Văn nghệ dân gian
LÀNG VÀ NHÀ Ở XƯA CỦA NGƯỜI PHÍA TÂY HUẾ
15:51 | 18/08/2020

 LÊ NGUYỄN LƯU

Nhìn chung, mỗi làng của các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế ngày trước là một đơn vị độc lập toàn diện, có mối quan hệ gắn bó truyền thống, rất ít khi xẩy ra hiện tượng dân làng này đến ở làng khác tuy không bị phân biệt đối xử nặng nề; các sinh hoạt dòng tộc, làng bản đã ràng buộc họ một cách chặt chẽ... Họ còn có đời sống văn hóa riêng, khác với vùng đồng bằng. Trong những thế kỉ qua, hoặc do hoàn cảnh chiến tranh, hoặc do mô hình tổ chức khép kín, cư dân miền núi vẫn bảo tồn trọn vẹn bản sắc địa phương. Từ sau năm 1975, cuộc sống mới bắt đầu được xây dựng, tổ chức làng bản thay đổi theo kiểu xã huyện đồng bằng, việc giao lưu mở rộng, cho nên họ tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa từ bên ngoài đôi khi ồ ạt, thiếu chọn lọc, dẫn đến tình trạng những đặc trưng truyền thống bị mai một dần... Kiểu nhà gươl, nhà rông, nhà dài, nhà sàn truyền thống của các dân tộc sẽ chỉ còn là kỉ niệm! Quy luật tiến hóa của xã hội, không thể khác đượ, chỉ mong trong khi xây dựng cái mới,  cố gắng bảo lưu phần nào cái hay, cái đẹp trong văn hóa truyền thống.

 

LÀNG VÀ NHÀ Ở XƯA CỦA NGƯỜI PHÍA TÂY HUẾ

 

I. DÂN TỘC MIỀN NÚI TÂY HUẾ TRONG THƯ TỊCH

Bên cạnh người Champa, cư dân bản địa còn có những tộc người sống ở miền núi phía Tây, chủ yếu gồm Cơ Tu, Tà Ôi (Pa Cô), Pa Hi, Vân Kiều, phân bố dọc theo miền Trường Sơn với những thung lũng A Sao, A Lưới, Nam Đông, Khe Tre, đầu nguồn sông A Sáp, T’rềnh, Hương, Bồ, Hưng Bình, Ô Lâu. Tộc người Cơ Tu có mối quan hệ huyết thống với cư dân các huyện Hiên, Giằng ở tỉnh Quảng Nam; tộc người Tà Ôi lại có quan hệ đồng tộc với cư dân huyện Tà Ôi ở Lào; tộc người Vân Kiều thì có quan hệ với cư dân huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị và vùng núi tỉnh Quảng Bình; riêng tộc người Pa Hi là bộ phận cư dân bản địa thuần túy của Thừa Thiên Huế (có thể là người Việt cổ thời quận Nhật Nam). Nhiều nhà nghiên cứu như Frank. M.Le Bar, Georges Coedès cho rằng dải đất miền Trung xưa kia là nơi quy tụ theo thủy lộ “không chỉ cho những nhóm Au stronesian với dấu vết ngôn ngữ biểu thị bằng sự hiện hữu của các tộc người nói ngữ hệ Malayo-Polynesie, mà còn là những bộ phận xuôi theo dòng Mêkông từ Hoa Nam đến đây nói ngôn ngữ Mon-Khmer nằm trong hệ Nam Á (Au stroasiatic)(1). Nhóm Nguyễn Hữu Thông căn cứ vào tình hình Champa thành lập trên cơ sở các tiểu vương quốc (mandala) để đoán đình “miền Trung Việt Nam ngày nay là địa bàn tụ cư của nhiều tộc người có nguồn gốc cũng như thuộc các nhóm ngữ hệ khác nhau: Việt-Mường, Malayo-Polynesie, Mon-Khmer v.v…, và chính họ là thần dân trong các tiểu quốc được xây dựng trên vùng phân bố của tộc người hay nhóm tộc người vừa nêu. Qua những biến đọng lịch sử, , số sống ở vùng chân núi - gò đồi hòa nhập vào cộng đồng Việt trong quá trình nam tiến, để trở thành bộ phận người miền xuôi, thuộc vùng đồng bằng ven biển hiện nay. Số sinh sống ở gò đòi và vùng núi cao tiếp tục hiện diện cho đến bây giờ mà tộc danh của họ phàn lớn đều nhằm phân biệt vùng cư trú với nhóm người còn lại đã bị phân lập, bao hàm ý nghĩa là người ở phía núi rừng, hây đầu nguồn nước: Tà Ôi (về phía núi hiểm trở), Pacoh (phía núi), Bru (người ở rừng),Vân Kiều (người ở núi), Cơ Tu (kẻ sống ở đầu nguồn) v.v…(2). Nhận định ấy có lẽ không sai, cũng có thể nói thêm rằng một bộ phận trong số họ xưa kia vốn sống ở đồng bằng (cư dân Nhật Nam), vì sức ép của hình thái tự nhiên(3) cũng như của những người mới đến (Chăm, Việt) quá mạnh nên phải rủ nhau kéo lên miền sơn cước, càng ngày càng xa dần biển, như phản ánh trong các truyền thuyết, các chuyện kể của họ…

Thư tịch đề cập đến họ sớm nhất có lẽ là sách Ô Châu cận lục (1555) của Dương Văn An. Ở mục Thuế khóa, tác giả cho biết: “Huyện Kim Trà có 82 sách, 2 rừng và huyện Tư Vinh có 7 sách, 2 rừng...(4). Năm 1776, khi biên soạn Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn liệt kê nhiều sách, động ở đầu nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch của sông Hương, nguồn sông Hưng Bình(5), nguồn sông Bồ, nguồn sông Ô Lâu(6), nơi cư trú của các dân tộc Tà Ôi, Pa Hi, Hoang Man hoặc Man Cao, Man Trung, Man Hạ (Cơ Tu hay Ka Tu), thường trao đổi, mua bán sản vật với người miền xuôi: “Nguồn Tả Trạch đi qua các phường xã An Ninh, Kim Ngọc, Dương Lăng, còn là dân thường, từ đấy mà lên đều là núi rừng lớn, đi hai ngày đến đến sách Làng Nước của người Man dưới, ròi đến sách Hà Vãn, phường Hà Lạc, phường Ma Ra, dọc đường các lái buôn đem các thứ muối, mắm, trâu, đồ nông cụ, thanh la đổi lấy các thứ mây sắt, mây trắng, sáp ong, mật ong. Từ phường Hà Lạc trở lên, về bên hữu có nhiều cây kiền kiền, cây thai bái và các cây gỗ tạp. Từ phường Ma Ra trở lên đều là hoang man, không hiểu tiếng nói. Bên tả sách Làng Nước là nguồn Hưng Bình huyện Phú Vang. Từ ngã ba Tuần đi về phía tả một ngày rưỡi đến phường May Dăng, phường Làng Luống cũng là núi rừng, có dân cư. Ở trên là các sách Khe Điện, Đá Chồng người Man. Nguồn Hữu Trạch đi qua phường An Bình là mồ mả tiên nhân họ Nguyễn ở đấy. Phường Cây Bông trở lên đều là núi rừng lớn. Đi quá nửa ngày đến sách Làng Răng đều là dân Man. Từ đấy mà lên, núi khe rậm rịt, không có dân cư. Đi một ngày rưỡi đến sách Ngọn Sào. Lại đi một ngày qua khe Cha lạnh, đến sách A Man Cách, chỗ này nhiều cây kiền kiền và cây gỗ tạp. Lại đi một ngày đến sách A Ra (Đốc Sơ), trở lên đều là người Man Cao ở, các lái buôn không đến được, chỉ đến mua bán xứ Bãi Đình, Cây Bông thôi. Các dân Man cũng thường đến đấy đổi chác hóa vật, cũng như ở nguồn Tả Trạch. Đại khái dân man lúc thường lễ tiết hay dùng trâu lợn cùng là thanh la, đồ đồng, các vật ấy bán chạy lắm(7). Dân Man ở đây chính là tộc người Ka Tu. Còn “nguồn Sơn Bồ ở đầu nguồn huyện Quảng Điền, phía trên dưới có 17 sách dân Man Thượng và dân Man Hạ là sách A Ra, A Xuống, Huyền Tiết, A Na, A Li, A Ti, Cản Tôm, Câu Suốt, A Hồ, Cản Thâm, Quân Việt, Cản Ti, Ba Lăng, Tất Y, Huyền Đô, chịu thuế nhà nước cộng 36 suất… Cứ theo sổ kê khai thì động Cây Tôm 5 sách, đều là Man Thượng, chịu thuế 4 suất, động A Ra 5 sách, đều là Man Cao, chịu thuế 5 suất, động Làng Ngôi 5 sách, đều là Man Hạ, chịu thuế 4 suất, các sách động Làng Thai, đều là Man Hạ, chịu thuế 5 suất, mõi suất thuế 1000 sợi mây sắt, 20 suất cùng chịu thuế hàng năm 2 vạn sợi(8) thì đó hầu hết là tộc người Tà Ôi - Pacoh và một ít Ka Tu. Buổi đầu, các triều đình phong kiến chỉ đặt các tuần ti, chủ yếu quản lí phần thuế khóa, để cho họ hoàn toàn tự trị, như thời các chúa Nguyễn “sai Lê Minh Đức làm cổn quan trông nom các sách dân man, lấy dân trong nguồn làm lính, ngăn ngừa ác man, trưng thu thuế lệ, các dân miển xuôi muốn lên đầu nguồn mưu sống, có ai trình đội trưởng thì cho đi, hẹn kì về phải đến nộp thuế, không cho quá kì phạm cấm, để phòng sinh chuyện(9). Tuy nhiên, họ sống rất cơ động vì lấy nghề nương rẫy làm chính, cứ mổi khi đất bạc màu, thì cử làng đi tìm nơi khác canh khẩn.

Thời nhà Nguyễn, cũng như các thời trước, dân tộc miền núi nhiều nơi đều được đưa vào vòng quản li hành chánh của triều đình, quy tập các buôn bản thành châu (tương đương với huyện người Kinh), lúc đầu dùng thổ quan (quan người địa phương), sau vua Minh Mạng đổi dùng lưu quan (quan người Việt do triều đình bổ đến), nhưng không thấy đả động gì đến các dân tộc miền núi phủ Thừa Thiên, trong khi ở Quảng Trị có đạo Cam Lộ(10). Lí do chắc vì cư dân miền núi vùng kinh kì sống phân tán quá, rất khó quản lí, vả lại, hộ không định cư mãi một chỗ, nên vẫn để cho họ tự trị. Núi rừng bạt ngàn là lãnh địa của họ Đến năm Đồng Khánh 2 (1887), nhà nước mới chính thức đặt chức trưởng mục để trông coi các “trại”, ban lịch và chấp nhận một số quyền tư pháp trong quan hệ dân sự (kiện tụng), nhưng vẫn theo chế độ “ki mi” (ràng buộc lỏng lẻo)(11). Chính người Pháp cũng rất muốn “khám phá” vùng “ma thiêng nước độc” để khai thác cho hết tài nguyên của Việt Nam. Mãi đến năm 1966, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, miền núi Thừa Thiên Huế đồng khởi thành công vùng núi tây bắc, chia lập quận Một và quận Ba ở A Lưới (quận Một gồm các xã: A Roàng, A Đớt, Hương Lâm, Hương Nguyên, A Ngo, Nhâm; quận Ba gồm các xã: Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Bắc, Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Quảng, Hồng Nam, Bắc Sơn và Đông Sơn). Trong lúc đó, vùng núi tây nam, năm 1958, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Nam Hòa với “Khu trù mật” Nam Đông, vận động dân đồng bằng lên làm ăn. Năm 1966, sau khi đồng khởi thành công, nơi đây đã thành quận Hai, nhưng mới có ít xã như Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng. Sau giải phóng 1975, huyện A Lưới chính thức được thành lập năm 1976 gồm các xã dân tộc cũ và các xã người kinh lên do phong trào xây dựng kinh tế mới (A Roàng, A Dớt, Hương Lâm, Hương Nguyên, A Ngo, Nhâm, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Bắc, Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Quảng, Hồng Nam, Bắc Sơn, Đông Sơn, Hương Phong, Phú Vinh, Sơn Thủy). Trong lúc ấy, Nam Đông sáp nhập huyện Phú Lộc (1981), dân đồng bằng lên lập làng kinh tế mới, đến năm 1991 mới tách thành một huyện (gồm các xã Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu, Hương Sơn, Hương Lộc, Hương Phú, sau thêm xã Hương Hòa và thị trấn Khe Tre). Vùng tây Thừa Thiên Huế có nhiều tộc, nhưng chủ yếu và chiếm số lượng đông hơn cả là Ta Ôi, Ka Tu, các tộc khác như Pacoh (Pacô), Pahy, Bru - Vân Kiều không đáng kể. Gần đây, người ta thống kê như sau:

TT

DÂN TỘC

SỐ DÂN

(người)

PHÂN BỐ

GHI CHÚ

1

Ta Ôi

35.234

Phong Điền, Hưong Trà, Nam Đông, A Lưới.

Bao gồm cả Pahy, Pacoh.

2

Ka Tu

11.078

Hương Trà, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.

 

3

Bru - Vân Kiều

974

Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, A Lưới.

Phong Điền có từ lâu, còn Phú Lộc mới chuyển cư vào từ 1983.

Dân tộc Ta Ôi (hay Tà Ôi) còn có các tên gọi khác là Pahy, Pacoh, Kan Ma, Tà Nốt, Kà Tang, Kin Dô, Kin Ne... Tuy nhiên, theo Nguyễn Xuân Hồng, “Nhóm Pacoh (trong cộng đồng người Tà Ôi) ở Thừa Thiên Huế hiện nay đang có hướng tự nhận mình là một tộc người riêng biệt. Theo điều tra của chúng tôi, ở A Lưới hiện nay có khoảng 14.000 người / người Tà Ôi trong các kê khai đều ghi rõ họ là dân tộc Pacoh. Đồng bào còn cho biết trng ngôn ngữ, trong văn hóa... của họ có rất nhiều điểm khác với người Tà Ôi (!). Thực tế này buộc các nhà nghiên cứu phải xem xét lại trong trường hợp tên gọi Pacoh là tên gọi khác của người Tà Ôi, tên gọi một nhóm địa phương của một tộc người hay là tên gọi của một tộc người với đầy đủ các yếu tố của nó(12). Những chuyện kể của người Pacoh (cổ tích) cũng cho thấy tổ tiên họ gốc người đồng bằng, tránh lũ lụt mà lên vùng cao. Hiện nay, họ tập trung cư trú tại bốn vùng: Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), huyện Đắc Krông, Hướng Hóa (Quảng Trị), huyện Tù Muồi (Lào), phân bố trong 110 làng, chiếm lĩnh những nơi tương đối thấp, bằng phẳng, gần sông, suối(13). Pahy (Pahi) cũng vậy: “Người Pahi hiện có mặt ở xã Tà Long huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị, xã Phong Mĩ (huyện Phong Điền), xã Hồng Tiến (huyện Hương Trà), xã Hồng Hà (huyện A Lưới) tỉnh Thừa Thiên Huế với số lượng gần 1.000 người. Điều lí thú của nhóm cư dân mang tên gọi này là họ luôn tự nhận mình là người Pahi và không chịu đứng chung vào một tộc người nào cả, cho dù trên thực tế, nếu họ sống gần với người Bru-Vân Kiều thì trong văn hóa thể hiện tính trội của văn hóa Bru-Vân Kiều, nếu sống gần với người Tà Ôi thì trong văn hóa thể hiện tính trội của văn hóa Tà Ôi. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về mặt nhân chủng, nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa của nhóm cư dân này lại cho thấy: ở người Pahi, yếu tố Việt, văn hóa Việt chiếm một tần suất khá lớn(14).

 Dân tộc Ka Tu còn viết là Cơ Tu, Cà Tu, Kha Tu, K’tu, Tou..., tên có nghĩa là người sống ở đầu nguồn nước, ở vùng rẻo câo cây cối bạt ngàn; “ngoài ba tên gọi để phân biệt vùng cư trú của người Katu như: Katu cao (Zal), Katu trung (Âm Pầng), Katu thấp (Ếp), họ còn có nhiều tên gọi khác như Katu Phương, Katu nai: Katu Cao, Katu Cha Lâu: Katu giữa, Katu Đril: Katu thấp(15). Giữa các nhóm Katu cũng có sự dị biệt ít nhiều về ngon ngữ, văn hóa và có khi thù địch nhau. Ho sinh sống phân tán trong vùng “những địa hình khác nhau trong độ cao của sườn dốc và hướng núi Trường Sơn, đang trong diễn trình hình thành những nhóm địa phương (local group). Ở đây, sự chuyển cư của các bộ phận này có thể được hình dung theo cả hai hướng đông tây, và có thể, trong những cuộc thiên di sớm hơn, họ đã có mặt trên cả vùng núi cao lan tận những cao nguyên ở Lào, cho đến vùng ven biển Việt Nam. Nhưng, sự co lại ở địa bàn hôm nay, mà trong sinh hoạt văn hóa lẫn kí ức của họ vẫn còn lưu giữ ở những mức độ khác nhau, đã cho chúng ta thấy sự tụ cư theo hướng đông tây từ ven biển lên vùng gò đồi và sườn núi thấp để hình thành nhóm Katu thấp (Ếp), hoặc cao hơn để làm nên nhóm Katu giữa (Âm Pâng). Trong lúc đó, cũng có sự chuyển cư của những bộ phận Katu từ vùng cao ở biên giới Việt - Lào hoặc từ Lào tràn xuống nhập một phần vào nhóm Katu giữa, phần còn lại khu trú ổn định ở một vùng núi cao, nơi mà chúng ta gọi là Katu cao (Zal). Ka tu cao là nhóm còn bảo lưu khá nguyên vẹn những yếu tố văn hóa cổ, nhờ vào sự khu biệt trong tiếp xúc và giao lưu(16).

Dân tộc Bru - Vân Kiều, có người cho rằng Bru chỉ là từ phổ thông, có nghĩa là người miền núi, người thượng hay man, mọi như ta nói, không phải tên riêng, nên chỉ gọi là Vân Kiều mà thôi... “Người Vân Kiều có mặt ở Quảng Bình, Quảng Trị, và Thửa Thiên Huế với nhiều tên gọi khác nhau: Bru - Vân Kiều, Vân Kiều, Trì, Khùa, Măng Cong. Tuy thế, địa bàn sóng tập trung nhất của người Bru-Vân Kiều là ở tỉnh Quảng Trị. Ơ tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có nhóm Bru - Vân Kiều (hay Vân Kiều) chuyển cư từ Quảng Trị vào, quây quần tại hai địa điểm: xã Phong Mĩ (Phong Điền), xã Xuân Lộc (Phú Lộc)(17). Tên gọi của tộc người này hiện đang trong tình trạng tranh luận.

II. LÀNG VÀ NHÀ CỦA DÂN TỘC MIỀN NÚI HUẾ

Xét về lĩnh vực dân tộc học thì cư dân Tà Ôi, Cơ Tu, đều thuộc nhóm ngữ hệ Môn - Khmer, một trong hai nhóm cổ xưa nhất ở khu vực Đông Nam Á. Họ quần tụ thành từng địa bàn mà ta thường gọi là sách, động hay bản, sử sách còn gọi là nguồn, man... tương đương với làng của người Việt, chúng tôi xin dùng từ “làng” cho tiện. Nhưng làng của họ không đóng một nơi cố định, mà di chuyển sau một thời gian khi đất đã bạc màu. Tất nhiên đó là chuyện ngày xưa, bây giờ thì họ đã được định cư rồi, không khác gì người Kinh, từ năm 1975. Về khu vực cư trú của họ hiện nay, Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Nét riêng biệt của Thừa Thiên Huế là đồng bằng hết sức nhỏ hẹp. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh chủ yếu là vùng gò đồi và vùng núi cao. Huyện A Lưới và huyện Nam Đông là hai huyện khá lớn trong tổng số 8 huyện của tỉnh. Đất đai của hai huyện này và một số xã của huyện Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà là địa bàn cư trú tập trung của ngưởi Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều. Xã Phong Mĩ (Phong Điền) là địa bàn cư trú của người Vân Kiều. Huyện Nam Đông ngoài người Kinh mới lên sau này, còn tuyệt đại bộ phận cư dân của huyện là người Cơ Tu (chiếm hơn 98% dân cư huyện). Huyện A Lưới tuy có một số người Cơ Tu, người Vân Kiều, nhưng nhìn chung đây là địa bàn cư trú của người Tà Ôi. Như thế, các dân tộc ở Thừa Thiên Huế phân bố rải rác thành các điểm tụ cư, sống cách xa nhau và nói chung khó liên lạc với nhau. Thung lũng A So, A Lưới tuy mật độ dân tương đối cao và có sự xen cư giữa người Tà Ôi với người Cơ Tu, người Vân Kiều (Hương Lâm, Hồng Thủy)... nhưng không nhiều lắm. Đa số các xã của huyện A Lưới (16/21 xã) có số lượng người Tà Ôi gần như tuyệt đối (có xã chiếm 100% dân số xã). Người Cơ Tu ở huyện Nam Đông cư trú tập trung và 6 xã của huyện (Hương Hữu, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Lộ, Hương Sơn). Căn cứ vào tình hình cư trú đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy ở miền tây Thừa Thiên Huế đã hình thành những khu vực cư trú rộng (huyện) và hẹp (xã) riêng biệt cho từng dân tộc(18).

Như thế có nghĩa là vừa tập trung, vừa phân tán; địa bàn chiếm lĩnh của mối dân tộc rất rộng cả một vùng núi non - thung lũng mênh mông, nhưng các điểm tụ cư, tức các buôn làng lại biệt lập cách nhau rất xa, đúng như Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục, từ làng này đến làng nọ phải đi mất một vài ngày đường. Diện tích mỗi buôn làng cũng rất rộng, nhưng cư dân không nhiều, chỉ tập trung vào một nơi nhỏ hẹp để dễ sinh hoạt với nhau. Nguyên nhân cũng rát dễ thấy: “Khu vực bắc Trường Sơn với nhiều mạch núi song song, so le bắt đầu ‘chiếc xương sống khổng lồ, đâm ngang theo hướng tây bắc - đông nam, trong khung cảnh chật hẹp của các tỉnh bắc miển Trung với chiểu ngang đông tay cực ngắn, đồi núi trùng điệp, diễn tiến mạch dồn dập trước khi trải dài thành những cao nguyên đất đỏ bazan phì nhiêu, rộng lớn ở phía nam: khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, điểm kết thúc của những ‘mặt bằng rọng lớn’ là thác, vực, sườn dốc nói đá granit hiểm trở được hình thành từ những đứt gãy trong quá trình kiến tạo địa lí. Địa hình cư trú hiểm trở như thế buộc tộc người Ka Tu phải xây dựng cuộc sống của mình trong những thung lũng nhỏ hẹp, giữa lưng chừng núi cao, hay trong rừng sâu. Sự quần tụ thành bản làng của tộc người này, vì thế, cũng khiêm tốn hơn so với khu vực Tây Nguyên được thiên nhiêu ưu đãi(19).

Làng của người Ka Tu (vêêl) vừa là đơn vị cư trú, vừa là đơn vị tự quản trong xã hội truyền thống, thường được xây dựng “ở những nơi cao ráo, bằng phẳng, gần nguồn nước, không quá xa nơi sản xuất và phải thuận lợi cho việc đi lại tra đổi cũng như trong việc phòng thủ, đối phó từ những đe dọa của thú dữ, bảo vệ ngôi làng trong những trận “giặc mùa”/trước những đợt săn máu - trả đầu vốn tồn tại trong tập quán tộc người, hay ngăn chặn những xung đột khác nảy sinh v.v...”(20). Mỗi làng đều có một khu vực đất đai riêng để ở, trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, thu hái lâm thổ sản, và thuộc kiểu làng phòng thủ, chung quanh có hàng rào (cring) bằng gỗ để bảo vệ; ngày xưa, hàng rào rất quan trọng, ngăn chặn không chỉ thú dữ, mà còn kẻ thù đột nhập, quyết định sự tồn vong của làng, nên được làm khá chắc chắn, cao có thể đến trên 2m, rộng có thể hai, ba lớp; ngày nay chỉ cần đề phòng thú rừng phá hại, nên đơn giản hơn. Cổng làng (xung) làm bằng hai cây gỗ dựng đứng, trên đầu gắn tấm bảng dài như loại cửa phường của ta, trang trí hoa văn, vẽ chim, thú; có thể làm thêm cổng phụ để dùng trong những trường hợp đặc biệt. Quan trọng nhất là nước dùng hàng ngày. Nếu nguồn nước chảy qua sát cạnh làng, thì họ quy định phía đầu nguồn dành cho việc ăn uống, phía cuối nguồn là nơi tắm giặt, nam nữ có chỗ riêng, thời gian buổi chiều sau khi đi rừng đi rẫy về. Nếu nguồn nươc ở xa, họ làm hệ thống dẫn về bằng tre lồ ô đục thông các chỗ mắt đốt, điểm cuối cũng chia làm hai vòi tách riêng hai chỗ, một để ăn uống, một để tắm giặt... Ngày xưa làm nương rẫy theo lối “đốt trỉa”(21) lâu năm, đất bạc màu, họ lại tìm chỗ khác lập làng mới theo một thủ tục nhất định(22).

Bên trong hàng rào chỉ gồm từ không trên 20 nhà với khoảng vài chục đến hơn một trăm nhân khẩu. Các nhà được bố trí thành một hình vòng tròn hoặc hình ô van (bầu dục), hướng mặt vào bãi đất trống khá rộng ở giữa, nơi tọa lạc một nhà gươl làm nơi sinh hoạt cộng đồng, kiểu “ngôi đình” miền núi, và chôn sẵn một cây cột để làm lễ hiến sinh (đâm trâu). Điều khiển làng là một nhóm người cao tuổi, đứng đầu nhóm già làng ấy là chủ làng, tức Takoh bươl hay Takoh vêêl. Mỗi khi lập làng mới, toàn dân phải chung sức nhau dựng ngôi nhà gươl trước đã, rồi mới dựng nhà riêng của mình: “Gươl Katu có thể tạm gọi là mô hình phóng lớn của ngôi nhà sàn cư trú bình thường với kiểu chái khum tròn và được dựng lên cùng với rát nhiều kiêng kị quy định chặt chẽ trong luật tục. Đặc điểm lớn nhất của gươl là dạng nhà sàn lớn tự trên một cột cái (trụ chính) - cột biểu tượng của sức mạnh cộng đồng. Hệ thống cột, xà, vì kèo, liên kết với nhau bởi kĩ thuật khá đơn giản, chủ yếu là sử dụng triệt để các ngoãm/ngoàm, gờ tự nhiên vả dây buộc, tạo thành một bộ khung sườn cơ bản. Tuy chất liệu chủ yếu làm nên gươl được khai thác từ núi rừng (gỗ làm cột cái, vì kèo; mây buộc; lồ ô, tre, nứa đập dập - ép thẳng để lót sàn; lá mây, tranh, lá nón, lá kè để lợp, một số vỏ cây bưng tường, ốp vách...) và kĩ thuật đơn giản, nhưng gươl vẫn toát lên vẻ bề thế, trong cái đẹp hoang dã vẫn hàm chứa sức mạnh, vửa bộc lộ, vừa tiền ẩn, của mỗi cộng đồng(23). Nội thất gươl được trang trí nhiều loại hoa văn theo mô típ chim muông (đặc biệt chim t’ring mình to, cánh lớn, mỏ dài, biểu tượng của văn hóa tộc người), thú rừng, hoa lá, cây lúa... và bày biện những thắng lợi phẩm thu được trong quá trình lao đọng và đấu tranh, những hiện vật quý hiếm liên quan đến những sự kiện lớn của cộng đồng, và tự khí như cồng chiêng (thanh la), tù và. Đây là nơi tiếp đãi khách khứa, hội họp dân làng, cúng tế thần linh. Làng của người Tà Ôi (Pa Cô) cơ bản giống làng người Ka Tu, riêng ngôi nhà dài (nhà rông, nhà gươl) được dựng ở vị trí trung tâm.

Trong kí ức của người Ka Tu, tổ tiên họ thời xa xưa quần tụ thành làng theo từng dòng họ, ngoài gươl, chỉ dựng một ngôi nhà sàn dài để cùng ở chung, có khi đến 60m, gọi là đung: “Những đung lớn của người Katu khá vững chãi, mái lợp bằng lá mây, vách che bằng tre, nứa hoặc gỗ, cầu thang lên xuống ở hai đầu hồi… Trong nhà, mỗi hộ gia đình có một bếp riêng, ngăn cách với nhau bằng vách đan tre, nứa, lồ ô; bếp lửa của chủ nhân đại gia đình thường nằm ở vị trí trung tâm đung, lân cận là những người con trai, tiếp theo là bếp của các cháu nội trai..(24). Quá trình mở rộng làng qua việc tiếp nhận thêm những gia đình khác dòng họ cũng là quá trình phân rã đung, ngôi nhà dài truyền thống, và ngôi nhà sàn hiện đại dành riêng cho từng gia đình xuất hiện, nhiều nhất là ba hay bốn thế hệ chung sống. Thủ tục dựng nhà cũng không có gì khác trước. Chủ gia đình tìm được đất trong làng, cắm cây chi rông làm dấu hiệu xác nhận quyền sở hữu, cả nhà chuẩn bị vật liệu tranh, tre, nứa, mây, lá, gỗ (tránh những thứ cây thuộc thàn linh hay có ma quỷ nhập vào như kim giao, bàng, đa, cau, gạo hay cay bị sét đánh, cây có dây leo quấn quanh, cây ở khoảng rừng thiêng), chọn ngày tốt theo lịch riêng của họ, đặt lễ cúng xin thần linh cho phép rồi dựng cột cái, vận động trai tráng khỏe mạnh trong làng góp sức; kĩ thuật làm nhà đơn giản nhưng cũng khéo léo, gồm cột, xà, kèo và đòn tay, dùng loại mộng áp và dây buộc, dây dằng để gắn kết các chi tiết lại với nhau. Muốn vào nhà, phải lên một cầu thang thấp. Khi làm xong, họ cũng đặt lễ tạ ơn thần linh và rước thần bản mệnh; cúng xong, chủ khách cùng nhau “chè chén” thâu đêm, múa nhảy ca hát vui vẻ. Tiệc tan, họ có thể bắt đầu dọn vào ở. Ngôi nhà sàn cùng một kiểu thức như nhà gươl nhưng nhỏ hơn nhiều, dài ngắn, rộng hẹp, cao thấp của mỗi nhà tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của chủ nhân, tồn tại cho đến cuối thế kỉ XX thì bắt đầu thoái hóa, thay bằng nhà trệt như làng người Kinh.

Nhà của người Ta Ôi cũng là nhà sàn(25), không khác nhà Ka Tu nhiều lắm, chỉ có điều tất cả đều phải hướng một đầu hồi vào nhà rông. Tuy nhiên, tùy theo địa hình mà các nhà dân được bố trí chung quanh nhà dài hoặc theo hình móng ngựa, hoặc theo hình chữ nhật, hoặc hai hàng song song, dù trong trường hợp nào cũng tuyệt đối kiêng tình trạng hai đầu hồi của hai nhà (đường nóc) “đâm” vào nhau. Để dựng một ngôi nhà, họ cũng có mọt quá trình chuẩn bị chu đáo dành cho đàn ông, và rừng chọn cây gỗ, tre, nứa, lồ ô, mây, tranh… Người già có kinh nghiệm thì chọn đất, xem hướng. Khi đã đầy đủ mọi thứ thì bắt đầu dựng nhà, thời gian trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 (đây cũng là thời gian dành cho lao động sản xuát tại nương rẫy). Trước khi tiến hành công việc, họ cũng cúng xin phép Yang; sau khi xong cũng cúng tạ, rồi cùng nhau ăn uống linh đình. Một ngôi nhà sàn trung bình dài 12m, rộng 4,5m, không ngăn phòng, bếp đặt cuối nhả, sàn thấp, cửa mở bên hông, đặt cầu thang tre hoặc gỗ ba bậc, cao 0,5m. Khoảng trống dưới sàn để nuôi gia súc hay chất củi khô. Nói chung, ngôi nhà sàn tuy chỉ buộc, chằng dây mây, chẳng có mộng mẹo gì, nhưng rất chắc chắn, vững vàng, chịu được gió bão. Riêng người Pa Hi không ở nhà sàn, việc bố trí nhà ở trong làng tùy thuộc điều kiện tự nhiên, không ràng buộc theo bất cứ quy định nào như hai tộc người Tà Ôi, Cơ Tu(26). Đặc biệt nhà của chủ làng bao giờ cũng nằm gàn nhà rông, nhà gươl nhất, để thuận tiện trong công việc.

Trong làng Cơ Tu, Tà Ôi (Pa Cô), Pa Hi, nhiều “yã” (họ) cùng chung sống. Vị chủ làng giữ nhiệm vụ tổ chức các buổi họp toàn thể nhân dân để bàn bạc, thảo luận về việc cúng Yàng, chọn rẫy mới, xét xử các vụ kiện tụng, xích mích trong nội bộ dân làng, lại thay mặt dân làng để cùng với chủ làng khác giải quyết các mối quan hệ “đối ngoại” như kết bạn, tranh chấp đất đại, hoặc vi phạm quy ước chung. Uy tín của chủ làng gắn bó mật thiết với tình hình sản xuất, an ninh, dịch bệnh, hỏa hoạn...; nếu trong ba năm mà có những tai họa xảy ra, việc làm ăn thất bát, nhân dân sẽ họp bãi miễn chức vụ chủ làng của người đương nhiệm để bầu người khác thay thế. Bên cạnh chủ làng, nhân dân còn đề cử người phụ trách việc bố phòng, chỉ huy lực lượng “quân sự” trong các hoạt động chống thú dữ, chống sự xâm nhập của người lạ, chống sự tấn công của làng khác, và huy động nhân dân làm đường đi, làm hàng rào quanh làng, làm nhà rông, nhà gươl hay tổ chức săn bắn lớn. Ngoài ra, ở làng Tà Ôi (Pa Cô) và Pa Hi còn có người phụ trách việc kinh tế, như chọn đất làm rẫy, phát rẫy...

Nhìn chung, mỗi làng của các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế ngày trước là một đơn vị độc lập toàn diện, có mối quan hệ gắn bó truyền thống, rất ít khi xẩy ra hiện tượng dân làng này đến ở làng khác tuy không bị phân biệt đối xử nặng nề; các sinh hoạt dòng tộc, làng bản đã ràng buộc họ một cách chặt chẽ... Họ còn có đời sống văn hóa riêng, khác với vùng đồng bằng. Trong những thế kỉ qua, hoặc do hoàn cảnh chiến tranh, hoặc do mô hình tổ chức khép kín, cư dân miền núi vẫn bảo tồn trọn vẹn bản sắc địa phương. Từ sau năm 1975, cuộc sống mới bắt đầu được xây dựng, tổ chức làng bản thay đổi theo kiểu xã huyện đồng bằng, việc giao lưu mở rộng, cho nên họ tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa từ bên ngoài đôi khi ồ ạt, thiếu chọn lọc, dẫn đến tình trạng những đặc trưng truyền thống bị mai một dần... Kiểu nhà gươl, nhà rông, nhà dài, nhà sàn truyền thống của các dân tộc sẽ chỉ còn là kỉ niệm! Quy luật tiến hóa của xã hội, không thể khác đượ, chỉ mong trong khi xây dựng cái mới,  cố gắng bảo lưu phần nào cái hay, cái đẹp trong văn hóa truyền thống.

L.N.L

-----------

Chú thích:

[1]. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 21.

2. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 27.

3. Sinh cảnh, môi trường và địa mạo cũng như thảm thực vật trong điều kiện hẹp của địa hình với một sơn hệ tầng tầng lớp lớp kế cận biển, không thể khong khiến ta hình dung nơi đây vốn là một phức hệ núi rừng, gò đồi, lắm suối nhiều dốc, phù hợp với điều kiện song của những cư dân tồn tại the phương thức kinh tế hỏa canh và hái lượm như các tộc người thiểu số vừa nêu. Nhìn trên lát cắt của địa hình vùng này, chúng ta có thể thấy được vùng bằng phẳng tương đói của dải đất ven biển và thảm phù sa ở phần hạ lưu của nhiều dòng chảy, phù hợp cho việc khai thác ruộng nước. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân khiến thảm thực vật rừng co lại về phía tây, trước sức khai phá của những lớp cư dân có truyền thống ruộng nước tại chỗ, kể cả người Việt trên con đường mở đất về phương Nam. Núi rừng co dần về phía tây cũng đồng nghĩa với sự co dần vùng đất cư trú của những tọc người sống bằng nông nghiệp nương rẫy, trên mặt dốc của núi đồi theo lối phát, cốt, đốt, trỉa. Hiện tượng này đã lưu lại dấu ấn trong kí ức tộc người, khiến chúng ta dễ dàng nhận ra qua hệ thống truyền thuyết, thần thoại, ngôn ngữ và cả trong thực tế, liên quan đến vùng đất cũ của họ ở vùng núi rừng lan đến ven biển (Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 25).

4. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, bản dịch của Bùi Lương, S.đ.d., tr.21 - 22.

5. Sông Hưng Bình ở phía nam tỉnh Thừa Thiên Huế, chảy qua Cầu Hai (Cao Đôi).

6. Sông Ô Lâu, con sông nhỏ ở phía bắc Thừa Thiên Huế (xem Phần thứ hai, Chương II, mục Bến đò).

7. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của Đào Mộng Khương, Nxb Khoaội, Hà Nội. Hà Nội, 1964, tr. 218.

8. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, S.đ.d., tr. 228-229.

9. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, S.đ.d., tr. 229.

10. Tháng 12 năm Đinh Hợi (1927), đặt 9 châu và 15 tổng ở đạo Cam Lộ (9 cống man cũ đổi làm 9 châu, lấy 9 sai trưởng cũ làm tri châu, cấp cho ấn đòng kiềm gỗ; 15 thuế man cũ gồm 4 nguồn, 5 sách, 6 tộc đều đổi làm tổng. Đến tháng 11 năm Tân mão (1831), bắt đầu đỏi đạo Cam Lộ làm phủ, đặt chức tri phủ, nhưng vẫn đóng ở thành Vĩnh Ninh, chuẩn cho theo lệ huyện to, cấp tiền công nhu là 60 quan. Sau đó, đổi thành Vĩnh Ninh làm phủ thành Cam Lộ.

11. Theo Huỳnh Đình Kết, Tên làng qua các thời ở Thừa Thiên Huế, bản in vi tính, Huế, 1998, trang 10.

12. Nguyễn Xuân Hồng, Các tộc người thiểu số ở Thừa Thiên Huế, những thông số dân tộc học, tạp chí Huế Xưa & Nay, số 74, năm 2006, trang 55, 56.

13. Huỳnh Đình Kết, Kí ức về đời sống sông nước của người Pacoh. Tạp chí Sông Hương, số 8.1995; Trần Nguyễn Khánh Phương, Tìm hiểu văn hóa dân gian đặc trưng của người Pacoh, Tạp chí Huế xưa & nay, số 112 - 123.2012.

14. Nguyễn Xuân Hồng, Các tộc người thiểu số ở Thừa Thiên Huế, những thông số dân tộc học, tạp chí Huế Xưa & Nay, số 74, năm 2006, trang 55, 56.

15. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 44. Chú ý: những tên Cao, Giữa, Thấp đã thấy trong PBTL: Man Cao, Man Trung, Man Hạ.

16. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 37.

17. Nguyễn Xuân Hồng, Các tộc người thiểu số ở Thừa Thiên Huế…, tạp chí đ.d., số 74, tr. 56.

18. Nguyễn Xuân Hồng, Các tộc người thiểu số…, tạp chí đ.d., tr5. 57.

19. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 96.

20. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 9.

21. Đốt trỉa: dùng dao, rựa chặt đổ hết cây cỏ, để vài ngày cho khô rồi đốt cháy hết. Xong, chọc lỗ gieo hạt (thóc, đậu). Người Pacoh trỉa lúa như sau: con trai mỗi người làm một cái a pật, một khúc tre dài khoảng 2,0-2,5m, đường kính bằng cổ tay, đầu vót nhọn, hơ lửa cho khô cứng; nữ thì chuẩn bị cái giỏ đựng thóc đeo bên hông gọi là cà rìa, và một thanh tre vừa tầm, dài khoảng 4cm. Lên rẫy, họ xếp thành hai hang, nam trước nữ sau. Nam vừa đi vừa chọc lỗ bằng cái a pật, nữ gieo hạt vão lỗ. dung thanh tre lấp đất để tránh chim chuột phá hoại. Họ đi từ chỗ cao nhất xuống dần, có bà chủ lúa theo bên cạnh hát điệu Ta lăm cầu mùa (theo Trần Nguyễn Khánh Phong).

22. Ông chủ làng tìm được đất, thông qua nhóm già làng, khi tất cả đã đồng thuận rồi, còn phải làm lễ hỏi ý kiến của thàn linh (Yang) theo một trong nhiều cách (xem Nguyễn Hữu Thông, Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, s.đ.d., tr.102-103). Khi thần linh đã đồng ý rồi, chủ làng cắm cành tre trên đầu có làm cái ngác chữ thập để đánh dấu, xác định quyền sở hữu (coi như thần đã ban cho đất, vì rừng núi chẳng có cn người nào qunbr lí cả). Chủ làng thông báo với toàn dân, rồi chọn ngày tốt để tiến hành xây dựng làng, và mọi người đểu tranh thủ ngày tốt ấy cùng làm nhà một lần, xong, sắm lễ vật dể cúng tạ thần linh.

23. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 106, 107.

24. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên), Katu, kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 132.

25. Theo Trần Nguyễn Khánh Phong, người Ta Ôi có nhiều loại nhà: nhà sàn (dung klang, nơi ở của gia đình, vật liệu gỗ, tre, nứa, lồ ô, mây, lá mây, tranh), nhà dài (dung taradat, nơi ở của gia tộc, vật liệu gỗ, mây, lá mấy), nhà công cộng (ròong, nơi hội họp của bản làng), chòi (sâu xu/aroop, nghỉ tạm thời khi đi làm nương rẫy, vật liệu tre, nứa, lồ oo9, tranh), lán (kot/xu /toong, dành cho người canh lúa ử rấy, vật liệu tre, tranh), kho (trul/tinong, cất lúa khô, vật liệu gỗ, tranh), nhà mồ (ping, nơi chôn người chết, vật liệu gỗ, lồ ô), lều ma (nhap kâm mooch, nơi tiến hành lễ dời mã). Nhà của người Tà ÔiT Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 86, 2008, trang 39.

26. Theo Trần Nguyễn Khánh Phong, người Ta Ôi có nhiều loại nhà: nhà sàn (dung klang, nơi ở của gia đình, vật liệu gỗ, tre, nứa, lồ ô, mây, lá mây, tranh), nhà dài (dung taradat, nơi ở của gia tộc, vật liệu gỗ, mây, lá mấy), nhà công cộng (ròong, nơi hội họp của bản làng), chòi (sâu xu / aroop, nghỉ tạm thời khi đi làm nương rẫy, vật liệu tre, nứa, lồ oo9, tranh), lán (kot / xu / toong, dành cho người canh lúa ử rấy, vật liệu tre, tranh), kho (trul / tinong, cất lúa khô, vật liệu gỗ, tranh), nhà mồ (ping, nơi chôn người chết, vật liệu gỗ, lồ ô), lều ma (nhap kâm mooch, nơi tiến hành lễ dời mã). Nhà của người Tà Ôi. Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 86, 2008, tr. 39.

 


[1]: Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng