Văn nghệ dân gian
Đọc sách "Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (tỉnh Quảng Trị)" của Lê Đức Thọ
09:33 | 19/03/2021

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Đọc sách "Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (tỉnh Quảng Trị)" của Lê Đức Thọ
Bìa tập sách

Bình - Trị - Thiên trước đây và Quảng Trị sau này trong một thời gian dài từng là một tiểu vùng của vương quốc Chămpa cổ với tên gọi là Indrapura nơi đây với một hệ thống các đền tháp, các thành lũy, những di vật, di tích mang yếu tố văn hóa Chăm rõ rệt đã thực sự gây sự chú ý đến các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước từ những năm đầu của thế kỉ XX và kéo dài cho đến tận ngày nay.

Hiện tại đã có hàng ngàn trang tài liệu, bài viết, công trình nghiên cứu về văn hóa Chămpa đại diện cho từng vùng miền từ Đèo Ngang trở vào đến tận đồng bằng sông Cửu Long(1). Và như có sự phân công, ở tỉnh Quảng Trị với một di sản văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần Chămpa đồ sộ đã có người nối tiếp bước chân nghiên cứu của các bậc tiền bối đi trước để rồi hôm nay anh cho ra mắt công trình nghiên cứu bề thế có thể nói là đầy đủ nhất về văn hóa Chămpa ở Quảng Trị từ trước tới nay. Người đó không ai khác chính là Lê Đức Thọ với bút danh Yến Thọ.

Lần theo dấu vết của những nhà nghiên cứu văn hóa xưa nay, kể cả trong nước và nước ngoài thì “Tài liệu ghi chép về văn hóa Chămpa ở Quảng Trị xuất hiện khá sớm. Từ trong “Ô Châu cận lục” đã có một vài đoạn văn ngắn ngủi mô tả về tháp Trung Đơn, kể chuyện người xây tháp ở Dương Lệ và một vài dòng ghi nhận sự tồn tạ của một số làng Chăm trong thế kỉ XVI…

Tiếp theo tập địa chí này, những nhà chép sử của Quốc sử quán triều Nguyễn thế kỉ XIX cũng đã lưu tâm khảo cứu một số sự kiện, hiện tượng và vài vấn đề về Chămpa để đưa vào chính sử trong “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, “Đại Nam nhất thống chí”…

Tuy vậy mãi đến đầu thế kỉ XX, các di tích và những vấn đề liên quan đến văn hóa Chămpa ở Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung mới bắt đầu được chú ý xem xét nghiên cứu với tư cách là những di sản văn hóa quá khứ của Việt Nam”(2). Đó là lời tâm sự của tác giả Lê Đức Thọ trong Lời nói đầu cho công trình dạng sách Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). Nhìn vào tiểu sử, chúng tôi biết anh là người còn trẻ, năng động, theo đuổi lĩnh vực này đã lâu và đúng với chuyên ngành của anh là Dân tộc - Khảo cổ(3). Mặc dù làm công tác quản lý, biết bận nhiều công việc hành chính song anh vẫn giữ mối cân bằng hài hòa giữa hành chính và chuyên môn nghiên cứu, hiếm có ai như anh!

Dẫu tôi chưa diện kiến được anh lần nào, nhưng qua tập sách này, phần nào tôi đã hiểu về anh, đó là một người đi nhiều, điền dã dân tộc học, khảo cổ học là một vốn quý mà bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng phải tự học, tự mày mò mà nên chính vì gốc rễ sâu xa đó để rồi anh có nên được kết quả như ngày hôm nay. Cộng thêm vào đó là sự học hỏi không ngừng của anh qua tài liệu, sách báo, ý kiến của các đồng nghiệp, các thầy cô giáo, các giảng viên Đại học, cao học, các bạn bè và điều làm nên thành công cho anh nữa chính là mái ấm gia đình. Tất cả những điều này tôi nói không ở đâu hết mà chính trong tập sách của anh nó hiển hiện ở từng câu, từng chữ, từng trang sách, từ lời nói đầu cho đến lời kết.

Ở anh Lê Đức Thọ có sự đam mê tìm tòi và trăn trở để rồi như con tằm nhả tơ, anh đã thoải mái để rồi lắng nghe từng nhịp thở của đứa con tinh thần của anh đó là Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị).

Mở đầu cho lời nói đầu, tác giả đã có sự thống kê, kiểm chứng lại những người đã chú tâm nghiên cứu văn hóa Chămpa cho vùng đất Quảng Trị “Những bước chân dò tìm trên chặng đường nghiên cứu văn hóa Chăm ở Quảng Trị phải kể đến trước hết là những nhà nghiên cứu người Pháp. Người lưu tâm và dành nhiều công sức khảo cứu là L.P Cadière - một cố đạo đồng thời là một học giả uyên thâm. Bằng những chuyến đi thị sát của mình, vị linh mục này đã mô tả khá tỉ mỉ những gì nhìn thấy và nghe thấy tại các di tích Chăm. Trên cơ sở đó, ông đã thống kê và đưa ra một danh mục khá rõ ràng về một số di tích Chăm Quảng Trị đầu thế kỉ”(4). Năm 1918, H.Parmentier trong một công trình khảo cứu về các di tích Chăm trên quy mô lớn là “Thống kê khảo tả các kiến trúc Chăm ở Trung kì” đã công bố chi tiết hơn một loạt di tích Chăm mà ông nghiên cứu được ở Quảng Trị. Năm 1940, M.Colani - một nữ học giả người Pháp đã cho ra mắt chuyên khảo về hệ thống khai thác nước sử dụng đá xếp ở vùng Do Linh và Cam Lộ đăng trên tập san B.A.V.H mang tên “Cách sử dụng đá thời nguyên sơ: An nam - Indonésia - Assam”, bà nói “…nét đầu tiên là những ống tưới này đã tìm cách mang lại sự sung túc cho thị trấn, và khá hiển nhiên, là đồng thời tìm cách hưởng được sự phù hộ của các thần linh. Nét thứ hai, chúng dùng để tưới ruộng đồng của làng”(5). Bên cạnh các học giả trên thì A. Cabaton, Ch. Gariod, A. Laborde, P. Stern…hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến các di tích văn hóa Chămpa ở Quảng Trị.

Bên cạnh những học giả, những nhà nghiên cứu đóng góp công sức và trí tuệ của mình cho văn hóa Chămpa Quảng Trị, thì tác giả Lê Đức Thọ cũng rất sốt sắng và nóng lòng bởi vì đã có quá nhiều di vật, di tích Chămpa ở Quảng Trị bị hư hỏng, thất lạc “Song song với việc điều tra, khám phá, nghiên cứu các di tích Chăm, trong những thập niên đầu của thế kỉ XX, người Pháp đã tiến hành nhiều cuộc thu thập các di vật văn hóa Chăm tại Quảng Trị. Nhiều hiện vật điêu khắc Chăm Quảng Trị đã được đưa về Mussée Chams Đà Nẵng, về đặt tại dinh Khâm sứ ở thị xã Quảng Trị hoặc bị mang ra nước ngoài. Điều này đã làm thất lạc không ít các di vật quý, gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu hiện tại.

Từ những năm 30 đến những năm 70 của thế kỉ XX, do những biến động lịch sử xã hội, thường xuyên diễn ra trên vùng đất này nên không chỉ làm cho các di tích, di vật Chămpa bị hư hại, mà công việc điều tra, nghiên cứu cũng bị gián đoạn”(6).

Tác giả cũng rất vui mừng vì những năm 80 trở lại đây, nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của chính quyền địa phương các cấp nên việc bảo vệ, gìn giữ, nghiên cứu về văn hóa Chăm đã được phục hồi và tiến triển theo hướng khả quan. Trong gần 20 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, dân tộc, văn hóa học…trong và ngoài nước đã tìm đến vùng đất Quảng Trị để điều tra, khảo sát, khai quật và nghiên cứu các di tích cổ của người Chăm. Nhờ đó, nhiều phế tích, nhiều di vật có giá trị lâu nay chưa biết tới đã được phát hiện. Bức tranh vùng bắc vương quốc cổ Chămpa đã và đang được tái hiện. Một số vấn đề về lịch sử, văn hóa Chăm Quảng Trị dần dần được khai sáng(7).

Đi theo cùng nhà nghiên cứu Lê Đức Thọ qua từng trang sách chúng ta sẽ hiều rõ hơn lịch sử của vấn đền nghiên cứu Chămpa. Đó là từ năm 1995 đã có sự tập hợp của những di tích có tính tiêu biểu được giới thiệu một cách khái quát đã cung cấp cho người nghiên cứu và những người yêu mến văn hoá Chăm các thông tin về các di tích khá bổ ích(8) hoặc các truyền thuyết, huyền thoại trong các công trình văn học dân gian địa phương Quảng Trị(9) hoặc qua các cá nhân R.C. Majundar, Trần Quốc Vượng, Đỗ Bang, Lê Đình Phúc, Lâm Mĩ Dung, Hồng Kiên, Nguyễn Tiến Đông, Nguyễn Chiều, Ngô Văn Doanh, Trần Văn Tuấn, Lê Duy Sơn, Lê Đức Thọ, Yến Thọ(10)…chuyên nghiên cứu di tích văn hóa vật thể Chămpa qua việc thẩm định quy mô, kĩ thuật, cấu trúc và niên đại của một số đền tháp, hệ thống các công trình khai thác nước, các thành lũy, mộ táng. Hoặc các tác giả Nguyễn Hữu Thông, Tạ Chí Đại Trường, Lê Hoàng Nguyên(11) đi vào nghiên cứu văn hóa phi vật thể Chămpa hoặc liên quan đến Chămpa như tìm hiểu bối cảnh địa văn hóa, lịch sử thời Chămpa hay bối cảnh đại đồng văn Chăm - Việt trong các thế kỉ XI -XVI.

Qua việc đọc các công trình của các nhà nghiên cứu tiền bối, Lê Đức Thọ có nhận xét rất xác đáng rằng “Quá trình nghiên cứu cùng đồng hành với quá trình sưu tầm, tìm kiếm các hiện vật về Chăm đã được quy tập về Bảo tàng Quảng trị giúp cho việc gìn giữ và nghiên cứu được thuận lợi…Nhìn chung, công việc nghiên cứu các di sản văn hóa Chămpa cổ Quảng Trị từ trước tới nay dù chưa nhiều, chưa đều, chưa đề cập đến các vấn đề một cách sâu rộng; nhưng đã tập trung được sự quan tâm, chú ý của giới khoa học trong và ngoài nước”(12).

Đi vào nội dung của quyển sách Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị) của Lê Đức Thọ cho chúng ta biết, bố cục của quyển sách ngoài Lời nói đầu, Thay lời kết và Tài liệu tham khảo thì quyển sách được chia làm 3 chương:

Chương 1: Quảng Trị trong bối cảnh địa lí, lịch sử và văn hóa. Ở chương này tác giả đã dày công dựng lại diễn trình lịch sử và văn hóa vùng đất Quảng Trị trên dặm dài lịch sử dân tộc từ thời kì tiền sử và sơ sử cho đến hết thế kỉ XX. Theo đó, thời kì tiền sử và sơ sử ở Quảng Trị đã hình thành những cư dân tiền Chăm trên cơ sở các tộc người thuộc ngữ hệ Môn - Khmer và Mã Lai - Đa đảo. Các bộ phận dân cư này đã có mối quan hệ giao lưu văn hóa với nhau và với các bộ phân dân cư xa hơn về phía Bắc (cư dân Đông Sơn). Đó chính là những gốc rễ mà văn hóa Quảng Trị bám sâu vào lòng đất bằng chính sức sống nội sinh của mình và cũng có thể coi đây là cuộc tổng hợp văn hóa lần thứ nhất của Quảng Trị.

 Thời cổ đại ở vùng đất Quảng Trị là nơi diễn ra sự tranh giành quyền cai trị của Trung Hoa rồi đến khi vương quốc cổ Chămpa được thành lập từ thế kỉ thứ II và vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân là vùng tranh chấp Hoa - Chăm, kéo dài cho tới thế kỉ X. Quảng Trị nằm trong vùng đệm ấy với hai châu là Ma Linh và Châu Ô. Bất chấp chiến tranh, biến động, loạn ly, các cộng đồng cư dân Chăm và các tộc người Môn - Khmer đã không ngừng tạo dựng đời sống văn hóa của mình, hình thành nên bản lĩnh văn hóa riêng, song hành cùng phát triển. Đặc biệt là gần một thiên niên kỉ xây dựng và tạo lập vương quốc, người Chăm đã để lại trên vùng đất Quảng Trị một hệ thống di sản văn hóa khá lớn giàu tri thức, kinh nghiệm tài hoa và sáng tạo. Đây có thể coi là cuộc tổng hợp văn hóa lần thứ hai diễn ra trên đất Quảng Trị.

Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIX là thời kì diễn ra cuộc tổng hợp văn hóa lần thứ ba trên địa bàn Quảng Trị. Lúc này có châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh của vương quốc Chăm được giao về cho Đại Việt. Năm 1306 sau đám cưới Huyền Trân công chúa, phần đất phía nam Quảng Trị - Châu Ô của Chămpa - trở thành Châu Thuận của Đại Việt và dần dần văn hóa xã hội Việt trên đường định hình tại vùng đất mới bằng sự hòa nhập với văn hóa của người bản địa.

Thế kỉ XX là cuộc tổng hợp văn hóa lần thứ tư của Quảng Trị trên cơ sở du nhập của các yếu tố văn hóa phương Tây, tiếp thu các yếu tố văn hóa mới của hệ tư tưởng Mác xít do những người cộng sản mang lại bắt đầu từ những năm 30 sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ở chương 2: Di tích văn hóa Chămpa ở Quảng Trị - tác giả đã có cái nhìn và nghiên cứu tổng quan về di tích văn hóa Chămpa ở Quảng Trị bằng cách nghiên cứu một số vấn đề về lịch sử vùng bắc vương quốc Chămpa. Theo đó, tác giả cho biết “Các nhà khảo cổ học đã khẳng định rằng từ buổi nguyên sơ, quê hương Quảng Trị từng là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa của cư dân thời tiền sử, sơ sử….đó là những dấu tích về văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, dấu tích về các công xưởng chế tác công cụ đá và thời hậu kì đá mới. Các dấu tích về thời đại kim khí, các dấu tích về thời kì tiền Chămpa”(13). Như vậy, những yếu tố văn hóa thời tiền sử và sơ sử là những gốc rễ mà văn hóa Chămpa ở Quảng Trị bám sâu vào lòng đất bằng chính sức sống nội sinh của mình và bằng sự giao lưu, hội nhập các yếu tố của các nền văn hóa lớn trong các vùng miền, đất nước và khu vực, tạo tiền đề để vươn lên thành một cổ thụ đủ sức tồn tại, phát triển trong một hoàn cảnh, điều kiện và môi trường mới.

Văn hóa Chămpa ở Quảng Trị có mối quan hệ gần gũi với các đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh; bên cạnh sự gắn bó khăng khít với văn hóa Đông Sơn. Cho nên trong phần giới thiệu vài nét về lịch sử, xã hội vùng bắc vương quốc cổ Chămpa tác giả đã viện dẫn những tài liệu từ thư tịch cổ, bia ký, khảo cổ học đã cho thấy vương quốc Chămpa trùng hợp với địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh.

Về mặt kinh tế - văn hóa - xã hội thì người Chăm ở Quảng Trị xưa kia các đền tháp trên vùng Bình - Trị - Thiên được xây dựng khá sớm, nhất là trong thời kì từ thế kỉ IV đến giữa thế kỉ IX. Có thể nói, trong gần 10 thế kỉ đầu công nguyên, vùng đất phía Bắc nói riêng và vương quốc Chămpa nói chung nằm trong thời kì phát triển cực thịnh nhất.

Dưới thời vương quốc Chămpa, do những bất lợi về điều kiện tự nhiên nên nông nghiệp không phải là một ưu thế trong đời sống kinh tế của bộ phận cư dân tiền trú trên vùng đất Quảng Trị/miền Trung, nhưng nhờ vị thế thuận lợi có hai cửa biền: Cửa Việt, Cửa Tùng và hệ thống sông ngòi dày đặc theo chiều Tây - Đông lại có tuyến đường thượng đạo xuyên Trường Sơn trên trục hành lang Đông - Tây cùng nguồn tài nguyên sẵn có từ rừng, biển với một số sản phẩm mang tính hàng hóa đặc trưng của nông nghiệp mà nhất là các loại nông, lâm, thổ sản nổi tiếng như hồ tiêu, dầu sơn, dầu trẩu, sừng tê, ngà voi, thổ cẩm…nên việc buôn bán nội địa và giao thương với bên ngoài đã phát triển hơn so với nhiều nơi khác trong khu vực; trở thành một vùng có quan hệ giao thương mạnh mẽ và đóng một vai trò quan trọng có tính quyết định đến sự phát triển.

Với con mắt nhìn chiến lược về biển và nghệ thuật khai thác biển, người Chăm không chỉ biết giao thương nội địa mà từ rất sớm, họ đã biết mở cửa, giao thương với bên ngoài. Nhờ đó, một hệ thống cảng thị dọc ven biển miền trung đã được thiết lập, trong đó có Cửa Việt và Cửa Tùng. Nét đặc trưng của văn hóa Chămpa tại Quảng Trị đó là sự hình thành các trung tâm trao đổi hàng hóa sầm uất dọc hệ thống các dòng sông, trong đó phải kể đến sông Hồi, sông Cái…cùng với các hệ thống chợ Do, chợ Sòng, chợ Sãi, chợ Thuận, chợ Phiên. Rồi đến tuyến đường Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao…đã làm cho cư dân cổ Chămpa ở Quảng Trị có điều kiện để giao lưu, hội nhập, tiếp biến với nhiều nền văn hóa để không chỉ tạo được các tiềm lực kinh tế cho việc xây dựng và phát triển vương quốc mà còn gây dựng nên một nền văn minh rực rỡ.

Qua chương này Lê Đức Thọ còn cho chúng ta biết được các hệ thống khu đền tháp và tháp của người Chăm được xây dựng trên đất Quảng Trị “Nhìn lại bức tranh một vùng đất hẹp như Quảng Trị trong các thế kỉ VIII - XII với một mật độ đền tháp được xây dựng dày đặc (gần 30 địa điểm) từ đồng bằng lên đến trung du dọc theo các hệ thống sông chính của vùng này”. Quảng Trị hôm nay, các đền tháp Chăm không còn soi bóng xuống các dòng sông Sa Lung, Bến Hải, Vĩnh Định, Thạch Hãn, Cổ Hà, song vẫn còn có rất nhiều những địa điểm có dấu tích về sự hiện diện của các công trình kiến trúc đền tháp: Duy Viên, Nam Sơn, Huỳnh Xá (huyện Vĩnh Linh), An Xá, Phường Sỏi, Hà Trung (huyện Do Linh), Kim Đâu, Định Xá, Lâm Lang (huyện Cam Lộ), Trương Xá, Đông Hà (thành phố Đông Hà), Quy Thiện, Trà Lộc, Câu Hoan, Trung Đơn, Trường Sanh (huyện Hải Lăng), Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị), Dương Lệ, Võ Thuận, Phúc Lộc, Trà Liên, Ngô Xá, Bích La, Nhan Biều, Đa Nghi, Quảng Điền, Phương Sơn, Thượng Trạch (huyện Triệu Phong).

Với sự thống kê đầy đủ các di tích Chămpa trên địa bàn Quảng Trị, tác giả cũng đã dành một lượng lớn các trang sách để giới thiệu với độc giả một số di tích văn hóa Chămpa tiêu biểu ở Quảng Trị bao gồm:

- Dấu tích đền tháp: Hà Trung, An Xá, Dương Lệ, Câu Hoan, Trung Đơn, Trà Liên, Bích La, Trà Lộc, Kim Đâu, Đông Hà, Thạch Hãn, Ngô Xá, Duy Viên.

- Di tích thành lũy: Thành Thuận Châu, thành Cổ Lũy.

- Các công trình khai thác nước: Hệ thống công trình khai thác nước Do An, Do Sơn, Liêm Công - Rú Lịnh, Thủy Tú, An Mỹ, giếng đá Nhĩ Thượng, Nghĩa An, Kim Đâu, Cẩm Thạch, An Xuân, Hà Trung.

- Mộ táng và các di vật văn hóa khác: Mộ vò Dương Lệ, một số điêu khắc đá; tượng Siva Trâm Lý, tượng Uma Dương Lệ, tượng Garuda Thạch Hãn, phù điêu lá nhĩ (tympan) Trà Liên 1, phù điêu lá nhĩ (tympan) Trà Liên 2, phù điêu lá nhĩ (tympan) Bích La, phù điêu lá nhĩ (tympan) Phương Sơn, bò thần Nandin Kim Đâu, bò thần Nandin Quảng Điền, phù điêu Makara Trung Đơn, đài thờ Thạch Hãn, đầu tượng tu sĩ Trà Liên, bò Nandin bán phù điêu thị xã Quảng Trị.

Ở chương 3 với nội dung: Những huyền thoại về văn hóa Chămpa ở Quảng Trị - tác giả đã khái quát quá trình Việt hóa văn hóa Chămpa trên vùng đất Quảng Trị trên nhiều phương diện: nhóm dân Chăm bắt đầu lấy họ người Việt, nhập cư vào cộng đồng Việt và cùng chung sống khắp vùng Thuận Hóa. Người Chăm và người Việt cùng nhau tạo dựng khối cộng đồng dân cư. Người dân thường ở các làng xã biến các thần Chăm thành thần Việt, những vị thần Chăm khi chuyển hóa thành các vị thần Việt thường mang tính âm, đều trở thành các Bà Giàng. 

Huyền thoại về cộng đồng Chămpa từ trước đến nay được các nhà nghiên cứu đầu ngành nhắc đến nhiều(14) nhưng chỉ mới dừng lại ở khu vực phía Nam đèo Hải Vân trở vào, ở Huế cũng có nhiều huyền thoại về người Chăm, Hời, Chiêm Thành…và những huyền thoại của người Huế thường gắn liền với tục cúng đất, tục lập am thờ cậu khuôn viên bổn thổ và nhị vị thần môn, những câu chuyện mộ Chăm, vàng đi ăn…Thì đến với Lê Đức Thọ cho chúng ta biết rõ hơn về các huyền thoại của người Chăm từng lưu truyền trong dân gian mà anh đã dày công sưu tầm, ghi chép, biên soạn, xử lí tư liệu…đó là sự tích kể về nguồn gốc làng Câu Nhi (xã Hải Tân, huyện Hải Lăng), Chuyện tích lập làng Phú Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng), Sự tích Cồn Giới làng An Hưng (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong), Chuyện Thành Lồi, Sự tích Chợ Thuận, Sự tích miếu Nghè Phương Sơn, Sự tích chùa Phật Lồi, Truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng (huyện Vĩnh Linh)…Rồi các di tích, di vật đền tháp cũng nhuốm màu huyền thoại như chùa Bão Đông, miếu Ông Voi, miếu Ông Hổ, thần Siva được dân làng Phương Sơn tôn làm thần thành hoàng làng.

Chỉ với 3 chương trong 1 quyển sách chúng tôi thấy chương nào cũng quan trọng cũng có sự đầu tư chất xám một cách có khoa học, nghiêm túc. Theo thiển ý của chúng tôi thì ngoài mục Tài liệu tham khảo, tác giả Lê Đức Thọ cần bổ sung thêm Thư mục (Tổng mục lục) các công trình nghiên cứu Chămpa riêng về Quảng Trị, thêm mục địa danh khảo cổ học Quảng Trị thì sẽ tuyệt vời biết mấy. Đó là thiển ý của cá nhân tôi, biết đâu Lê Đức Thọ đang ấp ủ nhiều công trình nghiên cứu mới gối đầu nhau chờ trình làng trong nay mai thì những ý kiến của chúng tôi về công trình của anh là xuất phát từ tận đáy lòng, mong anh hoan hỉ đón nhận(15).

T.N.K.P

------------

Chú thích:

1. Xin xem: Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Phân viện miền Trung tại thành phố Huế: Champa Tổng mục lục các công trình nghiên cứu. Huế, 2002, khổ 16x24cm, 489 trang. Trong công trình này tính đến năm 2002 đã thống kê được 2278 mục từ nghiên cứu về Chămpa.

2. Lê Đức Thọ: Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 10.

3. Xin xem các công trình, bài nghiên cứu của Lê Đức Thọ đã từng theo đuổi trong sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Chăm pa:

Lê Đức Thọ, Nguyễn Tiến Đông, Nguyễn Chiều: Khai quật khu tháp Chàm An Xá. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

Lê Đức Thọ, Hồng Trần, Lâm Mỹ Dung: Về cảng cổ Mai Xá - Do Linh - Cửa Việt. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1993. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

Yến Thọ: Bước đầu thẩm định loại hình di tích văn hóa Chămpa ở Quảng Trị. Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 11.1993.

Yến Thọ: Hai pho tượng Chàm cổ. Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 10.1993.

Yến Thọ: Nữ thần Việt Quảng Trị. Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 2.1994.

Yến Thọ: Thánh địa Châu Ô. Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 10.1993.

Yến Thọ: Về di tích văn hóa Chămpa ở Quảng Trị, trong “Văn hóa nghệ thuật Trung bộ”. NXB Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 1994. Đăng lại trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 11 (137).1995.

4. Lê Đức Thọ: Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 11.

5. Những người bạn cố đô Huế. Tập 27. NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 15.

6. Lê Đức Thọ: Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 12.

7. Lê Đức Thọ: Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 13.

8. Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị. Sở Văn hóa Thông tin - Bảo tàng Quảng Trị. 1995.

9. Xin xem:

- Hồ Quốc Hùng: Văn học dân gian Triệu Hải. Sở Văn hóa và Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, Huế, 1988.

- Phan Hứa Thụy (Chủ biên): Văn học dân gian Quảng Trị. Tập 1. 1992.

- Trần Văn Hối (Chủ biên): Văn học dân gian Bình Trị Thiên. Trường Đại học sư phạm Huế, Huế, 1988.

10. Xin được nêu ra đây các công trình nghiên cứu tiêu biểu của các tác giả nói trên để bạn đọc tham khảo:

- R.C. Majundar: Chămpa: Lịch sử và văn hóa của một vương quốc thuộc Ấn tại Viễn Đông thế kỉ II đến XVI sau công nguyên. Gian Publisher. House, Dehli, 1985.

R.C. Majundar: Cổ tự học văn khắc Chămpa. B.E.F.E.O tập XXXII (1932).

R.C. Majundar: Tiếng Phạn ở Đông Nam Á. Studies on Indo - Asian Art and Culture, New Dehli, vol 2 (1973).

- Trần Quốc Vượng: Kết quả bước đầu nghiên cứu văn hóa ở miền Trung. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.

Trần Quốc Vượng, Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Chiều: Khảo cổ học Chămpa mùa điền dã 1985. Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1985. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Thanh Tùng, Quang Việt: Cùa, khu tích đá cũ ngoài trời. Những phát hiện về khảo cổ học năm 1993. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung, Quang Việt, Đức Thọ: Cụm di tích thời đại đá Đầu Mầu (Quảng Trị). Những phát hiện về khảo cổ học năm 1993. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thanh Tùng: Khảo cổ học vùng Ba Lòng. Những phát hiện về khảo cổ học năm 1993. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

 Trần Quốc Vượng, Nguyễn Chiều, Lê Duy Sơn, Nguyễn Thanh Tùng: Khảo sát lại hang Dơi (Quảng Trị). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung: Mộ vò Chăm Dương Lệ Đông (vài thông tin bổ sung). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

- Đỗ Bang: Thành Thuận Châu thời Trần. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm1989. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.

Đỗ Bang: Những hiện vật bằng đá tìm thấy ở một ngôi tháp Chàm (Bình Trị Thiên). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1987. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

- Lê Đình Phúc: Những hoạt động khảo cổ học bước đầu của Trường Đại học Tổng hợp Huế. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1977. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

Lê Đình Phúc: Dấu tích tháp Chàm Trung Đơn (Hải Thành - Hải Lăng - Quảng Trị). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1991. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

Lê Đình Phúc: Một số di tích Chàm ở làng Câu Hoan (Hải Lăng - Quảng Trị). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1991. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

Lê Đình Phúc: Về dấu tích của một tháp Chàm ở Hải Xuân (Hải Lăng - Quảng Trị). Những phát hiện về khảo cổ học năm 1992. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

- Lâm Mỹ Dung, Lê Đức Thọ: Mộ vò Chăm. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

Lâm Mỹ Dung, Yến Thọ: Mộ vò Chăm. Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 3.1993..

- Hồng Kiên: Các phong cách điêu khắc Chămpa. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 4 (130).1995.

Nguyễn Hồng Kiên: Đền tháp Chămpa. Tạp chí Kiến trúc, số 4 (84). 2000.

Nguyễn Tiến Đông: Văn hóa Chămpa từ các nhà khảo cổ học Pháp đến các nhà khảo cổ học Việt Nam. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 11 (161).1997.

- Nguyễn Tiến Đông: Đôi nét về khảo cổ học Chămpa sau năm 1975. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1991. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

- Ngô Văn Doanh: Một trăm năm nghiên cứu khảo cổ học và nghệ thuật Chămpa (từ giữa thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX). Tham luận tại Hội thảo quốc tế về “Một thế kỉ Khảo cổ học Việt Nam - Thành tựu, phương hướng và triển vọng”. Hà Nội, 2001.

Ngô Văn Doanh: Một ngôi đền Chăm ở Quảng Trị. Tạp chí Xưa và nay, số 70.1999.

Duy Mạnh, Ngô Văn Doanh: Các di tích thành cổ Chămpa. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (21).1995.

- Trần Văn Tuấn: Về những di tích lịch sử văn hóa vùng cực Bắc vương quốc Chămpa. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Trường Đại học Tổng hợp Huế.1995.

Trần Văn Tuấn: Về những di tích lịch sử văn hóa vùng cực Bắc vương quốc Chămpa (hiện trạng và suy nghĩ bước đầu). Thông tin Khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Huế, số 9.1994.

- Lê Duy Sơn, Võ Nguyên Thủy, Nguyễn Chiều: Phát hiện di tích khảo cổ học Đôộng Trụi Tân Minh, Gio Thành, Gio Linh (Quảng Trị). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

Lê Duy Sơn: Bàn thêm về nguồn gốc chủ nhân của hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Gio An (Gio Linh, Quảng Trị). Thông tin Khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Huế, số 11.1998.

Lê Duy Sơn: Các giếng nước cổ ở Gio An. Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 7.1991.

Lê Duy Sơn: Dấu tích Chămpa ở Trung Sơn. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

Lê Duy Sơn: Di tích tháp Duy Viên (Vĩnh Linh - Quảng Trị). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1990. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

Lê Duy Sơn: Một số dấu tích văn hóa Chămpa ở Trung Sơn. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1990. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

Lê Duy Sơn, Nguyễn Huy Thông, Lê Đức Thọ: Phát hiện thêm một loại hình giếng mới ở Gio An (Gio Linh - Quảng Trị). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1998. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.

Lê Duy Sơn, Nguyễn Tiến Đông, Thanh Tùng: Đào thám sát di chỉ Cồn Chùa, Lâm Xuân, Gio Mai, Quảng Trị. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

Lê Duy Sơn: Phát hiện một số dấu tích văn hóa nguyên thủy ở Bắc Quảng Trị. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

11. Xin được nêu ra đây các công trình nghiên cứu tiêu biểu của các tác giả nói trên để bạn đọc tham khảo:

- Nguyễn Hữu Thông: Bàn thêm về mối quan hệ văn hóa Việt - Chăm qua hình tượng thần nữ Thiên Y Ana. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, số 4.1995.

Nguyễn Hữu Thông: Bức tranh dân cư vùng Thuận Hóa đầu thế kỉ XV qua văn bản Thỉ Thiên tự. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, số 1.1997.

Nguyễn Hữu Thông: Một số suy nghĩ về đặc điểm và hướng bảo tồn những dấu tích văn hóa vùng cực Bắc vương quốc Chămpa xưa. Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật tại thành phố Huế, số 1.2001.

- Tạ Chí Đại Trường: Thần, người và đất Việt. Văn nghệ xuất bản, California, 1989.

- Lê Hoàng Nguyên: Di tích văn hóa Chămpa ở Quảng Trị - nhìn từ những huyền tích đã được Việt hóa. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 6 (180).1999.

12. Lê Đức Thọ: Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 15.

13. Lê Đức Thọ: Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). NXB Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 34 đến 47.

14. Ngô Văn Doanh: Văn hóa Chămpa. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1994.

Trần Việt Kỉnh: Nữ thần Pônagar. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1989.

15. Tất cả các trích dẫn trong bài này đều được lấy từ sách: Lê Đức Thọ: Văn hóa Chămpa di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị). NXB Thuận Hóa, Huế, 2012.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng