 tập vào dịp cuối năm. Năm 1994 Tập Nghiên cứu này không ra được cho nên đến nay đã phát hành được 22 tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế với 499 lượt tác giả/hội viên, tham gia viết được 481 bài nghiên cứu, có độ dày cộng lại là 3033 trang, khổ 16x24cm. Đây là diễn đàn để các hội viên công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất về văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế nói riêng và văn hóa dân gian Việt Nam nói chung.

Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau: Những vấn đề chung; Văn học dân gian; Văn hóa ẩm thực; Nghề và làng nghề truyền thống; Tín ngưỡng dân gian; Sân khấu dân gian; Mĩ thuật, kiến trúc dân gian; Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Ngôn ngữ dân gian; Văn hóa truyền thống làng xã; Văn hóa cung đình; Trang phục, trang sức cổ truyền; Đọc sách, điểm sách, giới thiệu sách; Âm nhạc dân gian; Sưu tầm, giới thiệu; Thông tin hội viên, thông tin hoạt động Hội; Công bố các giải thưởng, hội nghị, hội thảo.

Mặc dù chỉ lưu hành nội bộ nhưng Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế cũng có tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu học thuật, bởi vì toàn bộ những nội dung chuyển tải ở trong đó đều mang dấu ấn sâu đậm của một vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử truyền thống - đó là văn hóa Huế.

Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Hội VNDG Thừa Thiên Huế (1991 - 2016) cũng là dịp tri ân những nhà nghiên cứu đã dày công vun đắp nền móng để xây dựng nên một Hội VNDG địa phương vững chắc, tập trung những thành viên có chung tâm huyết gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Huế, đồng thời trên cơ sở những bài đã được đăng trong Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế hằng năm đó, Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tuyển chọn những bài của các hội viên để làm nên tập sách “NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN THỪA THIÊN HUẾ - 25 NĂM MỘT HÀNH TRÌNH”. Mà chúng tôi giới thiệu dưới đây.

Sách dày 693 trang, khổ 16x24cm, bề thế, trang nhã. Các bài viết được tuyển chọn và sắp xếp theo các chủ đề:

- Những vấn đề chung có 6 bài.

- Văn hóa vật chất xứ Huế có 13 bài.

- Văn hóa phi vật thể xứ Huế có 14 bài.

- Âm nhạc và diễn xướng dân gian có 10 bài.

- Tín ngưỡng dân gian và văn hóa làng xã có 22 bài.

Tất cả có 65 bài của 53 tác giả, trong đó có 6 tác giả ở Hà Nội, 1 tác giả ở thành phố Hồ Chí Minh, số tác giả còn lại đồng thời là Hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế.

Khi nói đến Huế, người ta đều biết “Huế còn lưu giữ khá tập trung những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, bao gồm cả di sản văn hóa vật chất đặc sắc là tổng thể di tích cố đô và di sản văn hóa phi vật chất đa dạng, phong phú của cung đình Việt Nam và truyền thống văn hóa dân gian ở vùng Hóa Châu - Phú Xuân - Huế”(3).

Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế có được bởi sự hội tụ của một vùng không gian vừa rộng lớn, vừa đặc trưng. Mà mỗi khi “Nói tới không gian văn hóa Huế trước hết phải nói đến điều kiện địa lý tự nhiên ở đây. Với một phong cảnh đẹp và thơ như núi Ngự, sông Hương, với một không gian Núi - đồng bằng - biển như vùng đất này có thể chinh phục bất cứ một cộng đồng người nào đến sinh sống ở đây, tạo cho họ một lối sống riêng. Đứng trước một phong cảnh hiền dịu và thơ mộng nhường này thì đến những cái đầu nóng với tư tưởng hiếu chiến cũng chùn tay khi định tàn phá nó. Những bực bội, thù hận và hiềm khích cũng dễ nguôi ngoai. Sự hoang dã rồi sẽ được thuần hóa”(4).

Cùng bàn về những yếu tố tự nhiên góp phần tạo nên văn hóa Huế thì cố GS Trần Quốc Vượng đã từng có cái nhìn về hệ sinh thái nhân văn Huế “…có một xứ Huế nhưng cũng có 3 vùng (miền) hợp thành XỨ HUẾ.

Đó là:

Một vùng Huế NÚI - ĐỒI.

Một vùng Huế CỒN - BÀU.

Một vùng Huế ĐẦM - PHÁ”(5).

Sau này nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã đưa ra mối quan hệ giữa các hệ sinh thái nhân văn với văn hóa Huế. So với ý kiến của cố GS Trần Quốc Vượng thì hệ sinh thái nhân văn Huế mà theo cách nhìn của Trần Đức Anh Sơn thì còn rộng lớn hơn nhiều. Theo tác giả thì Về mặt địa hình, địa bàn này hội tụ đầy đủ các dạng địa hình của Việt Nam: biển, đầm phá, đồng bằng, cao nguyên, rừng núi. Vì thế, môi trường sinh thái - nhân văn của Thừa Thiên Huế rất đa dạng, phong phú, trực tiếp ảnh hưởng đến diễn trình lịch sử, kinh tế, xã hội của cư dân địa phương trong suốt mấy nghìn năm qua, kể từ khi có các cộng đồng cư dân đặt chân đến mảnh đất này”(6). Và trong tổng quan, môi trường sinh thái Thừa Thiên Huế có thể phân chia thành 5 hệ sinh thái: Hệ sinh thái ven biển, Hệ sinh thái đầm phá, Hệ sinh thái nông nghiệp, Hệ sinh thái vườn và Hệ sinh thái lâm nghiệp miền núi.

Trong tập sách này có nhiều nhà nghiên cứu đã có những ý kiến, nhận định, đánh giá, ngưỡng mộ và nói rõ đặc trưng riêng biệt của văn hóa Huế trong đó đáng chú ý các tác giả như GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, GS Ngô Đức Thịnh. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là người có nhiều tình cảm gắn bó với Huế và con người Huế. Tác giả cho rằng “Khác với nhiều vùng văn hóa khác, văn hóa phi vật thể của Huế cần phải gồm bao nhiêu thành phần:

- Văn hóa dân gian.

- Văn hóa chuyên nghiệp, bác học.

- Văn hóa cung đình.

- Văn hóa tín ngưỡng.

Điều may mắn cho chúng ta là ở Huế vẫn còn có thể khôi phục và tìm thấy những biểu hiện của văn hóa cung đình, cái mà ở Thăng Long ngày nay đã trở nên khó tìm thấy hơn”(7). Đây là một nét riêng của văn hóa Huế là động lực để chúng ta là những chủ nhân thời hiện tại và tương lai phải biết gìn giữ vốn văn hóa quý báu đó.

Còn GS Ngô Đức Thịnh, khi nói tới Folklore trong văn hóa xứ Huế thì cho rằng “Từ các sắc thái đa dạng địa phương của văn hóa thì ta lại có thể nói về văn hóa xứ Huế với bao nét độc đáo, tạo nên một mảng màu riêng, hòa điệu vào bức tranh chung văn hóa Việt Nam”(8). Vậy thì những nét độc đáo riêng có của văn hóa Huế là gì? Đó là:

- Đó là lời ăn tiếng nói thường ngày của con người xứ Huế mà từ lâu đã mang sắc thái địa phương rõ nét - tiếng Huế, giọng Huế.

- Cũng phải từ tiếng Huế, giọng Huế, khung cảnh thiên nhiên và tâm hồn Huế đã hiểu ca hát và âm nhạc Huế, với các điệu Hò, điệu Lý, Vè…

- Kiến trúc và mỹ thuật dân gian Huế đã trở thành một phong cách, mà ở đó thể hiện sự hòa điệu nhuần nhụy giữa con người và thiên nhiên, hài hòa giữa cái dân dã và cung đình, ở thôn quê và thành thị.

- Đời sống tâm linh của người Huế với các tín ngưỡng tôn giáo, phong tục, lễ nghi, hội hè mang đậm sắc thái dân gian.

- Bao quanh Huế, thậm chí trong lòng cố đô Huế vẫn là các làng và lối sống làng quê.

- Lối sống Huế, phong cách Huế thể hiện qua nét đẹp trong ăn uống, trang phục, trong vui chơi giải trí.

- Lối sống Huế là lối sống của những con người có ý thức và có biệt tài làm đẹp mọi thứ của đời thường ngày, nâng cái bình thường, bình dị thành nghệ thuật. Lối sống phong cách Huế ưa cái dung dị, trầm lắng, tinh tế, nhuần nhụy, trữ tình.

- Có lẽ ít nơi nào ở Việt Nam như Huế ta thường bắt gặp sự dung hợp tự nhiên giữa lối sống dân dã với lối sống đô thị và cung đình.

Ngay từ khi mới ra đời, Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế đã nói rõ “Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế được kết tinh bởi ba nguồn văn hóa: Văn hóa dân tộc Việt, văn hóa các dân tộc ít người Trường Sơn và văn hóa dân tộc Chăm”(9). Sau này, cố GS Trần Quốc Vượng có nhận xét về văn hóa Huế là kết quả “Đó là sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm - Môn - Khmer, Hoa…Đó là sự đô thị hóa và cung đình hóa văn hóa dân gian truyền thống của cả Việt Nam và riêng của miền Trung! Và do vậy chúng ta cần bảo tồn bản sắc văn hóa của xứ Huế mến yêu…!”(10).

Từ bức tranh tổng quan văn hóa Huế đó mà trong tập sách này cũng đã xuất hiện nhiều tác giả với nhiều bài viết đại diện cho văn hóa Huế, là sự cộng hưởng giữa văn hóa Việt, văn hóa các dân tộc ngữ hệ Môn - Khmer và văn hóa Chămpa. Điều này được thể hiện rõ qua từng bài viết của các tác giả được giới thiệu trọn vẹn trong tập sách này, người giới thiệu xin đơn cử vài chi tiết tiêu biểu. Khi nói đến văn hóa ẩm thực Huế thì “Bát canh rau tập tàng cũng đều từ rau dại, nhưng hái lúc nào, dùng ruốc gì, tôm loại nào, nấu ở độ nào thì vừa, loại gì cho vào trước vào sau, đựng nó trong loại bát nào, trình bày ra sao trong mâm cơm, là cái mà người phụ nữ Huế rất muốn thể hiện đối với khách sành điệu. Họ không chuộng tiếng khen, nhưng muốn thấy được ở nét mặt khách nét biểu cảm của tầng thức giả khác với kiểu bất tri kỳ vị. Đây chính là chiều sâu trong nghệ thuật ẩm thực Huế”(11).

Mối quan hệ giữa văn hóa Việt và Chămpa diễn ra trên đất Thừa Thiên Huế được tác giả Mai Khắc Ứng cảm thụ vẻ đẹp huyền bí, đậm dấu ấn tôn giáo qua hình ảnh Thành Lồi. Hoặc đến làng Hải Cát để thấy được những biểu hiện trong mối quan hệ với nữ thần Thiên Y A Na mà nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn đã thể hiện qua bài viết trong tập sách này “Sau khi người Việt tụ cư quanh ngọn Hương Uyển và hình thành nên làng Hải Cát, đã tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa ngôi đền linh ứng thờ nữ thần Thiên Y A Na với cộng đồng dân cư ở đây. Vị thần linh hiển vốn có của cả khu vực trước đó đã trở thành vị thần đỡ đầu riêng cho ngôi làng”(12).

Nói đến văn hóa Huế là nói đến văn học dân gian, ở đó có nhiều thể loại được lưu truyền, mỗi thể loại đều có vai trò to lớn đối với văn hóa, văn học dân gian xứ huế, theo như nhận xét của GS Nguyễn Chí Bền “Những sáng tác văn học dân gian xứ Huế ở tất cả các thể loại: từ truyền thuyết đến truyện cổ tích, từ ca dao đến vè, từ lý đến truyện cười…là những chứng tích văn hóa phi vật chất, chứng tỏ sự sáng tạo của quần chúng, của cộng đồng người ở xứ Huế. Chủ thể của những sáng tác folklore ngôn từ này của xứ Huế, có khác với các vùng khác ở chỗ, ngoài những người dân chân lấm tay bùn nơi thôn dã, còn có một lực lượng trí thức là các quý tộc, quan lại, các ông đồ ở nơi kinh kỳ, nơi đô thị. Chính đội ngũ sáng tác ấy, làm thành cái riêng cho văn học dân gian xứ Huế. Mặt khác, sự tồn tại của những sáng tác folklore ấy cho đến hôm nay, chứng tỏ sức sống của trí tuệ, tâm hồn dân gian. Cùng với những dấu tích văn hóa vật chất, chúng làm thành diện mạo văn hóa xứ Huế. Nếu như con người xứ Huế, dù vô tình hay cố ý, đánh mất hoặc đánh rơi vốn folklore ấy, thì họ sẽ rơi vào sự hẫng hụt văn hóa đương nhiên sẽ xảy ra. Bởi con người tồn tại, không phải chỉ bằng những di tích, mà còn bằng vốn văn học dân gian lắng đọng trong con người họ”(13). Và trong tập sách này có sự hiện diện của các tác giả Tôn Thất Bình, Triều Nguyên, Trần Hoàng, Trần Nguyễn Khánh Phong, Kê Sửu, Trương Thị Nhàn…đã đem đến cho người đọc những nội dung đặc trưng của văn học dân gian xứ Huế từ đồng bằng đến miền đồi núi xa xôi.

Nói đến âm nhạc và diễn xướng dân gian xứ Huế thì phải nói đến các làn điệu ca Huế, hát chầu văn “Có nhiều hình thức tín ngưỡng trong dân gian Huế. Hầu như tín ngưỡng nào cũng sử dụng đến âm nhạc để đưa tâm linh vào cõi ngưỡng mộ. Tín ngưỡng Mẫu Liễu là một trong những hình thức tín ngưỡng sử dụng đến âm nhạc mạnh nhất. Nó đã thu hút nhiều loại hình nghệ thuật ca múa, văn học, mỹ thuật và âm nhạc là nền tảng để đưa sinh hoạt của tín ngưỡng này đến đỉnh cao phong phú. Hát chầu văn là một hình thức âm nhạc dân gian đa dạng về làn điệu tiết tấu và độc đáo về cách diễn xướng văn chương”(14), hò bài thai “Bài Thai là trò chơi cộng đồng sử dụng bộ bài Tới, được tổ chức ở nơi đông người và không hạn chế số lượng người tham gia, thường ở các chợ trung tâm có đông khách hàng mua bán. Ngoài yếu tổ may rủi, đỏ đen, bài Thai vận dụng phương pháp thả thơ, câu đố dân gian bằng hình thức hò - diễn xướng những lớp hò thời sự, ân tình, lịch sử, hoặc chuyện ngang trái tình trường… đa nghĩa, nhằm thu hút người nghe, và thu hút người tham gia. Theo Lê Văn Chưởng thì hò bài Thai là một trong 25 loại hình hò Huế, những lời hò ấy đã lôi cuốn người nghe đồng thời cũng thôi thúc những người muốn thử vận đỏ đen vài ba đồng để giải mã ý nghĩa lời hò”(15), hò giã gạo “Hò để giải mệt, hò để trợ lực cho việc làm, nhưng cũng là dịp trai thanh gái lịch tìm hiểu nhau và đã có không ít những cuộc tình duyên tốt đẹp đã bắt đầu bằng cối hò giã gạo”(16). Điểm qua vài hình thức diễn xướng tiêu biểu của Huế để bạn đọc cảm nhận được sự phong phú của loại hình nghệ thuật dân gian này đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Huế mạnh mẽ đến nhường nào mà các tác giả đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, dàn dựng thành bài bản để lưu giữ cho con cháu mai sau.

Tín ngưỡng dân gian và làng xã xứ Huế trong tập sách này có tới 22 bài. Các tác giả tập trung vào việc khảo cứu các lễ hội, thờ cúng mang tính đặc trưng của văn hóa Huế như: Cầu cúng trong dân gian Huế (Huỳnh Đình Kết), Quanh việc thờ Mẫu (Trần Thu Hà), Tục thờ cá voi ở làng Mĩ Lợi (Nguyễn Thăng Long), Lệ họ ở một số làng ven biển Thừa Thiên Huế (Trần Văn Tuấn) và trong đó đáng chú ý là lễ tế âm hồn “Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới cúng âm hồn mà quy mô tổ chức lại có tính cách toàn dân trong một thành phố như ở Huế trong lễ cúng âm hồn 23 tháng 5 âm lịch. Đây là một hình thức cúng tế mà đơn vị tổ chức nghi lễ vừa có tính đơn lẻ trong từng gia đình, lại vừa có tính cách cộng đồng trong từng đoàn thể, tổ chức, tập thể những người cùng chung một ngành nghề, cùng ở trong một thôn, xóm, phường…”(17). Người đọc lại càng say đắm khi đến với các làng truyền thống Huế qua các bài của các tác giả Trần Đại Vinh với Làng văn vật Mậu Tài, Nguyễn Thế với Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, Dương Phước Thu với Lễ giỗ tổ nghề rèn làng Hiền Lương…Và tất nhiên còn rất nhiều bài mà chúng tôi chưa thể kể hết ra đây đã phần nào làm nên diện mạo cho cuốn sách cần có để nghiên cứu.

Người ta đã và đang nói nhiều về sự mai một, mất mát của truyền thống dân dã trước xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa, trước sự du nhập ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Đây cũng là lẽ đương nhiên bởi mọi sự phát triển đều phải trả giá bằng cái được, cái mất. Tuy nhiên, trong dặm đường dài lịch sử Huế đã tạo dựng được cốt cách riêng của mình, thì dù trong trào lưu, biến động nào, sớm muộn nó cũng ý thức được về mình và tìm lại cái cốt cách riêng cho mình.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích lại ý kiến của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh rằng “Cuối cùng, tôi đề nghị mở rộng thêm ba lĩnh vực cần được quan tâm, vì chúng mang bản sắc Huế rất rõ, đó là:

- Bếp ăn và cách ăn Huế.

- Y học dân gian, dân tộc Huế.

- Trang phục Huế”(18).

Vậy thì, đây là những gợi mở quan trọng, là động lực để trong thời gian tới, các hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế sẽ cố gắng đầu tư thời gian, công sức lẫn vật chất để hệ thống hóa những giá trị của văn hóa Huế thành những công trình dạng sách tiêu biểu nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Huế trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, bởi vì đúng như GS Ngô Đức Thịnh đã nhận xét “Đối với xã hội Việt Nam ngày nay, văn hóa Huế có giá trị nhiều mặt:

- Văn hóa Huế với tất cả những gì còn lại tới nay là chứng tích của một trình độ phát triển văn minh, là những giá trị của di sản văn hóa dân tộc mà cha ông đã để lại cho đời sau, là một bảo tàng sống của quá khứ dân tộc. Tất cả những cái đó không chỉ là một thứ đồ cổ để ta chiêm ngưỡng hay để thỏa chí tò mò, mà còn là bài học về nhiều mặt cho đời sống hiện tại và mai sau.

- Trước tiên, đó là bài học về thái độ ứng xử của con người trước môi trường tự nhiên. Với trí tuệ và bàn tay khéo léo của mình, người Huế đã chuyển cái tự nhiên thành cái văn hóa, tạo nên chất thơ cho không chỉ đời sống con người mà cả khung cảnh thiên nhiên nữa. Di sản này của văn hóa Huế để lại cho chúng ta lại càng thiết thực hơn khi đất nước đang đổi mới đi vào con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi thế vấn đề môi trường đang trở thành một thách đố trước trí tuệ và nỗ lực của con người.

Ở Việt Nam, có lẽ Huế là nơi độc nhất vô nhị cho ta thấy một mẫu hình của sự chuyển tiếp một cách tự nhiên giữa truyền thống và hiện đại, sự kết hợp hài hòa (mà có lúc người ta cứ tưởng là đầy xung đột và kịch tính) giữa cái dân dã với cái bác học, chuyên nghiệp, cung đình, giữa lối sống thôn dã, đồng quê với lối sống thị dân nơi đô thị. Người Huế biết dung hợp tất cả những cái khác biệt ấy để tự nâng mình lên cao hơn, tạo ra bản sắc, “cá tính” cho mình.

- Huế đáng để cho chúng ta học lại bài học về thái độ và cách cư xử của mình với các di sản quá khứ. Có lúc nào đó ta quá nệ vào cái gọi là “quan điểm giai cấp” để nhìn nhận lịch sử, nhìn nhận văn hóa rồi thấy ở đó những thứ không đáng trân trọng, nâng niu, mà hệ quả của nó là vô thức quay lưng lại với quá khứ, với các giá trị vô giá của cha ông. Nay đã khác rồi, nhưng bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị.

- Huế là quà tặng của thiên nhiên, là di sản của cha ông để ngày nay chúng ta không phải bắt đầu lại mà tiếp tục phát triển trên cái nền sẵn có ấy để Huế hiện tại và tương lai vẫn là nơi mang dấu ấn của một trình độ văn minh cao, là một sắc thái độc đáo trong cái đại đồng của văn hóa dân tộc”(19).

Hy vọng rằng, với khối lượng đồ sộ các bài viết đăng trên Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế mà Ban chấp hành tuyển chọn ra trong tuyển tập này mới chỉ là số ít, thì trong những nhiệm kỳ tiếp theo, Ban chấp hành sẽ cố gắng tuyển chọn để làm thêm những tuyển tập khác bề thế hơn, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu cho những ai muốn quan tâm đến văn hóa truyền thống Huế. Xin hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc và tất cả các hội viên.

T.P

 

CHÚ THÍCH:

[1]. Từ 30 hội viên của những năm đầu mới thành lập thì đến nay đã có 49 hội viên trong đó có 25 hội viên đồng thời là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

2. Đến nay, các hội viên đã làm nên 170 tác phẩm, công trình dạng sách và 34 tác phẩm, công trình dạng băng hình. Có nhiều hội viên đạt các giải thưởng lớn như: Giải thưởng Nhà nước đối với nhà nghiên cứu Triều Nguyên, giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đối với các nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, Tôn Thất Bình, Dương Bích Hà, Võ Quê, giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô đối với các nhà nghiên cứu Hoàng Thị Như Huy, Nguyễn Hữu thông, Triều Nguyên, Trần Đại Vinh, Trần Hoàng, Tôn Thất Bình…

3. Nguyễn Xuân Hoa: Dấu ấn của di sản văn hóa truyền thống ở Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 19.

4. Lê Hồng Lý: Không gian văn hóa Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 24.

5. Trần Quốc Vượng: Về di sản văn hóa dân gian xứ Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 48.

6. Trần Đức Anh Sơn: Mối quan hệ giữa các hệ sinh thái - Nhân văn với văn hóa Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 29.

7. Tô Ngọc Thanh:: Huế - Trung tâm hội tụ và tỏa sáng văn hóa. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 41.

8. Ngô Đức Thịnh: Folklore trong văn hóa xứ Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 42.

9. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế: Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, 1993, trang 3.

[1]0. Trần Quốc Vượng: Về di sản văn hóa dân gian xứ Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 51.

[1]1. Nguyễn Hữu Thông: Phụ nữ Huế - Những người nghệ sĩ tài ba trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 1184, 185.

[1]2. Nguyễn Phước Bảo Đàn: Làng Hải Cát: Những biểu hiện trong mối quan hệ với nữ thần Thiên Y A Na. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 467.

13. Nguyễn Chí Bền: Văn học dân gian xứ Huế định hướng bảo tồn và phát triển. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 193, 194.

[1]4. Trần Hữu Pháp: Sôi động trong âm nhạc hát chầu văn. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 423.

[1]5. Huỳnh Đình Kết: Hò bài thai. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 415.

[1]6. Thái Hùng: Hò giã gạo ở Thừa Thiên Huế. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 410.

[1]7. Tôn Thất Bình: Lễ tế âm hồn ngày thất thủ kinh đô. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 453.

18. Tô Ngọc Thanh: Huế - Trung tâm hội tụ và tỏa sáng văn hóa. Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 41.

[1]9. Tất cả các trích dẫn đều lấy từ sách Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991 - 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016.

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng