NGUYỄN THẾ
Ngày trước, trên sông Ô Lâu, phần lớn ghe thuyền là phương tiện phục vụ cho việc cư trú và hoạt động đánh bắt thủy sản của cư dân thủy diện. Trên bước đường di dân bằng đường thủy, lớp tổ tiên của cư dân thủy diện từng là những người từ miền Bắc vào định cư khá sớm tại Thuận Hóa. Họ thường tụ cư trên những đoạn sông gắn liền với làng xã của cư dân nông nghiệp. Thời đó, việc đi lại của người dân chủ yếu bằng đường thủy, thuyền bè là phương tiện đi lại không thể thiếu của người dân sống ven các dòng sông. Vì vậy, trên sông không chỉ có thuyền bè của cư dân thủy diện mà còn có đủ các loại ghe thuyền lớn nhỏ của người dân làm nông nghiệp. Thời gian đầu, khi mới di cư vào Nam, ai cũng chọn những vùng đất tốt ven sông để lập làng sinh sống. Thế nhưng chỉ cần 5, 7 chục năm sau, dân số phát triển, ruộng đất không đủ cho người dân canh tác.Để đảm bảo nhu cầu lương thực, họ lại tiếp tục tiến lên khu vực thượng nguồn của các dòng sông để khai phá đất đai hoặc tìm về vùng hạ lưu, nơi được bồi đắp những lớp phù sa màu mỡ hàng năm khi lũ nguồn về để quai đê lấn phá mở mang thêm diện tích lúa nước. Việc đi lại để mở mang đất đai ở thượng nguồn hay các vùng ruộng lúa nước ở cửa sông Ô Lâu, ven phá Tam Giang chủ yếu bằng đường thủy. Khu vực đồng bằng ven sông Ô Lâu của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là nơi thiên tai bảo lũ liên tục xảy ra hàng năm. Vì vậy cư dân nơi đây ai cũng sử dụng thuyền bè một cách thành thạo để đi lại trên sông hoặc đối phó với thiên tai bão lũ. Với niềm tin cầu cho “mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh”, nên hàng năm, vào khoảng tháng 8 tháng 9 âm lịch, khi mùa nước lên, các làng xã ven sông Ô Lâu lại tổ chức lễ hội đua thuyền sôi nổi. Các xóm thôn lớn nhỏ nằm ven sông Ô Lâu đều có ghe đua để tham gia tranh tài hàng năm. Ghe đua được đan bằng loại nan tre cật (lớp bên ngoài) của những cây tre già, thẳng, không bị hư mắt hay cụt đọt và phải được khai thác khi tre đã hết mùa lên măng để khỏi bị mọt. Nan tre sau khi chẻ và vót xong, thường được đặt trên giàn bếp để hun khói vài tháng cho khô, chắc, không bị mối mọt. Đến thời điểm thuận tiện vào mùa khô ráo, thôn hoặc xóm mới tổ chức mời người có kinh nghiệm, biết mực mẹo để đan ghe đua. Có thôn phải mời thợ giỏi của làng khác đến đan và trả công rất hậu hĩ. Khi ghe đan xong thường được để tại các đình thôn hay một gia đình của những người có chức sắc trong thôn, xóm. Đến khi làng tổ chức đua thì các thôn, xóm lại đưa ghe ra sân đình thôn, bến nước hoặc ở ngã ba đường để tu bổ, sơn quét và tổ chức cúng và hạ thủy trước một ngày để đội đua thử lại ghe. Lễ cúng để hạ thủy ghe đua được gọi là lễ hạ nề. Lễ hạ nề (hạ thủy) được tổ chức ngay tại bến sông, đặc biệt là đối với chiếc ghe đua vừa mới đan thì lễ này được thực hiện rất chu đáo. Chủ lễ hạ nề thường là ông hội thôn, trùm xóm chủ trì cúng lễ. Ngoài việc chuẩn bị chầm chèo, từng đội đua phải làm những bộ quai chèo (bao gồm cả quai chèo dự phòng) sao cho thật bền chắc và dẻo dai. Buổi đua thử ghe gọi là “thụa”, nếu ghe lướt được nhanh thì tốt. Nếu ghe đi không năng (đi chậm) hoặc ghe bị “tróc” tức là khi bơi, ghe bị nghiêng ngã (không đằm) dễ bị lật, chìm... thì phải mời chính người thợ đan ghe đến chỉnh sửa. Có khi người thợ có kinh nghiệm, họ chỉ cần đóng hoặc nới con nêm ở lòng ghe là chiếc ghe lại lướt đi nhẹ nhàng hơn và có thể mang lại thắng lợi cho đội đua.
Thông thường, trước đây việc đua thuyền hàng năm do các làng tự tổ chức, đây cũng để tuyển chọn những ghe hay, đội bơi giỏi để “đâm vé” (đăng ký) đua với hàng tổng, hàng huyện. Nhưng không vì thế mà mất đi hào hứng của cuộc đua ghe làng. Nếu làng chỉ có con hói nhỏ, thì họ phải chọn thời điểm nước lên để có mặt nước rộng, thuận tiện cho các đội đua. Tuyến đua ở hói làng có khi chỉ được ấn định độ dài từ 700 đến 800 mét, được cắm 3 cụm vè làm chuẩn. Nơi trung tâm của ban tổ chức cuộc đua gọi là “Bàn Quan” . Đây là nơi ra hiệu lịnh xuất phát các giải đua và cũng là nơi người lái chính nộp chèo lái khi kết thúc từng độ đua (giải đua) để ban tổ chức và trọng tài cuộc đua phân định thắng bại đối với các đội. Cụm vè phía trước “Bàn Quan” gọi là vè Trung tiêu, thường gọi là vè rún. Thông thường tất cả các đội đua khi xuất phát đều phải lộn một vòng ở vè này xong mới tiến lên lộn ở vè Thượng tiêu. Vè thượng tiêu được cắm ở ngay giữa đoạn sông phía trên (tính từ thượng lưu chảy về). Sau khi lộn vòng ở vè thượng tiêu xong, đoàn ghe đua phải xuống lôn ở vè Hạ tiêu được cắm ở phía dưới dòng chảy và tiếp tục vòng đua lên xuống vè thượng tiêu, hạ tiêu cho đủ ba vòng sáu tráo xong mới lộn tiếp ở vè rún để về nơi xuất phát. Nếu có ghe nào bỏ qua không lộn thì bị phạm qui, gọi là hẻo vè, cho dù sau đó về đích trước các ghe khác một quảng dài cũng không được tính ăn giải. Lúc về đích, người cầm lái phải nhanh tay mở chèo lái vào nộp và phải đặt đúng vị trí gác chèo lái, là nơi có thanh tre buột ngang, cách mặt đất khoảng 50 cm phía trước bàn quan. Có trường hợp hai ghe cùng về đích, cả hai tay lái đều chạy vào cùng một lúc, nhưng một người nhanh tay ném chèo lái vào trước nằm đúng vị trí qui định thì ghe đua đó được tính thắng cuộc.
Một cuộc đua ghe thường được tổ chức suốt cả ngày và có nhiều giải thưởng, nhưng có 3 giải chính. Giải đầu tiên mở đầu cuộc đua gọi là giải cúng, mặc dầu phần thưởng của giải này có khi chỉ là một mâm cau trầu rượu, nhưng đội nào thắng cũng lấy làm vinh dự, được xem là hên (may mắn), đầu xuôi đuôi lọt, họ tin là sẽ có cơ hội thắng cuộc trong những giải đua tiếp theo. Tiếp theo là giải tiền (giải thưởng bằng tiền mặt), tùy theo mức giải và số lần treo giải để tổ chức thành nhiều độ đua. Trong giải tiền, thường có giải tam liên thắng tức là đội thắng liên tục 3 giải nhất liền nhau. Ở giải tiền, các đội thắng được thưởng bằng tiền. Đội nào cũng có vận động viên dự phòng, những vận động viên dai sức, bơi giỏi, các đội chỉ cho tham gia bơi một số giải xong thì nghĩ dưỡng sức để thi đấu giải phá, tức là giải kết thúc cuộc đua. Đây chính là giải danh dự, phần thưởng chính là lá cờ đỏ dài khoảng 5 đến 7 mét. Ngày xưa, giải này còn được thêm một con lợn, nếu tài chính của cuộc đua dồi dào. Đội đua nào đoạt được cờ phá thì họ tin rằng năm đó xóm thôn làm ăn được thịnh vượng, mùa màng bội thu.
N.T