TRIỀU NGUYÊN
1. Đặt vấn đề[1]
Theo thống kê bước đầu, có 64 tác phẩm, công trình sưu tầm, nghiên cứu dân gian ở địa bàn Thừa Thiên Huế trong thế kỉ XX được in thành sách. Một số lượng có lẽ hơn gấp 10 lần như vậy là những bài báo nghiên cứu cùng vấn đề, được đăng ở các kỉ yếu, hội thảo khoa học, các tạp chí chuyên ngành, các tập san trường đại học, cao đẳng, các tạp chí văn hoá, văn nghệ địa phương (trong và ngoài tỉnh),…
Trên cơ sở của những cứ liệu này, đồng thời, cũng dựa vào lịch sử xã hội, thực tiễn hoạt động của ngành văn hoá dân gian của cả nước và địa phương, có thể chia sự phát triển trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế ở thế kỉ XX, làm bốn thời kì: 1) Thời kì 1901-1945; 2) Thời kì 1945-1975; 3) Thời kì 1975-1989; và 4) Thời kì 1989-2000. Mốc 1945, cuộc Cách mạng Tháng Tám mở ra kỉ nguyên mới cho sự phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó, có văn hoá, khoa học nói chung, ngành nghiên cứu văn hoá dân gian nói riêng; mốc 1945, nước nhà thống nhất; mốc 1989, tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập, sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình thành Bình Trị Thiên, vào thời kì trước đó.
Sự phân chia như vậy có thể tạm chấp nhận khi đặt góc nhìn ở thời điểm cuối thế kỉ, và ít nhiều chịu sự chi phối về địa giới hành chính hiện tại (như tâm lí bình ổn, cố định với địa giới hành chính này,…). Trên thực tế, văn hoá dân gian (và một số lĩnh vực khác, như tâm lí, ngôn ngữ,…) ở Bình Trị Thiên, đặc biệt là Trị Thiên, có sự đồng bộ rất cao (nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian như Tôn Thất Bình, Hồ Quốc Hùng,… nghiên cứu ngôn ngữ như Hoàng Dũng, Võ Xuân Trang,… đã xác định điều này). Việc đồng nhất ấy, ngoài các yếu tố thuộc dân tộc học, vấn đề cơ bản, có lẽ thuộc lịch sử phát triển của vùng đất, trong đó, nhân tố địa hạt hành chính đóng vài trò quan trọng hàng đầu.
Như chúng ta đều biết, tên Thuận Hoá chính thức dùng thay Ô, Lí (vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên hiện nay) năm 1307, thời Trần Anh Tông; và là một đơn vị hành chính hợp nhất. Đến 1466, thời Lê Thánh Tông, vùng đất Quảng Bình hiện nay được nhập vào, thành đạo Thuận Hoá. Vào thời điểm 1776 (năm Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục), xứ Thuận Hoá gồm hai phủ, phủ Triệu Phong (Quảng Trị, Thừa Thiên) và phủ Quảng Bình, do các chúa Nguyễn phân đặt. Đến thời đầu nhà Nguyễn (1802-1827), Thuận Hoá mới được tách ra thành ba dinh “trực lệ”: Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Trị, Quảng Bình; rồi sau đó thì tách hẳn. Và một thế kỉ rưỡi sau, thời kì 1975-1989, Bình Trị Thiên lại hợp nhất thành một tỉnh. Nếu sự đồng nhất về văn hoá dân gian có nguyên nhân từ việc cùng địa bàn hành chính, thì sự phân định vấn đề xuất phát từ đó, là một việc làm không thể nói là không có cơ sở.
2. Tổng quan việc sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian ở Thừa Thiên Huế thế kỉ XX
Trước và đầu thế kỉ XX, một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá ở vùng đất Thừa Thiên Huế được khảo tả trong một số công trình có tính chất tổng hợp, dạng lục, chí, như Ô châu cận lục (Dương Văn An, 1553), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776), Hoàng Việt dư địa chí (Phan Huy Chú, 1883), Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (ba tập sau của Quốc sử quán nhà Nguyễn),… Nhiều ngành, lĩnh vực nghiên cứu có thể tìm thấy ở các bộ sách này những cứ liệu liên quan, ngành văn hoá dân gian tất nhiên cũng có phần, song phần nhiều hơn, hẳn là sử học.
2.1. Thời kì 1901-1945
Ngoài các bộ sách của Quốc sử quán nhà Nguyễn vừa nêu, nhất là Đại Nam nhất thống chí (1910), công trình nghiêng về văn hoá dân gian nhiều hơn cả, sách này đã dành bốn (trên tổng số mười bảy) quyển, để ghi chép về nhiều mặt của vùng đất: thành trì, đền đài, lăng miếu, dinh cơ, chùa chiền, phong tục, thổ sản, nhân vật tiêu biểu,… chưa tìm thấy công trình cá nhân được in thành sách. Bấy giờ, trong nước dường như không có mấy người làm công việc này (Nguyễn Văn Huyên, 1908-1975, là một trường hợp hiếm hoi); ở Thừa Thiên Huế, trung tâm văn hoá, khoa học của cả nước, cũng vậy.
Bù vào đó, Hội Những người bạn Cố đô Huế (Asociation des amis du vieux Hué) ra đời năm 1923 và duy trì hoạt động đều đặn cho đến năm 1944, với tờ tạp chí của Hội (Bulletin des amis du vieux Hué (BAVH), số đầu tiên, ra năm 1984), đã có những bài nghiên cứu về nhiều phương diện của vùng đất. Nhà nghiên cứu hàng đầu của Hội, đồng thời là chủ bút BAVH suốt 30 năm liền, là Léopold Cadière (1869-1955).
L. Cadière nghiên cứu nhiều ngành. Trong số khoảng 170 bài nghiên cứu của ông, có 30 bài đề cập đến những vấn đề mà giới nghiên cứu văn hoá dân gian hiện nay quan tâm. Riêng mảng văn hoá dân gian ở Thừa Thiên Huế, có hơn chục bài. Xin dẫn ra đây một số: “Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt vùng quanh Huế: 1. Việc thờ cây; 2. Việc thờ đá; 3. Việc thờ thần nước; 4. Đá, ụ đất, linh chướng ngại vật khác; 5. Đá trừ và bùa chú” (Bulletin de l’ecole d’exrême orien (BEFEO), số 7, 1918, và số 2, 1919); “Mồ mả của người Việt vùng quanh Huế” (BAVH, 1928); “Di tích và dấu vết Chàm ở Quảng Trị và Thừa Thiên” (BEFEO, số 1-2, 1905); “Túi trầu và túi thuốc của người Huế ngày xưa” (BAVH, 1916); “Nghệ thuật ở Huế” (BAVH, 1919); “Thần kinh” (BAVH, 1916),…
L. Cadière đã có những miêu tả chân thật, sinh động đối tượng nghiên cứu, kèm theo đó, là nhận xét tinh tế, sâu rộng của ông. Thí dụ, đề cập đến đặc điểm đa thần của người Việt nói chung, người Huế nói riêng, ông dẫn chứng, đại ý: lính canh ở sông Ngự Hà thờ Hà Bá thuỷ quan; lính giữ các cửa thành thờ thần chủ trì ở cửa thành mình giữ; lính giữ long xa, long biểu, phù hiệu thờ thần canh sóc vật dụng nơi ấy; kì đài được che chở bởi một vị tiên nương (bàn thờ đặt ngay trụ cờ); các khẩu đại bác đều được một vị thần bảo trợ; voi được thờ ở đền Voi Ré; đến lính coi ngục cũng thờ thần;… (“Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt vùng quanh Huế”). Có thể nói, những tìm tòi của L. Cadière có tính chất tế vi, “vi mô”; và xuất phát từ những miêu tả ở mức tế vi này mà đưa ra những nhận xét, đánh giá đối tượng, tạo nên những khái quát có sức thuyết phục. Ở mặt phương pháp, cách làm này cho phép khép lại quá trình nghiên cứu về một đối tượng (nếu có sự làm lại, thì chỉ làm kiểm chứng hoặc thay đổi những suy diễn, do hạn chế về quan điểm của người nghiên cứu), nó khác với cách đưa ra nhận định, những khái quát có tính chất “vĩ mô”, do người nghiên cứu cảm nhận được, mà một mình ông/bà ta nói nhiều lần vẫn không thấy đủ, nhiều người cùng nói theo cũng vẫn thấy thiếu.
2.2. Thời kì 1945-1975
Có 14 công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian, bình quân hai năm gần một tập: văn học dân gian: 8; âm nhạc, sân khấu truyền thống: 4; và dạng tổng hợp: 2.
Trong 8 công trình về văn học dân gian, ngoài tập tiểu luận Cao học, 7 tập còn lại là những sách sưu tầm ca dao dân ca của Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi, Nguyễn Văn Thích, Trần Việt Ngữ, Thành Duy, Thanh Tùng, sưu tầm truyện cổ của Mai Văn Tấn.
Nổi bật nhất trong số các công trình văn học dân gian thời kì này, là tập Dân ca Bình Trị Thiên, do Trần Việt Ngữ, Thành Duy (1967) sưu tầm, biên soạn, Thanh Tịnh, Trần Việt Ngữ giới thiệu (348 trang, khổ 13 x 19 cm). Sau phần giới thiệu đất nước con người vùng đất và các thể loại dân ca, giá trị nội dung, nghệ thuật của chúng, phần sưu tầm lời ca được chia theo các điệu hò, hát và lí. Phần sưu tầm này chiếm 258 trang, tập hợp được 1366 bài ca (không tính một số dị bản; và phần phụ lục, không tính các lời ca Huế), được chọn lọc thận trọng, chỉnh lí và chú thích khá chân xác. Tuy còn đôi chỗ chưa phù hợp lắm trong sắp xếp, nhìn nhận vấn đề (như đưa một số bài đồng dao vào tập sách, ghi mỗi lời thoại thành một bài độc lập, ngay cả khi chúng được xếp cạnh nhau), đây là một công trình sưu tầm ca dao có giá trị lớn.
Ưng Bình và Nguyễn Khoa Vi là chủ soái và phó soái của Hương Bình thi xã. Hai nhà thơ này không chỉ có công trong sưu tầm ca dao, hò Huế, mà còn từ hơn mười năm về trước và giai đoạn đầu của thời kì này, đã sáng tác lời hò, và tổ chức nhiều cuộc tranh tài hò hát (chủ yếu là hò giã gạo) ở các tụ điểm lớn trong tỉnh, tạo động lực quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tác ca dao dân ca (cả nội dung lẫn quy phạm về mặt thể loại).
Về âm nhạc, sân khấu truyền thống, thời kì này có Ca Huế cổ truyền (Nguyễn Hữu Ba, 1956), Văn chương hát bội: Giá trị văn chương và nghệ thuật của tuồng Sơn Hậu, tiểu luận Cao học (Tôn Thất Bình, 1969), và các công trình về tuồng của Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Châu Kí,… Đối với Tôn Thất Bình, thì năm 1969, năm viết tiểu luận Cao học về hát bội vừa nêu, là mốc khởi đầu cho những tìm tòi về văn hoá, nghệ thuật dân gian của ông, để có được những thành quả sau ngót một phần tư thế kỉ với Tuồng Huế, ra đời năm 1993.
Viết nhiều mặt về vùng đất, cùng thời kì, có hai công trình được nhắc tới nhiều là Cố đô Huế (Thái Văn Kiểm, 1960), và Các dân tộc miền núi Bắc Trung Bộ (Mạc Đường, 1964), một về miền xuôi, một về miền ngược. Đây cũng là hai công trình mở đầu cho một loạt các khảo cứu có tính chất tổng hợp, số địa chí xã huyện vào các thời kì sau.
Những đóng góp của thời kì này rất đáng trân trọng. Nhưng nhìn toàn cục mà xét, thì việc nghiên cứu văn hoá nghệ thuật dân gian mang tính chất tự phát, và ở một số sách sưu tập, người ta quý tấm lòng người sưu tầm, biên soạn hơn năng lực chuyên môn của họ.
2.3. Thời kì 1975-1989
Có 16 công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian, bình quân mỗi năm hơn một tập (gấp đôi thời kì trước): văn học dân gian: 10; âm nhạc, sân khấu truyền thống: 2; lễ hội: 1, văn hoá ẩm thực: 1; và dạng tổng hợp: 2.
Đây là giai đoạn đầu khi đất nước hoà bình, thống nhất sau hơn một thế kỉ chiến tranh, chia cắt bởi hoạ thực dân, và là thời kì Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình hợp nhất thành Bình Trị Thiên. Cùng với sự chuyển đổi, sự hưng phấn của việc xây dựng lại nhiều mặt trong cuộc sống, vấn đề bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống được xiển dương, khích lệ. Nhiều cuộc sưu tầm có quy mô lớn được Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Tổng hợp Huế và Trường Cao đẳng Sư phạm Huế tổ chức, thu thập được cả chục nghìn đơn vị tác phẩm. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học về văn hoá, văn nghệ dân gian được mở ra, như hai cuộc hội thảo của Trường Đại học Sư phạm Huế vào năm 1977 và 1980, của Sở Văn hoá và Thông tin Bình Trị Thiên năm 1981. Nhiều cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng, cuộc thi hát hay đàn giỏi (trong đó đặt trọng tâm là văn nghệ dân gian) được phát động…
Các tạp chí, tập san địa phương như Văn nghệ Bình Trị Thiên (đến 1983, là Sông Hương), Văn hoá Bình Trị Thiên (sau đó là báo Văn hoá và Đời sống (1987-1989) đã dành một số lượng trang đáng kể để đăng một số bài viết về văn nghệ dân gian của Văn Lang, Lê Văn Hảo, Trần Thuỳ Mai, Trần Hoàng, Lương An, Triều Nguyên, Nguyễn Văn Nhĩ, Lê Thị Bích Lộc,…
Trong số 10 công trình về văn học dân gian thời kì này, trừ tiểu luận Cao học của Phạm Bá Thịnh (1981), 9 công trình còn lại đều là những bộ sưu tập. Đó là một phần kết quả của các cuộc sưu tầm vừa nói, như Huế, những giai thoại (Tôn Thất Bình, 1987), Văn học dân gian Bình Trị Thiên (Trần Văn Hối chủ biên, 1988), Ca dao dân ca Bình Trị Thiên (Trần Hoàng chủ biên, 1988),…
Bên cạnh những đoàn sưu tầm của thầy trò các trường đại học và cao đẳng, là việc một mình xâm nhập thực tế để thu nhặt tư liệu của cá nhân người nghiên cứu. Đó là trường hợp Mai Văn Tấn với văn học dân gian các dân tộc ít người, và Triều Nguyên với văn học dân gian vùng đồng bằng phía nam của tỉnh (Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc). Mai Văn Tấn đã cho ra đời ba tập sách sưu tầm: Truyện cổ Vân Kiều (1974), Dân ca Vân Kiều (1979), và Con voi thần (truyện cổ Vân Kiều, Tà Ôi) (1986); Triều Nguyên có Văn học dân gian Hương Phú (1988) và Giai thoại Nguyễn Kinh (vào thời kì liền sau 1989).
Tập truyện thơ dân gian Truyện Mã Phụng - Xuân Hương (1984) dài ngót 4.500 dòng thơ lục bát, được Nguyễn Thạch Giang và Trần Việt Ngữ phiên âm, khảo đính, ra mắt người đọc. Đây là sản phẩm tinh thần chung của người Bình Trị Thiên. Một tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước, sự hiếu thảo và lòng nhân hậu, thuỷ chung, được bền bỉ lưu truyền. Tuy từng được sưu tầm, xuất bản, nhưng đây là văn bản nghiêm túc, đáng tin cậy hơn cả.
Sáu công trình còn lại, chia ra: âm nhạc, sân khấu truyền thống có Truyền thống sân khấu Huế (Nguyễn Huy Đồng, 1986), Tìm hiểu ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên (Văn Thanh, 1989); lễ hội có Lễ hội dân gian Bình Trị Thiên (Tôn Thất Bình, 1988); văn hoá ẩm thực có Món ăn Huế (Hoàng Thị Cúc, 1983); và loại công trình tổng hợp có Huế giữa chúng ta (Lê Văn Hảo, 1984), Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên (Nguyễn Quốc Lộc chủ biên, 1984).
Huế giữa chúng ta (248 trang, khổ 13 x 19 cm) gồm 10 chương: phong cảnh Huế và chung quanh Huế, Huế qua các thời kì lịch sử, truyền thống văn hoá Huế, văn học Huế, nghệ thuật sân khấu Huế, âm nhạc Huế, nghệ thuật múa Huế, mĩ thuật Huế, nghệ thuật sống và phong cách sống Huế, và Huế mình đẹp nhất lòng dân; là tập sách được giới nghiên cứu đánh giá tốt. Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên được coi là thành quả từ đợt xuất quân đầu tiên của các nhà dân tộc học Trường Đại học Tổng hợp Huế. Ngoài chủ biên đã ghi, có Nguyễn Hữu Thông, Trần Văn Tuấn, Dương Đình Khôi, Vũ Thị Việt, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Mạnh. Mỗi dân tộc trong 4 dân tộc anh em ở Bình Trị Thiên (Chứt, Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu) được khảo sát ở các mặt: sinh hoạt kinh tế và văn hoá vật chất, quan hệ xã hội, dòng họ, hôn nhân và gia đình, tín ngưỡng, phong tục, văn nghệ dân gian. Đây là tập sách cần thiết cho bất cứ ai muốn tìm hiểu các dân tộc được đề cập trên địa bàn.
So với thời kì trước, thời kì này có nhiều thuận lợi hơn, như đội ngũ sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian đông đảo và có tay nghề cao, việc sưu tầm, nghiên cứu về cơ bản, được tổ chức chu đáo. Nhưng cũng phải khách quan mà nhìn nhận rằng, ở một số sách sưu tầm văn học dân gian (sản phẩm chiếm 63% số lượng của thời kì), việc chỉnh lí văn bản, hệ thống hoá chúng còn thiếu thận trọng. Chỗ dễ nhận ra nhất, là từ các tập sưu tầm ca dao (hoặc phần ca dao trong bộ sưu tập), có không ít bài “đầu Ngô mình Sở”, và một số được ghi hai lần y hệt nhau, cùng việc nhầm lẫn liên quan đến từ ngữ địa phương, đến việc chú giải,…
2.4. Thời kì 1989-2000
Có 34 công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian, bình quân mỗi năm hơn ba tập (gấp sáu lần thời kì đầu, và gấp ba lần thời kì trước); chia ra: văn học dân gian: 10; âm nhạc, sân khấu truyền thống: 5; mĩ thuật, kiến trúc: 4; lễ hội, tín ngưỡng, phong tục: 4; nghề và làng nghề truyền thống: 1; văn hoá ẩm thực: 2; và các công trình tổng hợp, địa chí: 8. Có vẻ như các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đang tăng tốc để kịp hoàn thành công việc vào cuối thế kỉ, cuối thiên niên kỉ.
Đây là giai đoạn đầu khi tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập, vấn đề văn hoá truyền thống (cả cung đình và dân gian) được đặc biệt quan tâm. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, nhiều cuộc trưng bày, liên hoan được tổ chức, như: “Một số hình ảnh, hiện vật về văn hoá Chămpa trên đất Thừa Thiên” (Nhà Bảo tàng Huế trưng bày, đầu năm 1992); Liên hoan và Hội thảo về “Hát ru các dân tộc Việt Nam” (tháng 8/1992); Liên hoan “Các trích đoạn tuồng hay” (tháng 8/1993); Hội nghị chuyên gia quốc tế về “Bảo tồn và phát triển văn hoá phi vật chất vùng Huế” (tháng 3/1994); Hội thảo “Văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại” (tháng 5/1994); cùng các lễ hội truyền thống (cầu ngư, vật võ,…) được tổ chức. Sự kiện quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại (tháng 12/1993), và hai sự kiện văn hoá khác vào cuối thế kỉ, là thành lập Phân Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế (thuộc Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hoá - Thông tin) tháng 3/1999, và tổ chức Festival Huế 2000 (tháng 4/2000), cùng các cuộc liên hoan, hội thảo trên, tạo nên một không khí sôi nổi, khẩn trương trong việc nghiên cứu văn hoá nói chung, văn hoá dân gian nói riêng.
Đây là thời kì Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức trao tặng thưởng hàng năm cho các tác phẩm, công trình xuất sắc của hội viên; UBND tỉnh tổ chức đều đặn Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô năm năm một lần; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao giải thưởng hàng năm (từ 1993);… Và đây là thời gian đầu hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế. Hội được thành lập vào tháng 7/1991, với 31 hội viên; Ban Chấp hành Đại hội I (1991-1997) gồm Võ Xuân Trang, Tôn Thất Bình, Triều Nguyên, Trần Hoàng, Thái Hùng, do Võ Xuân Trang làm Tổng thư kí. Đến 1993, Võ Xuân Trang chuyển công tác, Tôn Thất Bình được cử làm Tổng thư kí, đồng thời, bầu bổ sung một uỷ viên là Trần Văn Tuấn. Tháng 9/1994, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế sáp nhập vào Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tháng 5/1997, Hội tiến hành Đại hội II (trong khuôn khổ Đại hội VIII Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế)…
Trong số 34 công trình vừa nêu, có 19 công trình do hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế thực hiện (chiếm xấp xỉ 56%), không tính 9 công trình khác của hội viên đóng góp cho khu vực, cho cả nước.
Về văn học dân gian, trong số 10 công trình, riêng Tôn Thất Bình đã chiếm 4: 2 tập in riêng, 1 tập chủ biên, và 1 là luận án Phó tiến sĩ Những đặc trưng của hò Trị Thiên (1995). Hồ Quốc Hùng cũng góp sức vào việc nghiên cứu văn hoá vùng đất với luận án Tiến sĩ Những đặc trưng cơ bản của truyện dân gian vùng Thuận Hoá (2000). Có thể kể thêm: Ca dao xứ Huế bình giải, 3 tập (Ưng Luận, 1991-1883), Hò đối đáp nam nữ Thừa Thiên Huế (Triều Nguyên, 1997),…
Trước đây, đã nêu về Tôn Thất Bình, để “chín” được về tuồng Huế đã mất ngót một phần tư thế kỉ; thì nay, có thêm một trường hợp tương tự: Lê Văn Chưởng đi từ Hò Huế (1970), cũng là một tiểu luận Cao học, đến Đặc khảo về hò Huế (2000), mất đúng 30 năm. Đặc khảo về hò Huế (232 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm) đã soi rọi hò Huế bằng nhiều công cụ, góc nhìn: âm nhạc, thi pháp, thi luật, ngôn ngữ,… Có lẽ đây là công trình tâm huyết và công phu nhất của ông.
Về âm nhạc, sân khấu truyền thống, có các công trình Ca Huế và ca kịch Huế (Văn Lang, 1993), Nhạc cổ truyền Huế (Trần Hữu Pháp, 1996), Cố đô Huế - thơ ca (Thanh Tùng, 1996), và Lí Huế (Dương Bích Hà, 1997). Lí Huế được giới nghiên cứu đánh giá tốt. Cũng ghi nhận ở đây hai công trình sáng tác ca Huế của Minh Khiêm, của Võ Quê, và việc phục chế một số vở tuổng cổ của La Cẩm Vân.
Về mĩ thuật, kiến trúc, đến thời kì này mới có công trình ra mắt, của các tác giả Phan Thuận An, Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Hữu Thông, Chu Quang Trứ,… Lĩnh vực này không có sách chuyên khảo về dân gian. Chất dân gian (hay yếu tố folklore) được rút ra từ vấn đề chung.
Về lễ hội, Tôn Thất Bình cho ra mắt Huế - lễ hội dân gian (1977), trên cơ sở đề tài nghiên cứu cùng tên của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, do Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường quản lí (1993). Có ba công trình về tín ngưỡng, phong tục: Tín ngưỡng dân gian Huế (Trần Đại Vinh, 1995), Tục thờ thần ở Huế (Huỳnh Đình Kết, 1998), và Hôn nhân, gia đình, ma chay của người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru, Vân Kiều (Nguyễn Xuân Hồng, 1998). Tín ngưỡng dân gian Huế (248 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm), có sự phân định hợp lí giữa các phạm trù, phạm vi tín ngưỡng và việc thờ cúng theo giới tính, ngành nghề. Tập sách có những miêu tả chân xác, nhìn nhận thấu đáo vấn đề.
Dạng công trình tổng hợp có đóng góp của các tác giả Nguyễn Đắc Xuân, Trương Thìn, Phan Thuận An,… Đặc biệt, là sự xuất hiện của loại địa chí: Hiền Lương chí lược (Huỳnh Hữu Hiến, 1991), Địa chí Hương Thuỷ (Nguyễn Tú, Triều Nguyên đồng chủ biên, 1998), Địa chí văn hoá làng Mĩ Lợi (Lê Văn Thuyên chủ biên, 1998), và Địa chí văn hoá xã Quảng Thái (Huỳnh Đình Kết chủ biên, 2000). Địa chí Hương Thuỷ (488 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm) là tập địa chí cấp huyện đầu tiên của tỉnh, trình bày đẹp, nội dung được đánh giá tốt.
Nếu thời kì 1945-1975 chỉ quan tâm đến ba lĩnh vực (là văn học dân gian, âm nhạc, và sân khấu truyền thống, thời kì 1975-1989 tăng thêm ba (lễ hội, tín ngưỡng phong tục và văn hoá ẩm thực), thì thời kì này đã đến con số 9 (có mặt lĩnh vực mĩ thuật, kiến trúc, và nghề, làng nghề truyền thống). Đây là những lĩnh vực nghiên cứu văn hoá dân gian cơ bản (của vùng đất). So sánh lượng sách nghiên cứu trên tổng số sách nghiên cứu và sưu tầm, thì ở hai thời kì trước, số sách nghiên cứu chiếm tỉ lệ xấp xỉ nhau, với mức 43%, còn ở thời kì này là 79%. Phương pháp nghiên cứu cũng có những tiến bộ nhảy vọt. Các đối tượng nghiên cứu bước đầu được tiếp cận bằng kiến thức liên ngành, liên bộ môn, nhằm phát hiện những quy luật nội tại hay các thuộc tính vốn có của chúng.
3. Nhận xét, kết luận
Nhìn lại thế kỉ XX, về việc sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian ở Thừa Thiên Huế, có thể thấy rằng:
- Đội ngũ nghiên cứu hầu hết là người địa phương, và phải đến cuối thế kỉ mới hình thành tổ chức Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, có cơ cấu nhân sự khá đầy đủ, tương ứng với các lĩnh vực văn hoá dân gian cần tiếp cận trên địa bàn. Về số lượng, như đã nói, chiếm gần 56% cả thế kỉ (nếu tính thêm 9 công trình của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian trên địa bàn, về cùng vấn đề, nhưng có phạm vi vùng, miền và cả nước, thì tỉ lệ này là 82%). Về chất lượng, tạm dùng giải thưởng để đánh giá, thì chỉ riêng trong sáu năm, từ 1995 đến 2000, và riêng các tác giả là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, với công trình văn hoá dân gian về địa bàn và phạm vi toàn quốc, đã đoạt được 24 giải thưởng (trong đó, giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tính từ giải 3 trở lên: 16; giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật: 4; giải thưởng Cố đô, của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: 4).
- Cho đến gần sát mốc giữa hai thế kỉ XX và XXI mới xuất hiện một số chuyên luận, chuyên khảo, vận dụng kiến thức nhiều ngành, phối hợp nhiều phương pháp, thao tác để tiếp cận đối tượng nghiên cứu, hòng giải quyết cả lí luận lẫn thực tiễn vấn đề. Nhưng những nỗ lực này chưa đủ để làm thay đổi mặt bằng chung phía chủ thể nghiên cứu, chưa tạo được những nhà nghiên cứu có tầm vóc và uy tín nghề nghiệp lớn, cũng như chưa có được một cây bút lí luận, phê bình cho ngành. Hầu hết các tên tuổi đã nêu, việc nghiên cứu văn hoá dân gian chỉ là nghề tay trái, hoặc một phần của nghề tay trái, lắm khi làm theo thời vụ, làm khi nhân tiện,…
- Những gì mà đội ngũ sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian đạt được trong thế kỉ XX, chỉ mới dừng ở mức cơ bản. Đối với các công trình sưu tầm, cần tiến hành bước tiếp theo là tinh lọc xác minh, sưu nhặt bổ sung và hệ thống hoá các văn bản có được theo từng thể loại. Đối với các công trình nghiên cứu, cần có sự đánh giá, phân loại để phát huy tác dụng, để có những nghiên cứu chuyên sâu và tránh việc sao chép.
- Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, cần có kế hoạch với Hội Trung ương cung cấp các tài liệu chuyên ngành, các thông tin nghề nghiệp cho hội viên; ấn hành đều kì và nâng cao chất lượng Tập san Nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế; tổ chức góp ý, thẩm định bản thảo cho hội viên;… Nói chung, trong mục tiêu phấn đấu của mình, Hội cần đặt vấn đề trọng tâm, là làm sao để có được một đội ngũ vừa tinh chuyên vừa tâm huyết với ngành.
T.N
Tài liệu tham khảo:
Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, “Báo cáo tình hình hoạt động và phương hướng nhiệm kì tới của Hội”, Văn bản Đại hội I (7-1991), Đại hội II (5-1997), Đại hội III (2-2000).
Lê Trung Vũ (1997), “50 năm thăng trầm của lễ hội truyền thống”, trong: 50 năm sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn hoá, văn nghệ dân gian (Kỉ yếu hội thảo khoa học), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 100-114.
Nguyễn Chí Bền (2000), “Văn hoá nghệ thuật miền Trung, nghĩ về định hướng nghiên cứu”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 4 (190), tr. 50-56.
Nguyễn Xuân Kính (1997), “50 năm sưu tầm, nghiên cứu văn học - văn nghệ - văn hoá dân gian”, trong: 50 năm sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn hoá, văn nghệ dân gian (Kỉ yếu hội thảo khoa học), sđd., tr. 46-68.
Tô Ngọc Thanh (1997), “50 năm sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam”, trong: 50 năm sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn hoá, văn nghệ dân gian (Kỉ yếu hội thảo khoa học), sđd., tr. 85-91.
Tôn Thất Bình (1995), “Tình hình hoạt động văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế hai mươi năm qua”, Tập san Nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế số 12-1995, tr. 9-14.
Triều Nguyên (2000), “Hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế trong giai đoạn phát triển của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam”, Tham luận tại Đại hội IV, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tháng 5-2000, Hà Nội.
---------------------------------
[1] Bài này đã in trong: Nhiều tác giả (2001), Một thế kỉ sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian (Kỉ yếu hội thảo khoa học, do Bảo tàng Dân tộc Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, năm 2000), Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 442-466; Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế), số 4, 2000, tr. 26-37; Tập san Nghiên cứu Văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế (Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế), số 12-2000, tr. 3-18.
Bài này vốn mang tên “Một thế kỉ sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế”. Tên ấy đặt vào tập sách Một thế kỉ sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian, sđd., ra đời vào thời điểm 2001 thì phù hợp, các tạp chí, tập san cũng vậy, nhưng khi tách thành bài độc lập, thì cần xác định (chẳng hạn, thế kỉ ấy là thế kỉ nào?), do đó, ở đây đã sửa lại. Bài do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đặt viết, vào đầu năm 2000; bấy giờ, với vai trò Tổng thư kí Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế (tương tự chức Chủ tịch của Hội này từ 2005 trở về sau), tôi nhận làm, dù rất tốn thời gian. Khi in ở sách vừa nêu (552 trang khổ 14,5 x 20,5 cm), phải mất 25 trang; ở đây, bài viết được lược bớt một số đoạn của phần sau, và phần phụ lục để chỉ còn lại 10 trang.