Văn nghệ dân gian
Cổ mẫu trong nghiên cứu truyện kể dân gian
15:27 | 27/08/2020

PGS.TS. NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Cổ mẫu trong nghiên cứu truyện kể dân gian

Khoa học nghiên cứu về cổ mẫu (Archetype) - lĩnh vực thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa nhân học, dân tộc học, lịch sử, tâm lý học nghệ thuật và văn học - đã có một phả hệ lâu dài và phong phú. Những lý giải về cổ mẫu đầu tiên đã có từ thời của Platon (427-347 TCN), được quan tâm trở lại bởi các nhà nhân học văn hóa thời kỳ đầu như James George Frazer, tuy nhiên, đến những năm 1940-1950 của thế kỷ XX, trường phái phê bình cổ mẫu mới chính thức xuất hiện với các tên tuổi nổi tiếng như Carl Gustav Jung, Gaston Bachelard và Northrop Frye... Rất nhiều các công trình nghiên cứu công phu và sâu sắc ứng dụng phương pháp phê bình cổ mẫu đã được các nhà khoa học công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Trong đó, lý thuyết quan trọng này tập trung giải thích các văn bản bằng cách truy nguyên những mô hình huyền thoại, cổ mẫu, những vết tích nguyên thủy thường xuyên được lặp lại qua thời gian trong văn học thông qua các biểu tượng, hình ảnh, và các kiểu nhân vật…Mặc dù phát triển rực rỡ và có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu văn học từ giữa thế kỷ XX, nhưng nguồn gốc của phê bình cổ mẫu lại khởi nguồn từ hai ngành khoa học: Tâm lý học phân tíchNhân học, đồng thời sử dụng, Folklore - đặc biệt là truyện kể dân gian, một nhánh của Nhân học văn hóa làm đối tượng nghiên cứu cơ bản.

1. Lược sử vấn đề nghiên cứu Cổ mẫu trong Tâm lý học

Khám phá cổ mẫu là một nghiên cứu mang tính đột phá của thế kỷ XX, trong đó xem xét một trong những lý thuyết quan trọng nhất của C.G.Jung về vô thức tập thể và liên kết lý thuyết này giữa ngành tâm lý học phân tích và các ngành khoa học xã hội khác. Archetype bắt nguồn từ gốc từ Hy Lạp “archein mang nghĩa là “nguyên bản và cổ xưa”, được hiểu như là "những mẫu hình ban đầu" và thường được sao chép, mô phỏng lại qua nhiều thời kỳ. Trong lý thuyết Phân tâm học của mình, nhà khoa học Sigmund Freud gọi đó là các “vết tích tối cổ”.

Carl Gustav Jung đã tập trung nghiên cứu và đưa ra các khái niệm về cổ mẫu từ các công trình điển hình của mình được tập hợp trong Archetypes and the Collective Unconscious [sic], Collected Works of C.G. Jung (Nguyên tác của C.G.Jung: Phần về cổ mẫu và vô thức tập thể) (1). Với quan điểm tham chiếu đến cấu trúc của nhân cách con người, Jung sử dụng cách nhìn nhận của khảo cổ học địa tầng và cho rằng tinh thần, gồm có ba cấp độ: ý thức cá nhân, vô thức cá nhân, và vô thức tập thể. Tương tự như một hòn đảo nhỏ trong đại dương, phần đỉnh đảo có thể nhìn thấy được trên mặt nước tương ứng với ý thức cá nhân, phần ngập chìm trong nước tương ứng với vô thức cá nhân, và các nền tảng vô hình kết nối đảo với lớp vỏ của trái đất tương ứng với vô thức tập thể. Chính tại nơi sâu thẳm và vô hình nhất này, Jung cho rằng tồn tại cái được gọi là cổ mẫu.

Những cổ mẫu điển hình do C.G.Jung đề xướng bao gồm: Persona (mặt nạ); Shadow (Bóng âm); Anima (Linh âm) - Animus (Linh dương); Mother (Mẹ); Spirit (Thần thánh); Rebirth (Tái sinh); Trickster (Kẻ bịp bợm); Father (Cha); Dead (Cái chết); Water (Nước).

Theo đó, cổ mẫu có thể được tìm thấy khắp mọi nơi trong suốt chiều dài lịch sử, ở bất kì đâu có trí tưởng tượng tự do hoạt động, được bao chứa trong nhiều lĩnh vực: Thần thoại; Giấc mơ; Văn học; Tôn giáo; và Văn hóa dân gian. Trong các nền văn hóa khác nhau và thời điểm khác nhau, nội dung một cổ mẫu sẽ được biểu hiện theo nhiều phương cách có thể khác nhau nhưng chúng vẫn phản ánh những kinh nghiệm cơ bản của con người. Đó có thể là những: hình ảnh; chủ đề; biểu tượng; kiểu nhân vật; hay một mô hình cốt truyện thường xuyên lặp lại… Chẳng hạn như: vòng tròn hay một bánh xe; các con số có sức lôi cuốn, nhân vật nam anh hùng hoặc nữ anh hùng; một mô hình của hành vi, một nghi lễ khởi đầu; nhóm các chủ đề như cái chết và sự tái sinh hay sự cứu chuộc, những câu chuyện về nhiệm vụ, sự gánh vác, chuyến đi tới địa ngục, và chuyến đi đến thiên đàng …

C.G.Jung xem đó là những biểu tượng phổ quát luôn gợi lên những phản ứng sâu thẳm và đôi khi là vô thức trong tâm trí con người. Từ đó ông tiến hành tìm kiếm những mẫu hình cơ bản tái diễn trong một chuỗi hệ thống mà ở đó tiết lộ ý nghĩa và kinh nghiệm cơ bản của con người, bất kể thời đại và không gian mà họ sinh sống. Jung nhấn mạnh rằng có những mô hình cổ mẫu phổ biến ở tất cả các câu chuyện thần thoại, bất kỳ nền văn hóa hay giai đoạn lịch sử nào và đưa ra giả thuyết về một phần của tâm trí nguyên sơ của con người chứa vô thức tập thể thông qua cổ mẫu trong truyện kể dân gian.

Nối tiếp đường hướng nghiên cứu quan trọng này của Jung, các chuyên luận có giá trị đã được các nhà khoa học công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Điển hình như:

Archetype: A Natural History of the Self (Cổ mẫu: Bản chất lịch sử của cái Tôi)(2) của tác giả Anthony Stevens bàn về lý thuyết cổ mẫu, nghĩa của cổ mẫu, cổ mẫu trong khoa tâm lý học, các giả thuyết về cổ mẫu, cổ mẫu và hành vi vủa con người, cổ mẫu và kinh nghiệm, đồng thời tiến hành ứng dụng phân tích ý nghĩa của các cổ mẫu điển hình và đưa ra những khuynh hướng bất cập trong ý niệm về cổ mẫu.

Tác giả Richard M.Gray với công trình Archetypal Explorations, An integrative approach to human behavior (Khám phá cổ mẫu, một cách tiếp cận tích hợp hành vi của con người)(3) (1996). Trong đó Richard M.Gray sử dụng các khái niệm về các cổ mẫu như là một cơ sở để hiểu sự tương tác lẫn nhau của các cá nhân và các nền văn hóa như các hệ thống liên kết và bao phủ lẫn nhau. Trong một phương pháp tiếp cận hệ thống, ông tiết lộ bản chất ngầm xuyên văn hóa và liên ngành trong lý thuyết quan trọng của Jung về cổ mẫu.

Archetype, Attachment, Analysis: Jungian psychology and the emergent mind (Cổ mẫu, văn bản liên quan, phân tích: Tâm lí học của Jung và những vấn đề nổi bật về tâm thức)(4) (2005) là một công trình nghiên cứu sâu sắc và toàn diện của học giả Jean Knox, cung cấp những phiên bản diễn giải mới về các lý thuyết của C.G.Jung cũng như nghiên cứu quá trình xuất hiện và ý nghĩa của các cổ mẫu trong tâm trí của con người, với các chương quan trọng như: Jung’s various models of archetypes (Các mô hình cổ mẫu đa dạng của Jung); Archetypes and image schemas (Cổ mẫu và những biểu đồ hình ảnh: phát triển từ một quan điểm); The making of meaning: The formation of internal working models (Tạo nghĩa: sự hình thành những phương thức làm việc từ bên trong); Trauma and defences: Their roots in relationship (Chấn thương và tự vệ: căn nguyên trong những mối quan hệ); Conclusions: Science and symbols (Kết luận: khoa học và các biểu tượng).

Đặc biệt, một trong những nghiên cứu ứng dụng trường hợp trong phân tích cổ mẫu cần phải kể đến đó là nhà khoa học Erich Neumann với công trình  The great mother: A analysis of the archetype(5) (1963) (Mẹ vĩ đại: một phân tích về cổ mẫu): Với các chương có tiêu đề là "Nữ thần nguyên thủy", "Vòng tròn vĩ đại", "Mẹ trái đất," và "Người đàn bà của những con quái vật ". Trong chuyên luận này, Neumann đã viết lại toàn bộ phả hệ và các biểu tượng về các nhân vật nữ thần nổi tiếng trong văn hóa thế giới.

Lược sử các công trình căn bản về cổ mẫu trong tâm lí học cho thấy, các nhà khoa học đã thống nhất với quan điểm xem cổ mẫu là sự kết tinh các kinh nghiệm tinh thần của con người. Tâm trí con người luôn có xu hướng thể hiện một cách tượng trưng khi mà nó gặp khó khăn trong khả năng tri nhận về mặt trí tuệ. Tiềm năng để xây dựng ý nghĩa cổ mẫu, vì thế, có mặt trong vô thức của con người từ trước khi có ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, một nhóm các học giả khác lại có khuynh hướng xem cổ mẫu là sự bắt chước/mô phỏng thế giới của thần linh. Tiêu biểu là các chuyên luận nghiên cứu Cosmos and History: The Myth of the Eternal Return (Vũ trụ và lịch sử: Huyền thoại về sự trở lại của Thượng đế)(6) Mircea Eliade. Trong nghiên cứu về tôn giáo của nhân loại, Eliade sử dụng thuật ngữ cổ mẫu để đặt tên cho những mô thiêng liêng thể hiện trong thần thoại và khớp nối với nghi lễ. Nhà khoa học nổi tiếng với việc thiết lập ra các mô hình nghiên cứu tôn giáo này quan niệm rằng: thực tế "thực sự" nằm đằng sau mọi hiện tượng. Bằng việc xác định một không gian thiêng liêng, hành vi thiêng liêng, người ta có thể phát hiện ra hay làm phát lộ ra sự thật. Cổ mẫu trong vô thức của con người vì thế chính là cách bắt chước các hành vi của các vị thần, là một trong những phương cách để con người dự phần vào thế giới thiêng liêng.

Trong hệ thống này, cổ mẫu mang ba ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, ý nghĩa của cổ mẫu được hiểu như là sự biểu hiện của một “archaic ontology” (bản thể cổ xưa) và “Platonic structure’ (sở hữu một cấu trúc Platon). Thứ hai, với ý nghĩa “hiện tồn”, cổ mẫu là một hệ quả của tình huống ranh giới mà một con người phát hiện ra tại thời điểm đạt được một nhận thức về vị trí riêng của mình trong vũ trụ. Thứ ba là ý nghĩa hình thái trong đó cổ mẫu được nhấn mạnh như là một yếu tố cấu trúc, đặc biệt đó là cấu trúc của các hiện tượng tôn giáo(7).

2. Trường phái Lịch sử - Địa lý (Historic- geographic Method) và xu hướng nghiên cứu cổ mẫu trong truyện kể dân gian

Bên cạnh việc khởi xướng nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc về lĩnh vực tâm lý học, phê bình cổ mẫu còn bắt nguồn từ lĩnh vực nhân học. Đồng thời, cả hai lĩnh vực này đều thường xuyên sử dụng folklore- một nhánh của nhân học văn hóa làm đối tượng nghiên cứu. Do đó, từ rất sớm, các học giả folklore đã sớm đưa ra xu hướng và cách tiếp cận riêng với vấn đề cổ mẫu. Điển hình nhất là phương pháp nghiên cứu Lịch sử - Địa lý (Historic- geographic Method) hay còn gọi là Trường phái Phần Lan (Finnish Method) do Julius Leopold Fredrik Krohn, Kaarle Krohn và Antti Aarne mở đường, được đánh giá là có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến ngành nghiên cứu ngữ văn dân gian trên toàn thế giới. Trong đó, “các nhà nghiên cứu theo phương pháp trên đã tiến hành sưu tầm càng nhiều càng tốt các dị bản truyện cổ tích, lập nên bảng tra rồi tiến hành so sánh để tìm ra bản cổ nhất, trên cơ sở đó, xác định nơi phát tích của một truyện cổ và vạch ra con đường địa lý của sự lưu truyền truyện cổ ấy” (8).

 Thoạt tiên ra đời ở Phần Lan vào thế kỷ XIX nhưng nhà khoa học có công trình xuất sắc và khiến cho việc nghiên cứu Folklore theo quan điểm của trường phái này nở rộ trên toàn thế giới chính là Stith Thompson. Ông là người đã kế thừa một cách xuất sắc tư tưởng về việc nghiên cứu con đường đi của truyện cổ tích đã được hình thành (được gọi là type) qua các miền không gian bằng cách chỉ ra các yếu tố cố định cấu tạo nên truyện cổ tích (được gọi là motif). Kết quả, ông là người có công mở rộng đầy hữu ích bảng tra motif được lập nên bởi Antti Aarne (xuất bản năm 1910) theo một cách thực dụng và dễ hiểu nhất.

Theo Stith Thompson sự tương đồng giữa những câu chuyện cổ dân gian thường xuất hiện ở những motif đơn lẻ hơn là những câu chuyện có hình dáng hoàn chỉnh. Ông nói: “Đó là tình trạng chung trong văn học dân gian trên thế giới. Sự tương đồng ở cấp độ cả một câu chuyện phức hợp hoàn chỉnh không thường xuyên bằng sự tương đồng ở cấp độ motif. Vì vậy, nếu những cố gắng có thể làm giảm tư liệu truyện kể truyền thống của toàn thế giới xuống thành các trật tự (giống như việc các nhà khoa học đã làm với các hiện tượng sinh học toàn thế giới) thì đó chắc chắn phải là bảng phân loại từng motif đơn nhất - những motif được lẩy ra từ những câu chuyện đã được sáng tác hoàn chỉnh. Những thành tố đơn giản này có thể lập thành một cơ sở chung cho sự sắp xếp hệ thống văn học truyền thống. Chỉ sau khi lập nên những bảng phân loại như thế, thì mới có thể sử dụng các bộ sưu tập đã được in ấn và cả các tập bản thảo”(9). Do đó, những nỗ lực để làm giảm khối lượng truyện cổ tích khổng lồ trên toàn thế giới bằng cách phân nó thành các motif là một việc làm cần thiết.

Theo S.Thompson, type và motif là những đơn vị vừa mang tính đặc trưng vừa mang tính bền vững của truyện kể dân gian. Trong đó type là những cốt kể (narative) có thể tồn tại độc lập, còn motif là thuật ngữ chỉ một tình tiết (item) cơ hữu trong tự sự mà từ sự kết nối các tình tiết này câu chuyện được tạo ra. Tất nhiên, motif chắc chắn không phải là điều gì đó thông thường mà phải chứa đựng những yếu tố đặc biệt có khả năng khắc sâu vào trí nhớ người nghe. Hiểu theo cách của A.N.Veselovski, đằng sau các motif  “đó là một công thức, là sự trả lời của vũ trụ đối với những vấn đề mà thiên nhiên thường xuyên đặt ra cho con người, ghép chắc lại những ấn tượng đặc biệt chói sáng về đời sống, lặp đi lặp lại và được coi là quan trọng”(10).… Để giản hóa cách hiểu về motif, Stith Thompson trong chuyên luận The Folktale(11) (Truyện cổ tích) đã đưa ra một ví dụ rất nổi tiếng, ông nói một người mẹ không phải là motif nhưng một người mẹ độc ác thì có thể trở thành motif vì tính chất bất thường của nó. Nghĩa là các quá trình bình thường của đời sống không được xem là motif. Khi người ta nói “John mặc áo quần và đi vào thị trấn”, đó không phải là motif có giá trị ghi nhớ, nhưng khi nói người anh hùng đội chiếc mũ tàng hình, bay trên chiếc thảm ma thuật, đi về phía đông mặt trời và phía tây mặt trăng thì điều này bao gồm ít nhất bốn motif: chiếc mũ, tấm thảm, không khí ma thuật cuộc hành trình và các vùng đất diệu kỳ.

Với tiêu chí đó, S. Thompson liệt kê các motif cùng một chủ đề thành nhóm và biên soạn: Motif - index of Folk- Literature, A Classification of Narrative Elements in Folk - Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends(12) (Bảng tra motif văn học dân gian - Phân loại các yếu tố tự sự trong truyện cổ tích, ballad, thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện ngắn thời trung cổ, tiểu thuyết exempla, truyện thơ tiếu lâm, truyện cười và truyền thuyết địa phương). “Mục đích của công trình nghiên cứu này là sắp xếp những yếu tố làm nên văn học tự sự truyền thống trong một bảng phân loại logic những motif đơn nhất. Những truyện kể này đã tạo nên từng phần của truyện kể truyền thống, dù là văn học viết hay truyền miệng đều tìm thấy chỗ ở trong bảng phân loại này. Truyện cổ tích, thần thoại, ballad, truyện ngụ ngôn, văn học lãng mạn trung đại, fabliaus, truyện cười, exemplum và truyền thuyết vùng đều được tập trung vào đây mặc dù một số thể loại chỉ là những sưu tập lẻ tẻ. Nói chung, tôi sử dụng bất cứ truyện kể nào, truyền miệng hay là văn học viết, miễn là chúng hình thành nên được một truyền thống có đủ sức mạnh để lặp đi lặp lại trong các hình thức tự sự(13).

Với tôn chỉ nghiên cứu sử dụng các phương pháp historicgeographic (lịch sử - địa lý) nhằm hướng tới việc tái thiết lại hình thức ban đầu và có tính quốc tế của các thể loại truyện kể dân gian như vậy, không ngạc nhiên khi ngày nay chúng ta nhận thấy rằng, phần lớn những motif trong hệ thống truyện kể dân gian trên toàn thế giới, thuộc về xu hướng thứ hai, đã tìm được sự kết nối mạnh mẽ với hệ thống tâm lý học phân tích mà C.G.jung trong các lý thuyết của mình gọi là cổ mẫu, trong xu hướng tiếp cận văn hóa thứ nhất.

Tại đây, trong các chuyên luận của các học giả thuộc trường phái Phần Lan, khi cổ mẫu được hình dung là những hình thức đầu tiên được xây dựng lại nhằm mục đích xây dựng lập luận và đưa ra giả thuyết về hình thức ban đầu của truyện kể thì các giả thuyết về mô hình khởi phát ban đầu này này đã có những mối liên kết chặt chẽ với những định đề tâm lý tiên tiến của C. G. Jung. Từ đó, một hệ thống cổ mẫu chung trong văn học, đặc biệt là văn học dân gian bao gồm ba nhóm quan trọng là: cổ mẫu nhân vật, cổ mẫu trạng huống và cổ mẫu biểu trưng đã đồng thời được chia sẻ bởi các quan điểm nghiên cứu tâm lí học phân tích và quan điểm nghiên cứu của các học giả thuộc lĩnh vực folklore

3. Hệ thống Cổ mẫu trong truyện kể dân gian: Nghiên cứu trường hợp cổ mẫu Anh hùng

Từ sự hợp nhất các lí thuyết nghiên cứu về cổ mẫu trong tâm lý học phân tích và trong nghiên cứu folklore, các nhà khoa học phân loại hệ thống các cổ mẫu trong truyện kể dân gian thành ba nhóm căn bản, bao gồm:

Cổ mẫu nhân vật: Đó là nhóm những nhân vật nằm ở trung tâm của những câu chuyện kể cổ xưa và lâu đời nhất trên thế giới. Chúng thường được xem là hình ảnh lý tưởng, là kết tinh cho những giá trị và nguyện vọng thống nhất của các nền văn hóa trên thế giới. Điển hình cho nhóm cổ mẫu nhân vật thường bao gồm: Anh hùng (the hero); Người thông thái (Mentor); Cuộc chiến giữa cha và con (Father - Son Conflict); Thuộc hạ trung thành (Loyal Retainers); Quái thú thân thiện (Friendly Beast); Ma quỷ (The Devil Figure); hay Mẹ trái đất (The Earth Mother) …

Cổ mẫu trạng huống: Bao gồm Sự thử thách (The Quest); Nhiệm vụ (The Task); Hành trình (The Journey); Sự khởi đầu (The Initiation); Nghi lễ trưởng thành (The Ritual); Đi về thế giới dưới thấp (The Fall); Cái chết và sự tái sinh (Death and Rebirth); Trận chiến giữa thiện và ác (Battle between Good and Evil)…Là nhóm cổ mẫu mô tả tất cả những kinh nghiệm đặc biệt cũng như những sự kiện mà nhân vật hay người anh hùng phải trải qua trước khi đặt chân đến cuộc sống vĩnh hằng. Nhóm cổ mẫu này thường xuyên nằm trong kết cấu căn bản của đường dây cốt truyện và là những sự kiện đặc biệt được tái diễn nhiều lần trong nhiều thể loại văn học khác nhau.

Cổ mẫu biểu trưng: Cuối cùng, bao gồm các cổ mẫu như: Bóng tối/ánh sáng (Light vs. Darkness); Ngưỡng cửa (The Threshold); Thiên đường/địa ngục (Heaven vs. Hell); Giao lộ (The Crossroads); Lâu đài (The Castle); Vũ khí ma thuật (The Magic Weapon); Các con số vu thuật (Numbers)…

Khi sử dụng lý thuyết cổ mẫu để nghiên cứu một văn bản truyện kể bất kỳ, thông thường các nhà khoa học tiến hành so sánh để tìm ra phiên bản cổ nhất trong những câu chuyện xuất hiện thời kỳ đầu và lần tìm quá trình di chuyển/tái sinh của các cổ mẫu này trong các truyện kể và các thể loại đời sau. Chẳng hạn, việc phân tích chu trình vòng đời của nhân vật anh hùng trong huyền thoại là một ví dụ tiêu biểu cho việc tái thiết lại cấu trúc của một cổ mẫu nhất định, từ đó vạch ra con đường và quá trình đi từ bề sâu vô thức của các hình tượng từ nền văn hóa cổ xưa đến bề mặt ý thức của hình tượng trong các tác phẩm văn học đương đại.

Nhân vật anh hùng được xem là một cổ mẫu lớn của nhân loại và cấu trúc căn bản nhất cho tất cả những truyện kể về người anh hùng thuộc về các nền văn học trung đại, hiện đại, thâm chí là hậu hiện đại đã tồn tại từ trong thần thoại, truyền thuyết dân gian. Cổ mẫu này sau đó đã được tái thiết liên tục qua thời gian với nhiều sự thay đổi tình tiết khác nhau tùy thuộc vào thời đại và nền văn hóa nhưng bộ khung gốc không hề bị xóa bỏ. David Adams Leeming, giáo sư văn học so sánh tại Mỹ với các công trình nghiên cứu và biên soạn tiểu biểu như The World of Myth, An Anthology (Thế giới thần thoại, một hợp tuyển văn chương), và  A Dictionary of Creation Myths of the World (Từ điển thần thoại sáng tạo trên thế giới), trong chuyên luận có tựa đề Mythology - The voyage of the Hero)(14) (Thần thoại - Hay là về chuyến hành trình của người anh hùng), tác giả David Adams Leeming đã thực hành phân tích tỉ mỉ các hình thức của một câu chuyện thần thoại đặc thù bằng cách chia câu chuyện ra tám phần(15) khác nhau tương ứng với các sự kiện trọng đại diễn ra trong cuộc đời của người anh hùng. Đầu tiên người anh hùng bắt đầu cuộc phiêu lưu độc đáo của mình bằng cách được sinh ra một cách kỳ lạ, hoặc trong một số hoàn cảnh bất bình thường. Nhân vật có thể là con của một vị thần, một đôi vợ chồng hiếm muộn và được thần linh đầu thai. Giai đoạn này biểu tượng cho những trải nghiệm đầu tiên về sự chấn thương và cũng là phép lạ đầu tiên của đời sống. Nhân vật sau đó thường sớm mồ côi, bị bỏ rơi và phải có những nỗ lực phi thường có thể tồn tại bên lề cộng đồng.  Ở thời ấu thơ - giai đoạn của sự khởi đầu cơ bản, nhân vật đột nhiên nhận thức được sức mạnh vô hạn của các thế lực siêu nhiên mà bản thân anh ta không thể nào tri nhận hết. Huyền thoại trong giai đoạn này tập trung vào việc miêu tả các cuộc chiến của người anh hùng với các loại động vật hoang dã hay với những gã khổng lồ có sức mạnh siêu phàm [các cổ mẫu nhiệm vụ; thử thách; nghi lễ trưởng thành]. Sau đó, truyện kể đề cập đến sự chuẩn bị và khởi xướng của cuộc hành trình đi tìm kiếm chính bản thân, tìm vị thần trong con người mình của nhân vật anh hùng, và cũng là giai đoạn mô tả những cuộc chiến chống lại những cám dỗ của đời sống [cổ mẫu hành trình]. Trong những chặng đường tiếp theo, đề cập đến chuyến đi của người anh hùng vào trong lòng địa ngục [cổ mẫu hành trình về thế giới dưới thấp], sau đó trở lại và rồi tiếp tục lên thế giới thiên đường [cổ mẫu địa ngục/thiên đường]. Lần lượt các chương này đề cập đến sự đối diện của người anh hùng với cái chết về mặt thể xác [cổ mẫu cái chết và sự tái sinh]. Một sự kiện được xem là kỳ lạ và phi thường, nơi mà anh ta là đại diện của ước muốn rằng cái chết bằng cách nào đó có thể nhận thức và hiểu rõ. Vì vậy, người anh hùng thực hiện một chuyến phiêu lưu dài đi xuống địa ngục để đối đầu với các lực lượng của cái chết. “Những chuyến viễn du của người anh hùng về cơ bản đã biểu hiện những mong muốn căn bản nhất của con người đó là mong muốn vượt lên trên cái chết về mặt thể xác và hướng đến sự kết hợp với các chu kỳ tự nhiên, chu kỳ của vòng tuần hoàn sinh ra, chết đi, và rồi lại tái sinh”(16). Phần cuối của cuộc hành trình là sự diễn giải nối tiếp các sự kiện sau khi vượt thoát khỏi những hiểm nguy ở thế giới của cái chết, người anh hùng tiếp tục đi lên thế giới của thiên đường và được đặt vào địa vị vĩnh viễn ở trong mối quan hệ với các đấng bậc thần linh.

Phương thức nghiên cứu cổ mẫu anh hùng thông qua sự phân tách chu trình vòng đời, cũng được nhà nghiên cứu Joseph Campbell dày công phân tích trong các chuyên luận quan trọng về huyền thoại của mình. Trong chuyên khảo The hero with a thousand faces(17) (1973) (Người anh hùng muôn mặt) với Phần I: Cuộc phiêu lưu của người anh hùng, Campbell đã tiến hành phân chia cuộc đời người anh hùng với những chuyến hành trình vào thế giới của các vị thần qua các chặng đường cơ bản, bao gồm: Chương 1: Ra đi (với các tiểu mục 1. Tiếng gọi của cuộc phiêu lưu, 2. Khước từ tiếng gọi, 3. Sự phù trợ siêu nhiên, 4. Vượt qua ngưỡng cửa đầu tiên, 5. Bụng cá voi); Chương 2: Hành trình (với các tiểu mục Con đường thử thách; Cuộc gặp gỡ các nữ thần; Phụ nữ như là những kẻ chuyên cám dỗ; Chuộc tội với người cha; Phong thần; Ân huệ cuối cùng); Chương 3: Trở về (Từ chối trở về; Chuyến bay màu nhiệm, Cứu giúp từ bên ngoài, Vượt qua ngưỡng cửa thứ 2, Người chế ngự của hai thế giới, Sống tự do).

Từ đó, quy chiếu vào hệ thống cổ mẫu, Joseph Campbell cho thấy, những phần thiết yếu trong chu trình vòng đời của nhân vật anh hùng vẫn diễn ra theo ba nghi thức chính: sinh ra, khởi hành, và cái chết. Lồng ghép vào đó là các Type cổ mẫu hành trìnhnhiệm vụ quan trọng như: Nhiệm vụ đi tìm danh tính; Cuộc hành trình sử thi để tìm miền đất hứa; Nhiệm vụ báo thù; Cuộc hành trình của chiến binh để cứu người dân; Hành trình tìm kiếm tình yêu (để giải cứu công chúa); Cuộc hành trình tìm kiếm tri thức; Các nhiệm vụ để thoát khỏi vùng đất nguy hiểm  hay nhiệm vụ đi tìm vật thánh (tìm kiếm sự hoàn hảo của con người)…Trên cơ sở đó, tác giả trình bày sự chuyển hóa mạnh mẽ của cổ mẫu lớn này từ các nền văn học từ cổ xưa và phương thức tồn tại của nó trong huyền thoại và văn học đương đại.

Việc phân tích cổ mẫu anh hùng trong các nghiên cứu của D.Leeming hay J.Campbell đã cho thấy một sự kết hợp và chuyển hóa mạnh mẽ từ các nghiên cứu tâm lý học về cổ mẫu trong văn hóa của C.G.Jung, phương pháp nghiên cứu Type và motif của các học giả folklore cho đến sự hình thành của phê bình cổ mẫu như một lý thuyết nghiên cứu văn học quan trọng giữa thế kỷ XX trên thế giới. Các nhà khoa học theo khuynh hướng này đã hướng việc tìm hiểu căn rễ của văn học từ các mô hình huyền thoại và truyện kể dân gian. Hơn nữa họ cho rằng văn học không chỉ có các căn rễ mà còn có cả cái bản chất bên trong, cái cơ sở của trí tưởng tượng nghệ thuật trong nghi lễ huyền thoại. Do đó, hoàn toàn có thể phân tích văn học bằng các thuật ngữ huyền thoại và cổ mẫu. N.Frye, một chuyên gia hàng đầu về phê bình cổ mẫu của thế kỷ XX nhấn mạnh: “Bởi vì thần thoại, như tôi nói ban đầu, chủ yếu muốn nói đến một kiểu truyện nào đó. Đấy là câu chuyện mà trong đó một vài nhân vật chủ chốt là thần thánh hoặc là một kiểu nào đó có sức mạnh hơn con người….Vì vậy, giống như truyện kể dân gian nó là một mô hình truyện trừu tượng. Nhân vật có thể làm những gì họ thích, và cho thấy những gì người kể thích: chẳng cần hợp lý hay logic trong động cơ hành động. Những gì xảy ra trong thần thoại là những gì chỉ xảy ra trong truyện; chúng ở trong thế giới văn học biệt lập. Vì vậy, thần thoại về bản chất có cùng kiểu yêu cầu đối với nhà văn viết truyện hư cấu mà truyện kể dân gian đòi hỏi”(18). Như vậy, rõ ràng N.Frye coi huyền thoại, truyện kể dân gian luôn luôn tồn tại trong văn học như một thứ đề cương và một sự phác thảo, hay nói cách khác các cổ mẫu huyền thoại luôn tồn tại ở đó và bằng các thao tác phân tích văn học, người ta hoàn toàn có thể nhận ra.

4. Kết luận

Được xem như là những chủ đề phổ quát, tái diễn nhiều lần trong kinh nghiệm của con người, nội dung của cổ mẫu trong những nền văn hóa khác nhau và thời điểm khác nhau sẽ được thể hiện theo những cách đa dạng nhưng vẫn còn phản ánh những kinh nghiệm cơ bản của con người trong những cơ tầng sâu kín nhất. Việc tạo ra một hệ thống cổ mẫu như vậy xuất phát từ sự hiệp nhất tâm linh của nhân loại, hay nói theo cách của C.G.Jung là bắt nguồn trí tưởng tượng siêu việt của con người. Với tính chất là nguyên bản và cổ xưa, không ngạc nhiên khi lĩnh vực có thể tìm thấy một hệ thống cố mẫu phong phú và đầy đủ nhất chính là văn hóa dân gian và truyện kể truyền thống. Mặt khác, hệ thống cổ mẫu tiềm ẩn trong thần thoại, truyện kể dân gian hoàn toàn không bị giới hạn trong thời đại cổ xưa hay nền văn hóa dân gian. Chúng liên tục được tái sinh và tìm thấy trong các nền văn học về sau. Tất cả các hình thức tái sinh cổ mẫu này phần nào tiết lộ các chủ đề và lối tư duy vốn có nguyên mẫu từ folklore, đồng thời chỉ ra bằng phương cách nào đó các nhà văn qua các thời kỳ đã thích nghi với truyện kể truyền thống và dung hòa nó với các giá trị và nguyện vọng của nền văn hóa của chính họ.

N.T.K.N

-----------------

 

Chú thích:

1. C.G.Jung: Archetypes and the Collective Unconscious [sic], Collected Works of C.G. Jung, Princeton University Press, 1981, 419.

2. A. Stevens: Archetype: A Natural History of the Self , Routledge & Kegan Paul Press, 1982.

3. R. Gray: Archetypal Explorations, An integrative approach to human behavior, Taylor & Francis e-Library Press, 2005, 248.

4.J. Knox: Archetype, Attachment, Analysis: Jungian psychology and the emergent mind, Taylor & Francis e-Library Press, 2005, 247.

5. E. Neumann: The great mother: A analysis of the archetype, Princeton University Press, 1963, 308.

6. M Eliade: Cosmos and History: The Myth of the Eternal Return, Harper & Brothers Publishers, New York, 1954, 175.

7. Dẫn theo M. Meadow:  Archetypes and Patriarchy: Eliade and Jung, Journal of Religion and Health, Vol. 31, No. 3, 1992, pp. 187-195.

8, 9, 13. Dẫn theo Trần Thị An: Nghiên cứu văn học dân gian dưới góc độ Type và Motif - những khả thủ và bất cập. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7, 2008, tr14, 13, 16.

10. Dẫn theo Trịnh Bá Đĩnh: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn hóa, 2002, tr 217.

11. S. Thompson: The Folktale. The Dryden press, New York, 1946, 344.

12. S. Thompson: Motif - index of Folk - Literature, A Classification of Narrative Elements in Folk -Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends, Indiana University Press, 1955 - 1958.

14, 16. D. Leeming: Mythology - The voyage of the Hero. Published by Oxford University Press, Inc, 1998, pp7.

15. Cuộc đời của người anh hùng được A.D.Leeming phân chia thành tám phần bao gồm: 1. Quy luật của sự thụ thai, sinh nở thần kỳ và việc che dấu những đứa trẻ; 2. Tuổi thơ, sự khởi đầu và những dấu hiệu siêu phàm; 3. Giai đoạn chuyển tiếp, thiền, bị trục xuất và chối từ; 4.  Nhiệm vụ và truy tìm; 5. Cái chết và vật tế thần; 6. Hành trình về thế giới địa ngục; 7. Tái sinh; 8. Trở về thế giới trên cao, cứu thế và phong thần.

17. J. Campbell: The hero with a thousand faces, Princeton University Press, New Jersey, 1973.

18. Lộc Phương Thủy (2007) Lí luận phê bình văn học Thế giới thế kỷ XX, Tập 2. Nxb Giáo dục, 2007, 688.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng