NGUYỄN LÃM THẮNG
1. Văn bia xuất hiện từ khá sớm, bắt đầu từ Trung Quốc, sau lan truyền sang Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản - các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Theo nhiều nhà nghiên cứu, văn bia xuất hiện từ thời Hậu Hán: “Từ Hậu Hán về sau mới có văn bia, tìm văn bia trong bia, thời Tiền Hán chưa thể thấy được”(1). Quá trình tiếp thu văn hóa Hán của Việt Nam có một lịch sử lâu đời. Văn bia xuất hiện ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ thứ VII. Tấm bia cổ nhất được tìm thấy tại làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa có tên Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn được lập vào năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (tức 618). Từ đó cho tới hết thời Nguyễn, văn bia Việt Nam tăng lên rất nhanh về số lượng cũng như chủng loại, từ các Kinh chàng (các cột đá khắc kinh Phật) cho tới bi văn, ma nhai, bia tháp minh, bia Hậu. Nếu như thời Đinh (968 - 980), chúng ta mới chỉ tìm thấy một số Kinh chàng, thời nhà Lý (1010 - 1225) có 23 bia, thời Trần (1225 - 1400) 44 bia thì đến thời Mạc, chúng ta có 165 bia, các triều đại sau này là Tây Sơn “khoảng vài trăm” bia, Lê trung hưng, thời Nguyễn thì con số đó lên tới “khoảng vài ngàn văn bia”(2).
Văn bia Việt Nam nhìn chung thường gắn với các di tích văn hóa, lịch sử như: đình, chùa, miếu, lăng tẩm, nhà thờ họ,... Xuất phát từ đặc điểm lịch sử mở rộng dần bờ cõi về phương Nam của dân tộc, văn bia nước ta cũng được phân bố không đều giữa các vùng miền trên cả nước. Riêng với Thừa Thiên - Huế, theo sự thống kê của tác giả Trịnh Khắc Mạnh trong bộ Thư mục văn bia, “Thừa Thiên Huế có khoảng 180 văn bia”, chủ yếu bao gồm các loại sau: Văn bia cung đình, Văn bia chùa, Văn bia dân gian(3)…
Văn bia đình, theo tác giả Trần Đại Vinh, Thừa Thiên Huế có “khoảng 13 văn bia đình trên tổng số 160 văn bia các loại”(4). Tuy nhiên, theo sự điền dã của chúng tôi, con số này là 19. Văn bia đình là bộ phận quan trọng trong hệ thống văn bia hiện tồn ở Thừa Thiên Huế. Văn bia đình thể hiện nhiều giá trị văn hóa quan trọng của cư dân bản địa trong suốt quá trình mở cõi.
2. Văn bia Huế (cả bia dân gian lẫn cung đình) hầu hết đều là bia chữ Hán. Tuy nhiên, trong các bài văn bia, nhất là văn bia dân gian, trong đó có bia đình, chữ Nôm vẫn xuất hiện. Trong số 19 văn bia đình Thừa Thiên Huế, chúng tôi tìm thấy chữ Nôm xuất hiện với 6 lần. Trong đó, chỉ có bài văn bia “Vọng từ kỷ niệm” do Đặc tấn tráng Võ tướng quân, Đô thống phủ Đô thống, Chưởng phủ sự Võ Văn Kiêm khắc tại làng An Ninh, xã Hương Long Thành phố Huế được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm(5). Chữ Nôm trong văn bia đình ở Thừa Thiên Huế, phần lớn là tên người, xuất hiện ở mục kê tên những người đóng tiền của xây dựng, trùng tu đình làng.
Trên văn bia đình Thừa Thiên Huế còn xuất hiện chữ húy. Kỵ huý hay tị huý cách viết hay đọc trại một từ nào đó do bị kiêng kỵ trong ngôn ngữ văn tự xã hội. Đó là những chữ viết dị thể một chữ Hán thông thường để kiêng húy các bậc đế vương và những người trong hoàng tộc. Trong hệ thống văn bia đình Thừa Thiên Huế, chúng tôi tìm thấy 01 chữ húy và xuất hiện 01 lần. Chữ húy trong Văn bia đình Thừa Thiên Huế là chữ viết kiêng húy thời Nguyễn. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì các văn bia của đình Thừa Thiên Huế chủ yếu là bia thời Nguyễn. Chẳng hạn, trong Văn Xá xã đình bi ký 文舍社亭碑記, làng Văn Xá vốn tên là Võ Xá武舍, do kiêng huý miếu hiệu Võ vương Nguyễn Phúc Khoát 阮福闊 mà đổi thành tên này. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát húy là Hiếu, còn gọi là Chúa Vũ/Võ (1714 - 1765) là vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử Việt Nam.
Văn bia đình Thừa Thiên Huế là một cứ liệu quan trọng về quá trình phát triển cộng đồng làng ở “vùng đất mới” của người Việt, trong đó, hai đặc điểm quan trọng nhất là vấn đề tụ cư và việc xây dựng - trùng tu đình làng, một không gian văn hóa cộng đồng đặc trưng. Quá trình mở mang bờ cõi của các đời vua Đại Việt cũng chính là quá trình không ngừng phát triển của các tổng, các làng về các lĩnh vực: địa giới, tổ chức hành chính, tổ chức đời sống văn hoá vật chất và tinh thần. Đây là nền tảng cho sự xuất hiện của hệ thống bia đình tại vùng đất này, đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn.
Việc phân định địa hạt hành chính vùng Thuận Hóa (gồm các lộ (trấn), châu, huyện, xã, thôn, giáp...) đã được hoàn chỉnh vào đời Trần. Theo Đào Duy Anh trong cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời”, hành chính châu Thuận và châu Hóa được phân chia như sau: châu Thuận gồm các huyện: Ba Lãng, Lợi Điều, An Nhân, Thạch Lan; Lợi Bồng, Thế Vinh, Sạ Lệnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng là các huyện thuộc châu Hóa. Đến đời Lê, 4 huyện của châu Thuận gộp lại thành 2 huyện là Vũ Xương, Hải Lăng và 2 châu Thuận Bình, Sa Bôi thuộc phủ Triệu Phong, nay thuộc phần phía nam tỉnh Quảng Trị, lưu vực sông Thạch Hãn. Hai huyện Lợi Bồng, Tư Dung thời Trần, trong thời gian giặc Minh cai trị đã gộp thành huyện Sĩ Vịnh. Sau đó, nhà Lê chia châu Thuận thành 3 huyện: Đan Điền (Sa Lệnh, Bồ Đài cũ), Kim Trà (Bồ Lãng, Trà Kệ cũ) và Tư Vinh (Sĩ Vinh cũ).
Từ khi sát nhập vùng đất Ô, Rí của Chiêm Thành vào lãnh thổ nước ta, các vua Đại Việt không ngừng có các chính sách phát triển vùng đất “đầu sóng ngọn gió” này với mục đích xây dựng chúng thành phên giậu phía nam tổ quốc trước sự quấy phá của Chămpa, đồng thời làm bàn đạp cho công cuộc nam tiến về sau. Đến đời Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497), các làng xã vùng đất Thuận Hoá về cơ bản đã có một lề lối sinh hoạt ổn định.
Năm 1353, vua Trần Dụ Tông phái Trương Thiếu Bảo (Trương Hán Siêu) vào chống giữ vùng Thuận Hoá, không lâu sau, vùng đất này xuất hiện nhiều làng xã của người Việt, trong đó một số làng còn tồn tại đến ngày nay với nhiều truyền nết văn hoá cổ truyền quý giá như: An Cựu, Thuỵ Lôi, Dương Xuân. Sách An Nam chí nguyên cho biết, Thuận Hóa vào đời Trần gồm có 2 châu, 11 huyện, 79 xã, 1470 hộ, 5662 khẩu. Tuy nhiên, do thời gian phát triển chưa dài nên nhìn chung ở đời Trần, làng xã Việt thuộc châu Thuận, châu Hoá vẫn còn thưa thớt, nhiều vùng đất còn chưa được khai phá. Điều này dần được khắc phục vào các giai đoạn sau.
Sau khi sự nghiệp bình Ngô thành công (năm 1428), các vua Lê đặc biệt quan tâm tới “vùng đất mới” này. Lên ngôi chưa lâu, Lê Thái Tổ đã ban một số sắc lệnh khuyến khích việc mộ dân lập ấp, dựng làng trên xứ Ô Châu. Sau khi đi đánh Chiêm Thành năm 1470 - 1471, vua Lê Thánh Tông đã cho một số tướng lĩnh, quân sĩ Nam tiến vào lập làng, lập họ tại vùng đất Thuận Hoá. Từ đó hình thành nhiều dòng họ gắn với sự xuất hiện của nhiều làng mới, chẳng hạn như dòng họ Phan với làng Thanh Phước ở huyện Hương Trà, nay thuộc Thừa Thiên Huế. Năm Quang Thuận thứ 7 đời Lê Thánh Tông, triều đình tiến hành cải tổ hành chính, theo đó, xứ Thuận Hoá được chia thành 2 phủ, 7 huyện, 4 châu, trong đó, phủ Triệu Phong được chia thành 5 huyện, 2 châu. Ba huyện Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh (nay thuộc Thừa Thiên Huế) được chia cụ thể thành các xã, thôn, sách, trang như sau: huyện Đan Điền gồm 63 xã, 9 thôn, 6 sách; huyện Kim Trà có 73 xã, 2 thôn, 6 châu, 13 sách; huyện Tư Vinh có 44 xã, 18 thôn, 1 trang. Cũng vào đời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 24 (1490), địa giới hành chính vùng Thuận Hoá tiếp tục được điều chỉnh. Tính riêng địa bàn Thừa Thiên Huế, 3 huyện vẫn giữ nguyên, nhưng tổng số xã, thôn có một số biến động do sự điều chỉnh phân bố của chính quyền, cụ thể: Đan Điền 53 xã, Kim Trà 72 xã, 4 thôn, 82 sách, 2 rừng; Tư Vinh 45 xã, 17 thôn, 7 sách, 2 rừng.
Hiện nay, vì nhiều lí do, chúng ta có rất ít tư liệu về văn bản hành chính, công sự hay các sách vở viết về đời sống sinh hoạt văn hoá, làng xã thời kỳ này, do vậy, rất khó để có thể kết luận chính xác về mức độ phát triển của đời sống làng xã.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá đã đưa theo một lực lượng lớn dân binh nhằm xấy dựng nơi này thành nơi “vạn đại dung thân”. Từ đó về sau, số lượng cư dân ngoài Bắc vào lập làng, lập nghiệp ngày càng đông đảo. Trong thời các chúa Nguyễn, lượng dân nam tiến hết sức đa dạng, bao gồm: dân vùng Thanh - Nghệ (quê hương các chúa Nguyễn), quân Mạc, quân Trịnh bị bắt được đưa đi khai khẩn; người Minh Hương chạy trốn nhà Thanh,… Chính lực lượng đó đã xây dựng nên các tổ chức làng xã, các dòng họ tương đối phát triển tại vùng đất Ô Châu ác địa này, chẳng hạn như dòng họ Nguyễn Phúc, Phạm Đăng, Nguyễn Đình,… Các dòng họ này qua nhiều đời đã xây dựng được nền tảng văn hoá truyền thống vững chắc cho tới tận ngày nay.
Hiện nay, chúng ta vẫn còn lưu giữ được một số tư liệu nói về sinh hoạt sản xuất của các làng xã. Qua đó chứng tỏ rằng, đến thời kỳ này, tổ chức làng xã phát triển rất mạnh mẽ và trở thành một hình thức tổ chức cơ bản của xã hội nông nghiệp Việt Nam. Việc đo đạc đất đai, phân chia xã, thôn được xem là công việc quan trọng của nhà nước. Năm 1618, Nguyễn Phúc Nguyên sai quan đo ruộng đất để thu thuế, trừ bỏ nạn hào lí chấp chiếm công điền, người dân yên nghiệp làm ăn (làm ruộng). Lê Quý Đôn cho biết, bấy giờ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) có tới 222 đơn vị, huyện Quảng Điền có 137 đơn vị, huyện Phú Vang có 352 đơn vị, tổng cộng cả 3 huyện trên của Thừa Thiên Huế có 711 đơn vị, tăng rất nhiều so với thời điểm Dương Văn An viết Ô Châu cận lục.
Dưới thời các chúa Nguyễn và sau này là các vua Nguyễn, thời Tây Sơn, vấn đề xây dựng tổ chức hành chính cấp làng xã cũng như việc khai hoang, lập làng, mở rộng lãnh thổ không ngừng được diễn ra. Hương phả thôn Nam Trường (nay thuộc xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết, thời Tây Sơn, cuối thế kỷ XVIII, có ba nông dân thuộc hai xã Diêm Trường, Phụng Chánh (thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong) tự tiến hành phá lùm bụi lập nên hai phường: Diêm phường, Phụng phường. Gia Long lên ngôi, ông tách ba huyện: Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang ra khỏi phủ Triệu Phong, lập thành dinh Quảng Đức , đến năm 1835, Minh Mạng chia dinh Quảng Đức (bấy giờ đã đổi tên thành phủ Thừa Thiên) thành 6 huyện: Hương Trà (có 98 xã), Phú Vang (90 xã thôn), Quảng Điền (58 xã thôn), Hương Thuỷ (58 xã thôn), Phú Lộc (87 xã thôn), Phong Điền (40 xã thôn). Đồng thời, đơn vị phường trước kia nay đổi thành ấp, thôn, xã (tên phường chỉ còn dùng cho các khu vực nhỏ bên trong Kinh thành Huế).
Ở thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, các làng xã luôn tăng lên về số lượng, từ 431 đơn vị (theo sách Đại Nam nhất thống chí) tới thời Bảo Đại đã là 572 đơn vị (theo Danh sách xã thôn Trung Kì trước 1945). Tác giả Nguyễn Đình Đầu căn cứ vào địa bạ thời Gia Long cho chúng ta biết, có khoảng 354 làng, trong đó 210 làng còn địa bạ.
Đầu thế kỷ XX, Theo Niên giám tổng quát xứ Đông Dương, năm 1907, 6 huyện của phủ Thừa Thiên có 31 tổng, 457 làng, 39785 đinh.
Như vậy, trải qua hơn 600 năm với 7 triều đình phong kiến, làng xã vùng Thuận Hoá không ngừng biến động, trong đó, đặc trưng chung là tăng lên về số lượng và ngày càng thể hiện được chiều sâu trong việc tổ chức hành chính cũng như đời sống văn hoá. Văn bia đình ra đời và phát triển cũng xuất phát từ nền tảng đó, đồng thời quay lại thúc đẩy sự phát triển của đời sống tinh thần làng xã.
3. Văn bia Thừa Thiên Huế nói chung, văn bia đình nói riêng đã phản ánh được nhiều mặt đời sống của cư dân nơi đây từ cuối thế kỷ XVIII, nhất là giai đoạn mạt Nguyễn, cuối thế kỷ XIX. Những mặt này được thể hiện qua hình thức sinh động, giàu tính nghệ thuật với những hình tượng hoa văn, đồng thời, qua việc tạo tác kích thước phù hợp với đặc điểm đình làng từng địa phương. Văn bản văn bia được tổ chức hết sức bài bản với độ dài vừa phải, bố cục cân đối. Đặc biệt, việc một số văn bia có sử dụng chữ Nôm cho thấy một điều thú vị về khả năng thâm nhập đời sống hành chính của chữ viết dân tộc. Trải qua những biến động xã hội cũng như thiên tai, số lượng và chất lượng 19 văn bia đình Huế còn lại ngày nay chắc chắn chưa phản ánh hết diện mạo văn bia đình vùng này thời phong kiến. Nghiên cứu hệ thống văn bia đình Huế, vì vậy, là việc làm cần thiết nhưng không hề dễ dàng. Bài này chỉ là một gợi ývà vẫn còn là công việc ở phía trước.
N.L.T
---------------
Chú thích:
1. Chu Kiếm Tầm: Kim Thạch học, Thượng Hải, 1955, trang 171.
2, 3. Trịnh Khắc Mạnh: Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, trang 49.
4, 5. Trần Đại Vinh: Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2006, trang 299.