Văn nghệ dân gian
Quy trình Têng Ping truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
14:29 | 06/05/2021

TRẦN ĐỨC SÁNG

Quy trình Têng Ping truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhà mồ của người Cơ Tu

1. Mở đầu

Têng Ping trong ngôn ngữ của người Cơ Tu có nghĩa là “làm mồ”, đây là một chuỗi hoạt động văn hóa tín ngưỡng mà người sống dành cho những người “chết tốt”[1] và diễn ra nhiều ngày, liên quan đến gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. Têng Ping với ý nghĩa tiễn đưa linh hồn người chết về với cõi vĩnh hằng thông qua các nghi lễ, hiến sinh, ẩm thực, văn nghệ dân gian và cuối cùng  ngôi nhà mồ đã thể để lại nhiều giá trị độc đáo vừa mang tính nghệ thuật đặc trưng, cùng nhiều ý nghĩa liên quan đến đời sống tâm linh.

Trong quan niệm truyền thống của người Cơ Tu, nếu mỗi thành viên ra đời sẽ được cộng đồng thừa nhận bằng nhiều nghi lễ trong chu trình vòng đời như lễ đặt tên, trưởng thành… đóng góp đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và song hành trong quá trình phát triển theo mặt thời gian của làng, thì Têng Ping là lễ nghi cuối cùng, là dấu ấn chấm dứt sự tồn tại của cá nhân đó đối với cộng đồng.

Qua khảo sát thực tế trên địa bàn cư trú của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi muốn giới thiệuquy trình mộtTêng Ping truyền thống để thấy rõ vai trò của nó trong đời sống văn hóa của người Cơ Tu nơi đây.

2. Một vài đặc điểm người Cơ Tu và địa bàn huyện Nam Đông

- Một vài đặc điểm người Cơ Tu

Người Cơ Tu là một trong những tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mon - Kh’mer,thuộc ngữ hệ Nam Á, sinh sống ở Việt Nam và nước bạn Lào, có dân số khoảng 92.217 người[2]. Ở Việt Nam, người Cơ Tu cư trú chủ yếu trên ba huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, một bộ phận sinh sống tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc), huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ở Thừa Thiên Huế, người Cơ Tu cư trú chủ yếu ở huyện Nam Đông, A Lưới và xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà. Ở nước bạn Lào, người Cơ Tu cư trú ở một số tỉnh như Sê Kông, Saravan và Chăm-pa-sắc.

Tên gọi dân tộc Cơ Tu hiện có nhiều cách gọi và phiên âm khác nhau như: Katu, Cơ tu, Cờ tu/Tu, K’tu/C’tu, Ka tu/Tu... Tuy nhiên, cách viết cũng như tên gọi được công nhận chính thức bởi Nhà nước Việt Nam và được sử dụng trong các văn bản hành chính từ năm 1979[3]là Cơ Tu/Cơ-tu.

Ở huyện Nam Đông Người Cơ Tu có 11.715 nhân khẩu, sống tập trung ở các xã Thượng Long (2.667 người), Hương Hữu (2.870), Thượng Nhật (2.145 người), Thượng Quảng (1.191 người), Hương Sơn (1.468 người), Thượng Lộ (1.194 người) và Hương Phú (108 người)[4].

- Đặc điểm địa bàn huyện Nam Đông

Nam Đông là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm về phía Tây Nam, cách thánh phố Huế khoảng 50km, có diện tích khoảng 698,77km2. Phía Tây giáp huyện A Lưới, phía Đông giáp huyện Phú Lộc, phía Nam giáp huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), phía Bắc giáp thị xã Hương Thủy. Nam Đông là địa bàn có nhiều xáo trộn về mặt hành chính. Trước năm 1945, vùng đất này được gọi là “nguồn”[5] Tả Trạch và Hữu Trạch[6] của Thừa Thiên Huế. Sau năm 1945, để thành lập một hệ thống hành chính mới, chính quyền cách mạng đã xóa bỏ đơn vị hành chính nguồn, hình thành một số xã. Các xã thuộc nguồn Tả nhập vào địa bàn huyện Phú Lộc gọi là xã Đại Hóa, các xã thuộc nguồn Hữu nhập về Hương Trà. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Thượng Du (bao gồm vùng núi Thừa Thiên) rồi đổi tên thành quận Nam Hòa. Sau đó, sắp xếp lại địa danh hành chính theo các quận và địa bàn cư trú của người Cơ Tu thuộc quận 4, gồm 8 xã: Thượng Nhật, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Sơn, Hương Nguyên và Hương Lâm. Đến năm 1976, hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới được thành lập trên cơ sở quận 1, quận 3 và quận 4. Nam Đông gồm 6 xã[7] và thêm 3 xã kinh tế mới của người Kinh ở từ vùng đồng bằng lên gồm xã Hương Lộc, Hương Phú và Hương Giang. Đến tháng 3 năm 1977, huyện Nam Đông nhập vào huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 10 năm 1990, huyện Nam Đông được tách ra từ huyện Phú Lộc bao gồm 9 xã như cũ. Năm 1994, với việc thành lập huyện lỵ Khe Tre, xã Hương Lộc được chia thành 3 xã đơn vị hành chính: Hương Lộc, Hương Hòa và thị trấn Khe Tre[8].

Từ năm 1994 - 2019, huyện Nam Đông có tổng cộng 11 đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn, bao gồm: Khe Tre, Hương Phú, Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Sơn, Hương Giang, Hương Hữu, Thượng Lộ, Thượng Long, Thượng Nhật và Thượng Quảng. Tháng 12 - 2019 xã Hương Giang và Hương Hòa được sáp nhập lấy tên là Hương Xuân. Như vậy tính đến thời điểm này, huyện Nam Đông chỉ còn lại 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn.

3. Quy trình Têng Ping truyền thống

3.1. Quá trình chuẩn bị

Têng Ping của người Cơ Tu chỉ dành cho những đối tượng chết tốt, do vậy trong một dòng họ, những gia đình của người thân chết tốt sẽ ấn định thời gian, quy mô tổ chức Têng Ping, một cuộc Têng Ping có khi chỉ tổ chức cho một người và có khi lên chục người. Dòng họ của người Cơ Tu theo phụ hệ nên các họat động này chủ yếu thuộc về nhà trai trưởng hoặc chủ họ. là một công việc quan trọng, liên quan đến các hoạt động sản xuất, các vị thần linh (Yàng) cây trồng, nhân lực của cộng đồng, do vậy thời gian tổ chức sẽ được thực hiện vào những tháng nông nhàn, thông thường vào khoảng tháng 12 âm lịch, sau khi các hạt lúa đã nằm yên vị trong kho  là thời điểm tổ chức thích hợp nhất.

Người Cơ Tu thường dựa vào mặt trăng để nhận biết dấu hiệu thời gian cũng như nông lịch và ngày tháng tốt để tổ chức các sự kiện. Mỗi họat động được nhìn từ dấu hiệu của mặt trăng và tương ứng với 30 ngày trong tháng. Đối với Têng Ping người Cơ Tu cũng phải chọn ngày lành để tổ chức. Vào một ngày đẹp trời[9], chủ nhà đi đến khu nghĩa địa ở phía Tây, nơi giành riêng cho những người chết tốt trong gia đình và dòng họ (cabu) để tìm vị trí đất tốt cho công việc dựng nhà mồ của những người đã khuất trong thời gian tới. Người Cơ Tu quan niệm, đất đai trên rừng ma đều có chủ và muốn nhận biết điều này cần phải thử đất (xo ca tiếc), đây là công việc đơn giản nhưng mang nhiều tính chất tâm linh. Sau khi chọn được đám đất ưng ý, họ cầu khấn các vị Yàng trong rừng, xin chỉ phần đất tốt cho gia đình chọn làm nhà mồ - nơi yên nghỉ cuối cùng của người đã khuất. Người Cơ Tu ở Nam Đông có nhiều cách thử đất khác nhau, nhưng phổ biến nhất chúng tôi nhận thấy một số cách sau:

Cách thứ nhất:

Người Cơ Tu ở xã Thượng Long thường dùng trứng gà (ca râu a tứt) để biết phần đất đã có chủ hay không, người Cơ Tu lấy quả trứng gà ném vào vị trí đất đã chọn, nếu quả trứng đó bị vỡ ra, đám đất này sẽ được chọn, và ngược lại[10]. Một cách thử đất khác là lấy quả trứng chôn xuống chỗ đất định chọn, ba đến sáu ngày sau nếu quả trứng đó vẫn nằm nguyên, không bị lộ ra ngoài thì đó là đất tốt.

Cách thứ hai:

Một số địa phương như xã Thượng Quảng, Thượng Nhật, Thượng Lộ, Hương Sơn và Hương Hữu thường sử dụng bằng ruột của cây đót: dùng 6 sợi dây trong ruột của một cây đót, cột các múi đó lại với nhau một cách ngẫu nhiên. Nếu các sợi dây đó liên kết nhau tạo thành một vòng tròn, thì chỗ đất đó được chọn làm nhà mồ và ngược lại

Cách thứ ba:

Dùng 6 hạt gạo đặt vào trong ống lồ ô nhỏ, sau một đêm nếu các hạt gạo trong đó không bị vỡ ra thì đất đó sẽ được chọn làm nhà mồ và ngược lại…

Khi đã chọn được đám đất ưng ý, người Cơ Tu ấn định thời gian và thông báo cho người thân ở xa sắp xếp công việc của mình để về dự Têng Ping.

Têng Ping là một họat động lớn, tốn kém về mặt kinh tế cũng như thời gian chuẩn bị. Do vậy, các thực phẩm như trâu, heo, gà, cá và các loại nếp… đã được gia chủ chuẩn bị từ những năm trước.

Gỗ làm nhà mồ cũng được người thân trong dòng họ vào rừng khai chuẩn bị sẵn. Công việc chọn gỗ cũng có những nguyên tắc, các loại gỗ được chọn làm nhà mồ chủ yếu là gỗ có độ mềm vừa phải, dễ gia công, chịu được những tác động của môi trường, phải là gỗ cây nguyên khối, cây không bị chết, không bị cong vênh, hoặc không bị các cây dây leo bám vào. Người Cơ Tu cho rằng những cây bị lỗi thường đã có chủ, nên không dám khai thác. Khi chọn được những cây ưng ý, người Cơ Tu đánh dấu quyền sở hữu của mình lên thân cây báo hiệu cho những người đến sau không được khai thác. Thông thường việc đi khai thác gỗ được chọn vào những ngày tốt, nhưng nằm về cuối tháng (khoảng 23, 24 al), trên đường đi nếu phát hiện thấy những dấu hiệu xấu như nghe tiếng con mang kêu thì công việc bị hủy bỏ….

Những công đoạn chuẩn bị cho Têng Ping như: chọn đất, khai thác gỗ, thực phẩm từ rừng… đều do những người đàn ông đảm nhiệm. Đối với nữ giới, những họat động chăn nuôi, chuẩn bị gạo nếp, men rượu… cũng không kém phần quan trọng, bởi công việc tuy đơn giản nhưng mất nhiều thời gian, đặc biệt là những người biết dệt vải, đã dành thời gian dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp để tặng cho người quá cố khi về với thế giới tổ tiên….

Việc đóng góp tài sản cho những ngày Têng Ping của dòng họ sắp tới cũng được gia chủ bàn bạc kỹ lưỡng. Nguyên tắc đóng góp trong các nghi lễ truyền thống của người Cơ Tu được quy định theo nhà bên nội/trai và ngoại/gái. Nếu nhà phía bên nội tổ chức Têng Ping thì những người đóng góp phải là con vật 4 chân, cùng một số gạo, nếp, rượu… nếu nhà bên ngoại tổ chức thì các lễ vật sẽ là con vật 2 chân, cùng một số cá, chiếu, đồ dệt…. Trường hợp đóng góp này cũng áp dụng tương tự cho phía thông gia của con cái trong gia đình, dòng họ. Đối với những người ngoại tộc, việc giúp đỡ hay đóng góp đều tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của họ.

3.2. Các bước thực hiện

+ Làm nhà mồ

Ngày ấn định đã đến, những người thân đã tập trung đầy đủ nhà gia chủ, công việc Têng Ping được bắt đầu, có thể nói việc đầu tiên là dọn dẹp vị trí định sẵn nơi đám đất đã được chọn từ trước. Tại đây, những người thợ trong làng sẽ thể hiện đôi bàn tay tài hoa của mình để biến những khúc gỗ thành một nghệ thuật tâm linh… Qua các bàn tay của nghệ nhân, ngôi nhà mồ sẽ dần được hoàn thành trong thời gian tới. Do quan niệm làm nhà mồ mang tính chất tâm linh, liên quan đến cái chết, trong quá trình tạo tác, tất cả các thành viên phải chế tác trực tiếp tại nghĩa địa, không được mang về nhà thực hiện trong khu vực của làng. Trước đây, người Cơ Tu không có thước đo, do vậy họ dùng các bộ phận trên cơ thể người để quy chuẩn cho ngôi nhà mồ. Ví dụ: dùng các sải tay, gang tay, ngón tay, khuỷu tay… làm thước. Đặc biệt là các nghệ nhân dùng rìu, rựa, một số dụng cụ đơn giản để chế tác nhà mồ. Đối với các dòng họ, nếu người quá cố càng nhiều thì thời gian và tạo tác ngôi nhà mồ càng lâu và càng lớn. Trong thời gian này, người dân tập trung tại nhà gia chủ để giúp đỡ những công việc cần thiết, chờ ngày vào công việc chính. Thời gian này những lễ vật mà các gia đình con rể (cha xao), gia đình con dâu (cha xui) cùng một số người thân mang đến[11], tại đây gia chủ cũng chuẩn bị các thực phẩm để tiếp đãi. Những ngày tiếp theo vẫn là những họat động ăn uống vui mừng trong khuôn khổ thực phẩm gia chủ có sẵn. Luật tục Cơ Tu quy định, khi trong làng tổ chức các họat động liên quan đến tang ma, những công việc khai thác, săn bắn, sản xuất sẽ bị cấm. Do vậy, hằng đêm người trong làng tập trung tại nhà gia chủ ăn uống, trao đổi các công việc về làm nhà mồ giúp đỡ gia chủ khi có việc cần. Thời điểm này các họat động nói lý được diễn ra giữa những người lớn tuổi, các gia đình thông gia… Chính nơi đây sẽ giúp những người trẻ tuổi được học thêm kinh nghiệm sống từ những người đi trước.

+ Bốc mộ

Khi ngôi nhà mồ cơ bản đã hoàn thành từ những đôi bàn tay tài hoa của người thợ. Người Cơ Tu tiến hành bốc mộ, đây chính là một trong những công đoạn quan trọng trong Têng Ping. Bởi các họat động chính về những nghi lễ sẽ bắt đầu vào giai đoạn này. Những năm 2000 đến nay chúng tôi khảo sát Têng Ping  người Cơ Tu ở huyện Nam Đông cho thấy: Người thân của những người chết đi đến nghĩa địa của làng[12] để lấy hài cốt những người đã khuất. Trước khi đào các ngôi mộ, người Cơ Tu đã chuẩn bị một số lễ vật như máu gà, heo, cá, bánh quốt, rượu… ném xuống từng ngôi mộ cho các hồn ma ăn. Trong quá trình thực hiện những nghi lễ này, luôn phải có trống, chiêng đi kèm. Người ta nhặt lấy phần xương của người chết còn sót lại trong quan tài[13] gói cẩn thận vào những tấm chiếu, dùng những tấm vải áo, váy đẹp nhất được đắp lên hài cốt người chết và mang về nhà, để ở một góc sân[14]. Khi đã hoàn tất việc lấy hài cốt người chết, người Cơ Tu thường lật ngửa nắp quan tài lên, với ý niệm sau này trong gia đình và dòng họ (cabu) sẽ có ít người chết.

+ Nuôi hồn người chết và hiến sinh

Tại đây, người Cơ Tu dựng lên một cái lều bằng những tấm vải thổ cẩm (halâu bhui) để các linh hồn người chết trú ngụ trong thời gian đưa họ về nhà mới, đây chính là cơ hội cuối cùng để người thân chăm sóc, chuyện trò với linh hồn người đã khuất. Người Cơ Tu tin rằng: sản phẩm dệt sẽ tránh những hồn ma xấu từ trên cao làm hại mọi người, nó là những ranh giới/không gian thiêng giữa cõi sống và cõi chết hay nói cách khác sản phảm dệt đã phân định khu vực mà các thế người chết xấu/ma xấu/yàng xấu (abhui yàng) và chết tốt/ma tốt/yàng tốt (abho yàng) không bao giờ được lẫn lộn trong vào các nghi lễ. Vì vậy, sản phẩm dệt luôn có mặt trong những cái chết tốt (chét liêm) của người Cơ Tu, nó được hiện diện với nhiều chức năng khác nhau, là chủ đề trang trí ở khu vực thờ cúng, dùng tấm vải đẹp tạo nên một gian thờ trong ngôi nhà, hay trùm lên thi thể, phủ kín quan tài người chết. Bên trong lều cúng được đặt những vật phẩm như chum, ché và các đồ dùng sinh họat hàng ngày, đặc biệt là những trang phục, trang sức… để chuẩn bị cho các nghi lễ tiếp theo.

Trước ngày diễn ra lễ chính của Têng Ping, mọi công việc gần như hoàn tất, cột trâu đã dựng lên, trâu cũng đưa vào cột để chuẩn bị cho cuộc hiến tế vào sáng sớm ngày mai. Nếu như trong các cuộc hiến sinh trâu của người Cơ Tu liên quan đến những lễ hội của cộng đồng cột đâm trâu được làm công phu, thể hiện nhiều giá trị nghệ thuật cũng như tâm linh trên đó, thì ngược lại, cột đâm trâu trong Têng Ping của Cơ Tu rất đơn giản[15], người ta chỉ lấy một thân cây nhỏ chôn xuống đất với chức năng giữ trâu, phần đầu cột có đặt những thanh tre vót tua (zi nơr), tạo nên biểu tượng bông lúa.

  Có thể nói, đây là thời gian đỉnh điểm của Têng Ping, bởi các hoạt động nghi lễ sẽ được diễn ra vào ngày hôm đó. Tất cả các nghi lễ cúng tế được tập trung vào giai đoạn này. Đối với người Cơ Tu, các họat động cúng tế thường chia ra hai giai đoạn. Giai đoạn đầu gọi là cúng sống (bhuôi hất), có nghĩa là đưa con vật hiến tế vào trước bàn thờ để trình báo với các vị Yàng là họ sẽ dâng con vật này lên cho các Yàng, “con vật này đang sống, chúng tôi muốn dâng lên các linh hồn tốt, cầu xin các vị hãy đón nhận linh hồn của chúng và đợi các lễ vật được nấu chín rồi mời các ngài về dự”. Trong quá trình cúng, người Cơ Tu đánh chiêng trống để báo hiệu cho các hồn ma về chứng kiến.

Trong lều cúng ma, mỗi linh hồn người chết được người Cơ Tu dành một mâm (apớ abhui) bằng gỗ, có hình vuông có kích thước khoảng 40cm, bốn góc thường có các hình tượng người nam nữ nhảy múa, đánh trống, thổi kèn, hình đầu gà… được tô vẽ bởi ba màu đen, đỏ và trắng. Bên trong được đặt một số đồ ăn cho các linh hồn như trứng gà, rượu, thuốc lá, cơm, chuối và một số bộ phận nội tạng của vật hiến sinh[16] cùng váy, áo, thắt lưng cho nữ giới và những tấm khố, choàng cho nam giới. Tất cả các mâm này sẽ được đưa ra nhà mồ và đặt lên đó vào những ngày cuối cùng, đây chính là nơi dành cho linh hồn người chết đi theo. 

Đêm hôm đó, tiệc đãi khách tiếp tục diễn ra, nhưng với không khí linh thiêng hơn, bởi tại đây việc cúng tế, các món ăn có phần thịnh soạn hơn, tất cả các lễ vật mà người thông gia, họ hàng mang đến đều được dâng lên cho linh hồn người linh hồn người chết. Tại đây các gia đình thông gia, họ hàng và những người đã tham gia lấy hài cốt của người đã khuất đều có mặt đông đủ, họ được trân trọng mời vào gian giữa để gia chủ nói lời cảm ơn qua hình thức nói lý. Từ đây đến sáng  mọi người cùng đánh trống, chiêng thay nhau nhảy múa xung quanh trâu. Trong Têng Ping, những người phụ nữ thường múa (yayã) hoặc khóc thương người chết (ca lâu). Đàn ông dùng tiếng trống, chiêng để kể lại những việc người chết trước đây thường làm (ca lênh). Trống của người Cơ Tu có 2 loại và được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, trống lớn (ca thu), trống nhỏ (chơrgấc). Việc sử dụng trống lớn luôn dành cho những nghi lễ hiến tế trâu và phải đi kèm với trống nhỏ. Đi cùng với trống là cồng (có núm) và chiêng (không có núm), ở người Cơ Tu phân biệt nhiều loại cồng và các loại chiêng. Về cách đánh cồng chiêng cũng có nhiều kiểu khác nhau: Đối với cồng được đánh bằng dùi hoặc tay chỉ dùng vào các nghi lễ lớn quan trọng như đâm trâu và một số hoạt động liên quan đến tang ma... Đối với chiêng người sử dụng đeo vào vai phải, tay phải cầm dùi đánh lên mặt ngoài, tay trái đánh vào mặt trong để ngắt nhịp hoặc tạo âm thanh… pơrơno người sử dụng tay phải cầm dùi, đánh ở mặt ngoài, lòng và các ngón tay trái đệm trên mặt để ngắt nhịp âm, những loại này trong Têng Ping đều được người Cơ Tu sử dụng.

Theo khảo sát của chúng tôi tại các địa bàn có người Cơ Tu sinh sống trên huyện Nam Đông cho thấy: nếu một lễ hội đâm trâu vui mừng của cộng đồng thì đều phải có mặt ba loại cồng, chiêng và Pơrơno, nhưng cồng chỉ 1 chiếc duy nhất, còn chiêng và Pơrơno sẽ tùy thuộc vào số người tham gia hoặc số lượng của nhạc cụ trong làng. Ngoài ra 1 trống lớn (cathu) làm nhịp đệm cho cồng, 2 trống nhỏ (chơgâấc) làm nhịp đệm cho chiêng và pơrơno không thể thiếu vắng. Luật tục Cơ Tu quy định nhiều cách đánh chiêng khác nhau, trong nghi lễ đâm trâu, cồng chỉ dùng được dùng 1 chiếc duy nhất, luôn đi cùng với trống lớn, nó chỉ được sử dụng vào mục đích hiến tế cao nhất đó là đâm trâu, và trong các nghi lễ liên quan đến tang ma.

Cácbài chiêng/kiểu đánh chiêng trong Têng Ping của người Cơ Tu thường được đánh 2 nhịp điệu, điệu thứ nhất thứ nhất là cúng sống (bhuôi hất) người ta đánh cồng chiêng cùng trống mời thần về tham dự và chứng kiển cảnh hiến tế trâu, cách đánh thường chậm và đều đặn không được ngắt quảng người ta thường gọi kiểu đánh này là đhrưng lươu. Luật tục Cơ Tu quy định: Tùy vào thân phận người quá cố để kéo dài hồi cồng, chiêng trống báo hiệu, nếu người quá cố có một vị trí lớn trong làng (vil/vêl) thì hồi trống sẽ kéo dài mười hai hồi, thậm chí 20 hồi đối với vị già làng tốt. Trong thời gian nuôi linh hồn người chết (băn rơ vai camoach) được lưu lại tại nhà, mỗi lần cúng thức ăn cho người chết tiếng cồng, chiêng lại được nổi lên kết hợp với một vài giai điệu khóc trâu (nơi tơrí) và thêm lời khóc calâu, calênh. Điệu thứ 2 khi thịt trâu và các thức ăn đã được nấu chín, người ta lại cúng tiếp gọi là cúng chín (bhuôi chân) nhưng cùng một nhịp điệu lặp và tiễn đưa linh hồn người chết ra mộ mới.

Người Cơ Tu quan niệm khi gia đình có chuyện vui, thì các thế lực hung ác, các hồn ma của những người chết xấu sẽ lảng vảng xung quanh. Vì vậy họ thường dùng những ống tre đựng một ít máu và một số thức ăn để ở ngoài đường, dành riêng cho chúng. Do tổ chức đâm trâu liên quan đến người chết, nên người Cơ Tu tiền hành vào khoảng 4-5 giờ sáng, lễ đâm trâu được tiến hành. Đối với người Cơ Tu, trong các nghi lễ hiến sinh bao giờ cũng tiến hành cúng sống (bhuôi hất), tức là cúng trâu còn sống cho thần linh, mời các thần về tham dự và chứng kiến. Tại đây, không khí của nghi lễ đã đến, khi tất cả các lễ vật dâng lên cho trâu đã được chuẩn bị, người ta mang nó nhảy múa xung quanh con trâu với ngụ ý dâng lên trâu các đồ vật mà họ có[17]. Nghi lễ đâm trâu trong Têng Ping của người Cơ Tu phải tuân thủ những quy tắc sau: (1). Trước khi giết trâu, người Cơ Tu thường khóc thương trâu (nơi tơrí). (2). Phải có một người khác dòng họ (thông thường là người con rể) cầm vũ khí với hành động đâm giả vờ qua lưng trâu. Bởi xuất phát từ quan niệm nếu cùng dòng họ, đâm trâu sẽ có nguy cơ làm hại tới người thân. (3). Khi trâu chết, họ đổ xôi, rượu vào miệng trâu với ý nghĩa linh hồn của trâu khi về với các thần linh sẽ được ăn uống đầy đủ, đồng thời truyền tải ước nguyện của họ đến với tổ tiên ban cho cuộc sống yên bình, không về phá hoại người sống, mùa màng tươi tốt… những tấm vải đẹp sẽ đắp lên vết đâm trên mình trâu khi nó ngã xuống, với ngụ ý là động viên nó hãy đến với các vị abhô yàng và báo rằng từ nay trâu thuộc về họ, những sản phẩm dệt là một phần của cải mà con người đã dành cho trâu, đây là hình ảnh mang đậm tính nhân văn mà ở người Cơ Tu là điển hình tiêu biểu.

Khi lễ các bộ phận của vật hiến sinh được nấu chín, người ta tiến hành cúng chín (bhuôi chân), tuy nhiên đối với các loại thức ăn để dâng lên cho người chết được đặt vào mâm ma (apớ abhui) với đầy đủ lễ vật, đặc biệt là máu, gan và lòng của động vật được cúng tế, những thứ này thường luộc không chín để phân biệt thức ăn của ma và thức ăn của người. Tại đây, người Cơ Tu sắp đặt một nhóm người lớn tuổi tượng trưng cho thế giới người chết và một nhóm người tượng trưng cho người sống có những cuộc trình diễn trao các lễ vật cho nhau, sau khi nhóm người của thế giới người chết nhận xong lễ vật, sẽ tiến hànhđưa các linh hồn người chết ra nghĩa địa.

+ Đưa linh hồn ra mộ (bhội lơi đung abhui)

Công việc đưa các linh hồn của người đã khuất ra ngôi nhà mồ được tiến hành vào lúc sáng sớm, có thể nói đây là cuộc chia ly cuối cùng giữa linh hồn người chết và những người đang sống. Tại đây có một cuộc giằng co giữa người bưng những chiếc mâm ma và người thân, họ đã kéo qua kéo lại tạo nên những cuộc quyến luyến để đánh lừa các linh hồn. Trên đường đi những người tham gia đều phải đi dưới những tấm vải lớn để tránh những điều xấu xẩy ra. Ra đến nghĩa trang, các hài cốt được đưa vào những quan tài nhỏ, rồi đặt vào trong nhà mồ. Quan tài được đặt theo hướng Nam - Bắc, bởi ở hướng đó, linh hồn con người sẽ về với thế giới tổ tiên và mang theo cácvật dụng mà người sống đã dành tặng.

 

4. Thay lời kết

Như vậy, cuộc chia tay giữa người sống và người chết được người Cơ Tu bày tỏ lòng thương tiếc mà người ra đi đã để lại trong ký ức lẫn thực tế, đồng thời làm bằng lòng linh hồn người chết để hồn ma không còn lưu luyến hay trở về khuấy động cuộc sống của người thân. Thể hiện điều ấy, người sống đã tạo ra trên ngôi nhà mồ rất công phu và ấm áp qua cấu trúc lẫn trang trí nghệ thuật. Như vậy,Têng Ping của người Cơ Tu chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa vật chất lẫn tinh thần. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm giữa người sống dành cho người chết. Têng Ping đã tạo nên sự kết nối không gian tâm linh giữa cõi sống và cõi chết cũng như mối quan hệ giữa con người với cộng đồng.

Ngày nay, một số yếu tố bên ngoài đã tác động đến quá trình cư trú đã tạo nên những ảnh hưởng lẫn nhau giữa người Cơ Tu và người Kinh, chính sách của Đảng và nhà nước đã làm phần nào thay đổi đời sống văn hoá, kinh tế nương rẫy cổ truyền, tạo nên một cuộc sống định canh, định cư, kéo theo sự thay đổi cấu trúc xã hội truyền thống… dẫn đếnquy trình tổ chức cũng như không gian của Têng Ping ngày càng biến đổi khép lại trong quy mô của dòng họ, làm phai nhạt dần tính tâm linh truyền thống.

 


Chú thích:

1. Người Cơ Tu quan niệm về cái chết; chất tốt và chết xấu

- Trường hợp chết tốt (chet liêm) là chết một cách bình thường, không đau đớn, do tuổi già hay đồng nghĩa với chết không có máu, chết trong sự chứng kiến của dân làng.

- Trường hợp chết xấu (chet môp là những cái chết do tai nạn, chết khi sinh nở, thú dữ tấn công, chết vì săn máu, chết không rõ nguyên nhân, bệnh lao phổi, bị người khác bỏ độc, tự tử... sẽ là những hiểm hoạ cho làng, người thân. Sau khi chôn cất những trường hợp này, người Cơ Tu không bao giờ đến thăm phần mộ của người xấu số nữa. Điều này có ý nghĩa rằng: người chết sẽ không được tổ chức Têng Ping.

2. Briu Liếc (2018), P’rá Cơtu Tiếng Cơtu, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, tr.9.

3. Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam (Ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ, ngày 2-3-1979).

4. Số liệu do Chi cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp năm 2019.

5. Từ buổi khai hoang, đầu nguồn các con sông đã được các chúa Nguyễn đặt các tấn hay trạm giao dịch, thu thuế, trao đổi, buôn bán lâm thổ sản, gọi là nguồn. Mô hình này đến thời  nhà Nguyễn vẫn tồn tại và phát huy vai trò của nó,  về sau, một số nguồn trở thành địa danh hành chính, tồn tại cho đến năm 1945.

6. Nguồn Tả gồm các xã: Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Long và Thượng Quảng. Nguồn Hữu gồm: các xã Hương Sơn, Hương Hữu (của huyện Nam Đông) Hương Lâm, Hương Nguyên (của huyện A Lưới) và một phần của huyện Hương Trà. 

7. Gồm các xã: Thượng Nhật, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Hữu và Hương Sơn.

8. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đông (2003),  Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đông (1945 - 2000), Nxb. Chính trị  Quốc gia, Hà Nội. tr. 16 19.

9. Thông thường người Cơ Tu chọn ngày đhạ tương ứng với các ngày 7, 8, 23, 24 al. Trước đây người Cơ Tu tính lịch bằng trăng, đhạ là một tấm gỗ  hình bán nguyệt dùng bảo vệ kho lúa chống chuột và một số động vật nhỏ phá hoại lúa vào những ngày này mặt trăng có hình như vậy, nên người ta gọi là đhạ.

10. Quá trình thông linh này, được chúng tôi trao đổi với nhiều người Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Đông, đặc biệt là xã Thượng Long: ông Phạm Xuân Biết cho rằng, rất nhiều người ném trứng khi thử đất, nhưng trứng không bị vỡ, và ngay cả bản thân ông, năm 2003 khi chọn đất làm nhà mồ cho người thân trong gia đình khi ném trứng cũng không bị vỡ….

11. Các gia đình con rể mang những động vật 4 chân và gia đình con dâu thì mang theo gà, cá, gạo nếp, rượu... đến để góp lễ cho gia chủ và họ ở lại đây cho đến khi công việc kết thúc.

12. Cũng có khi người ta chôn cất người chết trên những quả đồi, họ gọi là bôn ping (bôn tiếng Cơ Tu là quả đồi, ping nghĩa là mồ.

13. Trước khi đào các ngôi mộ, người Cơ Tu đã chuẩn bị một số lễ vật như máu gà, heo, cá, bánh quốt, rượu, dùng lá cây gói lại, rồi ném các thứ đó xuống từng ngôi mộ cho các hồn ma ăn. Khi đã hoàn tất việc lấy hài cốt người chết, người Cơ Tu thường lật ngửa nắp quan tài lên, với ý niệm sau này trong gia đình và cabu sẽ có ít người chết.

14. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy một số trường hợp ở xã Thượng Quảng mang hài cốt người chết về nhà và đưa vào khu vực cúng. Tuy nhiên khi khảo sát các trường hợp ở các xã Thượng Long, Thượng Lộ, Hương Sơn thì những hài cốt của những người chết sẽ đưa đến nghĩa trang và đặt ở đó, đợi đến ngày gia chủ mang linh hồn và bàn thờ ra nghĩa trang, rồi mới bỏ vào quan tài nhỏ, rồi đưa vào nhà mồ.

15. Để giải thích điều này, chúng tôi đã hỏi rất nhiều già làng ở các thôn và được nghe câu trả lời như sau: đây là việc liên quan đến tang ma, nên làm xấu. Nếu làm đẹp, con ma (linh hồn người đã khuất) thấy thích và muốn về đòi ăn trâu liên tục sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến người sống...

16. Người Cơ Tu cho rằng, thế giới của các hồn ma luôn khác với người, do vậy thức ăn dành cho các linh hồn, nên không được nấu chín.

17. Biểu hiện này được thể hiện bằng nhiều hình thức như: Các cô gái chàng trai nhảy múa xung quanh con trâu đã buộc vào cột, những người phụ nữ cầm tấm vải vừa múa và đắp lên mình trâu…

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng