Văn nghệ dân gian
Ký ức Tam Giang
10:36 | 11/12/2020

NGUYỄN THẾ

Ký ức Tam Giang

Ngày trước, khi phương tiện giao thông còn khó khăn, người dân các xã vùng Ngũ điền (huyện Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) muốn lên Huế đều phải đi bằng đò dọc theo phá Tam Giang để lên Huế: Đò xuất phát từ các bến Thanh Hương, Đại Lược (Điền Lộc), Điền Hòa, Điền Hải, Quảng Công, Quảng Ngạn ...  Thậm chí có vài địa phương ở huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị cũng có đò dọc vào Huế.Ngày xưa, họ đi bằng đò chèo loại nhỏ, họ phải chèo suốt đêm cho đến sáng hôm sau mới vào đến Huế. Sau này, khi đò có gắn máy, thường là loại đò lớn gọi là “đò máy”, xuất phát từ 4 – 5 giờ sáng, nhưng vì ghé đón trả khách nhiều bến nên gần trưa mới đến bến chợ Đông Ba.Đi đò dọc ban đêm hay ban ngày, khách đều thấy được cảnh đẹp mênh mông của thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng đầm phá.


Rong duỗi dặm dài dọc phá Tam Giang, những câu chuyện đổi trao “thâm đêm mãn ngày” trên chuyến đò dọc để quên đi thời gian. Cũng có kẻ “thẩm ý thẩm tình” với cảnh với người, họ cất lên câu hò ân tình tha thiết:
“Đò từ Đông Ba, đò sang Đập Đá, đò về Vĩ Dạ, thẳng ngả ba Sình. Lờ đờ bóng ngã trăng chênh, tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non.”


Ngày xưa, khi đi đò chèo từ Huế về phá Tam Giang, đến Đại Lược, Thanh Hương của huyện Phong Điền đã là xa lắm, vậy mà còn những khách ngược ra tới vùng Hải Lăng Quảng Trị.Bao nhiêu bến đổ, bấy nhiêu ân tình gởi gắm qua những  câu hò:
“Tình về Đại Lược, duyên ngược Kim Long, đến nơi đây là ngả rẽ của lòng, gặp nhau còn biết trên sông bến nào”


(Địa danh Kim Long trong câu hò trên không phải là “Kim Long có gái mỹ miều” của Huế, mà Kim Long ở đây là làng có loại rượu ngon nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Họ thường chỡ rượu bằng thuyền từ sông Vĩnh Định qua sông Ô Lâu rồi theo phá Tam Giang vào Huế).


Đò dọc phá Tam Giang ngược xuôi lên Huế với những câu hò ân tình của lữ khách trên sông nay chỉ còn trong ký ức. Song, nếu chúng ta khôi phục lại những chuyến “đò dọc” từ Huế để du khách tham quan vùng đầm phá ngày và đêm, thì đây là một sản phẩm du lịch hấp dẫn.


Trên khắp mặt nước của phá Tam Giang đều chăng đầy nò sáo, đây là phương tiện đánh bắt cá tôm của ngư dân. Hệ thống nò sáo (đăng đó) đã hình thành qua nhiều thế hệ ngư dân ở nơi đây và được phân chia giang phận phù hợp theo địa giới của các làng thôn ven phá. Trên ranh giới mặt nước, người ta chừa một khoảng luồng lạch (có để thuyền bè đi lại. Vì vậy, người lái thuyền (đò) phải thông thuộc luồng lạch để điều khiển thuyền bèkhỏi vướng vào ngư lưới cụ của ngư dân.


Thời phong kiến, việc tranh chấp mặt nước trên đầm phá Tam Giang xãy ra thường xuyên, nhất là đối với các làng xã ven phá, buộc bộ máy nhà nước phong kiến (huyện quan, triều đình) phải nhiều lần đứng ra phân xử.  Ví dụ như việc kiện tụng giữa làng Lai Hàvà Thế Chí. Ban đầu quan trên chỉ phê: “Thâm dã Lai Hà tác nghệ, thiển dã Thế Chí canh điền”, có nghĩa là: nơi nước sâu dân Lai Hà làm nghề (đánh bắt cá); nơi cạn, dân Thế Chí khai phá thành ruộng để cày cấy. Nghe ra, quan phê như vậy cũng đã thấu tình đạt lý. Thế nhưng cụ thể thì chưa yên được, vì làng Thế Chí có hai giáp: giáp Tây (nay là xã Điền Hòa) người dân chuyên làm ruộng;còn giáp Đông (nay là xã Điền Hải) có một bộ phận làm ngư nghiệp. Ven bờ đầm phá lâu ngày do bồi đắp nên cạn dần, có thể đắp bờ, ngăn ô, thau chua rửa mặn để trồng lúa. Ngày trước, có giống lúa chịu mặn, gọi là lúa nước mặn, có thể gieo cấy trực tiếp ở các chân ruộng ven bờ phá. Bởi vậy,để giải quyết tranh chấp ở khu vực này, cấp trên phải phê lại rõ hơn: “Phong Lai thượng, Phong Lai hạ, thượng hạ Phong Lai; Thế Chí Đông, Thế Chí Tây đông tây Thế Chí; thượng chí Hà Bạc, hạ chí Hà Lạc: thâm dã vi đầm, Lai Hà, Thế Chí quản trị vi ngư; thiển dã vi điền, Ngũ xã đồng công khẩn tự”. Như vậy, trong lần phê này, các địa phương đã có quyền như nhau: nơi nước sâu là đầm, Lai Hà và Thế Chí đều quản lý và đánh bắt tôm cá (làm nghề ngư); nơi nước cạn, lầy trũng ven bờ, cả 5 làng đều cùng chung canh khẩn để làm ruộng. Lời phê của cấp trên mang tính chung chung, nhưng người dân các làng xã ở đây phải tiếp tục việc phân định ranh giới đặt nò sáo khai thác tôm cá hay phân chia lô, thửa đồng ruộng để người dân khai phá, hạn chế việc tranh chấp. 


Nguồn lợi thủy sản tự nhiên của vùng đầm phá Tam Giang rất phong phú, có đến hàng trăm loài.Ngày đêm, con nước thủy triều lên xuống, tôm cá lại men theo sáo chắn (còn gọi là đăng) bơi lọt vào nò (còn gọi là đó); người dân chỉ việc “đổ nò” để thu hoạch. Có lúc vì mãi mê đổ nò để thu hoạch cá mà sao nhãng việc tu bổ sáo chắn dẫn đến thất thu sản lượng cá. Dân gian có câu ví von trách móc lấy từ hình ảnh này:
“Xin đừng tham đó bỏ đăng,
Chơi lê quên lựu chơi trăng quên đèn”.

Hay câu:
“Được đó quên nơm”


Đến mùa đến mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, là mùa cá đẻ. Đặc biệt có một số cá sống ở biển nhưng đến mùa sinh đẻ lại tìm vào vùng đầm phá. Ngày trước, cá mòi cờ, cá mòi dầu vào đẻ đặc cả vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai. Đó là thời điểm người dân đầm phá thu hoạch cá mòi nhiều vô kể. Người Pháp thấy vậy nên đã từng có ý định xây dựng nhà máy ép cá mòi để lấy dầu. Nhưng do đăng, đó giăng dày đặc trên vùng đầm phá, cá mòi sinh sản bị đánh bắt liên tục năm này qua năm khác làm cho loại cá này đến nay trở thành hiếm. Cá chình, một loài cá ngon và bổ được mệnh danh là sâm dưới nước cũng chịu chung số phận. Vòng đời cá chình khá đặc biệt, ai cũng tưởng đó là loài cá chuyên sống ở thượng nguồn sông suối. Nhưng thực ra, khi trưởng thành, đợi đến thời điểm bão lũ mưa nguồn,nó lại tìm ra biển để duy trì nòi giống. “Điểm tập kết” trước khi ra biển của loài cá này chính là vùng đầm phá gần nơi cửa biển. Từ đây, nó cặp đôi với bạn tình, cùng nhau ra nơi biển cả mênh mông để thực hiện việc duy trì nòi giống. Đến lúc “lâm bồn” cá chình mẹ lại tìm đến vùng biển có độ sâu khoảng 400 mét để đẻ. Lúc những chú cá chình con bé bỏng ra đời nơi sâu thăm của biển cũng là lúc cá chình mẹ từ giã cõi đời. Những chú cá chình con lại nổi lên mặt nước, theo bản năng của sự sinh tồn, chúng lần tìm luồng nước có hơi ấm phù sa nơi cửa biển để cùng nhau tìm về nguồn cội,nơi bố mẹ chúng đã từng sống. Vòng đời cùng số phận nghiệt ngã trước sự tận diệt của con người đã làm vơi đi nhanh chóng lượng cá chình trong thiên nhiên. Cá chình trưởng thành khi về vùng đầm phá để ra biển lại lọt vào vòng vây của nò sáo. Mùa nước nguồn đổ chính là lúc ngư dân vùng đầm phá (khu vực gần cửa biển) thu hoạch được nhiều cá chình nhất.Cá chình ở các nguồn suối tận rừng sâu cũng đang bị tận diệt. Hóa chất xử lý vuông tôm trước khi thả nuôi tôm đã được con người đưa vào rừng thả xuống các nguồn suối để bắt cá chình và nhiều loài các tự nhiên khác. Nhiều người tưởng rằng cá được đánh bắt từ nguồn sông, nguồn suối là loài cá sạch chứ có ngờ đâu sự tàn nhẫn của đồng loại.Để đáp ứng nhu cầu cá chình trong thực đơn đát đỏ của các nhà hàng khách sạn, con người bắt đầu quan tâm đến việc Có thông tin về một ao nuôi cá chình sau một đêm sấm chớp, mưa gió đầy trời, cá thoát ra đi sạch, họ gọi đó là “cá chình dậy”. Thực ra đó là thời điểm cá chình trưởng thành “phá rào” để trở về với thiên nhiên để duy trì nòi giống. Con người thưởng thức nhiều món ngon chế biến từ cá chình, nhưng có ai ăn được trứng của loài cá này. Cá chình không bao giờ để mất trứng, cho dù trứng cá chình có thể là món khoái khấu, độc đáo trong thực đơn mong muốn trong đời của các ông hoàng bà chúa. Bởi vì cá chình mẹ chỉ sinh đẻ duy nhất một lần trong đời rồi thân mình tan vào đại dương mênh mông.


Hiện nay, xã Điền Hải huyện Phong Điềnđã qui hoạch 17 ha để làm bãi đẻ cho một số loài các nước mặn và nước lợ; xã Quãng Lợi huyện Quảng Điền đã tiến hành trồng cây ngập mặn để thu hút các loài tôm, cua, cá trên vùng phá Tam Giang. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho công cuộc khôi phục môi trường sinh thái vùng đầm phá Thừa Thiên Huế.


Vĩ thanh:
Khi khai hoang vùng đất ven suối sát với chân núi ở xã Phong Xuân để làm trang trại, tôi từng có ý định nuôi cá chình, tôi đã tìm kiếm nhiều tài liệu để tìm hiểu về loài cá này. Sau khi biết được vòng đời của cá mẹ, tôi lại bỏ chuyện nuôi loại cá con suốt đời mồ côi mẹ. Bạn tôi, nhà văn Xuân Hoàng, một người rất mực yêu thương mẹ và thường hay viết về mẹ. Một hôm tôi đưa cho Xuân Hoàng tập tài liệu và đề nghị Hoàng viết câu chuyện về vòng đời cá chình. Xuân Hoang đã viết truyện ngắn “Chình hoa nhớ cội” rất cảm động. Hoàng là người thích ngồi lai rai với anh em và cũng khoái khẩu với món “lẩu chình”, “chình nướng…”, nhưng từ khi viết xong truyện ngắn “Chình hoa nhớ cội” Hoàng cũng từ bỏ những món chế biến từ cá chình. Vì Hoàng thấy cảm thương cho vòng đời cá chình và số phận nghiệt ngã của cá chình mẹ. Xuân Hoàng đã về cõi vĩnh hằng khá lâu, nhưng trong ký ức tôi vẫn luôn tưởng nhớ đến hình ảnh của bạn và câu chuyện “Chình hoa nhớ cội”.

NT

 

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thế
Các bài mới
Các bài đã đăng