Văn nghệ dân gian
Một lần đến với Thượng Long
09:44 | 28/04/2021

PHAN THUẬN THẢO

Một lần đến với Thượng Long
Tổng thể nhà guơl

Tuy chỉ cách thành phố Huế khoảng 45 km, nhưng đối với một người miền xuôi như tôi, vùng đất Nam Đông là một nơi đồi núi xa xôi, khó có dịp đặt chân đến. Vì vậy, khi nghe tin Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức trại sáng tác ở Nam Đông, tôi xin đăng ký ngay để có cơ hội đến với vùng đất này.

Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi có 15 người, bao gồm nhiều chuyên ngành: âm nhạc, văn học, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, mỹ thuật cùng tham gia. Vừa lên xe, mọi người đã háo hức bàn tán về vùng đất mà mình sắp đến, nơi có tộc người Cơ Tu sinh sống. Đối với tôi, văn hóa tộc người Cơ Tu vẫn còn là một ẩn số. Qua những gì tìm hiểu trước trên mạng internet, tôi chỉ biết rằng tộc người Cơ Tu hiện có 103.000 người, sinh sống chủ yếu tại vùng đồi núi tây Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Với lượng thông tin ít ỏi như vậy, tôi đến với người Cơ Tu bằng một trạng thái “rỗng”, một tâm thế hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Điều này cũng có cái hay là văn hóa Cơ Tu sẽ đi vào lòng tôi một cách tự nhiên nhất, dễ dàng nhất, như “gió vào nhà trống”. Với những chữ “rỗng” và chữ “không” đó, tôi háo hức vượt qua những đoạn đèo dốc quanh co, đồi núi chập chùng tuyệt đẹp để đến với người Cơ Tu.

Điểm dừng chân của chúng tôi lần này là xã Thượng Long, từng là một xã nghèo nhất của huyện Nam Đông. Xã được thanh lập vào năm 1973, khi người Cơ Tu từ Quảng Nam di cư sang. Đến nay, với sự đầu tư của nhà nước, xã đã có hạ tầng cơ sở khá khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã về với vùng sâu nơi đây. Chiếc xe chầm chậm lăn bánh trên con đường nhỏ chạy ngang qua xã, đưa chúng tôi thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào Cơ Tu. Hai bên đường, tôi hiếm thấy có nhà sàn mà chủ yếu là kiểu nhà trệt như của người Kinh ẩn hiện sau những rặng tre, hồ nước, hàng cau, điều đó cho thấy mức độ Kinh hóa đã khá cao. Vào đến trung tâm xã, xe dừng bánh trước một ngôi nhà gươl rất đẹp mới xây, là nơi làm chỗ tá túc cho anh em trong đoàn 2 ngày ở đây.

Ngôi nhà gươl là nơi sinh hoạt cộng đồng, có chức năng tương tự như ngôi đình của người Kinh, chỉ khác là không có thờ Thành hoàng.

Ngôi nhà nằm ở vị trí trung tâm, nổi bật lên như bộ mặt của bản làng, nơi còn gìn giữ dáng dấp văn hóa Cơ Tu. Đó là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái lợp bằng những sợi mây đan khít lại với nhau, bên trên là một lớp lá để làm mát.


Cận cảnh nhà gươl


Mái nhà gươl lợp bằng những sợi mây

Nếu là nhà của một gia đình bình thường thì người ta bố trí bếp lửa ngay trong nhà, để khi khói bốc lên, những sợi mây ám khói sẽ trở nên chắc bền hơn. Giữa nhà là chiếc cột cái quan trọng nhất, được trang trí bởi hình vẽ mang tính tượng trưng với những tia sáng màu đỏ mà tôi hình dung như là những tia mặt trời .


Hình ảnh trang trí trên cột chính của nhà gươl

Mặt ngoài ngôi nhà gươl được trang trí bằng những hoa văn đặc trưng của người Cơ Tu, có những họa tiết hình thoi tương tự như trên váy áo của các cô gái Cơ Tu.


Hoa văn trang trí trên nhà gươl

Một điều nữa gây ấn tượng với tôi là người Cơ Tu có nét mặt rất đẹp. Một gương mặt Cơ Tu điển hình có các đường nét rõ ràng, đôi lông mày đen  rậm không che được ánh sáng lấp lánh của đôi mắt đen và sâu, nước da thẩm màu hơn người Kinh, trông rất có duyên.


Người Cơ Tu (anh Dâng, Trưởng thôn 2, xã Thượng Long)

Khuôn mặt phụ nữ có đường nét mềm mại hơn nam giới. Mọi người đều nói được tiếng Kinh, kể cả trẻ em, nên rất dễ giao tiếp. Và cái đáng yêu nhất là sự hiền hòa, mến khách toát ra trên gương mặt với những nụ cười hiền và cách cư xử thân thiện của đồng bào Cơ Tu.

Đêm đầu tiên, đoàn chúng tôi được lãnh đạo huyện và xã tiếp đãi một bữa ăn thịnh soạn nhưng không kém thân tình, trong đó có đặc sản là rượu Tà Rương Mão thơm mùi rễ cây và có vị ngọt hậu (Những ngày sau, chúng tôi còn được già làng chiêu đãi rượu ngâm từ sản vật rừng quý hiếm, rất ngon). Đêm ấy, chị em trong đoàn gồm 3 người được bố trí ngủ tại nhà của trưởng thôn – một căn nhà trệt kiên cố, khang trang. Đón chúng tôi là nụ cười hiền hòa, hiếu khách của chị chủ nhà, khiến cho cảm giác áy náy vì sợ làm phiền chủ nhà của tôi bị xóa tan ngay lập tức. Chị bảo các cô cứ ngủ đi, con trai và con dâu của chị đang ra suối bắt con cá, con ếch. Nghe mà thèm, tôi ao ước được đi theo cùng để được trở lại những tháng ngày tuổi thơ.

Sau giấc ngủ vùi trút đi một ngày mệt nhọc, khoảng 2 giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi… một tiếng chim. Tiếng chim vang vọng khắp núi rừng, nghe rõ mồn một giữa đêm thanh vắng. Đây chính là tiếng chim đã đi vào huyền thoại với câu chuyện cổ tích Bắt cô trói cột của đồng bào miền núi (tôi không rõ của tộc người nào), và được người đời đặt thêm bao nhiêu là tên mới theo sự cảm nhận và trí tưởng tượng của mình: Năm trâu sáu cọc, Qua kèo qua cột, Khó khăn khắc phục, Chín cô bốn chục, Đuổi Tây đánh Nhật, Cơm còn cho cục… Riêng tôi, vì là dân làm âm nhạc nên khi nằm thao thức nghe tiếng chim, tôi ký âm là Sol fa sol rệ.

Bị cuốn hút bởi tiếng chim đầy ấn tượng, tôi không tài nào ngủ lại được nên trở dậy, ra trước hiên ngồi nhìn màn đêm đen kịt. Và ở đây, tôi được nghe một bản giao hưởng tuyệt vời của rừng núi về đêm: tiếng dế râm ran tạo nên những âm thanh trì tục nhiều bè làm nền cho cả dàn nhạc, cùng với đó là tiếng suối chảy rì rào với một âm sắc hoàn toàn khác, êm ái như tiếng dàn dây; trên nền hòa âm đó là tiếng ếch nhái kêu ộp oạp như những tiếng kèn gỗ, kèn đồng; và nổi bật lên trên tất cả là sự lĩnh xướng của tiếng chim Qua kèo qua cột hay Sol fa sol rệ như tôi đã ký âm. Tôi cứ ngồi đó, ngây ngất trong bản giao hưởng độc lạ này, cảm nhận rõ từng phút giây thời gian chầm chậm trôi miên man và ước rằng đêm nay sẽ không bao giờ chấm dứt…

Ngày hôm sau, tôi đi theo nhóm các anh chị nhiếp ảnh gia nên biết được các thắng cảnh ở Thượng Long: đập tràn Hương Giang hùng vĩ và thơ mộng, những rừng cao su ngút ngàn, những ghềnh suối róc rách… Khi băng qua các ghềnh suối, trong khi chúng tôi phải lần dò từng bước vì sợ bị trượt chân, các cô mẫu ảnh người Cơ Tu thì cứ nhảy nhót từ tảng đá này sang tảng đá khác nhẹ nhàng như chim chuyền cành, các cô lại còn trò chuyện líu lo với nụ cười tỏa nắng. Thật đáng thán phục!


Non nước hữu tình


Đập tràn Hương Giang

Chỉ hơn một ngày ở Thượng Long mà tôi đã biết thêm được bao nhiêu điều mới mẻ cùng với những trải nghiệm tuyệt vời. Ngày mới lên cũng là lúc chúng tôi phải nói lời tạm biệt và tri ân với đồng bào, với bản làng, với rừng sâu núi cả. Trở lại với cuộc sống đời thường và vô thường, nhưng chắc chắn có một điều hằng thường là bản giao hưởng của rừng núi về đêm, những bình minh trong lành, những nụ cười, ánh mắt thân thiện của đồng bào Cơ Tu… sẽ không bao giờ bị xóa nhòa trong tâm trí tôi.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng