NGUYỄN THỊ SỬU
1. Nằm trong hệ thống lời nói vần (là hình thức thể hiện những lý trí hoặc cung bậc tình cảm của con người đối với tự nhiên và xã hội) thuộc văn học dân gian dân tộc Ta Ôi, ca dao (nốh ibeeng) là sự biểu lộ “ký ức dân gian về một số sự kiện và nhân vật lịch sử, những bằng chứng về tập quán làm ăn sinh sống, tập tục gia đình và xã hội, tầng lớp và thị hiếu của các tầng lớp cư dân thời xưa”(1) và cả thời nay.
Sinh sống lâu đời, vốn gắn với lịch sử xây dựng quê hương xứ Huế(2) và miền núi phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam là địa bàn cư trú chủ yếu, cộng đồng dân tộc thiểu số Ta Ôi(3) đã cùng nhau truyền tải cuộc sống thực tiễn “muôn màu” bằng những lời ăn, tiếng nói hàng ngày rất đỗi gần gũi, quen thuộc từ đời nọ sang đời kia; và tự bao giờ “lời ăn, tiếng nói” ấy đúc thành “những lời thơ, bài hát dân gian có ý nghĩa khái quát”(4). Hòa nhịp với nếp nghĩ, nếp cảm của dân gian bản xứ, ca dao Ta Ôi đi sâu vào nhận thức, tình cảm của con người đối với cuộc sống sinh hoạt, lao động và thế thái nhân tình.
Theo nội dung phản ánh, ca dao dân tộc Ta Ôi có thể phân thành bảy (7) chủ đề:
- Quê hương, đất nước, thiên nhiên, vũ trụ có tổng 57 đơn vị ca dao, nội dung chứa đựng nhiều suy nghĩ, tình cảm thiêng liêng, trân quý.
- Gia đình, dòng tộc, với số lượng 120 đơn vị ca dao, hiển hiện nổi trội là sự coi trọng quan hệ ruột rà, máu mủ; Thể hiện sự tương thân, tương ái và biết động viên nhau để vượt qua khó khăn, trở ngại; lời ru gắn sự mong đợi, hy vọng con cái trưởng thành thành người tài giỏi, hiếu đễ, can trường của người làm cha làm mẹ; Con cái quý trọng bậc sinh thành; Tự hào về công lao, nền tảng gia đình mà cha mẹ đã tạo dựng; Lời động viên kiên trì, lạc quan trong cuộc; Lời thề chung thủy, sắt son trong mọi hoàn cảnh; tôn trọng và chân thành trong mối quan hệ thông gia; Đề cao và thống nhất những nghi lễ trong việc cưới.
- Tình yêu đôi lứa với tổng 115 đơn vị ca dao, có sức hấp dẫn người nghe, người đọc và chính cả người trong cuộc hơn cả bởi chiều sâu cung bạc, cảm xúc của tình yêu dường như bị nén dồn, uẩn khuất đâu đây.
- Lễ và hội, với 108 đơn vị, nội dung truyền tải khá phong phú, hấp dẫn và dường như là đầy đủ phương diện cuộc sống liên quan đến lễ và hội của người miền núi
- Lao động sản xuất, với số lượng 58 đơn vị ca dao, nội dung phản ánh toàn diện và đủ thành phần, lứa tuổi, giới tính.
- Nhìn nhận cuộc sống, với tổng 197 đơn vị ca dao, mang đến cho người đọc, người nghe nhiều mảng màu cuộc sống nhất, có niềm vui - nỗi buồn, có hạnh phúc - đắng cay, có giận hờn - yêu thương, có vị tha - đố kỵ.
- Cổ động phong trào cách mạng và xây dựng cuộc sống mới, có tổng 65 đơn vị ca dao, mang đến cho người đọc, người nghe bức tranh hùng hùng khí thế hưởng ứng cách mạng, tham gia kháng chiến, làm điểm tựa cho tuyền tuyến thật vững chắc của người miền núi; mang đến không khí sục sôi nhập cuộc vào cuộc xây dựng nông thôn mới, vào cuộc sống mới. Hai tiểu chủ đề nổi bật ở đây cũng thể hiện nhiều chủ điểm thể hiện được lý tưởng, niềm tin vào cuộc sống.
2. Tìm hiểu nghệ thuật thể hiện, ca dao dân tộc Ta Ôi có một số đặc điểm cấu trúc ngôn từ, hình ảnh độc đáo.
2.1. Về cấu trúc ngôn từ
Mặc dù theo thể tự do (câu ít nhất có hai đơn vị từ âm vị học, nhiều nhất có 10 đơn vị từ âm vị học) nhưng ca dao Ta Ôi khá nhiều ngữ đoạn có cấu trúc đối xứng ở cả dạng cùng dòng và khác dòng (trực thuộc và độc lập). Chẳng hạn, ngữ đoạn đối xứng cùng dòng trong các bài ca dao sau:
- Mbang chính ayoóng, kateak chính pơah,
Takkui apaq lơah chính beeq boót.
(Trời thì cao, đất thì rộng,
Con người thì nhỏ bé).
- Dóng ikon son turaq,
Chếq chinoang choang china,
Eam thúm tahúm tamos,
Trưi tre kunhe kupuaq,
Bâl kannóh ngai tóh ngai abroóq,
Kăh u-eam ulauq isao ikon.
(Gả con đón của,
Nấu canh hông cơm,
Thơm ngon ngào ngạt,
Nếp trưi tre kunhe kupuaq,
Đừng để người ta nguyền rủa,
Kẻo đau lòng rể con).
Ở hai đơn vị cao dao trên, các cặp: Mbang chính ayoóng, kateak chính pơah (Trời thì cao, đất thì rộng), Dóng ikon son turaq (Gả con đón của), Chếq chinoang choang china (Nấu canh hông cơm), Eam thúm tahúm tamos (Thơm ngon ngào ngạt) là những cặp ngữ đoạn đối xứng cùng dòng.
Còn trong bài ca dao dưới đây là ngữ đoạn đối xứng khác dòng:
- Ka-il ih mương he klaklék vê avang,
Kalang ih mương he klaklék vê apling.
(Quý làm sao quê ta véo von tiếng chim én,
Nhớ làm sao quê ta ngọt lành tiếng vành khuyên).
- A-ân măi ték ahân trinu,
Vơâch ilao măq dâi ku déng,
Chua iphơang măq dâi ku lâi,
Bâl la lom măi rôp par-ot,
Bâl la lop măi rôp pakong.
(Anh, hay đến mãi mai sau,
Dẫu đi Lào, em vẫn đợi,
Dẫu về Phương, em vẫn theo,
Đừng đến với em bằng lưng,
Đừng đến với em bằng mắt nhắm).
Các cặp: Ka-il ih mương he klaklék vê avang - Kalang ih mương he klaklék vê apling (Quý làm sao quê ta véo von tiếng chim én - Nhớ làm sao quê ta ngọt lành tiếng vành khuyên), A-ân măi ték ahân trinu - Vơâch ilao măq dâi ku déng (Dẫu đi Lào, em vẫn đợi - Dẫu về Phương, em vẫn theo), par-ot – pakong (lưng – mắt nhắm) cho chúng ta thấy ngữ đoạn đối xứng khác dòng.
Ở ngữ đoạn đối xứng trong ca dao dân tộc Ta Ôi có cả hình thức đối xuôi và đối ngược, song chiếm ưu thế hơn là hình thức đối xuôi hay còn có thể xem đó là một biện pháp tu từ đồng nghĩa kép (tức là dùng nhiều từ đồng nghĩa hay gần nghĩa để diễn tả đầy đủ hơn những khía cạnh của một sự vật, một quan niệm, một tâm trạng…).
Mặt khác, về mặt mô hình, cấu trúc ngôn từ trong ca dao dân tộc Ta Ôi thể hiện nhiều dạng khác nhau: cùng mô hình cấu trúc văn bản; có một bộ phận ngôn từ giống nhau; có một bộ phận ngôn từ cùng theo một mô hình cấu trúc; dị bản của cùng một đơn vị (bài) ca dao.
2.2. Về sử dụng hình ảnh
Với cuộc sống du canh du cư gắn với rừng núi, trong ca dao, người Ta Ôi sử dụng nhiều hình ảnh chim muông, cây cỏ. Nhiều tên gọi đã trở thành biểu tượng tự do, tự tại của con người nơi ấy:
- Acheéq yiang pallăq nnăr,
Alut păr palling júng chăk,
Júh tăk rchăq mbang tam am,
Kateak tam am, kơi mam avoóq akăq.
(Chim chao nghiêng cánh
Mây lượn ngả thân,
Khát tình thâm, trời mênh mông,
Đất mênh mông, ôi vũ trụ).
- Triang ple kứq qua uchua trang,
Tarrang jeng kứq qua utôi vơch.
(Triang ple đã về đậu,
Tarrang jeng đã rời đi).
Cây đoác, đình đình trở thành biểu tượng của tình cảm nồng hậu, dịu dàng giữa những thân hữu, bằng hữu:
- Pardin tuvak mương Prók mương Pilúng,
Kăh âch ingoch ngai pi thê thaq,
Apúng aboq kât dak Asap, dak Nhsa,
Kăh âch icha măq iséng mbat.
(Đoác, đình đình vùng Prok vùng Pilúng,
Chưa uống mà người ta bảo rằng đã mê,
Nòng nọc ở sông Asap, sông Nhsa,
Chưa ăn mà đã nghe lịm mát).
- O kanứh o kanir pardin tuvak,
Mương krung mương pilúng,
Kăh âch ingoch iséng thê jê,
O kanứh o kanir apúng abóq ng-o toóm dak,
Kăh vê âch icha iséng mbat jê mbat.
(Người chuộng chốt rượu đình đình, rượu đoác,
Vùng quê vùng Pilúng,
Chưa uống đã thấy mê rồi,
Người chuộng chốt nòng nọc của sông suối,
Chưa ăn đã thấy mát rồi).
Hay atao atoak (mía mật), atao atúng (mía dòn) lại là biểu tượng của sự thấm duyên đôi lứa để tiến đến hôn nhân:
- A-em atao atoak vê trakoal júng nhăng,
A-em atao atúng vê trakoal plô nhăng.
(Em, mía mật làm gối chân đôi mình,
Em, mía dòn làm gối đầu đôi mình).
- Ano aroonh atao achék nhăng,
Ano paryeek atao atoak atao atúng nhăng.
(Anh, thương mía chát đôi mình,
Anh nguyên dáng mía mật, mía dòn mình thành đôi).
Thứ đến là hình ảnh núi sông, vùng đất. Những con sông, ngọn núi đã thành biểu tượng quê hương khiến con người nhớ nhung da diết, nhất là khi đi xa. Như suối Patdúh, Kubooi, núi Rlau, Prok.
- Lauq ke toóm Patdúh,
Júh ke toóm Kubooi,
Tanghúng bâl kalooi,
Vơch tangnai dông takooi.
(Đẹp làm sao suối Patdúh,
Yêu làm sao suối Kubooi,
Đoàn viên chớ vắng,
Đi xa nhớ mang theo).
- Toóm Patdúh tahoóm mbat chăk chén,
Kooh Rlau pahén dóng tabôn parvăs parjăm,
Amâh vơch chua mmứng partăm,
Kooh toóm mương he dok jăm par.
(Sông Patdúh cho ta tắm mát thân thể,
Núi Rlau hộ ban rau măng thức ăn,
Ai đi xa hãy đừng quên lời dặn,
Núi sông quê mình đã nấng nuôi).
Hay cây đa, bến nước, nhà Rông cũng trở thành biểu tượng của làng quê hết đỗi yên bình, linh thiêng và nhộn nhịp khi lễ hội về:
- Kalang veel kalang parnooh dak,
Kalang tôm irâi kăh trakooq nhjak ngjool,
Kalang déng roong kumtang papool papat,
Kalang déng veel ngngam mbat mboóq amoóng.
(Nhớ làng, nhớ bến sông bến nước,
Nhớ cây đa tam giác uy nghi,
Nhớ nhà rông sân làng tròn vuông nhộn nhịp,
Nhớ dân làng ngọt mát sống sớt chia).
Thứ nữa, có những nhân vật từ điển cố được nhắc đến để ca ngợi tài năng hoặc cảm thông với hoàn cảnh của con người thực tại: Với ông Króh, ông Yoo thì là ca ngợi:
- Kavin vê jứng ikon toóng,
Ngai ucheet te kalngo,
Kavin pang koónh Króh pang koónh Yoo,
Vê jứng ikon toóng chanchóh te barbang.
(Kavin còn có con nòi,
Người chết về hư không,
Kavin đời ông Króh ông Yoo,
Còn có con giống lồng lộng từ trời cao).
Còn với ông Panu, ông Hăq, ông Hooi thì là sự cảm thông:
- Avoóq Panu yalyu chiróh dak,
Akăq Panu jaljak jalji nhim kri,
Liyúk aroonh rbơi aming Panu,
Lithu aroonh rbơi aming Panâu.
(Ông Panu lều thều dộc sông suối,
Bà Panu vất vưởng khóc than,
Lặng đứng, thương làm sao chàng Panu,
Khựng tim, thương làm sao chàng Panâu).
- Koónh khun koónh văng,
Pallâq júng pallâq plăng,
Voóq Hooi kăh vê rpúk alăk lang, moót tôm pinang,
Voóq Hăq kăh vê rarrăk dăhpidooíh, moót tang kidool.
(Chàng hiền chàng khôn,
Lật chân lật tranh,
Ông Hooi bị vấp vào tấm gạo lứt, lối cây dừa,
Ông Hăq bị lồm ngồm, trên vạt bèo phao).
Nữa, khi muốn nói đến người con gái Ta Ôi xinh đẹp, giỏi dang thường đưa đến cho người chiêm ngưỡng hình ảnh thổ cẩm, dệt zèng:
- He tanh nnôs upâq nnôs uyúng,
He rôs nnôt turăq nnôt prông,
He dông nnông achoa nnông palluk.
(Chúng ta dệt dải lớn dải dài,
Chúng ta chọn màu vàng màu đỏ,
Chúng ta chèn hoa văn nổi hoa văn chìm).
- Ichua i mương he yalye kaleéch,
Ndil uprăs ndil utapbeéch,
Ndil tammanh ndil kalăng chom tuvăs alúng.
(Về quê ta dạt dào cảm xúc,
Người con gái lanh, khôn,
Người con gái khéo, tinh biết khều chì thành cườm).
Một biểu tượng không thể không nhắc đến khi phân giải ý tứ ca dao của người Ta Ôi, đó là dấu tích đoàn kết hữu nghị với các dân tộc lân cận, với người Kinh và thậm chí với cả người dân nước bạn Lào. Ví dụ về đoàn kết với người Kinh:
- Nchooh tammoi a-em jaljơơch ucha troi,
Nchooh tammoi a-em jajoi cha tréng,
Yăl jê măi pâk kapoat asâl jóh,
Yăl jê măi kóh aboat asâl Yoan.
(Dưới kìa khách của em chóp chép ăn trầu,
Dưới kìa khách của em chom chem nhai cau,
Đến lúc anh quạt nắn không gian,
Đến lúc anh ngả giá báu vật người Kinh rồi).
- Peaiq jê măi pâk kapoat asâl jóh,
Peaiq jê măi kóh aboat asâl Yoan.
(Đã đến lúc anh quạt nắn đấng sinh thành,
Đã đến lúc anh ngả giá báu vật người Kinh).
Còn với người Lào:
- Lao, he dok kât tallang tâi,
Lao, he lâi dăng akon măt.
(Với Lào, ta đặt trong lòng tay,
Với Lào, ta nhìn bằng con ngươi chính mình).
- Kéek ikéek ali Lao kél kamoanh,
Kéek ikéek ali Lao koanh tarlas.
(Đẽo đẹt như Lào chặt cây kamoanh,
Đẽo đẹt như Lào đòi trả nợ vay).
Càng đi sâu vào phương diện nghệ thuật thể hiện càng thấy cốt cách, giá trị cuộc sống của những con người miền sơn cước phía Tây Thừa Thiên Huế - Ta Ôi.
N.T.S
-------------
Chú thích:
1. Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường: Từ điển Văn học Việt Nam, Quyển 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995, trang 37, 39
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên): Từ điển Thuật ngữ Văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992, trang 22, 23.
2. Triều Nguyên: Tổng tập Văn học dân gian xứ Huế, Tập V - Ca dao, NXB Thuận Hoá, Huế, 2012, trang 7.
3. Theo số liệu thống kê chung qua kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2010, dân số toàn vùng dân tộc, miền núi có 29.114 hộ/105.577 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 11.827 hộ/57.438 khẩu gồm các dân tộc Ta ôi, Pa kô, Cơ tu, Bru - Vân Kiều, Pa hy và 1 số bộ phận nhỏ các dân tộc khác. Con số khoảng trên 4 vạn người Ta Ôi đã ước trừ các dân tộc Cơ tu, Bru - Vân kiều và một số bộ phận nhỏ các dân tộc khác và cộng số dân ở các huyện thuộc tỉnh Quảng Trị.
4. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam: Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, trang 387.