Văn nghệ dân gian
Nội dung các bài ca dao - dân ca thời kỳ kháng chiến ở Quảng Bình, Quảng Trị
14:41 | 16/03/2021

TRẦN HOÀNG

Nội dung các bài ca dao - dân ca thời kỳ kháng chiến ở Quảng Bình, Quảng Trị
Ảnh minh họa (Internet)

1. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)

1.1. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) cũng như nhiều tỉnh thành khác trên đất nước ta, ở Quảng Bình, Quảng Trị hầu hết các thị trấn, thị xã, tỉnh lỵ, huyện lỵ đều bị Pháp chiếm đóng... Đồn bốt giặc nằm trên đường quốc lộ, tỉnh lộ, và huyện thị nào cũng có. Tuy nhiên, vùng hậu phương do nhân dân ta làm chủ lại rộng lớn hơn rất nhiều. Hậu phương là nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhiều làng kháng chiến trở thành những pháo đài vững chắc trong các cuộc ác chiến rất gay go với giặc Pháp.

Ai về làng biển Cảnh Dương,

Mà xem du kích rào làng đánh Tây.

San hô lớp lớp chất đầy,

Trùng trùng lũy thép bủa vây trong ngoài.

Bao phen giặc Pháp tơi bời,

Gần trăm mũi lõ đi đời nhà ma.

Dân quân trai, gái, trẻ, già,

Chiến công sáng lọi (chói) quê nhà Cảnh Dương.

Chiến đầu và sản xuất- đó là hai công việc to lớn mà người ở hậu phương luôn luôn cố gắng làm cho tốt.

                   Lúa tốt xanh đồng nhờ công của chị,

                   Quân Pháp tràn về có vũ khí của anh.

                   Lúa lên, lúa tốt, công thành,

                   Mồ hôi của chị, sánh với công anh cũng vừa.

Việc trồng lúa, trồng khoai, nuôi lợn, nuôi gà, đánh cá sông, cá biển... thời kỳ kháng chiến không hề dễ dàng chút nào. Hết hạn hán, bão lụt lại đến Tây càn lên đốt phá, chém giết.

                   Cha ông thằng Tây,

                   Lúa ta còn non, chúng đang tay phá phách.

                   Mấy đời tao chịu thua bay,

                   Nay lúa ta chín vàng, bay lại lăm le cướp giật đêm ngày.

                   Bay nhổ đi, tao cấy lại, bay muốn chết thì

về đây mà cướp mùa.

Chính vì vậy mà những người nông dân, dù phải thường xuyên đối đầu với những cuộc càn quét, bắn phá của giặc nhưng họ không bao giờ chùn bước. Họ sáng tạo ra nhiều cách để đối phó với quân thù.

                   Đồn Vĩnh Tuy xa xa, ngọn đèn pha chiếu đi, chiếu lại,

                   Lúa đồng Long Đại sực nức mùi thơm.

                   Chị em mình ơi gặt nhanh, dấu kỹ ta chẳng quản đêm hôm,

                   Thằng Tây đến, chỉ còn rạ với rơm ngoài đồng.

Hạt gạo làm ra, người hậu phương san sẻ đôi nơi “nửa nuôi bộ đội, nửa nuôi mẹ già”. Sản xuất và đánh giặc, nam thanh, nữ tú, ai cũng hăng hái cùng nhau gánh vác.

                   Lúa tốt xanh đồng nhờ công của chị,

                   Quân Pháp tràn về có vũ khí của anh.

                   Lúa lên, lúa tốt, công thành,

                   Mồ hôi của chị sánh với công anh cũng vừa.

          Không chỉ làm tròn công việc sản xuất và đánh giặc giữ làng, người ở hậu phương còn rất hăng hái tham gia các đoàn dân công phục vụ hỏa tuyến, hăng hái tòng quân đánh giặc. Nếu như thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, thì các bà, các chị, các bậc trung niên lại nô nức gánh lương, tải đạn ra chiến trường. Đường Trường Sơn thời đó nổi tiếng với dốc U Bò, với đèo Ba Rền, Lao Bảo, Khe Sanh. Từ các đoàn dân công này mà bao nhiêu câu hát, câu hò rất hay, rất tha thiết, mặn mà đã ra đời.

- Dốc U Bò trơn hơn tráng mỡ,

                   Đường Ba Rền ít cỏ, khó đi.

                   Em cầu trời chỉ có từng ni,

                   Nếu có mưa thì mưa nơi đồng nội,

đừng mưa chi đường rừng.

                   - Đường U Bò năm khe, bảy suối,

                   Vào Ba Rền, Khe Cát, Bông Lau.

                   Ra vô gánh nặng, đường dài,

                   Nhưng lòng chẳng quản, đôi vai vững vàng.

2.1. Nếu như người ở hậu phương phải gánh vác bao công việc, phải vừa sản xuất vừa chiến đấu thì người ở tiền tuyến chủ yếu là hướng vào việc đánh đồn, diệt bốt, mở những trận chiến lớn nhỏ để tiêu hao sinh lực địch. Hàng ngày, hàng giờ anh bộ đội Cụ Hồ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ, với sự chết chóc, hy sinh. Ca dao lên tiếng kêu gọi nam, phụ, lão, ấu cầm súng giết giặc, cứu nước.

Ăn cơm với trôốc (đầu) cá chình,

Ai một lòng với nước ra Quảng Bình đánh Tây.

Ca dao ghi lại những trận đánh, những chiến công oanh liệt của bộ đội ta trên chiến trường.

Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ,

Năm trăm giặc Pháp không mồ chôn thây.

Chiến thắng Xuân Bồ là một chiến công lớn của bộ đội ta bên bờ sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Nơi đây còn vang mãi tấm gương hy sinh oanh liệt của người anh hùng Lâm Úy.

          Và đây nữa, Ba Đồn, một thị trấn nằm ở phía Bắc sông Gianh cũng từng âm vang tiếng súng đánh giặc Pháp của bộ đội Cụ Hồ và dân quân du kích trong vùng.

                   Súng nổ bốn bề, ầm vang náo động,

                   Dòng sông Gianh nổi sóng dập dồn.

                   Tiếng loa rộn rã xóm thôn,

                   Báo tin chiến thắng Ba Đồn vẻ vang.

Có được những chiến thắng vẻ vang này là nhờ bao xương máu, bao mồ hôi, nước mắt, bao công sức của toàn dân, từ anh bộ đội đến chị dân công hỏa tuyến, từ cụ lão dân quân đến các em thiếu niên, nhi đồng làm công tác giao liên...

                   Thương người Vệ quốc đoàn mưa to, gió lạnh,

                   Nhớ người vận tải đòn gánh nghiêng vai.

                   Nợ nước, thù nhà ai cũng như ai,

                   Đuổi quân thù tàn bạo ra ngoài biên cương.

Toàn dân theo lệnh Cụ Hồ chiến đấu chẳng quản hy sinh.

Việt Nam kháng chiến trường kỳ,

Đêm đánh, ngày đánh, Tây gì cũng thua.

Chặn dưới nước, vây trên bờ,

Theo lệnh Cụ Hồ, đánh thắng mới thôi!

3.1. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên, vùng kháng chiến, vùng tự do của ta xen kẽ với vùng bị địch tạm chiếm. Do vậy, bên cạnh những người theo Cách mạng, theo Chính phủ Cụ Hồ cầm gươm, cầm súng, rào làng, đào hầm chông, dựng chiến lũy đánh giặc..., đây đó cũng có một bộ phận nhỏ, vì nhiều lý do, đã lầm đường, lạc lối cầm súng cho giặc ngoại xâm. Những người lính ngụy quân này, thời đó dân ta gọi là “bảo vệ quân”. Họ cũng có cha mẹ, vợ con, anh em họ hàng ở quê nhà, nhưng những người ruột thịt của họ luôn luôn sống trong tâm trạng lo lắng, phiền não, buồn rầu...

Để làm chuyển biến nhận thức và tình cảm của những người lỡ cầm súng cho giặc Pháp, phía bên ta, những người lính Cụ Hồ, những anh chị em dân quân du kích, những cán bộ làm công tác tuyên truyền - như những phần trên đã nói - đã vận dụng các loại hình hò hát trong kho tàng văn nghệ dân gian địa phương để sáng tác nên nhiều bài ca dao mang chủ đề “binh vận”. Trước hết đó là những lời nhắn nhủ chan chứa sự tha thiết, ân tình của những người vợ hiền ở quê gửi cho những người chồng đang ở trong đồn giặc.

                   - Anh đi theo Tây bỏ bầy con dại,

                   Anh đi theo Tây để phản lại đồng bào.

                   Cờ treo trên đồn Tây răng anh lại đứng nghiêm chào?

                   Anh không mắc mưu giặc, thì giặc lấy người nào đánh ta!

                   - Anh đi theo Tây bỏ bầy con dại,

                   Đứa dắt, đứa bồng thảm hại lắm anh ơi.

                   Anh mau quay súng trở về đi thôi,

                   Vợ vui, con sướng, người người mến thương.

Nhiều bài ca dao chỉ bày từng vấn đề cụ thể trong cuộc sống của những anh lính “bảo vệ quân” - một cuộc sống tù túng, thiếu thốn trăm bề.

                   Bảo vệ quân lương ăn không đủ,

                   Trở về nhà lột mũ, tháo giày.

                   Vợ ra đồng gặt hái, cấy cày,

                   Anh ru con cho vợ, kiếm ngày đọi cơm.

Ca dao nêu rõ chính sách khoan hồng của Chính phủ và sự độ lượng của nhân dân.

                   Bỏ súng Tây về đi anh, đồng xanh đang đợi,

                   Bỏ súng Tây về đi anh, thắng lợi hưởng chung.

                   Về đây Chính phủ khoan hồng,

                   Mẹ già, con dại, đêm mong, ngày chờ.

Tấm lòng yêu thương, sự khoan dung của đồng bào, của xóm làng, của gia đình, vợ con, anh em, họ hàng ruột thịt chắc chắn có tác động lớn đến tình cảm và nghĩ suy của những người một thời bị lầm đường, lạc lối.

                   Chim lạc bầy thương cây, nhớ cội,

                   Anh đi theo Tây để tình, để tội cho vợ, cho con.

                   Về làm dân Cụ Hồ gìn giữ nước non,

                   Dù bữa cơm, bữa cháo vẫn còn tiếng thơm.

2. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1964 - 1975)

1.2. So với giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1964 - 1975), chiến tranh ở vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị diễn ra ác liệt và dữ dội hơn rất nhiều. Không có mấy ngày là không có bom rơi, đạn nổ; không có thị xã, thị trấn, thành phố nào trong vùng là không bị đổ nát, tan hoang vì đạn bom. Bom đạn Mỹ rải đầy các cung đường, các bến phà, các cây cầu lớn nhỏ dọc quốc lộ IA, dọc đường Trường Sơn... Thành phố Đồng Hới, từ “Quảng Bình quan”, nhà thờ Tam Tòa đến bức tường dài bao quanh phố cổ đều bị đổ sụp, bị tan tành... Các làng sầm uất ven biển như Cảnh Dương, Thanh Khê, Lý Hòa, Bảo Ninh... phải hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn từ máy bay Mỹ ném xuống, từ tàu chiến Mỹ bắn vô... Tương tự thành Đồng Hới, trong 81 ngày đêm ác chiến (từ 28/6 đến 16/9 năm 1972), thành cổ Quảng Trị tan hoang thành đống gạch vụn, chẳng hòn đá to, viên gạch nhỏ nào còn nguyên vẹn. Sức công phá dữ dội của bom đạn Mỹ xuống ngôi thành này chẳng thua gì mấy quả bom nguyên tử mà họ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945.

Nơi có bom đạn dữ dội cũng chính là nơi ghi bao chiến công oai hùng, nơi ngời sáng bao tấm gương oanh liệt, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Song hành cùng chiến sỹ, đồng bào, trong chiến tranh bên cạnh những khúc tráng ca mới, vẫn là những bài hát dân gian cổ truyền, những vần ca dao kháng chiến mới được sáng tác. Dưới hầm sâu, trong lòng địa đạo mẹ vẫn hát ru con; trong các đêm văn nghệ ở trạm giao liên, ở những chặng đường nghỉ của bộ đội, của thanh niên xung phong... các câu hò khoan, hò lơ, hò giã gạo vẫn vang lên cùng những chàng trai, cô gái... khoác áo màu xanh, đội mũ tai bèo... Nhiều vần ca dao, nhiều câu hò mới lại được sáng tác và được truyền tụng từ nơi này đến nơi khác với nhiều đề tài mới, chủ đề mới.

Trước hết, đó là các lời ca nói về tình cảm ruột thịt Bắc Nam. Như dòng sông Gianh thời Trịnh Nguyễn phân tranh, dòng sông Bến Hải giờ đây, lại là ranh giới phân chia đôi bờ Nam Bắc. Dọc hai bờ con sông này, nhiều gia đình chồng Nam, vợ Bắc, mẹ con, anh em phân rẽ đôi đàng. Do vậy, tình cảm gia đình giờ đây càng gắn chặt hơn với tình nước non, nghĩa đồng bào.

                   Bên kia sông Hiền Lương để thương, để nhớ,

                   Bên ni Cửa Tùng duyên nợ nước non.

                   Đêm ngày lòng mẹ héo hon,

                   Mong ngày thống nhất đón con trở về.

Ngày tập kết ra Bắc, nhiều anh bộ đội, nhiều chị cán bộ giơ hai ngón tay hứa với người thân là hai năm sau một nhà sẽ đoàn tụ. Không ai ngờ con số 2 ấy lại kéo dài thành 20 năm. Ca dao lên tiếng phê phán Mỹ Diệm đã cố tình phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, dã tâm chia cắt đất nước lâu dài:

                   Bọn Mỹ Diệm chia Nam, lìa Bắc,

                   Tình đôi ta gắn chặt yêu thương.

                   Bắc Nam chỉ một con đường,

                   Trăm năm hai bến Hiền Lương một đò.

Nam nữ thanh niên dù phải sống kẻ Bắc, người Nam, sống trong cảnh bom rơi, đạn nổ, nhưng họ vẫn luôn luôn giữ trọn tình cảm son sắt, thủy chung.

                   Cầu Hiền Lương thông thương Nam Bắc,

                   Bờ Hiền Lương gắn chặt hai miền.

                   Dù cho Mỹ Diệm đảo điên,

                   Quyết tâm giữ trọn lời nguyền sắt son.

Ý chí thống nhất đất nước của người Việt Nam từ bao đời nay là vô cùng mạnh mẽ. Kẻ thù dù có dùng trăm mưu, nghìn kế thâm độc, xảo quyệt, có đàn áp tàn bạo, dã man... cũng không thể nào chia cắt được tình Bắc Nam, làm mờ phai được tình cảm sắt son, thủy chung của nhân dân đối với Cách mạng, với Bác Hồ.

Dù cho giặc lắm mưu mô,

Cũng không chia nổi cơ đồ Việt Nam.

Dù ai xẻ núi, ngăn sông,

Cũng không chia nổi lòng dân Cụ Hồ.

Những bài ca dao nói về tình nghĩa Bắc Nam, bài nào cũng chan chứa tình cảm. Tình cảm riêng tư của mỗi người, mỗi nhà hòa trong tình cảm chung của toàn dân tộc. Không ít bài đã lấy tích xưa, lấy những bài học trong lịch sử dân tộc để khẳng định chân lý bất biến của đất nước ta, dân tộc ta. Đó là sự toàn vẹn lãnh thổ, là Nam Bắc một nhà, là non sông một dải.

                   Xưa Trịnh Nguyễn phân tranh đã từng lấy

                                                sông Gianh chia đôi đất Việt,

                   Nhưng dòng sông Gianh không bao giờ đoạn tuyệt

                                                                   được Bắc Nam.

                   Ngày nay dẫu cho Mỹ ngụy điên cuồng

                                                          khát máu gian tham.

                   Sông Hiền Lương chỉ tạm thời giới tuyến,

                                                          đâu lại chịu cam đôi đường.

2.2. Đất nước có chiến tranh, Quảng Trị, Quảng Bình trở thành tuyến lửa. Đồng bào miền Bắc, nam phụ, lão ấu, vừa sản xuất, bám biển, bám đồng, vừa cầm súng đánh máy bay, tàu chiến Mỹ...

Mẹ thời nuôi dưỡng lợn gà,

Cha thời chăm sóc ớt, cà, chè, tiêu.

Anh lo bám biển sớm chiều,

Ra khơi, vào lộng thu nhiều cá tôm.

Em thời đồng muối Di Luân,

Mấy sào ruộng đất, năng làm bội thu.

Và:

Tàu bay mày liệng trên trời,

Hễ sà xuống đất, ta thời bắn ngay.

Súng “ba bốn bốn” trong tay,

Không cho mày đến đất này thả bom.

Ca dao không chỉ nói lên tinh thần chiến đấu hy sinh của quân dân hai miền Nam Bắc mà còn ghi rất cụ thể tên các làng xã ở các địa phương từng ghi nhiều chiến công oanh liệt trong công cuộc chống chiến tranh xâm lược của Mỹ.

                   Tàu Mỹ đến Vĩnh Thái, Vĩnh Mốc phải về chầu hà bá,

                   Phản lực ra Hồ Xá thì phải tan xác khắp nơi.

                   Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu đi đời,

                   Hai miền Nam Bắc rạng ngời chiến công.

Sông Bến Hải, đôi bờ Hiền Lương giờ đây không chỉ là nơi ghi dấu sự chia cắt đất nước mà còn là nơi vang lên bao chiến công oanh liệt của quân dân hai miền trong 20 năm dài tranh đấu.

                   Sông Hiền Lương đôi bờ xanh thẳm,

                   Bao năm ròng chịu cảnh đau thương.

                   Quảng Trị quê ta anh dũng, kiên cường,

                   Nơi đụng đầu lịch sử, bao tháng năm trường vẻ vang.

3.2. Ca dao kháng chiến ở miền Nam sông Bến Hải đề cập tới nhiều vấn đề cụ thể trong cuộc sống, ví như châm biếm sự ra đời của chiêu bài “cần lao, nhân vị” do chính quyền họ Ngô đặt ra.

                   Tây đi, Mỹ lại,

                   Đổi chủ, thay thầy.

                   “Cần lao, nhân vị” chi bây,

                   Cũng phường bán nước, cũng bầy thực dân.

Hoặc cổ súy việc nổi dậy phá ấp chiến lược:

                   Hờn nặng, thù sâu, quyết đạp đầu quân Mỹ ngụy,

                   Từ Gio An, Gio Mỹ đến Quảng Trị, Hải Lăng.

                   Cùng nhau nổi dậy đạp bằng,

                   Quyết phá tan ấp chiến lược để xóm làng bình yên.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - đúng như nhận định của các nhà nghiên cứu quân sự, nghiên cứu văn hóa là một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Cũng như các miền quê khác, nhân dân Quảng Trị, Quảng Bình, từ già đến trẻ, từ thanh niên đến phụ nữ... không ai chịu ngồi yên. Thanh niên thì tòng quân giết giặc, đi thanh niên xung phong, vô các đoàn quân du kích... Những người lớn tuổi ở hậu phương thì bám biển, bám đồng, tay lưới, tay cày, tay súng... Ngay cả những bà mẹ tuổi cao, sức yếu, nhưng cũng cố gắng làm việc này, việc nọ để cùng con cháu giết giặc, giữ xóm, giữ làng.

- Mẹ già cuốc đất trồng khoai,

Nuôi con giết giặc gian lao đêm ngày.

- Gánh nước chè xanh mẹ đưa ra trận địa,

Chặt thêm cây mía mẹ dành để lại phần con.

Đêm qua con đánh diệt đồn,

Nghe tin thắng trận dập dồn mẹ vui.

          Trong kho tàng ca dao kháng chiến Bình Trị Thiên nói chung, Quảng Bình, Quảng Trị nói riêng có một chủ đề rất lớn. Đó là chủ đề ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của đồng bào miền Trung đối với Bác. Đất nước có chiến tranh, Bác Hồ không có điều kiện để về thăm đồng bào ở vùng Nam Trường Sơn, ở vùng giới tuyến. Nhưng lòng dân lại luôn luôn hướng về chiến khu Việt Bắc, về thủ đô Hà Nội, nơi Bác Hồ sinh sống và làm việc cho nước, cho dân.

                   Ai ra Việt Bắc,

                   Xa lơ, xa lắc.

                   Trục trục, trặc trặc,

                   Miệng kêu, tay ngoắt.

                   Lòng thành son sắt,

                   Vắn tắt đôi lời.

                   Chúc Cụ Hồ mạnh khỏe, vui tươi,

                   Dắt dìu kháng chiến, giành Độc lập cho người Việt Nam.

Người các làng xã lấy sông núi của quê mình để bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

                   Sông Nhật Lệ dòng sâu biết mấy,

                   Đỉnh Đầu Mâu cao bấy nhiêu tầm.

                   Ơn Cụ Hồ hà hải, sơn thâm,

                   Đẩy con thuyền Cách mạng, tay lái, tay dầm tới nơi.

Nhớ tới Bác là nhân dân nhớ tới một tấm gương tài đức vẹn toàn, hết lòng vì nước, vì dân.

                   Cụ Hồ với chúng mình như tình phụ tử,

                   Cụ hy sinh suốt đời để phụng sự nhân dân.

                   Với tác phong liêm, chính, kiệm, cần,

                   Tấm lòng đức độ, muôn dân được nhờ.

          Những năm kháng chiến, dù ở xa chiến khu Việt Bắc, xa “thủ đô gió ngàn”, nhưng chiến sỹ đồng bào miền Trung vẫn luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ.

               -   Áo năm khuy nên chi ta gài năm nút,

                   Nghe lệnh Bác Hồ gấp rút chuẩn bị tổng phản công.

                   Phận làm trai phải trả nợ non sông,

                   Không khoanh tay ngại khó, mới là con Lạc,

                                                                   cháu Hồng Việt Nam.

               -   Cụ dặn chúng ta phải tăng gia sản xuất,

                   Vì kháng chiến trường kỳ còn lắm cam go.

                   Đinh ninh lời Cụ dặn dò,

                   Quyết trồng nhiều lúa gạo để bộ đội ăn no, diệt thù.

Rồi nữa, đồng bào miền Nam ở bên kia giới tuyến, trong thế kìm kẹp của kẻ thù, họ vẫn một lòng, một dạ hướng về miền Bắc, về Cụ Hồ, kiên quyết hy sinh chiến đấu vì Độc lập, Tự do, vì sự nghiệp thống nhất non sông.

                   Trăng trên trời có khi tròn, khi khuyết,

                   Nước thủy triều có lúc ngập, lúc khô.

                   Ai ra miền Bắc thưa với Bác Hồ,

                   Miền Nam quyết tâm chống Mỹ để giữ vững cơ đồ ngàn năm.

Tóm lại, tình cảm của nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ bao giờ cũng sâu sắc, trọn vẹn, cũng mênh mông như nước ngoài biển Đông, như cây rừng trên dải Trường Sơn. Kính yêu Bác, biết ơn Bác, nhân dân Quảng Bình, Quảng Trị, dù thời kháng chiến sống trong muôn vàn gian khổ, khó khăn, họ vẫn luôn luôn tâm niệm những lời dạy của Bác, học tập và làm theo tấm gương người sáng của vị Cha già dân tộc.

T.H

--------------

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Trần Hoàng  (Chủ biên): Ca dao - dân ca Bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1988.

2. Lê Tiến Dũng, Trần Hoàng: Cụ Hồ ở giữa lòng dân, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000.

3. Lê Hồng Cần, Nguyễn Văn Dinh: Cối gạo đêm trăng. Ty Thông tin  Văn hóa Quảng Bình xuất bản, 1973.

4. Tôn Thất Bình: Dân ca Bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.

5. Trần Hoàng: Tìm về Văn hóa - Văn học dân gian một miền quê Trung Bộ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000.

6. Phan Ngọc Thu (Chủ biên): Thơ ca dân gian Bến Hải. Sở VHTT Bình Trị Thiên xuất bản, 1985.

7. Ty Thông tin: Mấy vần thơ ca thống nhất. Ty Thông tin Văn hóa Thừa Thiên Huế xuất bản, 1975.

8. Trần Hùng (Chủ biên): Văn học dân gian Quảng Bình, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996.

9. Phan Hứa Thuy, Tôn Thất Bình (Chủ biên): Văn học dân gian Quảng Trị, Sở VHTT Thể thao Quảng Trị xuất bản, 1992.

10. Hồ Quốc Hùng: Văn học dân gian Triệu Hải, Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1998.

 

 

 

 

Tác giả: Trần Hoàng
Các bài mới
Các bài đã đăng