Văn nghệ dân gian
Vinh Thanh - Hướng đến tương lai
09:27 | 14/07/2021

NGUYỄN THẾ

Vinh Thanh - Hướng đến tương lai

Dọc theo quốc lộ 49B, từ xã Điền Hương huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế  (giáp giới tỉnh Quảng Trị) đến ngã ba xã Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc là dải đất có đặc điểm chung giống nhau là cùng nằm giữa biển và đầm phá. Khi người Việt di dân vào Thuận Hóa, những tụ điểm cư dân ban đầu thường được gọi danh xưng là kẻ, như kẻ Né (làng Ma Nê), kẻ Lừ (làng Niêm Phò) … Có thể từ kẻ xuất xứ từ danh xưng “kẻ chợ”, chỉ những điểm dân cư lớn của người Việt ở miền Bắc. Vùng Thăng Long (Hà Nội) xưa từng được gọi là kẻ chợ. Bởi vậy, vùng dân cư ven biển ở Thừa Thiên Huế cũng được gọi chung là dân “kẻ biển”.

Địa hình tự nhiên trên dải đất này tính từ ngoài vào là biển đến đồi cát (nhiều nơi có cả trảng cát rộng tạo nên một vùng bình nguyên nhỏ, có hồ hay đầm nước); tiếp theo là đầm. Đầm nước ở nơi đây thường được gọi là trằm. Nều đầm nước nhỏ thì gọi là bàu. Hai bờ đầm nước thường có rừng bản địa nguyên sinh. Rừng bản địa có công năng cung cấp lượng mùn tự nhiên, giữ ổn định nguồn nước cho các hồ đầm và độ ẩm cho vùng đất xung quanh. Về phân bố dân cư: ở sát biển là các làng biển lớn nhỏ, chuyên nghề đánh bắt hải sản, có nơi người dân kiêm cả nghề sản xuất muối, gọi là diêm dân. Từ vùng rừng bản địa trải dài ra bờ đầm phá là nơi ở của cư dân nông nghiệp, chuyên nghề làm ruộng, trồng rau màu. Sát bờ đầm phá và trên mặt nước đầm phá là nơi ở của cư dân chuyên nghề khai thác nguồn lợi thủy sản vùng nước lợ, gọi là cư dân thủy diện.

Biển: nước mặn; đầm phá: nước lợ; nhưng những đầm nước (trằm, bàu) trên vùng đất cát ở giữa lại là vùng nước ngọt. Nơi đây phù hợp với việcđịnh cư lập làng, ổn định cuộc sống lâu dài của cư dân nông nghiệp. Nước ngầm từ rừng cây bản địa và trảng cát chảy ra cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng, gọi là nước mội, nguồn nước được lọc sạch qua bãi cát dày. Trước đây người dân chỉ cần đào cái giếng cạn là có được nguồn nước sạch trong mát, có thể múc nước lên uống trực tiếp.

Đặc điểm địa hình khu vực biển: Ngoài trừ vùng cửa biển Thuận An, cửa biển Tư Hiền, còn lại phần lớn là bãi ngang. Trước đây, phần lớn ngư dân vùng bãi ngang thường dùng các loại ghe thuyền (gọ) nhỏ để đánh bắt các loài hải sản như tôm, cá, mực…trên ngư trường gần bờ. Một số ngư dân vùng gần cửa biển Thuận An có thuyền gọ lớn thường đánh bắt các loại tôm cá lớn ở khơi xa. Tuy nhiên do phương tiện tàu thuyền chưa hiện đại nên nguồn lợi thu được vẫn còn hạn chế. Gần đây, kinh tế người dân phát triển, đồng thời có sự hỗ trợ một phần của nhà nước, nhiều gia đình đã đóng những tàu thuyền lớn, đầu tư trang thiết bị nghề cá hiện đại hơn, để tham gia đánh bắt xa bờ với thời gian nhiều ngày trên biển. Ngoài sản lượng đánh bắt thủy hải sản trên biển, đầm phá… người dân còn phát triển việc nuôi trồng thủy hải sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhìn chung, vùng biển và đầm phá của các huyện ở Thừa Thiên Huế như: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đều có những tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế gần giống nhau. Các địa phương đều đề ra mục tiêu khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển. Một mục tiêu không kém phần quan trọng mà các địa phương cùng quan tâm, đó là phát triển du lịch biển và đầm phá. Những sản phẩm du lịch tiềm năng ở vùng biển và đầm phá là du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó là phát triển du lịch cộng đồng để đa số người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có những chiến lược đột phá và người dân phải thực sự nhập cuộc mới có thể thực hiện được ước mơ về phát triển công nghiệp không khói ở địa phương.

 

Vinh Thanh - vùng đất tiềm năng

Vinh Thanh là vùng đất cổ, những di tích lịch sử trên dải đất vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế như: đài thờ Chăm ở làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền); tháp Chăm Mỹ Khánh (xã Phú Diên); Di tích Chăm ở chùa Túy Vân… đã cho ta biết được rằng đây là vùng cư trú của người Chăm Pa xưa. Cư dân Chăm xưa thường cư trú gần biển và đầm phá. Bởi đây là nơi cung cấp nguồn lợi vô tận cho đời sống của con người nếu ta biết trân trọng giữ gìn và bảo vệ môi trường biển và đầm phá. Khai thác nguồn nước mội để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp là tập quán của người Chăm. Đối với người Chăm, nước mội cũng là tài nguyên vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Khi người Việt di dân vào Thuận Hóa, chủ yếu đi bằng đường thủy (men theo bờ biển) rồi tìm vào các cửa sông. Vùng đầm phá ven biển, nơi có ruộng, hồ đầm chính là nơi lý tưởng để người Việt dừng chân. Một số thích nghi với việc làm ruộng và đánh bắt thủy hải sản thì chọn vùng đất đầm phá để định cư. Một bộ phận khác tiếp tục theo nguồn sông tìm đến những vùng đất phù sa ven sông để lập làng, số đến sau lại tiếp tục lên vùng thượng nguồn để sinh sống. Các vị tổ của các họ ở Vinh Thanh và các địa phương lân cận đã dừng lại dải đất này để khai phá đất đai, tính kế lâu dài cho lớp con cháu hậu duệ.

Vinh Thanh là một xã nằm ở vị trí thuận lợi của vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 30 km. Nếu tính theo địa giới mở rộng của thành phố Huế hiện tại thì Vinh Thanh chỉ cách địa giới Huế (phường Thuận An) khoảng 20 km.

Về phía biển, Vinh Thanh nằm giữa hai cửa biển Tư Hiền (phía Nam) và Thuận An (phía Bắc). Về phía đầm phá, Vinh Thanh nằm giữa đầm Hà Trung và Thủy Tú (trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai). Phù sa của sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương chảy về phá Tam Giang ra cửa biển Thuận An đã mang nguồn thức ăn phong phú cho các loài thủy hải sản vùng nước mặn (ở biển) và nước lợ (ở đầm phá). Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản ở Vinh Thanh liên tục phát triển. Tính đến nay, ngư dân vùng biển Vinh Thanh đã có đội tàu thuyền đánh bắt hải sản gồm 113 chiếc, trong đó có 28 tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Các tàu đánh cá đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các phương tiện tàu thuyền, máy móc, ngư lưới cụ được bà con đầu tư cải hoán để đánh bắt có hiệu quả hơn. Hải sản vừa đánh bắt xong là đưa thẳng về chợ đầu mối Vinh Thanh. Con tôm, con cá, con mực… ở đây lúc nào cũng tươi roi rói. Bởi vậy lúc nào cũng có hàng chục “con buôn” chờ đợi để thu mua cung cấp cho các nhà hàng chuyên bán hải sản ở thành phố. Ngoài lượng tiêu thụ hải sản hàng ngày ở chợ, người dân còn chế biến các loại mắm, nước mắm, ruốc… để bán quanh năm.

Đối với vùng đầm phá, ngoài việc đánh bắt tôm cá theo lối truyền thống (nò sáo), Vinh Thanh đã mở rộng 4 khu vực nuôi thủy sản nước lợ với diện tích gần 43 ha, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, với đặc điểm của vùng đất cát ven biển, hình thành từ thời biển tiến cách đây hàng triệu năm, bên trên là cát, nhưng bên dưới là lớp trầm tích than bùn. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, độ mùn không cao, nhưng luôn có độ ẩm vì mạch nước ngầm cạn. Hàng năm, khi nước dâng ngập, một lượng tảo vùng nước lợ tràn vào và được giữ lại trên đất đã bổ sung thêm độ mùn và những nguyên tố vi lượng có ích cho cây trồng. Ngày trước, đất cát Vinh Thanh từng là nơi trồng cây thuốc lá, người dân vớt các loại rong rều trên phá Tam Giang để bón cho cây thuốc. Cây thuốc lá ở đây phát triển tốt, chất lượng đậm đà, không thua gì thuốc lá Phong Lai (xã Quảng Thái, Quảng Điền). Sau khi thu hoạch thuốc lá, người dân tiếp tục trồng khoai lên chính khu đất trồng thuốc lá trước đó để tận dụng lớp phân hữu cơ còn lại trong đất. Giống khoai vồ trồng trên đất thuốc lá củ tròn to, bở mà bùi, ăn vào nhớ mãi, nhất là khi khoai được thái lát, phơi khô dùng trong mùa đông tháng giá. Người dân Vinh Thanh còn có nghề nấu rượu (dùng loại men viên truyền thống). Nên rượu Vinh Thanh thuộc loại ngon có tiếng. Phụ phẩm nấu rượu phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi lợn. Song đến nay việc nấu rượu và nuôi heo ngày càng giảm do thu nhập từ nghề này không cao.

Đất Vinh Thanh có độ ẩm quanh năm, ngoài việc trồng cây lương thực, người dân còn trồng lạc và các loại rau xanh theo phương thức xen canh, gối vụ, thu được lợi nhuận khá cao. Lạc trồng trên đất Vinh Thanh hạt không lớn nhưng hàm lượng tinh dầu cao. Lạc rang hay nấu đều cho hương vị thơm ngon. Đối với các đầm nước, ruộng trũng, những năm gần đây người dân đã chuyển đổi sang trồng sen, kết hợp nuôi cá tự nhiên. Vùng đất trồng sen luôn có nguồn nước ngầm trong mát, nên sen phát triển tốt. Sen Vinh Thanh sản lượng không cao, nhưng chất lượng ngon, được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao hơn so với sen ở các vùng khác trong tỉnh.

Vinh Thanh còn có thế mạnh về thương mại và dịch vụ, chợ Vinh Thanh nằm ở trung tâm của xã là một ngôi chợ lớn, tần suất hoạt động của chợ khá cao. Hằng ngày, chợ họp thành 3 phiên, phiên thứ nhất bắt đầu từ 1 giờ đến 5 giờ sáng; phiên thứ hai từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa; phiên thứ ba từ 1 giờ đến 6 giờ chiều. Ngoài việc phục vụ cho dân địa phương, chợ Vinh Thanh được xem như một chợ đầu mối chuyên phân phối thủy hải sản và nguồn rau xanh cho thành phố Huế và nhiều nơi trong vùng. Phiên chợ sáng sớm tinh mơ chuyên cung cấp các loại rau quả tươi như: mướp, bầu bí, dưa các loại và rau xanh…đây là những loại nông sản được người dân thu hái từ chiều tối trước hoăc ngay lúc trời tờ mờ sáng để kịp đưa ra chợ cung cấp cho khách hàng. Phiên chợ chiều chuyên bán thủy hải sản tươi sống. Hằng ngày, nông sản và thủy hải sản chợ Vinh Thanh được mang đi tiêu thụ ở khắp các chợ quanh vùng và thành phố Huế với số lượng khá lớn, mang lại kinh tế ổn định cho người dân Vinh Thanh.

Đi qua trung tâm Vinh Thanh là Quốc lộ 49B, đây là con đường huyết mạch kéo dài từ  QL IA (đoạn từ Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đến xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Ngay trung tâm xã là cầu Trường Hà, cầu dài gần 850 mét,rộng 12 mét. Đây là cây cầu vượt phá Tam Giang, nối liền hai xã Vinh Phú và Vinh Thanh của huyện Phú Vang, cầu được khởi công từ tháng 8 năm 2001 và khánh thành vào ngày 19 tháng 8 năm 2003. Từ Quốc Lộ 1A (điểm gần với sân bay Phú Bài) rẻ vào tỉnh lộ 18 khoảng 10 km là đến Vinh Thanh.Từ khi có cầu Trường Hà, việc giao thương của xã Vinh Thanh với bên ngoài trở nên sôi động hơn, chợ Vinh Thanh phải mở rộng gắp đôi nhưng vẫn chưa đáp ứng được lượng khách thương về mua bán hàng ngày, giá cả nông sản và thủy hải sản cũng lên giá giúp cho người dân Vinh Thanh và các xã lân cận tăng thêm nguồn thu nhập. Đặc biệt là lượng khách du lịch về thăm các điểm di tích danh thắng như chùa Túy Vân (gần cửa biển Tư Hiền, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc); tháp Chăm Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) tăng mạnh và đều đi qua địa bàn xã Vinh Thanh. Biển Vinh Thanh ngày càng tấp nập hơn. Đây chính là tiền đề để Vinh Thanh đi lên bằng con đường phát triển du lịch. Vinh Thanh có bãi biển đẹp, có tiềm năng khai thác du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng. Hiện đã có doanh nghiệp đến đầu tư bãi tắm và khu nghỉ dưỡng. Địa phương cũng tiếp tục mở rộng bải tắm và khuyến khích người dân tham gia vào dịch vụ du lịch.

 

Dịch vụ du lịch và tiềm năng phát triển du lịch ở Vinh Thanh

Từ xa xưa, người dân vùng biển và đầm phá vẫn luôn có mối quan hệ để đổi trao hàng hóa với các làng xã vùng ruộng (đồng bằng) và cả vùng cao. Ca dao miền Trung có câu:

Ai về nhắn với nậu nguồn,

Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên.

Cá chuồn là loại cá có cánh, có thể phóng lên mặt nước, bay một đoạn dài. Cứ vào tháng 3 tháng 4 là cá chuồn xuất hiện, ngư dân vùng ven biển Thừa Thiên Huế lại ra khơi đánh cá chuồn. Bà con dân biển Vinh Thanh vẫn nhớ những ngày cá chuồn đầy ghe. Thích nhất là loại cá chuồn cồ, cứ đụng vào lưới là bay lên rượt rượt rơi thẳng vào thuyền. Cá chuồn, cá trích là món ẩm thực quen thuộc đối với người dân khắp các vùng miền. Mùa hè, các bãi biển ở Thuận An, Vinh Thanh…đều có nhiều quán phục vụ món dân dã: cá chuồn, cá trích nướng và nhiều món hải sản khác như: tôm, cá, mực, ghẹ…và cả các loài tôm cá nước lợ ở vùng đầm phá. Lượng thủy hải sản tiêu thụ tại các bải tắm, khu nghỉ dưỡng và các nhà hàng quanh các khu vực có di tích là khá lớn, nhất là vào những lúc vào mùa du lịch, lượng khách đông. Ai cũng biết rằng dịch vụ ẩm thực mang nguồn thu khá cho người dân. Song muốn có nguồn thu cao hơn cần phải xây dựng thương hiệu và liên kết tổ chức chuổi phục vụ ẩm thực (từ bình dân cho đến cao cấp). Đối tượng phục vụ không chỉ là khách trong vùng, trong tỉnh mà còn vươn tới phục vụ cho khách du lịch của các đơn vị lữ hành lớn nhỏ trong nước. Điểm tiếp giáp với QL 1A và đường tránh Huế đến Vinh Thanh chỉ mất 10 phút. Vinh Thanh có thể là điểm dừng chân để du khách thưởng thức ẩm thực thủy hải sản tươi sống, rau sạch của vùng biển và đầm phá. Muốn thực hiện được việc này cần phải quảng bá, giới thiệu trực tiếp và ký kết hợp đồng với các đơn vị lữ hành. Đối với khách vãng lai, cần tiêu chí “tươi, ngon, rẽ, sạch và phục vụ tận tình”. Nhưng đối với các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp, họ sẽ đặt trước thực đơn và người cung cấp phải theo đúng thực đơn để phục vụ khách. Đương nhiên ngoài tiêu chí “tươi ngon” của bữa ăn, địa điểm phục vụ khách phải có khu vệ sinh sạch sẽ.

Đình Hà Thanh hình thành từ sau khi ổn định lập làng. Trải qua biến thiên lịch sử hàng trăm năm, người dân mới xây dựng được ngôi đình hiện nay. Theo lạc khoản ghi trên các bức hoành phi: Thành Thái Quí Mão cho biết ngôi đình này xây dựng từ năm 1903 (cách đây 118 năm) đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị, một di sản văn hóa tiêu biểu của vùng đất Vinh Thanh. Đình được xây dựng 1 năm thì xuất hiện cơn bão lũ lịch sử Giáp Thìn (1904) nhưng đình vẫn tồn tại và đứng vững cho đến hôm nay. Chứng tỏ rằng, gần 120 năm qua, ngôi đình đã được các thế hệ người dân làng Hà Thanh gìn giữ khá tốt. Đình Hà Thanh đã được Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế khảo sát, xây dựng hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận (do có vướng mắt về quy hoạch). Hiện nay đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được có kế hoạch bảo tồn, trùng tu cấp thiết. Bên cạnh đó, địa phường cần chủ trì cùng các cấp để tháo gỡ những vướng mắt để di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng Hà Thanh được công nhận là di tích cấp tỉnh và tương lai được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hy vọng sau khi trùng tu và công nhận di tích, ngôi đình Hà Thanh sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.

Khu vực đầm phá Vinh Thanh hiện nay đã được người dân đưa vào nuôi trồng thủy sản (thông qua đấu giá đất có thời hạn). Việc làm này thúc đẩy nhanh việc khai thác mặt nước vùng đầm phá, tạo hiệu quả kinh tế cho người dân. Song việc khoanh vùng ao đầm, quyết định nguồn giống, phương thức nuôi, thời vụ… của từng hộ gia đình dễ dẫn đến việc mất an toàn dịch tễ, ảnh hưởng môi trường chung vùng đầm phá. Chính quyền và ngành thủy sản cần chỉ đạo chặt chẽ hơn mới bảo đảm được việc nuôi trồng trên vùng đầm phá. Nên chăng cần quy hoạch những khu vực thích hợp để trồng rừng ngập mặn tạo môi trường phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên song song với việc thả nuôi một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Việc trồng rừng ngập mặn cùng chính sách thuê, cấp đất lâu dài sẽ nhanh chóng đạt hiệu quả về phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với việc phát triển du lịch cảnh quan môi trường trên vùng đầm phá.

Du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng đã được triển khai song song giữa doanh nghiệp và người dân địa phương.Vấn đề lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân không hài hòa sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn. Vì vậy, ngày từ khi triển khai chính quyền cần tuyên truyền và giải quyết thỏa những vấn đề giữa người dân và doanh nghiệp.

Bãi biển Vinh Thanh đang có nguy cơ bị xâm thực mạnh. Đây là một trở ngại lớn trong việc phát triển du lịch biển trong tương lai. Vì vậy, cần thực hiện dự án xây dựng bờ kè chống xâm thực biển kết hợp với tuyến đường quốc phòng ven biển sẽ triển khai trong thời gian tới.

Trước đây, vùng rú cấm ven các trằm bàu là rừng cây bản địa dày đặc với nhiều chủng loại cây đan xen tạo lá chắn bền vững và cung cấp nguồn nước cho các trằm, bàu ở địa phương. Vùng rừng bản địa của Vinh Thanh cũng có một số loài cây quý như những khu rừng bản địa trên dải đất đầm phá ven biển của Thừa Thiên Huế. Đặc biệt còn có một số cây dược liệu như cây tràm gió, cây mật nhân (người dân gọi là cây bá bệnh hay bập bệnh), đây chính là cây Tongkat ali mà đất nước Malaysia xem là quốc bảo luôn giới thiệu và bán vị thuốc này cho khách du lịch đến với Malaysia. Nhiều năm qua, những khu rừng bản địa (rú cấm) đã bị tàn phá. Thật đáng tiếc cho lá phổi xanh của vùng đất Vinh Thanh nay không còn. Nên chăng cần phục hồi một phần diện tích nhỏ để có thêm màu xanh và sự bền vững cho những đồi cát biển.

Ngày trước, ngư dân thường có nhà ở ven đầm phá để tiện việc đánh bắt thủy sản, trong đó có loại hình nhà chồ. Vào thập kỷ 80, do tác động của thiên tai, nhiều nhà bị đổ sập do xây dựng không bền vững. Nhà nước có chủ trương vận động người dân “lên bờ”, cấp đất để làm nhà kiên cố hơn cho đến bây giờ. Nên chăng cần xây dựng một số mô hình nhà chồ trên đầm phá để phục vụ cho du lich nghỉ dưỡng. Ngoài ra cần vận động người dân xây dựng các mô hình homestay. Ở các hồ sen, khu sản xuất rau sạch cũng có thể xây dựng mô hình farmstay.

Mong rằng với điều kiện và cơ sở vật chất hiện có, Vinh Thanh sẽ cùng với các địa phương trong vùng kết nối tour tuyến du lịch để cùng nhau phát triển nền công nghiệp không khói, giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo, nhanh chóng tiến lên làm giàu, góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng tuyến biển Thừa Thiên Huế.

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thế
Các bài mới
Các bài đã đăng