Văn nghệ dân gian
Nhớ Xóm Âm hồn
10:00 | 21/12/2020

HOÀNG THỊ NHƯ HUY

Nhớ Xóm Âm hồn
Miếu Âm hồn (Ảnh: Hoàng Thị Như Huy)

Tiết trời đã chuyển mùa để bước vào tháng năm âm lịch. Lũ ve sầu kêu râm ran khắp nẽo đường khiến lòng tôi bỗng chạnh nhớ xóm Âm hồn xưa.

Đó là xóm nhỏ năm xưa tôi sống thời thơ ấu với mẹ cha, có tên gọi Xóm Âm hồn. Khi ai đó hỏi nhà ở đâu, tôi bảo như thế thì có người thốt lên: “Eo ơi đừng có dọa tui mà tui sợ!”.

Nhưng quả thật xóm nhỏ này có tên như thế. 

Mẹ kể rằng xóm bắt đầu có tên từ sau biến cố kinh đô thất thủ năm 1885.

Năm 1884, quân Pháp đã lần lượt chiếm trọn hai miền Nam Bắc.

Mùa hè 1885, tại  Huế lúc bấy giờ đang là kinh đô của Triều Nguyễn, đã diễn ra trận đánh do quân đội Nam triều của Thượng Thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết và Đề Đốc Trần Xuân Soạn chỉ huy mở cuộc tổng tấn công vào thành lũy của quân Pháp ở Tòa Khâm (bên bờ Nam sông Hương) và đồn Mang Cá (phía Đông Bắc trong kinh thành).

 Vào tối 22 qua rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu quân Pháp bắt đầu phản công dưới sự chỉ huy của Pernot. Pháp đã chia quân làm ba ngã để tiến vào kinh thành Huế:

Một tốp từ Tòa khâm xung phong tràn vào cửa Thuợng Tứ, Chánh Đông, Chánh Tây, An Hòa…

Tốp từ Thuận An theo đường biển lên Bao Vinh, kết hợp quân ở Cửa Trài, phá cầu Thanh Long, vượt sông Ngự Hà, chiếm cửa Chính Đông, tiến vào Lục Bộ, cố tấn công cửa Hiển Nhơn để mở đường vào Hoàng Cung.

Tốp còn lại  lại vượt Cầu Kho tấn công quân triều đình đang tử thủ vườn Ngự Uyển để tiếp ứng toán quân đang cố phá đổ  cửa Hiển Nhơn.

Mặc dầu quân ta chiến đấu rất gan dạ nhưng do khí giới thô sơ nên bị thua trận. Quân triều đình không giữ nổi thành phải tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa Chính Đông (Đông Ba) đã bị toán quân Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên bao vây. 

Cả kinh thành Huế náo loạn.

Giặc tràn vào Kinh thành (Thành Nội Huế ngày nay) với lệnh truyền tiêu diệt bất cứ gì. Thuở ấy, các dãy nhà trong kinh thành đều là phên tre mái lá nên chúng chỉ đốt một căn là nhanh chóng cháy lan khắp. Dân vì nhà cháy phải chạy ra, gặp giặc Pháp là họ giết sạch. Hoàng gia, quan lại, quân lính… từ hoàng thành, dân  chúng sống trong kinh thành đều bồng bế nhau chạy tán loạn để trốn giặc. Các cổng thành đều đã bị giặc chiếm đóng. Người, xe, ngựa, voi… tràn ngập các con đường. Kẻ cố leo thành để thoát ra ngoài các hào giai, người đi đò chui qua cống Lương Y, cống Thủy Quan… Còn lại đa phần chạy ngược chạy xuôi khắp các nẽo đường. Tại Ngã tư Âm hồn (nay là nơi giao nhau giữa hai con đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn) là nơi dân chúng quân lính, hoàng gia… dồn về đông nhất, nên đã có nhiều người bị voi chà, ngựa đạp chết nhiều nhất. Xác chết chất thành núi, máu đổ chảy thành dòng…sau được quy tập để an táng tại vùng núi Ngự Bình.

Những người còn sống sót về sau đã lập miếu thờ, mặt Miếu hướng về cửa Chính Đông và lập Phổ 23 tháng năm để tổ chức cúng tế hàng năm. Ai ai đi ngang đều cúi đầu kính cẩn.

Đầu những năm sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công việc cúng tế giao cho Phổ Âm hồn, do cụ Trần Bá Thái (1892 - 1938) làm Phổ trưởng. Khi cụ Thái qua đời, chuyển giao cho cụ Nguyễn Thượng Oánh (1858 - 1943). Sau năm 1975, Phổ Âm hồn chuyển thành Phổ Vĩnh Nghĩa, do cụ Nguyễn Thượng Cửu (con cụ Oánh) làm Phổ trưởng. Sau đó lần lượt bác Lê Viết Bé, bác Bùi Quý kế tiếp nhau công việc phụng thờ và tế lễ hàng năm. Cụ Nguyễn Thượng Cửu là người có công bảo vệ được di sản này không bị đập bỏ trong những năm nhà nước có chính sách bài trừ văn hóa thủ cựu, lạc hậu… do cụ là nhân chứng sống của vùng đất này, đưa ra được những giá trị lịch sử của Miếu Âm hồn

Vào Miễu, ngay giữa ta có thể đọc câu:

Âm dương đồng nhất lý,

Hồn phách hiển thiên thu.

Có nghĩa:

Người chết, người sống chung lý tưởng.

Hồn phách rạng ngàn sau.

Bên ngoài lại có câu:

Hương linh hà xứ tại,

Phụng tự lập niên tồn.

Có nghĩa:

Cho dù người chết ở xứ nào.

Nơi đây vẫn phụng thờ mãi.

Bởi trong số hơn ba ngàn người tử nạn, không phải chỉ riêng người Huế mà còn biết bao các quan lại, binh lính… đến từ phương bắc, phương nam.

Đống trụ nguy nga vọng,

U minh phảng phất lai.

Có nghĩa:

Dành một nơi trang trọng nhất để thờ vọng,

Người đã khuất thỉnh thoảng ghé thăm.

Khi tôi sinh ra thì cái xóm ấy đã có nhiều cư dân đến tái xây dựng sinh sống đông đúc. Từ đường Mai Thúc Loan rẻ tay phải vào thì con đường chia hai. Một bên phía  tay trái, sát mạn hồ rau muống có dãy nhà trệt cấp bốn san sát liền kề. Chủ nhân của những ngôi nhà ấy đa số là người lao động làm trống, tráng bánh…hoặc buôn bán lẻ. Phía tay phải là một loạt nhà vườn với cây cối sum suê, chủ nhà lại là những công viên chức nhà nước.

Nhà tôi ở phía tay phải. Ba mẹ tôi là nhà giáo. Lũ trẻ sinh ra trong xóm nhỏ này cũng do tính chất công việc của cha mẹ mà có những sinh hoạt khác nhau.

Trẻ con nhà lao động sau khi đi học về luôn vùi đầu giúp bố mẹ mưu sinh. Còn chúng tôi thì ngoài giờ học, tha hồ rong chơi đủ các thú trong những khu vườn liền kề rộng mà ở mỗi hàng rào ngăn cách ranh giới của những khu vườn luôn có những lỗ chó (lỗ nhỏ chó chui được) do chúng tôi tạo ra để dễ chạy núp nhau khi chơi trốn tìm.

Trong những tháng ngày thời niên thiếu ấy, đã diễn ra biết bao cuộc vui, kỷ niệm mà nay dẫu tôi đã thành lão, vẫn hiện lên thật nhiều trong ký ức mỗi đêm thao thức khó ngủ.

Nhiều lắm, nhiều lắm nên chẳng biết bắt đầu từ đâu. Thôi cứ hễ nhớ chuyện gì thì vội ghi để lỡ mai đây chết mất thì còn đâu mà nhớ!

Khởi đầu là chuyện em tôi nuốt hạt mít. Nhà tôi có trồng nhiều mít. Năm ấy lúc em tôi tên gọi là Xíu xiu lên năm, nhân có trái mít Dừa vừa chín cây, chúng tôi bổ ra tranh nhau ăn. Do em tôi hấp tấp nuốt nhanh để tranh phần khác, đã nuốt trửng luôn múi mít chưa tách hạt. Nhìn nó  khựng người, cố nuốt ục ục hạt mít đang mắc ở thực quản mà mặt tái mét, hai con mắt trợn trừng…lũ chúng tôi sợ khiếp vía. Lúc ấy chị giúp việc lại phán thêm câu: “Ôi răng dại rứa! Nuốt hạt mít vô bụng mai mốt nó mọc cây ra lỗ rún đó!”.

 Nghe thế, em tôi khóc thét lên rồi từ lúc ấy trở đi nó như kẻ mất hồn. Tối cha mẹ về nghe chuyện, dỗ dành mãi nhưng em tôi đã hoàn toàn bị suy nhược. Nó đang mường tượng viễn ảnh cây mít to đùng như cây mít dừa cuối vườn trong nay mai sẽ từ trong bụng mọc ra lỗ rốn nó. Rồi cành lá mọc sum suê, trái kết đầy cành, con ong, con sâu, con kiến con ve…tha hồ bám đầy trên thân lá…Làm sao nó chịu được? Làm sao nó đi học lớp Mầm Non được, làm sao nó nằm ngủ trên cái giường nhỏ xíu được…chứ chưa kể làm sao có thể chơi bán hàng ở hiên nhà hay nhày lò cò, nhảy dây trong sân…với cây mít to đùng mọc ra ở bụng được?. Thế là nó khóc ấm ức mãi. Mẹ gọi chị giúp việc la mắng vì đã dại dột gieo cho nó nỗi kinh hoàng. Nhưng đã lỡ rồi biết làm sao đây!

Nhìn con như kẻ tâm thần, cha mẹ tôi cũng hoảng loạn theo. Họ chạy đi cầu cứu bạn bè. May làm sao có một anh bác sĩ bạn chị gái tôi đến chơi nghe chuyện. Anh ấy tủm tĩm cười bảo không sao rồi bí mật kiếm một hạt mít dừa cầm sẳn ở tay

Tối ấy, anh bảo mẹ chuẩn bị một bàn nhỏ, thắp đèn cầy, đốt hương trầm rất long trọng. Chẳng biết anh kiếm đâu ra cái áo dài và khăn đóng của mấy pháp sư mặc vào trông hệt lão Phù thủy chính hiệu mà em tôi vẫn xem trong các truyện tranh. Mẹ trịnh trọng mặc áo dài, bồng em ngồi trên ghế đặt trước bàn hương án, banh vạt áo em để lộ cái bụng trần. Cả nhà lớn nhỏ sắp hàng kính cẩn khoanh tay đứng hai bên. Anh ấy áo mũ chỉnh tề, thắp hương van vái, vừa múa vừa hô:

“Úm ba la úm ba la…Ô phà ma quỉ…” một lúc rồi  đột ngột xông vào, dùng hai ngón tay trỏ và cái chọc ngay bụng em gái tôi. Rồi miệng anh hú lên, tay giơ cao đưa cho mọi người thấy hạt mít anh vừa móc ra được. Cả nhà vỗ tay reo mừng. Còn bé Xíu xiu chồm ngay dậy, mặt sáng ngời lên.

Sáng hôm sau nó lại sắp sách đến trường Mầm non như mọi bữa. miệng líu lo hát những bài ca:Con cò bé bé…Kìa con bướm vàng…”. Mấy ai tin được hôm qua nó như đã chết!

Ôi ông bác sĩ tài ba ơi! Cảm ơn anh vô cùng!

Chiều hè, nghỉ học nên lũ trẻ cả xóm thường tụ tập chơi trốn tìm. Trò chơi này vui vì con gái con trai đều tham dự. Sau khi oánh tù tì một lúc thì còn lại kẻ cuối cùng bị thua, tức là phải đi tìm ra tất cả những kẻ chạy trốn, gọi tên rồi chạy nhanh chân  về điểm đạp mạng, nếu không lại phải đi tìm tiếp.

Tụi tôi luôn chun lỗ chó, chạy băng qua các vườn khác  để trốn thật xa. Có hôm đến lúc hoàng hôn mà vẫn chưa kết thúc trò chơi vì còn sót lại hai nhân vật là  Cu Ti và con Nu ở đâu chưa tìm thấy. Chúng tôi đâm lo nên nghỉ chơi chia nhau đi tìm.Thằng Tũn vốn biết chữ, đọc được truyện tranh khoa học viễn tưởng nên có óc hoang tưởng, đã thốt lên:

 “Hay là chúng nó bị người ngoài hành tinh bắt cóc mất rồi?

Con Na còn phụ họa:

“Mấy hôm ni có một ông vác cái bao to đùng hay đi qua xóm mình. Em sợ ông bắt con nít bỏ vô bao mang về ăn thịt”

Ôi sợ quá! Cả bầy níu chặt áo nhau chun qua các lỗ chó để đi tìm kẻ mất tích.

Đến nhà bác Thao, tình cờ tôi nghe âm thanh phì phào thật lạ vẳng lên từ cái bể cạn nuôi cá kiểng mà lâu nay bác ấy đã bỏ khô. Tôi lấy can đảm bước lại gần, nhón chân xem. Ai ngờ trước mắt tôi là hai cô cậu đang ôm nhau ngủ, miệng ngáy khò khò. Chính ngọn gió mát cuối chiều đã ru hai đứa trẻ do thấm mệt vì chơi trốn tìm vào cõi mộng mơ của thiên đường cổ tích.

Tôi buột miệng la to khiến cu Ti và con Nu bị đánh thức. Đang lúc chúng còn đang ngơ ngác thì cả bầy xúm lại la ó:

“Ê hai vợ chồng! Ê hai vợ chồng!”

Sau này, khi lớn lên chúng nào có yêu nhau để thành  hai vợ chồng như chúng tôi từng chọc ghẹo đâu?  Con Nu  yêu một người thanh niên từ đâu trên trời rơi xuống, rồi theo người yêu của nó đi vượt biên chết ở biển. Còn cu Ti vẫn sống ở ngôi nhà xưa, lấy vợ sinh con đầy đàn. Mỗi khi gặp bạn ấy tôi hay kể lại chuyện xưa. Chàng nháy mắt  bảo đừng cho vợ biết mà bà ấy “ghè tương” thì khổ.

Hì hì chuyện con nít ngày xưa mà! Có chi mà sợ hỡi cu Ti!

Nhà tôi đông con. Cu Mật là thằng bé sinh ở chặng giữa. Thường những đứa con ở chặng giữa này rất mặc cảm tủi thân vì bị quên lãng do anh chị lớn đi học được bằng khen, giải thưởng…nên cha mẹ có phần kính nể. Còn em nhỏ sinh cuối thì vì còn bé bỏng nên được yêu thương nhiều. Tuy thế cu Mật lại là đứa đa cảm, yêu mẹ hơn tất cả. Lúc nhà có miếng gì ngon nó luôn hỏi mẹ đã ăn chưa? Lúc mẹ làm việc nhà tất bật nó luôn hỏi mẹ có mệt không? Chứ chẳng vô tâm như lũ chúng tôi chỉ chực ăn no rồi chạy chơi suốt.

 À mà tôi cũng muốn  kể thêm sở dĩ em có tên cu Mật vì năm mẹ có thai em mà không biết, cứ đau ốm liên miên. Đi bác sĩ nào họ cũng phán đau bao tử, đau tim…nên bạn bè họ hàng đến thăm đông kịt. Ai đến cũng đem biếu một chai mật ong rừng để bồi dưỡng mẹ. Vì thế khi sinh em, mẹ đặt tên là cu Mật để kỷ niệm.

Năm cu Mật lên cấp một, do em học gần trường, đường đi học mép lề đường, chỉ băng qua một ngã tư nhỏ. Mẹ dẫn em đi mấy bận rồi dặn em lúc qua đường nếu thấy vắng xe mới qua. Còn nhiều xe sợ không đi thì nhờ một người lớn nào đó dẫn qua giúp. (Dạo ấy do chưa có tình trạng bắt cóc trẻ em nên mẹ mới dám liều như thế!).

Em thông minh hiểu lời mẹ dặn nên đã tự đi học một mình. Một hôm, vào buổi tan trường dưới cái nắng gắt của ngày vào hạ, em Mật mặt đẫm mồ hôi hột, đỏ kè như con tắc kè, tóc dính bết nhau…chạy xộc từ cổng vào ngay bếp tìm mẹ.

Vừa chạy vừa thở, miệng em luôn gọi:“Mẹ ơi mẹ ơi!”. Cả nhà hoảng hốt tưởng có chuyện gì. Khi nắm được tay mẹ, em kéo nhanh vào góc bếp mà miệng không ngớt nói lắp bắp:

“Con thương mẹ nhất. Con thương mẹ nhất. Con chỉ cho mình mẹ thôi”.

Nói xong em tôi dúi vào tay mẹ một tờ giấy nho nhỏ. Mẹ mở mắt nhìn. Thì ra đó là một đồng bạc địa phủ em đã nhặt trên đường tan học khi một đám tang vừa đi qua rãi xuống.

Ôi tình yêu mẹ của em Mật biết nói sao cho vừa!

Còn cu Nghệu Ngạo thì lại có câu chuyện “tình yêu”.

Năm mẹ đã sinh chín con mà vẫn còn mang thai thêm em cu út này. Thời ấy quan niệm con là lộc của trời, nên trời cho là sinh chứ không kế hoạch sinh đẻ hay phá bỏ như bây giờ. Do năm ấy mẹ đã nhiều tuổi, lại những miếng ngon miếng ngọt nếu có, luôn nhường cho lũ con như những con tàu luôn há mồm chờ nhận hàng. Vì thế lúc sinh em, trông nó còm cõi như cụ già. Nó là út nên cả nhà gọi ngay cu Út. Lúc khoảng hai tháng, cứ hễ ở trong nhà là nó khóc la inh ỏi, mà bồng đi dạo trong vườn là nó im ngay nên cả nhà đặt tên mới là thằng Nghệu Ngạo.

Là con út nên cái gì ngon mẹ và cả nhà đều nhường cho nó. Nó ăn mạnh như Lê Như Hổ nhưng thân thể vẫn ốm cà tong cà teo. Tuy thế nó vẫn phát triển bình thường, con mắt tinh nhanh, nói năng rất lưu loát, đi đứng hoạt bát.

Năm lên ba, mẹ cho đi trẻ. Đến lúc này tốc độ ăn của cu cậu bỗng “khựng” lại. Có cái gì ngon nó chỉ ăn một nửa, còn một nửa gói lại mang đến trường. Nhiều lần như thế nên mọi người sinh nghi bí mật theo nó đến trường để xem nó có ăn tiếp không. Ai ngờ vừa đến lớp, cu cậu đã sà ngay vào quấn quýt một con bé xinh ơi là xinh rồi chìa quà ra cho bé ấy ăn. Lúc về, mọi người hỏi sao không ăn hết mà cho bạn ấy. Nó dạng chân, ưỡn ngực, chỉ tay vào tim nói dõng dạc:

“Cả nhà không thấy bạn nớ đẹp nhất lớp à? Nghệu Ngạo là thằng mê gái đây mà!”.

 Cả nhà tôi một phen cười bể bụng vì mối tình đầu của em tôi.

Những cuộc vui ở xóm âm hồn không chỉ diễn ra ban ngày mà còn cả ban đêm. Những đêm hè, chúng tôi rủ nhau đi soi ve ve. Dạo ấy chưa có đèn pin nên chỉ dùng đèn dầu tù mù mà mấy bà bán trứng vịt lộn hay mang khi bán khuya. Đi một mình ra vườn sợ ma nên hay rủ cả bầy. Soi một lúc được cả nắm sùng ve vừa chui lên khỏi mặt đất. Chúng tôi đem vào nhà rồi ngồi chụm đầu xem sùng ve lột xác.

Khởi đầu ở lưng con sùng nứt ra một kẻ lớn rồi con sùng lớn dẫn lớn dần…Đến một lúc, tự nó thoát ra khỏi vỏ từ kẻ nứt ấy. Lúc này đôi cánh ve còn mong manh, trong veo, mang màu ngọc bích. Chỉ một lúc sau đôi cánh lớn dần, cứng dần và chuyển màu nâu. Chúng tôi lặng đi vì những điều kỳ diệu ấy. Lúc chán chê và cũng đã đến giờ đi ngủ, chúng tôi đem ve ve vào thả trong mùng. Sáng mở mắt, có con đã bay được, đập cánh soàn soạt, có con đã chết khô nằm ở góc giường.

Nghe lời mẹ, chúng tôi thả những con còn sống để chúng bay đi hút nhựa cây và ca hát trong các lùm lá xanh. Những con đã chết chúng tôi làm đám ma để bày tỏ lòng ăn năn.

Cu Tũn do lớn nhất bầy, lại đang làm lớp trưởng lớp Năm A (nay là lớp Một) tại trường Trần Quốc Toản nên rất oai phong, luôn ra quyết định để lũ chúng tôi tuân thủ. Nó luôn dành làm trưởng nam, lấy bẹ chuối khô quấn quanh đầu. Con Bê cái miệng to nhất xóm, dù chỉ khóc giả đò (giả vờ) nhưng nghe cũng the the đau thương như thật nên được chọn làm mụ mấn. Thế là trò chơi đám ma con ve ve hay đám ma con dế, con chuồn chuồn lại thỉnh thoảng diễn ra trong những khu vườn xóm Âm hồn, thay ngôn từ nói lên trái tim biết khóc của lũ trẻ.

Vui là vui thế, tuy nhiên ở xóm tôi không phải lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười đâu. Có lắm lúc lũ nhỏ chúng tôi cũng gây nhau vì tranh con chuồn con bướm…hay chơi ô làng có đứa ăn gian…Thế là nhà ai nấy về không thèm chơi với nhau nữa. Chân bước vào cổng rồi nhưng cái sân si vẫn ngập ứ trong lòng nên đứa nào cũng lại quay ra cổng, chỏ miệng về phía nhau để gây sự.

Con Bê miệng to hay kể lể: Mi quên nhà tau khi cúng xong mạ tau  hay bưng mâm xôi chè to đùng qua cho nhà mi rồi há?”

Tôi cũng không vừa vặn gì đáp trả: “Rứa thì mi quên mạ tau hay cho nhà mi xoài chín, mít chin thơm lừng trong vườn nhà tau rồi à?Mi quên mạ mi hay khen răng mà chị Giáo cho nhiều rứa, ngon rứa rồi há”.

Cuộc khẩu chiến vẫn đang liên tục nổ như bắp rang thì những bà mẹ của các chiến binh già mồm ấy xuất hiện. Các bà cười hiền giảng hòa:

“Hàng xóm cho nhau quà là thương mến nhau. Cớ  răng các con lại gây nhau? Đi xin lỗi nhau đi!”

Lòng tự ái đang ngùn ngụt trong lòng nên chẳng có đứa nào chịu xin lỗi cả, lịt lịt cúi gầm mặt đi vào nhà. Tuy nhiên sau một đêm ngủ, thấm thía lời mẹ nói, sớm hôm sau chúng lại làm hòa và tiếp tục chơi trò bán hàng hay chơi nhảy dây cùng nhau.

Chuyện xóm tôi còn nhiều, nhiều lắm. Nhưng đậm nét trong ký ức tôi là chuyện cúng ngày kinh đô thất thủ.

Do đầu xóm có lập miếu Âm hồn thờ các vong linh tử nạn trong biến cố đau thương  lich sử đã nói trên nên cứ đến chiều 23 tháng Năm âm lịch cả xóm cùng nhau làm cỗ. Bọn trẻ ở xóm nhà liền kề bên mép hồ thường theo ngay cha mẹ ra cúng vái rồi chờ lúc cấp phát chúng được nãi chuối, chén chè…mặt rạng ngời sung sướng.

Chúng tôi cũng thèm lắm nhưng lại sợ. Chẳng hiểu sao cứ đến ngày 22 là trời trở gió. Ngọn gió lạ lắm. Tôi nghe lỏm người lớn bảo với nhau gió mang âm khí. Hỏi mẹ âm khí là gì thì mẹ bao hồn ma của những người chết. Vì thế chúng tôi rất sợ. Lại thêm ông cố nội của mẹ tôi lại mất ngày biến loạn ấy nên năm nào cha mẹ cũng đi cúng vắng nhà.

Ở nhà không có mẹ cha, tôi lại càng sợ hơn. Lũ bạn ở nhà vườn bên cạnh chắc cùng nỗi sợ như tôi nên trốn biệt trong nhà. Đến khi mẹ về mới dám từng bầy níu áo mẹ  cha ra xóm thắp hương .

Các gia đình trong xóm đều đưa bầy con trẻ ra để dạy chúng  biết nỗi đau của việc mất nước, dạy chúng biết tôn kính những linh hồn đã khuất, biết sự yêu thương đùm bọc của xóm giềng, biết thắp hương van vái các linh hồn khuất núi.

Tôi vốn tính tò mò luôn quan sát mọi việc, nên dù đang níu áo mẹ vì sợ ma, nhưng vẫn lén mắt nhìn quanh. Trên 2 bàn thượng và hạ bày la liệt các phẩm vật như giấy tiền, áo binh cháo thánh, hạt nổ, gạo trắng, muối sống, đường đen, cau trầu rượu… rồi xôi chè hoa quả, bắp, khoai sắn luộc, đậu phụng luộc. cua trứng.

Mép bàn hạ còn có một bình trà nóng thật to. Ở dưới chân bàn có cả một chậu to tướng để cá, ốc sống, sau khi cúng các bác đem ra phóng sinh ở sông Hương và các hào giai quanh kinh thành.

Theo lời Phật dạy, các sinh vật ấy có thể là linh hồn của người chết đầu thai nên ta nỡ nào ăn thịt của người thân, đồng bào mình? Ta phóng sinh là tạo cơ hội sống cho các sinh linh vô tội ấy.

Xa xa mép bàn cúng, ngay trên mặt đường các bác trai chất củi đống cao đót lửa lên như mấy lần tôi đã nhìn thấy khi dự lửa trại Hướng Đạo sinh cùng cha và các anh chị.

Gió mang âm khí lại đổ về, khi làm bùng lên ngọn lửa ma quái, khi thối lùa tro tàn đốt áo binh bay bay khắp không trung…tạo thêm vẻ huyền hoặc kinh dị cho buối cúng tế âm hồn.

Đoạn đường ngay trước mặt Miếu lúc này các phương tiện xe cộ tạm thời dừng lưu thông. Rất nhiều du khách vãng lai hiếu kỳ dừng lại thăm hỏi. Các bác xóm tôi lại có dịp kể chuyện lịch sử quê nhà.

Tay vẫn níu chặt áo mẹ, nhưng hồn tôi lại chu du về cõi xa xưa…Tôi mơ hồ quanh tôi có tiếng gào thét của những oan hồn xen lẫn trong tiếng ngựa hí, voi gầm và tiếng đạn pháo nổ khắp kinh thành…lòng tôi thương quá! hãi quá! nên đã bật khóc. Các bác dù đang lăn xăn cúng vái, vẫn nhìn thấy những xúc cảm của tôi như mọi năm, nên sau mỗi bận cúng đều cho tôi món quà ngon trong các lễ phẩm đem về. Cu Tũn, con Bê lắm khi nhìn tôi ghen tỵ nhưng không dám nói ra lời vì sợ Ma phạt.

Khi cúng, bác Phổ trường khăn áo chỉnh tề làm chủ lễ, có các Sư từ chùa và các Bác từ khuông hội đến tụng niệm kinh Cầu siêu cho người đã mất, kinh Cầu an cho người đang sống.Thời tôi bé là cụ Nguyễn Thượng Cửu. Và nay khi tôi viết dòng này thì bác Bùi Quý.

Sau lễ cúng các gia đình quầy quần một lúc bên nhau thưởng thức các lễ vật rồi nhanh chóng dọn dẹp để còn kịp về nhà làm mâm cúng riêng của gia đình.

Trong những lần xóm giềng sum họp bên nhau như thế, các bậc cha mẹ luôn trò chuyện thân mật, không phân biệt giàu nghèo, trí thức hay lao động chân tay… hỏi han nhau công việc làm ăn, việc học hành của lũ trẻ. Cháu nào ngoan được cả xóm nêu tên vỗ tay hoan hô nên lũ chúng tôi năm nào được biểu dương trước xóm xong đều quyết tâm học giỏi hơn, lễ phép hơn để được mọi người yêu thương thật nhiều thật nhiều.

Mẹ lại dẫn mấy anh chị em tôi về rồi cùng nhau bày bàn cúng trong vườn nhà. Lễ vật cũng giống như đã được bày ở Miếu Âm hồn, nhưng ít hơn.

Khi mẹ đặt lên bàn thờ một ấm nước nóng và một bếp than cháy đỏ thì tôi mới dám hỏi. Mẹ bảo rằng do năm xưa trong binh biến ấy nhiều người đã chết nước vì rớt xuống hào giai ngoài kinh thành hoặc hồ Tịnh Tâm, sông Ngự Hà nên họ rất lạnh cần lửa để sưởi ấm.

Có người chết vì trúng đạn mất máu, khát nước nên rất thèm được uống tách trà.

Nay mẹ con mình dâng cúng những gì họ đang khao khát và cầu nguyện cho những người đã khuất siêu thoát đến miền cực lạc.

Tôi chắp tay nắm hương nguyện cầu.

Trong ngọn gió mang âm khí đang thổi về, tôi nghe vọng đâu đây tiếng khóc than của người dân mất nước.

Chỉ sau một đêm binh biến, đất nước đã hoàn toàn rơi vào tay giặc

Nước mất thì nhà tan.

  Và hạnh phúc riêng tư của mỗi sinh linh vô tội sẽ vĩnh viễn không còn.

Tự nhiên nỗi sợ trong tôi tan biến. Tôi không còn sợ ma mỗi ngày 23 tháng năm. Tôi yêu thương các hồn ma và luôn nguyện cầu họ siêu thoát nơi miền cực lạc.

 Và ngay từ ngày ấy, tôi quyết tâm phải làm một điều gì đó để cuộc sống này bớt đau thương, các sinh linh vô tội quanh ta bớt đi những bất hạnh như trong binh biến mất nước năm nào. Tôi phải cố học thật giỏi, yêu thương cha mẹ anh chị em thật nhiều, yêu thương bạn bè hàng xóm với tấm lòng thân ái, làm những điều thật có ý nghĩa cho cuộc sống này.

Từ đó đến nay tôi vẫn đang đi trên con đường mình đã định.

Xóm nhỏ Âm hồn còn đó.

Miếu Âm hồn còn đó.

Trong lòng tôi sẽ ghi mãi di sản đau thương này và mãi mãi gìn giữ những hoài niệm về xóm Âm hồn xưa.

 

H.T.N.H

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Tam Giang (11/12/2020)