Văn nghệ dân gian
Đá và giấc mơ điềm báo trong truyền thuyết dân gian Việt Nam về các nhân vật lịch sử
09:41 | 18/01/2021

NGUYỄN THỊ QUỲNH HƯƠNG

Đá và giấc mơ điềm báo trong truyền thuyết dân gian Việt Nam về các nhân vật lịch sử
Ảnh minh họa (Internet)

Truyền thuyết dân gian là thể loại “luôn có xu hướng thiêng hóa thực tại để thể hiện sự tôn vinh của tác giả dân gian đối với nhân vật thông qua vai trò của cái kì ảo” [1, tr.168]. PGS.TS. Trần Thị An cho rằng: “Trong quan niệm của họ, người anh hùng có xác thân lịch sử kia phải mang bản chất tự nhiên, với những sức mạnh bí ẩn không giới hạn. Sự ra đời kỳ lạ còn là sự chuẩn bị cần thiết để miêu tả chiến công phi thường mà người anh hùng cống hiến cho non sông đất nước” [1, tr.113].

Vì vậy, trong các phương thức kì ảo để thiêng hóa/ nhấn mạnh uy linh của nhân vật lịch sử, tác giả dân gian đã quyết định tạo ra nguồn gốc nhiên thần/ mang sức mạnh của tự nhiên cho họ. Nghĩa là nhân vật lịch sử có thể được phái sinh từ hoa sen/ cây ngàn năm/ sừng tê/…, hay là hiện thân của các vị nhiên thần (thần sông/ thần núi/…). Đồng thời tính thiêng của nhân vật lịch sử còn được góp phần tạo ra bởi giấc mơ điềm báo. Theo Trần Thị An, đây chính là một biến dạng của motif sinh nở thần kỳ trong truyền thuyết dân gian, kể việc thụ thai thông qua giấc mơ của các bà mẹ: mơ thấy nuốt mặt trời vào bụng, mơ thấy nuốt hai quả trứng, mơ thấy một vị thần ném một đứa trẻ vào người… dẫn đến người mẹ có thai.

Giữa vô số những lựa chọn trên, đá dường như là một sự ưu ái không hề ngẫu nhiên của các tác giả dân gian. Bởi lẽ đá là sự vật mang đậm chất thiêng trong quan niệm vạn vật hữu linh của người Việt [thần đá/ tục thờ đá - NTQH]. Ngoài ra, theo khảo sát của chúng tôi, tần số xuất hiện của đá và các biến thể của đá (ngọc và ngôi sao) trong mối quan hệ với nhân vật lịch sử của truyền thuyết dân gian Việt Nam là 30 lần. Đá tham gia vào hầu hết các giai đoạn của nhân vật lịch sử trong truyền thuyết: sự ra đời, hành trạng và cái chết thần kỳ (ngài hóa). Điều này đã thể hiện mối quan hệ gần gũi, chặt chẽ của đá với đời sống của người dân Việt. Bên cạnh tần số xuất hiện, với rất nhiều lớp nghĩa mà đá tạo ra, chúng tôi có thể khẳng định rằng đá đã trở thành một biểu tượng, mang giá trị cổ mẫu, hàm ẩn “những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và vô tận” [3, tr. 176].

Trong tiểu luận, trên cơ sở tham khảo hệ thống ý nghĩa của biểu tượng đá trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, chúng tôi chỉ đề cập đến 3 lớp nghĩa của đá trong mối quan hệ với nhân vật lịch sử của truyền thuyết dân gian Việt Nam: đá là báu vật để ban thưởng, đá mang điềm lành trong giấc mơ tiên tri và đá là biểu tượng của sự sống. Trong đó, có lớp nghĩa tương đồng, thể hiện sự đồng điệu trong quan niệm về đá của người Việt với văn hóa thế giới, tuy nhiên cũng có lớp nghĩa mang nét riêng của đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Những lớp nghĩa này của đá đã thẩm thấu vào nhân vật lịch sử thể hiện cách nghĩ/cách cảm đầy kì ảo của tác giả dân gian về họ, đồng thời góp phần tôn vinh tượng đài anh hùng của dân tộc.

1. Đá là phần thưởng cho việc tu thân tích đức

Kết cấu báu vật là phần thưởng ông trời dành cho việc tu thân tích đức của cha mẹ khá phổ biến trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Và phần lớn cha/mẹ của nhân vật lịch sử, sau một quá trình tích đức, sẽ mơ thấy có một vị thần/ông tiên/… xuất hiện và họ được trao một báu vật (ngọc/sừng tê/…). Và sau đó, báu vật ấy sẽ có sự tương ứng với người con (nhân vật lịch sử - NTQH) mà họ sinh ra. Đương nhiên, việc lựa chọn báu vật thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao và ý nghĩa của mỗi sự vật trong quan niệm của người dân Việt.

Trong kết cấu đó, theo thiển ý của chúng tôi, mối quan hệ giữa những đấng sinh thành ra nhân vật lịch sử (đặc biệt về gia thế và cách sống) với báu vật đá tạo ra một liên kết mang tính nguyên nhân – hệ quả. Thực tế, hầu hết đấng sinh thành được ông trời ban thưởng báu vật đá trong truyền thuyết dân gian đều có những đặc điểm chung sau:

+ “văn chương lỗi lạc, hiếu đễ, khoan hòa, tu nhân tích đức, làm nghề thầy thuốc” [6, tr.217], “dốc một lòng tích đức tu nhân” [6, tr.217] (Sự tích Vũ Lang danh tướng triều Hùng đánh giặc Ân).

+ “một nhà thi lễ trâm anh, sẵn lòng chẩn tế” [7, tr.47] (Sự tích Đức thánh Hưng Phúc thời Hai Bà Trưng).

+ “bản tính hiền hòa, vốn dòng nhân hậu, làm nghề bốc thuốc cứu người” [8, tr.91] (Truyện bốn anh em cùng một bọc có công chống ngoại xâm thời Lý Thánh Tông).

+ “gia cảnh bần bạch thiếu thốn, lấy việc đốn củi làm nghề, hay làm việc thiện lại chuộng việc chẩn giúp người nghèo. Cả hai vợ chồng là người đôn hậu suốt đời phúc đức” [4, tr.480] (Truyện tam vị thiên thần thời Trưng Vương).

Điểm dễ nhận ra trong các miêu tả cụ thể ở trên, đó là cha mẹ của các nhân vật lịch sử đều có lối sống hiền lành, thuộc gia đình tử tế, không phân biệt giàu nghèo. Trong đó, nghề bốc thuốc cứu người rất được các tác giả dân gian đặc biệt chú ý. Bởi lẽ trong quan niệm dân gian, cha mẹ là thầy thuốc thì lẽ đương nhiên sẽ có kiến thức uyên thâm, được mọi người trọng vọng và luôn làm việc thiện để cứu người, tích đức. Điều này khắc họa rất rõ quan niệm “tích đức cho con”, nhân - quả của người Việt, thậm chí không phải là khi sinh con ra rồi cha mẹ mới bắt đầu tích đức, mà là một quá trình sống của mỗi người từ lúc bé thơ đến khi trưởng thành. Vì vậy, hành động “tích đức” chính là tu thân và “đức” dày sâu của cha mẹ sẽ hiển hiện trong chính bản thân con cái và cuộc đời của con cái.

Tuy nhiên, bên cạnh gia thế và lối sống, những bậc sinh thành của nhân vật lịch sử trong truyền thuyết dân gian còn có chung một hoàn cảnh, đã lớn tuổi nhưng hiếm đường con cái:

+ “Tôi lấy ngài đã ngoài 20 năm rồi, mà chưa có con, chắc không còn trông mong gì nữa” [6, tr.55] (Sự tích Thổ Thống và Nại Nương thời Hùng Vương).

+ “Chồng là Đức Ông, 50 tuổi, vợ là bà Tạ Thị Phương, 40 tuổi” [4, tr.298] (Sự tích Ông Dục thời Hùng Vương).

+ “Tuổi cao mà chưa có con trai nối dõi tông đường” [4, tr.480] (Truyện tam vị thiên thần thời Trưng Vương).

Ở chi tiết này, truyền thuyết cũng phản ánh quan niệm trọng con trai nối dõi của người Việt. Vì có trường hợp, các bậc sinh thành trong truyền thuyết thể hiện mong mỏi có con trai để lo việc hương hỏa về sau: “Năm ông gần sau mươi tuổi, bà trên bốn mươi tuổi mới có hai người con gái chưa có con trai” [7, tr.121] (Sự tích thần Đình Tào).

Chính hai đặc điểm cha mẹ sống phúc đức và hiếm muộn đã khiến đứa con trở thành “báu vật trời ban”. Và có một điều cần lưu ý, ngoài việc chi tiết này thể hiện niềm tin và ước mơ về lẽ công bằng của nhân dân thì tác giả dân gian luôn tuân thủ nguyên tắc “tạo ra những mẫu mực về đức hạnh để thỏa mãn nhu cầu của con người về những hình mẫu lý tưởng” [1, tr.67]. Do đó, nhân vật lịch sử của truyền thuyết phải là “hình mẫu lý tưởng về đức hạnh” và ở đây, dường như tác giả dân gian đã mở rộng phạm vi lý tưởng này, vượt ra khỏi khuôn khổ/ giới hạn bản thể của nhân vật lịch sử. Bởi lẽ truyền thuyết đã đề cập đến sự mẫu mực ở cả những bậc sinh thành và gia thế của nhân vật lịch sử. Đây chính là một đòi hỏi lớn hơn ở nhân vật và cũng cho thấy, người Việt vì quan niệm “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” nên coi trọng gia thế/ xuất thân. Trong đó, đức hạnh là phẩm chất được đề cao, không chỉ kỳ vọng đối với cá nhân nhân vật lịch sử mà còn mang giá trị môi trường sống/ cội nguồn/ gốc tích ảnh hưởng/di truyền đến nhân vật.

Đối với liên kết nguyên nhân - hệ quả trên, chúng tôi sẽ phân tích kỹ truyền thuyết Sự tích năm anh em Minh Công, Tín Công, Cao Công, Thạch Công và Dung Nương thời Hùng Vương để làm rõ hơn phần nguyên nhân. Truyện kể rằng hai anh em quê ở Quỳnh Nhai đã lớn tuổi nhưng vẫn hiếm muộn đường con cái. Họ quyết định “lập đàn chay và phát chẩn bần cho người già yếu cùng con trẻ, theo đúng bảy bảy bốn chín ngày một tuần chay” [6, tr.68] (1). Lập đàn được 3 ngày, một lão tăng xuất hiện trong giấc mơ của họ và phán rằng “Nhà ngươi có phúc hậu lắm; nhưng vì ông cha hay phá rừng và giết hại súc vật, nên các sơn thần tấu với Thiên đình, cho nên giảm tiền phúc. Đến nay các ngươi tâm thành phúc đức làm chay cầu cúng, việc đến Thiên quân, ác giải chương trừ, được thoát âm hồn giải hết các điều oan khổ, phúc nay mới đến” [6, tr.68]. Lão tăng cũng dặn dò thêm “Các ngươi nên giồng 100 cây ở các vệ đường và tu sửa chùa chiền các địa phương, cần làm 7 tòa, mỗi tòa hai bên động sau này có đất sinh nhân tài phụ quốc, thế là phúc đến mà tội xong” [6, tr.68]. Hai anh em hoàn tất mọi công việc mà lão tăng dặn trong vòng một vài tháng (2). Và khi hai anh em đi tìm đất để táng cha mẹ thì “thấy một con chim sắc xanh, lông đuôi có năm màu và đều có mặt kính” [6, tr.68] đậu trên cây to và “kêu hình như tiếng người, đọc thơ rằng: “Bạch gia phúc chí thị thiên linh, ngô phụng Thiên quân báo chữ Minh. Sơn thượng Đàm oa thiên dĩ định, huyệt cư thủy để tất phương sinh”. (Ý thơ nói nhà họ Bạch có phúc đến, nếu táng mả vào huyệt ở đáy nước ắt sinh con khác thường)” [6, tr.68]. Ngay sau khi họ táng xong (3), tối hôm đó, cả hai đều nằm mộng thấy điềm lành, nhận được báu vật. Ở truyền thuyết này, hai anh em tuy là người sống phúc đức nhưng tổ tiên của họ lại phá rừng, giết hại súc vật, vì vậy con đường con cái không thể hanh thông. Trong truyện kể, không chỉ họ tích cực làm điều thiện mà thậm chí nhân vật lão tăng, đại diện cho ông trời, đã chỉ dẫn các hoạt động thiện nguyện khác cho họ. Nghĩa là, việc tu thân và tích đức không chỉ gói gọn trong một đời người mà còn là sự góp sức, kế tục qua nhiều thế hệ của một dòng họ. Và nếu tổ tiên đã gieo mầm ác thì con cháu phải làm điều thiện để trả nợ cho cha ông.

Theo chúng tôi, nếu xét các điều kiện cần và đủ cho giấc mộng điềm lành và báu vật xuất hiện thì phải đầy đủ cả 4 yếu tố: sống phúc đức, làm điều thiện nhằm tích đức/ trả nợ tội lỗi của kiếp trước (1, 2), và chọn được đắc huyệt để táng cha mẹ bởi mộ kết sẽ tạo mệnh lớn cho con cháu (3). Do đó, tất cả 4 yếu tố có thể xem là nguyên nhân cho hệ quả là giấc mơ tiên tri và báu vật đá.

Hay trong truyền thuyết Sự tích hai anh em Phạm Quang, Phạm Huy thời Lý, để có được giấc mơ tiên tri, người cha đã phải trải qua rất nhiều chặng đường vất vả. Sau khi vợ mất, cụ thân sinh của hai anh em Phạm Quang, Phạm Huy quyết định “bán gia tài mua tiểu cải táng cho những phế mộ cô hồn trong tổng ấy hơn một nghìn mộ, rồi lập đàn phả độ” [4, tr.937] (5). Đây là một trong những hành động được xếp vào việc nghĩa, giúp các cô hồn có mồ yên mả đẹp, sớm được giải oan, siêu thoát. Ngoài ra, ông còn muốn “đem sách vở tìm nơi dạy học, làm thuốc” [4, tr.937] (6) để tiếp tục tích phúc. Cần lưu ý rằng nhân vật người cha ở truyền thuyết này đã tự nguyện, chủ động làm tất cả những điều thiện đó, mặc dù ông vừa trải qua mất mát lớn của đời người và chưa nghĩ đến việc tái giá hay sinh con cái. Có lẽ chính bởi từ tâm của ông đã rung động lòng trời nên ông nằm mộng thấy “một ông sư già, tay cầm thích trượng, đọc 4 câu thơ rằng: Dục thành danh giả đáo Hồng Châu/ Lợi lộc thê noa tự khả cầu,/ Phúc chí tâm linh giai sự đạt/ Thê hiền tử hiếu kế thư lâu. (Muốn nên danh giá tới Hồng Châu/ Lợi lộc thê nhi khỏi phải cầu/ Phúc đến lòng thành muôn sự đạt/ Vợ hiền con hiếu nối thư lâu)” [4, tr.937]. Vị sư hiển linh trong giấc mộng đã dẫn đường đưa ông đến Hồng Châu, nơi được xem là đất lành, đất phát của mệnh trời dành cho ông (7). Khi đến Hồng Châu, ông được Trương Công mời dạy học cho các con. Sau một năm, “thấy ông giáo hóa sĩ tử tấn tới và làm thuốc cứu giúp các người trong trang ấp được nhờ ơn, nên ông Trương Công đem con gái lớn gả cho” [4, tr.937] (8). Và thời gian sau, cả hai vợ chồng ông đều có giấc mơ quý tử [bà mẹ mơ nuốt sao sa - NTQH], điềm báo sẽ sinh hai anh em Phạm Quang, Phạm Huy.

Khác với truyền thuyết Sự tích năm anh em Minh Công, Tín Công, Cao Công, Thạch Công và Dung Nương thời Hùng Vương, điều kiện cần và đủ cho sự xuất hiện giấc mơ điềm báo trong Sự tích hai anh em Phạm Quang, Phạm Huy thời Lý lại là một quá trình với rất nhiều hoạt động thiện nguyện, tích đức (5, 6), kết hợp với việc chọn được đất lành (7). Hơn thế nữa, tác giả dân gian còn nhấn mạnh vai trò duy trì việc tu thân và hành thiện của nhân vật (8) [thông qua chi tiết diễn giải thời gian một năm ở đất Hồng Châu - NTQH]. Cụ thể hơn, hành động gả con gái lớn của Trương Công không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là hệ quả của sự nỗ lực “giáo hóa sĩ tử tấn tới” và “làm thuốc cứu giúp các người trong trang ấp” của ông.

Bên cạnh đó, truyền thuyết Sự tích năm anh em Minh Công, Tín Công, Cao Công, Thạch Công và Dung Nương thời Hùng VươngSự tích hai anh em Phạm Quang, Phạm Huy thời Lý cũng có điểm gặp gỡ, giấc mơ điềm báo luôn là quả ngọt của sự kết hợp giữa việc tu thân tích đức và yếu tố tâm linh (đắc huyệt/ mộ kết và đất lành). Và như một sự đương nhiên của luật nhân quả, yếu tố tâm linh trong hai truyền thuyết, nếu nhìn nhận ở một góc độ nào đó, theo chúng tôi, đều là hệ quả của việc tu thân tích đức. Như vậy, nhân quả như những vòng tròn lan trên mặt nước: gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy, nhân đức càng dày thì quả càng ngọt.

Tóm lại, báu vật đá là vật tặng mang tính điều kiện (của ông trời dành ban thưởng cho những người sống phúc đức, tích cực làm điều thiện), và đồng thời là vật mang tính tượng trưng cho nhân vật lịch sử trong truyền thuyết dân gian. Sự lựa chọn các dạng đá để trao tặng và có tầm ảnh hưởng đến nhân vật lịch sử đã cho thấy các quan niệm về đá của người dân Việt. Có thể khẳng định rằng đá không phải là một sự vật bình thường, vô tri mà đã mang những giá trị lớn hơn, của sự quý trọng và tôn nghiêm.

2. Đá là hiện thân của nhân vật lịch sử trong giấc mơ điềm báo

Giấc mơ là một motif xuất hiện với tần suất thường xuyên trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, còn được gọi là “giấc mơ – điềm báo”, giữ vị trí quan trọng trong việc khắc họa nhân vật lịch sử. Dạng giấc mơ này được xem là “chiêm mộng có tính chất tiên tri, có nguồn gốc từ sức mạnh tự trên trời” [3, tr.165], hay là “giấc mơ tiên triệu” theo cách của Lévy Bruhn, vì nó thuộc về những người có liên quan đến nhân vật lịch sử (cha/ mẹ/ người sẽ nhận nuôi/…). Phần lớn giấc mơ mang tính chất báo điềm lành về đường con cái hoặc là sự hiển linh nhằm phù trợ cho nhân vật lịch sử. Và chỉ một thời gian ngắn sau, giấc mơ rất ứng với hiện thực diễn ra. Thậm chí, đối với cha/mẹ của nhân vật lịch sử, ngay sau khi tỉnh giấc, họ đã cảm nhận một cách chắc chắn rằng đường con cái của họ sẽ hanh thông và đứa trẻ sẽ mang mệnh lớn. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng cho rằng giấc mơ điềm báo trong truyền thuyết có thể xem là không gian kết nối giữa thần linh và con người. Hay nói cách khác, đó là dạng kênh đặc biệt để trao đổi thông tin của họ. Vì vậy, giấc mơ là sự báo trước điềm lành và khả năng linh ứng là gần như tuyệt đối.

Là vật báu ông trời ban tặng trong giấc mơ điềm báo, theo khảo sát của chúng tôi, đá tồn tại với 3 dạng thức: đá, ngôi sao và ngọc. Trong đó, ngôi sao và ngọc có tần suất xuất hiện cao. Ngoài ra, ngọc là dạng thức có sự biến hóa đa dạng và phong phú nhất. Tuy nhiên, hầu hết đá đều chỉ được nhắc đến trong một chi tiết cụ thể và phần lớn không có sự giải mã để gắn kết mối quan hệ giữa đá được trao tặng trong giấc mơ và nhân vật lịch sử được sinh ra.

Với trường hợp đá, trong Sự tích Thổ Thống và Nại Nương thời Hùng Vương, đức Thánh Mẫu vì quá lo lắng đường con cái nên thậm chí đã tính chuyện tìm tiểu thiếp trẻ tuổi cho chồng. Thế nhưng, sau khi hai vợ chồng đến chùa Thạch Nham để cầu tự, trở về nhà, đức bà nằm mơ “nhìn thấy đóa mây năm sắc sáng rực từ sân chùa bay thẳng lên trên trời” [6, tr. 56]. Và từ đám mây ấy, có một cụ già xuất hiện “mũ đai nhấp nhánh, mình mặc áo long bào, tay cầm kim bảng, rơi xuống trước mặt tượng Quan âm [vị tượng đá rất linh ứng của chùa Thạch Nham - NTQH]. Trong tượng hóa ra một người con gái đẹp tuyệt trần” [6, tr. 56]. Ông còn bảo rằng: “…nhà ngươi phúc hậu hãy còn chưa hết, lòng trời còn tựa chửa tuyệt, định cho Nại nương này về nhà họ Hồ làm con và thần xà ở gốc cây tùng cũng cho nhà ngươi làm con” [6, tr.56]. Trên kim bảng có viết: “Thượng đế khâm sai báo một chương/ Nại nương Bồ Tát đắc chi tường/ Lệnh truyền phó hứa vi Hồ Tử/ Xuất thế phù trần diệt quỷ ương (Thượng đế khâm sai báo một chương/ Nại nương Bồ Tát thật điềm tường/ Lệnh truyền ban tặng con Hồ lão/ Xuống dưới phàm trần diệt quỷ ương)” [6, tr.56]. Sau đó ít lâu, đức Thánh Mẫu có thai và sinh được một người con gái.

Có thể nói, ở chi tiết này, không hẳn món quà được trao tặng cho đức Thánh Mẫu là tượng đá của chùa, mà chính xác hơn là vị thần trú ngụ trong tượng đá. Điều đặc biệt là tượng đá mặc dù xuất hiện trong giấc mơ nhưng lại có thật và rất linh thiêng ở chùa Thạch Nham. Sự hiển linh nhằm điềm báo về đường con cái, trấn an nỗi lo lắng của đức Thánh Mẫu, đồng thời chỉ đích danh vị thần sẽ giáng sinh vào đứa trẻ (Nại nương Bồ Tát) và nêu cụ thể nhiệm vụ của đứa trẻ/ vị thần khi ở chốn phàm trần. Ngoài những lời giải thích của cụ già hiển linh, truyền thuyết không diễn giải thêm về hình dáng/ kết cấu của tượng đá và giải mã giấc mơ điềm báo.

Thế nhưng có một đặc điểm ở đứa trẻ được sinh ra tương đồng với vị Quan Âm trú ngụ trong tượng đá, đó là “chỉ thích hương hoa” [6, tr.58]. Trong một truyền thuyết khác cùng viết về nhân vật này (Sự tích Nại Nương và các gia thần thời Hùng Vương), Nại Nương còn được tác giả dân gian miêu tả kỹ hơn “ngài vốn là Quan Âm xuất thế, nên ngài không muốn nhiễm trần tục… Tuy không cắt tóc, nhưng vẫn nghe kinh đọc kệ. Sau ngài tinh thông phép Phật, có được tên hiệu là Bà Sa Bồ Tát… chỉ thích vui cùng với đạo Phật [6, tr.62]. Tất cả những đặc điểm trên không thể hiện tính chất của đá, nhưng lại có nét khu biệt của vị Quan Âm trú ngụ trong tượng đá. Do đó, nhân vật Nại Nương chính là sự giáng sinh của Nại nương Bồ tát được điềm báo trong giấc mộng. Đá giữ vai trò vỏ bọc của Nại nương Bồ tát ở cả chùa Thạch Nham lẫn trong giấc mơ điềm báo. Sự lấp lửng thực và ảo của đá đã giúp thể loại truyền thuyết tăng thêm độ tin cậy.

Truyền thuyết Sự tích năm anh em Minh Công, Tín Công, Cao Công, Thạch Công và Dung Nương thời Hùng Vương kể rằng ngay tối hôm đó, sau khi tất cả mọi điều kiện tiên quyết đã được hoàn thành, cả hai anh em đều nằm mộng thấy điềm lành. Trong khi người anh mơ thấy bắt được hai ông sao và rồng vàng nhả ra một cái trứng thì người vợ sinh ra một bọc, gồm hai người con trai và một người con gái; còn người em mơ bắt được một hòn đá ngọc và bẻ một cây thông cao hơn 10 trượng thì người vợ sinh được hai người con trai. Điểm đặc biệt ở truyền thuyết này, đó là giấc mơ điềm báo về con cái lại đến với người cha, thay vì người mẹ. Song tính liên kết giữa hòn đá ngọc và đứa trẻ được sinh ra không cao. Hầu như không có nét riêng biệt bởi lẽ cả bốn người con trai đều được tác giả dân gian miêu tả “thân thể lẫm liệt, thể mạo khôi kì đường đường cao to, môi rồng mắt phượng, hàm én mày hùm” [6, tr.69], “rất thông minh khác thường, học một biết mười” [6, tr.70]. Điều đó cho thấy một thực tế, tác giả đặt đá ở vị trí ngang hàng với các sự vật quý hiếm hoặc gần gũi nhưng có ý nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh việc giải thích nguồn gốc của nhân vật lịch sử, tác giả dân gian ít khi dụng công để tạo ra tính liên kết quán xuyến từ đá đến nhân vật.

Đối với trường hợp vật báu là ngôi sao, truyền thuyết dân gian cũng không có sự phân loại/ miêu tả các ngôi sao và giải mã giấc mơ. Khác biệt đáng chú ý nhất ở vật báu ngôi sao là hầu hết đều không phải do thần trao tặng mà chỉ đơn giản “sa xuống”/ “sa vào miệng - nuốt”/ “rơi xuống bụng” của người mẹ. Trong các hình thức trên, việc lựa chọn hai bộ phận của cơ thể (miệng và bụng) để sao sa, chúng tôi thiết nghĩ có giá trị và ý nghĩa riêng. Bởi vì theo chúng tôi, tác giả dân gian có thể đã ví ngôi sao như một hạt giống của sự sống được ông trời gieo vào người mẹ. Chi tiết này hoàn toàn khác với dạng sinh nở thần kỳ từ hôn phối giữa người và thần. Ngoài ra, tính liên kết giữa ngôi sao và nhân vật lịch sử cũng gần như không có, ngoài việc nhân vật lịch sử luôn được xem là sự giáng sinh của thần, thánh nên mang vóc dáng và trí tuệ hơn người:

+ “hai ngôi sao sa xuống” [4, tr.193] - “sinh ra được hai con giai, mặt mũi đều khác thường,… Năm lên 6 tuổi, hai ông đã đi học, đến năm 16 tuổi học lực đã tinh thông, kiêm cả tài võ nghệ” [4, tr.193] (Sự tích Cao Sơn, Quý Minh).

+ “một ngôi sao sa vào miệng” [4, tr.298] - “một người con giai, hình dung khôi ngộ, tư phong đẹp đẽ… Sau này đức Ông Dục khôn lớn, học lực tinh thông, lại giỏi nghề võ” [4, tr.298] (Sự tích Ông Dục thời Hùng Vương).

+ “một ngôi sao từ trên không sa xuống” [4, tr.641] - “năm 13 tuổi đã thông cả các kinh sử và biết tài võ nghệ” [4, tr.641] (Sự tích Luy Ông).

Truyền thuyết Sự tích Ngọn Côn và Thuấn Nghị đời Lê Thái Tổ là một trường hợp hi hữu của giấc mơ điềm lành liên quan đến ngôi sao. Bởi lẽ người tiếp nhận giấc mơ là một cô gái 16 tuổi, tên Trần Cẩn Tiết, được tác giả dân gian miêu tả “diện mạo đoan trang, nhan sắc xinh đẹp” [5, tr.216]. Điểm dị thường là cô gái này không muốn lấy chồng và đã bỏ nhà đi tu tại chùa trang Vương Xá thuộc huyện Siêu Loại phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc. Trước khi có giấc mơ “hai vì sao từ trên trời thẳng xuống sa vào trong mồm” [5, tr.216], cô gái đã nằm mộng thấy “hai người mũ áo chỉnh tề, đứng giữ cửa chùa xưng là Bản thổ Linh thần nói rằng, nhà ngươi có phúc đức, nên Trời đã định ban cho thiên thần đầu thai làm con” [5, tr.216]. Sau đó, cô gái đã sinh ra một bọc có hai con trai, và họ đều có “diện mạo khôi ngô, vẻ người cao nhớn” [5, tr.216], “7 tuổi đã biết lễ nghĩa, hay kính nhường, vào học chỉ nghe mà biết, lại am tường võ nghệ. Năm 18 tuổi, hai ngài văn võ kiêm toàn, thao lược gồm đủ, sức khỏe hơn người” [5, tr.216]. Khi hai ngài hỏi mẹ về người cha, bà mẹ đã trả lời rằng “Không cha mà sinh. Khi ở chùa trang Vương Xá, ta nằm mộng thấy thần trang ấy bảo thiên thần giáng sinh xuất thế, rồi sau nhân ta nuốt sao thụ thai sinh ra hai ngài” [5, tr.216]. Nhân vật Cẩn Tiết hoàn toàn chỉ vì tiếp nhận ngôi sao mà sinh con. Vậy nên, truyền thuyết này cho thấy rất rõ sự giáng sinh của thiên thần là hệ quả của quá trình tu thân, tích phúc của Cẩn Tiết, dẫu chỉ là người mẹ đồng trinh.

Truyện tam vị thiên thần thời Trưng Vương có một sự khác biệt, giấc mơ điềm lành đến đồng thời với cả cha lẫn mẹ của nhân vật lịch sử. Trong khi người mẹ nằm mộng thấy “ngôi sao băng từ trên trời rơi xuống bụng mình” [4, tr.480] thì người cha lại mơ thấy “một lão ông râu tóc bạc phơ, khăn mũ chỉnh tề: áo vàng, đầu đội mũ hoa, tay cầm cây trượng đỏ tới đứng ngay trước đầu giường bảo: “Nhà ngươi đức dày trời đã thấu tỏ, sau đây sẽ ban cho nhà ngươi một đứa con trai, không nên buồn phiền làm gì” [4, tr.480]. Dường như giấc mơ điềm lành của người cha đã giải mã rất rõ ràng giấc mơ của người mẹ: ngôi sao băng là đứa con trai mà người mẹ sẽ đậu thai. Mặc dù vậy, giữa mơ và thực vẫn có một độ chênh khoảng cách vì sau đó, người mẹ sinh ra “một bọc, nở ra ba người con trai thiên tư thông mẫn, diện mạo khôi ngô khác hẳn muôn vàn người thường. Cha mẹ rất yêu các con nhưng cũng rất khó phân biệt đâu là anh, đâu là em” [4, tr.480]. Quả thật, chúng tôi chưa tìm được nguyên do để lý giải sự chênh lệch trên.

Riêng với ngôi sao trong truyền thuyết Sự tích Phượng Hoàng công chúa thời Lý lại được tác giả dân gian đã gọi tên cụ thể: Vũ Khúc. Người mẹ trong tác phẩm đã “nằm mơ cưỡi rồng bay lên Thiên đình, ôm được sao Vũ Khúc, rồi sinh ra Lương Công” [4, tr.944]. Việc định danh này đã thể hiện sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc ở nước ta và thói quen xem tử vi của người Việt.

Vũ Khúc là tên ngôi sao thứ 6 trong chòm sao Bắc Đẩu. Trong văn hóa phương Tây và phương Đông, sao Bắc Đẩu đều giữ vai trò quan trọng, “gắn liền với bí mật của sự sinh sản” [3, tr.796]. Và thậm chí, “trong một số tôn giáo cổ sơ, sao Bắc đẩu là nơi Chúa Trời ngự trị, sự kiến tạo, bảo toàn và điều hành vũ trụ đều là do ở Người” [3, tr.796].

Tử vi đẩu số cho rằng người thuộc sao Vũ Khúc chiếu mệnh đều thông minh, có chí lớn, hay mưu đồ đại sự, tính tình cương nghị, thẳng thắn và sẽ uy danh lừng lẫy, có sự nghiệp lớn lao. Có lẽ vì tất cả những đặc tính trên mà tác giả dân gian đã gởi gắm mệnh lớn của nhân vật lịch sử cho ngôi sao Vũ Khúc. Và khác với hình thức sao “sa xuống”/ “sa vào miệng”/ “rơi xuống bụng”, ở truyền thuyết này, tác giả dân gian lại lựa chọn một hành động mang tính sở hữu “ôm được sao Vũ Khúc” của người mẹ. Do đó, đứa trẻ được sinh ra là “người văn võ song toàn, thông minh tài trí, cả nước biết tên” [4, tr.944].

Ngoài ra, cũng đồng quan điểm “mỗi vì sao có một thiên thần canh giữ” [3, tr.794] của Kinh Cựu ước và đạo Do Thái, theo thần thoại Trung Quốc, sao Vũ Khúc tượng trưng cho Chu Vũ Vương (Cơ Phát). Cuối thời Ân - Thương, trước cảnh Trụ Vương vô đạo, Vũ Vương đã thay cha (Cơ Xương) thống lĩnh chư hầu đông chinh diệt Trụ. Sau khi Trụ Vương chết, Vũ Vương lên ngôi. Trong 4 năm tại vị của ông, quốc thái dân an. Vì vậy, khi Vũ Vương chết, ông đã được phong làm sao Vũ Khúc, trở thành vị thần chưởng quản. Cho nên hành động “ôm được sao Vũ Khúc” không hẳn đơn thuần là một ngôi sao chiếu mệnh mà đã dường như đã có sự giáng sinh của vị thần Vũ Khúc vào đứa trẻ. Trong truyền thuyết Sự tích Thổ Thống và Nại Nương thời Hùng Vương, cụ già hiển linh trong giấc mơ điềm báo đã từng xưng danh là Vũ khúc tinh quân: “Ta nay khâm mệnh Ngọc Hoàng tên gọi Vũ Khúc tinh quân, xuống đây để báo mộng cho họ Hồ biết” [6, tr.56]. Theo chúng tôi, chi tiết này có thể chứng thực cho sự giáng sinh của vị thần Vũ Khúc ở nhân vật Nguyễn Lương trong tác phẩm.

Tương tự Truyện tam vị thiên thần thời Trưng Vương, giấc mơ điềm báo trong truyền thuyết Sự tích hai anh em Phạm Quang, Phạm Huy thời Lý cũng diễn ra ở cả hai đấng sinh thành của nhân vật lịch sử. Nếu người mẹ “thiu thiu ngủ, bỗng thấy trên trời hai ngôi sao rơi vào miệng, bà nuốt đi” [4, tr.938] thì người cha lại “nằm ngủ, thấy có người ghé vào tai 4 câu ý nói bà sẽ sinh đôi hai trai đều là quý tử” [4, tr.938]. Tuy nhiên hành trạng của hai nhân vật Phạm Quang và Phạm Huy có nhiều câu chuyện thể hiện tính thần của họ hơn nhân vật Nguyễn Lương trong Truyện tam vị thiên thần thời Trưng Vương.

Thứ nhất, khi sang huyện Nam Xang chơi, viếng cảnh chùa, Phạm Quang và Phạm Huy đã đề hai câu thơ vào lưng tượng Long Thần với ý trách đùa Long Thần không chào hai ông. Một thời gian ngắn sau, Long Thần hiển linh, bảo với các huynh trưởng trong làng rằng: “Ta là Long Thần, chúa tể trong dân, nay Hoàng thiên đã định, anh em Quang, Huy làm phúc thần trong dân, nay hai ông đi chơi qua vào chùa, đề thơ vào tượng trách ta là thất lễ, nên bàng hoàng không yên; vậy trách cập dân xã, nay muốn yên phải rước hai ông về làm lễ rửa chữ thơ thời dân mấy yên” [4, tr.938]. Ngay sáng hôm sau, chức sắc trong làng đã dựng trường học và sang mời hai ông về làng dạy học. Mặc dù chỉ là câu thơ viết trên lưng tượng nhưng uy linh của Phạm Quang, Phạm Huy đã khiến “tượng Long Thần đổ mồ hôi ra như hạt mưa” [4, tr.938], dân làng “bệnh tật không yên” [4, tr.938] và chỉ duy nhất hai ông mới có thể xóa dòng chữ thơ ấy. Hơn thế nữa, trong lời báo mộng, Long Thần đã nói rõ sứ mệnh trời định cho hai nhân vật lịch sử này “Hoàng thiên đã định, anh em Quang, Huy làm phúc thần trong dân”.

Thứ hai, trước cảnh nước lụt phá đê điều, nhân dân lưu tán, vua đã lệnh Phạm Quang, Phạm Huy tuần hành, trị thủy cứu dân. Khi thuyền rồng đến bến Cát Lại, huyện Nam Xang, hai ông nghe thấy có tiếng người phía dưới nước nói rằng: “Nay có hai quan vốn Thiên đình sai xuống phù Dương quốc, có thiên tài, vua Dương truyền lệnh cho giao long kíp xuống nước lưu về ngoài bể, không được dâng nước lên, hai ngài tâu đến Thiên đình tất là có lỗi. Bằng viên nào có tài kháng cự, đem quân lại đánh ta cũng cho” [4, tr.940]. Trong câu chuyện thứ hai này, nguồn gốc thần linh của hai nhân vật được làm rõ trong câu “hai quan vốn Thiên đình sai xuống phù Dương quốc” [4, tr.940].

Do vậy, dù phần lớn các truyền thuyết đều không nêu rõ mối liên kết giữa ngôi sao (nguồn gốc thần linh) và nhân vật lịch sử nhưng chúng tôi thiết nghĩ, chỉ với một vài chi tiết này, nguồn gốc thần linh dường như luôn hiển hiện trong hành trạng của nhân vật lịch sử.

Tính thiêng của mọi vật trong truyền thuyết dân gian có sự đồng nhất với vị thần trú ngụ, cho nên nếu nói rằng ngôi sao là hiện thân của nhân vật lịch sử thì cũng đồng nghĩa với quan niệm nhân vật lịch sử là sự giáng sinh của vị thần trú ngụ. Ngoài ra, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới ghi nhận “theo những tín ngưỡng nguyên thủy, các tinh đẩu đích thị là những thần linh” [3, tr.274] và “là biểu tượng của một sự sống siêu đẳng” [3, 274]. Cho nên dù với hình thức nào (“sa vào miệng”/ “rơi xuống bụng”/ “ôm được sao” thì ngôi sao vẫn mang ý nghĩa gieo sự sống trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.

Khác với đá và ngôi sao, ngọc trong giấc mơ điềm báo đa dạng về chủng loại và được xác định khá rõ ràng. Tuy nhiên tính chất lỏng lẻo trong liên kết tương đồng giữa ngọc với nhân vật lịch sử cũng vẫn tồn tại, giống như phần lớn các trường hợp đá và ngôi sao. Thế nên, nhân vật lịch sử luôn có dung mạo khác thường và trí thông minh vượt bậc, hơn người:

+ “ sừng ngọc tê” [6, tr.36] - Thủy thần giáng sinh (Sự tích hai vị thiên thần và hai vị thủy thần triều Hùng Duệ Vương).

+ “hòn đá ngọc” [6, tr.69] - người con trai “thân thể lẫm liệt, thể mạo khôi kì đường đường cao to, môi rồng mắt phượng, hàm én mày hùm” [5, tr.69] (Sự tích năm anh năm Minh Công, Tín công, Cao Công, Thạch Công và Dung Nương thời Hùng Vương).

+ “ngọc bích trắng” [6, tr.217] - “thanh đồng” [5, tr.217] giáng sinh, “một người con trai, mặt mũi khôi ngô, hình dung quắc thước, tay bên tả có ba cái lông dài hơn một tấc” [5, tr.217-218] (Sự tích Vũ Lang danh tướng triều Hùng đánh giặc Ân).

+ “viên ngọc đỏ” [7, tr.121] - “cậu bé thiên tư và tướng mạo đều khác người… khỏe mạnh, lớn nhanh. Ba tuổi đã biết lễ nghĩa, biết kính nhường, biết văn học và đã phân biệt được phải trái. Năm tuổi đã học thông sử và biết võ nghệ” [7, tr.121] (Sự tích thần Đình Tào).

Do vậy, chúng tôi cho rằng sự lựa chọn ngọc làm vật báu trong giấc mơ điềm báo chủ yếu thể hiện thái độ trân trọng của người dân với ngọc và sự quý, hiếm của ngọc. Hầu hết các giấc mơ về ngọc, cũng giống như đá và ngôi sao đều không được giải mã một cách kỹ càng. Nếu có thì sự giải mã cũng rất ngắn gọn và không dựa vào các chi tiết của mỗi dạng đá xuất hiện trong giấc mơ để giải mã. Nguyên nhân của thực tế này, theo chúng tôi, có những giả thiết sau:

Thứ nhất, dựa vào tâm lý chung của những người sở hữu giấc mơ: khi tỉnh dậy, họ không thể nhớ đầy đủ không gian và các chi tiết cụ thể trong giấc mơ. Việc nhớ chung chung, chỉ nội dung chính này khiến hoạt động giải mã cũng đơn giản hơn, không cầu kỳ.

Thứ hai, tác giả dân gian không thật sự coi trọng các chi tiết trong giấc mơ điềm báo và đây không phải là vấn đề cần dụng công để khắc họa nhân vật lịch sử.

Thứ ba, sự mặc định của tác giả dân gian về các yếu tố xuất hiện trong giấc mơ điềm báo. Nghĩa là không gian, diễn biến và sự vật được trao tặng dù đơn giản hay phức tạp thì đều có hai giá trị chung: điềm báo về sự hanh thông đường con cái và nhân vật lịch sử có nguồn gốc nhiên thần/ thần kỳ.

Dù với nguyên nhân nào thì những báu vật được trao tặng trong giấc mơ điềm báo dường như đều mang những ẩn ngữ riêng, có sự tương tác với đời sống tâm linh và văn hóa của người Việt. Và nếu có quá trình giải mã giấc mơ, chúng tôi cho rằng sự liên kết giữa nhân vật lịch sử và báu vật sẽ rõ ràng hơn, thậm chí ý nghĩa của báu vật và giá trị của giấc mơ điềm báo sẽ được nhấn mạnh, tăng niềm tin của quần chúng nhân dân vào nhân vật lịch sử hơn.

Truyền thuyết Bài ký về Hưởng Lãm Mai Hắc Đế có thể xem là tác phẩm duy nhất được tác giả dân gian chú tâm giải mã giấc mơ điềm báo. Bà Vương Thị trong truyền thuyết Bài ký về Hưởng Lãm Mai Hắc Đế, trước khi sinh Mai Thúc Loan, đã “nằm mộng thấy một người thiếu phụ, mình mặc áo đỏ, tự xưng là Xích y sứ giả, tay cầm một viên ngọc kê sơn bích, nói rằng: “Cho bà cái này, nên dùng làm vật báu”. Bà Vương Thị xem viên ngọc ấy thì thấy giống quả trứng gà, nhưng to hơn, năm sắc óng ánh, lóe cả mắt, bèn giơ tay đón lấy, bỗng nhiên cầm hụt, ngọc rơi xuống đất vỡ tan” [7, tr.177]. Mai Thúc Loan được sinh ra với “đùi bên trái có vết xanh đen, giống như một đồng tiền” [7, tr.177].

Truyền thuyết Bài ký về Hưởng Lãm Mai Hắc Đế đã miêu tả viên ngọc trong giấc mơ rất chi tiết với đầy đủ các tiêu chí: xác định loại ngọc (ngọc kê sơn bích), hình dạng (giống quả trứng gà), kích cỡ (to hơn quả trứng gà), màu sắc (năm sắc óng ánh), độ sáng bóng (lóe cả mắt), độ bền (dễ vỡ, tiếng vỡ vang). Và chính nhờ các chi tiết này đã giúp ông Mai Sinh giải mã ý nghĩa của giấc mơ và viên ngọc. Ông Mai Sinh, cha của Mai Thúc Loan, đã giải thích rằng: “ngọc nhận ở tay bỗng nhiên rơi xuống đất vỡ tan bắn tung tóe, có tiếng kêu vang vang, đó là cái ý tiếng tăm vang dậy, chấn động người đời, còn con gà thì đứng đầu loài có cánh, lại thêm màu sắc lóe mắt, dùng để làm vật báu, có cái điềm lành của con linh điểu mang năm đức tốt” [7, tr.177]. Để ghi lại điềm lành ấy, ông đã đặt tên cho con là Phượng, tự là Thúc Loan. Song ông không giải thích sự tương đồng giữa giấc mơ với dấu tích đặc biệt vết xanh đen, hình đồng tiền trên đùi trái của đứa trẻ Mai Thúc Loan. Đây chính là một khoảng trống mà chúng tôi cũng không thể lý giải được: Có thể là vết chạm của ngọc với nền đất trong giấc mơ? Cũng có thể là dấu vết có thật trên cơ thể của Mai Thúc Loan, được đưa vào truyền thuyết nhằm gia tăng độ tin cậy vì đây là nhân vật có thật trong lịch sử?

Thế nhưng thông qua sự giải mã của ông Mai Sinh, chúng ta dễ dàng soi xét sự tương đồng giữa ngọc và nhân vật lịch sử. Đương nhiên, sự tương đồng đó không chỉ gói gọn trong tên húy Mai Phượng [Tên tự là tên theo âm Hán Việt hay còn gọi là tên chữ do bậc bề trên đặt cho hoặc cá nhân tự đặt cho mình. Tên tự dựa vào nghĩa của tên húy hoặc có ý nghĩa liên quan đến tên húy - NTQH], mà ở cả tính cách con người, cuộc dấy binh và thời đại vang danh của Mai Hắc Đế ở phía nam Hương Lãm.

Tóm lại, bên cạnh khắc họa nhân vật lịch sử bằng bút pháp thần thoại, giấc mơ trở thành một trong những phương thức đắc dụng để truyền thuyết dân gian giải thích nguồn gốc thần kỳ của nhân vật lịch sử và nhấn mạnh vai trò của sự ra đời đó chỉ là để đáp ứng sứ mệnh mà lịch sử/ cộng đồng giao phó. Tuy liên kết giữa các dạng đá với sự phi thường trong hành trạng của nhân vật lịch sử có thể còn lỏng lẻo nhưng việc lựa chọn đá trở thành “cội nguồn” của nhân vật lịch sử đã cho thấy vai trò của đá trong đời sống của cư dân Việt. Đồng thời, đá đã được gởi gắm những dự cảm về tính cách/ công danh/… của nhân vật lịch sử, góp phần đặc tả tính chất linh thiêng của nhân vật lịch sử trong truyền thuyết dân gian. Vì vậy, đá vừa mang điềm lành trong giấc mơ tiên tri vừa là biểu tượng của sự sống.

N.T.Q.H

--------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Trần Thị An 2014. Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam. Hà Nội: Khoa học xã hội.

2. Lévy Bruhl 2008. Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy, Hà Nội: Thế giới.

3. Chevalier J., Alain Gheerbrant 2002. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng: Đà Nẵng.

4. Kiều Thu Hoạch (chủ biên) 2004. Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 4 (Truyền thuyết). Hà Nội: Khoa học xã hội.

5. Kiều Thu Hoạch (chủ biên) 2004. Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 5 (Truyền thuyết). Hà Nội: Khoa học xã hội.

6. Viện Nghiên cứu văn hóa 2009. Tinh hoa văn học dân gian người Việt, Truyền thuyết dân gian người Việt, quyển 1. Hà Nội: Khoa học xã hội.

7. Viện Nghiên cứu văn hóa 2009. Tinh hoa văn học dân gian người Việt, Truyền thuyết dân gian người Việt, quyển 2. Hà Nội: Khoa học xã hội.

8. Viện Nghiên cứu văn hóa 2009. Tinh hoa văn học dân gian người Việt, Truyền thuyết dân gian người Việt, quyển 3. Hà Nội: Khoa học xã hội.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Tam Giang (11/12/2020)