Văn nghệ dân gian
Văn hóa Huế trên dặm đường dài lịch sử
16:02 | 02/12/2021

TRẦN QUỐC VƯỢNG

Văn hóa Huế trên dặm đường dài lịch sử

Lời kính thưa!

Tôi có trong thư phòng nhỏ bé của mình, ngoài những tạp chí Sông Hương thăng trầm cùng thế sự là gần 20 cuốn sách viết chuyên về Huế, từ Vè thất thủ Kinh đô in năm 1959, Cô đô Huế của Thái Văn Kiểm in năm 1960; Ông già bến Ngự in năm 1982, Huế của Lê Văn Hảo, Trịnh Cao Tưởng in năm 1985, Huế luôn luôn đổi mới in năm 1988, Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung in năm 1988, Huế niên giám in 1989, Thăm chùa Huế của Thanh Tùng in năm 1989, Kiến trúc Cô đô Huế của Phan Thuận An in năm 1990, Di tích kiến trúc Huế của Trung tâm thiết kế và tu bổ công trình văn hóa và công ty quản lí di tích lịch sử và văn hóa Huế in năm 1991, Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế do Nguyễn Hữu Thông chủ biên in đầu năm 1992, Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung của Nguyễn Đắc Xuân in giữa năm 1992, Mĩ thuật Huế của Viện mỹ thuật và Trung tâm bảo tồn di tích Huế in cuối năm 1992,... Chỉ có những ấn phẩm nào về Huế mới in hai tháng đầu năm 1993 là tôi chưa kịp có. Ấy là tôi chưa kịp kể cuốn Hồi kí của cụ Phạm Khắc Hòe, tuổi cao sức yếu mà vẫn chống gậy lên tầng 5 của khu nhà tập thể Kim Liên trao cho kẻ ngu hèn này, cùng những tập sách mỏng kể về các ông hoàng, bà hoàng xứ Huế… Lại còn biết bao bài nghiên cứu, bài báo nhỏ vô vàn tập san, tạp chí, báo tuần, báo ngày, thông báo khảo cổ,...

Vậy còn gì về Huế mà ai cũng nhất trí là “xứ đẹp và thơ” để tôi viết nữa?

Viết về Huế là để chứng tỏ một nỗi lòng ngưỡng vọng xứ Huế 4 năm chưa hề gặp lại. Và một lần nữa vì nể bạn, Bạn Huế, bạn Hà Nội ép nài.

Chút xíu “lý luận” về “vùng văn hóa Huế”

Có một nền văn hóa Việt Nam thống nhất, nhưng nước Việt Nam của tôi, của ta dù nhỏ bé mà văn hóa lại có nhiều dạng vẻ: Đa dạng và đa tộc (54 dân tộc), đa dạng vì địa (lý) hay sinh vật học… Người ta cũng phải phân thành xứ - miền – vùng…

Phổ xã hội (Social Spectre) của Việt Nam nên có thể được vạch như sau: Cá nhân – gia đình – họ hàng – làng xã – vùng miền - đất nước. Miền- vùng là một / những thực thể, cá thể, cả về tự nhiên , xã hội văn hóa – lịch sử. Do đó mà đã có lý thuyết vùng văn hóa và có những ý định phân vùng văn hóa Việt Nam (không hoàn toàn trùng hợp với sự phân vùng kinh tế).

Chẳng hạn ta lấy một cái mốc lịch sử: Thế kỷ X, cái L’an Mill rất quan trọng trong lịch sử toàn thế giới. Khi ấy, trên mãnh đất Việt Nam hôm nay, có tới 3 nền văn hóa – văn minh:

  • Đại Việt ở Bắc.
  • Chăm Pa ở Trung (bao gồm Huế).
  • Thủy Chân – Lạp ở Nam.

Lại chẳng hạn lấy thế kỷ XVI – XVII – XVIII làm mốc, thì ai cũng biết có một Đại Việt đấy, một hoàng đế Lê (Trung Hưng) đấy. Nhưng lại có hai miền:

  • Đàng Trong (bao gồm Huế) với chúa Nguyễn;
  • Đàng Ngoài với chúa Trịnh, và với sông Gianh làm ranh giới hữu thức.

Rồi thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX này là do chế độ thuộc địa, mà có Bắc Kỳ, Trung Kỳ (bao gồm Huế), Nam Kỳ. Để buổi đầu cách mạng tháng 8-1945, với di sản lịch sử, tổ chức chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa  vẫn cần / phải “chia ba hòa một”: Bắc Bộ - Trung Bộ (bao gồm Huế) - Nam Bộ.

Vậy lý thuyết vùng văn hóa là có cơ sở thực tế lịch sử, không phải nhằm chia rẽ, phá hoại sự thống nhất Việt Nam mà để nhận rõ các bản sắc địa phương hòa đồng trong bản sắc Dân tộc.

Một vùng văn hóa là một tổng thể - hệ thống, một không gian văn hóa (Cultural Space) với một cấu trúc – hệ thống (Tructure – system) bao gồm các hệ dưới – hay tiểu hệ (Sub – system) theo lối tiếp cận hệ thống (System – analysis).

Ví dụ: Huế là một vùng văn hóa, vì là một hệ thống- cấu trúc văn hóa bao gồm các tiểu hệ mang bản sắc “độc đáo”, “có một chưa hai”:

  1. Hệ tiếng Huế: Có một tiếng Huế rất dịu dàng, dễ thương, có thể nằm trong “miền phương ngữ Trung Bộ” song không phải là tiếng Quảng Bình – Quảng Trị, mà là một thứ tiếng Việt độc đáo, đối so sánh với tiếng Hà Nội, tiếng Sài Gòn, được sử sụng thường xuyên trên đài phát thanh Huế mà – đã  người Việt – ai nghe cũng nhận ra ngay tiếng Huế (xem cuốn sách của GS.TS Hoàng Thi Châu về Các phương ngữ tiếng Việt). Ta đều biết, ngôn ngữ là một sản phẩm và là thành phần của văn hóa.

2. Hệ hò Huế trên sông Hương, với các điệu hò mái Nhì, mái Đẩy… nghe biết ngay là hò Huế - nhất là nghe qua giọng hò Huế của cố nghệ sĩ nhân dân Châu Loan (xem các tác phẩm của nhà nghiên cứu văn hóa Tôn Thất Bình).

3. Hệ ca nhạc Huế với điệu Nam, điệu Bắc… có thể là xuất phát từ nhạc cung đình  rồi khi nhà Nguyễn mất ngôi – hay chỉ còn là ngôi hư vị- đã lan tràn vào Miền Nam thành nhạc tài tử (của những nhân tài âm nhạc romantic) và kết hợp với  nhiều điệu thức dân gian Nam Bộ thành nhạc Cải lương đặc sắc của đồng bằng xứ Cửu Long. Còn Huế vẫn giữ nguyên nhạc tài tử với sự dân gian hóa ít nhiều.

4. Hệ pháp lam Huế với màu sắc đặc biệt mà họa sĩ Phạm Đăng Trí với biết bao họa sĩ khác còn đang suy nghĩ nào “Pháp lam” có thể bắt nguồn từ “Pha lang sa” có thể ra đời từ các “lò Quảng Đông” theo đơn đặt hàng và mẫu vẽ Huế, v.v… Sao chăng nữa “Bleu de Huế” đã là một khái niệm hội họa và gốm sứ học (Ceramics studies) Việt Nam.

5. Hệ kinh thành Huế còn giữ được tương đối hoàn chỉnh nhất của một Cité Royale (hoàng đô) của Việt Nam, so với chẳng hạn Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long… đã trở thành “phế tích”. Huế có hoàng thành và tử cấm thành (Đại Nội), còn các Điện Thái Hòa, Long An, còn có Ngọ Môn với tỉ lệ vàng Việt Nam (xem Phạm Gia Trí và Nguyễn Từ Chi) dù ai có muốn đối chiếu “nó” với Thiên An Môn của Trung Hoa.

6. Hệ lăng tẩm Huế mà người Pháp gọi là “Les Tombeaux Royaux de Huế” với những lăng Gia Long – Minh Mạng chỉnh chu, đăng đối nghiêm trang, với lăng Tự Đức (Khiêm Lăng). Ở đó có cái tự nhiên và cái văn hóa được hòa điệu  hay hài hòa đến mức gần như tuyệt đối. Rồi còn lăng Thiệu Trị khiêm tốn, lăng Đồng Khánh đủ đầy chuẩn mực phong thủy, lăng Khải Định một thời họa sĩ – kiến trúc sư Bắc Hà chê là “lố lăng”, song “thời gian làm nên cái đẹp”, “nó”có cái đẹp hiện đại của một thời quá độ Việt Pháp.

7. Trong khi - nhìn cả nước – văn hóa văn minh Việt Nam cổ truyền là văn minh thôn dã (Civilisation Rural) là văn hóa xóm làng (Culture Villageoise) thì các nhà văn hóa học và đô thị học Việt Nam và thế giới không thể không nói tới văn hóa đô thị Thăng Long, văn hóa đô thị Huế, văn hóa đô thị Sài Gòn… của tổng thể văn hóa Việt Nam.

8. Một hệ chùa  - đền với tháp Thiên Mụ, điện Hòn Chén độc đáo của sự giao thoa văn hóa Chăm Việt mà nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ đã thu được cả bài văn chầu Thiên Y- Ana Thánh Mẫu lẫn văn chầu Mẫu thượng ngàn, rồi còn các chùa Từ Đàm, Túy Vân, Diệu Đế,… PGS. Chu  Quang Trứ cũng phát hiện nhiều cái khác nhau giữa các đình Huế và đình Bắc. Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận dạng được mấy dạng vài (vì kèo) độc đáo của kiến trúc nhà cửa Huế, như vài giả thủ,vài thừa lưu, vài luôn, vài chồng,...

Thôi thì, chỉ xin tạm kể 7 “thành phần” độc sáng như vậy khiến ai đó dù “ khó tính” hay chỉ thích “sinh chuyện” đến đâu cũng gật gù mà thốt lên rằng: có lẽ đúng là “Có một vùng văn hoa Huế”.

Đất trời xứ Huế

Xứ Đoài (Tây Sơn củ) có Núi Tản – sông Đà.

Xứ Quảng  Quảng Nam) có núi Chúa – Thu Bồn.

Xứ Nghệ (Nghệ An (Hà Tỉnh xưa) có Hồng Lĩnh - Lam Giang.

Non sông, non nước, giang sơn, sơn hà, đất nước Việt Nam bao giờ cũng có nhũng biểu tượng thiên nhiên mà cũng là biểu tượng văn hóa, là cặp đôi sông núi.

Xứ Huế cũng vậy. Nói đến Huế là người ta nói đến “sông Hương – núi Ngự”. Sông Hương thì quá rõ rồi, đó là sự hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch, bắt nguồn từ sườn Đông của dãy Trường Sơn, chảy qua cả ngàn rừng “xương bồ” nên được đượm ướp bởi “hương xưa” mà thành tên, người Pháp có lý khi dịch sông Hương thành “Fleuve Riviere des Parfums”.

Đến với xứ Huế

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Là đến với sự thơm tho của miền đất thần kinh cũ. Còn núi Ngự hay Ngự Bình thì tôi không/ chưa bao giờ “chịu” đấy là “chủ sơn” của xứ Huế mến yêu. Chẳng qua nói như Pham Thuận An, khi các chúa rồi vua Nguyễn Gia Long – Minh Mạng xây hoàng thành theo nguyên lý phong thủy “thánh nhân Nam diện xưng vương ( đây là một ứng xử Trung Hoa từ đời Chu chứ không phải Việt, ông Phan thân quý ạ!) thì vua chúa Nguyễn đã dùng núi Ngự Bình (cao 104 m – là đồi hơn là núi) cách bờ sông Hương 3km, là tiền án  và tạm dùng hai hòn “ đảo nhỏ” (đúng ra là cồn hình thoi) là Cồn Hến và Cồn Dã Viên trên sông Hương là “tả Thanh Long” và “hữu bạch hổ “ chầu hai bên Hoàng đô.

Nhìn khái quát và tổng thể - theo tôi  - buộc ta phải nhận nhìn núi Kim Phụng (cao độ 427m) mới là chủ sơn của xứ Huế, đường phân thủy của hai nguồn Tả - Hữu Trạch hợp thành Hương Giang. Một tấm ảnh – tranh của thời thuộc Pháp củ cũng phát họa xứ Huế với hậu cảnh núi Kim Phụng và tiền cảnh là phá Tam Giang. Dưới chân núi Kim Phụng là nơi an nghỉ ngàn đời của bà hoàng hậu họ Phạm của vua Quang Trung.

Có một xứ Huế. Nhưng cũng có 3 vùng- miền họp thành xứ Huế.

+ Một vùng Huế núi- đồi: Và người Huế khéo tạo cảnh ở đây – từ tự nhiên thành văn hóa (man made Environment – môi nhân sinh văn) là khu lăng tẩm đế vương. Đấy là một khu Hành hương và du lịch của xứ Huế mến yêu, mà ai chưa một lần đên Huế thì còn ân hận cả đời.

+ Một vùng Huế cồn bãi đôi bờ Hương Giang cùng các nhánh sông Bạch Yến, An Cựu, Lim Long (nay đã lấp nhiều) mà hệ quy chiếu chính thống là hoàng cung- Đại Nội bên tả ngạn và một dải phố xá- trường học – cơ quan bên hữu ngạn. Còn hệ quy chiếu cũ xưa sẽ là Thành Lồi – Long Thọ và hệ quy chiếu dân gian là chợ Đông Ba.

+ Một vùng Huế đầm – Phá với những phá Tam Giang, Hà Trung, Cầu Hai… và những eo cũ, cửa Thuận hôm nay, nơi đã và đang phát triển hệ nuôi tôm với sự trợ giúp của Australia.

Cả 3 vùng xứ Huế đó được nối kết bởi dòng sông Hương và bởi con người xứ Huế.

“Quy hoạch đô thị” ở Việt Nam bao giờ cũng nổi trội hơn loại hình “đô thị sông” (Ville- fleuve) – thường bao giờ cũng được dân gian nêu tóm tắt mà cực kì rõ ràng. Chẳng hạn Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội:

Nhị Hà quanh Bắc sang Đông

Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này!

Phố Hiến( Hưng Yên cũ)

“Thượng Tam Đằng” (Xích Đằng, Đằng Châu, Kim Đằng- nay là xã Lam Sơn thị xã Hưng Yên).

“Hạ Tam Hoa” (Hoa Dương, Hoa Cái, Hoa Điền, nay thuộc các xã Mậu Dương, Hồng Nam, Hồng Châu thị xã Hưng Yên).

Hội An (Faifoo của các văn bản nước ngoài – thuộc Quảng Nam).

“Thượng chùa Cầu (Cầu Nhật Bản)

Hạ Âm  Bổn (Chùa Âm Bổn)

Thế còn Huế ? Tôi chưa biết một câu quy hoạch dân gian nào về Huế như các câu kể trên (Ai biết xin mách giùm?).

Tôi và Vũ Hữu Minh chỉ biết xưa Huế - cũng như Cổ Loa, Hoa Lư, Hà Nội, Hội An, Phố Hiến – nằm trong tứ giác nước, với sông Hương là “sông trước” và Bạch Yến (đã bị cải tạo) làm “ sông sau” với những lạch nước nay đã bị san lấp một phần hay vua chúa Nguyễn đã biến thành Hào Thành.

Tôi chỉ mới biết một bản sắc văn hóa Huế mà từ Francoise Carrèze qua Đào Thế Hùng đến Hoàng Phủ Ngọc Tường… đã khái quát hóa và mô hình hóa rất giỏi giang và đúng đắn là: “Thành phố - vườn” hay “Thành phố - thơ”.

Huế là một biểu tượng điển hình của Việt Nam về sự hòa điệu diệu huyền của cái văn hóa và cái tự nhiên (enharmonie et en lutte avec la nature).

Theo tôi hiểu, về mặt tự nhiên, xứ Huế và Bình Bình Trị Thiên nói chung – nhà Nguyễn gọi chung vùng “ tứ Quảng”, cái “context” (bối cảnh đại đồng văn) chung quanh và hai bên Bắc – Nam Huế và Trực Kỳ - mang một ý nghĩa quá độ, trung độ đặc biệt giữa hai miền Nam – Bắc nước ta.

Quá độ về trời (khí quyển hay còn gọi cho dễ hiểu và “duy vật” là thời tiết – khí hậu) giữa cùng một vùng Việt Nam nội chí tuyến, nhưng miến Bắc có hai mùa nóng  - lạnh riêng biệt và miền Nam ( Đồng Nai – Gia Định- đồng bằng sông Cửu Long) nóng ấm quanh năm, giữa hai miền Bắc – Nam có hai mùa  mưa – khô (hay biện chứng hơn tương đối khô) gần như trùng nhau trong hai nữa thời gian của một năm, tạm lấy “mốc” là tháng 4 và tháng 10 “ lịch trên”( tiếng dân gian chỉ dương lịch) còn xứ Huế có một mùa mưa lệch pha so với hai miền Nam – Bắc: Ở xứ Huế, mùa mưa trùng với mùa đông lạnh . Và thực ra đây - ít ra là “ ngày xưa” – là vùng không có mùa đông và mùa khô rõ rệt.

Xứ Huế cũng là vùng quá độ về đất (Thạch quyển, Thủy quyển, Địa quyển). Các nhà đại học (địa lý – địa chất) như Lê Bá Thảo (người Huế), Tống Duy Thanh (người Thanh), Vũ Tự Lập (người Bắc)… mách ta rằng: Hải Vân hay còn gọi Ải Vân (Col des Nuages) là ngọn cuối cùng của một mạch núi từ Trường Sơn đâm ngang ra biển và đó là đường phân giới trong thiên nhiện nước ta, giữa Bắc và Nam. Cần thưa thốt ngay, nói như V. I Leenin (trong bàn về Châu Âu): Mọi ranh giới đều “mơ hồ” hơn là ta tưởng!

Từ xứ Huế đi ra miền Bắc, ta càng hay gặp những cảnh quan núi đá vôi: Vùng Karst Quảng Bình, vùng Karst Tây Nghệ Tĩnh, vùng Karst Thanh Hóa – Hòa Bình,… và kia núi cũng là rừng, rừng gió mùa chí tuyến, với cân bằng bức xạ quá 75 ki lô –calo/cm2/năm hay tổng nhiệt độ 7500C của khu vực chí tuyến.

Từ Hải Vân tận cùng xứ Huế trở vào Nam xưa là những đới rừng á- xích đạo, với cân bằng bức xạ trên 95 K calo/cm/ năm hay tổng nhiệt độ 9.5000C, và càng vô Nam núi non càng trơ trụi, để lộ những khối đá hoa cương (granit) hùng vĩ.

Trời- đất xứ Huế như vậy nên sông ngòi, cỏ cây, động vật cũng vậy: “Hoa trái quanh ta” của xứ Huế của Hoàng Phủ là vùng đệm Bắc – Nam của thế giới cỏ cây – động vật Ấn Hoa (Indonesia) và thế giới cỏ cây động vật Nam Dương Indonesia).

Khảo cổ tiền sử và sơ sử xứ Huế

Chưa thể nói rằng xứ Huế đã được điều tra kỹ lưỡng về khảo cổ học tiền sử và sơ sử.

Mùa hè 89, tôi và trung tâm văn hóa Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội khi ghé thăm chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long, chúng tôi đã “phát hiện” được một số “cuội gia công” (Galets aménagés) mang dáng vẻ Sơn Vi, cuối thời đá cũ (2 vạn- 1 vạn năm cách ngày nay). Song cũng như ở Vĩnh Phú, khi Hà Văn Tấn – Hán Văn Khẩn và tôi tìm thấy Sơn Vi, nhiều nhà khảo cổ khác đã “cười” vào mũi chúng tôi rằng đây là “giả công cụ cuội đẽo”. Phải mấy năm sau phát hiện này mới được xác nhận – nhiều nhà khảo cổ khả kính ở Huế đã lên lại đồi Hàm Long và bảo: Không thấy gì!

Vậy xứ Huế đồi gò có văn hóa đá cũ hay không xin hãy tạm để tồn nghi!

Nhưng thời đá mới (hay đá mới hóa - néolitthisation) thì phát hiện được nhiều với những rìu tứ giác và rìu có vai mài nhẵn ở miền đồi núi và thung lũng Bình Trị Thiên (xem Thông tin khoa học, Đại học Tổng hợp Huế, số 1,3, 5 (năm 1978 – 1988).

Với các nhóm Tà Ôi – Pacoh – Văn Kiều, K’tu… ta có quyền ngờ rằng đây từ 5 – 7000 năm trước là xứ sở của nhiều nhóm cư dân thuộc ngữ hệ Mon – Kh’mer, hái lợm, đi săn và bước đầu làm nghề nông, nương rẫy…

Trong khi đó khu vực Cồn – Bàu ven biển Bình Trị Thiên Quảng Nam, Quảng Ngãi… mà đại diện ưu tú nhất của xứ Huế là Cồng Ràng (Hương Chử) do Bộ môn Dân tộc  - Khảo cổ Đại học Tổng hợp Huế đã phát hiện từ năm 1985, có trên hai chục chum và các hiện vật tùy táng mang đầy đủ đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh. Mà Sa Huỳnh muộn thì niên đại lại tiếp cận Chămpa, khiến nhiều học giả cho rằng: Một bộ phận cư dân Chăm là cư dân Sa Huỳnh được Ấn hóa về mặt tôn giáo. Đó là những dân cư của ngữ hệ Mã Lai (Austronésien).

Ấy là chưa kể về một gợi ý lý thú của H. Quaritch Wale rằng Chămpa cũng có thể là nhánh thừa kế của văn minh – văn hóa Đông Sơn (xem H. Quaritch Wale: The Đông Sơn genius and the evolution of Cham Art (Thần Thái Đông Sơn và sự tiến hóa của nghệ thuật Chàm), tạp chí Journal of the Royal Asiatic Society, 1949).

Đông Sơn - Sa Huỳnh – Đồng Nai (Óc Eo) với niên đại sớm ngàn năm trước Công Nguyên là tam giác văn hóa Bắc – Trung – Nam, có giao lưu qua lại, mà cũng có giao thoa vùng  đệm:

 

Xứ Huế - Bình Trị Thiên – vừa là nơi giao lưu của cả 3 văn hóa, vừa là nơi giao thoa Sa Huỳnh – Đông Sơn. Và còn giao lưu xa hơn nữa “Thế giới Nam Hải” (Đông Nam Á hải đảo) với Ấn Độ, với Trung Hoa.

Kết quả là miền Trung và xứ Huế, từ đầu Công Nguyên đến nữa đầu thế kỷ II sau Công nguyên đã nảy sinh một  nền văn minh độc sáng: Văn minh – Văn hóa  Chămpa. Do không được đến xứ Huế từ 4 năm nay, tôi nghĩ mình đã lạc hậu về tri thức khảo cổ học Huế. Được biết PGS. Hoàng Xuân Chinh dẫn đầu đoàn khảo cổ vào công tác Huế tháng 11/1992, tôi nhờ cậy ông cho tôi vài dòng vắn tắt về hiệu quả đợt điền dã khảo cổ này. Trong thư gửi tôi ngày 6-3-1993, PGS. cho biết:

1. Đối với giai đoạn cuối đá mới đầu đồng thau, đoàn đã thu lượm được một số rìu đá mài nhẵn ở Truồi. Những rìu (đá) này gần gũi với rìu đá phát hiện được ở huyện Hương Điền, A Lưới và rìu trong sưu tập của cha cố Pirey trước đây.

2. Đối với thời đại kim khí, đoàn trở lại di tích Cồn Ràn thuộc huyện Hương Trà. Ở đây, trong diện tích 4m2 (đào) thám sát, đã phát hiện được một ngôi mộ chum khá lớn, trong chứa nhiều nồi và vò gốm trang trí hoa văn rất đẹp, đặc trưng cho văn hóa Sa Huỳnh. Cách Cồn Ràn vài cây số, di tích Phú Ốc cũng là một di tích văn hóa Sa Huỳnh. (Các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở đây chủ yếu phân bố trên các cồn cát ven các đầm hồ nước ngọt lớn (Bàu -  TQV).

Chúng tôi còn được biết trên các cồn cát dọc các đầm hồ ở huyện Hương Điền, nhân dân cũng đã phát hiện nhiều ngôi mộ chum (thuộc) văn hóa Sa Huỳnh nhưng Đoàn chưa có điều kiện tới thăm.

Trân trọng cám ơn PGS. Phó viện trưởng Viện khảo cổ học Hoàng Xuân Chinh đã thông báo cho biết những tin tức sốt dẻo này và cho phép công bố trong bài viết nhỏ bé này.

Khảo cổ học Chămpa xứ Huế

“Sợi dây liên kết văn minh  là Nhà Nước” (F. Engels). Theo biên niên sử, nước Lâm Ấp ra đời khoảng 190 – 192 sau cuộc nổi dậy của Khu Liên chống ách đô hộ của nhà  Hán. Từ Triệu Đà (180 – 137 tr CN) và nhất là từ Hán Vũ Đế (140 – 109 tr CN), từ  Hoành Sơn đến quảng đèo Đại Lãnh, các triều đại Hoa – Hán đặt quận Nhật Nam, với các Huyện Tượng Lâm (xứ Quảng) Tây Quyền rồi Thọ Linh ( nam sông Gianh – sông Gianh còn có tên là sông Thọ Linh), Lô Dung (từ đèo Ngang đến sống Gianh, trung tâm là lưu vực sông Ròn), Tỉ Ảnh (Canh) – Vô Lao (Quảng Bình, Quảng Trị) và Chu Ngô. Theo sự khảo cứu của tôi, Chu Ngô chính là xứ Huế.

Nhưng thật ra Nhật – Nam khó là quận “trực trị” của quan lại Trung Hoa như Giao Chỉ (đồng bằng Bắc Bộ) mà chỉ là Nhật Nam thuộc quốc và người Chăm cổ cùng các tộc khác đã nhanh chống giành quyền tự chủ, lập quốc riêng. Song cho mang tên Lâm Ấp, Hoàng Vương, Chiêm Thành, Chăm Pa… đấy không phải một quốc gia hoang toàn tập quyền kiểu Hoa Hạ mà là một thứ madala (từ ngữ của GS. O. Wolters) một loại liên hiệp các tiểu quốc, thậm chí ban đầu là Chiefdoms (xứ địa phương, chữ của TS. Higham) một hình thái “tiền nhà nước”, đứng đầu là các thủ lĩnh địa phương (local chefferies). Trung tâm Champa là lưu vực Thu Bồn xứ Quảng với Kinh thành Simpahura (Trà Kiệu), với Thánh Địa Mỹ Sơn rồi Đồng Dương rồi hải cảng Chămpa (Đại Chiêm hải khẩu, sau là Hội An  - Faifo) rồi sau thế kỷ XI là Vijaya (Bình Định) và ở phía Nam là Panduranga (Phan Rang) với kinh đô Virapurà…

Nhưng ta hãy trở lại với xứ Huế thời Chămpa. Từ 1989, tôi được biết giới khảo cổ và bảo tàng Huế đã tìm thấy các di tích Chămpa từ Quảng Điền giáp Quảng Trị trên lưu vực sông Ô Lâu (vùng Châu Ô xưa) với nhiều tượng nữ thần (Bà Lồi) đến tám bia Chàm khắc 4 chữ mặt ở Niêm Phò (quê hương cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Ngài Tôn Thất Dương Kỵ từ trước cách mạng 1945 đã nhận ra điện Hòn Chén vết tích nữ thần xứ sở Yang Pu Negara (mà người Việt gọi là Thiên Y-A Na). Cố học giả Trần Văn Giáp và tôi cũng nhận ra ở chân Tháp chùa Thiên Mụ là cụm tháp cổ Chăm Pa. Tôi cùng Vũ Hữu Minh, Nguyễn Văn Kết đã 2- 3 lần khảo sát kỹ lưỡng “thành lồi” ở Nguyệt Biều – Long  Thọ trên hữu ngạn sông Hương và nhận ra đó là thành Chămpa lớn, xây dựng trên vùng đồi Dương Xuân Thượng: Lũy nam 550m, lũy đông 370m, lũy tây 350m, lũy nam sát giới hạn xâm thực của Sông Hương 750m, với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước… Niên đại “ thành Lồi” không thua kém thành Trà Kiệu mà chúng tôi biết (thế kỷ V- VI).

Ở Quảng Trị tháng 3/1992, chúng tôi xác định thành Thuận Châu được xây dựng  đắp trên nền tảng một thành Champa cổ “Ô thành” và xứ Huế, các học giả Trần Viết Ngạc, Đỗ Bang… cũng xác định được thành Hóa Châu, rất có khả năng tận dụng và đổi thay ít nhiều “Lý” thành của Champa thế kỷ XIV.

Trong đợt điền dã 11/1992 PGS. Hoàng Xuân Chinh lại cho biết: Ở xứ Huế, các di tích Chămpa rãi rác trong các huyện đồng bằng, tập trung nhiều nhất ở huyện Phong Điền. Di tích Chămpa phần lớn là phế tích kiến trúc, chân tháp và tượng thần. Đáng chú ý là hai khu lò gốm cổ cồn Sành và cồn Chén ở làng Phước Tích huyện Phong Điền, ở đây tầng văn hóa khảo cổ dày tới 6- 7 m, trong đó còn có cả phế tích lò gốm. Đây lò khu lò gốm của người Chăm hay người Việt Cổ thuộc thế kỷ XV hay XVI cần được  trao đổi  thảo luận thêm. Đoàn cũng tiến hành khảo sát thành Lồi và cảng cổ Thanh Hà.

Do nhiều năm nghiên cứu ở miền trung từ Quảng Trị tới Khánh Hòa, tôi đã đưa ra một mô hình quy hoạch một “tiểu quốc” (hay xứ - miền) Chămpa như sau, xin được các bậc cao minh chỉ giáo cho:

 

Núi đồi

 

Đồng bằng

 

 

 

 

THÁNH ĐỊA

 

TRUNG TÂM CHÍNH TRỊ

 

CẢNG

 

NÚI

SÔNG

SÔNG

BIỂN

- Dương Lệ (Quảng Trị)

- Thập Tháp (Bình Định)

- Hệ tháp Đại An
(núi Chúa Khánh Hòa)

- Mỹ Sơn
(Quảng Nam- Đà Nẳng)

- Thạch Hãn

- Côn

- Cả

 

- Thu Bồn

- Ô Châu (Thuận Châu)

- Trà Thành

- Diên Khánh

 

- Trà Kiệu

- Cửa Việt

- Thi Nại (Quy Nhơn)

- Nha Trang

 

- Hội An

 

Và do vậy, ở xứ Huế, Hóa Châu, Châu Lý cũ của Chăm Pa, mô hình ấy có thể là như sau:

Núi Kim Phụng

Điện Hòn Chén

 

Thành
Lồi

 

Thanh Hà
eo Thuận

 

Sông

Hương

Biển

 

 

Xứ Huế thời đại Việt Nam

Phần này tôi sẽ viết ngắn vì bản thân tôi và nhiều  vị học giả khả kính hơn nhiều lắm đã viết nhiều rồi.

Huế là sự đọc trạnh từ Hóa mà ra.

Thuận Hóa trở thành một bộ phận của Đại Việt từ năm 1306 sau đám cưới Huyền Trân – Chế Mân. Tôi đặc biệt tâm đắc cái ý của ông bạn Đào Thế Hùng về sự khác nhau trong “cảm quan về Huyền Trân” của Hà Nội và Huế.

Hà Nội:  Hai Châu Ô Lý vuông ngàn dặm

              Một gái thuyền quyên của mấy mươi.

Lạ lùng thay, trong khi Hà Nội bỏ biển tên phố “Huyền Trân công chúa” để thay bằng phố Bùi Thị Xuân thì ở giữa phức thể đền – miếu Bích La Đông, quê hương cố Tổng bí thư Lê Duẩn, dân làng chỉ cho tôi ngôi đền thờ “Huyền Trân công chúa.

Và xứ Huế có cả một bản Nam Bình tiêu biểu cho ca Huế, xót thương cho số phận Huyền Trân công chúa:

Tình phân ly
Nước non nghìn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô – Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì.

Độ xuân thì
Cái lương duyên hay là nợ duyên gì
Má hồng da tuyết
Quyết liều thân như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ…

Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện đà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần…!

Xứ Huế được tích hợp vào quốc gia Đại Việt kể từ công chúa Huyền Trân. Mãi tới năm ngoái, tôi mới trèo lên núi Hổ ở huyện Vụ Bản tỉnh Nam Hà thăm ngôi chùa cổ, nơi Huyền Trân đi tu sau khi từ Champa trở lại quê hương nhà Trần miền ven biển Thiên Trường, với không khỏi đôi chút ngậm ngùi. Bà là một người bất hạnh và cũng biết rũ hết bụi trần ở cuối đời.

Khép lại nỗi lòng…

Sao chăng nữa xứ Huế đã mang lại cho cả nước  một sắc thái mới của văn hóa đô thị Việt Nam. Cùng đó là đô thị sông, nhưng Sài Gòn là CẢNG THỊ. Hà Nội đã ở quá sau trông nội địa và tính hướng nội (introverti) một thời chưa đổi mới là nỗi trội.

Nhưng Sài Gòn ồn ã, ào ạt và ngày càng tiếp cận đô thị phương tây.

Hà Nội của tôi đang chuyển đổi nhưng không lấy gì làm trật tự lắm về chợ và vỉa hè.

Nhưng còn Huế, thành phố vườn, thành phố thơ, thành phố mà Bửu Kế nói quá đi là “xứ Huế trầm lặng hoàn toàn, có tính cách của Việt Nam, chưa pha lẫn cuộc sống ồn òa của người ngoại quốc”!

Theo tôi hiểu, chỉ có Huế của Gia Long – Minh Mạng  thế kỷ XIX mới bắt đầu là kinh đô đầu tiên của cả nước từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Kiến trúc Nguyễn, từ Lạng Sơn đến Cửu Long là một thức.

Nhưng Hà Nội một thời là cố đô  rồi với thế kỷ XX lại trở về vị trí thủ đô. Còn Huế, nói như Thanh Tịnh, từ kinh đô – hay trở lại “cố đô”. Cụ Nguyễn Khắc Viện khắc khoải vì một xứ Huế cuối thế kỷ XX mà vẫn yên lặng “vẫn dòng sông yên lặng”, “vẫn những vườn cây yên lặng”.

Năm 1988 nhiều văn nghệ sĩ Huế nói và viết “Huế luôn luôn mới”.

Tôi chờ mong tưởng vọng các vị sẽ mai mốt đây trở thành hiện thực!

Huế đổi mới, biến dịch mà vẫn giữ cái gì đó như một hằng số văn hóa  Huế. Mong lắm thay !.

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng