Văn nghệ dân gian
Văn hóa nghệ thuật miền Trung: Suy nghĩ về định hướng nghiên cứu
14:24 | 03/12/2021

NGUYỄN CHÍ BỀN

Văn hóa nghệ thuật miền Trung: Suy nghĩ về định hướng nghiên cứu

1. Có thể còn những cách phân chia vùng văn hóa khác nữa ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ cách phân vùng được nhiều người chấp nhận là coi miền Trung (từ Quảng Bình đến Ninh Thuận) là một vùng văn hóa trong các vùng văn hóa ở nước ta, với tên gọi Văn hóa nghệ thuật miền Trung hay vùng văn hóa Trung Bộ.

Tôi nghĩ rằng, muốn nhìn nhận vị thế định hướng của công tác nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung trong công tác nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam cần bắt đầu từ việc tìm hiểu tiến trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung cũng như đặc trưng của vùng văn hóa này, và những yêu cầu của cuộc sống đương đại hôm nay.

1.1. Nếu phải nhìn nhận tiến trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung, ắt phải nhìn nhận từ những công trình theo kiểu thực lục hoặc chí của các nhà nho hay các viên quan trong Quốc sử quán của nhà Nguyễn. Có lẽ, Dương Văn An là người sớm nhất có những trang ghi chép về miền Trung với Ô Châu cận lục. Với 6 quyển ghi chép về núi sông, tô thuế, bản đồ, phong tục, thành thị, chùa đền, quan chế, hơn 400 năm trôi qua, những trang ghi chép ấy vẫn nguyên giá trị của nó. Sau Dương Văn An, người có những ghi chép đáng lưu ý về miền Trung là Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục của ông là tác phẩm ghi lại khá nhiều những vấn đề của miền Trung theo thuở ấy. Không thể không nhắc đến những ghi chép về miền Trung của các viên quan trong Quốc sử quán triều Nguyễn với bộ Đại Nam nhất thống chí. Từ kinh đô Huế, phủ Thừa Thiên, tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bình Thuận, đều đã được các viên quan trong Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép rất chân xác. Cùng quyển sách này là bộ Đại Nam thực lục, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, cũng là những cuốn sách có nhiều ghi chép đáng quý về miền Trung.

Thời Pháp thuộc, hoạt động của Hội những người bạn cố đô Huế từ năm 1913 đến năm 1944 và tờ Tạp chí Những người bạn cố đô Huế của Hội này có nhiều đóng góp tích cực vào tiến trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung. Bởi “Chương trình nghiên cứu” của Hội bao gồm “toàn thể các sự kiện tạo thành cái mà chúng ta gọi là Huế cổ có thể chia theo lối biên niên sử thành bốn giai đoạn: Huế tiền sử, Huế Chàm, Huế An Nam và Huế Âu”. Hoạt động của Hội được phản ánh chính yếu qua tập san của Hội là Bulletin des amis du vieux Hue (Tạp chí Những người bạn cố đô Huế)”. Nét đáng quý của những công trình nghiên cứu này là sự ghi chép rất chân thực đối tượng nghiên cứu. Thành thử, giá trị của những công trình nghiên cứu này, nhất là về mặt tư liệu, cho việc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung hôm nay là rất lớn.

Thời gian từ năm 1954 đến năm 1975, việc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung diễn ra ở hai miền Nam Bắc có sự khác nhau về động cơ cũng như phương pháp nghiên cứu.

Ở miền Bắc, do khoảng cách về không gian, các nhà sưu tầm nghiên cứu chỉ có thể dựa vào hồi ức hoặc thông qua những con em, cán bộ miền Trung ra tập kết ở miền Bắc để lấy tư liệu. Đó là trường hợp các công trình Sơ thảo lịch sử nghệ thuật tuồng của Hoàng Châu Ký, Dân ca miền Nam Trung Bộ của Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang, Hoàng Chương, Dân ca Bình Trị Thiên của Trần Việt Ngữ, Thành Duy. Đáng lưu ý nhất là tiểu luận của nhà thơ Xuân Diệu: Sống với ca dao miền Nam Trung Bộ. Tập tiểu luận được viết bằng một tấm lòng tràn đầy xúc cảm, một sự cảm thụ rất sâu sắc và tinh tế ca dao miền Nam Trung Bộ, nên rất có giá trị đối với việc nghiên cứu ca dao ở đây.

Ở miền Nam, mục đích và phương pháp nghiên cứu có khác nhau giữa các tác giả, thành thử, kết quả nghiên cứu mà họ đạt được cũng có những nét khác nhau.

Đầu tiên là việc ghi chép về các vùng đất trong loại sách dạng chí, hay dạng non nước, đất và người, v.v... Có thể kể đến nhà thơ Quách Tấn với cuốn sách về tỉnh Khánh Hòa (Xứ trầm hương), và tỉnh Bình Định (Nước non Bình Định). Người có nhiều sách dạng chí về miền Trung là Nguyễn Đình Tư. Ông viết về Khánh Hòa in trên Văn đàn tuần báo (1963), rồi công bố Non nước Khánh Hòa, về Phú Yên với Non nước Phú Yên, về Ninh Thuận với Non nước Ninh Thuận. Cũng nằm ở loại sách này còn có Thái Văn Kiểm với cuốn Cố đô Huế.

Thứ hai là mảng nghiên cứu về người Chăm và văn hóa Chămpa. Nếu Nguyễn Khắc Ngữ viết về cổ sử Chiêm Thành, về ngải chàm, về ảnh hưởng văn hóa chàm qua Việt Nam trên Văn hóa nguyệt san, Việt Nam khảo cổ tập san thì Dohamide từ năm 1962 đến năm 1974 đã công bố 12 tiểu luận về người Chăm, văn hóa Chămpa trên Tạp chí Bách khoa. Cùng với Doroheim, năm 1965, tác giả đã công bố Dân tộc Chàm lược sử.

Thứ ba là mảng nghệ thuật miền Trung. Sớm nhất trong những tác giả nghiên cứu ca Huế là Nguyễn Hữu Ba với công trình Ca Huế cổ truyền. Thập kỷ bảy mươi, Lê Văn Chưởng tập trung nghiên cứu hò Huế, để rồi công bố rải rác trên tạp chí và tập trung trong tiểu luận Cao học văn khoa, năm 1971.

Thứ tư là mảng nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng của cư dân ven biển. Nếu Nguyễn Khắc Ngữ viết Tiếng ca miền biển công bố trên Văn hóa nguyệt san thì Lê Quang Nghiêm viết về Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa.

Tiến trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung được đẩy lên mọi mặt sau năm 1975. Có thể nói, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự say mê của giới sưu tầm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung đã đưa nhịp độ nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung lên một bước phát triển mới.

Lĩnh vực văn học dân gian là lĩnh vực mà các nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung đã gặt hái được nhiều thành tựu nhất. Ít nhất đã có hai cuộc hội thảo về văn học dân gian miền Trung được tổ chức trong thập kỷ tám mươi. Đến nay, hầu hết các tỉnh đều đã có những cuốn văn học dân gian tỉnh mình, cá biệt đã có những cuốn văn học dân gian theo huyện. Có thể kể theo thứ tự các tỉnh từ Bắc vào Nam như Văn học dân gian Bình Trị Thiên (tỉnh Bình Trị Thiên cũ), Văn học dân gian Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ). Truyện cổ dân gian các dân tộc: Chăm, Hrê, Tà Ôi, v.v... đều đã được ra mắt bạn đọc. Mảng ca dao dân ca người Việt, trước khi đất nước thống nhất, bạn đọc đã từng được tiếp nhận cuốn Dân ca miền Nam Trung Bộ (hai tập) của các tác giả Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang, Hoàng Chương (tập 2 không có tác giả Hoàng Chương), sau năm 1975 lại được tiếp nhận cuốn Ca dao Nam Trung Bộ của hai tác giả Thạch Phương - Ngô Quang Hiển. Cũng ở mảng ca dao, Ưng Luận có Ca dao xứ Huế bình giải. Với truyện trạng dân gian, truyện Thủ Thiệm và truyện trạng Vĩnh Hoàng đều là những sưu tầm mới được công bố của các nhà sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian miền Trung. Với lễ hội cổ truyền, Thừa Thiên Huế, Bình Trị Thiên (cũ), đều công bố những công trình lễ hội dân gian. Với tín ngưỡng dân gian, Thừa Thiên Huế là tỉnh đã có hai công trình về tín ngưỡng dân gian được xuất bản.

Lĩnh vực thứ hai là lĩnh vực được các nhà sưu tầm nghiên cứu quan tâm là văn hóa thời tiền sử, sơ sử trên dải đất miền Trung. Quảng Bình đã công bố công trình về tiền sử của tỉnh nhà. Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã xuất bản Những di tích tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam - Đà Nẵng do GS. Trần Quốc Vượng chủ biên.

Lĩnh vực thứ tư là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ở địa phương, cũng như trong, ngoài nước. Đó là văn hóa Chămpa. Nếu Trần Việt Kỉnh có Nữ thần Pônaga còn quá mỏng mảnh thì PGS.TS. Ngô Văn Doanh đã nghiên cứu khá nhiều và có nhiều đóng góp về văn hóa Chămpa và tháp Chăm. Hồ Xuân Tịnh có Di tích Chăm ở Quảng Nam. Tuấn Giang có Phác thảo diện mạo sân khấu Chăm. Riêng về di tích Mỹ Sơn đã có một hội thảo khoa học thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật.

Lĩnh vực thứ năm là lĩnh vực được các địa phương chú trọng là loại sách viết về các di tích, danh nhân, đất nước con người. Đáng tiếc là cho đến nay các tỉnh chưa có được những công trình xứng đáng, có tầm cỡ về tỉnh mình.

Lĩnh vực thứ sáu là lĩnh vực nghệ thuật. Tập trung nhiều hơn cả sự quan tâm của giới nghiên cứu sưu tầm vẫn là kho tàng văn hóa Huế. Nguyễn Huy Hồng có Truyền thống sân khấu Huế, Văn Lang có Ca Huế và Ca kịch Huế, Tôn Thất Bình có Dân ca Bình Trị Thiên, Tuồng Huế, Nguyễn Tiến Cảnh chủ biên công trình Mỹ thuật Huế. Năm 1995, Hội nghị quốc tế các chuyên gia về văn hóa phi vật thể xứ Huế đã được UNESCO tổ chức tại Huế với nhiều báo cáo có giá trị về văn hóa phi vật thể xứ Huế.

1.2. Chỉ riêng Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (cơ quan phát ngôn về nghiên cứu lý luận của Bộ Văn hóa - Thông tin) mà trước đây là tờ Nghiên cứu nghệ thuật, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, từ năm 1973 đến nay đã góp phần công bố khá nhiều những công trình nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật Trung Bộ. Năm 1997, tạp chí đã chọn lựa và giới thiệu trong tập sách Văn hóa nghệ thuật Trung Bộ. Cuốn sách đã phản ánh được nhiều phương diện của văn hóa nghệ thuật Trung Bộ, thông qua nhiều công trình của các học giả có tên tuổi. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa năm 1998, tạp chí lại tổ chức hội thảo khoa học về văn hóa nghệ thuật miền Trung.

1.3. Nhìn lại tiến trình sưu tầm và nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Trung Bộ, chúng ta dễ dàng thấy các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung đã đạt được những thành tựu to lớn, cắm được những cột mốc đáng tự hào trên tiến trình này. Hàng trăm công trình đã được công bố. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng đang đặt ra, đòi hỏi các nhà nghiên cứu quan tâm, giải quyết. Chẳng hạn, một công trình có tính chất bao quát toàn bộ, hay một số thành tố văn hóa của vùng văn hóa này đến nay chưa ra mắt bạn đọc, ngoài các chương sách trong hai công trình Các vùng văn hóa Việt Nam của GS. Đinh Gia Khánh và nhà thơ Cù Huy Cận (đồng chủ biên) và Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam do GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên.

2. Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Trung Bộ, chính là nghiên cứu một vùng văn hóa, nghĩa là tìm ra cho được những đặc điểm có tính chất riêng biệt, tác động, tạo ra những nét riêng của vùng văn hóa.

2.1. Nói đến văn hóa nghệ thuật miền Trung, người ta hay nói đến một nền văn hóa mà trong lịch sử nó là nền văn hóa của một quốc gia, những đổi thay của lịch sử đã khiến nó trở thành văn hóa của một tộc người trong 54 tộc người cùng gắn bó với nhau trên dải đất Việt Nam thân yêu. Đó là nền văn hóa Chămpa. Văn hóa nghệ thuật miền Trung, nhìn từ phương diện văn hóa tộc người, như vậy gồm ba ngọn nguồn: văn hóa Chămpa, văn hóa Việt và văn hóa của cư dân các dân tộc ít người. Trong ba ngọn nguồn ấy, ngọn nguồn giữ vai trò chủ đạo, đương nhiên là văn hóa của người Việt.

2.2. Nhìn nhận vai trò của văn hóa Việt ở miền Trung, tôi nghĩ, cần nhìn nhận ở một số các phương diện sau:

- Thứ nhất, người Việt ở miền Trung là những lưu dân đi khai phá vùng đất mới. Nói cách khác, người Việt không là cư dân bản địa ở miền Trung. Gốc gác của cư dân Việt miền Trung không đâu khác, chính là châu thổ sông Hồng. Có thể lấy trường hợp dòng họ Nguyễn Đình của ông Nguyễn Đình Huy, thân phụ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu làm ví dụ. Theo gia phả, tổ tiên của dòng họ Nguyễn này chính ở vùng Kinh Bắc, mãi đến đời thứ sáu mà ông Nguyễn Đình Huy là đời thứ chín, mới vào lập nghiệp ở Thừa Thiên Huế ngày nay. Như vậy văn hóa Việt ở miền Trung, từ Quảng Bình đến Ninh Thuận là văn hóa Việt trên vùng đất mới. Nghĩa là, người Việt phải xử lý hai mối quan hệ trong quá trình tạo dựng nền văn hóa của mình: quan hệ giữa văn hóa Việt và văn hóa của các tộc người cùng cộng cư trên dải đất miền Trung, quan hệ giữa vốn văn hóa mang theo trong tâm thức và mọi điều kiện vùng đất mới.

- Thứ hai, quá trình người Việt khai phá miền Trung khác với quá trình người Việt khai phá châu thổ Bắc Bộ, cũng khác với quá trình người Việt khai phá đồng bằng Nam Bộ. Quá trình khai phá miền Trung của người Việt là quá trình khai phá theo kiểu tiệm tiến, nhích dần về phương Nam. Dải đồng bằng duyên hải miền Trung, thực chất không phải là một đồng bằng hay một châu thổ mà là nhiều đồng bằng nhỏ. Người Việt khai phá dần dần các đồng bằng nhỏ ấy của miền Trung. Bởi vậy, vai trò của các đồng bằng nhỏ ven biển đối với văn hóa Việt miền Trung rất to lớn. Nhưng đồng thời, tiến trình khai phá dần dà từng đồng bằng nhỏ sẽ khiến cho nó có những đặc điểm khác biệt với lịch sử người Việt khai phá châu thổ Bắc Bộ hay đồng bằng Nam Bộ.

- Thứ ba, làng Việt ở miền Trung, mặc dù vẫn mang những nét chung của làng Việt, nhưng lại có những nét riêng. Dù thế nào, làng Việt ở miền Trung vẫn là làng Việt trên vùng đất mới. Quan hệ sở hữu ruộng đất trong làng Việt miền Trung khác với chính quan hệ này trong làng Việt miền Bắc và làng Việt miền Nam. Nếu ở làng Việt Bắc Bộ, đất công rất nhiều, đất tư rất ít, làng Việt Nam Bộ đất tư rất nhiều, đất công rất ít thì làng Việt miền Trung đất công và đất tư, trên cơ bản là bằng nhau. Đặc điểm quan hệ sở hữu ruộng đất ấy trong làng xã, đương nhiên tác động đến khá nhiều phương diện văn hóa, từ chủ thể đến khách thể của văn hóa, từ cộng đồng làng xã, v.v...

- Thứ tư, cư dân Việt trên dải đất miền Trung khác với cư dân Việt trên châu thổ Bắc Bộ ở cái nhìn về biển cả. Tâm thức người Việt châu thổ Bắc Bộ là "xa rừng, nhạt biển" - chữ dùng của GS.TS. Ngô Đức Thịnh nhưng người Việt miền Trung lại không có tâm thức này. Đối mặt với biển cả, hướng ra biển là thái độ khác hẳn của người Việt miền Trung so với người Việt nơi châu thổ sông Hồng. Tác động của thái độ tâm lý này của cư dân đối với nhiều phương diện văn hóa miền Trung không phải là nhỏ.

- Thứ năm, miền Trung trong lịch sử văn hóa Việt Nam vừa giữ vai trò của vùng trung tâm, nhưng lại có thời kỳ giữ vai trò của vùng ngoại vi, trên biên. Bởi vậy, văn hóa Việt ở miền Trung mang cả hai tính chất: vùng trung tâm với vai trò của cố đô Huế và vùng ngoại vi, trên biên với các hóa thạch văn hóa như các nhà nghiên cứu văn hóa đã thừa nhận.

- Thứ sáu là việc giao lưu, tiếp biến văn hóa của người Việt ở miền Trung. Điều dễ nhận ra với vấn đề này là giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa Việt và văn hóa Chămpa. Nhưng điều khó nhận ra lại là trước khi có việc giao lưu và tiếp biến ở Trung Bộ bởi người Việt vào đây khai phá, lập ấp lập làng, việc giao lưu, tiếp biến đã diễn ra trong lịch sử. Trong hành trang văn hóa mà người Việt mang theo vào miền Trung, đã có kết quả của sự giao lưu tiếp biến văn hóa Việt và văn hóa Chăm ở châu thổ Bắc Bộ. Ảnh hưởng của quá trình giao lưu tiếp biến ấy với sự hình thành của văn hóa Việt miền Trung khác nhiều với sự hình thành của văn hóa Việt Nam Bộ.

- Thứ bảy, khi vào khai phá miền Trung, người Việt không chỉ tiếp xúc với người Chăm mà còn tiếp xúc, cộng cư với các dân tộc ít người như Vân Kiều, Cơtu, Cor, Giẻ-Triêng, Bana, Giarai, v.v... Rõ ràng, điều này của người Việt Bắc Bộ khác người Việt Trung Bộ. Nơi châu thổ Bắc Bộ, người Việt sống tập trung trong lòng châu thổ, rìa, quanh châu thổ mới có cư dân các dân tộc ít người. Trong khi đó, ở miền Trung điều này lại không như vậy. Tác động của điều này với quá trình hình thành văn hóa Việt miền Trung sẽ khiến văn hóa nơi đây khác với văn hóa Việt ở Nam Bộ hay Bắc Bộ.

3. Với tiến trình nghiên cứu như vậy, trên cơ sở những đặc điểm tạm gọi là riêng của vùng văn hóa nghệ thuật miền Trung, tôi nghĩ, định hướng nghiên cứu của công tác nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung cần giải quyết một số vấn đề sau:

3.1. Nếu hiện tại cả nước có bốn di sản thế giới đã được UNESCO công nhận thì đã có ba di sản nằm trên dải đất miền Trung, lại là ba di sản văn hóa: cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn. Điều ấy thực đáng tự hào! Với công tác nghiên cứu, đương nhiên tập trung sự nghiên cứu cho ba di sản ấy là cần thiết, nhưng cần thấy văn hóa nghệ thuật miền Trung không chỉ có, không chỉ là ba di sản văn hóa ấy. Nội một điều này đủ thấy trách nhiệm của giới nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung và cả nước với văn hóa nghệ thuật miền Trung nặng nề đến mức độ nào.

3.2. Dẫu rằng công tác nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung, những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng một sự hệ thống, thống kê, đánh giá tiến trình nghiên cứu là cần thiết. Bắt đầu của công việc ấy phải chăng là lập một thư mục nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung. Có trong tay thư mục ấy, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật mới có thể có những bước đi, những quyết sách cho phù hợp với đối tượng nghiên cứu.

3.3. Trong những hướng ưu tiên nghiên cứu trong những năm trước mắt phải chăng nên tập trung vào các vấn đề sau:

- Một là diễn trình lịch sử của văn hóa miền Trung. Từ tiền sử đến sơ sử, văn hóa miền Trung vận động, biến đổi có khác với văn hóa ở Bắc Bộ. Nói cách khác, trên cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, văn hóa ở Việt Nam biến đổi có khác nhau giữa ba vùng: Bắc, Trung, Nam của đất nước. Ở miền Trung, từ tiền Sa Huỳnh đến văn hóa Sa Huỳnh, từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa là sự vận động của văn hóa miền Trung trước khi người Việt vào miền Trung. Sự vận động ấy diễn ra như thế nào, là vấn đề cần tập trung nghiên cứu. Mặt khác, văn hóa Việt ở miền Trung, vừa là văn hóa nơi đất mới, nhưng vừa là vùng ngoại vi, vừa là vùng trung tâm, ắt sẽ có một diễn trình phát triển khác lạ. Vấn đề tiếp biến văn hóa quả còn nhiều lý thú, cần sự quan tâm nghiên cứu.

- Hai là, văn hóa Việt miền Trung gắn với làng xã. Làng xã là cái nôi sinh thành, lưu giữ, phát triển văn hóa. Làng Việt miền Trung, thực ra, cho đến nay chưa có những công trình nghiên cứu thỏa đáng, khái quát được những đặc điểm của làng Việt Trung Bộ để giúp chúng ta nghiên cứu văn hóa nghệ thuật miền Trung.

- Ba là sức sống của văn hóa cổ truyền trong thời hiện đại, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự vận động của văn hóa cổ truyền qua không gian và thời gian có những quy luật của nó. Với một vùng đất vừa có tính chất của vùng ngoại vi, trên biên, vừa có tính chất của vùng trung tâm, tìm ra quy luật của sự vận động ấy là công việc cần thiết không chỉ cho việc xác lập lịch sử văn hóa miền Trung mà cả cho việc quản lý, chỉ đạo văn hóa hôm nay ở miền Trung.

- Bốn là công việc tổng điều tra, kiểm kê di sản văn hóa miền Trung. Công việc này cần được tiến hành vừa khẩn trương vừa khoa học. Có vậy, chúng ta mới xác lập được di sản của các thế hệ tiền nhân để lại mà kế thừa, phát huy để xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở miền Trung.

- Năm là những vấn đề của văn hóa đương đại. Với một vùng văn hóa như miền Trung, những vấn đề của văn hóa đương đại, phải chăng sẽ phức tạp hơn, nặng nề hơn so với các nơi khác. Cái quan trọng hơn cả là tác động của du lịch văn hóa, sẽ khiến miền Trung, nhất là các di sản văn hóa thế giới sẽ tiếp nhận khá nhiều du khách. Du lịch sẽ khiến cho văn hóa miền Trung hội nhập nhanh hơn với thế giới nhưng cũng đặt văn hóa miền Trung trước những thách thức không nhỏ. Công cuộc trùng tu tôn tạo và bảo vệ các di sản văn hóa thế giới cũng không đơn giản. Bởi thiên nhiên vốn chẳng lấy gì làm ưu đãi con người miền Trung.

4. Mỗi vùng văn hóa bao giờ cũng có một tiến trình nghiên cứu và những vấn đề nghiên cứu riêng. Xác lập được những đặc điểm của vùng văn hóa ấy mới xác lập đúng đắn định hướng nghiên cứu. Đó là những công việc rất phức tạp, có ý nghĩa mà ý kiến của chúng tôi mới chỉ là sự tản mạn và suy nghĩ ban đầu. 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng