Văn nghệ dân gian
Xây dựng một chiến lược quốc gia về văn hóa dân gian thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
15:36 | 30/11/2021

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

(Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm tại Đại hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lần thứ V, tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/5/2005. Tiêu đề do báo Nhân Dân đặt.)

Xây dựng một chiến lược quốc gia về văn hóa dân gian thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Dân tộc ta trong tiến trình dựng nước và giữ nước, đã hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam hết sức giàu có, phong phú, nhân văn. Trong nền văn hóa dân tộc, bộ phận văn hóa - văn nghệ dân gian có vai trò cực kì to lớn, quan trọng. Đặc biệt với nhiều dân tộc thiểu số thì văn hóa, nghệ thuật dân gian là thành phần chủ yếu. Văn hóa nghệ thuật dân gian không chỉ xuất hiện trong lịch sử mà đang tiếp tục phát triển trong xã hội đương đại, góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, có tác động nhất định đến sinh hoạt kinh tế, có triển vọng phát triển lớn hơn nếu nhà nước có chính sách thích đáng. Văn hóa, văn nghệ dân gian quả là bộ gien của văn hóa dân tộc ta cả hôm qua, hôm nay và ngày mai.
 
Nhận thức rõ điều ấy, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta không ngừng đề cao di sản văn hóa, nghệ thuật dân tộc, những giá trị tinh thần do nhân dân sáng tạo ra, tôn trọng những tinh hoa sáng tạo của văn nghệ dân gian. Kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc được tổ chức sưu tầm, ghi chép, giới thiệu rộng rãi trong, ngoài nước. Hàng ngàn lễ hội dân gian được phục hồi. Tinh thần hướng về cội nguồn dân tộc lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian, các tài năng văn hóa, các ngành nghề truyền thống đặc sắc… được phổ cập, khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. 
 
Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, trung tâm văn hóa thôn bản, câu lạc bộ văn nghệ dân gian, làng vui chơi làng ca hát, điểm bưu điện văn hóa xã, ngày hội ngành nghề… đã thu hút hàng chục triệu quần chúng nô nức tham dự và sáng tạo văn hóa tinh thần, đem lại lối sống tươi vui, lành mạnh. Thêm một lần nữa chúng ta được chứng kiến nhân dân không chỉ là người sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trong quá khứ lâu đời, mà ngay trong mỗi ngày đang sống, với phong cách cộng đồng, trực tiếp, đa dạng. 
 
Nhà nước đã ban hành chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và Dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên hứa hẹn nhiều thành quả tốt đẹp. Các ngành văn hóa, du lịch, tiểu thủ công nghiệp… cũng có nhiều kế hoạch cụ thể phát triển văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, mở rộng năng lực xã hội hóa nghệ thuật dân tộc.
 
Trong thành tích chung, chúng ta hết sức vui mừng về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vào quá trình giữ gìn và chấn hưng nghệ thuật dân tộc. Chúng tôi đồng tình với những nhận định, đánh giá của Ban Chấp hành Hội về những thành tựu Hội đã đạt được trong nhiệm kì đầu tiên của thiên niên kỉ mới.
 
Với thái độ có trách nhiệm với văn nghệ dân gian nước ta, Hội đã kịp thời đề ra kế hoạch “Tầm nhìn 2020” nhằm tổng kiểm kê vốn liếng văn hóa - văn nghệ dân gian do cha ông ta để lại, xây dựng chương trình giữ gìn, phát huy, đẩy mạnh sáng tạo văn nghệ dân gian trong thời kì mới. Kế hoạch đó đã tỏa xuống các địa phương, đi vào các dân tộc an hem, thu hút mối quan tâm bước đầu của các cộng đồng, tạo ra phong trào sưu tầm, ghi chép, phục dựng các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian khá rộng rãi.
 
Nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu có chất lượng khoa học về sử thi, về lễ hội về các bộ môn nghệ thuật dân gian, nếp sống văn hóa của dân tộc… đã được triển khai. Nhiều bộ sách lớn về văn học dân gian người Việt, các tuyển tập sử thi, truyện cổ dân tộc ít người, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Từ Chi, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Y… đã được in ấn công phu và giới thiệu rộng rãi. Con số trên 800 công trình nghiên cứu dân gian được hoàn thành trong nhiệm kì qua nói lên sức lao động sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao của hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.
 
Trân trọng di sản của tổ tiên, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã hướng dẫn nhân dân chủ động giữ gìn, phát huy các công trình văn hóa trong lịch sử; khôi phục, sắp xếp nhiều công trình không còn nguyên vẹn; tổ chức lại các sinh hoạt văn hóa truyền thống đã bị sao nhãng. Nhờ đó nhiều câu lạc bộ hát Chèo tàu, Hát dô, Hò cửa đình, Múa hát bài bông, Chèo cổ, Quan họ, Múa rối, Ca Huế, Đờn ca tài tử, Hát bả trạo… được hình thành.
 
Hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ sưu tầm, nghiên cứu được chú ý. Chính sách tài trợ và khen thưởng được thực hiện chu đáo Hội đã thu hút ngày càng nhiều người lớn tuổi và nhà nghiên cứu trẻ tham gia sưu tầm, khai thác văn hóa, văn nghệ dân gian. Nhiều tấm gương say mê nghề nghiệp, hết lòng tận tụy với văn hóa dân gian làm chúng ta xúc động. 
 
Hoạt động tích cực của Hội không những động viên nhân dân say mê tìm kiếm, giữ gìn các giá trị dân gian với tinh thần “biến di sản quá khứ thành tài sản hôm nay” mà còn thu hút các cấp chính quyền quan tâm xây dựng đời sống văn hóa quần chúng, phát huy truyền thống văn hóa tộc người, tăng cường đầu tư cho văn hóa, làm giàu bản sắc văn hóa địa phương.
 
Sáng kiến của Hội phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho gần 30 nghệ nhân được tôn vinh từ cơ sở là sự động viên có ý nghĩa những tài năng sáng tạo trong nhân dân lao động.
 
Có thể nói rằng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, được triển khai từ sau nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã góp phần đắc lực hướng nhân dân nước ta ngày càng quan tâm hơn các giá trị văn hóa thuộc về cội nguồn dân tộc, tự hào truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, nâng cao lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, mở ra tiềm năng sáng tạo mới cho văn hóa nước nhà. Đóng góp đó thực là quý báu. Nhân dịp Đại hội trọng thể này, tôi thay mặt Đảng, Nhà nước, chúc mừng và biểu dương đóng góp to lớn, có ý nghĩa của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và các nhà khoa học, nhà sưu tầm, các nghệ sĩ dân gian trong cả nước.
 
Bên cạnh thành tích, cũng cần thấy chúng ta còn nhiều thiếu sót, hạn chế:
 
- Nhiều chương trình nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, phát huy rất chậm chạp, thiếu nhất quán, hoàn chỉnh. Vì vậy, chúng ta vẫn chưa tái tạo được nhiều các tác phẩm trọn vẹn, hoàn chỉnh bộ mặt văn hóa dân gian, tạo được sức sống bền vững, xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân.
 
- Sự phối hợp liên ngành rất hạn chế vì vậy việc “kết nối” các tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian vào đời sống đương đại còn nhiều lúng túng, bị động. Lễ hội tự phát, mê tín dị đoan lan tràn, trong khi nhiều ngành nghề dân gian truyền thống lại gặp khó khăn trong truyền bá là những mặt “thái quá”, “bất cập” đang diễn ra trong tổ chức đời sống văn hóa dân gian hiện nay mà chúng ta chưa có cách xử lí thích hợp.
 
- Trước tác động của cơ chế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế, sự hủy hoại của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sáng tạo văn nghệ dân gian diễn ra rất nhanh chóng. Sự biến dạng của nhiều sản phẩm được gọi là văn hóa, văn nghệ dân gian theo lối “hàng nhái”, “hàng dởm”, “hàng chợ” đang làm mọi người lo lắng. Nếu chúng ta không bảo vệ được giá trị đích thực của văn hóa - văn nghệ dân gian thì sự xuống cấp của văn nghệ dân gian sẽ diễn ra gay gắt hơn cả văn nghệ chuyên nghiệp vì tính vô danh của nó.
 
Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) (tháng 7/2004) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong những năm sắp tới đã đặt ra mục tiêu bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Điều đó cho thấy nhiệm vụ xây dựng văn hóa không chỉ đặt lên ngang tầm với các nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng Đảng, mà còn thiết lập tương quan chặt chẽ với hai nhiệm vụ trên. 
 
Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc đua tranh giữa các quốc gia trên thế giới đang diễn ra gay gắt trực diện trên quy mô toàn cầu thì không phải chỉ có sức mạnh kinh tế và chính trị mà cả sức mạnh văn hóa của một dân tộc, bản lĩnh làm người của mỗi người dân có một ý nghĩa rất quyết định. Văn hóa được phát huy đúng mức sẽ là nguồn năng lượng nuôi dưỡng sức mạnh kinh tế và chính trị mỗi quốc gia vượt qua thử thách khai thác thời cơ.
 
Trong nền văn hóa dân tộc thì văn hóa, văn nghệ dân gian là dòng chảy lớn, được nuôi dưỡng từ lịch sử, lại bắt mạch vào bản chất nhân dân của chế độ ta, nhất định sẽ có sức mạnh và tương lai ngày càng to lớn.
 
Phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian đó chính là phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong đời sống văn hóa, là vườn ươm cho văn nghệ chuyên nghiệp, là sự giữ gìn cốt cách bền vững của văn hóa dân tộc.
 
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay, văn hóa, văn nghệ dân gian rất dễ bị tổn thương, bị xóa nhòa, triệt tiêu, bị coi rẻ là thứ văn hóa thứ cấp. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta, các cơ quan văn hóa nghệ thuật, trong đó có vai trò đầu tàu của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phải ra sức bảo vệ, giúp đỡ, khôi phục các di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian, đồng thời chủ động phát huy các hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian đương đại. Phải khéo kết hợp các hình thái văn hóa, nghệ thuật dân gian, do chính nhân dân sáng tạo ra, tạo ra một đời sống văn hóa phong phú, sinh động như cánh rừng nhiều tầng sinh thái, hỗ trợ nhau cùng phát triển. 
 
Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cần nhìn tới cục diện phát triển văn hóa, nghệ thuật chung của nước nhà để xây dựng trách nhiệm cho hội viên của mình ngày càng đầy đủ. Xin gợi ý mấy điểm như sau:
 
1. Tiếp tục thực hiện kế hoạch “tầm nhìn 2010” để bảo vệ di sản văn hóa dân gian, với tốc độ và chất lượng triển khai cao hơn, hoàn bị hơn. Dứt điểm các công trình, các chương trình cụ thể. Đi sâu thực địa, tiếp cận các nguồn tư liệu, phấn đấu có nhiều phát hiện mới. Sử dụng các công cụ, các phương pháp hiện đại để tích hợp tài liệu, phát huy công trình.
 
2. Phối hợp các cơ quan quản lí nhà nước, các ngành kinh tế - kĩ thuật, các doanh nghiệp để xã hội hóa nhanh chóng các tài nguyên văn hóa - nghệ thuật dân gian, trong sự hướng dẫn chuyên môn của các nhà nghiên cứu và sự quản lí luật pháp. Khuyến khích nhân dân phát huy những sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật dân gian (đờn ca tài tử, múa hát dân gian, ngành nghề mĩ nghệ, các hoạt động vui chơi, giải trí quần chúng có tính dân tộc…). Chú trọng các hình thức bảo tàng văn hóa dân gian, bảo tàng ngành nghề truyền thống.
 
3. Tiến tới xây dựng một chiến lược quốc gia về văn hóa dân gian trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn xã hội phát triển và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân cả nước, đi sâu vào truyền thống từng dân tộc, từng vùng miền văn hóa, bảo vệ có trọng điểm các đặc sắc văn hóa dân tộc, mở hướng phát triển cho văn nghệ quần chúng, văn hóa dân gian thời kì đương đại.
 
4. Từng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội văn nghệ dân gian Trung ương và các tỉnh theo hướng thực tiễn, năng động, bám sát cuộc sống, vừa xây dựng nhà nghiên cứu, vừa bồi dưỡng người nghệ sĩ dân gian trực tiếp làm ra văn hóa nghệ thuật, tạo ra sức mạnh phát triển sống động của văn nghệ dân gian. Ban Chấp hành Hội do Đại hội lần này lựa chọn phải là những đồng chí toàn tâm toàn ý, có hoài bão lớn, quyết tâm đưa sự nghiệp văn nghệ dân gian tiến lên chặng đường phát triển mới, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng