Văn nghệ dân gian
Những hạn chế từ luật tục về hôn nhân và gia đình của đồng bào Cơ Tu
10:09 | 26/04/2021

NGUYỄN THẾ

Những hạn chế từ luật tục về hôn nhân và gia đình của đồng bào Cơ Tu
Nhà trai chuẩn bị đến nhà gái rước dâu (Nguồn: Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi)

Ngày trước, khi chưa hình thành hệ thống pháp luật,các cộng đồng của đồng bào dân tộc ít người đã tự đặt ra những luật tục để nhằm điều chỉnh các mối quan hệ của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội… Nhiều luật tục thành văn và bất thành văn đã hình hành và được bổ sung qua nhiều thế hệ trở thành “tập quán pháp” của các tộc người trải dài từ Bắc đến Nam, đặc biệt là những nơi cư trú lớn của các tộc người như ở vùng Tây Bắc hay Tây nguyên. Những “tập quán pháp” ấy đã đóng góp thêm những nét văn hóa đặc sắc, phong phú cho nền văn hóa Việt Nam. Từ xa xưa, người Cơ Tu ở  Thừa Thiên Huế đã từng hình thành những “tập quán pháp” để điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống gia đình và xã hội của dân tộc mình. Trải qua nhiều thế hệ cùng với sự đổi thay về hoàn cảnh xã hội đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuât cùng với sự hình thành của hệ thống luật pháp của nhà nước đối với tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Mọi người đều phải tuân theo luật pháp, được luật pháp bảo vệ. Người dân vùng miền xuôi cũng như miền núi đều bình đẳng về luật pháp. Từ đó, một số phong tục tập quán “đời người” trong xã hội vùng cao không phù hợp với pháp luật hiện tại đều bị cho là lạc hậu, lỗi thời. Thế nhưng, dấu ấn của “tập quán pháp” xa xưa ấy như vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi con người. Có những luật tục chỉ còn trong ký ức, nhưng người Cơ Tu vẫn còn ghi nhớ. Vì đó là bản sắc văn hóa tộc người đã gắn liền với đời sống của tổ tiên họ nơi rừng núi đại ngàn linh thiêng tự bao đời. Họ luôn hồi tưởng về một thời từng say sưa đắm mình trong không gian của luật tục gắn liền với lễ hội của bản làng xưa. Ngoài những yếu tố tích cực, luật tục về hôn nhân và gia đình xưa của người Cơ Tu vẫn còn có mặt hạn chế ảnh hưởng đến những luật hôn nhân và gia đình ngày nay.

Ngày trước, những người đàn ông trong gia đình người Cơ Tu có nhiều của cải và có thế lực có thể chọn vợ đẹp hoặc lấy nhiều vợ. Từ đó, nảy sinh tục “bắt vợ”hay“cướp vợ” tạo nên sự bất công trong hôn nhân và gia đình của người Cơ Tu. Cho dù cô gái đồng thuận hay không thì chàng trai với sự giúp sức của một số thanh niên trai tráng trong bản làng vẫn thực hiện tục “bắt vợ” như ở một số cộng đồng dân tộc ít người khác ở Việt Nam.  Mỗi lần lấy thêm vợ, ngoài lễ vật đưa sang cho nhà gái, nhà trai còn sẵn sàng tổ chức đâm trâu, mổ lợn mở tiệc chiêu đãi cả cộng đồng làng. Người già người trẻ trong làng mãi nhảy múa, vui say bên những ché rượu cần thâu đêm mà không hề quan tâm đến số phận người con gái Cơ Tu phải đau khổ khi lấy người mình không yêu. Ngày nay, tục “bắt vợ” trong cộng đồng người dân CơTu không còn, nhưng đàn ông CơTu lấy nhiều vợ thì vẫn tồn tại. Ở huyện Nam Đông, hôn nhân đa thê không chỉ diễn ra trong nội bộ tộc người Cơ Tu mà còn có có mặt của những phụ nữ miền xuôi đến xây dựng vùng kinh tế mới. Trường hợp ở xã Thượng Lộ, có người đàn ông lấy hai vợ, một người dân tộc và một người kinh. Đặc biệt cả 3 người không chỉ ở chung một nhà mà còn ngủ chung một giường (người chồng nằm ở giữa, phía bên phải là vợ cả người Cơ Tu, phía bên trái là bà vợ hai người Kinh), họ vẫn sinh con đẻ cái trong cùng một mái nhà và cùng nhau nuôi dưỡng chăm lo cho các con trưởng thành. Ở xã Hương Hữu có trường hợp người đàn ông CơTu mới hơn 30 tuổi nhưng có đến 4 vợ (một người dân tộc, 3 người kinh)…

Một số tộc người ở Tây nguyên trước đây theo chế độ mẫu hệ, con gái phải chuẩn bị của cải để bắt chồng, nhưng đối với người Cơ Tu thì ngược lại, vì theo chế độ phụ hệ, con gái phải về làm dâu nên gia đình chàng trai phải đáp ứng theo sự thách cưới của nhà gái. Ngày trước, sính lễ thách cưới mà nhà gái đòi hỏi có khi bằng cả một gia sản lớn: Trâu (một con); bò (một con); heo (từ 5 – 8 con); chiêng (10 – 20 cái); đồng la (5 – 6 cái); ché (5 – 6 cái); mã nảo (20 hạt, loại to bằng ngón tay cái)… đó là đối với nhà trai giàu có. Trường hợp nhà trai nghèo thì nhà gái thách cướiít hơn.Nhưng tối thiểu phải có một con trâu,còn những lễ vật khác như heo, chiêng, đồng la, mã nảo…cũng phải có, nhưng số lượng ít hơn. Đối với nhà trai quá nghèo, thì cũng phải cùng nhau thương lượng để giảm bớt lễ vật hoăc cho “nợ”.

Thông thường, sau khi đôi trai gái Cơ Tu qua thời gian tìm hiểu, quyết tâm cùng nhau xây dựng hạnh phúc thì họ báo với hai gia đình việc tiến hành chạm ngõ, cưới xin.Khi nhà trai đến nhà gáiđặt vấn đề cho đôi lứa nên duyên, nhà gái đã chuẩn bị sẵn ước định lễ vật thách cưới và thông báo cho nhà trai. Nếu nhà trai cảm thấy yêu cầu về lễ vật vượt quá sức của gia đình mình thì có thể đặt vấn đề giảm hoặc nợ một phần lễ vật. Có trường hợp đôi trai gái đã tha thiết thương nhau và muốn trọn tình gắn bó, nhưng đôi khi chỉ vì chuyện không đáp ứng được đầy đủ lễ vật thách cưới nên không đến được với nhau. Không phải nhà gái thách cưới nhiều nhưng một phần là do tác động của luật tục đối với nghi lễ cưới xin. Lễ cưới của người Cơ Tu không chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình mà cả cộng đồng làng. Ngày trước, tổ chức đâm trâu trong lễ cưới là để cầu phúc cho cô dâu chú rể, cho gia đình, dòng họ và cả dân làng. Vì vậy, gia đình nào cũng muốn thực hiện lễ đâm trâu theo tục xưa để cộng đồng cùng chia sẻ niềm vui hạnh phúc của lứa đôi.Qui mô lễ cưới của người Cơ Tu tùy thuộc vào lễ vật (trâu, bò, lợn…) và lượng rượu nhà trai đưa đến cho nhà gái. Nên có khi lễ cưới kéo dài đến ba bốn ngày. Về phía nhà gái, do thách cưới quá lớn, nên vô hình trung đã tạo nên hình ảnh của một cuộc “gã bán” con gái. Còn nhà trai, nhất là đối với nhà trai nghèo, dophải tiêu tốn của cải, lễ vật để đáp ứng với điều kiện thách cưới của nhà gái, họ phảivay mượn lễ vật của người ngoài hoặc nhận nợ lễ vật với nhà gái. Món nợ đó không chỉ là trách nhiệm của đôi trai gái hay nhà trai hiện tạiphải trả mà còn hệ lụy đến cả thế hệ tiếp theotrong gia đình.

Vì sao như vậy ? Đó mới chính là mấu chốt dẫn đến tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu và một số tộc người khác ở Thừa Thiên Huế và ở miền Trung.

Người Cơ Tu có tục con cô (ruột) lấy con cậu (ruột). Tục này được xem là vi phạm luật Hôn nhân gia đình vì đây chính là hôn nhân cận huyết. Người Cơ Tu cho rằng con cô con cậu lấy nhau thì lễ vật dẫn cưới sẽ “rẻ” hơn. Có nghĩa là lễ vật dẫn cưới được giảm bớt, ít tốn kém. Họ quan niệm trường hợp hôn nhân này như là trả món nợ qua lại giữa hai nhà trai gái (thông gia) trước đó. Nên khi người cô sinh con trai, họ mong đợi nhà người cậu sinh con gái để kết đôi chồng vợ. Ngày xưa khi nhà cô cậu sinh được con gái, họ không đợi đến 13, 14 tuổi mới cưới về cho con trai mà có khi mới 7, 8 tuổi đã xin nhà cậu nhà cô đưa về nuôi cho đến khi đến tuổi làm lễ cưới (13, 14 tuổi). Sở dĩ có tục đó là vì họ sợ rằng cô con gái của nhà cô nhà cậu bị con trai nhà giàu ngang nhiên bắt làm vợ. Trường hợp vay mượn lễ vật của người ngoài họ tộc để làm lễ cưới với lời hứa sau này sẽ gả con gái cho gia đình chủ nợ thì hệ lụy lại càng phức tạp hơn. Nếu đời vợ chồng đó không sinh được con gái để gã bán cho gia đình “chủ nợ” thì phải chuyển xuống thế hệ kế tiếp (tức là con gái của con trai mình) sẽ được gã để trả nợ.Người Cơ Tu gọi đây là món nợ “đầu tôi”. Nếu người con gái của người mang món nợ “đầu tôi” vì một lý do gì đó không tuân thủ theo sự sắp đặt của gia đình, tức là không chịu làm dâu ở gia đình chủ nợ thì sẽ bị phạt vạ gấp đôi lễ vật đã vay mượn trước đây. Đương nhiên khi phạt vạ vẫn có vai trò tham gia của cộng đồng.

Việc thách cưới quá cao theo luật tục xưa trong cộng đồng Cơ Tu và các tộc người khác ở Thừa Thiên Huế là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ bao đời nay. Nhiều năm qua, luật hôn nhân gia đình; chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản đã được tuyên truyền đến tận các vùng đồng bào dân tộc ít người trên khắp cả nước. Tuy nhiên vấn nạn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xãy ra ở một số nơi,gâytrở lực lớn trong tiến trình xây dựng đời sống văn hóa đối với các vùng cao, vùng sâu, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người. Tảo hôn vàhôn nhân cận huyết thống đã dẫn đến những tác hại về chất lượng dân số, nòi giống bị suy giảm, sức khỏe bà mẹ trẻ em không đảm bảo; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Chắc chắn sẽ tạo những trở lực lớn trong việc phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không những vi phạm về luật hôn nhân gia đình mà còn ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nhằm giảm thiều tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều địa phương đã triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu biết về Luật hôn nhân gia đình, Luật trẻ em, Luật bình đẳng giới… Đại đa số người dân vùng dân tộc ít người đã hưởng ứng và thực hiện tốt việc đẩy lùi các hủ tục về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Song để pháp luật tiếp tục đi sâu vào cuộc sống của người dân, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền vận động và có nhiều chính sách đầu tư phát triển về kinh tế xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra,với mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

 

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thế
Các bài mới
Các bài đã đăng