Văn nghệ dân gian
Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015
11:24 | 26/11/2020

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

I. Đặt vấn đề
Tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng số đồng bào dân tộc thiểu số là gần 63.000 người, chiếm khoảng 5.5% tổng dân số toàn tỉnh với các dân tộc Chăm, Hoa, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu và Bru - Vân Kiều cùng một số nhóm nhỏ các dân tộc thiểu số khác, phân bố chủ yếu ở hai huyện Nam Đông, A Lưới và một số xã của huyện Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn  tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế được chú trọng trên nhiều mặt, trong đó phải kể đến công tác bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể và ngôn ngữ. Những việc làm đó đã phần nào thay đổi bộ mặt miền núi cũng như nâng cao được mặt bằng dân trí, xây dựng một lối sống lành mạnh, văn minh.

Nhìn lại quá trình bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015 sẽ thấy được những khó khăn mà địa phương đã vượt qua cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào miền núi theo định hướng đến năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.

II. Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015

1. Phát huy thế mạnh nguồn lực văn hóa vùng dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế

Tính đến nay, trong tổng số 46 xã miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có Trưởng Ban chuyên trách về công tác văn hóa - xã hội được đào tạo, tập huấn theo yêu cầu nhiệm vụ. Nhìn chung đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cấp huyện và cơ sở đều tích cực với sự nghiệp văn hóa, trình độ của đội ngũ cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin đều được đào tạo đúng chuyên ngành từ Cao đẳng trở lên, nhiều cán bộ có tâm huyết với nghề, có nhiều sáng tạo trong việc khai thác và dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật dân gian, góp phần đưa sự nghiệp phát triển văn hóa của địa phương ngày càng phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Tính trung bình mỗi năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức 2 đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ văn hóa - xã hội ở xã, thị trấn, cán bộ thôn, bản ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh với các kiến thưc về văn hóa cơ sở, quản lý, tổ chức lễ hội, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Với điều kiện thuận lợi qua sự liên kết với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hằng năm Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật của tỉnh đều mở lớp Đại học chuyên ngành Quản lý văn hóa cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn theo học, trong đó ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho con em và cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nhiều địa phương đã phát huy tính chủ động sáng tạo khắc phục khó khăn tổ chức xây dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, tổ chức mở rộng giao lưu văn hóa cộng đồng giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, động viên phong trào thi đua sản xuất, xây dựng quê hương đất nước. Tham gia các hoạt động Festival Huế, tổ chức giao lưu nghệ thuật dân gian với huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Tây Giang (Quảng Nam), Sa Muội (Lào). Tổ chức thành công nhiều đợt sáng tác các ca khúc về vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh(1).

Công tác xây dựng các thiết chế văn hóa được chú trọng, hiện đã có 100% làng, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhà văn hóa cấp xã đang tiếp tục đầu tư xây dựng qua nguồn ngân sách địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các huyện miền núi đã có nhà văn hóa cấp huyện.

Qua 5 năm (2011 - 2015), các địa phương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình văn hóa như xây dựng gần 200 ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng ở cấp thôn, bản, hơn 100 công trình khác như nhà Rông truyền thống dân tộc Tà Ôi, nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà Moong truyền thống của người Pa Cô, nhà sàn du lịch, Trung tâm sinh hoạt văn hóa các dân tộc, trung tâm thông tin du lịch cấp huyện, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện huyện, phòng đọc, các thiết chế thể thao và thông tin.

2. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể

Trong suốt thời gian dài các cơ quan chức năng ở tỉnh và huyện đã tổ chức triển khai thực hiện các dự án, đề tài khoa học về bảo tồn văn hóa vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Xây dựng đề án “Bảo tồn văn hóa vật thể các dân tộc thiểu số ở A Lưới”(2), nhằm sưu tầm, phân loại, chọn lọc một số hiện vật cùng các di sản kiến trúc nhà ở, nhà cộng đồng, nhà mồ tiêu biểu đại diện cho các dân tộc trên địa bàn toàn huyện chủ yếu là người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu([1]). Ở huyện Nam Đông, thời gian qua đã chủ động tiến hành sưu tầm các loại hiện vật như: nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng, trống, khèn, tù và, cùng một số vật dụng khác được dùng trong đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, đồ trang sức. Kết quả đã sưu tầm được 170 hiện vật trưng bày ở nhà văn hóa huyện.

Ở huyện A Lưới ngành Văn hóa đã thực hiện tốt đề tài “Phân loại đánh giá giá trị và xây dựng mô hình trưng bày thí điểm văn hóa vật thể các dân tộc ít người ở huyện A Lưới”(3) và hoàn thiện bộ hồ sơ “Lý lịch di sản văn hóa phi vậ thể nghề dệt dzèng của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”(4).với trên 100 loại hiện vật khác nhau thể hiện đời sống văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện và tham gia thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy nghề dệt dzèng truyền thống của người Tà Ôi ở A Lưới”(5). Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, phát triển tạo ra những sản phẩm độc đáo như nghề đan lát thủ công truyền thống, nghề dệt dzèng của người Tà Ôi. Và hiện nay, UBND tỉnh đã lập hồ sơ thủ tục đề nghị công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia cho nghề dệt dzèng và lễ hội Ada(6).

Văn hóa ẩm thực hiện nay đang được đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bảo tồn và phát huy trong các bữa ăn hằng ngày và trong các dịp lễ hội, dịp tết. Các món ăn truyền thống được chú trọng trong khâu chế biến, đúng theo bản sắc riêng, vừa tiếp đãi khách quý, vừa thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực của vùng cao. Thức uống có rượu cần, rượu đoác, rượu mía…; thức ăn có cơm lam, cháo thập cẩm, Kleng và các món ăn truyền thống…; các giống lúa đặc sản như Radư, Cuda, Cuchah, Aham…được người dân chú trọng nhân rộng diện tích. Đặc biệt thông qua hoạt động của các làng du lịch văn hóa cộng đồng cùng với các món ăn truyền thống được đưa vào phục vụ du khách.

Trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh là sản phẩm văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng. Cùng với việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể khác, trang phục của các tộc người ở đây cũng đã được quan tâm gìn giữ và phát huy, đặc biệt là nghề dệt dzèng của người Tà Ôi, các nghề thủ công mỹ nghệ, đan lát, mộc, rèn…cũng được bảo tồn và ngày càng phát huy. Hiện nay ở hai huyện Nam Đông và  A Lưới, mô hình dệt dzèng được duy trì và nhân rộng. Riêng ở huyện A Lưới có 7 hợp tác xã(7) hoạt động tích cực, mang lại nhiều thu nhập cho đồng bào và cũng là nơi làm ra nhiều sản phẩm tham gia các hội chợ quốc tế trong và ngoài nước, sản phẩm dệt dzèng được nhiều du khách ưa chuộng. Tính đến nay hoạt động trình diễn dệt dzèng đã tổ chức được 250 đợt tại các triển lãm hội chợ, Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế. Bên cạnh đó, các huyện miền núi cũng đã bố trí kinh phí để mời các nghệ nhân dân gian truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ những nghề truyền thống như dệt dzèng, đan lát, mộc, rèn, điêu khắc dân gian(8).

Nhìn chung công tác bảo tồn văn hóa vật thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thừa Thiên Huế ngày càng được chú trọng hơn, đóng vai trò trong việc giáo dục về truyền thống văn hóa cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đáp ứng ngày càng tốt hơn về nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội ở địa phương. Cùng với việc sưu tầm, công tác trưng bày, giới thiệu đã được các địa phương triển khai có hiệu quả nhằm giới thiệu rộng rãi cho người dân hiểu biết thêm về phong tục tập quán của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa vật thể thì vẫn còn một số hạn chế nhất định như số lượng các nhà sàn, nhà dài truyền thống, nhà cộng đồng, nhà mồ ngày càng ít, kiến trúc không còn nguyên bản. Nguyên vật liệu ngày một khan hiếm, nghệ nhân am hiểu về kiến trúc truyền thống ngày càng ít dần và có nguy cơ thất truyền. Công tác sưu tầm và trưng bày sản phẩm vật thể như công cụ lao động, nhạc cụ, trang phục và hiện vật lịch sử…chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống như dệt dzèng, đan lát, điêu khắc…chưa được chú trọng. các sản phẩm lưu niệm từ dệt dzèng chưa đáp ứng yêu cầu của du khách. Trang phục truyền thống chưa được sử dụng thường xuyên trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ của người dân. Chưa quan tâm duy trì và phục tráng các loại giống lúa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nguồn thủy sản và nguyên liệu từ rừng ngày càng khan hiếm và có nguy cơ cạn kiệt.

3. Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể

Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh và của các huyện miền núi đã phối hợp triển khai dự án bảo tồn lễ hội Ariêu Ada, Ariêu Car, âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số ở A Lưới và Nam Đông. Trong đó, lễ Ariêu Car đã được khôi phục, phục dựng lại khá nguyên vẹn(9). Các loại hình lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống tiếp tục được khôi phục và duy trì tổ chức thường xuyên tại các làng bản qua các dịp tết, lễ. Công tác điều tra, khảo sát, sưu tầm các thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu đã thu được kết quả tốt. Hằng trăm bản dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số ở đây được sưu tầm, bên cạnh đó, việc bảo tồn, khai thác các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ cũng được các địa phương triển khai dưới nhiều hình thức(10).

Các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế ngày càng được nhận diện và biết nhiều hơn qua các dịp tham gia ngày hội Văn hóa, Thể thao toàn tỉnh, toàn quốc(11), Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế.

Những năm gần đây, ngành Văn hóa các cấp và các cá nhân đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sưu tầm, giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, chú trọng công tác sưu tầm các làn điệu dân ca của các dân tộc khác như làn điệu A roi của dân tộc Tà Ôi, điệu múa Pa Dưn Giàng Đạ của dân tộc Pa Cô, điệu múa Zazả của dân tộc Cơ Tu, độc tấu khèn bè của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu. Sưu tầm và phục dựng quy trình nghi lễ đâm trâu trong các lễ hội của người Tà Ôi, Pa Cô.

Hiện nay, trên địa bàn Nam Đông và A Lưới có 4 câu lạc bộ văn nghệ dân gian của dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu. Các câu lạc bộ này thường xuyên duy trì sinh hoạt dưới các hình thức học hát, múa, đánh chiêng phục vụ du khách tới tham quan du lịch. Ngoài ra, còn thành lập được các đội văn nghệ truyền thống ở các xã đại diện cho mỗi dân tộc trong huyện, mời các nghệ nhân dân gian truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca cổ, những điệu múa cổ, truyền nghề…(12).

Thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai chương trình bảo tồn, phát huy phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tập trung đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển văn hóa thông tin ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học như sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ, phục hồi một số lễ hội như: lễ cúng cơm mới, lễ cầu mùa, lễ cưới của dân tộc Tà Ôi, lễ đâm trâu, tổ chức hội thảo và tôn vinh văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế. Đặc biệt cứ 2 năm một lần, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện A Lưới, Nam Đông tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế” đã thu hút đông đảo các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian, truyền thống đặc sắc góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ nghi truyền thống của địa phương. Trong đó đáng chú ý là việc sưu tầm, văn bản hóa cũng như xuất bản nhiều công trình liên quan đến văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế(13). Qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhiều thuần phong mỹ tục được gìn giữ và phát huy, các hủ tục được đẩy lùi.

Những khó khăn còn tồn tại trong công tác này là các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, không mang tính cộng đồng như nguyên bản. Chưa tổ chức định kỳ các lễ hội truyền thống tiêu biểu cấp huyện để bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc. Các thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghi lễ truyền thống, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, câu đố…được lưu giữ chủ yếu trong trí nhớ và truyền miệng ở các nghệ nhân lớn tuổi nhưng chưa được khai thác, lưu giữ thành dữ liệu để lưu lại cho thế hệ sau. Các đội văn nghệ dân gian của các làng, thôn văn hóa chưa khai thác hết nghệ thuật truyền thống, không phân biệt rõ giữa dân ca và nhạc mới đã được chuyển lời, dân ca của vùng dân tộc này với vùng dân tộc khác. Tiếng nói có nguy cơ mai một. Các nghệ nhân ngày càng ít dần, việc truyền dạy cho con cháu chưa được quan tâm nhiều. Sự biến đổi theo xu hướng đơn giản các lễ vật, lễ nghi trong sinh đẻ, hôn nhân, làm nhà, tang ma một mặt làm cho các nghi lễ bớt rườm rà và tốn kém nhưng mặt khác làm cho phong tục tập quán mang đậm tính nhân văn dần bị mai một, lãng quên.

4. Công tác bảo tồn và phát triển chữ viết, tiếng nói dân tộc

Việc giữ gìn ngôn ngữ, tiếng nói các dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi vẫn được duy trì. Mở được 20 lớp dạy tiếng Pa Cô cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng sâu, vùng xa, bộ đội, công an, bộ đội biên phòng với hơn 400 học viên tham gia, tổ chức được 3 lớp học tiếng dân tộc Cơ Tu với hơn 100 học viên tham gia, duy trì và phát triển chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi của tỉnh.

Đã tiến hành đề án “Điều tra, khảo sát và đối chiếu tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu”. Trên cơ sở kết quả đề án này, Ban Dân tộc tỉnh đã cung cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tiếng Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu cho học sinh người dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Đã hoàn thiện đề tài cấp tỉnh “Biên soạn từ điển Việt - Pa Cô - Ta Ôi, Pa Cô - Ta Ôi - Việt”. Đề tài thực hiện từ năm 2013 đến 2015 hoàn thành, do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam chủ trì thực hiện. Đề tài đã thu thập được khoảng 7.000 mục từ; hoàn chỉnh để xuất bản. Theo đó, trên cơ sở tổng hợp những kết quả nghiên cứu đã có trong và ngoài nước về tiếng Pa cô và Ta ôi, kết hợp với kết quả điều tra thu thập tư liệu tại chỗ (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), nhóm thực hiện đã biên soạn nội dung của cuốn từ điển Việt - Pa Cô - Ta Ôi, Pa Cô - Ta Ôi - Việt gồm 2 phần, đó là từ điển Việt - Pa Cô - Ta Ôi và từ điển Pa Cô - Ta Ôi - Việt.

Việc biên soạn cuốn từ điển này sẽ tạo thuận lợi cho những nghiên cứu ngôn ngữ học tiếp theo, giúp cho việc hiểu biết sâu sắc hơn nữa về tiếng nói của các cộng đồng Pa cô và Ta ôi, cũng như ngôn ngữ của các cộng đồng khác như Bru - Vân Kiều, Cơ tu…góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đối với tiếng nói chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Theo nhóm tác giả PGS.TS Tạ Văn Thông - Chủ nhiệm đề tài, TS Nguyễn Thị Sửu - Phó Chủ nhiệm đề tài thì “Kết quả của đề tài sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển đối với ngôn ngữ chữ viết của người Pa cô - Ta ôi, đồng thời đối với những nét bản sắc văn hóa khác được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ, của cộng đồng này; Giúp cho việc giáo dục song ngữ ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi, hướng tới việc sử dụng có hiệu quả hơn đối với tiếng nói chữ viết Pa cô - Ta ôi trong các lĩnh vực văn hóa, tuyên truyền, in ấn.

Ngoài ra, kết quả của đề tài còn giúp cho cán bộ, công chức đang công tác ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi có tài liệu để học tập, có điều kiện tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng và những nét văn hóa của đồng bào, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác ở vùng đồng bào Pa cô - Ta Ôi”.

III. Kết luận

Vẫn còn nhiều việc phải làm trong công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Cho nên, chính quyền địa phương và các cấp, các ban ngành, các cá nhân phải chung tay, đồng lòng tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, khẩn trương hoàn thành các đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt dzèng truyền thống và múa truyền thống Azakooh trong lễ hội Ada của người Tà Ôi, huyện A Lưới. Phát huy kết quả của các đề án, đề tài nghiên cứu đã hoàn thành như: Lễ hội cơm mới của người Cơ Tu, Lễ hội cưới của dân tộc Tà Ôi, Sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế. Và hiện thực hóa Đề án “Điều tra, khảo sát và đối chiếu tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu”.

Thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí của đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014  2020”, đề tài khoa học “Phân loại đánh giá giá trị và xây dựng mô hình trưng bày thí điểm văn hóa vật thể các dân tộc ít người huyện A Lưới giai đoạn 2”, Xây dựng đề án quy hoạch chi tiết phát triển du lịch huyện A Lưới đến năm 2020 trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt. Xây dựng bộ chỉ số về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, phát huy vai trò cộng đồng trong tổ chức các hoạt động.

Xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hóa, thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Định kỳ tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày 19.4 hằng năm; tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hằng năm nhằm mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

T.N.K.P

-------------

Chú thích:

1. Ngày 02.12.2013, Phòng Văn hóa và Thông tin đã báo cáo đề tài “Dịch chuyển 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương A Lưới  từ lời Việt sang lời Pa Cô”. Tuyển tập “Dịch chuyển 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương A Lưới  từ lời Việt sang lời Pa Cô” do chị Ta Dưr Tư làm chủ nhiệm chính, có nội dung, ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn và giá trị tinh thần sâu sắc cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuyển tập mang nét giá trị mới, nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, để họ có thể dễ dàng tiếp cận những thành quả trong công cuộc đổi mới đất nước như hiện nay. Tiếp tục tạo động lực thúc đẩy tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức bảo vệ độc lập dân tộc, tự chủ tự cường, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, để trân trọng lưu lại những giá trị tinh hoa ngôn ngữ của dân tộc, giá trị văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu sâu và vững tin hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Do UBND huyện A Lưới chủ trì, Phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện A Lưới thực hiện.

3. Ngày 2.9.2014, tại xã Hồng Vân cũng đã khánh thành ngôi nhà Moong làng tại thôn A Năm. Cấu trúc nhà được thiết kế độc đáo bởi bàn tay của các nghệ nhân trong làng, bên trong ngôi nhà được chạm khắc công phu, trang trí sinh động. Người dân thôn A Năm, xã Hồng Vân đã tự đóng góp xây dựng ngôi nhà Moong là biểu tượng của cộng đồng người Pa Cô, theo đúng nguyên bản với trị giá trên 400 triệu đồng. Nhà Moong là nơi diễn ra tất cả các công việc liên quan đến cộng đồng dưới sự điều khiển của già làng như hội họp, cúng bái, tiếp khách, tổ chức các lễ hội Ariêu Aza (lễ mừng lúa mới), Ariêu piing (lễ dời mả), Ariêu caar (lễ hội đoàn kết dân làng).

4. UBND huyện A Lưới, Phòng Văn hóa và Thông tin (2010): “Phân loại, đánh giá giá trị và thí điểm trưng bày các sản phẩm văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới”. Đề tài nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh. Chủ nhiệm đề tài: TS Nguyễn Thị Sửu, Cơ quan chủ trì: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, Cơ quan quản lí: UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian thực hiện từ tháng 1.2010 đến tháng 9.2010. Thuộc chương trình KHXH và Nhân văn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2009 đợt 2. Thể loại đề tài độc lập. Kinh phí thực hiện 150.000.000đồng.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế, Trần Tuấn Anh, Phó trường phòng Di sản thực hiện năm 2014.

6. Đề tài này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì và thực hiện năm 2014.

7. Hoàn thành bộ phim tài liệu: Những điệu múa trong lễ hội Azakoonh của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. VTV Huế, Viện Nghiên cứu Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Huế thực hiện năm 2014. Thuộc đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị múa truyền thống trong lễ hội Azakoonh của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và bộ hồ sơ lý lịch “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị múa truyền thống trong lễ hội Azakoonh của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”, do Nhà giáo ưu tú Cao Chí  Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế thực hiện năm 2014.

8. Gồm: 1. HTX dệt dzèng thị trấn A Lưới, 2. Cơ sở dệt dzèng Pơ Nghi 1, xã A Ngo, 3. HTX dệt thổ cẩm A Hưa, xã Nhâm, 4. HTX dệt dzèng xã A Đớt, 5. Cơ sở dệt dzèng Phú Thượng, xã Phú Vinh, 6. HTX dệt thổ cẩm xã A Roàng, 7. Cơ sở dệt dzèng xã Hồng Thượng.

9. Hội trại Điêu khắc truyền thống 2015 gồm các xã Nhâm, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hương Lâm, Hồng Hạ.

10. Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế lần thứ IX.2011 tại A Lưới. Có 5 làng tham gia gồm: Thôn A Lưới, xã Hồng Quảng, Thôn A Tia, xã Hồng Kim, Thôn A Diên, xã A Ngo, Thôn Ca Nôn, xã Hương Lâm và Thôn A Hưa, xã Nhâm.

11. Xem: Dương Bích Hà: Âm nhạc dân gian của người Tà Ôi, Pa Cô ở Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, 414 trang.

Trần Nguyễn Khánh Phong: Dân ca của người Tà Ôi. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016, 327 trang.

12. Từ ngày 28.3 đến ngày 1.4.2015, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Đây là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, đồng thời là cơ hội để Việt Nam giới thiệu tới bạn bè Quốc tế về đất nước và con người Việt Nam. Trong các hoạt động của sự kiện, Ban tổ chức IPU-132 đã quyết định lựa chọn Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa điểm tổ chức Đêm hội Đoàn kết Nghị viện vào ngày 29.3.2015 nhằm giới thiệu nét văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc. Dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp mặt trong sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132 để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến bạn bè trong nước và Quốc tế. Đoàn công tác của huyện A Lưới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Tà Ôi của địa phương tới 53 dân tộc anh em và bạn bè quốc tế, các đại biểu tham dự sự kiện. Qua việc tham gia các hoạt động, chương trình của sự kiện này, đoàn A Lưới đã có dịp giao lưu, học hỏi, với các dân tộc trên mọi miền đất nước; cùng cảm nhận những nét đặc sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam (về giao tiếp, tâm linh, trang phục đến văn hóa ẩm thực, các vũ điệu, trò chơi dân gian). Đặc biệt là quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm đẹp với bạn bè trong nước và Quốc tế.

13. Ngày 02.03.2015, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới đã phối hợp với UBND các xã A Ngo và Hồng Kim tổ chức khai giảng lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ huyện A Lưới lần thứ II năm 2015. Học viên được chia làm 2 lớp thời gian truyền dạy được diễn ra trong 01 tháng từ 02.03 - 02.04.2015.

Lớp học tại xã A Ngo (đại diện dân tộc Tà Ôi) sẽ truyền dạy các nội dung:

- Về dân ca có các làm điệu: Cha chấp; Kâr Lơơiq; Ru I con; Kân tiĕĕl; Ru y con; Ni nơi; Ân tooch; Cha chấp; Kâr Lơơi.

- Về dân vũ có các điệu: Ri răm; Chật Ty riaq; Poon; Ẹo.

- Về dân nhạc có các nội dung: Nghệ thuật đánh cồng chiêng, thổi Khèn bè; đánh đàn Ân toong; đàn A bel; đàn Đŏŏl âl lŏŏh.

Lớp học tại xã Hồng Kim (đại diện dân tộc Pa Cô) sẽ truyền dạy các nội dung:

- Về dân ca có các làn điệu: Cha chấp; Kâr Lơơiq; Ru a cay; Tâng ơi; Têr Avenh; Xiềng.

- Về dân vũ có các điệu múa: Pa dưưn Ku ru; Ra dóoc; Padưưn chật Tirỉa; Padưưn tâng kyn; Pa dưưn Tâm moi (Ariêu piing).

- Về dân nhạc có các nội dung: Truyền dạy cho học viên kĩ năng cơ bản nghệ thuật thổi Khèn bè, đánh cồng chiêng và phân tích nội dung ý nghĩa của từng giai điệu khèn bè, giai điệu đánh cồng chiêng.

Đội ngũ giảng dạy là những nghệ nhân Tà Ôi, Pa Cô và cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện, học viên đa số là những thanh niên tuổi đời từ 20 - 30, cán bộ văn hóa cấp thôn, xã.

Được biết, sau đợt học này, những học viên sẽ có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, nghệ thuật diễn xướng của dân tộc Tà Ôi, Pa Cô trên địa bàn huyện A Lưới.

14. Xin xem:

Kê Sửu: Achât sử thi dân tộc Tà Ôi. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012. Trần Nguyễn Khánh Phong: Chàng rắn - Truyện cổ Tà Ôi. NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2012. Trần Nguyễn Khánh Phong: Văn học dân gian huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. NXB Thời Đại, Hà Nội, 2014. Trần Nguyễn Khánh Phong, Rahchơlan Măng Téo, Lê Hồng Phong, Lâm Quý, Mã Thế Vinh: Truyện cổ một số dân tộc thiểu số. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012. Trần Nguyễn Khánh Phong: Ca dao, Câu đố, Đồng dao, Tục ngữ và trò chơi dân gian dân tộc Tà Ôi. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013. Trần Nguyễn Khánh Phong: Kho tàng văn học dân gian dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam. 2 tập. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014. Trần Nguyễn Khánh Phong: Truyện cổ dân tộc Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, Trần Nguyễn Khánh Phong: Truyện cổ của người Pa Cô ở Thừa Thiên Huế. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015. Trần Nguyễn Khánh Phong: Văn hóa truyền thống và truyện cổ của người Pa Hy ở Thừa Thiên Huế. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015. Trần Nguyễn Khánh Phong: Truyện kể về dòng họ của người Tà Ôi. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015. Trần Nguyễn Khánh Phong: Kho tàng truyện cổ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế. 2 tập. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015. Trần Nguyễn Khánh Phong: Văn học dân gian dân tộc Cơ Tu. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015. Trần Nguyễn Khánh Phong: Văn học dân gian huyện Nam Đông. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.



[1]: Ngày 2.9.2014, tại xã Hồng Vân cũng đã khánh thành ngôi nhà Moong làng tại thôn A Năm. Cấu trúc nhà được thiết kế độc đáo bởi bàn tay của các nghệ nhân trong làng, bên trong ngôi nhà được chạm khắc công phu, trang trí sinh động. Người dân thôn A Năm, xã Hồng Vân đã tự đóng góp xây dựng ngôi nhà Moong là biểu tượng của cộng đồng người Pa Cô, theo đúng nguyên bản với trị giá trên 400 triệu đồng. Nhà Moong là nơi diễn ra tất cả các công việc liên quan đến cộng đồng dưới sự điều khiển của già làng như hội họp, cúng bái, tiếp khách, tổ chức các lễ hội Ariêu Aza (lễ mừng lúa mới), Ariêu piing (lễ dời mả), Ariêu caar (lễ hội đoàn kết dân làng).

 

Các bài mới
Các bài đã đăng