Văn nghệ dân gian
Phân định giữa truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật
08:51 | 24/02/2021

LƯ VIÊN

Phân định giữa truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật

1. Khái quát

1.1.Truyện ngụ ngôn (truyện ngụ ngôn dân gian) có nhân vật chính là con vật, con người, cây cối, đồ vật,..., ở đó, các nhân vật không phải là người có thể nói năng, hành động như người, nhằm tạo nên lời ngụ (nêu một triết lí, quan niệm sống, hoặc khuyên răn, bày vẽ,...).

Thể loại này chỉ có một mô hình (cũng gọi là cơ chế tạo lời ngụ, lời quy châm), gồm bốn phần nối kết nhau, như sau: a) Nhân vật kèm tính cách; b) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó; c) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó, đã có hành động đáp trả phù hợp với tính cách của mình; d) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó, đã có hành động đáp trả phù hợp với tính cách của mình, để giành được thắng lợi hay phải chịu thua thiệt.

Truyện cổ tích loài vật là một trong hai bộ phận lớn của truyện cổ tích (truyện cổ tích về loài vật và truyện cổ tích về người), có nhân vật chính là con vật, con vật và con người, ở đó, các con vật có thể nói năng, hành động như người, nhằm phản ánh đặc điểm của chúng và tập quán liên quan của người, hoặc đồ chiếu các sinh hoạt, tập tính con vật vào xã hội con người, để góp phần nhận biết về cuộc sống.

Truyện cổ tích loài vật có hai kiểu kết cấu: a) Kết cấu gồm hai phần, phần “dẫn truyện” và phần “thuật truyện”,tương ứng với bộ phận truyện cổ tích loài vật không phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người; b) Kết cấu gồm ba phần, phần “dẫn truyện”, phần “thuật truyện”, và phần “kết truyện”, tương ứng với bộ phận truyện cổ tích loài vật phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người. Ở “Bộ sưu tập truyện cổ tích loài vật Việt Nam” gồm 271 truyện, do người viết thực hiện, số có kết cấu hai phần là 97 truyện, chiếm 35,8%, số có kết cấu ba phần là 174 truyện, chiếm 64,2%. (1)

1.2.Truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật có quan hệ khá gắn bó với nhau, việc tách bạch chúng không mấy dễ dàng. Khi xem xét mối quan hệ này, Chu Xuân Diên viết: “Ở Việt Nam, tính chất cổ xưa của loại truyện về loài vật đã bị pha trộn với khuynh hướng của người đời sau mượn truyện loài vật để nói về xã hội loài người, do đó giữa loại truyện này với truyện ngụ ngôn có những trường hợp không có sự phân biệt thật rạch ròi” (2).

Bài viết này cố gắng “rạch ròi” vấn đề, tức phân định giữa hai bên: truyện cổ tích loài vật với truyện ngụ ngôn. Vả lại, phân định giữa hai đối tượng trong nghiên cứu, là việc tách bạch và xác định đặc điểm của mỗi bên, chẳng những tránh lẫn lộn khi sử dụng, mà còn giúp việc hiểu thấu đáo hơn về các đối tượng liên quan; nên đây là một việc làm cần thiết.

2. Sự phân định giữa truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật

Do truyện ngụ ngôn gần gũi với cả hai bộ phận của truyện cổ tích loài vật, bộ phận truyện cổ tích loài vật không phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người, và bộ phận truyện cổ tích loài vật phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người,như đã nêu, nên việc phân định phải tiến hành với cả hai bộ phận ấy.

2.1. Phân định truyện ngụ ngôn với bộ phận truyện cổ tích loài vật không phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người 

Bộ phận truyện không phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người này, theo [5, tr. 118], là lớp “Những truyện đồ chiếu quan hệ của xã hội loài người vào quan hệ của các con vật. Lớp này xuất hiện muộn hơn, có thể là khi xã hội đã phân chia giai cấp. Ở Việt Nam, lớp truyện này thường có xu hướng ngụ ngôn hoá và phát triển ở người Việt nhiều hơn ở các dân tộc thiểu số”.

Khi chỉ kể về các quan hệ giữa những con vật với nhau, người kể không thể tách rời sự việc với xã hội con người, nên hiện tượng đồ chiếu quan hệ giữa các con vật vào quan hệ của xã hội loài người, được xem là hiển nhiên (theo nguyên lí văn học phản ánh hiện thực). Những phản ánh ấy xuất phát từ các con vật và “xã hội”, môi trường sống của chúng, nên ý nghĩa của tác phẩm được nói đến nhuốm màu ngụ ngôn. Có điều, giữa ý nghĩa nhuốm màu ngụ ngôn và truyện ngụ ngôn, là hai lĩnh vực khác nhau.

Ý nghĩa nhuốm màu ngụ ngôn có thể bắt gặp trong nhiều tác phẩm, ở nhiều thể loại văn học, cả số các truyện kể bằng văn xuôi (truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngắn,...), lẫn các sáng tác bằng văn vần (tục ngữ, ca dao, đồng dao, thơ, truyện thơ,...), thuộc bình diện nội dung của văn bản. Truyện ngụ ngôn có dung lượng lời ngắn, cấu trúc văn bản mạch lạc, logic, với mô hình (hay cơ chế tạo lời ngụ) đơn giản mà chặt chẽ, khiến việc rút ra ý nghĩa liên quan không đến mức khó khăn. Điều muốn nhấn mạnh ở đây, là hầu hết truyện cổ tích loài vật không phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người, đều có ý nghĩa nhuốm màu ngụ ngôn, dù chúng không phải là truyện ngụ ngôn.

Đọc truyện dưới:

(I) CÁO, HỔ VÀ KHỈ

Ngày xưa, có con cáo ranh ma, láu lỉnh. Hôm nọ, cáo đi kiếm ăn sớm, chẳng may gặp hổ. Cáo định lủi tránh, nhưng hổ đã nom thấy, gọi lại:

- Này, cáo! Mày có biết qua mặt tao mà không bẩm báo là tội gì không?

Cáo biết nó không gặp may rồi, nhưng cố trấn tỉnh, hỏi:

- Dạ, bác cần gì tôi ạ?

Hổ bảo:

- Tao muốn đi chơi xuân với mày.

Hổ biết cáo giỏi việc trộm cắp, muốn lợi dụng cáo đưa đường chỉ lối cho mình, để việc kiếm ăn dễ dàng hơn. Hổ nói tiếp, vẻ thân thiện:

- Mày đừng có sợ! Tao cũng biết cách ăn ở sao cho hợp lẽ. Chúng mình hãy kết bạn với nhau. Nói lại: tao với mày là bạn. Rõ chưa?

Cáo nghĩ: “Hổ đã nói vậy mà mình không chơi với nó, là mình ngu”. Nó hỏi:

- Vậy đi chơi xuân ở đâu?

- Ở cái vườn bên kia dãy núi.

Cáo lại hỏi:

- Đi xa như vậy, đói bụng lấy gì ăn?

Hổ đáp, như đã chuẩn bị sẵn:

- Thì mày hãy đem theo một con gà, tao đem theo một con heo. Nếu tao ăn hết heo mà vẫn còn đói, thì có mày đây, để làm gì?

Nghe vậy, cáo xanh mặt, chực lủi trốn. Nhưng hổ cười:

- Nói chơi vậy thôi, chứ đã là bạn bè với mày, tao không ăn thịt mày đâu.

Chúng hẹn sáng mai, hai bên đem theo mồi, gặp lại nhau ở đây.

Đúng hẹn, cáo đem gà đến, hổ cõng heo tới. Thấy cáo giữ gà trong hai tay, hổ bảo:

- Mày đưa đây tao mang hết cho. Thứ gà mái của mày trăm con tao cũng mang nổi.

Cáo đắn đo: “Sức lực của hổ mạnh thế kia, nó muốn giựt thì mình cũng không giữ nổi. Thôi thì đưa phức cho rồi!”. Rồi cáo đưa gà cho hổ. Hai bên cùng đi. Đến chỗ khe suối, hổ đặt hai con mồi xuống đất, rủ cáo đi uống nước.

Khi trở lại, thấy có thêm một quả trứng, hổ nói:

- A ha! Heo của tao đẻ.

Cáo cãi:

- Heo làm sao lại đẻ được trứng? Con gà mái của tôi đẻ đó.

Thế là hai đứa cãi nhau kịch liệt, bất phân thắng bại. Chúng kéo nhau đi nhờ bên thứ ba phân xử.

Gặp thỏ, hổ hỏi:

- Này thỏ kia! Tao nói heo tao đẻ ra cái trứng này mà thằng cáo lại nói gà của nó đẻ. Mày nghĩ coi, nó nói bậy nói bạ vậy nghe có được không?

Thỏ vốn nhát gan, thấy hổ là run, nên nói nịnh:

- Xưa nay họ nhà chúng tôi ai cũng khen ông hổ tài ba lỗi lạc. Hễ có bàn tay của ông nhúng vào, thì nó đẻ ra thứ gì mà chẳng được!

Ý thỏ là hổ bảo sao thì sự việc là như vậy. Nhưng cáo vờ không hiểu, nói:

- Chú thỏ nói hàng hai, hàng ba, ai hiểu cho nổi?

Cả hai lại kéo nhau đi. Chúng gặp một con trâu đang ăn cỏ. Hổ nói:

- Này trâu kia! Tao nói heo của tao đẻ trứng, mà thằng cáo lại nói gà của nó đẻ. Vậy mày hãy nói coi, tao đúng hay nó đúng?

Trâu tuy to xác nhưng lại yếu bóng vía, rất sợ oai hổ. Nó nói:

- Ngài là chúa tể sơn lâm, mỗi lời nói ra đều là khuôn vàng thước ngọc. Vậy điều ngài nói ra là đúng!

Cáo không chịu, đòi đi hỏi nữa. Hổ giao ước:

- Sự bất quá tam, nếu lần thứ ba này gặp thằng nói như hai đứa trước, thì mày phải chịu thua tao; nộp cho tao cả gà lẫn trứng. Rõ chưa?

Cáo đồng ý. Lần này, cáo và hổ gặp khỉ. Hổ chặn khỉ lại hỏi:

- Này khỉ kia! Tao nói heo của tao đẻ trứng. Thằng thỏ, thằng trâu đều cho là phải. Trong lúc cáo lại nói gà của nó đẻ cái trứng đó. Mày xem, có phải thằng cáo nói tầm bậy không?

Khỉ nhanh trí, hiểu ngay ra sự việc. Nhưng nó ậm ừ:

- Tôi đang đói, phải đi kiếm ăn đây! Thôi, thế này vậy: hai ông cùng đi với tôi, để trên đường đi, tôi suy nghĩ kĩ việc ấy xem sao, thì mới trả lới đúng được.

Ba con cùng đi một đỗi rất xa. Hổ sốt ruột lại hỏi, khỉ tỏ vẻ lúng túng, không chịu trả lời. Ba lần như vậy. Mãi cho đến lúc cả ba tới gần một cây cổ thụ to cao, khỉ đứng lại, dõng dạc nói:

- Này hai ông, hãy nghe cho rõ tôi nói đây: gà đẻ ra trứng!

Hổ liền nổi giận, phóng tới chụp khỉ. Nhưng đã chuẩn bị trước, khỉ nhảy phốc lên cành cây. Khỉ còn chõ mõm xuống, nói:

- Ông hổ! Ông làm lớn trong chốn lục lâm, phải ăn nói đàng hoàng với kẻ dưới. Chớ ỷ lớn mà nói năng bậy bạ để vơ lợi vào mình, bất chấp sự thật và đạo lí. Như vậy thì thiên hạ không ai phục ông đâu!

Cáo ngước mắt lên:

- Anh khỉ! Tôi khâm phục anh đã nói đúng sự thật. Nhưng sao hồi nãy anh không chịu nói ngay?

Khỉ đáp:

- Hãy thông cảm cho tôi. Hồi nãy, tôi không nói, vì chưa có cái thế để nói. Nay nhờ cây cổ thụ này bảo đảm cho tôi khỏi mất mạng, tôi mới nói được sự thật.

(Nguồn: Ngô Sao Kim (2011). Truyện cổ, truyện dân gian Phú Yên, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 156-157)

Việc đánh bạn giữa hổ và cáo không xuất phát từ tình cảm thật, nên đây là một sự kết hợp làm ăn. Đã kết hợp làm ăn thì phải tương xứng, nhưng hổ thì hung bạo, bao giờ cũng muốn lấn lướt đối phương, còn cáo thì yếu đuối, vừa muốn lợi dụng kẻ mạnh vừa sợ sệt nó; nên chẳng những không tương xứng mà còn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn đối kháng. Cặp đôi này đã không vượt nổi thử thách đầu tiên: con gà của cáo đẻ trứng, nhưng hổ lại bảo con heo của nó đẻ! Hai bên cãi nhau, bèn đi nhờ kẻ thứ ba phân xử. Thỏ và trâu run sợ oai hùm, cho hổ đúng. Đến khỉ, nó khất lời đáp lại, và cùng đi với hổ, cáo một đoạn. Lúc đứng dưới một cây cổ thụ, khỉ mới nói: “Gà đẻ ra trứng!”. Hổ giận dữ vồ khỉ, nhưng khỉ đã nhảy tót lên cây. Nó còn chõ mõm xuống mắng hổ nói năng bất chấp sự thật và đạo lí. Cáo khâm phục khỉ, nhưng nó vẫn thắc mắc: Tại sao trước một điều hiển nhiên như vậy mà khỉ lại đắn đo, không chịu nói ngay? Khỉ đáp, đại ý: vì phải tìm ra cái thế cho khỏi mất mạng đã, mới nói được.

Truyện cho thấy: mỗi khi có sự mâu thuẫn giữa chân lí, sự thật với kẻ mạnh, hung hiểm (thường gặp là kẻ có thế lực và bọn dua nịnh trấp áp chân lí), nếu muốn khẳng định sự thật cũng cần có một vị thế nhất định hòng giữ an toàn, nếu không, sẽ dễ đem nó xuống mồ. Một ý nghĩa như vậy không xa lạ với truyện ngụ ngôn. Nhưng việc suy ra ý nghĩa ấy lại không đi cùng đường với truyện ngụ ngôn; tức không theo mô hình, hay cơ chế tạo lời ngụ, lời quy châm đã trình bày của thể loại này. Cho nên, đây không phải là truyện ngụ ngôn, mà là truyện cổ tích loài vật, thuộc bộ phận không phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người, có ý nghĩa nhuốm màu ngụ ngôn. 

2.2. Phân định truyện ngụ ngôn với bộ phận truyện cổ tích loài vật phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người

Bộ phận truyện cổ tích loài vật phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người, là bộ phận chính của truyện cổ tích loài vật. Nói bộ phận chính, bởi nó chiếm đa phần trong tổng số truyện (đã nêu). Bên cạnh đó, việc phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người, là chức năng đặc trưng của tiểu loại truyện cổ tích loài vật - không có thể loại, hay tiểu loại nào khác trong văn học dân gian cùng thực hiện chức năng ấy.

Ở bộ phận này, nhìn chung, khi xét vấn đề ở dung lượng lời, cách tạo các hình tượng, sự việc, sẽ không khó để phân định giữa hai bên. Nhưng cũng có một nhóm truyện mà các yếu tố vừa nêu không viện dẫn được. Bấy giờ, điều duy nhất được trưng ra là có hay không việc phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người. Nếu có, thì đó là truyện cổ tích loài vật. Nếu không, thì có thể là truyện cổ tích loài vật (trở lại với việc phân định trước), đồng thời, cũng có thể thuộc vào một thể loại khác (muốn xác định đó là thể loại gì, cần trình bày đặc điểm tương ứng).

Đọc hai truyện sau:   

(II) TRÂU, HỔ VÀ NGƯỜI THỢ CÀY 

Ngày xửa ngày xưa, con trâu và con hổ đều biết nói. Trâu bị con người nhỏ bé dắt ra đồng cày bừa từ sáng sớm. Đứng từ ven đồi nhìn ra ruộng cày, hổ thấy trâu to lại bị con người nhỏ bé đi sau, dùng roi quật vào đít, bắt kéo cày nhanh hơn, hổ thấy rất lạ. Đến giờ nghỉ giải lao, người thợ cày cho trâu nghỉ. Con hổ đến gần hỏi con trâu:

- Sao mày to thế mà để con người bé tí kia đánh vào mông?

Con trâu giọng trầm ngâm nói với hổ:

- Mày không biết đấy thôi, con người bé nhỏ nhưng nó có trí khôn đấy.

Hổ thấy trâu nói vậy, nghĩ bụng: “Quái lạ! Sao người bé vậy mà con trâu to xác phải sợ?”.

Con trâu tiếp tục:

- Anh cứ thử trêu người mà xem.

Con hổ tiến gần chỗ anh thợ cày và hỏi:

- Anh thợ cày ơi, cho tôi xem trí khôn của anh một tí?

Anh thợ cày trả lời:

- Nhưng mà tôi để quên trí khôn của tôi ở nhà rồi! Bây giờ, tôi về nhà lấy trí khôn ra cho anh xem. Nhưng khi tôi đi về nhà, sợ anh chạy lung tung làm tôi khó tìm. Hay là, anh để tôi lấy dây buộc tạm anh vào gốc cây để chờ?

Con hổ nghe anh thợ cày nói có lí, bèn đồng ý để cho anh ta dùng dây da trâu buộc vào gốc cây. Sau khi buộc chặt con hổ vào gốc cây, anh thợ cày bảo hổ cựa mình xem. Con hổ vùng vẫy mạnh nhưng không thể thoát ra được.

Lúc bấy giờ, anh thợ cày mới bảo với con hổ:

- Trí khôn của ta đây!

Nói xong, anh thợ cày dùng thân cày đánh vào đầu con hổ, cho đến khi con hổ chết mới thôi. Trong lúc đánh, miệng người thợ cày vẫn nói: “Trí khôn của ta đây!”. Con trâu nhìn thấy thế bảo với con hổ:

- Mày thấy chưa, nó bé người nhưng mà nó có lắm mưu kế.

Đồng thời, trâu khoái chí bò lăn ra cười, vô tình va vào hòn đá to làm gãy cả hàm răng trên. Từ đó trở đi, trâu không có hàm răng trên, khi nhai cỏ thì nhai bằng lợi trên với hàm răng dưới.

(Nguồn: Trần Hữu Sơn (Chủ biên) (2015), Văn hoá dân gian người Bố Y ở Lào Cai, tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 313-314)

(III) HỮU DÕNG VÔ MƯU

Thằng cày mở trâu ra sắm sửa đi cày. Ra đồng cày đàng kia qua đàng nọ. Trâu mệt đà le lưỡi. Mà mắc cày ruộng gần chân núi, khi cày thì thằng trai cầm cày hò hét, đánh đập thá ví con trâu đà cơ khổ, lại thêm chửi rủa hành hạ quá chừng.

Con cọp ngồi rình trong bụi, ngó thấy vậy thì giận lắm. Đến buổi thôi cày, thằng chăn thả trâu ra đi ăn. Con cọp mới lại gần kêu con trâu, mắng nhiếc:

- Mày có vóc vạc mạnh mẽ, lại có hai cái sừng nhọn làm khí giới, sao mày không cự, không chống, lại cúi gầm đầu mà chịu nó? Mày muốn theo làm đầy tớ cho nó, để nó đánh mắng, nó trèo lưng cưỡi cổ mày sao?

Con trâu cười mà nói rằng:

- Trời sinh muôn vật mà khôn thì bao giờ cũng hơn mạnh thôi. Dù mày đi nữa cũng phải thua nó, huống chi là tao.

Cọp tức giận, nói:

- Tao có nghề, lại mạnh, cho mười nó đi nữa tao cũng làm chết, lựa là một.

Trâu bảo:

- Vậy thì mày đi lại đây, để tao kêu nó lại đánh với mày cho biết sức.

Cọp đồng ý. Trâu đến gọi thằng cày lại. Anh trai cày lơn tơn tiến đến, nói với cọp:

- Bây giờ tao đang đói bụng, không đánh với mày được.

Cọp bảo:

- Vậy thì mày đi ăn cơm đi, rồi trở lại đây mà đánh với tao.

Thằng cày nói:

- Mày hay nói láo lắm! Tao bỏ về thì mày chạy mất, còn gì mà đánh?

Cọp tức giận:

- Mặt nào chứ mặt này chẳng thèm chạy đâu!

Thằng cày nói:

- Nếu đúng vậy thì để tao trói mày lại, đặng tao vào nhà ăn cơm cho no, sau đó tao trở lại mở mày ra, rồi đánh nhau. Không thì mày bỏ trốn, tao biết đâu được.

Cọp ỷ mạnh, nói:

- Được. Trói thì trói, sợ gì!

Cọp đồng ý để thằng cày trói nó. Trói xong, thằng cày chạy đi bẻ cây, quay lại đánh cọp. Cọp mắc trói thất thế, vùng vẫy không được, bị đòn mà chết.

Bấy giờ, trâu mới nói khẽ với cọp rằng:

- Tao đã nói với mày rồi mà mày không nghe! Mày chết là đáng số lắm!

Ấy là mạnh mà không mưu, ỷ thế mạnh mà khinh rẻ người ta. Có người tuy yếu thế, yếu sức mà cao mưu, nên nhiều khi thắng được kẻ mạnh quờn, mạnh thế mà thấp mưu. (3)

(Nguồn:[3, tr. 332-334/quyển IV] - trích từ: Trương Vĩnh Kí (1974), Chuyện đời xưa, Nhà sách Hoa Tiên xuất bản, Sài Gòn, tr. 82-84)

Giả sử, truyện kết thúc sau lời của trâu nói với hổ “Tao đã nói với mày rồi mà mày không nghe! Mày chết là đáng số lắm!” (III), hay “Mày thấy chưa, nó bé người nhưng mà nó có lắm mưu kế” (II); thì hai truyện được dẫn tương tự nhau. Tức chúng có sự tương đồng về kết cấu, về ý nghĩa, và thể loại (ở đây, là thể loại ngụ ngôn). Để kiểm chứng, ta thử áp mô hình của truyện ngụ ngôn vào truyện (III) (4): a) Nhân vật kèm tính cách: một con cọp ngu dại; b) Nhân vật kèm tính cáchđứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó: cọp thấy con trâu to khoẻ phải chịu phép người cày, hỏi lí do thì trâu bảo: do người khôn ngoan, cho dù cọp cũng không đấu lại nổi; c) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó,đã có hành động đáp trả phù hợp với tính cách của mình: cọp muốn thi đấu với người, người bảo đang đói không đánh nhau được, mà về ăn cơm thì cọp sẽ bỏ chạy, đề nghị được trói cọp lại; do quá muốn xem sức lực của người và bị chạm tự ái, cọp đồng ý để người trói (5); d) Nhân vật kèm tính cách đứng trước bối cảnh, điều kiện cần ứng phó, đã có hành động đáp trả phù hợp với tính cách của mình,để giành được thắng lợi hay phải chịu thua thiệt: cọp bị người đánh nhừ tử. Theo đó, đây là một kiểu truyện thuộc mô hình của truyện ngụ ngôn (6).

Nhưng đoạn kết truyện của chúng lại không như thế:

- “Ấy là mạnh mà không mưu, ỷ thế mạnh mà khinh rẻ người ta. Có người tuy yếu thế, yếu sức mà cao mưu, nên nhiều khi thắng được kẻ mạnh quờn (quyền), mạnh thế mà thấp mưu” (III).

- “Đồng thời, trâu khoái chí bò lăn ra cười, vô tình va vào hòn đá to làm gãy cả hàm răng trên. Từ đó trở đi, trâu không có hàm răng trên, khi nhai cỏ thì nhai bằng lợi trên với hàm răng dưới” (II).

Không khó nhận ra rằng, đoạn kết của (III) không liên quan đến nội dung được kể, không có nó, người đọc tinh ý vẫn hiểu được như vậy. Cho nên, nó được người dựng hay kể truyện thêm vào (ở đây, có thể cho, đó là lời ngụ của truyện). Điều này thường gặp ở truyện ngụ ngôn, giai thoại, hoặc một số loại truyện gần gũi (lắm khi người dựng/kể truyện, người làm sách về các loại, thể này, có thêm lời bàn hay lời bình ở cuối tác phẩm truyện, nhằm định hướng về cách hiểu cho người đọc). Trong lúc đoạn kết của “Trâu, hổ và người thợ cày” lại thuộc vào nội dung truyện. Đây lại là nội dung đặc trưng của truyện cổ tích loài vật, nhằm phản ánh đặc điểm của con vật được kể: “trâu không có hàm răng trên, khi nhai cỏ thì nhai bằng lợi trên với hàm răng dưới”. Như vậy: (II) là truyện cổ tích loài vật; (III) là truyện ngụ ngôn. 

Theo như đã trình bày, có thể nói, ở nhóm truyện gần gũi với thể loại truyện ngụ ngôn của bộ phận truyện cổ tích loài vật phản ánh đặc điểm của các con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người, điều để phân định giữa chúng là: truyện cổ tích loài vật có đoạn kết truyện nhằm phản ánh đặc điểm của con vật và tập quán liên quan đến chúng của con người; trong lúc với truyện ngụ ngôn, thì thay vào đó, là việc trình bày ý nghĩa của truyện, hoặc không kể gì (khi văn bản ở dạng chữ viết, thì để trắng).

3. Nhận xét, kết luận

Việc phân định giữa truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật, là cần thiết. Bởi đã có mối quan hệ xoắn xuýt giữa hai đối tượng này trong quá khứ. Ở cả hai bộ phận của truyện cổ tích loài vật đều có sự gắn bó theo cách riêng của chúng với truyện ngụ ngôn. Do vậy, việc “tháo gỡ” để tách bóc chúng ra phải lần theo từng bộ phận một. Bài viết này đã cố gắng giải quyết sự việc theo cách ấy.

Nhưng do dung lượng bài viết có hạn, nên có nhiều trường hợp khác phải để người đọc tự giải quyết. Như trường hợp truyện cổ tích loài vật bao hàm một hoặc nhiều truyện ngụ ngôn, hoặc không chỉ bao hàm truyện ngụ ngôn mà còn với một vài thể loại, tiểu loại khác (phần lớn số truyện này, truyện cổ tích loài vật có dung lượng lời lớn hơn hẳn thể loại, tiểu loại mà nó bao hàm - là cơ sở để có thể phân biệt).  

Phân định giữa các đối tượng có liên quan, để xác định đặc điểm của mỗi bên, là một việc làm cần thiết trong nghiên cứu. Bởi có như thế thì việc nắm bắt một đối tượng trong hệ thống mới cụ thể, rõ ràng, tránh được sự nhập nhằng, lắm khi khiến người làm công việc tìm tòi trong khoa học phải băn khoăn, vướng mắc.

L.V

-----------------

Chú thích:

1. Về mô hình cấu trúc của truyện ngụ ngôn, xem thêm: Triều Nguyên (2004), Góc nhìn cấu trúc về truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 38-39. Định nghĩa về truyện cổ tích loài vật, cùng các chi tiết về kết cấu, nhân vật, được rút ra từ Tìm hiểu về truyện cổ tích loài vật Việt Nam, một nghiên cứu sắp công bố của người viết.

2. Chu Xuân Diên, “Truyện cổ tích”, trong: Nhiều tác giả (1984), Từ điển văn học, 2 tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 452-454/tập II.

3. Một số từ ngữ trong truyện: sắm sửa: chuẩn bị những thứ cần dùng; thá ví: tiếng hô đi sang phải hay sang trái, khi điều khiển trâu cày kéo; lựa là: lọ là, huống gì; kêu: gọi; quờn: quyền.

4. Ở § 1.1., có nêu mô hình của truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam. Đó là mô hình ở cấp độ thể loại. Tức khi cần phân định truyện ngụ ngôn với các thể loại, tiểu loại khác của văn học dân gian, có thể dùng nó làm “khuôn mẫu” để đối sánh (nếu cùng khuôn mẫu với nó, thì đó là truyện ngụ ngôn, nếu không cùng khuôn mẫu ấy, là tác phẩm khác loại).

5. Do ngu dại nên cọp không lường được sự tráo trở của đối phương, khi mình bị thất thế.

6. Một truyện tương tự với truyện này, là “Trí khôn” (hay “Cọp và trí khôn của con người”), đã được một số tác giả xếp vào truyện ngụ ngôn (chẳng hạn, truyện này được chép ở: a) Minh Hạnh, Phan Hồng Sơn (1986), Truyện ngụ ngôn Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 126-127; b) Phạm Minh Hạnh (1993), Truyện ngụ ngôn Việt Nam và thế giới (thể loại và triển vọng), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,  tr. 269-270; c) Trương Chính (1998), Bình giải ngụ ngôn Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 105-107;...).

---------------

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, 5 tập, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội.

2. Chu Xuân Diên (2006), Văn hoá dân gian: Mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Huế (Chủ biên), Trần Thị An (2014), Truyện cổ tích người Việt, 6 quyển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Đinh Gia Khánh (Chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

5. Lê Chí Quế (Chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (2001), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Tam Giang (11/12/2020)